Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

Một vài từ ngữ với nghĩa cổ.


Trong cuộc sống, có nhiều từ ngữ chúng ta dùng quen, nghe, đọc và hiểu, nhưng ngày xưa những từ ấy có một ý nghĩa khác hẳn, hoặc chúng ta cũng ít để ý đến từ nguyên của từ ngữ, chẳng hạn một vài từ dưới đây tôi nhặt nhạnh trong sách vở:

Từ điển Từ cổ, Vương Lộc, NXB Đà Nẵng - TT Từ điển học - 2002.

- Chán chường t. Rõ ràng, tường tận. Nghĩ rằng: "Sự đã chán chường, Vườn xuân ong đã tỏ tường nhị hoa" (Hoàng Trừu).

- Lạnh lùng t. Đạt đến mức rất cao, tuyệt vời. Con ai vóc ngọc mình vàng, Má đào mày liễu dung nhan lạnh lùng (Lục Vân Tiên).

- Nồng nàn t. Ngang ngược, riết róng, cay nghiệt. Thờ cha sớm viếng khuya hầu, Chẳng may gặp phải mẹ sau nồng nàn (Nhị thập tứ hiếu diễn âm).

Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giải thích:

- Chán. n. No nê, bề bộn, nhàm lờn.

- Chán chường. Tỏ tường, bày ra trước mắt.

- Thấy chán chường. Thấy tỏ rõ.

Trong Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng giải nghĩa như sau:

- Lạnh lùng. Thường hiểu là lạ lùng. Tốt lạnh lùng. Khéo lạnh lùng.

Không ngờ chữ Chán chường, lạnh lùng, và nồng nàn nghĩa cổ lại khác ngày nay đến thế.

Việt Nam Tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức - Hanoi 1931.

- Éo le t. Chênh vênh, không được vững vàng. Ngồi éo le trên mũi thuyền. Nghĩa bóng: trắc trở bất bằng: Cảnh đời lắm nỗi éo le.

Từ éo le cũng thế nghĩa gốc lại là chênh vênh, không được vững vàng.

- Quyền bính   ( Quyền  là quả cân, bính  là cái chuôi). Quả cân và chuôi (cân). Nghĩa bóng: Quyền sai khiến được mọi người, định đoạt được mọi việc.

Từ Quyền bính, nghĩa ban đầu là quả cân và cái chuôi (cân), có lẽ đây là loại cân ta xách tay, trở thành quyền sai khiến được mọi người.

Từ điển Truyện Kiều, Đào Duy Anh, NXB Khoa Học Xã Hội - 1974.

- Dan: Tức là dắt. Vd. Dan tay: Dắt tay nhau. Chị em thơ thẩn dan tay ra về (câu 52). Dan tay về chốn trướng mai tự tình (câu 2284).

Chữ dan tay nghĩa là dắt này dễ bị lầm sang chữ dang tay.

Từ điển từ Hán - Việt, Lại Cao Nguyên chủ biên, NXB Khoa Học Xã Hội - 2007.

- Hùng hổ 熊虎 t. (con gấu và con cọp) Hung hăng, dữ tợn.  

Khi nói hùng hổ có lẽ ta ít khi nghĩ hùng  là con gấu, hổ 虎 là con cọp.  


Trên đây là vài từ ngữ ta hay gặp, nhưng có khi ít hiểu rõ từ nguyên hoặc nghĩa xưa.




25 nhận xét :

  1. Ôi! Bác H luôn mang đến cho mọi người các "món ăn" lạ miệng. Hihi. Các từ này lại coa nghĩa sâu xa như vậy. Chứ như ngày nay thì nos đúng là "một trời một vực". Cám ơn bác vì "món ăn" này. Lạ miệng mà ngon. Bác sắp xếp bữa cà phê chứ nhỉ? Hì hì.
    Tiện đây con muốn "nhắn" bố Salam. Chu.Nhật này con về bên quận 2 sẽ ghé bố uống cà phê. Hihi. Hôm bữa bố gọi thì con lại về bên nhà máy rồi. Chờ tin bố.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì! Thỉnh thoảng rảnh lấy từ điển ra đọc như đọc... tiểu thuyết, thấy từ nào hay hay thì ghi nhớ thôi.
      Có lẽ tôi còn bận một thời gian khá dài nữa, chưa biết chừng nào rảnh được. HT cứ cà phê hay nhậu với "ông già tía" trước đi :-)))

      Xóa
  2. Hè hè hè !
    Bài biết của bác Hiệp ngày mai rảnh rỗi sẽ bàn tiếp , còn lời đề nghị của Huy Trường OK luôn và ngay , hôm đó con chở bác Hiệp đến nhậu luôn nghen . À mà bác Hiệp có nhậu dược không ta ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi không nhậu được bác Salam à, nhưng vẫn chưa thể gặp được bạn bè trong thời gian tới. Mấy tháng trước thỉnh thoảng tôi với HT vẫn ngồi cà phê tán dóc.

      Xóa
  3. Cái từ chán chường vậy mà hay đó bác H . Một khi đã '' rõ ràng, tường tận'' , thì đúng là ... chán chường thật ! ((-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, cho nên nó mới có nghĩa là... chán chường :-)))

      Xóa
    2. Ý kiến của Marguerite Bangtam rất thú vị mà không chừng hợp lý nữa!

      Xóa
    3. Hợp lý quá chứ bác HN :-)))

      Xóa
  4. Cái gì rõ quá rồi thì cũng... chán chường thôi. Nghĩa phái sinh cũng có cơ sở chăng.
    Nói vậy thôi, từ ngữ biến đổi liên tục bác nhỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mặt sao dày gió dạn sương
      Thân sao bướm chán ong chường bấy thân.

      Câu này có nghĩa cổ là bướm tỏ, ong tường mà nghĩa sau cũng rất phù hợp ạ.

      Xóa
    2. Ngay cái câu ở Từ điển từ cổ của Vương Lộc bên trên, cũng hiểu được chán chường có nghĩa là nhàm chán chứ không phải tỏ tường.

      Nghĩ rằng: "Sự đã chán chường, Vườn xuân ong đã tỏ tường nhị hoa" (Hoàng Trừu).

      Ta có thể giải nghĩa: Nghĩ rằng sự đã nhàm chán rồi (sự đã chán chường). Bởi "Vườn xuân ong đã tỏ tường nhị hoa".

      Xóa
    3. Bởi vậy mới gọi là "sinh ngữ" phải không Toro?

      Xóa
  5. Hì hì hì !
    Cái từ " Chán chường " ngoài ý nghĩa như các Bác giải thích , theo Salam thì đó cũng dùng để chỉ tâm trạng trong một thời điểm nào đó ví dụ : Tôi chán chường chẳng muốn nhậu . Tôi chán chường chẳng muốn ra đường . Huy Trường chưa có bạn gái nên chán chường ..he he he
    Còn từ " Quyền bính " theo nghĩa cổ là quả cân và chuôi cân thì cũng đúng thôi , là thời cổ xưa con người đã lấy hình tượng người phụ nữ tay cầm cái cân để tượng trưng cho thần công lý đấy thôi . Ngay ở Việt mình hôm nọ cũng lấy ảnh diễn viên hài Công Lý mặc quần xịp , tay cầm cân đứng trên quả địa cầu làm trang bìa cho cuốn sách luật đó thôi ... Đúng là hài vãi
    Còn chữ " Nồng nàn " thì hình như ử quê Huy Trường đọc là " Lồng làn " thì phải ?
    P / s : Bữa " Lào " gặp Salam sẽ " Nàm nòng nợn " đãi Huy Trường nghen .. Hì hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, chỗ nào mà có bác Salam là vui lắm đây, có lẽ bác ni không thể thiếu được trong những đình đám.

      Xóa
    2. Cái vụ "L" và "N" này bố Salam chỉ bói đúng 50%. Hì hì. Quê con có một số nơi nói "L" "N" như bố dẫn. Tiếc là nơi con đang ở không "lói" rứa. :). Xã nhà con có 2 thôn, thôn nhà con chỉ có lỗi phát âm vần "Ê" thành "Ơ". Tỉ như "vờ quơ" thay vì "về quê" hihi.
      Vụ "nòng nợn" thì con rất cám ơn bố. Hibi. Món con khoái nhất rồi tới Cầy. Chủ Nhật này con sẽ ghé bố chơi. Hy vọng "nà" sẽ nhìb con gái bố đến "lồng làn". Hì hi.

      Xóa
  6. Bác Phạm nghiên cứu chữ nghĩa thật "chán chường" tới mức "lạnh lùng".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đừng có éo le đến nồng nàn là được phải không cụ Nô?

      Xóa
  7. Bác Dung lại " Lói " sai rồi , phải thế " Lày " mới đúng nè : Bác Hiệp nhìn thấy rượu thì Chán chường tới mức " Nạnh Nùng " hì hì hì
    Khi đến nhà chơi Huy Trường nhìn con gái của Salam bằng ánh mắt " Lồng Làn " hi hi hi

    Trả lờiXóa
  8. Nguyễn Trãi (1380-1442) cách ta chưa đến 600 năm mà Quốc âm thi tập của ông đã có nhiều từ cổ, không có chú thích thì bó tay. Tạm dẫn ra đây năm câu.

    1- Một lòng trung hiếu làm biêu cả
    (Biêu: Mục tiêu, danh hiệu, bậc )
    2- Bui một lòng người cực hiểm thay
    (Bui: Chỉ, chỉ có )
    3- Vợ chúng thằng chai chác cá tươi
    (Chác: Mua)
    4- Bạn tác dể duôi đà phải chịu
    (Dể duôi: Khinh dể, khinh rẻ)
    5- Tuồng ni cóc được bề hơn thiệt
    (Cóc: Biết, blog PNH đã có nói đến)

    Trả lờiXóa
  9. Đ/c: Cầu 3: vợ chúng thằng chài...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 600 năm trước mà nghe cụ kỵ ta nói chắc chẳng thể hiểu được bác Bu à, chữ "chác" là mua thì ngày nay còn trong "bán chác", "đổi chác". Có những từ cổ như "siếc" (c ở cuối) có nghĩa là than van, ngày nay ta còn thấy trong "rên siết". Từ "nhẹm" trong "dấu nhẹm" xưa có nghĩa là "kín", "bí mật"...

      Xóa
  10. Từ " Éo le " giải thích ngồi chênh vênh trên mũi thuyền có vẻ không ổn . Thường thường dùng từ này để chỉ những hoàn cảnh bất hạnh của môt người nào đó ví dụ : Ông ấy bị vợ bỏ , giờ gà trống nuôi con một mình , hoàn cảnh rất là " Éo le "
    Còn từ " Dan " giải nghĩa là dắt díu nhau cũng rất tối nghĩa . Nếu như nói " Dan díu " thì ta có thể hiểu rõ hơn ví dụ : Hai người kia đang " Dan díu với nhau
    Còn từ " Hùng Hổ " từ cổ giải thích Hùng là con gấu , Hổ là con Hổ cũng không ổn , bởi vì hai chữ này đứng chung với nhau thì thành một động từ ví dụ : Bà ấy " Hùng Hổ " lao vào tấn công tôi trước

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Salam quên là ta đang xem xét những từ ngữ theo nghĩa cổ của nó, nghĩa là khác hẳn với nghĩa ta đang dùng bây giờ. Nếu cách nay một vài trăm năm mà người xưa thấy ta dùng những từ này với những nghĩa như ngày nay thì người ta sẽ nói chúng ta bây giờ kỳ cục.

      Chẳng hạn từ "éo le" có nghĩa cổ là "chênh vênh, không vững", chứ không phải là "ngồi chênh vênh trên mũi thuyền". câu " ngồi éo le trên mũi thuyền" là câu minh họa, có nghĩa là "ngồi chênh vênh trên mũi thuyền".

      Từ "dan" có nghĩa là "dắt", "dan tay" có nghĩa là "dắt tay". câu trong Kiều là "Chị em thơ thẩn dan tay ra về", chỉ có nghĩa là "chị em thơ thẩn dắt tay nhau ra về".

      "Hùng hổ" là một từ Hán-Việt, mà từ nguyên của nó hùng 熊 là con gấu, hổ 虎 là con cọp. Như ta đã biết đây là từ "chỉ ý", gấu và cọp là 2 loài dữ tợn, nên người Tàu mới ghép 2 từ này lại để chỉ sự hung hăng.

      Xóa
  11. Bác Hiệp bung vấn đề này ra thiệt thú vị, một dịp để người đọc "mở mắt" khi đọc cmt bác Bu, bạn Salam, bạn Huy Trường... một dịp để "mở miệng" (mà nhậu) với bạn Salam ngày nào HN về Sài Gòn. Chữ nghĩa đôi lúc trở thành "chuyện dài nhân dân tự vệ"! Bác NHP và các bạn còn nhớ khi ngài Nguyễn Minh Triết tại nhiệm, ngài nhắc 4 chữ "vui thú điền viên" mà pà con cô pác nói cả tháng chưa xong?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì! nhờ có mấy quyển từ điển đó bác HN. Phen này ông bạn Salam và anh bạn trẻ HT "kết" nhau rồi. Coi bộ 2 tay này ít nhất cũng có một điểm chung là "nhậu". Chừng nào bác HN về Saigon có khi có bạn nhậu rồi :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))