Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Hay chữ.


Thỉnh thoảng trong cuộc sống ta có nghe ai nói, hay đọc được ở đâu đó thành ngữ "Ra ngõ gặp gái", đây là một thành ngữ, đại khái là khi đi đâu, nhất là khi đi giải quyết công việc gì đó mà khi ra ngõ gặp gái (nói chung là đàn bà con gái), thì có thể công việc gặp trắc trở, xui xẻo, không hanh thông, chắc ai cũng hiểu nghĩa, chẳng cần phải tra từ điển làm gì. Dĩ nhiên thành ngữ thì đã có từ lâu, đời tám hoánh nào rồi, có thể ở cái thời con người chưa hiện đại, và nhà cửa còn thưa thớt, chứ ngày nay thời đại văn minh, với cảnh "phố phường chật hẹp người đông đúc" như thế này (ở xóm lao động hay chung cư chẳng hạn), ra khỏi nhà mà không gặp gái thì là chuyện lạ. Mà bây giờ ra ngõ, ra khỏi nhà có gặp ai đi nữa, cũng chẳng có ai hơi đâu mà  thắc mắc làm gì?

Tôi nhắc đến thành ngữ này bởi sáng nay nghe loáng thoáng trên tivi có nói tới. Tôi chỉ được nghe đoạn cuối câu chuyện nhưng có thể hình dung ra được toàn bộ câu chuyện. Đại khái chuyện như sau:

Có một anh học trò ngày xưa đi thi, hôm lều chõng khăn gói đi  thi anh ta ra đến đầu ngõ thì gặp ngay một người con gái, thế là anh học trò quay trở lại lẩm bẩm: "đi thi mà mới ra ngõ đã gặp gái xui thật". Cô gái nghe được bèn kêu anh ta quay trở lại nói: "này anh là học trò đi thi, không biết học hành chữ nghĩa đến đâu mà xem ra không biết gì hết, gặp gái, gái ở đây là con gái, tức là chữ nữ (), mà anh là học trò, là con trai, con trai là chữ tử (), chữ nữ  () mà gặp chữ tử () sẽ là chữ hảo (), anh là học trò mà không biết chữ hảo () có nghĩa là tốt đẹp hay sao?". Anh học trò nghe thấy có lý quá, bèn cám ơn cô gái rồi đi tiếp. Quả nhiên khoa thi năm đó anh ta đỗ trạng nguyên.

Câu chuyện đến đây là hết, không thấy trên tivi có nói sau đó khi quay về làng anh ta có đi tìm lại cô gái kia không? Nhưng qua chuyện này, ta thấy cô gái quê kia đã biết chiết tự chữ Hán rành rẽ, và cũng rất thông minh khi lý giải cho anh chàng học trò một cách thuyết phục như thế.

Quả là một cô gái hay chữ.





31 nhận xét :

  1. Có một chuyện tiếu lâm cũng liên quan đến đề tài này của bác NHP, cũng hay chữ và là chữ Hán như bài này. Sẽ gửi đến bác qua email. Ở MNVN cũng có một thành ngữ hiện đại (nếu hiểu từ sau 1975 là hiện đại): "Ở Việt Nam, ra ngõ là gặp anh hùng". Mà đúng thật phải không bác?, đủ loại anh hùng, ai không tin cứ đọc báo CA Tp Hồ Chí Minh thì rõ thôi mà!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác HN trước về bài sẽ nhận được. Việt Nam ta có nhiều anh hùng thật, mà nếu ra ngõ không gặp được anh hùng thì còn có vế sau nữa, là gặp được... thằng khùng thằng điên, hì hì, nói chơi cho vui thôi, cuộc sống bây giờ căng quá nên người ta dễ bị xì trét. À, mà người ta cũng nói gặp được một nhà nữa, là nhà thơ, rất nhiều những Huy Cận, Xuân Diệu... Hôm trước đi họp Tổ dân phố thấy mấy bác về hưu phát biểu (rất hay phát biểu, thể nào trong phát biểu cũng có thơ).

      Xóa
  2. " Ra ngõ gặp gái " cũng đúng và cũng không đúng ! Tuỳ theo người phụ nữ đó có nặng vía hay hợp vía . Gặp người nào hợp vía thì công việc hanh thông , còn không thì ngược lại . Đây là đúc kết kinh nghiệm hồi xưa truyền lại , cũng không hiểu tại sao lại có quan niệm này ?
    Chỗ nhà Iêm ở hồi trước có một Bà T nặng vía lắm , bà T gặp , bế và khen con một ai đó thì y như rằng đứa nhỏ lăn ra ốm . Mỗi lần gặp Bà T từ xa thì nhà Iêm phải bế con chạy vội vào nhà .
    Có lần Bả vào khen Heo đẹp mau lớn ( Hồi đó còn nuôi heo ) thì cả bầy heo lăn ra ốm , người chi mà nặng vía loạ
    Cô gái hay chữ và hay cãi trong bài viết của bác Hiệp đích thị là Bà Sui rùi .... he he

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở đây hình như bác Salam hơi nhầm lẫn về thành ngữ "ra ngõ gặp gái" (nói chung là phụ nữ), có lẽ là hậu quả của quan niệm "nam trọng nữ khinh, nhất nam viết có, thập nữ viết vô" thời phong kiến xưa, với cái gọi là "nặng vía" không phân biệt nam, nữ, già trẻ.

      Haha, bác Salam có vẻ rành chị sui quá.

      Xóa
    2. Hihi, đúng là "nhất nam viết hữu".

      Xóa
    3. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

      Xóa
    4. Bà sui đây! Quả thực bà sui của Salam không được thông minh hay chữ như cô gái trong câu chuyện nhưng ai gặp thì rất son (may mắn). Riêng cái khoản mở hàng cho người ta thì chỉ có cả ngày chủ hàng bán không kịp cho khách! Không tin ư? Ông sui thử coi!

      Xóa
    5. Bớ bác Salam, hè tới mời bà sui nhà bác vô Sè Gòong chơi, ngày nào cũng nhờ bà sui tới mở hàng, bảo đảm cửa hàng kinh doanh của bác bán đắt hơn tôm tươi. :-)))

      Xóa
  3. 1- Thời xưa mà có người phụ nữ biết chiết tự chữ hảo làm anh học trò đi thi kia tâm phục khẩu phục kể là hiếm, và được cho là hay chữ. Anh học trò đi thi chắc là trượt vì yếu bóng vía, mà trên hết là thiếu kiến thức chữ nghĩa.
    2 - Bộ tử (子) trong chữ hảo (好) không phải là con trai mà con nói chung. Ông Thiều Chữu nói: “Tử (子) con. Bất luận trai hay gái đều gọi là tử (trang 135 TĐHV Thiều Chữu. 11.1997)
    3- Ông Tàu Lý Lạc Nghị cùng với ông Mỹ Jimwaters minh họa gốc gác chữ hảo như hình dưới đây. Giải thích hình vẽ “Một người phụ nữ bế một đứa trẻ , một sinh mệnh mới ra đời, đương nhiên được người đời cho là việc tốt. Chữ 好 phần lớn dùng làm tính từ và đọc là hảo, khi dùng làm động từ với ý nghĩa ưa thích thì đọc là hiếu” (trang 253 Sách Tìm về cội nguồn chữ Hán 10.1997).

    [IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/IMG_7086_zpsu3mizwc0.jpg[/IMG]

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chữ tử (子) có nhiều nghĩa mà bác Bu, Từ điển Hán Việt của Nguyễn Tôn Nhan cho nhiều nghĩa, đàn ông, con trai, người thày hay học trò cũng được gọi là tử. Từ điển Hán Việt trích dẫn (mạng) thì nghỉa số 1 của chữ tử (子) là con trai: 1. (Danh) Con trai. ◎Như: tứ tử nhị nữ 四子二女 bốn con trai hai con gái.

      Còn chữ hảo (好) cũng theo Từ điển Hán Việt của Nguyễn Tôn Nhan thì nằm trong bộ nữ (女), như vậy chữ hảo (好) là bộ nữ (女) ghép với chữ tử (子).

      Xóa
    2. Nô tui thì nhất trí với bác Bu về cách chiết tự, trong chữ "Hảo" thì "Nữ" mang nghĩa người mẹ, "Tử" mang nghĩa người con.
      Chỉ góp thêm một ý với bác Bu, là anh học trò ni chưa chắc đã thiếu kiến thức, e là cô nàng quá đẹp nên chàng mới mụ mẫm một tí thôi.Hihi.

      Xóa
    3. Nhìn trang sách bác Bu chụp quá trình hình thành chữ Hảo lại nhớ câu thơ của Hồ Xuân Hương:
      Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc
      Phận liễu sao đà đẩy nét ngang?

      Xóa
    4. @ Cụ Nô, tôi cũng hoàn toàn nhất trí với cụ Nô và bác Bu về "Chiết tự chữ hảo" như trang sách của bác Bu bên trên, tức là "tử" ở đây (trong chữ hảo), là chỉ "con" chứ không nhất thiết là "con trai".

      Nhưng khi giải thích chữ "tử" đứng riêng biệt một mình nó, thì chữ "tử" không chỉ có nghĩa lá "con", mà theo các từ điển Hán Việt thì chữ "tử" còn nhiều nghĩa khác. Chẳng hạn: con, con trai (như trong "phu tử tòng tử"), ông, thày (tiếng tôn kính, như Khổng Tử)... còn những nghĩa khác nữa tôi không kể ra đây.

      Chắc cụ Nô cũng đồng ý ta không nên lấm lẫn ý nghĩa khi chiết tự chữ "hảo" thì "tử" ở đây là "con", và ý nghĩa chữ "tử" khi đứng riêng biệt.



      Xóa
    5. Vâng ạ, Nô tui cũng nghĩ như vậy.

      Xóa
    6. (viết thêm cho rõ ý). Khi chữ "tử" đứng riêng biệt, nó có nhiều nghĩa như bác Phạm đã dẫn ở trên.

      Xóa
    7. Đến đây tôi lại chợt nhớ đến cách xưng hô trong truyện kiếm hiệp được xem ngày trước. Chẳng hạn như khi dùng từ "tiểu tử" và "tiểu nữ" của những nhân vật nam, nữ giang hồ còn trẻ tuổi, khi xưng hô với những bậc tiền bối trưởng thượng, chẳng hạn "tiểu tử xin lĩnh hội", hay "tiểu nữ xin bái kiến", "tiểu tử" có nghĩa là "đứa con trai nhỏ", "tiểu nữ" có nghĩa là "đứa con gái nhỏ", một cách xưng hô khiêm nhường. Ở đây rõ là chữ "tử" trong "tiểu tử" là "con trai". Nếu chữ tử chỉ có nghĩa là "con" nói chung không phân biệt trai gái, thì cả nam lẫn nữ chỉ cần dùng chung một từ "tiểu tử", "đứa con nhỏ" là đủ.

      Xóa
  4. Nguồn gốc của Chữ Hảo là tốt đẹp được biểu thị bằng hình ảnh người mẹ bế con không nói là trai hay gái .
    Bộ nữ ở đây chỉ người mẹ còn tử là con nói chung, trong hình vẽ và chú thích không hề nói đó là con trai hay con gái.
    Từ điển Thiều Chữu ra đời từ 1947 đến 1997 đã tái bản 10 lần, 18 năm sau đó chắc còn tái bản thêm. Hihi đây là vấn đề thú vị để có việc mà bàn thảo chớ ngồi không thì buồn lắm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bu đang nói tới nguồn gốc của chữ hảo theo một quyển sách ghi trên, còn tôi thì chỉ kể lại cău chuyện nghe được trên tivi.

      Riêng chữ tử bác Bu trích dẫn theo Thiều Chửu, bản đầu in năm 1947 và được tái bản nhiếu lần chỉ ghi nhận chữ tử có nghĩa là con nói chung, không có nghĩa là con trai. Nhưng nếu tra từ điền Hán Việt của Đào Duy Anh (một đại thụ vế Hán Nôm), bản lần đầu in năm 1932, và cũng được tái bản rất nhiều lấn, thì ta sẽ thấy cụ Đào giải nghĩa tử là con, con trai...

      Như đã nói, tôi chỉ kể lại câu chuyện vui vui được nghe trên tivi, chứ nếu viết riêng một bài về chữ tử, như thường lệ tôi sẽ phải tra từ nhiếu sách, nhiếu nguồn.

      Xóa
    2. Tôi xin tiếp thêm một ý về chữ tử là con trai. Ông An Chi giải thích trên Bách khoa tri thức về Tam tòng, tôi chỉ xin đưa ra cái "tòng" thứ ba: "phu tử tòng tử",

      "Phu tử tòng tử", ông An Chi giải thích: "Khi chồng chết thì phải theo con trai chủ gia đình",

      Như vậy tử cũng có nghĩa là con trai.

      Xóa
  5. Chủ nhật hỏi bác Hiệp và cả nhà một câu
    Sao cũng sinh sống trên đất nước Việt Nam mà người Bắc lại chuộng con trai hơn , ngược lại người Nam lại thích và quý con gái hơn ? Tại sao vậy ?
    Hồi bà xã sinh nhỏ gái thứ 3 , hai vợ chồng rất buồn . Nằm cùng phòng có mấy bà người Nam lại sinh con trai thứ 2-3 , thấy họ khóc quá trời , hỏi thì họ bảo thích con gái hơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là một thắc mắc thú vị của bác Salam. Nhưng ở đây (qua câu chuyện của bác Salam), ta lại phải đặt một suy nghĩ khi "chốt" câu bác Salam khẳng định, là: "người Bắc lại chuộng con trai hơn , ngược lại người Nam lại thích và quý con gái hơn ?", vì cũng theo bác Salam: "Hồi bà xã sinh nhỏ gái thứ 3 , hai vợ chồng rất buồn . Nằm cùng phòng có mấy bà người Nam lại sinh con trai thứ 2-3 , thấy họ khóc quá trời , hỏi thì họ bảo thích con gái hơn".

      Nếu qua những gì bác Salam diễn tả, ta thấy, mấy bà người Nam nằm cùng phòng bà xã Salam khóc (vì buồn), khi "lại sinh con trai thứ 2-3", chứ không phải sinh con trai đầu tiên.

      Thời buổi bây giờ sinh ít, ai cũng mong "có nếp có tẻ", một gia đình chỉ có một, hoặc hai đứa con (ta chọn con số đẹp là hai con), thì khi đã có con trai rồi, mà sinh thêm con trai thứ 2, thứ 3 nữa trong khi chưa có con gái, họ buồn là phải.

      Chừng nào bác Salam thấy mấy bà mẹ miền Nam mới sinh con đầu lòng mà ra con trai thì buồn, câu hỏi "ngược lại người Nam lại thích và quý con gái hơn ?" mới chính xác.

      Xóa
  6. 1- Trong từ điển Nguyễn Tôn Nhan (1.2002) nghĩa chữ tử được giải thích khá kỹ, nhưng khác với các từ điển , ông Nhan không ưu tiên nghĩa con cháu của chữ tử lên hàng đầu mà để vào mục 6. Tử được giải thích: “Nối tiếp, con cháu nối tiếp, con trai. Kinh dịch: Hữu phu phụ nhiên hậu hữu phụ tử. Có vợ chồng rồi sau (mới) có cha con”
    Như Vậy, ông Nhan không hoàn toàn cho rằng tử là con trai mà trước hết là “con cháu nối tiếp” tức có trai có gái. Nếu cứ nhất nhất cho rằng tử là con trai thì cái câu kinh dịch chả nhẽ phải hiểu là “có vợ chồng rồi sau mới có cha con trai”. Kinh dịch không nói như vậy. Nghĩa thứ 10 (trang 326) ông Nhan viết “Vợ chồng gọi nhau là tử, như nội tử (người vợ ở trong nhà), ngoại tử (người chồng đối phó bên ngoài). Ở đây tử không còn là trai gay gái nữa mà là người mang trọng trách, có nhiệm vụ…
    2- Từ điển Trần Văn Chánh (trang 563) nghĩa số 1 của tử là: Con, trẻ con, nam tử: con trai, nữ tử: con gái, Nghĩa số 2 : Ông, bác.
    3- Từ điển Trần thị Thanh Liêm (2007, trang 577) tử được giải thích: Con , trẻ con…Đàn ông có đức hạnh.
    4- Từ điển Đào Duy Anh (1996, trang 346) tử được giải thích: Con cái, con trai…Tử mẫu (trang 347) con và mẹ
    Nếu dẫn thêm nhiều từ điển nữa ta cũng thấy nghĩa đầu tiển của tử là con cái nói chung. Và tùy theo ngữ cảnh mà tử có thể là con trai, con gái như nội tử và ngoại tử như đã dẫn ở trên.
    5- Những người làm sách “Tìm về cội nguồn chữ Hán” cũng dùng cái nghĩa đầu tiên ấy của chữ tử để giải thích chữ Hảo như bu còm trước. Hình ảnh mẹ bế con là tình mẫu tử, gắn bó máu tủy xương thịt, không thể không hảo, còn nam nữ xưa kia thụ thụ bất thân gá ghép vào nhau liệu xã hội có chấp nhận là tốt không.
    6- Nhân thể bu tui đưa lên hình ảnh chữ tử để bạn tham khảo.
    Tử ở đây được cho là con không nói trai hay gái.


    [IMG]http://i888.photobucket.com/albums/ac87/bulukhin/IMG_7087_zpswcwwv6sy.jpg[/IMG]

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu về những dẫn chứng của chữ tử. Qua những dẫn chứng này (của bác Bu), tôi hiểu là bác đưa chữ tử có nghĩa là con nói chung (không phân biệt trai gái) là nghĩa hàng đầu, và chắc có lẽ bác Bu cũng sẽ công nhận ngoài nghĩa hàng đầu là con nói chung, thì chữ tử sẽ có những nghĩa khác nữa.

      Riêng tôi, tôi cũng căn cứ trên những trích dẫn như đã viết bên trên để kết lại thiển ý của mình, đồng ý với bác Bu chữ tử nghĩa chính là con không phân biệt trai gái, nhưng ngoài nghĩa này, tôi còn tin rằng chữ tử cũng còn có nghĩa là con trai, ông, thày...

      Tôi nghĩ vấn đề này thuộc về suy nghĩ, nhận thức của mỗi người, nếu giả sử (tôi giả thử như thế), bác Bu không nghĩ chữ tử ngoài nghĩa là con nói chung, còn có nghĩa là con trai, thì đó là suy nghĩ của bác Bu. Cũng như tôi, tôi nghĩ chữ tử ngoài nghĩa là con nói chung, còn có nghĩa là con trai, thày, ông... và đó là suy nghĩ của mình.

      Đấy có lẽ là những khác biệt tạo nên một cuộc sống đa dạng.

      Xóa
  7. Chú ơi, cháu qua xin chú kiến thức về "từ điển" đây. Tình cờ hôm nay cháu đọc trên một trang có viết cụm từ này "cái nhìn xách mé". Cháu cạy hoài hổng ra nhìn "xách mé" là nhìn thế nào. Có phải là nhìn kiểu "cạnh khóe, lườm lườm nguýt nguýt" không chú? Nhiều khi đọc phải chỗ nào đó gồ ghề chút là như bị sụp ổ gà vậy. Huhu...

    Trả lờiXóa
  8. Từ xách mé còn hơn cạnh khóe, lườm nguýt một bậc. "Cái nhín xách mé, hay đối xử xách mé", có nghĩa là cái nhìn hay đối xử xấc xược, xấc láo, muốn chứng tỏ mình là bề trên, coi người khác không ra gì.
    Chữ nghĩa tiếng Việt của mình nhiều khi nó thế.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quên, tôi muốn hỏi bạn chút xíu, hơi tò mò, bạn Ma xó cận có phải theo đạo Công giáo không?

      Xóa
    2. Thưa, cháu không theo đạo nào ạ. Nhưng cháu thích hát Thánh ca và đọc sách Phúc âm.

      Xóa
    3. Cháu quên, cảm ơn chú đã giúp cháu hiểu đúng hơn về từ ngữ ở trên. Cháu đã có thêm một cặp từ vựng. Hihi

      Xóa
    4. A, vậy bạn Ma xó hay à nhen.

      Xóa
  9. Oh ...cái câu " Ra ngõ gặp gái" em mới nghe nên rất đỗi thú vị ! Để rồi đọc xong câu chuyện của anh kể em vừa buồn cười và thấy ngồ ngộ ghê .

    Em thường nghe nói sáng sớm mà ra đường gặp bà bầu thì xui xẻo lắm ! Không biết câu này đúng không anh Hiệp nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, người ta cũng nói ra đường gặp bà bầu là xui xẻo, dân mình tin thế, tết người ta còn kiêng ăn... trái bầu, nhưng lại ham đánh... bầu cua.

      Dĩ nhiên chỉ là nhảm nhí thôi nhưng không hiểu sao đến tận bây giờ nhiều người vẫn tin đó NangTuyet.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))