Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2015

Lại nói chuyện "lòi tói".


Hì hì, tôi quay trở lại với từ "lòi tói", lần này là từ "lòi tói" trong bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương. Tôi chép lại bài thơ dưới đây:

Dắt díu nhau lên tới cửa chiền,
Cũng đòi học nói, nói không nên.
Ai về nhắn bảo phường lòi tói,
Muốn sống đem vôi quét trả đền.

Bài thơ này tôi ít tìm thấy trong những quyển sách viết về thơ Hồ Xuân Hương, và trong quyển sách mà tôi tìm thấy bài thơ cũng không thấy ghi tựa của bài tbơ. Chỉ thấy sách viết đại khái là nhân một buổi đi thăm cảnh chùa, Hồ Xuân Hương thấy trên vách tường nhà chùa, ai đó đã viết một bài thơ (ngày đó là thơ chữ Hán, chữ Nôm), ý thơ thì non kém, chữ viết thì nguệch ngoạc. Tức cảnh sinh tình nhà thơ đã làm bài thơ trên để tỏ ý chê bai kẻ đã đề thơ.

Hai câu đầu bài thơ của Hồ Xuân Hương, cho ta thấy là bà đã chê (bài thơ) của kẻ nào đó (viết lên tường của nhà chùa), "cũng đòi học nói, nói không nên". Câu thứ ba và thứ tư, bà muốn nhắn bảo cho ai đó mà bà gọi là "phường lòi tói", muốn sống phải đem vôi đến quét xóa đi những câu thơ dở kia, trả lại bức tường cho nhà chùa.

Qua ý nghĩa của bài thơ thì ta thấy rõ Hồ Xuân Hương đã dùng chữ "phường lòi tói", để chỉ những kẻ dốt chữ đã làm bài thơ dở đề trên vách chùa kia. Trong 2 bài viết "Lòi tói" trước, tôi đã trích dẫn những quyển từ điển tiếng Việt ngày xưa xuất bản ở cả 2 miền Nam, Bắc, kể cả quyển từ điển rất xưa xuất bản năm 1651 tại Roma của giáo sỹ Đắc Lộ, chỉ thấy ghi nghĩa của chữ "lòi tói" là "sợi dây xích sắt", hoặc là "sợi dây thừng, dây chão lớn để buộc ghe thuyền", chứ không thấy sách nào giải nghĩa "lòi tói" là "ngu dốt", hoặc "người ngu dốt mà muốn tỏ ra hay chữ". Nhưng vài quyển từ điển mới xuất bản gần đây đã đưa thêm nghĩa này vào (chẳng hạn từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý chủ biên, hoặc của Nguyễn Lân), từ điển tiếng Việt Wiktionary trên mạng cũng ghi thêm nghĩa như thế, với ghi chú thêm 2 câu thơ thứ ba và thứ tư của Hồ Xuân Hương.

Tôi đã thử lục tìm trong khá nhiều tự điển, sách vở mình có mà không tìm ra tông tích từ "lòi tói" với nghĩa "ngu dốt".  Mới đây tình cờ lướt web đọc đươc bài thơ trên của Hồ Xuân Hương, với chú thích về chữ "lòi tói" trong "phường lòi tói", như sau:

- "Do thành ngữ "thảo lòi tói", nghĩa là viết chữ Hán theo lối thảo nguệch ngoạc, lằng nhằng chẳng ra sao, đây muốn chỉ người học trò dốt nát, học hành kém cỏi, viết chữ xấu, nguệch ngoạc như gà bới".

Với giải thích về từ "lòi tói" trong bài thơ của Hồ Xuân Hương hiểu theo giải thích như trên, ta thấy "phường lòi tói" mang ý nghĩa là chê chữ viết của ai đó trên vách tường của nhà chùa là nguệch ngoạc, khó coi. Chứng tỏ đấy là kẻ dốt chữ.

Như thế từ "lòi tói" từ nghĩa ban đầu là để chỉ sợi xích sắt, hoặc sợi dây thừng dây chão, đã được người đời "hình tượng hóa" sang chữ viết (chữ Hán hoặc chữ Nôm), với ý nghĩa viết chữ nguệch ngoạc, lằng nhằng (tựa như sợi lòi tói), chứng tỏ là kẻ dốt nát, và nhà tbơ Hồ Xuân Hương trong bài thơ ghi trên đã chê kẻ viết thơ trên vách chùa là "phường lòi tói", dốt chữ.

Với cách giải thích như trên tôi thấy khá thuyết phục, khi chưa tìm thêm được lời giải thích khác. Như vậy chữ "lòi tói" trong "phường lòi tói" với nghĩa là dốt nát trong bài thơ của Hồ Xuân Hương ghi trên là từ chuyển nghĩa (từ phái sinh), từ chữ "lòi tói" là xích sắt, hoặc sợi dây chão, dây thừng, như đa số từ điển xưa nay đã giải thích.

Tôi thường hay tra các loại từ điển, nhất là từ điển tiếng Việt qua nhiều thời kỳ in ấn, ở các địa phương, tôi nhận thấy cách giải thích từ ngữ của một vài quyển từ điển tiếng Việt thông dụng in thời gian tương đối gần đây, chẳng hạn như từ điển mạng Wiktionary, hoặc từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý, Nguyễn Lân, thường đưa nghĩa của các từ qua các thời kỳ, dưới hình thức ý nghĩa khác (nghĩa 1, nghĩa 2...), nhưng không ghi rõ nghĩa nào là nghĩa cũ (đã có từ lâu đời hoặc không còn thông dụng, chẳng hạn như chữ lòi tói với nghĩa là ngu dốt), hoặc là phương ngữ, tiếng địa phương như các quyển từ điển khác. điều này khiến người tra từ điển nhiều khi gặp nhiều khó khăn trong tra từ. 

Tôi đưa ra một ví dụ trong quyển Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) là quyển từ điển được dùng nhiều để tra cứu hiện nay, với cách ghi như sau:

- éo le: t. 1. (cũ). Chông chênh, không vững. Cầu tre khấp khểnh, éo le. 2. Có trắc trở, trái với lẽ thường ở đời. Cảnh ngộ éo le. Khối tình éo le.

Với cách ghi như trên, ta có thể thấy từ éo le với nghĩa 1. là chông chênh, không vững, là cách hiểu cũ của ngày trước, ta thấy ngay so với nay là nghĩa 2. thì nghĩa 1. ít, hay không còn được dùng nữa. 

Tôi đưa thêm một từ khác, đó là từ "bao biện", đây là từ xưa với nghĩa như từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) đã giải thích (chỉ với một nghĩa):

- bao biện: đg. Làm cả những việc lẽ ra phải để cho người khác làm, đi đến làm không xuể, không tốt.

Chữ "bao" ở đây có nghĩa là "bao đồng", và chữ "biện" có nghĩa là "công việc" (từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên), chứ không phải là "biện hộ". Trong sách Phép giảng tám ngày viết:

Hỏi: Khi giáo hữu thường, như trùm, biện, hay là mụ bà, phải làm phép rửa tội mà hãy còn mắc tội trọng, thì phải lo liệu làm sao?

Trong câu hỏi trên ta thấy có những danh từ chỉ những chức danh trong sinh hoạt của người Thiên chúa giáo ngày trước, như "trùm", từ còn dùng đến bây giờ, ở mỗi giáo xứ thường có một người đứng tuổi đứng ra cáng đáng "chuyện hằng xứ", thay mặt giáo dân để làm gạch nối giữa nhà thờ và giáo dân. Phải chăng từ chữ "trùm" này mà xã hội có từ "trùm" để chỉ kẻ đứng đầu, như khi nói "hắn ta là trùm xã hội đen"?

"Biện" trong Phép giảng tám ngày cũng thế, là người tự nguyện đứng ra làm việc cho nhà xứ, cho giáo xứ mà không có công xá gì hết, thường được gọi là người "làm việc tông đồ", dân gian gọi nôm na là "ăn cơm nhà vác tù và hàng Tổng". Mấy năm trước tôi gặp lại một anh bạn thời còn trong quân đội trước 1975, sau năm 1975 tôi ở Sài Gòn còn anh bạn ở quê nhà Kontum trong một xã đạo. Khi tôi hỏi thăm về một bạn khác cùng quê, ông bạn tôi nói về người kia "giờ nó làm biện ở nhà thờ", tức là người bạn kia đang "làm việc tông đồ" cho giáo xứ.

Còn "mụ bà" hay còn được gọi là "cô mụ, bà mụ" là từ ngày xưa để gọi những người nữ đi tu mà sau này gọi là "bà phuớc, dì phước", hoặc tân tiến theo tiếng Tây là "sơ" (soeur ), mà ta thường gọi là "ma sơ" (ma soeur). Bà mụ này khác với "bà mụ" ở ngoài đời để chỉ người đỡ đẻ ngày xưa, hoặc "mụ, mụ bà" trong tâm linh. Đứa trẻ lững chững biết đi bị ngã, người lớn hay nói "mụ bà đỡ".

Ít năm trở lại đây tôi thấy trong xã hội người ta ít còn dùng từ "bao biện" với nghĩa như Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê đã giải thích, mà dùng với nghĩa là tìm đủ mọi lý lẽ để chống chế cho lỗi lầm đã phạm khi bị phát hiện. Từ "bao biện" với nghĩa này rõ ràng đã khác với nghĩa cũ của nó. Tôi nghĩ sau này đã dùng sai, có lẽ người ta đã hiểu từ "biện" với nghĩa thông dụng là "biện hộ, biện bạch" chứ không phải nghĩa là "công việc", rồi dùng sai miết thành quen, thành ra một từ với nghĩa mới. 

Có một điều khá lý thú, là quyển Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, một quyển từ điển sau này nhiều người phát hiện nhiều sai sót trong việc giải thích từ ngữ, cũng chỉ ghi nhận nghĩa của từ "bao biện" là ôm đồm cả công việc của người khác.

Tôi tra từ điển tiếng Việt trên mạng, và Từ điển tiếng Việt thông dụng của Nguyễn Như Ý (NXB Giáo Dục-1996), thấy ghi từ "bao biện" gồm 2 nghĩa như sau:

Bao biện: đgt. 1. Làm thay sang cả việc vốn thuộc phận sự người khác. 2. Chống chế lại với đủ lý lẽ, nguyên cớ, làm cho người khác khó bác bỏ hoặc kết tội.

Tùy thời điểm mà đưa thêm nghĩa mới của từ ngữ vào từ điển là cần thiết, nhưng hai nghĩa ghi trên không ghi nghĩa nào là nghĩa cũ. Tôi nghĩ cách viết từ điển (sơ sài) không rõ ràng như thế có một nhược điểm như đã nêu, là khiến người tra từ điển không phân biệt được đâu là nghĩa cũ, đâu là nghĩa mới phái sinh. Đó chính là lý do mà nhiều khi tra nghĩa của một từ, tôi đã phải giở khá nhiều quyển từ điển.

Vài điều suy nghĩ về một từ ngữ.









37 nhận xét :

  1. Bác Hiệp thật là công phu quá đi! Hôm trước bác đưa ra một cách lí giải về "lòi tói" trong nghĩa dốt đặc như...dây lòi tói. Em thấy chưa ổn. Giờ bác lại đưa ra một suy đoán nữa là "chữ nguệch ngoạc lằng ngoằng như dây lòi tói". Điều này em vẫn chưa thông đâu nhé. "Phường lòi tói" chắc phải gọi nữ sĩ HXH thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tính tôi vậy, thắc mắc chữ nghĩa muốn tìm hiểu tới cùng (hoặc khi không còn tìm hiểu được). Cái NT gọi là "suy đoán nữa" như tôi đã nói bên trên, không phải tôi suy đoán mà coi được trên mạng, thấy có lý (NT vào trang này xem "thivien.net/Hồ-Xuân-Hương/Tiễn-người-làm-thơ/poem-IErA4VPPGZZzwxtMXbsYZQ").

      NT chưa thông không quan trọng, đó là suy nghĩ của NT, nhưng có điều khi tranh luận (cứ tạm coi như ta đang tranh luận) về điều gì, khi phản bác và nêu quan điểm khác của mình, cần phải đưa ra chứng cứ phản bác, và căn cứ bảo vệ quan điểm của mình, chứ không nên nói suông, hoặc nói khơi khơi. Có lẽ NT cũng rõ những điều cơ bản này, hì hì!

      Xóa
    2. Nô cũng tìm thấy trong cuốn Lều Chõng - Ngô Tất Tố có đề cấp đến chữ thảo kiểu lòi tói, xin chép ra đây góp vui cùng bác Phạm :

      "Khắc Mẫn lĩnh quyển văn đi xuống chỗ cũ. Mài mực, tẩm một ngòi bút thật đẫm. Một tay cầm bút, một tay. cầm quyển, thầy bắt đầu đọc bài chiếu trước. Tất cả học trò đều giở một tập giấy bán đặt lên đầu gối. Tai nghe văn, tay thì viết lia viết lịa. Văn đọc đến đâu, họ phải cố viết cho kịp đến đây. Chữ thảo một lối lòi tói như sợi xích chó."

      Xóa
    3. Aha, cám ơn cụ Nô, bác dungNobita xứng đáng được gọi là "cụ", các cụ khác người trẻ là biết nhiều.
      Như vậy đã rõ, dù sao cái trang mạng mà tôi đã xem và trích dẫn cũng không đến nỗi tầm phào, và mình thấy có lý cũng không đến nỗi tầm bậy.

      Xóa
    4. NT thường không có nhiều thời gian trên mạng. Công việc gần như kín cả ngày bác Hiệp ạ. Tra ông gu gồ thì ít nhưng vào tìm và cóp nhặt kiến thức của bác Hiệp thì khá thường xuyên! Hì hì...
      Với bác Hiệp, bác Bu, cụ Nô và một số người khác, NT coi đó là những ông thầy mà mình luôn phải học hỏi. Khổ nỗi, NT lại là trò cá biệt, học thì ít mà hỏi thì nhiều. Nói chưa thông là lại muốn hỏi tiếp: liệu có còn cách lí giải nào nữa không?
      Hì...thế nên mới mê bác Hiệp chứ!

      Xóa
    5. Hì hì, cám ơn NT đã tin tưởng, như tôi vẫn nghĩ và đã nói, viết cũng là một cách học, khi viết tôi cũng chỉ nói ra cái đã học. Về chữ lòi tói trên thì tôi hết cách lý giải rồi, nhưng NT chắc đã đọc được thêm cách lý giải của anh sui nhà NT bên dưới, biết đâu hồi đó cũng đã có bọn tương tự như khoan cắt bê tông, hay hút hầm cầu bôi bẩn tường nhà chùa, mà thời đó thì quảng cáo cái gì nhỉ? Bê tông chưa có, dân ta cũng "đi đồng" chứ chưa phổ biến nhà cầu để có hầm mà hút. Nói chung là thời đó chưa có nhiều loại hình dịch vụ, hay mua bán như bây giờ để quảng cáo. May ra chỉ có bọn trẻ trâu rắn mặt bôi bẩn kiểu vẽ bậy bạ, chắc không đáng để nữ sỹ làm thơ như thế.

      Có lẽ phải cầu cơ hoặc lên đồng thỉnh nữ sỹ về xin ý kiến thôi.

      Xóa
    6. Ồ, chưa đưa đẩy từ đồng quang sang đồng rậm thì chưa phải ông sui mà.
      Nghe nói sinh thời, HXH rất ghét đền chùa, thế mà có vẻ như bà lại hay đến chùa, đền. Và đến rồi thì chỉ thấy chú ý những "cái chi chi". Thế mới có bài thơ...lòi tói này vậy! Hi hi...

      Xóa
    7. Đọc thấy HXH cũng có những bài đi chơi đền, chùa, dĩ nhiên là thơ bỡn cợt nhiều thứ nơi đền chùa. Nhưng tôi nghĩ có lẽ những gì chướng tsi gai mắt ở những nơi này bà mới bỡn thôi, chứ một người như HXH tôi nghĩ bà có tbưa tri thức, trí thức để phân biệt cái gì xấu và cái gì tốt phải thành kính nơi đền chùa.

      Xóa
  2. Salam cũng nhận định như Nhật Thành từ " Lòi Tói " trong thơ của nữ sĩ Hồ xuân Hương thì chỉ Bà mới cắt nghĩa được thôi . Cứ tạm tin như bác Hiệp và Cụ Nô giải thích đi , nhưng từ " Lòi tói " biết đâu chỉ một đám du thủ du thực đi đâu cũng vẽ bậy vẽ bạ thì sao ?
    Cũng như bây giờ ta có thể gọi tụi " Khoan cắt bê tông , Hút hầm cầu , Trị yếu sinh lý , Chuyên chữa bệnh trĩ " dán đầy cột điện góc phố là " Phường lòi tói " được không heng ? he he
    - Còn từ " Bao biện " bây giờ ít dùng , thay vào đó là từ " Nguỵ biện " Fallacy
    Nói đến câu " muốn sống đem vôi quét trả đền " thì lại sôi máu lên với " phường lòi tói thời hiện đại . Ai dè hôm nọ mới sơn nhà xong chưa kịp mừng , thì sáng hôm sau chúng quất cho mấy biển quảng cáo " Khoan cắt bê tông , hút hầm càu " lại phải thuê thợ sơn lại

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Salam cũng nhận định như Nhật Thành từ " Lòi Tói " trong thơ của nữ sĩ Hồ xuân Hương thì chỉ Bà mới cắt nghĩa được thôi". Đấy cũng là một nhận định của cá nhân Salam, điều này bình thường, mỗi người sẽ nghĩ theo cách hiểu biết của mình.

      Chính ra bây giờ tôi thấy người ta không dùng chữ "ngụy biện" (từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê: cố ý dùng những lí lẽ bề ngoài có vẻ đúng nhưng thật ra là sai, để rút ra những kết luận xuyên tạc sự thật) như Salam nói để thay thế cho "bao biện", mà đích thực trên tivi, báo chí hay dùng từ "bao biện", với nghĩa số 2. của từ điển Nguyễn Như Ý.

      Hì hì, bác có quét lại có khi chẳng được mấy ngày rồi cái đám khoan cắt bê tông, hút hầm cầu và... yếu sinh lý... lại đến in, hoặc dán tờ rơi lên thôi. Hết ý kiến với tụi này.

      Xóa
  3. hihi...Với kiến thức của chú Hiệp, cộng tủ sách quý mà chú có, còn chưa giải mã được chữ lòi tói trong thơ HXH, thì cháu chỉ tếu táo góp vui thôi nhé. Chị NT ơi, cách lí giải chú Hiệp, cụ No đưa ra có lý mà. Có thể người xưa chuộng chữ vuông, nên viết chữ như dây xích, được cho là xấu...hehe...nhưng chữ phường lòi tói trong bài thơ này, dường như không dùng để miệt thị đám học trò. Với thể loại thất ngôn bát cú, hay thất ngôn tứ tuyệt mà người viết lại là HXH một người hay chơi chữ, và cực kì sâu sắc. Có lý nào lại dùng chữrất nặng nề trong câu:Muốn sống đem vôi quét trả đền...hihi...cháu cũng ở trọ nhà chú Hiệp lâu rồi, giờ mới chào chú nè.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bạn Huân, trước hết xin cám ơn anh bạn trẻ (tôi mạn phép nói như thế vì bạn đã "ở trọ" nơi đây khá lâu, giờ mới lộ diện nên chắc đã rõ niên kỷ của tôi).

      Tôi thấy bài thơ trên của HXH không miệt thị đám học trò, hay học trò nào hết, mà chỉ nói với ai đó đã đề bài thơ dở trên vách nhà chùa. Câu "Cũng đòi học nói, nói không nên", ám chỉ là người dốt mà thích nói chữ, khoe chữ, còn chữ "phường lòi tói" cũng thế, ở đây nên hiểu theo nghĩa bóng là ai đó làm thơ dở (cho nên mới có câu trên), chứ chua hẳn lòi tói là chữ của đám học trò viết chữ "thảo một lối lòi tói như sợi dây xích chó", như trong tác phẩm của Ngô Tất Tố.

      Riêng từ "Muốn sống" trong câu cuối "Muốn sống đem vôi quét trả đền" tôi nghĩ ta nên đặt vào ngữ cảnh xưa một chút. Tôi còn nhớ thời tôi còn nhỏ cách nay chừng ngót 60 năm thì từ "muốn sống", "liệu hồn" đám trẻ trong nhà đươc nghe thường xuyên, chẳng hạn "này muốn sống thì vào rửa tay chân rồi ngối vào bàn học", hoặc "liệu hồn mà nghịch phá ba tụi bay đi làm về là chết đòn"... Dĩ nhiên đây là một lời đe nẹt của nguời lớn, nhưng quả thật cũng không nặng nề gì lắm.

      Nữ sỹ HXH khi nói thế cũng hợp với ngữ cảnh mình là người nghiêm túc, biết thưởng thức thơ văn hay để chê thứ thơ văn dở của kẻ non kém mà thích khoe chũ.

      Xóa
    2. Lòi tói ngàn năm vô hình trói
      Cá chép làm sao hóa được rồng

      hihi...là cháu suy đoán theo ngữ cảnh của bài thơ vào cuối thế kỷ 18 thôi mà. Thật ra cháu thường vào nhà chú Hiệp, chú Bu để học hỏi kiến thức, thỉnh thoảng lên tiếng để điểm danh đó chú...hihi...Nếu có gì không phải là do cháu diễn đạt không tốt, mong chú Hiệp bỏ qua cho...hihi

      Xóa
    3. Cám ơn bạn trẻ Huân, mong bạn sẽ qua đọc ủng hộ cho bổn tiệm chạp phô :-)

      Xóa
  4. Ôi trời ...chữ nghĩa chi mà khó quá ! Nhưng mỗi ngày mà được mở mang thêm kiến thức như thế này thì quả là rất tuyệt ! Tiếng Việt của mình thật phong phú và đa dạng về ngữ nghĩa vô cùng ! Là người Việt học cả đời cũng chưa hết được cơ ! Thế nên sống ở nước ngoài việc dần quên nghĩa của tiếng mẹ đẻ quả là cũng dễ hiểu đó cơ ...nhất là hàng ngày không hề sử dụng đến tiếng mẹ đẻ thì lại càng khổ nữa ..híc ..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiếng Việt mình đúng là khó thật đó NangTuyet, hay nói đúng hơn là nó phức tsp như người mình ấy. Vậy thì NangTuyet càng nên vào đây đọc để không quên tiếng mẹ đẻ nhé. Mà NangTuyet nói đúng thật, cả ngày cứ phải nói và suy nghĩ bằng tiếng nước người thì khổ thật, bây giờ may mà còn có internet để giao lưu.

      Xóa
    2. Dạ , cũng may là có internet để giao lưu chứ nếu không thì sẽ bị mù mờ như người mất giống mất nòi vậy đó anh Hiệp ạ ! Nếu có chồng là người Việt thì không sợ mà có chồng Tây mới chít đó cơ ! Nghĩ giờ đỡ rồi chứ lúc mới qua nghe họ nói chuyện với nhau mà em nghĩ hổng chừng bị mù và bị điếc có còn sướng hơn cơ ..huhu ..

      Xóa
    3. Nếu ở nước người có chống ngoại quốc mà ở mấy nơi có nhiều người Việt cũng đỡ ha NangTuyet? Mà hình như cũng không hẳn như thế, tôi có mấy người anh em ở Úc, Mỹ lai nói ở mấy nơi người Việt nhiều cũng có nhiều cái rối, vậy thì phức tạp thật.

      Xóa
  5. " Muốn sống đem vôi quét trả đền "
    Câu này cũng chứng tỏ nữ sĩ HXH cũng rất rành luật nhân quả , đụng đến đình chùa miếu mạo thế nào cũng bị thần linh vật chết :
    Của Bụt ăn một trả mười
    Bụt vẫn còn cười Bụt chẳng nhận cho
    Hồi trước có phong trào bài trừ mê tín dị đoan , vì vậy phá bỏ hết đình chùa . Gần nhà Salam ở quê có một ông Trưởng ty giao thông lấy mấy cây gỗ của chùa về làm nhà . Mọi người khuyên ông trả lại nhưng không nghe . Vừa rồi về quê nghe mọi người nói nhà ông giờ tan nát hết rồi , nợ nần ngập đầu , 7 đứa con thì thì 3 đứa đi tù , 2 đứa chết vì Sida . Thấy mọi người bảo tại ông lấy đồ của nhà chùa nên mới bị quả báo như vậy
    Cũng vì lẽ đó nên nữ sĩ mới có câu thơ như trên ... he he

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nữ sỹ HXH rành nhân quả, muốn nhờ nhá đền nạt bọn bôi bẩn tường nhà chùa, ý kiến hay lắm đó bác Salam.

      Bọn lấy của nhà chùa te tua như thế, không biết bọn lấy của dân thánh thần ở nhà đền có biết mà trừng trị không bác Salam?

      Xóa
  6. Lòi tói nghĩa chính là sợi dây xích, hay dây chảo để buộc thuyền. Bà Hồ Xuân Hương dùng với nghiã hoàn toàn mới là sự dốt nát.
    Cụ Ngô Tất Tố dùng chữ lòi tói từ nhận xét mang tính hình họa. Thấy chữ thảo viết loằng ngoằng na ná như sợi chảo, sợi xích thì nghỉ đến chữ lòi. Câu văn hay nhưng không có phát hiện gì mới như bà Hồ Xuân Hương.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là ý kiến của bác Bu, còn tôi thì đã nói hết nhời nhẽ trong bài viết và những comments rồi.

      Xóa
  7. He he ! Bọn lấy đồ của đình chùa thì bị phạt te tua , còn bọn lấy của dân không bị phạt mô , tại sao vậy ? Là vì bọn ấy cúng đền chùa nhiều lắm vì thế mới có câu nói " Ăn của chùa ngọng miệng " chúng hối lộ thánh thần nhiều hơn dân đen thì làm sao phạt ? Lỡ ăn hối lộ rồi thì phạt răng được hè
    Cứ ngày lễ tết xem mấy Bà lớn đi cúng chùa là biết liền hà , càng cúng nhiều càng giàu thêm . Chứ dân đen cúng ít thì mãi nghèo là đúng rồi ... he he

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, vậy là đúng rồi, bác Salam thật là chính xác, bởi vậy cho nên quan tham ở xứ ta thấy càng ngày càng tăng chứ đâu có giảm.
      Huhu!

      Xóa
  8. Trong văn chương , nhất là thơ , yêu cầu về vần điệu và niêm luật nên có những từ ngữ không thể lý giải theo toán học. Có nghĩa là về văn chương tính ước lệ và na ná khác hẵn sự rach ròi trong toán hoc .
    - Phường Lòi tói trong thơ bà Chúa như một sự ước lệ , đại khái : Lũ kém về văn hóa , thơ thẩn , chữ nghĩa chẵng bao nhiêu nhưng bạ đâu viết vẽ , thơ ca đó , chỉ tổ bôi bẩn đền chùa chứ lòng thòng , lòng vòng như phường lòi tói. Phường Lòi tói là lũ lòi tói, chẳng dính dáng gì về văn chương cả.
    - Chữ mà ...như ngọn rau muống gặp trời mưa không khác mấy nét thảo như lòi tói trong câu văn của Ngô Tất Tố .
    Sự cặn cẹ , chính xác trong thơ văn thường mang tính ước lệ là vậy .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoàn toàn đồng ý với Lão Tân, văn chương nói chung là ước lệ, một ước lệ để diễn tả thực trạng:

      - Không phải bà Chúa đã dùng chữ lòi tói để diễn tả cái ngu dốt của kẻ đề thơ dở bôi bẩn trên vách chùa một cách ngẫu nhiên. Phường lòi tói, lũ lòi tói = kẻ ngu dốt mà khoe chữ. Trước khi từ lòi tói chỉ sợi xích sắt chuyển qua lòi tói có nghĩa là ngu dốt phải qua chuyển nghĩa (như Nhật Thành đã đòi hỏi trong comment ở bài trước), và chuyển nghĩa ở đây chính là "thảo một lối lòi tói như sợi xích chó". ý chỉ chữ viết loằng ngoằng cẩu thà của kẻ dốt, nếu không thì bà Chúa đã dùng những ví von khác như "phường gỉ sắt", hay "phường đồng nát" rồi.

      - Như đã nói, từ ngữ "phường lòi tói" của bà Chúa và câu văn của Ngô Tất Tố trong comment của bạn dungNobita bên trên là những ước lệ, những văn cảnh để tả những thực trạng khác nhau của mỗi tác giả. "Phường lòi tói" để chỉ kẻ ngu dốt mà thích khoe chữ (nên mới viết dở, viết ẩu lên tường nhà chùa là nơi đông người qua lại).

      Còn câu văn của Ngô Tất Tố để chỉ sinh hoạt của một lớp học ngày xưa, khi nói học trò viết chữ như sợi lòi tói, sợi xích chó, không hề có ý chê bai, mà chỉ nói lên cái thực trạng khi đọc để chép trong lớp học xưa thì phải viết thảo như thế (sau này ta chuyển sang âm nôm là viết "tháu", là viết dối, viết ẩu) mới kịp theo cái đọc, cũng còn có ý nghĩa học trò đang đi học thì chữ viết chụa giỏi, chưa đẹp.

      Cho nên mỗi người có cách ước lệ nói lên thực trạng mà họ muốn nói, đều hay như nhau. Ta không thể so sánh được.

      Xóa
    2. Lão gàn này khi say nói cũng chính xác ra phết, bác Hiệp nhỉ?

      Xóa
    3. Xem ra Nhật Thành rành Lão Tân? Mà say cái gì vậy NT? Nhưng hình như không phải say men rượu mà có vẻ như đang say men... tình thì phải? Hí hí!

      Xóa
    4. NT mà rành về lão Tân thì đã thành...ma xó bác Hiệp ơi. Đoán mò thôi, NT lúc nào chẳng đoán mò như thế.Chắc lão say chi đó tương tự như say tình chẳng hạn.

      Xóa
    5. Vậy cái này không phải ma xó mà là... ma mò, ma này có khi còn dữ dằn hơn ma xó, hì hì.

      Xóa
  9. Lại vào nhà bác H đọc về "phường lòi tói" cho biết.

    P/s : M tự nhận thấy M đúng là "lòi tói" như cụ Ngô Tất Tố đã nói, chứ không đến nỗi là "phường lòi tói" như trong thơ Bà Hồ Xuân Hương , haha...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, lòi tói của cụ Ngô Tất Tố là lòi tói hết sức bình thường, không hề có ý chê bai gì hết cụ chỉ tả một lớp học chữ Nho của các thày đồ ngày xưa, bọn học trò đang học trong lớp hoc ấy đang chép bài, viết chữ thảo lói tói như sợi xích chó. Cụ Tố ví von rất hay.

      Tôi cũng thuộc loại lòi tói này luôn. Cũng xin nói thêm một chút, từ ngữ "chữ thảo" nếu nói chính xác có lẽ phải nói là "chữ tháu", tức là viết dối, viêt ẩu, viết xấu. Bởi trong mấy cách viết chữ Hán có loai cũng gọi là chữ thảo (thảo thư), chuyên dùng để viết thư pháp, chữ viết như "rống bay phượng múa" (khác với chữ viết tháu... gà bới). Phải là người giỏi chữ mới viết được.

      Xóa
  10. Không biết những bài đó có phải của bà Chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương thật không các bác nhỉ, hay thơ vô danh của được dán tên Hồ Xuân Hương. Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương Ký trang nhã lắm. Em nghe nói thế.

    hất viên hồng hạnh bích thanh song,
    Phồn hoa tích dĩ không.
    Kim triêu hựu kiến sổ chi hồng.
    Oanh nhi mạc đái xuân phong khứ,
    Chỉ khủng đào yêu vô lực tiếu đông phong ».

    Một vườn hồng hạnh biếc xanh xanh, Mơ hoa tỉnh giấc nồng. Oanh ơi đừng rủ xuân đi nhé. Ta sợ đào hoa không đủ sức cười với gió đông!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhất viên hồng hạnh bích thanh song...

      Xóa
    2. Cái vụ Lưu Hương Ký này tôi cũng đọc được là có nhiều người nghi ngờ không phải thơ bà Chúa, vì văn phong không "đanh đá".

      Xóa
  11. “Một con Hồi thân tròn, mập ú như cá Flounder cứ lượn lờ quanh nó. Con khác ốm nhom, thân dài như cá trạch. Có con đen thùi như CÁ LÒI TÓI, con trơn lui như cá da trơn, con thì lấm tấm rổ như cá nhám, có con đẹp dáng lại hết sức vô duyên. Nói chuyện với đám này Bạc có cảm giác Bạc nhìn thấy chúng, nhưng chúng không nhìn thấy Bạc”.
    (Trích tryện ngắn Lửa Bạc trong tập “Đời viễn xứ”, Nov.15/2008 Nguyen Thi Thao An )
    Như vậy, LÒI TÓI là tên một loài cá để chỉ cá chép. Ở vùng Hương Sơn, Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh, cá chép được gọi là CA TÓI hoặc cá Gáy. Vùng này có thác Vũ Môn trên dãy núi Vụ Quang tương truyền là thác để cá chép vượt qua hóa rồng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. LÒI TÓI là để chỉ cá Tói mới lớn bằng bàn tay, giông như Tràu Cóc để chỉ cá tràu (cá quả) mới lớn bằng ngón chân cái

      Xóa

:) :( :)) :(( =))