Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2016

Cồng và Chiêng có khác nhau không?

Phụ nữ Mường đánh Chiêng. Ảnh Internet.

Trong entry "Tiếng cồng chiêng" mới đây, ông bạn dungNobita (tôi hay gọi là cụ Nô) đã vào comment: "Chiêng" đồng nghĩa và gần gũi về âm với "chinh" trong Hán tự. "Cồng" đồng nghĩa và [lại] rất gần về âm với "gong" trong tiếng Tây. Người Tây nguyên vốn xa lạ với nguồn Hán, Tây - vậy hai chữ cồng chiêng trong ngôn ngữ của họ ra sao?.

Ý của cụ Nô rất hay, có thể chỉ "gói gọn" trong việc tìm hiểu ý nghĩa, gốc tích của hai chữ "Chiêng" (Việt), "Chinh" (Hán tự), hoặc "Cồng" (Việt), "Gong" (Pháp ngữ), hoặc trong ngôn ngữ của người thiểu số Tây nguyên họ gọi Cồng và Chiêng ra sao? May tôi cũng có đầy đủ trong tay các quyển từ điển liên quan, kể cả từ điển Việt-Giarai, Nhưng nếu chỉ tra từ ngữ viết như thế nào tôi thấy cũng gần như bằng không, chẳng nói lên được điều gì, Vấn đề cụ Nô nêu lên có vẻ đơn giản, nhưng lại khá phức tạp. Muốn hiểu được đôi chút (dù sơ sài) về vấn đề này, tôi nghĩ phải theo một hướng khác, cụ thể hơn. Tôi xin theo hướng đó chép ra đây cách tiếp cận vấn đề mà cụ Nô đã thắc mắc.

Trước khi tìm hiểu ý nghĩa của từ Cồng Chiêng trong từ điển, tôi thử tìm hiểu xem ý nghĩa, cách gọi của chiếc Cồng Chiêng Tây nguyên trong cuộc sống hiện nay ra sao?

Tôi tra trong một số trang mạng, thấy trang Unesco Vietnam có bài phỏng vấn nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (ngày 28-2-2011), có ý kiến liên quan của ông đáng chú ý, có thể giải thích cho câu hỏi tôi vừa nêu:

Ông Bùi Trọng Hiền cho biết:

"Đồng bào Tây nguyên có những tộc người phân biệt rất rõ loại này gọi là Chiêng, loại kia gọi là Cồng, đồng bào gọi tên riêng là Ching hoặc Chêng, hay Goong... Nhưng cũng có những tộc người không phân biệt mà gọi theo một tên chung. Người Kinh có thói quen gọi nhạc cụ có núm là Cồng, và nhạc cụ mặt bằng là Chiêng...".

Qua ý kiến trên, ta có thể thấy, người Kinh hiện nay có thói quen phân biệt giữa Cồng và Chiêng, loại có núm ở giữa được gọi là Cồng, loại không có núm được gọi là Chiêng. Nhưng đối với dân tộc Tây nguyên thì họ gọi tùy theo tộc người, có nơi phân biệt gọi Chiêng là Ching hoặc Chêng, Cồng là Goong... Nhưng cũng có tộc người không phân biệt chỉ gọi bằng một tên chung.

Cồng (có núm phía trên) và Chiêng (không có núm phía dưới) theo cách gọi phổ biến ngày nay. Ảnh Internet.

A. Lịch sử, nguồn gốc và phân bổ của Cồng Chiêng:

Các nghiên cứu cho thấy Cồng Chiêng đã được sử dụng rất lâu đời trong các dân tộc ở Việt Nam, từ người Mường ở phía Bắc, cho đến các tộc người thiểu số Tây nguyên ở cao nguyên Trung phần, người Chăm ở duyên hải miền Trung, và người Khmer ở vùng Nam bộ. Trên hoa văn của các trống đồng Đông Sơn, Ngọc Lũ có niên đại 700-100 năm TCN, tìm được khá nhiều ở nước ta đã thấy những hình khắc nổi của những giàn Cồng Chiêng, hình khắc người đánh cồng. Như vậy ta có thể kết luận, nếu Cồng Chiêng không ra đời trước trống đồng, thì ít ra cũng phải có niên đại cùng thời với trống đồng, nghĩa là cách nay không dưới 2700 năm.

Hình khắc người đánh Cồng Chiêng trên trống đồng. Ảnh Internet.

Đến đây ta có thể nêu một câu hỏi nhỏ: 2700 năm trước dân tộc Việt đang ở thời kỳ nào?

Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, 18 đời vua Hùng ở nước ta bắt đầu từ năm 2879 TCN cho đến năm cho đến năm 258 TCN. Mười tám đời vua kéo dài 2621 năm, như thế trung bình mỗi đời vua Hùng trị vì đến 145 năm thì thực vô lý. Một quyển sử khác là Đại Việt sử lược đã ghi chép về các vua Hùng như sau:

"Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-683) TCN ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật quy phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương đóng đô ở Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối thắt gút.

Truyền được 18 đời đều xưng là Hùng Vương".

Như vậy ta thấy, vào đời nhà Trang Vương nhà Chu (696-683) TCN, ở nước ta bắt đầu 18 đời vua Hùng kéo dài đến năm 258 TCN, tức là 18 đời vua Hùng trị vì 438 năm, mỗi đời vua Hùng trung bình trị vì 24 năm là hợp lý. Đời nhà Chu bắt đầu từ năm 696 TCN đến nay đã được khoảng 2700 năm.

Như thế ta thấy Cồng Chiêng đã được sử dụng cùng thời với trống đồng, mà niên đại của trống đồng Đông Sơn có cách nay cũng khoảng 2700 năm, cùng thời với các đời vua Hùng. Ta có thể thấy Cồng Chiêng ít ra đã được sử dụng từ thời Hùng Vương đến nay.

Cùng với các tộc người tại Việt Nam, người ta thấy Cồng Chiêng còn được hầu hết các dân tộc tại khu vực Đông Nam Á sử dụng, như Lào, Cam Bốt, Thái Lan, Miến Điện, Phi Luật Tân... Như vậy Cồng Chiêng được sử dụng phổ biến tại khu vực Đông Nam Á, và không tìm thấy ở nơi nào khác. Tuy cách sử dụng Cồng Chiêng của từng dân tộc có khác nhau, nhưng nhìn chung về hình dáng, âm thanh, diễn tấu của Cồng Chiêng đều có những nét tương đồng. Có thể kết luận rằng Cồng Chiêng là sản phẩm của các dân tộc có nền văn minh Đông Nam Á.

Cồng Chiêng trong dân tộc Tây nguyên. Ảnh Internet.

B. Cồng Chiêng đối với các dân tộc tại Việt Nam:

Như đã biết, suốt chiều dài một ngàn năm Bắc thuộc, Việt Nam là một quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, của Nho và Lão. Nhưng qua những nghiên cứu về lịch sử, khảo cổ, văn hóa... thì đấy chỉ là những yếu tố phụ thuộc, không phải là những yếu tố chính của người Việt. Nếu Nho giáo chủ trương Quân - Thần, trung với vua chứ không phải trung với quê hương, đất nước (Khổng Tử lúc sinh thời đã đi khắp các nước để tìm phò minh quân), thì người Việt lấy làng xã, bản làng, đất nước làm nền tảng. Đặc biệt là tín ngưỡng Đông Nam Á đã hiện diện từ ngàn xưa trong cuộc sống, trong tâm thức của người Việt, như tục thờ Thánh mẫu, sự tôn thờ các nữ thần. Trong các hội hè dân gian vẫn còn in rõ những dấu vết của nền văn hóa, văn minh Đông Nam Á, như đua thuyền, các dấu vết của thờ cây, thờ đá, thờ thần núi, thần sông, các nghi lễ mang đậm tính phồn thực... khác hẳn với nền văn minh Nho giáo.

Ở Việt Nam, ta thấy Cồng Chiêng được sử dụng phổ biến từ Bắc xuống Nam, phía Bắc chủ yếu nơi người Mường (những nghiên cứu cho biết người Mường có nguồn gốc rất gần với người Kinh, có thể nói đây là người Việt cổ), phía Nam nơi các dân tộc thiểu số như Bana, Giarai, Êđê, Xê đăng, Racglai, Mạ, Chăm, người Khmer Nam bộ... Mục đích, ý nghĩa của việc sử dụng Cồng Chiêng là trong giao tiếp cộng đồng, trong những lễ hội, tang ma, tín ngưỡng...

Từ Chiêng, trong bản dịch của tự điển Việt - Bồ - La (Alexandre de Rhodes - 1651), do nhóm Thanh Lãng dịch.

C. Ý nghĩa của Cồng Chiêng qua từ điển các loại và các thời kỳ:

1. Từ điển Việt-Bồ-La (Alexandre de Rhodes - 1651): Bản dịch tiếng Việt của nhóm Thanh Lãng.

- Chiêng, cái Chiêng: Một thứ chuông Đông phương ở giữa có vú.

Không có chữ Cồng.

2. Đại Nam Quấc âm tự vị (Huình Tịnh Của, Saigon - 1895, 1896):

- Chiêng: Đồ đúc bằng đồng giống cái nón cụ, chính giữa có cái nuốm là chỗ đánh; hiệu lịnh việc binh.

Trong Đại Nam Quấc âm tự vị cũng không có chữ Cồng để chỉ cái Chiêng.

3. Việt Nam tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức, Hanoi - 1931):

- Chiêng: Do chữ Chinh . Đồ nhạc khí đúc bằng đồng, hình tròn, giữa có cái núm, có nơi gọi là cái bu-lu.

- Cồng: Cái Chiêng nhỏ, dùng để rao, tuyên truyền hiệu lệnh ở trong một làng hay một xóm.

4. Tự điển Việt Nam Phổ thông (Đào Văn Tập, Saigon - 1951):

- Chiêng: Nhạc khí bằng đồng, hình giẹt mà tròn, giữa có núm để đánh ra tiếng.

- Cồng: Thứ Chiêng nhỏ để ra hiệu lệnh.

Trên đây là những quyển từ điển Tiếng Việt xưa, nói chung giữa Chiêng và Cồng không phân biệt rõ ràng.

5. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên -1997):

- Chiêng: Nhạc khí gõ không định âm, bằng đồng, hình tròn, có núm ở giữa, đánh bằng dùi mềm, âm thanh vang dội.

- Cồng: Nhạc khí gõ không định âm, bằng hợp kim đồng, hình dáng giống như cái Chiêng nhưng không có núm, dùng để phát hiệu lệnh.

6. Từ điển Mường - Việt (Nguyễn Văn Khang chủ biên - 2002):

- Chiêng: cái Chiêng.

7. Từ điển Việt - Chăm (Inưlang Pịêt - Chăm - 1996):

- Chiêng: cheng, chêng.

Không có chữ Cồng.

7. Từ điển Chàm - Việt - Pháp (Gerard Moussay - Ninh Thuận - 1971):

- Cêng: Chiêng (tiếng Việt), Gong (tiếng Pháp). Kèm theo hình vẽ cái chiêng có núm ở giữa.

Không có chữ tương đương với Cồng.

8. Từ điển Việt - Giarai (Rơmah Dêl - 1977):

- Chiêng: ěing, ěêng. Trong tiếng Giarai thì chữ ě được đọc như ch của tiếng Việt, như vậy để chỉ cái Chiêng tiếng Giarai nói Ching, Chêng.

- Cồng: mung ěing, ěêng mung. Như vậy so với từ Chiêng, thì từ Cồng trong tiếng Giarai ngoài từ ěing. ěêng (Ching, Chêng) còn thêm từ "mung", chưa tra được nghĩa của từ "mung".

Đối với người Giarai, tuy họ phân biệt giữa Chiêng và Cồng, nhưng ta thấy chủ yếu họ vẫn gọi là ěing. ěêng (Ching, Chêng), chỉ thêm từ "mung". Có thể từ "mung" là để chỉ cái núm ở giữa Ching, Chêng chăng?

9. Từ điển Hán - Việt (Trần Văn Chánh - 2005):

- Chinh : Cái Chiêng (thời xưa dùng để gõ khi hành quân), âm Bắc Kinh Zhêng.

10. Từ điển Pháp - Việt (Đào Duy Anh - 1957):

- Gong: Cái Chiêng.

11. Từ điển Pháp - Việt (Thanh Nghị - 1961):

- Gong: Cái lệnh, kiểng, cồng. (hình vẽ kèm theo là cái Chiêng treo trên giá loại không có núm).

12. Từ điển Annamite - Français (Jean Bonet - 1899):

- Chiêng : gong; clochette.

Không có chữ Cồng.

Từ Chiêng  trong Từ điển Annamite - Francais (Jean Bonet - 1899).

Qua những tra cứu bên trên ta có thể thấy:

Từ Chiêng là một từ tiếng Việt rất cổ, đã được ghi nhận trong Từ điển Việt-Bồ-La của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (1651), theo mô tả là "Một thứ chuông Đông phương ở giữa có vú", ta có thể hiểu ngày nay là để chỉ cái Cồng (loại Chiêng có núm ở giữa).

Xem các từ điển tiếng Việt khác, ta thấy Đại Nam Quấc âm tự vị ngoài chữ Chiêng thì không có chữ Cồng (nhưng mô tả thì Chiêng chính là Cồng), Việt Nam tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức) và Tự điển Việt Nam Phổ thông (Đào Văn Tập), ngoài ghi nhận Chiêng là loại nhạc khí gõ bằng đồng tròn có núm, thì Cồng chỉ là thứ "Chiêng nhỏ". Tự điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), ghi nhận Chiêng theo như các từ điển cổ (Chiêng được ghi là loại có núm ở giữa), còn Cồng thì không có núm, ngược với một cách hiểu thông thường bây giờ (Cồng là loại có núm, còn Chiêng thì không có núm).

Người Mường là dân tộc có sử dụng Cồng Chiêng (thường do phụ nữ sử dụng loại Chiêng có núm ở giữa), Tự điển Mường - Việt cũng chỉ ghi nhận từ Chiêng, không có từ Cồng. Người Chăm cũng thế, tự điển Việt - Chăm, Chăm -  Việt cũng chỉ ghi nhận từ Cheng, Chêng, hoặc Cêng.

Ta có thể thấy từ Chiêng theo như cách gọi của người Việt, là từ để chỉ một loại nhạc khí tròn bằng đồng (có núm ở giữa) từ xưa đến nay. Như ta đã thấy, cách gọi này tương ứng với cách gọi của các dân tộc khác trong vùng theo nền văn minh Đông Nam Á. Như vậy người Việt gọi là Chiêng có phải là từ chữ Chinh theo như âm Hán - Việt không? Chẳng hạn như Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức đã ghi nhận?

Theo thiển ý thì tôi nghĩ không phải. Bởi như ta đã biết, Cồng Chiêng là sản phẩm của nền văn minh Đông Nam Á, tên gọi đã thống nhất giữa một số dân tộc, trong đó có các dân tộc Việt, và theo những hình khắc trên trống đồng thì Cồng Chiêng đã được sử dụng ít nhất cách nay 2700 năm, trước thời gian nước ta bị phương Bắc đô hộ. Người Hán đô hộ nước ta vào năm 111 TCN, nghĩa là cách nay 2111 năm. Sản phẩm đã được sử dụng thì chắc chắn phải có tên gọi, và như ta cũng đã thấy, tên gọi Chiêng (người Việt xưa, người Mường), Cheng, Chêng, Cêng (Chăm), hay ěing, ěêng (Ching, Chêng tiếng Giarai), là thống nhất về âm. Mà tộc người Chăm hay tộc người Giarai, rõ ràng xưa nay không chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hán.

Hiểu như thế ta có thể đặt câu hỏi ngược lại, vậy từ Chinh (Hán - Việt), âm Bắc Kinh là "zhêng" là từ chữ Chiêng mà ra? Khi người Hán bắt đầu xâm chiếm nước ta từ năm 111 TCN? Hoặc giữa Chiêng và Chinh (zhêng) có cùng một nguồn gốc? (Gốc tich Lạc Việt một trong Bách Việt, là người Việt cổ đại sử sách cho biết ở miền nam sông Dương tử, nay thuộc Trung Hoa). Hoàng đế Quang Trung đã từng có ý định cầu hôn để mưu tính đòi lại phần đất lưỡng Quảng của người Việt xưa?. Đây lại là một vấn đề khác chắc cũng không kém phần phức tạp.

Riêng về từ Cồng, có phải từ chữ Gong trong tiếng Pháp mà ra không? Qua những tra cứu trên thì tôi thiển nghĩ Cồng là từ Gong mà ra. Có lẽ sau khi người Pháp đến vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, họ mới biết đến cái Chiêng, nghe đánh Chiêng, và họ đã đặt tên cho nó là Gong. Từ chữ Gong tiếng Pháp người Việt gọi thành Cồng, và từ Cồng chỉ xuất hiện về sau này, ban đầu với nghĩa không phân biệt rõ ràng với Chiêng, sau này Cồng mới được phân biệt với Chiêng như ta đã biết trong cách gọi của tiếng Việt ngày nay.

Hy vọng bài viết có tính cách sơ khai này giải tỏa được phần nào những thắc mắc của cụ Nô. Cũng mong sẽ giúp ích được chút gì cho các bạn nếu có dịp đến Tây nguyên nghe Cồng Chiêng.

P/s: 

Một thông tin khác khá hay tôi mới tra được trong Từ điển Khmer - Việt (Hoàng Học-1979), người Khmer gọi Chiêng là Kôông, đánh Chiêng là Kôông thum.

Như vậy ta có thể đặt câu hỏi chữ Cồng trong tiếng Việt có phải là từ chữ Kôông tiếng Khmer mà ra? rất có thể, bởi ta đã biết trong ngôn ngữ tiếng Việt có rất nhiều từ có nguồn gốc từ tiếng Khmer, và ta cũng có thể nêu một câu hỏi khác, chữ Gong (âm đọc là Gông) trong tiếng Pháp cũng có thể từ chữ Kôông Khmer mà ra?



Tham khảo:

- Nhạc khí dân tộc JRai và Bahnar, Đào Huy Quyền, NXB Trẻ - 1998.

- Những mảng màu văn hóa Tây nguyên, Ngô Đức Thịnh, NXB Trẻ - 2007.

- Bản sắc Văn hóa Việt Nam, Phan Ngọc, NXB Văn Học - 2002.

- Những sách về lịch sử và tự điển đã dẫn trong bài.




  

16 nhận xét :

  1. Nể bác thật. Tra cứu từng ấy cuốn sách để tìm cho ra nghĩa gốc của Cồng và Chiêng. Đọc bài trước kết hợp với bài này tự nhiên lão cũng muốn viết về tiếng Cồng ở quê hương mình thời niên thiếu đang vọng về. Tiếng Nghệ gọi là Coong ( Hai chữ ô có dấu huyền - gõ chữ này không được trên phím ). Cồng dùng làm hiệu lệnh khi đi mái. ( Tiếng Nghệ đi mái tức là đi săn ). trong không gian rừng núi , tiếng cồng vang xa và ngân lên rất khó quên...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi mới bổ sung thêm từ Kôông của tiếng Khmer. Tra trong từ điển Khmer Việt thấy người Khmer gọi Chiêng là Kôông, rất gần với âm Cồng. Như vậy có nhiều phần Cồng theo cách gọi của người Việt là từ Kôông của người Khmer mà ra.

      Tiếng Nghệ của Lão gọi là Cồông. Ở đây có lẽ cũng cần phân biệt đôi chút về chiếc Cồng trong giàn nhạc Cồng Chiêng là nhạc cụ, cái cồng này rất chú trọng đến âm thanh, còn những chiếc gọi là Cồng chủ đích ngày trước để đánh làm hiệu lệnh trong việc quân, hoặc hiệu lệnh khi đi mái (đi săn) như Lão Tân cho biết, thì không phải là nhạc cụ, người ta tạo ra chỉ cốt có tiếng vang xa làm hiệu lệnh thôi, không cần phải chỉnh âm tinh tế như chiếc Cồng Tây nguyên.

      Lão viết một bài về tiếng Cồng quê hương đi.

      Xóa
  2. Ui ! Em phải công nhận anh Hiệp thật hay vì đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu và viết bài này để giới thiệu cho bạn bè biết về nền văn hóa của người dân tộc thiểu số ở nước mình . Bài viết thật hay với hình ảnh và lời diễn giải thật độc đáo . Em thì mù tịt luôn , được học hỏi thêm để có kiến thức mở rộng về nền âm nhạc của những người dân vốn có cuộc sống thật giản dị và mộc mạc trên đồi núi này quả là vô cùng thú vị đó cơ ...

    Ý mà anh Hiệp ơi , sao người dân tộc thiểu số này họ không nói được tiếng Việt mình nhỉ ? Em nhớ có một lần trên chuyến bay về VN , có một em sinh viên qua Pháp học rồi về VN thăm gia đình . Em bắt chuyện với cô ấy . Cô ấy trả lời bằng tiếng Pháp với em là không biết nói tiếng Việt ? Em hỏi cô ta sống ở đâu ? Cô ta trả lời ở Cao Bằng ! Ngộ thật anh nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, có những điều tưởng chừng như đơn giản nhưng khi có tài liệu để tìm hiểu thì thấy không đơn giản chút nào đó NangTuyet. Mà tôi thích thế, bởi đầu óc mình còn phải suy nghĩ, đỡ ù lì.

      Ô, chuyện em sinh viên người thiểu số nào đó hay đấy, ở chỗ cô ấy không nói được tiếng Việt, ở đây tôi có một vài nhận xét:

      - Ngày xưa tôi ở trong làng Thượng, chỉ những người già mới không nói được tiếng Việt, còn giới trẻ tuy ít tiếp xúc với người Kinh nhưng đều nói được, có thể không rành rẽ thôi.

      - Cô sinh viên mà NangTuyet nói chuyện ở Cao Bằng vậy cô ấy thuộc tộc người Dao, H'Mong, Tày, Nùng, hay Mường... rồi tại sao không nói được tiếng Việt? Cô ấy còn trẻ là sinh viên (du học sinh mới qua sau khi học hết trung học, đại học tại VN?), nếu thế thì phải biết tiếng Việt. Trường hợp đã qua Pháp từ còn nhỏ khi chưa rành tiếng Việt mới có thể không nói được thôi. hay cô ấy cũng thuộc "típ" người Việt (cho dù nguồn gốc thiểu số) không muốn nói tiếng Việt ở nước ngoài ngay cả với người Việt? Đúng là ngộ thật.

      Xóa
    2. Oh ...mà lạ lắm anh Hiệp ! Hình như cô ta cũng không muốn nói chuyện nhiều . Nói chuyện mà cứ cúi đầu xuống mãi thôi , mà nói tiếng Pháp cũng lí nhí trong miệng ......Cô nhỏ thó , không cao ráo nhưng trắng trẻo và mang nét người dân tộc Thái thì phải . Còn việc nói tiếng Pháp thì ông xã em cho rằng không chuẩn lắm , thế nên em nghĩ là cô ấy không sinh ở Pháp đâu . Có thể cô ta nói tiếng Việt không rành nên không dám nói chăng ? Mù tịt anh ạ ...hihi ...

      Xóa
    3. Hì hì, sinh viên du học sinh mà tiếng Ta không rành, tiếng Tây cũng không thông, chẳng hiểu sao đó NangTuyet :-)

      Xóa
  3. 1- Sự khác nhau giữa cồng và chiêng không đơn giản. Lâu nay bu tui yên chí cồng có núm vú, còn chiêng thì không. Gần đây có tài liệu bảo, có loại chiêng cũng có vú. Đến đây bắt đầu rắc rối.
    2- Người kinh (Việt) và người Lào làm ra cồng chiêng cung cấp cho người Tây Nguyên. Người sử dụng làm cho cồng chiêng nổi tiếng, được thế giới biết đến và tôn vinh, còn người sản xuất ra nó không được như vậy. Trong lễ hội dân gian có người hô “khởi chinh cổ” tức là đánh chiêng trống. Trống và chiêng ở đây không thành hòa tấu siêu việt như cồng chiêng Tây Nguyên. Nhạc sĩ tài hoa Hoàng Vân có ca khúc rất hay “Nổi trống lên rừng núi ơi” tức là ông quên mất tiếng chiêng rồi chăng?
    3- Sách vở và các trang mạng cứ nói chung chung về cồng chiêng chớ không chịu nói riêng ra mỗi thứ nó như thế nào. Chẳng hạn, “với người Việt hai nhạc khí này được gọi bằng rất nhiều tên: Lệnh, La, Thanh La, Đồng La, Mã La, Cồng, Chiêng
    Đồng Chiêng, Phèng, Phèng La, Phèng Phèng…Cách gọi thiếu rạch ròi ấy đã gây ra những khái niệm mơ hồ, phức tạp, không phân định riêng cồng và chiêng”.
    4- Các nhà nghiên cứu khuyến cáo nên học tập người Xtiêng để gọi hai loại khí nhạc này, với người Xtiêng thì cái có núm vú gọi là “Gông” (cồng) , loại không núm vú là “ching”(chiêng) đừng có thêm ngoại lệ nào nữa như bu nói ở phần 1


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là có quá nhiều tên gọi nói chung cho bộ gõ bằng đồng, như bác Bu đã cho biết bên trên, và cũng như bác Bu cho biết, thông thường người ta hay gọi lẫn lộn.

      Tôi cũng có ý nghĩ giống như bác Bu, cần phải rạch ròi về tên gọi:

      1. Trong giàn Cồng Chiêng của tộc người thiểu số, ta có thể phân định rõ như cách hiểu của giới chuyên môn hiện nay, là chiếc Cồng là loại có núm (vú) ở giữa, còn Chiêng là loại bằng không có núm. Giàn Cồng Chiêng của người thiểu số có đặc điểm đó là "nhạc cụ", âm thanh được chỉnh "chuẩn" theo giàn nhạc, chứ không phải gõ vào phát ra tiếng kêu là được.

      2. Còn các tên gọi khác như Lệnh, La, Thanh La, Phèng, Phèng La... tôi thấy có cái không phải là nhạc cụ (như Lệnh), tuy cũng bằng đồng hình dạng có thể giống Cồng Chiêng, gõ cũng kêu như Cồng Chiêng, nhưng đó là loại chỉ cốt gõ phát ra tiếng kêu to để nhằm vào một mục đích khác, như ra hiệu lệnh cho quân lính, không cần một âm thanh chuẩn phối hợp với nhau như trong giàn Cồng Chiêng.

      La, Thanh La, Phèng, Phèng La... tôi cũng thấy tương tự. Trong đám ma của người Hoa trong giành nhạc bát âm của họ, người ta cũng hay dùng những Phèng, La... trông tực như cái Chiêng, dùng dùi đánh vào, hoặc hình dáng tựa như 2 cái nắp vùng đập vào nhau phát ra âm thanh. Như tôi cũng thấy những âm thanh này không có hòa âm, chỉ theo một nhịp điệu đệm cho giàn bát âm nghe chát chúa, chứ không có giai điệu, tiết tấu như giàn Cồng Chiêng của người thiểu số.

      Nói tóm lại, Cồng Chiêng chỉ nên gọi riêng cho bộ gõ bằng đồng của người thiểu số trong giàn Cồng Chiêng của họ.

      Xóa
  4. Rất cám ơn bác Hiệp đã công phu khảo sát. Cũng cám ơn mọi người bình luận cho rõ vấn đề, nhất là ý kiến bác Bu. Tôi chỉ xin góp thêm về tục ngữ, ca dao miền Bắc. " Lệnh ông không bằng cồng bà". Như vậy có loại để làm hiệu lệnh là cái Lệnh và cái Cồng. Nhưng Ông tưởng oai mà lại thua Bà. Như vậy Cồng là một nhạc khí để làm hiệu lệnh, thông báo. Liêt sĩ tiểu đoàn phó Trung đoàn Tây Tiến khi còn sống sáng tác bài hát :"Tiếng cồng quân y" ở Hòa Bình, nói về khi một chiến sĩ hi sinh, Quân y đánh cồng để báo hiệu. Nhân dân đem chiếu hoặc lấy tre đan để khâm liệm, Còn Chiêng cũng là một loại nhạc khí. Chiêng từng được dùng trong chiến trận xưa. Khi viên tướng chỉ huy ra lệnh tiến thì thúc trống; ra lệnh lùi thì "khua chiêng thu quân". Chiêng có thể rất to và nặng. Chả thế mà có bài ca dao : Chồng em vừa xấu vừa đen/ Vừa kém con mắt vừa hèn chân đi/Chồng em rỗ sứt rỗ sì/ Chân đi chữ bát, mắt thì ngưỡng thiên/ Bao giờ cho đến thags Giêng/ Bắt chồng em đến khiêng Chiêng cho làng.
    Bàn góp với các bác cho vui! Xin cám ơn bác Hiệp!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Vũ Nho đã vào xem và comment rất thấu đáo. "Lệnh ông Cồng bà", hoặc "Lệnh ông không bằng Cồng bà". "Lệnh" và "Cồng" trong câu, là hai khí cụ ngày xưa để làm "hiệu lệnh" báo hiệu trong việc công nói chung (việc làng xã, việc binh bị...), thông báo một vấn đề gì đó cho mọi người (cái mõ cũng có công dụng tương tự).

      Chiêng ngày xưa sử dụng cũng có ý nghĩa như thế, đối với chiến trận đánh nhau, có khi phải "khua chiêng gõ trống" inh ỏi để khích lệ tinh thần quân sĩ của mình, và làm cho đối phương khiếp sợ, cho nên chắc cái Chiêng đó phải rất to và nặng, tiếng mới vang to, đạt được hiệu quả mong muốn. Ở làng cũng thế, trong lễ hội cũng cần phài có cờ quạt, Chiêng trống, Chiêng trống đánh phải vang xa mới vui, nên phải có người khiêng (có khi gánh hai đầu cái chiêng to treo ở giữa).

      Xóa
  5. Đọc bài viết, thiệt "đã". Cảm ơn bác Phạm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ mong đáp ứng được phần nào "đòi hỏi" của cụ Nô :-)

      Xóa
  6. Tết đến nơi rồi , được bác H nghiên cứu về cồng , chiêng rồi viết cho đoc vầy thì hay quá . Bác vui , khỏe để có thêm nhiều bài viết hay nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Marg. bây giờ có thời giờ rảnh thì đọc về mấy cái này cho qua ngày tháng thôi :-)

      Xóa
  7. Thật là một trang mạng hữu ích cho người Việt học để hiểu sâu hơn tiếng Việt mình. Tôi thật cảm ơn tác giả đã dày công viết ra rất nhiều bài thật công phu và chi tiết. Cách trả lời của tác giả cũng thật là khiêm tốn và dí dỏm. Nguyện chúc tác giả và gia đình luôn bình an và hạnh phúc!
    Thân ái,
    Hưng Trần

    Trả lờiXóa
  8. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))