Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Chữ nghĩa thời sơ khai.


Bó = vó, Bó ngựa = Vó ngựa trong tự điển Việt-Bồ-La in năm 1651.

Tlai = Trai, Tlái = Trái trong bản dịch của Tự điển Việt-Bồ-La do Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính phiên dịch, NXB KHXH-1991.

Trong lịch sử mấy ngàn năm, nước ta đã dùng ba loại chữ viết chính để ghi chép, sáng tác thơ văn, thứ nhất là chữ Hán mà ông cha ta gọi là chữ Nho, chữ thánh hiền, nhưng đọc theo âm Hán-Việt. Kế đến là chữ Nôm, chữ do người Việt sáng tạo dựa trên căn bản là chữ Hán có sẵn, để diễn tả âm và nghĩa của tiếng Việt. Chữ Nôm dựa trên căn bản của chữ Hán, cho nên thoạt nhìn chữ Nôm giống như chữ Hán, nhưng đã được những người tạo ra để đọc theo âm của người Việt. Học chữ Nôm có điều khá rắc rối là phải giỏi chữ Hán (mà muốn giỏi chữ Hán phải chuyên cần học cỡ mười năm), rồi tùy theo từng vùng, từng miền miền mà chữ Nôm biến đổi, có những cách viết và đọc khác nhau, khiến một tác phẩm nổi tiếng như truyện Kiều đã được chép thành nhiều dị bản (ngoài chuyện "tam sao thất bản", hoặc cố ý san định của người chép), tuy nội dung truyện vẫn thống nhất, nhưng có nhiều chữ trong truyện Kiều được ghi chép khác nhau, hoặc đọc khác, cho nên có nhiều câu thơ được hiểu khác nhau.


Một thứ chữ rất quan trọng nữa là chữ quốc ngữ* (ta quen gọi như thế, thực ra từ "quốc ngữ" đã có nghĩa là "chữ của nước") mà chúng ta đang sử dụng hiện nay. Chữ quốc ngữ ta đang dùng đã đạt đến mức hoàn thiện, ta không phủ nhận là do công của những giáo sĩ truyền giáo Tây phương, suốt trong một thời gian dài mấy trăm năm, mà công đầu có lẽ thuộc về Alexandre de Rhodes (1591 (1593?) - 1660) một giáo sĩ Pháp thuộc Dòng Tên, người đã soạn và cho in tại Roma quyển tự điển mà ta quen gọi là tự điển Việt-Bồ-La, và sách Phép giảng tám ngày vào năm 1651, đó là những quyển sách bằng chữ quốc ngữ đầu tiên, đánh dấu sự hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ trong giai đoạn đầu.

Chữ "Bòi" trong Tự điển Việt- Bồ-La (1651).

Chữ "Bòi" trong bản dịch tự điển Việt-Bồ-La.

Chữ "Uòi" trong bản dịch Việt-Bồ-La có nghĩa là vòi của con vật.

Sự hình thành của chữ quốc ngữ bắt đầu từ cái mốc này (1651), nhưng chữ quốc ngữ chắc chắn đã có trước đó, căn cứ trên sử sách thì có lẽ chữ quốc ngữ đã được hình thành vào khoảng đầu thế kỷ XVII. Dĩ nhiên mục đích của những nhà truyền giáo Tây phương khi sáng chế ra chữ quốc ngữ là để truyền đạo Da Tô (tên ngày xưa gọi đạo Thiên chúa). Nhưng tại sao các giáo sĩ Tây phương lại phải "nhiêu khê" tìm ra một loại chữ mới để truyền đạo, trong khi trước đó nước ta đã có chữ Hán và chữ Nôm?

Như đã nói, cũng có người cho rằng bởi chữ Hán là loại chữ khó học, chữ Nôm lại càng khó học hơn đối với người Tây phương, nhưng đó cũng không phải là những nguyên nhân chính. Nguyên nhân chính, là chữ Hán và chữ Nôm chỉ phổ biến trong những tầng lớp cao trong xã hội thời ấy như quan lại, nho sĩ, những người đã thấm nhuần tinh thần Nho giáo, Phật giáo, trong khi ở những tầng lớp bình dân thấp hơn, người dân lại gần như không biết gì đến hai loại chữ trên, họ không thể đọc và hiểu. Như vậy cách tốt nhất để phổ biến đạo Da Tô đến với đại đa số quần chúng, là cần phải tạo ra một thứ chữ dễ học và dễ nhớ. Đối với các giáo sĩ Tây phương thì không gì bằng dựa trên mẫu tự La Tinh, để chế tác ra thứ chữ dễ học dễ nhớ ấy.

Sách vở cũng cho biết, ở vào cuối thế kỷ XVI tại Nhật Bản các giáo sĩ Tây phương đã chế tác ra chữ Romaji, là thứ chữ Nhật đã được La Tinh hóa, và ở Trung Hoa cũng thế, từ cuối thế kỷ XVI sang đến đầu thế kỷ XVII đã có những quyển sách và tự điển dùng chữ châu Âu để phiên âm Hoa ngữ.

Thuở bình minh của chữ quốc ngữ thời giáo sĩ Alexandre de Rhodes viết khác xa bây giờ. Ta thử xem một đoạn trong Phép giảng tám ngày (1651):

"... ếy cệy mà bây nhêu sự nây ở tlão đức chúa blời, là chúa cả làm nên blời, đết, cũ mọi sự..." (ấy vậy mà bấy nhiêu sự này ở trong đức chúa Trời, là chúa cả làm nên trời, đất, cùng mọi sự...) (Phép giảng ngày thứ hai).

Sau đó vào khoảng năm 1658, trong sách Lịch sử chữ quốc ngữ, cũng còn gọi là "Lịch sử nước Annam" Ben Tô Thiện đã viết:

"Nước Ngô thước hết mớy có Bua tri là Phục Hi. Bua thứ hai là Thần nôõ con cháu Bua Than nôõ sang trị nước Annam, liền sinh ra Bua Kinh dương Bương, thước hết lãi 6ợ là nàng Thần Lão, liền sinh ra Bua Lạc Lão cuân. Lạc Lão cuân trị vì lãi 6ợ tên là Âu Cơ có thai đẻ ra một bao có một trăm trứng nở ra được một trăm con blay" (Nước Ngô trước hết mới có vua trị là Phục Hi. Vua thứ hai là Thần Nông. Con cháu vua Thần Nông sang trị nước Annam, liền sinh ra vua Kinh Dương Vương. Trước hết lấy vợ là nàng Thần Long, liền sinh ra vua Lạc Long Quân, Lạc Long Quân trị vì, lấy vợ tên là Âu Cơ, có thai đẻ ra một bao có một trăm trứng, nở ra đươc một trăm con trai).

Xem xét chữ viết thời ấy, và tự điển Việt-Bồ-La, ta thấy phụ âm "v" xưa đọc là "b", phụ âm "tr", xưa đọc là "bl", hoặc "tl"... như "vua" ngày xưa đọc là "bua", "trời" đọc là "blời", "tlời"... Điều này ngày nay chúng ta còn thấy nơi ngôn ngữ của người Mường, là dân tộc có cùng hệ ngôn ngữ với người Kinh. Người Mường nói "bua quan" thay vì "vua quan", "tlải" = trái, quả, "bóc gẩm" = vóc gấm...

Phụ âm "b" dùng tương đương như "v" ta cũng vẫn còn thấy trong tiếng Việt bây giờ, bái = vái (bái phục, vái phục), buột = vuột (buột miệng, vuột miệng)... Trong Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi-1931) giải thích về từ "Bua" và "Phân bua":

- Bua: Ông vua (tiếng đời xưa): Bua quan (vua với quan).

- Phân bua: Thường nói là "phân vua". Bày tỏ với công chúng làm chứng cho.

Tôi lật trong Việt Nam tự điển thấy một chữ khác, đã được đưa vào ca dao đàng hoàng: "Chồng người đi ngược về xuôi/ Chồng tôi ngồi bếp để buồi ăn tro". Câu này cũng dễ hiểu, đại khái một chị chàng nào đó trong xã hội, chê anh chàng chồng mình cù lần chỉ biết ngồi xó bếp. Cuối câu ca dao có chữ "để buồi ăn tro", "buồi" là tiếng Việt cổ, nói văn hoa là để chỉ "sinh thực khí của đàn ông", chính là biến âm của chữ "bòi" trong Tự điển Việt-Bồ-La ngày xưa.

Trong Tự điển Việt-Bồ-La có chữ "uòi" (chữ "u" đứng đầu) để chỉ cái "vòi", như vòi voi, vòi ruồi, muỗi (vòi của các động vật). Nhưng không thấy chữ "vòi" để chỉ "vòi nước".

Phải chăng chữ "vòi" để chỉ "vòi nước" sau này mới có, và từ chữ "bòi" mà ra?

Lan man chuyện chữ nghĩa nhiều khi thấy cũng hay...


* Thực ra thuật ngữ "chữ quốc ngữ" đã có từ thời Trần, Lê là để chỉ chữ Nôm. Sau này dùng để chỉ loại chữ do các cố đạo sáng tác vào khoảng đầu thế kỷ XVII, và phổ biến đến ngày nay. Chính xác thuật ngữ "chữ quốc ngữ" được xác nhận bởi một nghị định được ký bởi Thống đốc Nam kỳ ngày 6-4-1878, với điều khoản:

1- "Kể từ ngày 1-1-1882, các công văn, nghị định, bản án, lệnh... đều phải viết bằng chữ Quốc ngữ, các văn bản niêm yết công khai cũng phải viết bằng chữ Quốc ngữ".

................


Ghi chú:

Để thấy sự hoàn thiện của chữ quốc ngữ theo thời gian, tôi chép thêm lời rao của bài báo kêu gọi mọi người viết bài gởi về cho Gia Định báo, tờ báo đầu tiên ở Nam Kỳ (và của cả nước) thời Trương Vĩnh Ký làm Tổng tài (có lẽ như Tổng Biên tập bây giờ): Số 21, ra ngày 1-7-1870.

- "Ăn cướp, ăn trộm
Bệnh hoạn, tai nạn
Sự rủi ro, hùm tha, sấu bắt
Cháy chợ, cháy nhà, mùa màng thế nào.
Tại sở nghề nào thạnh hơn vân vân.

Nói tắt một lời là những chuyện mới lạ đem vô nhựt trình cho người ta biết. Viết rồi thì phải đề mà gửi về cho GIA ĐỊNH BÁO Chánh tổng tài ở Chợ Quán.

Và một bài báo trong Gia Định số 8, năm thứ sáu, 8-3-1870:

- "Có một người tên là Thiện, nhà ở gần chợ Hốc Môn. Tối 12 tháng giêng này người ấy xuống ghe mà ngủ, còn vợ con thì để ngủ ở nhà. Vừa đặng một hồi kế lửa phát lên, thím Thiện chạy ra la, làng xóm chạy đến, khuân đồ giùm đặng phân nửa, rồi nhà cháy trùm đi. Chú Thiện có tật điếc, vợ kêu, la làng tróc trôn lòi đít, làng xóm khuân đồ tở mở, lửa cháy đùng đùng, mà cho lọt vào tai va thì nhà cửa, tài vật đã ra tro rồi...".

Chữ quốc ngữ thời đó (1870) về dấu, từ ngữ... đã hoàn chỉnh, cách hành văn vào thời đó như thế là ngon lành, giọng văn đậm chất Nam bộ xưa, nhưng so với ngày nay thì khá luộm thuộm và buồn cười, văn viết mà y như văn nói.


Tham khảo:

- Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ, Hoàng Xuân Việt, NXB Văn hóa Thông tin-2007.

- Những bước đầu của Báo chí, Truyện ngắn, Tiểu thuyết & Thơ mới, Bùi Đức Tịnh, NXB Tp. HCM-2004.

- Cửa sổ tri thức (tập 2), PGS. TS. Lê Trung Hoa, NXB Trẻ-2007.

- Các sách có ghi trong bài viết.










24 nhận xét :

  1. “Một báu vật vô cùng quý giá đã lọt vào tay người Việt Nam chúng ta. Nó đã tỏ rõ sứ mạnh quảng đại thần thông trong nhiều thập kỷ. Còn đứng về giá trị, thì có thể nói, nó có giá hơn hết những gì được gọi là phát minh trong vòng một trăm năm nay trên đất nước này,
    Cái gì mà ghê gớm như thế ?
    Xin thưa đó là chữ quốc ngữ.”

    (Báo Lao động chủ nhật số tết xuân nhâm thân 1992)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất đúng bác Bu ơi, giả thử bây giờ ta đang dùng chữ Nôm (vua Quang Trung đương thời đã muốn thay chữ Hán bằng chữ Nôm), sẽ ra sao với cái bàn phím máy tính đây? Chắc lại phải chế ra một cái phần mềm chữ Nôm riêng để xài cho nước mình.

      Vây mà cũng có ý kiến đây đó nói chữ quốc ngữ là sản phẩm của thực dân, chế ra để dễ bề cai trị.

      Xóa
    2. Nhân bác Phạm nói chuyện chữ Nôm trên máy vi tính, xin post thông tin này:
      "Có nhiều phần mềm máy tính tạo ra ký tự chữ Nôm bằng cách gõ chữ Quốc ngữ.
      HanNomIME là phần mềm chạy trên Windows hỗ trợ cả chữ Hán và chữ nôm.
      Vietnamese Keyboard Set hỗ trợ gõ chữ Nôm và chữ Hán trên Mac OS X.
      WinVNKey là bộ gõ đa ngôn ngữ trên Windows hỗ trợ gõ chữ Hán và chữ Nôm bằng âm Quốc ngữ.
      Phông chữ Nôm nằm trong cơ sở dữ liệu Unihan. VietUnicode là phông Unicode chứa các ký tự chữ Nôm. Nó là một dự án trên SourceForge [1]. Phông TrueType có thể tải về từ [2]."

      Một số ngữ phi-latin (hán, nhật, hàn hoặc à rập, phạn ngữ... đều có phần mềm riêng để gõ qua bàn phím một cách bình thường.

      Một số từ điển chữ Nôm trên mạng Internet có Từ điển ở Viện Việt học (tiếng Việt) Nom character index (Tiếng Anh).

      Xóa
    3. Cám ơn cụ Nô, rảnh tôi sẽ vào những trang này xem thử.

      Xóa
  2. Đ/c: ...tỏrõ sức mạnh quảng đại...

    Trả lờiXóa
  3. 1- Theo bu tui nói đến chữ nghĩa thời sơ khai thì không thể không nói đến chữ Nôm. Trước khi có chữ quốc ngữ như ngày nay thì chữ Nôm được người xưa gọi là quốc ngữ. Oái oăm thay, muốn viết được chữ quốc ngữ (Nôm) thì phải giỏi, thậm chí rất giỏi ngoại ngữ (tức chữ Hán). Đại thể có 5 cách viết chữ Nôm từ chữ Hán:
    * Cách 1: Những tiếng Việt nào đồng âm với Hán tự thì dùng ngay chữ Hán ấy làm chữ Nôm.
    歷 史 lịch sử 匍 欲 bồ dục
    裝 點 trang điểm 節 更 tiết canh
    * Cách 2: Ghép hai Hán tự thành một chữ Nôm, một chữ mượn âm (để bên phải) một chữ mượn nghĩa (để bên trái)
    Chữ năm (年南) gồm hai chữ Hán, chữ nam (南) mượn âm (bên phải), chữ niên (年 ) mượn nghĩa (bên trái)
    Chữ sôi (火吹 sôi sục) gồm hai chữ Hán, chứ xuy (吹) mượn âm (bên phải), chữ hỏa (火) mượn nghĩa (bên trái)
    * Cách 3: Đọc chệch âm Hán tự thành âm Nôm
    Chữ xa (車) hán tự , đọc âm Nôm là xe (xe cộ), hay là xơ (xơ xác)
    Chữ bồ (匍) Hán tự, đọc ra âm Nôm là bò (bò lê)
    Chữ khổ (苦) Hán tự, đọc ra âm nôm là khó (khó khăn)
    * Cách 4: Viết bớt nét chữ Hán thành chữ Nôm
    Chữ vi (爲) Hán tự nghĩa là làm, viết phần đầu chữ vi (爫 trảo ) đọc âm Nôm là làm
    * Cách 5: Thay đổi một chữ trong kết cấu của Hán tự
    Chữ kỹ (妓) Hán tự là gái mại dâm. Thay chữ nữ (女) bằng chữ khẩu (口 ) để có chữ Nôm là đĩ (口支 đĩ thỏa)
    2- Một chữ Nôm có thể viết bằng nhiều cách
    Chẳng hạn có 4 cách viết chữ chó.
    * Cách 1: chữ khuyển (犭) + chữ chủ (主) = 犭主
    * Cách 2: chữ khuyển (犭)+ chữ tố (素 ) = 犭素
    * Cách 3: chữ khuyển (犭) + chữ chu (朱) = 朱犭
    * Cách 4: chữ trùng (虫) + chữ chủ (主) = 虫主
    (các chữ chó sau dấu =, khi viết bằng bút phải ép chúng nằm trong hình vuông)
    3- Do chữ Nôm chưa có quy trình quy phạm chặt chẽ nên một chữ có thể viết được nhiều cách, mỗi vùng lại viết mỗi khác nên
    vô cùng khó học. Những tác phẩm thơ Nôm ngày xưa để lại có rất nhiều dị bản là do vậy.

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn bác Bu đã bổ sung phần chữ Nôm, có lẽ là một sáng tạo "khá rắc rối" của ông cha ta. Ngày xưa thời vua chúa không biết có Bộ Quốc gia Giáo dục, hay Bộ Giáo dục Đào tạo như bây giờ không, mà chữ Nôm nó rắc rối thế. Hình như quá trình hình thành chữ Nôm không có hệ thống, tức là không có quy trình quy phạm chặt chẽ, chữ Nôm Đàng Trong khác chữ Nôm Đàng Ngoài, thậm chí địa phương này khác địa phương kia, tỉ dụ như cách phát âm khác nó cho ra chữ khác, thành ra hiểu nghĩa khác, hoặc không hiểu luôn.

    Trả lờiXóa
  5. Nếu như không có chữ quốc ngữ , thì không biết dân Việt bây giờ học hành thi cử ra làm sao nữa . Giông như bác Bu nói chữ quốc ngữ là một báu vật dành cho dân ta . Học và viết tiếng anh cùng tiếng nước khác rất dễ
    Chữ nào cũng thế thôi , từ thủa mới khai sinh thì còn nhiều thiếu sót , qua thời gian thì hoàn thiện dần đó cũng là lẽ tự nhiên . Bây giờ đọc lại những tác phẩm văn học hồi xưa thì gặp nhiều câu chữ rất buồn cười , cách hành văn cũng vậy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ mà mình phải gõ máy tính bằng chữ Nôm chắc vui ha bác Salam.
      Câu văn ngáy xưa nghe rất dân dã.

      Xóa
  6. Lâu nay chỉ nghe chữ Nôm được gọi là "quốc âm", bác Phạm viết thuật ngữ "quốc ngữ" để chỉ chữ Nôm có từ thời Trần Lê thì Nô thấy lạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái náy trong sách vở nói thế, nếu tôi nhớ không lầm thì Nguyễn Trãi trong tác phẩm nào đó có dùng từ quốc ngữ để chỉ chữ Nôm của ta.

      Xóa
    2. Mới tìm thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm gọi CHỮ NÔM LÀ QUỐC NGỮ khi đặt tựa đề "Bạch Vân am quốc ngữ thi tập"

      Xóa
    3. Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà thơ rất có tinh thần dân tộc, hình như ông rất ghét thứ chữ quốc ngữ Latin của các cố đạo.

      Xóa
    4. Hai chữ "quốc ngữ" của cụ Trạng Trình thật quý. Cám ơn bác Bu.

      Xóa
  7. Ôi ..ôi ...hôm nay sang thăm anh lại đọc được bài viết này thật hay nữa ! Thế hệ tụi em khi nói đến chữ Hán , chữ Nôm thì xin chịu thua và đầu hàng ..vì không biết gì hết !

    Được học hỏi thêm như thế này thì quả là bổ ích , có điều hơi nhức đầu một tí vì vốn dốt chữ cơ mà ...Nói chung em rất vui vì được học hỏi thêm kiến thức nữa rồi ....em cảm ơn anh Hiệp nhiều nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, đọc mấy cái này nhiều kbi mệt thật, nhưng cũng có khi thấy hay, biết được đôi chút chữ nghĩa của tiền nhân ra sao.

      Có người như NangTuyet vào xem ủng hộ là vui rồi :-)

      Xóa
  8. Nguyễn Bỉnh Khiêm có tập chữ Nôm tựa đề "Bạch Vân am quốc ngữ thi tập" trong đó có bài Dại khôn:

    Làm người có dại mới nên khôn,
    Chớ dại ngây si, chớ quá khôn.
    Khôn được ích mình, đừng rẽ dại,
    Dại thì giữ phận chớ tranh khôn.
    Khôn mà hiểm độc là khôn dại,
    Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.
    Chớ cậy rằng khôn khinh kẻ dại,
    Gặp thời, dại cũng hoá nên khôn.

    Trả lờiXóa
  9. Tôi có mấy quyển sách của Nguyễn Bỉnh Khiêm mà chưa đụng tới, bài thơ trên thì có biết.

    Chữ quốc ngữ bây giờ có nhiếu từ Hán - Việt, cho nên có khi một chữ có năm bảy nghĩa, còn chữ Nôm thì lắm khi một nghĩa có năm bảy chữ, thời buổi này học gì thấu.

    Trả lờiXóa
  10. Trước đến giờ dân gian vẫn lưu truyền những bài sấm ký của Cụ Trạng Trình . Nếu như không có Cụ khuyên Nguyễn Hoàng " Hoành sơn nhất đái , vạn đại dung thân " thì chúng ta cũng chẳn có nửa Miền Nam bây giờ
    Từ " Vạn đại " cũng chưa được chính xác lắm , cụ thể triều đình nhà Nguyễn cũng chỉ tồn tại mấy trăm năm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhiều biến cố trong lịch sử khiến cho cuộc Nam tiến của dân tộc ta hoàn tất, khi "không còn đất để hoàn tất được nữa", tức là có được trọn miền Nam. Nhà Nguyễn có được vương triều mấy trăm năm, nhưng dân ta có được miền Nam vạn đại.

      Xóa
  11. Tui chỉ dựa cột mà nghe thui nhe bác!

    Trả lờiXóa
  12. Cho nên Đức Chúa Lời chính là Đức Chúa Trời thôi, phải không bác?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Blời", "Tlời", "Lời", "Trời", hay "Giời" cũng là một Toro.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))