Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

"Xá" hay "xóa"?


Ông bạn Nguyễn Hoàng Quý (Hồng Ngọc), có gởi Email cho tôi hỏi thế này:

Bác Hiệp ơi,

Nhờ bác trả lời giúp HQ là khi đi lễ nhà thờ HQ thường nghe câu: "Lạy Chúa, đấng xá tội trần gian, xin thương xót chúng con!", câu này đúng hay chữ "xóa tội" mới đúng? Sở dĩ vậy vì có thể "xá" là biến âm của "xóa", ở vùng ngoài, một số nơi phát âm tùy tiện (đêm khuya thành đêm phia), cũng có thể "xá" là do chữ "ân xá". Bác giúp nhé.

Bác Hoàng Quý thân mến,

Thỉnh thoảng đến nhà thờ dự lễ, tôi cũng thường nghe câu cầu nguyện trên. Đúng là "xá tội" đó bác Quý, "Xá tội trần gian" là những từ Hán-Việt, trong đó 2 từ "xá tội"   có nghĩa:

- xá   có nghĩa là tha, tha thứ.

- tội   có nghĩa là lỗi lầm.

Xá tội, không phải ông bạn Hoàng Quý đến nhà thờ Thiên Chúa giáo mới nghe thấy từ này, mà bên Phật giáo ngày rằm tháng bảy cũng có lễ "Vu lan xá tội vong nhân". Ở ngoài xã hội ta cũng hay nghe nói "ân xá", "đại xá", "đặc xá".

Như vậy "Đấng xá tội" là "Đấng (có quyền năng) tha thứ  cho những lỗi lầm", còn "xóa" là từ tiếng Việt, hiểu nôm na là "làm cho mất dấu vết, làm cho sạch" (như xóa bảng). Nếu xét về ý nghĩa riêng từng từ "xá" và "xóa", ta thấy hai từ có ý nghĩa khác nhau, nhưng nếu ghép thành "xá tội" và "xóa tội", thì như bác Quý viết bên trên, "Đấng xóa tội" là (Đấng có quyền năng xóa đi những lỗi lầm), có ý nghĩa tương đương như "Đấng xá tội" (Đấng có quyền năng tha thứ cho những lỗi lầm). Ta có thể hiểu chữ "xóa" ở đây với nghĩa rộng tương đương với từ "tha thứ". Hoặc như chữ "xí xóa", cũng có nghĩa là "bỏ qua", "tha cho", chẳng hạn như khi người lớn nói với trẻ nhỏ khi nó phạm lỗi: "lần này thì bố xí xóa cho" (lần này thì bố bỏ qua, tha cho).

Nhưng như ta thấy, người ta ít dùng từ "xóa tội" (một từ Nôm đi đôi với một từ Hán-Việt), mà sử dụng chữ "xá tội" (hai từ Hán-Việt đi với nhau).

Như thế ta thấy chữ "xá" không phải là biến âm của chữ "xóa" do cách phát âm, như bác Hoàng Quý đã nêu trong câu hỏi. Viết đến đây tôi lại phân vân nếu bác Quý hay bạn nào đặt câu hỏi ngược lại "Vậy chữ "xóa" tiếng Việt có phải là biến âm từ chữ "xá" Hán - Việt hay không?".

Đến đây thì tôi... tắc tị, hì hì!


P/s: Tôi xin kể thêm ra đây một chuyện khá vui cũng liên quan đến từ ngữ. Một lần ghé nhà ông cụ tôi chơi vào buổi tối cuối tuần, hôm ấy ở nhà có một nhóm giáo hữu đến đọc kinh cầu nguyện. Thế là tôi tham gia luôn. Người ta phát cho mỗi người một quyển sách nhỏ tự in ấn, trong đó có những bài kinh cầu, những bài thánh ca... để đọc trong buổi cầu nguyện.

Trong một bài kinh đọc hôm ấy có một câu tôi còn nhớ rõ, quyển sách nhỏ chép là "sinh lý tử quy". Thực ra viết đúng phải là "sinh ký tử quy" (sống gởi thác về).

Sau buổi đọc kinh cầu nguyện thì người ta thu lại những quyển sách ấy. Tôi nói với người đi thu sách điều này, cô ấy hỏi lại tôi có chắc thế không? Tôi nói chắc chắn và giải thích, cô ấy nói để nói lại với những người có quyền, chứ cô ấy không dám tự sửa.

 
Bổ sung: Nhà thờ Tân Hòa ở Sài Gòn có kiến trúc Á đông, trên cao có những chữ Nho, chữ to trên cao nhất đọc âm Hán - Việt là THIÊN CHỦ   , đọc theo âm Nôm là THIÊN CHÚA.    

Nhà thờ Tân Hòa - Sài Gòn. Ảnh Internet.






27 nhận xét :

  1. Cám ơn bác NHP rất nhiều, vậy là thắc mắc đã được giải tỏa vì HN dự Thánh lễ ở nhiều nơi, từ Huế, Đà Lạt đến Sài Gòn đều nghe là "xá tội". Bác chu đáo quá, gửi cả email báo cho biết bài này vừa lên khuôn nữa. Hihi.
    Đọc entry nay lại nghe chuyện "Sinh lý tử quy", thiệt vui làm HN liên tưởng vài câu khác. Có người chữ nghĩa đàng hoàng (học hết trung học) mà bảo là "an cư LẬP nghiệp", trịnh thượng thay vì trịch thượng! Có người nhầm "sốt siêu vi" thành "sốt vi tính" (vì cùng có chữ "vi")do họ không biết gì thì...bỏ qua. Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, nói đến chuyện chữ nghĩa thì vui lắm, nói gì người chỉ học hết trung học (a, như tôi, bản thân cũng sai nhiều), nhiều người học hết đại học (cử nhơn), hoặc cao hơn cũng dùng từ không đúng, như chẩn đoán thành chuẩn đoán, danh nhân thành doanh nhân... Có lần một người bạn của tôi nói chuyện, con gái tao (cô giáo cấp 2) nói vế một câu nhạc của TCS: "Từng lời tà dương là lời mộ địa", con tao nói câu ấy không có nghĩa gì hết, lẽ ra phải sửa là: "Từng lời tà dương là lời mộ điệu" mới đúng. Người bạn kết luận "hết biết".

      Cái gì khiến cho một xã hội trở nên lệch lạc thế hở bác HN? Vứa qua tôi đọc được một bài viết rất hay của nhà nghiên cứu, phê bình Lại Nguyên Ân, bài viết có tựa "Phương pháp nghiên cứu bị bỏ quên ở đại học", ông LNÂ nói bây giờ người ta ít còn chịu tìm tòi tư liệu trong sách vở cho thấu đáo (nhiều nguồn sách vở xưa nay), khi viết về mảng đế tài nghiên cứu, mà chỉ dựa trên những lý thuyết đã được "dọn sẵn", chẳng hạn khi viết về triều Nguyễn thì ai cũng bán nước...

      Ngày trước trong quân đội, may tôi được học những giáo trình của người Mỹ rất hay, về cách thu thập những nguồn thông tinl mức độ tin cậy của nó, cùng những cách phân tích, nhận định, kết luận, từ đó mới đưa ra những cách xử lý... Một trong những điều cơ bản trong phương pháp huấn luyện của họ, là dạy cho con người biết suy nghĩ độc lập...

      Xóa
  2. Nhà Iêm khi đi chùa cũng hay khấn :
    Con lạy 4 phương trời , 10 phương chư Phật . Con lạy các Thánh các Giá , hỉ xá từ bi , đại xá từ bi , rộng lượng hải hà , xin xá cho những tội lỗi mà con mắc phải ....
    P / s : Từ " Hải hà " cũng hay đó bác Hiệp

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Salam rành chuyện khấn vái nhỉ.

      Rộng lượng hải hà, rộng lượng như sông biển, hay đó bác Salam.

      Xóa
  3. Hồi trước đã kể cho cả nhà nghe trong bài " Thảo mai " của Bác viết đó . Hồi nhỏ hay đưa mẹ đi hầu đồng nên rành ba vụ này
    P / s : Salam cũng đã viết mấy chuyện về , Hầu Đồng , gọi Hồn , Cầu cơ bên FB đó Bác , Bố Su Su và Huy Trường đọc rồi . Salam còn viết nhiều về đề tài này

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng khá chú ý đến đề tài hấu đồng, gọi hồn, cầu cơ, và cũng đã tìm hiểu. Hồi nhỏ gấn nhà tôi có một nhà chuyên lên đồng, căn nhà trang trí bày biện thâm u mờ ảo lắm, nhưng màu sắc rất chói, bà chủ nhà ốm nhom trông chẳng ra bà cũng không ra ông, nói chung hồi nhỏ khá sợ. Nhưng thỉnh thoảng cũng theo đám trẻ con thập thò khi họ lên đồng, vì tò mò, cũng vì được phát lộc thánh là những cái kẹo, cái oản xanh đỏ. Rồi lúc đi lính trước năm 1975, có hồi ở Quy Nhơn, có cái phố hồi đó hình như là đường Tăng Bạt Hổ, có mấy nhà chuyên lên đồng như thế, vì ở gần nên cũng hay ghé xem, lúc này mặc đồ lính nên khi ghé đứng xem ngoài cửa là có người ra mời vào kéo ghế ngồi đàng hoàng, xem múa cũng hay, xong cũng được phát lộc thánh, có khi cà tiền.

      Còn cầu cơ hồi nhỏ cũng có chơi, giờ cũng không rõ thực hư vì thấy có khi cơ nói cũng đúng, riêng chuyện gọi hồn có tham gia vài lần, chuyện này theo tôi (ý kiến riêng), là dỏm, mê tín, mấy bà nhập hồn nói dựa.

      Xóa
  4. Cái vụ đọc kinh cầu nguyện mà có câu " sinh lý tử quy " , rồi mọi người cùng đọc vậy hết hả bác ? Rồi lúc nghe đọc vậy, bác ra sao? Có lần ngồi đọc kinh Phật kế bên bà chị trong đám cúng thất người thân , nghe bà chị ê a nhìn vô tờ kinh mà còn đọc trật , M mắc cười quá mà không dám cười . Thiệt tình là chả hiểu mô tê gì hết , hỏi sao không trật

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng nếu nghe đọc kinh mà có " sinh lý tử quy " thì chắc là M sẽ không nhịn cười được đâu , hihi

      Xóa
    2. trên bàn phím, chữ "l" gần chữ "k", có thể người ta gõ phím nhầm.

      Xóa
    3. @ Marguerite:

      Những bài kinh, hoặc những lời, những bài cầu nguyện bên TCG, một khi đã được in thành sách đều là những bài mẫu. Bài cầu nguyện có câu viết sai bên trên tôi thấy không phổ biến khi cử hành thánh lễ ở nhà thờ, mà thường sử dụng trong những buổi cầu nguyện tại gia cầu cho người đã khuất, bởi thế cho nên mới có câu "sinh ký tử quy" (sống gởi thác về), hôm đó nhóm người trong giáo xứ đến đọc kinh cầu nguyện cho bà cụ tôi do ông cụ tôi mời vì sắp tới ngày giỗ.

      Khi nghe đọc bài đó với câu sai tôi mới giở quyển sách nhỏ ra xem thì thấy ghi sai như thế. Có điều những người giáo xứ đến đọc kinh như thế, đa phần là các cụ (cụ bà nhiều hơn cụ ông), vài phụ nữ. Có lẽ họ đọc theo sách mà không suy nghĩ gì, khi nghe đọc tôi cũng thấy mắc cười chứ.

      @ Cụ Nô:

      Tôi cũng nghĩ chắc chắn đây là lỗi gõ chữ, và có lẽ hiếm gặp vì sách này là do giáo xứ hoặc một nhóm giáo dân tự in ấn để "sử dụng nội bộ".

      Xóa
  5. Tôi nghĩ, "xóa" là từ phái sinh của "xá".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hiện nay, trong kinh sách Công Giáo, hầu như dùng "xóa tội" thay cho "xá tội".

      Xóa
    2. - Tôi cũng nghĩ chữ "xóa" là chữ phái sinh của "xá", nhưng chưa tìm hiểu kỹ xem có những chứng cứ gì không, nên không dám nói chắc.
      Trong bài tôi có nói tới từ "xí xóa", có nghĩa là "bỏ qua", không biết từ "xí xóa" tiếng Việt này có phải từ chữ "xính xái" mà người Hoa ở miền Nam ngày xưa lấy làm câu đầu lòng chăng? Chắc cụ Nô nhớ ngày xưa họ luôn nói "xính xái, xính xái" trong mọi trường hợp, có nghĩa là bỏ qua, đừng bận tâm làm gì.

      Xóa
    3. Về chữ "xá tội" hay "xóa tội", tôi cũng mới nhận được một Email của bác HN nói ý kiến của một ai đó (người TCG) nói "xóa tội" và đưa ra câu được dùng trong cử hành thánh lễ của vị linh mục chủ tế: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…”.

      Đúng là nhớ lại thì tôi cũng có nghe như thế khi đi lễ nhà thờ từ vị linh mục làm lễ. Như thế thì có 2 nguồn, nguồn thứ nhất là lời cầu nguyện của giáo dân khi xem lễ: "Lạy Chúa, đấng xá tội trần gian, xin thương xót chúng con", họ đọc là "xá tội" mà bác HN cũng nói rõ khi đi xem lễ từ Huế, Đà Lạt, đến Sài Gòn, và tôi khi xem lễ cũng nghe như thế. Nhưng đồng thời như đã nói, bác HN nhắc tôi mới chợt nhớ quả là vị linh mục khi làm lễ cũng có nói là "xóa tội" chứ không phải "xá tội". Vậy vấn đề ở đây là chữ nào đúng? Tôi nghĩ chữ nào cũng đúng vì như đã phân tích, ý nghĩa chữ "xá tội" và "xoá tội" là tương đương, có thể dùng thay thế cho nhau. Kinh sách của TCG tôi thấy cũng có sửa chữa từ ngữ, thay đổi qua từng thời kỳ, chẳng hạn hồi tôi còn nhỏ đi học giáo lý, tôi nhớ còn cầm quyển sách viết "Đức Chúa Blời", cũng có khi viết là "Đức Chúa Lời", chứ không phải "Đức Chúa Trời" như ngày nay. Nhưng qua câu chuyện của bác HN thì rõ ràng cho đến bây giờ vẫn tồn tại từ "xá tội" (xin tha thứ cho lỗi lầm) khi giáo dân cầu nguyện, và từ "xóa tội" (xóa đi lỗi lầm) khi linh mục làm lễ (thay mặt Chúa Giê Su) đọc. Có phải chăng, đứng trên cương vị con chiên, cầu xin Chúa, thì dùng chữ "xá tội" (xin tha thứ), còn khi vị linh mục làm lễ (thay mặt Chúa) thì dùng chữ "xóa tội" (xóa đi lỗi lầm, lời nói của kẻ có quyền năng, chủ động hơn xin tha thứ lỗi lầm). Ấy là tôi suy đoán thế.

      Nhưng nói chung thì "xá tội" hay "xóa tội", dùng trong những trường hợp ghi trên, từ nào tôi thấy cũng đúng cả mà.

      Xóa
    4. Tôi thêm ý này, về chữ dùng trong kinh cầu có thay đổi. Ngày xưa khi xem lễ, đọc kinh, tôi thấy hay dùng chữ "tôi", ví dụ như nói "xin Chúa thương xót chúng tôi", hoặc câu kinh "tôi ở dưới vực sâu kêu lên...", bây giờ thấy từ "tôi" đã thay bằng "con, như "xin Chúa thương xót chúng con", hoặc "con ở dưới vực sâu kêu lên...". Có lẽ thay bằng "con" nghe tôn kính hơn.

      Xóa
    5. 1. Blời > Lời > Trời khác về cách ghi trong quá trình phát triển chữ Quốc ngữ, chứ nghĩa vẫn là một (chỉ ông Trời).
      2. Kinh sách Công Giáo vẫn được cập nhật, thay đổi từ ngữ để chính xác và rõ nghĩa hơn từ Ban Thánh Kinh của Hội đồng Giám mục VN.
      3. Nhân đây, nói thêm về cụm từ "Thiên Chúa Giáo" mà nhà nước dùng để chỉ Công Giáo là không chính xác. Thiên Chúa Giáo dùng để chỉ các tôn giáo thờ một Đấng Thiên Chúa độc nhất bao gồm Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Công Giáo Roma, Chính thống Giáo, Hồi Giáo, Thanh Giáo và các hệ phái Tin Lành.
      Về chuyện này, đề nghị bác Phạm cho một bài.

      Xóa
    6. Mục 1. 2. Ôkê với cụ Nô.

      Riêng mục 3. tôi cũng đã thử tìm hiểu, nhận thấy thế này cụ Nô, tên gọi Công giáo (Giáo hội Công giáo), đúng là để chỉ Giáo hội Công giáo Roma, nhưng đồng thời cũng có một số hệ phái khác sử dụng từ Công giáo. Cũng như từ Thiên Chúa giáo là bao gồm nhiều hệ phái. Còn từ Thiên Chúa giáo ở VN thì không phải là do nhà nước (nhà nước này hay nhà nước trước) gọi sai, mà là chữ quen dùng từ thời còn vua chúa ở VN, từ thời các cố Tây truyền giáo, nó bắt nguồn từ chữ Hán - Việt Thiên Chủ, mà âm Nôm là Thiên Chúa. Ở VN thì người ta quen dùng từ Thiên Chúa giáo (đạo Thiên Chúa), để chỉ những người theo đạo Gia Tô thuộc Giáo hội La Mã từ xưa, để phân biệt với những hệ phái khác như Tin Lành, Cơ Đốc...

      Tôi có một số sách vở tham khảo về những thuật ngữ tôn giáo, nhưng chỉ để đọc cho biết. Đây là vấn đề thuộc tín ngưỡng, lãnh vực nhạy cảm, không dám đi sâu đâu cụ Nô.

      Xóa
    7. Tôi xin bổ túc thêm một chút, thuật ngữ Thiên Chúa giáo đã phổ biến ở VN đến mức những tín đồ theo Công giáo cũng thường nhận mình "theo đạo Thiên Chúa" nếu có ai hỏi. Tôi cũng thường được nghe các linh mục giảng ở nhà thờ trước giáo dân, chẳng hạn "Chúng ta, những tín đồ Thiên Chúa giáo phải sống một cuộc sống trong sạch, thánh thiện, kính Chúa, yêu người...".

      Xóa
    8. Ở comment trên "Còn từ Thiên Chúa giáo ở VN thì không phải là do nhà nước (nhà nước này hay nhà nước trước) gọi sai". Xin điều chỉnh "gọi sai" là "gọi không chinh xác".

      Xóa
  6. NT thấy bác Hiệp phân tích khá cặn kẽ rồi. "Xá tội" là tha tội, "xóa tội" là bỏ qua cho, không tính đén nữa. Nghĩa gần như nhau nhưng dùng "xá tội" mang sắc thái trang trọng hơn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi, NT nói rất chính xác, chữ "xá" trong "xá tội" nghe trang trọng hơn, bởi thế cho nên khi nhà có đình đám, người ta hay nói "nếu có điều gì sơ suất xin quý vị đại xá cho". Thường người ta dùng từ "xóa tội" với sắc thái "kẻ cả" của người trên đối với người dưới, như khi cha mẹ nói với con cái "lần này tao xóa tội cho", chứ nói "lần này tao xá tội cho", nghe nhẹ nhàng.

      Xóa
  7. Ui ..ui ..lại có chuyện in ấn dùng từ sai trong Kinh nữa sao anh Hiệp ơi ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, từ điển quốc gia mà cũng còn sai đầy ra nữa đó NangTuyet. Nhưng đây chỉ là một quyển mỏng in lại những kinh cầu được in ấn kiểu vi tính tại gia của một nhóm nhỏ dùng trong nội bộ thôi, chứ không phải là kinh sách xuất bản chính thống. Nó cũng tựa như những quyển văn khấn mà ta thấy in ấn cẩu thả, chữ nghĩa sai đầy bày bán hà rầm trước mấy ngôi chùa lớn thôi.

      Xóa
    2. Ôi trời ...thế thì em xin pó tay anh Hiệp ơi ! Đến Kinh Thánh để đọc cầu nguyện mà họ còn không chú ý để in ấn cho cẩn thận ...thiệt hết biết ..hihi ..

      Xóa
    3. Tôi nghĩ thoạt đầu là gõ bàn phím sai, người gõ bàn phím không để ý, in ra sách cũng chẳng ai để ý, sách không phổ biến rộng rãi, chủ yếu các cụ trong một xóm đạo đọc, cứ thế mà đọc thôi. Đọc kinh tập thể cũng như Marg. nói, cứ thế mà ê a, nhiều khi không nghĩ mình đã đọc gì.

      Xóa
  8. 1- Xá tội vong nhân là 4 từ Hán Việt, nếu thay xá bằng xóa thì câu ấy vừa Ngô vừa ta nghe khập khểnh. Xá là có tội nhưng mà tha, còn xóa là xem như anh không có tội gì cả, trắng án. Bạn PNH giải thích như trên là phải.
    2- Cái thú vị cần làm sáng tỏ là từ xóa gốc gác ở đâu? Theo cụ Nô do xá biến hóa ra...
    3- Bu tui giở sách Từ vựng học tiếng Việt, Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử ra ngâm cứu nhưng mà không tìm thấy lịch sử chữ xóa đấu cả. Chỉ thấy nói là tiếng Việt xa xưa là tiếng Việt Mường rồi hòa lẫn Tày Thái, Môn Khơ Me, Hán, cuối cùng là Ấn Âu (Xuất phát từ Pali và sancrit).
    4- Riêng sách Tìm hiểu tiếng Việt lịch sử có phần A: CÁC PHỤ ÂM ĐẦU.
    Tác giả Nguyễn Ngọc San luận về lịch sử 21 phụ âm, mục 1 là Âm đầu M, mục 21 là Âm đầu L. Mục 14 Âm đầu x. Mục 17 Âm đầu H.... Đọc váng cả óc vì khó quá, định gõ lên để các bạn tham khảo chơi nhưng có những ký hiệu, phù hiệu thuộc chuyên môn hẹp máy tính thông thường bó tay. Chỉ biết rằng "âm H không thay đổi gì suốt 1000 năm qua. Còn "X hình thành chưa thật lâu nhưng chắc chắn đã có mặt từ thế kỷ 17 và phát âm gần như ngày nay" (trang 73). Như vậy tuổi âm X là khoảng 400 năm.
    5- Cũng ở trang 73 tác giả viết "So sánh cứ liệu vùng khu 4, vùng Mường Nghệ An với cứ liệu vùng Hà Nội ta thấy sự tương ứng như Ngồi chồm hổm = ngồi xổm"
    Bu tui thấy h đã biến sang x và chợt nghỉ đến chứ HÓA (化) trong hóa kiếp, hóa thân, biến hóa...và suy diễn ra HÓA biến thành XÓA chăng ??

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã cho biết nhiều thông tin thú vị, chữ nghĩa tiếng Việt càng đi sâu càng rối mù, cũng như cụ Nô nghĩ có thể từ xóa từ xá mà ra (tuy nghĩa hai chữ không hoàn toàn giống nhau), thì bác Bu đưa ra có thể xóa từ hóa (hóa thân, hóa kiếp). Tuy hai chữ xóa và hóa cũng vẫn không đồng nghĩa (xóa là sạch sẽ, còn hóa là chuyển từ cái này sang cái khác), nhưng cũng là một giả thiết hay.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))