Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Ma xó Sài Gòn.

Lễ cúng cầu an của người Mường. Ảnh Internet.

Trong bài viết Đồng dao trước, anh bạn Toro ở Hà Nội vào comment nói tôi đúng là "Ma xó Sài Gòn", bạn Nhật Thành vào tiếp đồng ý cái rụp. Kể ra được làm (hay làm được) ma xó cũng hay. Tôi mới có thêm một người bạn mới trên blog, do ông bạn Lão Tân giới thiệu, đó là bạn có biệt danh là "Ma xó cận", bạn này theo lý lịch khai báo cho lão Gu gồ là ở Cần Thơ chứ không phải Sài Gòn, vậy thì không sợ đụng hàng.

Hồi nhỏ tôi cũng đã nghe kể nhiều về chuyện ma xó, đại khái ma xó thường gặp trong những buôn làng của người Thượng miền ngược, trong nhà có người mất họ không đem chôn mà dựng ở xó nhà đến khô queo và trở thành ma xó giữ nhà. Quả là nghe rất ấn tượng, con ma xó này biết phân biệt người thân trong nhà và người lạ, chuyện kể có người khách lạ lỡ đường ghé nhà, khát nước muốn xin miếng nước uống. Ngó quanh quẩn không thấy ai, thấy đầu nhà có ống nứa đựng nước mưa, bèn múc uống, uống một hớp nghe trong nhà có tiếng đếm một, uống thêm hớp nữa có tiếng đếm hai, lấy làm lạ nhìn vào nhà rõ là vẫn không thấy ai. Vừa lúc ấy thì chủ nhà đi rẫy về tới, người khách đem câu chuyện uống nước vừa rồi kể cho chủ nhà. Chủ nhà nói chết rồi đấy là con ma xó trong nhà đếm đấy, nó là thần giữ của trong nhà, ai xâm phạm nó sễ hại. Bây giờ tôi phải thay quần áo của ông để cứu ông. Người khách vội làm theo chủ nhà, sau khi thay đổi quần áo xong chủ nhà tiến lại ống nước ở đầu nhà múc nước uống. Trong nhà lại có tiếng đếm tiếp, lúc này chủ nhà mới lên tiếng tao đây mà có gì mà đếm. Thế là người khách kia mới thoát nạn.

Chuyện kể về ma xó là như thế. Tôi thử tra trong hai quyển tự điển tiếng Việt xưa nhất là Đai Nam quấc âm tự vị và Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, thì thấy Đại Nam quấc âm tự vị không có từ ma xó, còn Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức ghi nhận:

Ma xó: thứ ma của người Mường thờ ở xó nhà.

Vậy là gốc gác của con ma xó là ở miền rừng núi chứ không phải ở miền xuôi. Như ta đã thấy ma xó là con ma ở xó nhà, xó xỉnh, cái gì nó cũng biết. Thực ra sống quá nửa đời người ở đất Sài Gòn tôi cũng còn biết quá ít về mảnh đất này, những gì mình biết được phần nhỏ là nhờ tiếp xúc thực tế, phần lớn là nhờ sách  vở, mà thực tế và sách vở thì quá mênh mông, ai dám tự hào là mình biết được chỉ một phần nhỏ thực tế và sách vở? Chứ chưa nói đến là biết hết.

Muốn làm con ma xó Sài Gòn không chỉ biết Sài Gòn bây giờ, Sài Gòn của năm bảy mươi năm về trước được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn Đông" (La perle de l'Extrême Orient), mà phải biết cả Sài Gòn thời còn là rừng rậm hoang vu chưa có mấy người Việt ở. Sài Gòn lúc còn thuộc người Chân Lạp.

Vị trí địa lý của Sài Gòn nói lên cái quan trọng của nó, thời Chân Lạp Phó vương của họ là Nặc Ông Nộn đã đóng đô ở đó, còn Chánh vương của họ thì trấn trên Nam Vang. Đến thời của người Việt, Sài Gòn xưa nay được coi là cửa ngõ của miền Nam, của "Nam kỳ Lục Tỉnh". Muốn làm chủ Nam kỳ trước hết người Pháp phải làm chủ được Sài Gòn, và họ đã đánh chiếm Sài Gòn trước. Cũng không phải ngẫu nhiên mà trước khi chọn Huế làm kinh đô, thì năm 1780 Nguyễn Ánh đã xưng vương tại đây, tiếp đó đến năm 1790 Nguyễn Ánh đặt đất Gia Định là "Gia Định kinh", đặt Thái Miếu ở đất Sài Gòn, và Gia Định kinh đã tồn tại hơn mười năm trong lịch sử của nhả Nguyễn, từ năm 1790 đến năm 1802.

Ta cũng đã biết, chỉ hơn một trăm năm trước, hai con đường lớn nằm ngay trung tâm thành phố Sài Gòn là Nguyễn Huệ và Hàm Nghi, không phải ngựa xe đi lại, mà là thuyền bè tấp nập ngược xuôi. Sách xưa Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức chép "Chợ phố Bến Thành, nhà cửa trù mật, theo ven sông họp chợ. Ở đầu bến, lệ cứ tháng đầu xuân ngày tế Mã, thì diễn duyệt thủy binh, bên có đò ngang tiếp chở khách ngoại quốc lên bờ. Đầu bắc có ngòi Sa Ngư bắc cầu ván qua ngòi, hai bên bờ có phố ngói bách hóa tụ họp. Ven sông thì thuyền buôn lớn nhỏ đi lại nườm nượp". Hai con đường này ngày trước là hai con kênh trên bến dưới thuyền, tấp nập ghe thuyền chuyên chở hàng hóa.

Thời đó, quan Tây quan Ta muốn đi săn thú rừng, chẳng phải đâu xa, chỉ chịu khó đi quá miệt Thủ Đức một chút, vùng Biên Hòa gọi là Đồng Nai và có địa danh Hố Nai, tương truyền xưa nhiều hươu, nai. Người dân Hóc Môn - Bà Điểm, 18 thôn Vườn Trầu gánh cau trầu đi sớm bán ở Bến Nghé, Sài Gòn phải tập họp lại thành đoàn vài ba chục người, không phải để đề phòng trộm cướp mà là để chống... cọp, trong dân gian còn truyền câu "dữ như cọp vườn trầu"...

Sài Gòn chỉ có mấy trăm năm lịch sử, nhưng thật là ngổn ngang ký ức. Đã lỡ ở đây, cũng ráng làm... con ma xó Sài Gòn vậy.




31 nhận xét :

  1. Chúc mừng bác. Làm ma xó cũng được lắm chứ bộ. Ở quê con cũng vậy. Ai mà rành cái gì ở vùng nào đó sẽ nói: "Con ma này nó là thổ (là trùm) ở đây rồi". :).
    Con cũng nghe chuyện con ma xó làm ma giữ của từ các bạn người Mường ở Hoà Bình kể cho nghe. Sau con vô Nam thì người ta kể con ma xó đếm 1,2,3 như bác kể. Tuy các chi tiết có khác nhau, nhưng về cơ bản là ma xó vẫn là thần giữ của. :).
    Rồi còn mấy chuyện xưa dân Tàu chôn sống các trinh nữ trong hâm mộ để giữ của cải. Tới lấy phải đọc đúng thần chú mới lấy đựoc.

    Trả lờiXóa
  2. Được làm ma xó giữ nhà là OK rồi, à bên trên HT có nhắc tới chữ "trùm", trùm là chữ của xóm đạo đó, ông trùm là ông xếp xòng giáo dân ở một xứ đạo.

    À chuyện thần giữ của của người Tàu thì ly kỳ lắm, ngay cả ngôi nhà của Hui Bon Hoa là Chú Hỏa, người giàu nứt vách ở Saigin xưa (nhà này nay là Bảo tàng Nghệ thuật) cũng có truyền thuyết đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ. Bữa con đi tham quan bảo tàng cũng được nghe kể. Truyền thuyết nhiều hơn thực tế. Hì hì.
      Và, trên đời này con không sợ ma. Vì con chưa thấy ma bao giờ. Hè hè. Ma men thì con hay gặp. Có một thứ ma mà con mong gặp lắm!!! Đó là ma..........nữ. :))))

      Xóa
    2. Con ma nhà chú Hỏa nghe chuyện thấy cũng khá ớn, còn ma men, ma đề thì làm cho tan hoang cửa nhà. Ma... nữ thì hợp với các bạn trẻ như HT, Hì hì!

      Xóa
  3. " Đất có Thổ Công , sông có Hà Bá " đến một vùng đất nào đó , muốn tìm hiểu về lịch sử hay tên gọi các địa danh , thì phải tìm gặp những người đã gắn bó từ nhỏ đến già ở đó . Nhưng cũng phải gặp đúng người mới được . Xung quanh nhà Salam ở cũng có nhiều người già gốc Sài Gòn , nhưng nhiều lúc hỏi họ thf họ cũng chẳng biết bao nhiêu . Về vấn đề này thì phải cần những người có lòng đam mê tìm hiểu như bác Hiệp mới được .... Thank's

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một người ở xa đến một nơi khác, muốn thăm thú nơi mình mới đến thường tìm "thổ công" ở nơi đó để được hướng dẫn. Bác Salam nói rất đúng.

      Bác í cũng đúng nữa khi nói bác í biết nhiều người già gốc Sài Gòn nhưng nhiều khi hỏi họ cũng chẳng biết được bao nhiêu nơi họ đã ở gần hết đời người. Như tôi đã nói bên trên, muốn biết một nơi chốn có 2 cách, một là thực tế, bạn phải đi nhiều, sống nhiều. Hai là bạn phải tìm hiểu nhiều qua sách vở, những sách vở nghiêm túc. Kết hợp được 2 điều này thì bạn sẽ thành... ma xó. Hì hì!

      Xóa
  4. Cách đây gần 50 năm , Salam đã được một cuốn chuyện nói về " Ma Lai " ở vùng miền núi thích ăn gà và hại người . Cũng từng được đọc một bài viết về " Ma thuốc độc "
    Cứ tưởng mọi chuyện chỉ có trong tiểu thuyết , chứ không ngờ thế kỷ 21 rồi mà những bụ án về Ma vẫn xảy ra , vụ án vừa rồi ở Tây nguyên cũng nghi ngờ về " Ma thuốc độc " mà dẫn đến hành động giết người trả thù . Tàn dư mê tín hay mê muội vẫn còn trong xã hội chúng ta , chưa hẳn mất đi hoàn toàn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ồ, ba cái chuyện "ó ma lai" rút ruột hại người mà mới đây tôi còn nghe tin trên Tây nguyên người ta còn giết hàng xóm, vì nghi ngờ là ma lai. Ghê thật, cái u mê nó ăn vào máu họ rồi.

      Xóa
  5. Khi NT viết truyện, mọi người đọc và bảo NT là ma xó, chuyện người ta kín đáo thế mà cũng biết. Nhưng họ không biết là NT chỉ "đoán mò" thôi, đoán mò mà xây dựng nên câu chuyện vậy. Mò thế mà nhiều kẻ giật mình. Hi hi...
    Bữa hè đi tham quan vào SG, thực tình NT không thích lắm vì mình ở chốn thâm sơn cũng cốc, ba bề bốn bên cây nhiều hơn người, giờ đến một nơi người đông thế, nhà cao thế, sợ lắm. He he...Nếu biết bác Hiệp sớm hơn thì đã nhờ bác làm hướng dẫn viên du lịch riêng rồi. Tiếc quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hí hí, muốn làm ma xó thành phố thì phải biết thực tế và đọc sách vở nhiều, chứ không thể đoán mò như NT viết truyện được.

      Ồ, tôi có thể làm hướng dẫn viên du lịch đến những nơi như đình, đền, chợ truyền thống, cà phê quán cóc... ở Saigon được, nhưng những nơi như tòa nhà mấy chục tầng, plaza... thì không rành. À mà hôm thấy ông bạn Salam nói hôm NT đi chơi Saigon, ghé khách sạn tính rủ NT đi cà phê ở tòa nhà mấy chục tầng, chắc mai mốt NT có đi Saigon nữa nên nhờ bác Salam dẫn tham quan hay hơn, hì hì!

      Xóa
    2. Bà Sui là " Ma xó " ở Quỳ Hợp là đúng rồi , lại còn thanh minh thanh nga kính thưa các kiểu thanh . Hồi đi buôn Cafe cho Mẹ ở Nghĩa Đàn , Salam cũng hay vào mấy vùng dân tộc Thanh , Thổ , cũng nghe họ kể chuyện Ma xó
      Ma Xó mà xinh đẹp như Bà Sui thì tui cũng mong được bắt đi đó tề , bắt tui đê .. he he
      Bác Hiệp nói đúng rồi , Nhật Thành lần sau mà có dzô Sè Gềnh , đi đền chùa , đi chợ thì nhường cho Bác dẫn đi, còn đi chơi thì có nhà Iêm
      Đầu tiên là dẫn đi ăn ở nhà hàng trên cao toàn bằng kiếng xoay vòng , để ngắm toàn cảnh thành phố . Sau đó là đi Cafe Bệt , Cafe võng ... Cafe ... giường ( Mới có ) xem phim giường ( cũng mới có ) .... he he

      Xóa
    3. Haha, vậy là đúng tổ con chuồn chuồn của anh sui NT rồi, lần sau NT có vào Sè gòong nhớ chia thời gian, đi đình, chùa, nhà thờ thì hú tôi, còn mấy cái khác thì hú anh sui. Nhớ nha bác Salam.

      Xóa
  6. Hihi ...đọc hết bài này em thích nhất là đoạn nói về con ma xó ở buôn làng của người Thượng miền ngược . Không biết có thiệt hay không mà nghe nói người chết họ không chôn mà đem dựng ở xó nhà đến khô queo và trở thành là ma xó ! Nghe ghê thiệt và đầy tính hoang đường anh Hiệp nhỉ ? Điều quan trọng là có thật như thế không anh nhỉ ? Nếu thật như thế ...eo ui ...ai mà dám đến đó nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu hỏi của NangTuyet là con ma xó ở bản làng Thượng có thật hay không hơi khó trả lời. Riêng tôi thời trước năm 1975 tôi đã có lúc ở cả tháng trời trong những làng Thượng, thì thấy trong nhà của họ chẳng có xác khô nào cả, vá dĩ nhiên là không có ma xó. Nhưng cái mê tín đến mê muội của họ thì rất lớn, họ tin đủ mọi thứ vớ vẩn, bị bệnh tật họ nghĩ ngay là bị ma làm và đến ông thày cúng. Cũng đúng thôi vì thời đó y tế là một cái gì rất xa lạ đối với bản làng.
      Nhắc đến thời đó cũng có cái hay.

      Xóa
  7. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  8. 1- Cứ kiểu này thì những Ông SỂN ông SƠN NAM đều thuộc diện ma xó xịn của Sài Gòn. PNH chắc đang ở chiếu đàn em, thế cũng là oách chán.
    2- Mong sao đám đầy tớ đều là ma xó để dân được nhờ. Cách đầy gần thế kỉ ma sẽ nói với nhà lãnh đạo thiên tài rằng chớ chơi với Tàu, nó sẽ cướp đảo cướp biển của ông đấy thì hay biết bao. (Thực ra có Linh mục Cao Văn Luận đã nói điều đó với học giả cộng sản Nguyễn Khắc Viện hồi 1945 tại Pháp, nhưng ông Viện và các lãnh tụ của ông bỏ ngoài tai)
    Nếu các quan tòa Bình Thuận là ma xó thì ông Huỳnh Văn Nén đâu có bị tù oan hơn 15 năm bởi "tội giết người cướp của"

    Trả lờiXóa
  9. Cỡ như các cụ Sển, cụ Sơn Nam thì phải gọi là "Tổ sư Bồ Đề ma xó Sài Gòn" ấy chứ bác Bu. Mà được coi như "đàn con, đàn cháu" các cụ này cũng là oách lắm rồi nói chi là "đàn em".

    Linh mục Cao Văn Luận là một người tài ở miền Nam trước năm 1975. Ông là người sáng lập nên Viện Đại học Huế dưới thời TT Ngô Đình Diệm, ông ấy dám cãi lời nhà cầm quyền thời ấy để đưa Viện Đại học Huế trở thành độc lập chứ không thuộc Viện Đại học Saigon. Ông ấy cũng là người mời cụ Sển là người không có bằng đại học dạy đai học. Có điếu khá vui là bây giờ trong lịch sử của Viện Đại học Huế, hình như không hề nhắc gì đến vị linh mục này, một người tài, có tầm nhìn. Nói chung bác Bu thấy trí thức miền Nam trước 1975 có nhiều người tài, có cá tính rõ ràng, chứ không nhạt nhòa chung chung như bây giờ. Giờ tôi thấy cũng có mấy người, tiêu biểu là GS. Nguyễn Huệ Chi.

    Thời gian vừa qua cho ta thấy đâu chỉ có vụ Huỳnh Văn Nén hay ông Chấn gì đó ở ngoài Bắc, mà chắc chắn là còn nhiều vụ khác nữa chưa được đưa ra ánh sáng. Nguyên nhân do đâu ai cũng thấy rõ rồi, do cái chủ nghĩa cào bằng mà ra, người tài không được sử dụng đúng mực, chứ chưa nói trọng dụng. Tôi đi làm mấy chục năm thấy rõ, người ta không thích dùng người giỏi. Vừa qua có mấy vụ mấy người đẹp đi thi "hoa hậu chui" gì đó ở nước ngoài, về bị phạt tiền. Người ta nói vì không theo quy định là phải xin phép nhà nước. Chẳng rõ những quy định này ra sao? Nhưng tôi cảm thấy có cái gì đó kì kì, vô lý.

    Mấy năm trước cu cậu con trai tôi còn mê nhảy nhót, bà xã tôi thì không thích, có mấy lần cu cậu lén đi thi Dancesport toàn thành phố, được cúp vàng, cúp bạc, về khoe thì mẹ nó lại chúc mừng, chứ không đến nỗi "Tao phạt vì mày đi thi không xin phép". Thế đấy, điều này nói lên câu chuyện trong đám đông người Việt, có ai đó vượt trội ngoi đầu lên thì bị đập cho xẹp xuống.

    Trả lờiXóa
  10. 1- Bây giờ người ta trọng dụng người tài, nhưng tài mà phải ngoan ngoãn nghe Đảng. Oái oăm thay nghe đảng hoài thì khó mà tài lăm... hehe
    2- Cha Luận không chỉ TÀI mà có TÂM và có TÌNH nữa. Cha đã khóc khi từ Pháp về đi trên sông Sài Gòn thấy đất nước phân chia, thấy dân cực khổ.
    3- Mới giải phóng bu tui ngấu nghiến đọc hồi kí "Theo giòng lịch sử" của ông, mới đây căng mắt đọc lại trên mạng. Cha Luận quê Hà Tĩnh , đồng hương với Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, chủ tịch Hội Việt kiều ở Pháp. Cha đã từng nói với Viện (đại ý): Tôi biết cụ Hồ sai anh đên nói với tôi đừng phò ông Diệm về chấp chính ở Việt Nam. Nói thật tôi không thích một ông thượng thư nho học bảo thủ chấp chính việc nước. Nhưng ông Diệm có cái ưu thế được Mỹ hậu thuẩn. Mỹ là nước thủy chung với bạn bè, sau thế chiến 2 Mỹ giúp đỡ những nước trước kia là kẻ thù rất tận tình, trong đó có Nhật Bản. Mỹ cách ta nửa vòng trái đất, hậu cần để thu phục nước ta rất tốn kém...Phái cộng sản các anh nên nhớ rằng dân chủ kiểu Nga Xô và Trung cộng thì đối tượng thôn tính đầu tiên là nước ta.
    Năm 1979 Tàu đánh vào biên giới 6 tỉnh ngoài bắc, bu tui nhớ lại lời cha Luận và bái phục ông là đại tiên tri, là kỳ tài chớ không chỉ tài.
    Chỉ tiếc những ngày cuối đời ông Diệm quá bảo thủ, không chịu nghe ý kiến của chiến lược gia Cao Văn Luận đến nõi hỏng việc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Khổ, người tài (giỏi) thì chỉ có thể nghe theo cái gì hợp lý, sáng suốt, chứ không thể nghe theo những cái u mê, lú lẫn.

      2- Mà trước đây cũng khổ nữa, giới trí thức, sinh viên... thì ưng cha Luận, còn những ông chính trị, cơ hội cũng chẳng ưa gì cha, bởi người có tâm, có tài, không thể đi đôi với bọn cơ hội.

      3- Trong miền Nam ngày trước có nhiều người như cha Luận, họ không cầm quyền, không làm chính trị, nhưng họ có cái đầu biết suy xét, họ biết hết, anh nào hay, anh nào dở, phe nào thủ đoạn, cánh kia lưu manh. Chủ nghĩa nào tốt, chủ nghĩa nào tầm phào. Tiếc thay những người ấy luôn cô đơn, luôn bị cô lập. Họ không có cái máu lạnh dám sinh sát khi cờ đến tay.

      Ông Diệm có cái dở là bị những người xu nịnh tung hô, ông ấy quá tin ở họ, để kết cục thảm thương.

      Xóa
  11. Nói thêm: Cha Luận đã từng ở các xứ đạo Quảng Trach, và Tuyên Hóa của Quảng Bình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. A, vậy là có lẽ cha Luận biết rất rõ một số nhân vất nổi tiếng thời đó gốc ở quê hương bác Bu.

      Xóa
  12. He he ! 8888 tiếp đê

    Trước đến giờ cử bao nhiêu người đi thi sắc đẹp thế giới , tốn biết bao nhiêu tiền của ngân sách mà đâu có được gì . Vừa rồi Hồ thị Oanh Yến đăng quang Hoa Hậu Thế giới toàn cầu ở Philipine . Cô đăng quang hợp pháp nhưng đối với Tổng cục Du lịch thể thao thì lại là đi thi chui , nên tính phạt cô ý 25 - 30 trẹo , trước việc này cô tâm sự :
    - Tôi sống cuộc đời của riêng tôi và tôi đi đâu , làm gì là việc của riêng tôi . Tôi không làm bại hoại gia phong, không làm ảnh hưởng đến đất nước , dân tộc mình ... Mọi người cứ xem tôi là một người bình thường đi chơi cho vui cũng được . Không cổ vũ , khuyến khích , ủng hộ .... Tôi cũng không sao
    - Còn phạt tôi ư ! Không ai nuôi tôi một ngày , không ai cho tôi tiền để đi chơi... sao lại đòi phạt tôi . Tôi đi bằng tiền của tôi , cuộc sống này là của tôi , tôi đi du lịch sao phải đóng phạt . Tôi lấy tiền đâu ra mà nộp phạt

    Quy định hay luật lệ cũng do con người làm ra , bây giờ hỏi các bác :
    1 - Cô Oanh Yến đem vinh quang về cho đất nước thì sao phải đóng phạt ?
    2 - Những người ăn cắp , ăn trộm ở nước ngoài làm mất nhân cách của người Việt trong mắt bạn bè Quốc tế , để họ xem thường lây những người Việt khác , thì khi về nước sao không phạt ?
    Nhà Iêm nghĩ mãi không ra ... he he

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha bác Salam có lý, bọn ăn cắp bị bắt quả tang ở nước ngoài về nước có bị xử phạt không? Sao lại đi xử phạt người không phạm tội?

      Mời bác Salam sang bác Bu coi cái... quy trỉnh ngược ắt rõ!!!

      Xóa
  13. Lỡ tui ghé nhà bác uống nước, bác... đừng có đếm nhe! hic...

    Trả lờiXóa
  14. Haha, ma xó thành phố khác ma xó miệt rừng Giáo ơi!

    Trả lờiXóa
  15. He he ! 888 tiếp !
    Bác Bu và bác Hiệp nhắc đến Linh mục Luận , chuyện của Linh mục này thì dành riêng cho các Bác ... Salam cũng biết chút chút
    Vừa rồi có 2 kẻ muốn đốt đền , muốn hạ thấp nhân cách của Cụ nguyễn hiến Lê , ngoài ra trong mấy người quen Blogger cũng có một người muốn " Đu " theo ... Hài vãi
    Salam cũng giống bác Bu , rảnh rỗi thì căng mắt ra đọc trên mạng , để tìm hiểu ... dù sao thì cũng tìm được điều mình muốn tìm ( Không hẳn 100% ) cũng đủ cho bài viết của mình trên FB
    Có nhiều con người đã thuộc về lịch sử , thể chế đương quyền cố tình bắt mọi người phải quên đi , nhưng Lịch sử vẫn là lịch sử , không ai có đủ quyền năng để bắt mọi người quên đi những con người ấy . Càng đi sâu vào nghiên cứu những nhân vật lịch sử lại càng buồn thêm . Nhượng Tống ở thời Cận đại là một ví dụ

    VÔ ĐỀ

    Dưới bức màn sương chợt nhớ em
    Bồi hồi dòng lệ gạt trong đêm
    Lời thề sắt đá dù không chuyển
    Mộng cách non sông chửa dễ tìm
    Ta hận đã từng quăng ngọn bút
    Thêu sầu xin chớ mượn đường kim
    Phải chăng giờ trước trăng thu lạnh
    Em cũng ngồi trông bóng nguyệt chìm

    ( Nhượng Tống 1904 - 1949 )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế giới mạng ngày nay là một thế giới... quỷ quái, thượng vàng hạ cám, đủ mọi thứ tốt đẹp lẫn cặn bã ở trên đó, bác Salam thường xuyên theo dõi chắc dư biết điều đó, Chúa, Phật mà người ta còn lôi xuống bùn huống chi cụ Nguyễn Hiến Lê. Tôi cũng có đọc những bài đại loại như thế, người ta cố moi ra một vài chi tiết sai sót nhỏ nhặt trong sách của người khác, hoặc tệ hơn là moi móc một vài chuyện thuộc đời tư, rồi gán cho họ những cái tội tày đình về viết lách, về đạo đức... Mà không xét rằng, muốn đánh giá một người viết, phải đánh giá qua toàn bộ tác phẩm của họ, những cống hiến của họ cho xã hội, ở vào thời ký, giai đoạn họ đang viết, và những hệ quả sau đó. Tôi muốn nhấn mạnh điều này, thời của những nhà văn, học giả như Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển Hoàng Xuân Việt... trong Nam, và Tô Hoài, Hoài Thanh Hoài Chân... ngoài Bắc khác xa thời của chúng ta bây giờ. Bây giờ muốn biết gì ta chỉ lên mạng gõ vài cái là có hàng vạn thông tin, thời các cụ ấy phải mày mò, tra cứu, ghi chép, so sánh, chọn lọc... đâu đơn giản,

      Cho nên càng trong thời buổi này người ta càng cần phải cẩn trọng với mạng xã hội. Nhiều người nói cũng đúng, tôi chẳng cần phải mua sách gì hết, cần gì cứ lên mạng là có hết, quả là lên mạng cái gì cũng có, nhưng ác hại thay, cái hay thì ít mà có khi cái dở thì nhiều...

      Xóa
  16. Đọc đoạn chú nhắc người bạn mới "Ma xó cận" mà cháu giật mình. Hihi
    Qua bài viết này thì chú rõ là một "ma xó" ngay trên thành Gia Định xưa và nay rồi nha. Cháu chỉ là một con Ma bị Cận thị ngồi trong Xó ngó thiên hạ thôi. Hihiiii

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì!
      Ma xó mà cũng bị cận thị? Lạ nhỉ. Không biết con ma xó ở xó nhá trên cao nguyên ngày xưa có cận không? Có lẽ cũng cận cho nên nó mới không nhìn rõ người nhà giả dạng làm khách :-))

      Xóa
  17. TRùm có lẽ còn cổ hơn cả Trùm họ đạo anh Hiệp ạ. Xưa ở nông thôn cũng có chức danh Trùm, dành cho người đứng đầu một gánh hát hay một nhóm buôn bán, hành nghề nào đấy. Ví dụ Trùm phường thịt,của những người mổ lợn...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu vậy thì chữ trùm này là từ cổ xưa rồi. Từ trùm này mới thành trùm họ đạo cũng nên.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))