Thứ Ba, 22 tháng 11, 2016

Nghiệp dĩ 業已.



Sáng có bạn gởi tin nhắn hỏi về chữ "nghiệp dĩ". Ngày xưa lúc tôi còn nhỏ cũng hay nghe nói, chẳng hạn "Nghề này vốn là nghiệp dĩ của gia đình tôi", hoặc "Tôi đâu có chọn nghề này, nó đến như một nghiệp dĩ vậy".

Trong từ "nghiệp dĩ" có từ "nghiệp" là từ thường thấy được sử dụng trong Phật giáo. Từ điển Phật học của Đoàn Trung Còn viết như sau:

- Nghiệp 業, Karma (S), Kamma (P), Loi des Rétribution; acte (Fr.), nôm na "nghiệp" là "nhơn quả", là "định mạng", "việc làm", cái phải trả ở kiếp này do những gì chúng sanh đã tạo ra ở kiếp trước... Ta cũng thường thấy những thuật ngữ dùng trong Phật giáo như "nghiệp báo", "nghiệp chướng", "nghiệp duyên"...

Việt Nam Tự điển (Hội Khai Trí Tiến Đức): chỉ nói về nghĩa liên quan.

- Nghiệp 業. Nói về việc đã làm rồi, đã thành rồi.

- Nghiệp dĩ 業已. Nói sự đã có, đã sẩy ra rồi (chữ sẩy viết s).

Tự điển Việt Nam Lê Văn Đức (Lê Ngọc Trụ hiệu đính), Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn 1971.

- Nghiệp dĩ tt. Đã qua, đã rồi, đã xảy ra.

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên):

- Nghiệp dĩ t. (cũ). Vốn đã như thế rồi, như đã được định sẵn từ trước.

Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh:

- Dĩ 已: đã, rồi.

- Nghiệp dĩ 業已: đã... rồi.

Ý nghĩa của từ "nghiệp dĩ" là như thế, Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) giải thích khá rõ: "Vốn đã như thế rồi, như đã được định sẵn từ trước". Như ta thấy trong những câu: "Nghề này vốn là nghiệp dĩ của gia đình tôi", hiểu nôm na là "nghề này vốn [là nghề] đã có từ trước của gia đình tôi" (có khi đã qua mấy đời), ta hay nghe nói là "nghề gia truyền", đi ngoài đường thấy có bảng hiệu "Phở gia truyền", hoặc "Tôi đâu có chọn nghề này, nó đến như một nghiệp dĩ vậy", hiểu là "tôi không chọn nghề này, nó đến như một sự định sẵn [định trước] vậy". Nhiều khi sự định trước này không hề được mong muốn.

Tôi thấy "Nghiệp dĩ" là một từ ngày xưa được sử dụng trong giao tiếp, văn chương rất bình thường, chẳng có gì là văn hoa hay bí hiểm, khác với từ "thiên chức" là "phần việc tự nhiên, thiêng liêng của con người", bây giờ từ "nghiệp dĩ" ít được nghe nói.



5 nhận xét :

  1. Cám ơn bác Hiệp! Đúng là bây giờ ít nghe nói nghiệp dĩ. Tôi có đọc Thiền sư Nhất Hạnh bàn về chữ Nghiệp trong Truyện Kiều. Khi Nguyễn Du viết : "Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa", thầy Nhất Hạnh cho rằng cụ Nguyễn Du chỉ dùng chữ Nghiệp này theo các hiểu phổ thông, dân dã. Nghiệp nghĩa là nghiệp xấu. Trong khi đó, chữ nghiệp (karma) trong Phật giáo có nghĩa là hành động ( action). Thầy Nhất Hạnh còn phân tích NGHIỆP có 2 loại : thiện nghiệp (kusala) và ác nghiệp (akusala). Lại còn phân biệt nghiệp nhân (karmahetu) với nghiệp quả (karma phala). Nhân tốt đem đến quả tốt, nhân xấu đem lại quả xấu. Đọc thấy rất thú vị!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Vũ Nho viết rất đúng, cách hiểu nôm na, dân dã thì "nghiệp" là cái gì đó xấu, nặng nề, còn hiểu cặn kẽ hơn thì như thày Nhất Hạnh đã phân tích NGHIỆP có 2 loại : thiện nghiệp (kusala) và ác nghiệp (akusala), và Lại còn phân biệt nghiệp nhân (karmahetu) với nghiệp quả (karma phala). Nhân tốt đem đến quả tốt, nhân xấu đem lại quả xấu. Đúng là rất thú vị bác Vũ Nho. Cám ơn bác đã bổ sung.

      Xóa
  2. Xin lỗi mọi người. "các hiểu phổ thông" xin sửa thành "cách hiểu phổ thông".

    Trả lờiXóa
  3. Lúc nào qua thăm anh , em cũng được học hỏi thêm nhiều kiến thức về chữ nghĩa thật bổ ích nè . Em cảm ơn anh Hiệp nhiều nhé .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì cũng như qua nhà NangTuyet, lúc nào cũng được xem hoa đẹp, cảnh đẹp :)

      Xóa

:) :( :)) :(( =))