Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016

Đại gia - Thiếu gia.



Trên báo chí, người ta hay nói "đại gia" với ý nghĩa là người kinh doanh nhiều tiền lắm của, nhà giàu có, và "thiếu gia" với nghĩa là con của đại gia như vừa kể. Hồi nào tới giờ tôi (và có lẽ nhiều bạn khác nữa) cũng hiểu như thế.

Mới đây đọc trong "Rong chơi miền chữ nghĩa" quyển 2 của học giả An Chi, thấy có bạn đọc hỏi "Thiếu gia có phải là con của đại gia không?". Học giả An Chi trả lời như sau (xin rút gọn, lấy những ý chính):

(...)

Cả một rừng "thiếu gia" ở trên mạng, bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa. Người ta mặc nhiên hiểu rằng "thiếu gia" là con của "đại gia" mà không ngờ rằng hai danh ngữ này chẳng có dây mơ rễ má gì với nhau. Đại gia 大 家 là một danh ngữ tiếng Hán, vốn có nghĩa là chuyên gia danh tiếng hoặc thế gia vọng tộc, đã được tiếng Việt hiện đại dùng theo một cái nghĩa rộng hơn: "nhà sản xuất, nhà kinh doanh lớn hoặc người tài giỏi, có tên tuổi trong một lãnh vực nào đó" (Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên).

Vì không liên quan gì với "đại gia" về mặt tạo nghĩa nên hai chữ mà bạn hỏi không thể viết thành "thiếu gia". Tuy tiếng Hán cũng có danh ngữ "lão gia" 老 家 dùng để chỉ cha, mẹ hoặc bậc trưởng bối trong phương ngữ của tiếng Hán, nhưng hai tiếng mà bạn hỏi thì lại liên quan đến danh ngữ "lão da" 老 爺 nên phải được viết thành "thiếu da" 少 爺 (với d- chứ không phải gi-). "Lão da" 老 爺 là một danh ngữ thời xưa dùng để gọi quan lại, chủ nhà (đối với người làm) hoặc kẻ có quyền thế. Đối với "lão da" là "thiếu da" 少 爺, mà thời xưa, tôi tớ dùng để gọi con nhà chủ, như có thể nghe thấy trong nhiều bộ phim Tàu, nhất là phim cổ trang. Liên quan đến chữ da 爺, ta còn có danh ngữ "đại da" 大 爺, nghĩa là ông lớn, cụ lớn; cũng dùng để chỉ vai bác (anh của cha) hoặc người đàn ông lớn tuổi hơn mình.

(...)

(Hết trích)

Trên tivi tôi thấy có chiếu một bộ phim cổ trang của Trung Quốc, trong phim tôi cũng hay nghe nói "đại gia (da)", "đại lão gia (da)", "thiếu gia (da)". Không rõ là "gia" hay "da"?

Chữ nghĩa thiệt rắc rối.



4 nhận xét :

  1. Bài viết thật hay anh Hiệp ơi ! Em vốn dốt chữ nghĩa mà được học hỏi thêm như thế này thì rất là bổ ích !

    Hihi ...đọc xong bài viết của anh là em ghiền được xem mấy bộ phim Cổ trang của Hồng Kông quá đi thôi !!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lai rai đọc đúng là thấy hay NangTuyet :-)

      Ở nhà tôi thấy bà xã tôi cả ngày xem mấy phim Trung Quốc, Hàn Quốc trên tivi.

      Xóa
  2. Hóa ra là hai từ đồng âm được cấu tạo hoàn toàn khác hẳn nhau. Thật ra hiểu Đại gia là nhà giàu có, danh tiếng gần giống với "lão da" ( quan lại, kẻ có quyền thế") thì cũng không sai lệch mấy. Cám ơn bác Hiệp đã dẫn sách cụ An Chi để mọi người biết "thiếu da" gắn liền với "lão da", chứ không gắn về gốc từ với "đại gia". Ngay cả mấy bác Tàu, chắc cũng rắc rối khi phân biệt "lão gia" ( cha mẹ, bậc trưởng bối) với "lão da" là quan lại hay kẻ quyền thế!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hình như bởi ta theo âm Hán Việt, mấy chữ này đồng âm cho nên nó khá rối, còn mấy bác Tàu có khi họ đọc theo tiếng Phổ thông, hoặc Quảng Đông... không đồng âm, chữ viết khác, đọc âm khác nhau nên chẳng sao đâu bác Vũ Nho.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))