Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Du côn.

Thủ bút của nhà thơ Bùi Giáng. Ảnh internet.

Ngồi tẩn mẩn đọc lại mấy câu thơ của Trung niên Thi sĩ Bùi Giáng:

Sài Gòn Chợ Lớn rong chơi,
Đi lên đi xuống đã đời du côn.

Ai ở Sài Gòn trước đây vài chục năm, có biết đến thơ của Bùi Giáng chắc cũng biết đến cái rong chơi của ông, lang thang khắp khố phường, lúc đi bộ, có khi dắt theo mấy con chó, có khi ôm một chậu hoa hồng ngồi xích lô, có khi múa may giữa một ngã tư đường đông đúc, hoặc uống say nằm ngủ khoèo trong một con hẻm ở bên ngôi trường Đại học Vạn Hạnh cũ.

Rảnh rỗi tôi cũng đọc lại một quyển sách nói về Sài Gòn - Chợ Lớn của cụ Vương Hồng Sển, quyển Sài Gòn năm xưa. Trong quyển sách này cụ cũng có lý giải về từ du côn. Cụ Vương viết trong sách:

"Danh từ "du côn" có lẽ là do tích bọn này, nguyên là bọn du thử du thực, tay thường cầm một "đoản côn" (côn vắn) bằng sắt, đồng hay gỗ trắc, để hộ thân, về sau vì có lệnh cò bót cho bắt những kẻ tay cầm gậy hèo, nên họ đổi lại, để dễ chạy án, cầm một ống tiêu cũng bằng đồng, để khi hữu sự thì dùng làm binh khí hoặc khi nào cao hứng chè chén no say thì mượn đó trổi hơi phù trầm, kể "thơ sáu Trọng", "thơ Thầy Thông Chánh bắn Biện lý Tây ở Trà Vinh", hoặc "thơ cậu Hai Miêng" con của Lãnh binh Tấn.".

Đọc sách của cụ Vương Hồng Sển là phải lúc rảnh rỗi, chẳng biết làm gì, đọc lai rai như ngồi uống cà phê cóc. Sách của cụ viết như người già kể chuyện đời xưa, cụ viết theo kiểu kể chuyện thì ta phải đọc theo kiểu nghe chuyện. Những ai mong đọc được cái gì cao siêu bác học trong sách của cụ chắc sẽ thất vọng, những gì cụ viết nó gắn liền với đời sống quanh ta, kể cả những gì ta không với tới được (như chuyện sưu tầm đồ cổ của cụ). Tôi có khá nhiều sách của cụ, từ quyển khảo về đồ sứ, cho tới những quyển sách viết về sau này, một quyển tôi hay đọc đi đọc lại đó chính là quyển Sài Gòn năm xưa của cụ. Ở Sài Gòn bao nhiêu năm, nhưng những gì biết về Sài Gòn cũng còn quá ít, nhất là Sài Gòn ngày xưa, sách của cụ cung cấp cho tôi khá nhiều kiến thức về Sài Gòn ngày xưa đó.

Về từ du côn, tôi post lên giải thích của hai quyển từ điển tiếng Việt xưa là Đại Nam Quấc âm Tự vị, và Việt Nam Tự điển:

1/- Đại Nam Quấc âm Tự vị, Huình Tịnh Paulus Của, Saigon, 1895-1896.

- Du. Trộm, lén.

Trong bốn chữ Du của Tự vị ngoài chữ Du đầu tiên là dạo chơi, vui chơi, có chữ Du thứ tư là trộm, lén đáng chú ý.

- Côn. Gậy.

Du côn. Quân hoang, quân dữ.

Chữ du côn nằm trong mục từ Côn có nghĩa là gậy.




2/- Việt Nam Tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo, Hà Nội-1931:
- Du côn 遊  . Hạng du đãng hay đánh nhau.
Chữ du côn nằm trong mục từ Du . có nghĩa là Chơi, đi lại. Côn  có nghĩa là Cây gậy đồ dùng đánh võ.

Các từ điển tiếng Việt về sau cũng chỉ giải thích từ du côn chung chung, có nghĩa là kẻ chuyên gây sự, gây rối, hành hung, trộm cắp, du thử du thực...

Tôi thử tra trang Hán-Việt Từ điển Trích dẫn trên mạng, thấy chữ côn  có 2 nghĩa, 1. Gậy, que. 2. Kẻ vô lại. Như côn đồ 棍徒, có nghĩa là kẻ vô lại, lưu manh. Với chữ côn  là Kẻ vô lại, và chữ đồ  là lũ, bọn, nhóm, bè đảng (thường có nghĩa xấu), như bạo đồ  là bọn người hung bạo.

Như vậy phải chăng chữ côn  trong du côn 遊  có nghĩa là Kẻ vô lại, lưu manh, chứ không phải là là que, gậy, hay từ cái tích ống tiêu bằng đồng của bọn du thử (*), như cụ Vương đã nhận xét? Tôi thử nêu ra như một băn khoăn, chứ không phải để "phản bác" sách của cụ Vương.




(*) du thử. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến một bài thơ của Tuệ Sỹ (một bài thơ không đề của ông):

Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thử
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng

Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn.



Tham khảo:

- Những từ điển đã trích dẫn.
- SAIGON năm xưa, Vương Hồng Sển, NXB TP. HCM - 1997.







4 nhận xét :

  1. Đúng là càng tìm hiểu càng thấy kiến thức của mình quá ít, bác Hiệp ạ. Khi dạy học trò, cô giải thích cho nó nào du côn, du kích, du mục, giao du...bằng cách nôm na nhất đã đủ mệt rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật ra thì tại mình... nhiễu sự, muốn tìm hiểu sâu hơn về ba cái chữ nghĩa lôi thôi này, chứ bình thường chỉ cần hiểu và dùng sao cho đúng từ ngữ là được rồi NT, không cần phải "tầm nguyên" làm gì :-)

      Xóa
  2. 1- Bu nghĩ là ông Vương Hồng Sển nói cái khởi nguyên của từ du côn. Bọn bất lương dùng côn, nhị khúc, để hại người. Về sau, bọn chúng còn dùng cả dao, búa, nắm đấm, chứ không chỉ dùng côn mà thôi. Bởi thế cụ Đào Duy Anh mới định nghĩa du côn là bọn côn đồ du đảng. Ông Paulus Của thì bảo du côn là quân hoang, quân dữ. Trong định nghĩa của hai ông không có gì nói đến que với gậy nữa.
    2- Ông Paulus Của viết
    偷 du. c. Trộm, lén
    Là ông ấy đọc theo âm nôm.
    Nguyên chữ 偷 âm Hán Việt đọc thâu, là trộm cắp. Các nhà chế tác chữ nôm đưa ra nhiều phương án chữ du, trong đó có cách Giả tá là dùng chữ Thâu đọc thành du.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Đường đi của một từ ngữ có khi rất nhiều ngã, cụ Vương nêu lên mốt lối.
      2- Căn cứ theo từ ngữ thì âm Nôm chữ du cũng rất có ý nghĩa xác định du côn là bất hảo như bác Bu đã phân tích.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))