Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Tiếng Nghệ.

Hồi này có mấy người bạn quê quán Nghệ An vào chơi, rôm rả ra phết. "Lão Tân", người gốc xứ Nghệ vào đưa ra một bài thơ sử dụng ngôn ngữ xứ Nghệ, để tôi "dịch" thử, cái này tựa như "Đố vui để học" vậy (chứ không phải "Đố chơi để chọc").

Nói ngay vì cái sự đố này không phải vào phòng thi, bị tịch thu hết tài liệu cùng các "thiết bị nghe nhìn" có thể truy cập mạng, cho nên thí sinh thoải mái lục lọi hết đống sách vở, mấy quyển từ điển tiếng Huế dày cộp, cùng những tài liệu mình có, kể cả "Cái gì không biết thì tra Gú gồ" để "dành quyền trợ giúp". Và nhờ tất cả những điều này mà tôi đã biết thêm được khá nhiều từ ngữ xứ Nghệ, thật thú vị và bổ ích. Nếu không thì chắc chắn không thể dịch nổi vài câu, vì tiếng Nghệ còn "bí hiểm" hơn cả tiếng Tây, tiếng Tàu.

Sau khi mần việc cật lực, bài thơ được "dịch" sang chữ quốc ngữ, chữ nước ta, con cái nhà, đều phải học dưới đây: (Theo đúng ý của giám khảo, là dịch thoát ý theo thơ):

Đây là bài thơ gốc của Lão Tân mang sang, tôi copy "nguyên con":

QUÊ EM MÙA VỤ

Mùa nực với mùa gắt 
Kêu chắc đến rồi tề 
Dừ sốt hơn bựa tê... 
Khát khô mui nẻ họng 

Ung bứt toóc dới rọng 
Mụ cào ló trửa cươi 
Con chắt ả mô ruồi 
Hắn cợi tru vô rú 

Bếp lạnh tanh mun trú 
Cho ga trọi ga bươi 
Nác chát ở mô ruồi 
Múc cho tui một đọi 

O tê ngong rành sọi 
Ả nớ chộ cũng tài 
O ả có thương ngài 
Nấu cho nồi nác chát 

Tui uống vô mát rọt 
Thứ chè gay rành tài 
Nắng ra răng mặc trời 
Cũng thua nồi nác chát. 

Khuyết Danh.

Đây là "bài dịch":

Quê em mùa vụ.

Mùa nóng với mùa gặt
Nghe đã đến rồi kìa
Giờ nóng hơn bữa kia
Khát khô môi nứt họng

Ông cắt rạ dưới ruộng
Bà cào lúa giữa sân
Con chị hai* đâu rồi
Nó cỡi trâu vào núi

Bếp lạnh tanh tro trấu
Cho gà trũi gà bươi
Nước chè ở đâu rồi
Múc cho tui** một bát

Cô kia nhìn cũng giỏi
Ả*** nọ thấy cũng tài
Cô, ả có thương người
Nấu cho nồi nước chát****

Tui uống vô mát ruột
Thứ chè gay***** thật ngon
Nắng ra sao mặc giời
Cũng thua nồi nước chát

Khuyết danh


Cũng là nhờ gú gồ vào được mấy trang giải thích một số từ tiếng Nghệ, và bạn Trương Quang Thứ gởi cho một bài "Từ điển tiếng Nghệ" để tham khảo, nên mới lần mò, vận dụng hết cả AQ, cùng 12 thành công lực ra mà "phiên dịch". Không biết với bài thơ "dịch" này (không phải... mắc dịch, haha!). Lão Tân chấm điểm AQ của tôi bao nhiêu?


Ghi chú:

* Chị hai: tiếng miền Nam gọi chị lớn, chị cả.

** Tui: tôi, vẫn dùng "tui", vì từ "tui" tương đối phổ biến, không phải của riêng xứ Nghệ.

*** Ả, có thể dịch là chị, nhưng nếu dịch là chị thì câu dưới "Cô, chị có thương người", nghe không có âm điệu bằng "Cô, ả có thương người".

**** Nước chát: câu ở trên dịch là nước chè vì thấy không ảnh hưởng âm điệu câu thơ, nhưng câu dưới vẫn giữ nguyên nước chát, cho đúng âm điệu.

***** Chè gay: một thứ trà ngon trồng ở xã Cao Sơn (Anh Sơn) của Nghệ An. Trong quyển Sổ tay Địa danh Việt Nam của tác giả Đinh Xuân Vịnh, NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội-2002, có ghi tên một ngôi chợ là CHỢ GẠY (GẠY có dấu nặng, có lẽ sách in sai ở dấu nặng: chợ GAY), ở làng Yên Lĩnh, huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn, nay thuộc huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
Tôi vẫn viết "chè gay" (gay viết thường chứ không viết hoa là Gay), vì "gay" ở đây là danh từ để gọi tên một loại chè, cũng như ta gọi là "chè móc câu", "móc câu" cũng là tên một loại chè ngon ở Thái Nguyên.
Trong miền Nam có "trà Bảo Lộc", (Bảo Lộc viết hoa), vì đây là địa danh, tên một vùng đất. "Trà Bảo Lộc" là để gọi chung tất cả các loại trà (miền Bắc gọi là chè), được sản xuất ở Bảo Lộc, cũng như khi nói chè Thái Nguyên.






31 nhận xét :

  1. Mùa hè với mùa gặt
    Rủ nhau đến rồi kìa
    Giờ nắng hơn bữa kia
    Khát khô môi, rát họng

    Ông bứt toóc dưới ruộng
    Bà cào lúa giữa sân
    Con “chắt ả” đâu rồi ?
    Hắn cưỡi trâu vào núi ?

    Bếp lạnh tanh tro trấu
    Cho gà chọi gà bươi
    Nước chát ở đâu rồi
    Múc cho tôi một bát

    Cô kia xem thật đẹp
    Chị ấy thấy cũng tài
    Cô, chị, có thương người
    Nấu cho nồi nước chát

    Tôi uống vào mát ruột
    Thứ chè Gay thật hay
    Nắng bao nhiêu mặc trời
    Cũng thua nồi nước chát.

    Kiến nghị dùng bốn sau thế này:

    Tôi uống vào ruột mát
    Thứ chè Gay thật hay
    Trời cứ nắng gắt gay
    Cũng thua nồi nước chát

    Trả lờiXóa
  2. MẤY LỜI TRẦN TÌNH.
    * Thấy tình hình xóm blog lình xình , lìu xìu , lão mạnh dạn đưa chuyện chuyển ngữ bài thơ Nghệ ngữ này ra tiếng phổ thông cho mọi người hiểu và cố gắng thổi bùng nhiệt huyết các bloger lên thêm tý chút. Chuyên đề Nghệ ngữ không mới , rất nhiều trên các trang mang . Nhưng hễ đụng đến Nghệ ngữ là vui đáo để . Người vùng khác lọt vào đây chẳng khác chi mê hồn trận về ngữ nghĩa. Bởi vậy cách nay mấy năm , dân mạng nổi sóng với chương trình dạy tiếng Nghệ cấp tốc ...
    Xin chân thành cám ơn sự nhiệt tình của bác Hiệp đã vất vả tìm tòi tra cứu cho ra bài thơ chuyển ngữ từ tiếng Nghệ khá hoàn chỉnh trên trong thời gian sớm nhất. Mọi sự đánh giá thẩm định về nội dung , ngữ nghĩa lão xin dành cho ban giám ...nhìn ( Hết thính qua thời nhìn rùi) và bạn đọc blog. Mong rằng , mọi người hiểu thêm Nghệ ngữ thì yêu thêm những con người xứ Nghệ...
    ( Ban giám... nhìn gồm có : 1 / Bác Bu. 2/ Nhà thơ xứ Nghệ : Trương Quang Thứ . 3/ Cô giáo nhà văn Nhật Thành )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. MẤY LỜI TRẤN TĨNH. Hì hì!

      Dịch xong bài thơ từ "tiếng Nghệ" sang "tiếng Việt phổ thông", tôi cũng choáng váng hết cả, lúc cắm cúi giở sách vở, tra trên mạng, nếu có ai hỏi tên, cũng nỏ có nhớ luôn.

      Giờ thì đã trấn tĩnh lại để nghe các vị "giám nhìn" phán xét, Hichic!

      Xóa
  3. Bổ sung thêm vào từ điển tiếng Nghệ trong bài thơ QT còn thiếu

    " Hãi " tức nói sợ ma
    Nói ai " Khun nậy " tức là lớn khôn
    Cái ghế thì gọi cái " đòn "
    Ăn vụng " ăn phúng " là con một nhà
    Bà già thì gọi " Mụ tra "
    Mẹ kêu lấy " Đúa " cầm ra rổ này
    Tâm thần thì họi là " ngây "
    Nồi đất thì lại gọi ngay " Trách bù "

    P / s. : Chiều Bác chơi ngay " Banh chành " cứ thập thò nỏ dám tem , may có Giáo lãnh dùm hì hì hì .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, chắc tại bác Salam kinh doanh có cửa tiệm cho nên không dám giật tem "Banh chành"!

      Xóa
  4. Lão xin nói thêm về chè Gay để mọi người soi xét.
    Gay là một địa danh thuộc huyện Anh sơn là hoàn toàn đúng. Chè nơi này uống ngon hơn vùng khác là nhận xét chung của người Nghệ và các quan khách về thăm xứ Nghệ. Cũng xem như nó có thương hiệu để phân biệt với chè vùng khác . Ngày xưa chè Gay - tức là chè được trồng có xuất xứ ở vùng Gay. Lâu dần giống chè này lan ra khắp nơi nên cũng là giống đó nhưng trồng ở vùng khác nhưng vẫn gọi chè Gay. Theo lão , viết hoa chữ Gay ( Như bác Bu)xem ra có lý hơn.
    Hồi nhỏ , địa danh này lão có nghe nhiều trong những câu chuyện của các bậc cha , chú. Thậm chí biết dân làng mình đi râm Sa nhân và chạc Trường đến tận bên Gay. ( Râm = tức là đi tìm trong rừng rậm. Sa nhân là loại quã dùng làm trong thuốc Bắc - thuốc Nam. Chạc Trường = dây Trường dùng bán xuống miền biển để chằng chống tàu thuyền...). Địa danh này tuy cách nhà lão gần 40km , nhưng chưa từng đến nơi này.
    Xin bổ sung cho rõ nghĩa trong câu thơ. Viết hoa hay viết thường chắc là...tùy hỉ! hehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Lão Tân đã cung cấp thông tin. Trước khi chọn viết "chè gay" hay "chè Gay", tôi đã tra trong sách vở mình có mà tôi nghĩ là có thông tin về Nghệ An, cụ thể là Đại Nam Nhất Thống Chí, mục tỉnh Nghệ An, tôi không tìm thấy sách ghi ở Nghệ An xưa có địa danh nào tên là "Gay", nhất là tại phủ Anh Sơn. Chỉ thấy một ngôi chợ tên là Gay ở huyện Anh Sơn. Tiếp tục tra trên mạng, cũng không thấy thông tin chính thống nào nói về vùng đất ngày xưa tên Gay ở Anh Sơn cả.
      Tôi "lỡ" có thói quen tra cứu, và căn cứ trên những thông tin chính thống để đưa ra ý kiến cụ thể, thấy chợ Gay không phải là tên vùng đất, cho nên bước đầu chỉ cho là tên "gay" là danh từ gọi tên một loại chè, nên không viết hoa tên "Gay".

      Xóa
  5. Có giám thúi đây!
    Thú thât, nếu bây giờ bảo NT chấm thì chắc là thiếu chính xác. Trước những gì bác Hiệp đã mần để hiểu về Nghệ ngữ tim NT đã loạn nhịp mất rồi! Tim không chỉ loạn nhịp mà nó còn "lầm chỗ để trên đầu" nên còn đâu sự tỉnh táo mà phán xét đúng sai nữa? Hi hi...
    Nhưng, dù sao con gấy xứ Nghệ cũng rất đàng hoàng, của ả ả dùng, của em em lấy, bác Hiệp là anh rể của lão Tan mất rồi, NT tỉnh lại vậy!
    Kêu chắc đến rồi tề = gọi nhau đến rồi kìa.
    O tê ngong rành sọi = Cô kia nhìn thật xinh (đẹp)
    Ả nớ chộ cũng tài = chị ấy thấy cũng tài.
    Còn từ chè Gay hay chè gay giờ nghe lã Tân giải thích, NT ngộ ra một điều rằng, gốc tích xưa chè Gay là để chỉ chè ở một địa danh, giờ địa danh ấy mất rồi ( tức là đã đổi sang tên gọi khác) và giống chè trồng ở Gay được trồng rộng ra nhiều nơi, và chè Gay dần được dùng để chị một giống chè. Danh từ riêng đã biến thành danh từ chung vậy. Một hiện tượng thường thấy trong sự phát triển nghĩa của từ. Rất thú vị! Cảm ơn lão thật nhiều!
    Sau phần nhận xét là phần đánh giá điểm: giám thúi NT giơ bảng đây: 10 tròn!
    (vì thực ra người Nghệ chưa chắc đã hiểu cặn kẽ và cất công tìm hiểu tiếng quê mình như chàng rể của chúng ta!. He he...)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn NT đã ưu ái cho đến điểm 10, về từ chè gay hay chè Gay thì tôi đã có ý kiến ở còm cho Lão Tân.

      Xóa
  6. Nói thêm về từ "lưa" trong dẫn chứng của nhà thơ Quang Thứ:
    Trước cổng UBND huyện Quỳ Châu, Nghệ An có một cái bảng tin rất lớn, người ta kẻ lên đó mấy câu thơ như thế này:
    Lưa tiền ta để không tiêu
    Đem mua công trái là điều vẻ vang
    Hỡi ai có tấm lòng vàng
    Xây dựng đất nước sẵn sàng ghi tên.
    NT đi qua, đọc và cứ cười mãi vì sự dân dã đến mức không thể dân dã hơn được trưng ngay cổng UBND huyện. Từ "lưa" có thể hiểu là "còn", cũng có thể hiểu là "thừa" như lí giải của nhà thơ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có tên nào xỏ lá nào lén quẹt thêm dấu huyền trên chữ "Lưa", chắc là vui ha bạn NT, hì hì!

      Xóa
  7. Lão Tân nói đúng rồi , ở Nghệ Tĩnh nhiều nơi trồng chè xanh , nhưng chè trồng ở Gay là ngon nhất , lá dày , nấu nước rất xanh , hậu uống xong có vị ngọt , cũng như Tiêu Phú Quốc vậy
    Lão Tân ơi , chắc Lão lộn rồi , hồi nhỏ sơ tán ở Thanh Chương , Đô Lương , Yên Thành , hay đi vào rừng lấy củi , có một giống cây leo mà mọi người hay gọi là ". Chạc Chìu " . Sáng sớm thì vươn ngọn rất dài , đặc điểm của loại cây này : Thân khô nhám , khi mình vô tình đi qua vướng vào thì trên chân của mình sẽ để lại dấu tích , tại sao vậy ? Vì bản thân cây" Chạc Chìu " là loại cây có nhiều độc tố . Hồi ở Yên Thành , có mấy đứa bạn học cùng lớp , đáng lý ra thì tát cạn cái Đìa này rồi bắt cá , nhưng mấy thằng bạn chạy đi nhổ mấy cây " Chạc chìu " đập dập ra rồi thả xuống , chờ rất lâu ( vì hồi ấy rảnh thời gian mà ) . Điều kỳ diệu xảy ra : Cá lớn cá bé và chạch nổi lên ầm ầm , bắt được một mớ cá lòng tong .. Vui lắm . Sau đó Salam hỏi thằng bạn : Tại sao mày thả cây " Chạc Chìu " mà không bắt được con Lươn nào cả ( Nói nhỏ nghe nè , Salam rành về thả trúm và câu lươn ) thằng bạn mới trả lời : Tau cũng nỏ biết , hình như con Lươn nó không ăn cây ". Chạc Chìu "
    Sau này có lần Salam vào Vùng biển của Nghi Xuân chơi , thấy người ta vẫn dùng cây " Chạc Chìu " để trám ghe ... cũng chẳng biết vì sao vào nhà Bác mà Salam .. nhiều chuyện quá dzậy hè hè hè

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có điều kiện , lão sẽ nói rõ về thắc mắc của Salam. (Lão nói chạc Trường thì Salam bắt qua chạc chìu). Dẫn chứng đi tìm loại chạc Trường , Sa nhân là để nói rằng vùng địa danh Gay là có thật, gần quê của lão. Không phải dân làng lão đi tới bên đó tìm mấy thứ kia mà là vẫn thường dọa nhau : " Đi râm ngái quá , coi chừng lạc về bên Gay".
      Chac Khay , lá Cơi mới là loại làm cá nổi .
      Trở lại bài thơ .
      Nguyên cả bài , dịch được vậy là quá giỏi. Bác đã cố gắng dùng từ không lặp với nguyên mẫu để cho ra lời thơ đồng nghĩa nhưng vẫn bám vào gieo vần đúng luật. Nhưng có chỗ này thì chưa ổn lắm. Câu thứ 2:
      Kêu chắc đến rồi tề / dịch ra : Nghe đã đến rồi kìa.
      "Kêu" tức là gọi , dịch ra thành " nghe" là chưa sát nghĩa. Mà đúng phải là: " Rủ nhau đến rồi kìa" như bác Bu dịch là đúng. " Rủ nhau " hay " gọi nhau" trong câu này đều dùng được. " Nghe đã đến rồi kìa" nghe ra trật chìa.
      * Cho ga trọi ga bươi / dịch là : cho gà trũi gà bươi. Chữ trũi hình như không phổ thông lắm , mà nó là phưoơng ngữ thì phải. Rõ nghĩa chắc phải dùng từ " bới". "Trọi" tức là " Chọi" - câu này ý nói : Bếp lạnh tanh , gà nhảy vào bươi và chọi nhau trong đó.
      * " Tui uống vô mát ruột
      Thứ chè gay thật ngon" = thay chữ " thật" bằng chữ "rất" hay hơn > Thứ chè Gay rất ngon.
      --- Khổ thơ cuối bác Hiệp bám sát từ để dịch cũng đã là hay. Bác Bu còn dịch sáng tạo hơn một chút cũng rất hay. Cả hai đoạn này theo lão đều xứng đáng được khen các bạn đọc ạ.

      Xóa
    2. Mới học sinh ngữ xứ Nghệ mà còn dịch thơ nữa, được Lão Tân là người... bổn xứ bình và khen như thế là sướng tê rùi :-)))

      Xóa
  8. Lại nói về tên chè "gay" hay "Gay", tôi nghĩ địa danh (tên đất) Gay đã không còn nữa, như bạn NT nói danh từ riêng đã biến thành danh từ chung, thì gọi là chè gay cũng không sai. Còn như bác Salam ví như Tiêu Phú Quốc là trật rồi, Phú Quốc là danh từ riêng phải viết hoa, còn tiêu vẫn là danh từ chung thì viết thường, cũng như ta nói tỏi Lý Sơn, nhãn Hưng Yên, bưởi Biên Hòa vậy.
    Bác "nhiều chuyện" như thế này mà "có đầu có đũa" thì vui chứ, đừng lung tung chẳng đâu vào đâu là được, haha!

    Trả lờiXóa
  9. Tôi, thành viên Ban Giám khảo (gọi thế cho oai) rất vui khi được đọc bài dịch chuyển ngữ tiếng Nghệ sang tiếng phổ thông của bác Hiệp khá sát và phù hợp với bản gốc. Có được thành công tốt đẹp này không những chỉ sự thông minh mà còn sự đam mê, cố gắng dày công tìm tòi tra cứu tìm hiểu của bác. Tuy nhiên, trong bài vẫn còn đôi chỗ chưa chính xác. Có mấy từ, Nhật Thành đã góp ý chú giải ở trong lời nhận xét. Chỗ vênh nhiều là câu: "O tê ngong rành sọi = Cô kia nhìn thật xinh (đẹp)" thì bác Hiệp viết là: "Cô kia nhìn cũng giỏi".(Đoạn này, và nhiều phần khác, bài dịch của bác Bu sát nghĩa hơn)...
    Song điều mà mọi người ít để ý đến là câu: "Con chắt ả mô ruồi " . Câu này bác Hiệp dịch là: "Con chị hai* đâu rồi". Thật ra tiếng Nghệ dùng Ả Hoe và Ả Chắt giống như nhau. Nghĩa là các danh từ đó để chỉ những phụ nữ có con gái đầu lòng. (Đàn ông có con gái đầu thì gọi là Anh Chắt hoặc Anh Hoe). Nhưng cụ thể trong bài thơ QUÊ EM MÙA VỤ thì câu thơ: "Con chắt ả mô ruồi " không phải để gọi Ả Chắt, Ả Hoe mà gần như là gọi ngược lại: "Con hoe chị đâu rồi?". Con hoe chị đây cũng ko hẳn là chị Hai, chị đầu theo cách gọi của người Nam Bộ, mà nó là chị trên của một hay nhiều em sau nó. Nói tóm lại, tôi đưa những ý kiến trên cũng là để ta hiểu thêm về tiếng Nghệ. Chứ bài của bác Hiệp thì tôi cũng nhất trí giơ cao bảng điểm 10...
    Tôi chưa biết ý kiến của Chánh chủ khảo là bác Bu ra sao? Vì tôi viết cảm nhận này khá dài và cặn kẽ nhưng bị mất điện nên nó mất hết. Giờ có điện nên vội cúi đầu gõ lại tóm tắt vội vàng mà ko kịp đọc có ai tham gia thêm ko? Tôi xuất bản thử xem kẻo muộn và biết đâu Lão Tan phụ trách hậu cần đang mong tôi có mặt để uống cà phê chúc mừng bác Hiệp và Ban Giám khảo...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quả là mới học mà phải dịch nguyên một bài thơ tiếng xứ người, ý quên... xứ mình thật là gian nan đó bạn QT, tuy đã có sách vở, mạng. Mới hay chẳng phải tìm đâu xa, cứ ráng biết được những gì của mình thôi cũng đủ mệt và thú vị.
      Cám ơn bạn QT, và các bạn, đã chỉ vẽ cho biết thêm được nhiều điều.

      Xóa
    2. Một người chư từng vượt qua đèo ngang ra Nghệ Tĩnh như PNH mà dịch được vậy thì xứng đáng 10 diểm.

      Xóa
    3. Cám ơn tấm thạnh tình của bác Bu, được một người có cả bồ chữ nghịa như bác khen là khoái quá :-)))

      Xóa
  10. Mời bác qua chỗ này đọc để hiểu thêm Nghệ ngữ nhé. (Bác kích chuột vào 3 clip để nghe tiếng Nghệ nha). Những lời com ở dưới của lão Tan và Quang Thứ cũng là tài liệu.
    http://nhatthanhho.blogspot.com/2014/10/tuongan-ong-so-vo-le.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi sẽ vào để xem và nghe Nghệ ngữ. Tôi biết những câu còm của các bạn đều là những tài liệu hết. Đọc trên mạng, hay đọc báo giấy mà có những bài viết như thế tôi thương lưu lại, khi cần tìm hiểu mang ra xem lại rất hay.
      Cám ơn bạn NT đã nhiệt tình chỉ vẽ, :-)))

      Xóa
  11. Thú thực khi chuyển bài này để nhà ngôn ngữ xóm blog ta dịch , lão tin là nó có kết quả hay . Vì bác Hiệp vốn cẩn trọng và rất chịu khó tra cứu cộng với sự đam mê. Không có lòng đam mê về chữ và nghĩa thì khó làm việc này có kết quả cao được. Và đúng thế , bản dịch gần đúng với đáp án hiện lão đang nắm giữ. Rành tài.
    Dịch ra thơ theo bản gốc thường phải bám sát từ và ý . Khi cho ra câu thơ thường bị đơ do phải ép vần hoặc ép ý. Nhưng bài trên không hề có. Lại nhớ một ông Tây học tiếng Việt , đem câu thơ : " Tiếng chuông Thiên Mụ , canh gà Thọ xương " ra dịch. Bài thơ nói về cảnh Huế, nên phải mày mò tiếng Huế tìm kiếm. Tiếng Huế gọi " Mụ" là vợ , là người phụ nữ. " Thiên" hẳn nhiên là trời , "Thọ' là lâu dài...Cho nên dịch câu trên thành ra 2 câu lục bát mới đủ nghĩa:
    Tiếng chuông Thiên Mụ , canh gà Thọ xương
    Dịch nghĩa:
    Vợ trời đánh một hồi chuông
    Canh gà húp vội , hóc xương lâu dài.
    Hừm...rành sát nghĩa. Mà nói như bác Hiệp dịch 1 câu của Salam xong , đọc lại chẳng biết là gì. hehe .
    Các ý kiến trên đây về bài dịch , nó là kỷ niệm lần đầu dịch thơ Nghệ ngữ của Bác , vừa vui vừa bổ ích như bác tâm tình. Trên hết , nó mang nhiều niềm vui nụ cười đến với mọi người. Từ ngày mai , bác Hiệp có thể căng bảng hiệu trước nhà : DICH NGHỆ NGỮ 1 PHÚT 30 GIÂY , cho ...thế giới biết mình là ai rồi đấy nhé. Chúc mừng bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là Lão nhà ta có con mắt khá tinh vi, ý khá tinh đời rùi, biết nhìn đời lắm đó. Chuyện mấy ông Tây viết chữ Việt như tôi đã nói, nhiều khi cười ra nước mắt. Trước đây có một câu chuyện viết trong sách, nói là chuyện thật trăm phần trăm, một ông thày giáo người Việt sang một nước Xã hội chủ nghĩa Tây phương dạy tiếng Việt cho Tây ở trường đại học. Có 2 đứa Tây là học trò lấy nhau, nó viết thiệp mời bằng tiếng Việt thế này: "Mời thày ngày.... đến xem chúng em CƯỠi nhau", CƯỠI nhau thay vì CƯỚI nhau. Cũng vì tại cái dấu trong tiếng Việt là rất khó nhớ với người Tây.
      Nghệ ngữ hay mà cũng tếu thật Lão Tân. Cũng như cái câu khẩu hiệu gì mà NT viết bên trên:
      Lưa tiền ta để không tiêu
      Đem mua công trái là điều vẻ vang,
      Nếu tôi có đi ngang đọc được sẽ nghĩ là nhà nước viết thiếu dấu sắc ở chữ LƯA.
      Hì hì!

      Xóa
    2. Tiếng chuông Thiên Mụ , canh gà Thọ Xương
      Lâu nay nhiều người lầm tưởng " canh gà " là " canh gà " mình hay ăn . Theo Salam thì " Tiếng chuông " là để báo hiệu thời gian , cứ đến thời khắc nào đó thì gióng lên . Cũng như " canh gà " là để chỉ tiếng gà gáy trong đêm , vì giống gà thường hay gáy ngắt quãng , lần gáy cuối cùng thì trời sáng hẳn . Trong một đêm người ta chia ra làm nhiều canh , canh 1 , canh 2 , canh 3 vvv , vì thế " canh gà " ở đây là chỉ những canh này
      Còn chữ " Lưa " trên phả thêm dấu huyền mới đúng . Kể chuyện này cho các Bác nghe nè : Hồi 85 hay 86 gì đó mới đổi tiền xong , công ty khuyến khích mua công trái , mua thì mua vì mua công trái là yêu nước mà . Mấy chục năm sau bà xã chợt nhớ nên đưa ra kho bạc đổi , chỉ được mấy chục ngàn không bõ công đi , hỏi các Bác nên buồn hay nên vui ?

      Xóa
    3. Haha! Coi vậy chứ bác Salam phân biệt rất chính xác đó chớ, canh gà là tiếng "gà gáy sang canh" chứ không phải "Chicken soup", và ở dưới là dấu huyền chứ không phải dấu sắc cho chữ LƯA. Bên trên tôi viết là thêm dấu Sắc.
      Cái này không phải "đổ thừa", nhưng sau hai ngày bỏ công "ngâm cứu" Nghệ ngữ, nghe chừng muốn "Tẩu hỏa nhập ma", đầu nghĩ dấu HUYỀN mà tay gõ dấu SẮC. Hichic!

      Xóa
  12. Nói chuyện ngoài lề tí
    Hôm nọ Salam đọc báo có nói ở Cà Mau có một con Heo đi rông , Công an xã lùa về , sau khi không có ai nhận thì bán cho thương lái . Thương lái thấy một chân trái con Heo có năm móng thì không dám mua , nên xã phải để lại nuôi . Nghe nói Heo có năm móng là Tánh Linh , người ta kiêng không giết thịt , cũng không ai dám ăn , nuôi đến khi nào nó chết thì chôn , còn làm bia mộ đàng hoàng
    Theo Salam con Heo cũng như những loại gia súc khác , mọi người nuôi cũng chỉ để lấy thịt mà thôi . Hỏi Bác có biết chuyện này không ? Tại sao lại như vậy ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy cái chuyện này ở xứ ta là thường mà bác Salam, quê nhiều hơn, nhưng tỉnh cũng chẳng thiếu, con gì lạ lạ, như cụ trư 5 móng bác nói bên trên, có khi thiên hạ đồn kéo nhau đi coi rầm rầm, còn cúng vái xin số đề nữa.

      Ngày xưa cụ Tổ Hùng Vương nhà ta cũng kén rể bằng cách đấy mà: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Tổ tiên sao thì con cháu vậy là phải lẽ.

      Xóa
  13. Sau khi ban giám khán làm việc xong sao lại chẳng thấy ban hậu cần, trưởng ban tổ chức có ý kiến gì nhỉ? Ít ra thì cũng mời Ban giám khán một bữa chứ?

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))