Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Tiếng gà trưa.


Gà tre. Ảnh Internet.

Giống gà tre nhỏ con nhưng rất hiếu chiến. Ảnh Internet.

Buổi trưa và vào khoảng nửa đêm về sáng ở khu nhà tôi ở thường nghe tiếng gà gáy. Tiếng gáy của những con gà tre nhỏ nhắn, có bộ lông dài nhiều màu sắc khá bắt mắt, bây giờ người ta nuôi khá nhiều làm kiểng. Giống gà tre nhỏ con hơn nhiều so với gà ta Cao Lãnh, hoặc loại gà nòi bự con chuyên nuôi để đá độ, vì nhỏ con cho nên tiếng gáy của gà tre có âm vực cao, nghe lảnh lót, vang xa hơn các loại gà khác. Gà Cao Lãnh nổi tiếng đá hay như trong câu ca dao "Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/ gái nào bảnh bằng gái Nha Mân", hoặc con gà nòi bự con trụi lông da thịt được dân nuôi đá độ chăm sóc thoa nghệ, phun rượu đỏ au, tiếng gáy nghe to, trầm, ồ ề. Ta gọi là gà tre, là "phiên" theo tiếng Khmer "mô - on chee", giống gà này trông nhỏ con, rất nhanh nhẹn và cũng rất hiếu chiến, nhưng vì nhỏ con, sức yếu cho nên đá không dai bằng gà Cao Lãnh hay gà nòi. Trong sách vở thấy con gà tre trông rất giống gà rừng vùng Đông Nam Á, từ vóc dáng đến màu lông, có lẽ tổ tiên gần của gà tre là loại gà rừng này.

Có một loại gà khác cũng nhỏ con tương tự như gà tre, lông màu trắng, da, chân cẳng có màu chì mà ta gọi là gà ác, (loại này phổ biến trong các... quán ăn của người Tàu, gà ác tiềm thuốc Bắc là món ăn rất bổ dưỡng). Xem trong sách thì thấy gà ácgà ri là 2 loại gà khác nhau. Ngày trước hồi còn là nhóc tì, bọn nhóc trong xóm rất khoái nuôi cá đá, nuôi gà (tôi cũng thế). Mỗi tên nhóc trong xóm lúc ấy ráng nằn nì cha mẹ cho nuôi một, hai con gà tre hoặc gà ác để chơi, ngày ấy chung quanh nhà còn nhiều đất cát, cả ao hồ cho nên được cho nuôi thoải mái không như bây giờ. Hồi đó bọn nhóc và cả người lớn cũng gọi con gà ác là gà ri. Chữ ri thấy hiện diện trong ngôn ngữ của người Chăm, họ gọi gà ri là "mưnuk ri" (có dấu ă trên chữ u). Như vậy ta thấy trong ngôn ngữ của người Việt hiện diện khá nhiều ngôn ngữ của các dân tộc khác như Khmer, Chăm...

Gà ác. Ảnh Internet.

Tiếng gà gáy buổi trưa nghe thật... eo óc, hơn nửa thế kỷ rồi mà tôi còn nhớ mấy câu của bài tập đọc thuở còn nhỏ học lớp năm, lớp tư gì đó (bây giờ là lớp 1, 2): 

Cầu tre lũ trẻ vui đùa tập bơi
Tiếng gà trưa gáy chơi vơi
...

Loài gà khá ngộ, người ta nói "con gà tức nhau ở tiếng gáy", hình như là đúng, nửa đêm về sáng, hoặc giữa trưa êm ả, tự nhiên trong không gian yên tĩnh cất lên một tiếng gà gáy, chỉ vài phút sau là trong xóm đã vang rền những tiếng gà gáy tiếp theo, tiếng gáy này tiếp nối tiếng gáy kia. Ngày xưa tiếng gà gáy nửa đêm về sáng ở thôn quê báo hiệu mặt trời sắp mọc, để người nông dân chuẩn bị ra đồng ruộng. Có câu chuyện là họ hàng nhà gà rất tự hào về điều này, gã gà trống trong sân vênh vênh tự đắc nói với ả gà mái: "Chỉ có tiếng gáy của họ hàng nhà ta mới khiến lão mặt trời phải thức dậy". Mới hay cái tính "ganh tức", và "hợm hĩnh" ở loài gà cũng không khác chi nơi loài người (nói vậy chứ câu truyện "hợm hĩnh" của loài gà nghe chừng là do loài người gán cho loài gà, dựa theo "đặc điểm" của mình).

Không biết từ bao giờ ông bà ta có những từ khá hay để đi kèm theo tiếng phát ra của loài vật, chẳng hạn như "chó sủa ăng ẳng", lợn kêu eng éc", "dế gáy ri rỉ", "gà gáy eo óc"... Ăng ẳng nghe như cáu kỉnh, dấm dẳng, eng éc nghe ồn ào, ri rỉ nghe than vãn, nhưng eo óc thì khó giải nghĩa. Từ eo óc chừng như không có nghĩa cụ thể như những từ ăng ẳng, eng éc, ri rỉ... Những từ ăng ẳng, eng éc, ri rỉ... ta vẫn thấy dùng nhiều trong tiếng Việt hiện đại, còn từ eo óc hình như chỉ còn đi đôi với tiếng gà gáy.

Theo thói quen, tôi lại lật mấy quyển từ điển, chỉ thấy những từ điển tiếng Việt xưa nay chỉ giải thích từ ghép eo óc, chứ từng từ eo, óc riêng biệt cũng không có nghĩa gì đặc biệt, liên quan đến con gà. Chẳng hạn Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Paulus Của, giải nghĩa:

- Eo óc. Gay gắt, xóc nổi.
- Nói eo óc. Nói gay gắt, ngầy ngà.

Trong quyển Từ điển Từ cổ của tác giả Vương Lộc cũng chỉ giải nghĩa:

- eo óc t. 1 Từ gợi tả tiếng gà gáy cùng lúc nổi lên đây đó. 2 Từ gợi tả tiếng người nói dai dẳng, chói tai.

Các quyển từ điển tiếng Việt khác xưa nay cũng giải nghĩa chữ eo óc đại khái như thế.

Ở miền Nam vùng An Giang có địa danh cổ Óc Eo, nơi ngày xưa là kinh đô của vương quốc Phù Nam, liệu Óc Eo có liên quan gì đến eo óc? Tra trong từ điển Khmer - Việt không thấy liên quan.

Như đã nói trong tiếng Việt ta cũng thấy vẫn còn hiện diện ngôn ngữ của người Chăm, hay đây là tiếng Chăm? Tra trong Tự điển Chàm - Việt - Pháp có từ rất gần với eo óc là EH - OH (trên chữ E và chữ O có thêm dấu á (ă), máy tính không cho viết dấu ă trên chữ E, O). Nhưng từ này lại có nghĩa là xót thương.

Ta đã biết, tiếng Việt nằm trong nhóm ngôn ngữ Việt-Mường (gồm Việt, Mường, Thổ, Chứt). Tôi thử tra tiếp trong từ điển Mường-Việt, thấy ghi:

- óc óc eo óc. Têm khuya ca cẳl óc óc. Đêm khuya gà gáy eo óc.

Như vậy, có lẽ từ eo óc trong tiếng Việt bây giờ không còn thấy dùng để diễn tả tiếng nói của người như trong nghĩa nói eo óc của Đại Nam Quấc âm Tự vị , hoặc nghĩa thứ 2 của Từ điển Từ cổ của Vương Lộc. Eo óc là từ cổ trong tiếng Việt, cũng còn thấy trong tiếng Mường dưới dạng óc óc, chỉ còn dùng đi cùng với tiếng gà gáy.

Buổi trưa yên ắng nghe tiếng gà gáy eo óc, quả là chơi vơi...



Tham khảo:

- Những sách ghi trong bài viết:

- Từ điển KhơMe - Việt, Hoàng Học, NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội 1979.

- Tự điển Chàm-Việt-Pháp (Dictionnaire Căm-Vietnamien-Francais) - Trung Tâm Văn Hóa Chàm - Phan Rang 1971.

- Từ điển Việt-Chăm, Bùi Khánh Thế chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội-1996.

- Từ điển Mường-Việt, Nguyễn Văn Khang chủ biên, NXB Văn Hóa Dân Tộc - Hà Nội 2002.






17 nhận xét :

  1. Hồi nhỏ học tiếng Tây, thấy "co-co-ri-co" là tiếng gà gáy. Mình thì "ò ó o". Cũng ko để ý lắm, nhưng lớn lên chăm chú nghe tiếng gà, thì quả Tây "phiên âm" chính xác hơn ta.
    Nhưng chữ "eo óc" thì lại tượng 'tình" quá đỗi, nghe buồn bã thiệt.
    Rồi "xao xác gà trưa gáy não nùng", quả là não lòng luôn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "eo óc", nghe như da diết, bồn chồn, nhất là vào những lúc thanh vắng, nửa đêm về sáng, ban trưa...

      Xóa
  2. có con "gà" 45kg chưa thấy bác Hiệp nhắc đến nhỉ :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Con gà 45 ký này mỏ đỏ móng đỏ hả Bố susu? :-)))

      Xóa
  3. Gà ác mà tiềm thuốc Bắc trong tiệm máy anh Ba Chợ Lớn thì tuyệt vời. Quê HN người ta gọi là gà ri, những nhà khá giả thường trồng trúc lá nhỏ trước vườn nhà và nuôi gà ri, bầy gà mẹ con bươi gốc trúc kiếm ăn được xem là hình ảnh thanh bình Chữ eo óc mà Nô bi ta bàn đến ở trên rất thường thấy trong các tiểu thuyết, truyên ngắn HN được đọc bác NHP ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ở đường Cao Thắng Q3, góc ngã ba Cao Thắng-Võ Văn Tần, có một tiệm của người Hoa chuyên bán súp bong bóng cá, gà ác tiềm thuốc bắc rước đây khá ngon, giờ chất lượng cũng giảm.
      Con gà ác này ngày xưa tôi cũng thấy người ta gọi là gà ri, nhưng trong sách, kể cả từ điển Bách khoa cũng phân biệt gà ác và gà ri khác nhau.
      Eo óc, gợi đến một cái gì đó buồn thảm, não lòng.

      Xóa
  4. Gà ác lâu nay bu tui nghĩ là gà có lông đen tuyền
    Hóa ra lại trắng?
    Hay là ngoài bắc và trong nam quan niệm gà ác khác nhau .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gà ác phổ biến trong Nam, ngoài Bắc, da thịt nó màu đen nhưng lông lại màu trắng tuyền như tấm hình tôi post bên trên. Trong các từ điển xưa, nay Bắc-Nam, đều ghi là gà ác đó bác Bu.

      Xóa
  5. Hì hì, bài viết của bác Hiệp có tựa là tiếng gà trưa. Nhưng trong đó lại có bàn cả đến các loại gà, gà ác, gà ri, gà tre, gà Cao Lãnh...
    Ở quê CT, gà ác là gà lông đen tuyền. CT vẫn nghe người lớn tuổi bảo:
    Gà đen chân chì, mua chi giống ấy
    Gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua
    Xem ra kể cả là gà, xác định tên gọi cũng chẳng dễ dàng lắm!
    À mà bác Hiệp ơi, sao bác lại dẫn có một nửa câu lục bát vậy? Trước câu "cầu tre lũ trẻ nô đùa là câu chi ạ?
    CT có thắc mắc ngoài lề nhân bác nói chuyện gà, nếu được bác giải thích giùm CT: tại sao người ta lại gọi một số người là gà? Chẳng hạn, CT bị mấy người nói là: "cái con gà đó". Mà CT thì không có biết gáy và bới bếp ạ :((

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ một vài vùng quê miền Bắc gọi gà ác là gà lông đen tuyền chăng? Chứ tôi dân gốc Bắc, ngày xưa các cụ nhà cũng gọi gà ác là loài lông trắng, thịt đen, nhỏ con như gà tre.
      Tôi chỉ dẫn hai câu liên quan đến tiếng gà trưa thôi. Ngày xưa học lớp năm, lớp tư cũng chỉ được trích một đoạn máy câu học thuộc lòng. Đây là bài thơ của Bàn Bá Lân có tựa là Quê tôi, tôi post cả bài dưới đây:
      Quê tôi
      Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Bàng Bá Lân

      Thể thơ: Lục bát
      Thời kỳ: Hiện đại
      Từ khoá: quê hương (174)
      Chia sẻ trên Facebook 1
      Trả lời
      Gửi tặng qua email
      In bài thơ


      Một số bài cùng từ khoá

      Đăng bởi tôn tiền tử vào 08/12/2014 16:14, số lượt xem: 195
      Quê tôi có lúa, có dâu,
      Có đàn cò trắng, có câu huê tình.
      Có cây đa, có mái đình,
      Có bầy thôn nữ xinh xinh dịu dàng.
      Mùa thu có những hội làng,
      Có cây đu buổi xuân sang dập dìu.
      Gío vi vu tiếng sáo dìều,
      Ru hồn mục tử chiều chiều trên đê.
      Chợ làng có lắm quà quê;
      Bánh đa, bánh đúc, bánh kê, bánh dầy...
      Đầu thôn có túp quán gầy:
      Tình quê như bát nước đầy chè tươi.
      Ngõ tre khúc khích gió cười.
      Vườn quê thơm mát hương nhài hương cau.
      Tháng tư chanh cốm gội đầu,
      Hương sen ngát cả vườn rau ao bèo.
      Tháng hai hoa bưởi rơi nhiều,
      Ong ong, bướm bướm dập dìu tìm hoa.
      Khum khum giàn mướp ao nhà,
      Cầu tre lũ trẻ vui đùa tập bơi.
      Tiếng gà trưa lắng chơi vơi,
      Tiếng chim cu gáy: Buồn ôi là buồn!
      Ngày ngâu gió kép mưa đơn
      Mái tranh rỏ những lệ buồn vu vơ.
      Đêm dài, nhịp tiếng võng đưa
      Lời ru ời ợi ngàn xưa vọng về...

      Nhớ nhung, sầu mắc lê thê,
      Xa xôi, nghe dậy hồn quê não nùng!

      Không biết sao người ta lại ví phụ nữ là gà, chẳng hạn mấy cô gái bia ôm là "gà móng đỏ". Ở miền Nam ngày trước, "giang hồ" có tiếng lóng "ghẹ" để chỉ phụ nữ, có lẽ từ "gà mái ghẹ chăng?

      Xóa
    2. Bác chép bài thơ của Bàng Bá Lân , đọc nghe bàng bạc thương nhớ quãng thời thơ ấu của mình . Sao ngày xưa mình được học những bài học thuộc lòng hay đến vậy

      Xóa
    3. Hồi còn nhỏ xíu mà ta đã được đọc những bài thơ đầy tính nhân văn như vậy rồi :-)))

      Xóa
  6. Hồi ở quê không thấy gà ác lông trắng da đen , chỉ có giống gà ri nhỏ thôi . Gà ác ở quê gọi là chỉ con gà đen tuyền chân đen . Khi vào Nam mới biết loại gà này , cũng hay đi chợ Bà Chiểu mua về hầm hạt sen và thuốc bắc .
    Còn từ óc eo như Bác giải thích cũng đúng , theo Salam nó còn một nghĩa nữa là tiến kêu ma quái , như là phát ra một nơi xa xôi nào hẻo lánh nào đó , tiến kêu eo óc như xoáy vào tai người nghe rất khó chịu
    Biến tướng của gà trong xã hội thì nhiều lắm :
    Người đần độn thì gọi : Đồ gà công nghiệp
    Người mắt kém thì gọi là : đồ quáng gà
    Người dễ bị lừa thì gọi là : Đồ gà mờ
    Người viết chữ xấu thì gọi là : Đồ viết như gà bới
    Người hay ngủ sớm thì gọi là : Đồ đi ngủ trước gà
    Gõ bàn phím từng chữ một thì họi là : Đồ gõ như gà mổ
    Người chậm chạp lù đù thì gọi là : Đồ gà rù
    Ghét nhau thì gọi nhau là : Đồ gà toi
    Mấy em hay đứng chờ khách thì gọi là : Đồ gà móng đỏ
    Con trai mà nhút nhát thì gọi là : Đồ gà mái
    Mấy đứa con trai mới lớn lộc ngộc thì gọi là : Đồ gà tồ
    P / s : Các Bác nào có thêm tù nào nữa thì thêm vào

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi tra từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), mới hay quyển này ghi nhận tên gọi đầy đủ về con gà ác:
      - Gà ác: 1. Gà lông toàn màu đen trông như quạ. 2. Gà lông toàn màu trắng chân màu chì. 3. Gà ri.
      - Đồ gà nuốt dây thung, chỉ người lờ khờ, không nhanh nhẹn. Gà mắc tóc, tương tợ gà nuốt dây thung. Gà chết, chỉ người nhát gan, không dám làm gì.

      Xóa
  7. Ra chợ, người bán hàng gặp được khách mua ngu ngơ, bán đắt, người ta bảo "bắt gà".
    Chắc đó là gà công nghiệp thôi, còn gà ri (nơi miền núi gọi là gà kiên) thì tinh nhanh lắm.
    Lại có thành ngữ xứ Nghệ: "gà mắc chạc tóc" - gà vướng phải tóc (tất nhiên là cả nùi) không tài nào gỡ ra được, càng cố gỡ càng bị thắt chặt vào.
    Câu chuyện vui: Nhà nọ có đứa con trai hơi bị đần, tìm kiếm mãi họ cũng dạm được một mối cho con. Hôm ong bà thồng gia sang chơi để coi mặt chàng rể, ông bà cho nó lên ngồi cùng mâm để tiếp khách. Trước khi cho con lên "bàn trên" mẹ dặn:
    - Con phải ăn uống từ tốn, nghe chưa?
    - Dạ.
    Bà mẹ chưa yên tâm, bảo:
    - Giờ thế này: mẹ sẽ cột dây chỉ vào chân con, khi nào mẹ giật một cái thì con mới được gắp một miếng thịt gà nhé.
    Bữa cơm diến ra suôn sẻ. Thái độ lễ phép và ăn uống dè dặt của chàng trai làm "bên nhà ngoại" rất hài lòng. Bỗng nhiên khi còn nửa đĩa thịt gà, chàng trai gắp lia lịa, cuối cùng bưng cả đĩa mà trút vào bát mình.
    Mọi người há hốc mồm. Chàng trai cười:
    - Tại mẹ giật lia lịa, con không gắp kịp...
    Thì ra, một chú gà mắc chân vào sợi chỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gà ri nhỏ con, chắc bởi thế nên mới gọi là gà kiến (nhỏ như con kiến), cũng như gà cồ là gà bự con.
      Thành ngữ xứ Nghệ "gà mắc chạc tóc", là cả nùi tóc vướng vào chân không gỡ được. Còn câu "gà mắc tóc" là gà ăn phải tóc,cũng như "gà nuốt dây thung", sẽ trở thành "gà rù" vì không tiêu hóa được, và kết cục sẽ là "gà toi".
      Haha! cái này là "chỉ tại con gà".

      Xóa

:) :( :)) :(( =))