Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

Cuối tuần lại nói chuyện sách vở.

Từ điển Việt-Khmer trọn bộ 2 quyển.

Mấy hôm trước tôi có viết và đưa lên hình ảnh mấy quyển từ điển Khmer-Việt, Việt-Khmer, Việt-Chăm, là những quyển sách cũ mà tôi tìm bấy lâu nay giờ mới gặp, mua về cũng chưa có thời giờ coi lại. Có anh bạn Doan Hong Ha ở Hà Nội vào xem và nói, bạn ấy có 2 quyển y như thế mà là những tập bổ sung cho 2 quyển sách Khmer-Việt, Việt-Khmer của tôi có là đủ bộ, và hỏi xem 2 quyển tôi mua được có phải chỉ mới là một nửa bộ sách không? Tôi kiểm tra lại thì đúng như bạn Doan Hong Ha nói, 2 quyển từ điển này mới chỉ là một nửa bộ sách, bạn cũng có ý kiến rất hay là tôi nhượng lại 2 quyển này cho bạn, hoặc ngược lại bạn sẽ nhượng lại 2 quyển bạn có để thành đủ bộ.

 Từ điển Việt-GiaRai.


Tự điển Việt Nam của Đào Văn Tập. Nhà sách Vĩnh Bảo Saigon - 1951.

Tuy nhiên sáng nay có việc đi ngang một tiệm bán sách cũ quen, vào hỏi thì họ đưa ra quyển 1 từ điển Việt-Khmer mà tôi đang thiếu, hỏi có phải tôi cần quyển này không? Đúng như thế, và họ để lại cho tôi với giá rẻ hơn tôi mua 2 quyển lần trước ở một tiệm sách cũ khác. Quen biết bấy lâu nên họ cũng rất thật thà, nói để hoài chẳng có ai hỏi mua vì chỉ có một quyển. Quyển 2 Khmer-Việt mà tôi còn thiếu, họ nói, ít hôm nữa ghé lại xem có kiếm được cho tôi không? Biết tôi hay tìm những tự điển như thế này, họ đưa cho tôi thêm quyển Tự điển Việt Nam của Đào Văn Tập, nhà sách Vĩnh Bảo Saigon xuất bản năm 1951, sách được xuất bản cũng đã hơn nửa thế kỷ nay. Đây là quyển tự điển tiếng Việt tôi còn đang thiếu. Không phải quyển tự điển này hay hơn các quyển khác, mà vì nó là một cột mốc về từ ngữ của tự điển Việt Nam. Từ điển thường phản ánh ngôn ngữ ở vào thời điểm xuất bản. Chịu khó nghiên cứu từ ngữ trong từ điển qua các thời kỳ, phần nào ta hiểu được xã hội vào thời ấy. Ở miền Nam có Đại Nam Quấc âm Tự vị của Huình Tịnh Của xuất bản ở Saigon năm 1895-1896, giải thích khá nhiều từ cổ của phương ngữ miền Nam, rồi lần lượt đến những tự điển tiếng Việt khác như Tự điển Việt Nam của Đào Văn Tập (1951), Việt Nam Tân Tự điển của Thanh Nghị (1952), Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ (1970), Tự điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí (1971)... 


Những quyển Từ điển không thể thiếu trên kệ sách.

Ở miền Bắc có Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức xuất bản ở Hà Nội năm 1931, từ điển này giải thích khá nhiều từ cổ và phương ngữ miền Bắc. Từ điển Tiếng Việt (Văn Tân chủ biên), được khởi thảo từ năm 1954, mãi đến năm 1967 mới in ấn bản đầu tiên, quyển từ điển này có những từ mà từ điển tiếng Việt in tại miền Nam cùng thời không có chẳng hạn như "mậu dịch quốc doanh", "tên lửa" (hỏa tiễn), "lính thủy đánh bộ" mà miền Nam gọi là "thủy quân lục chiến"... Sau năm 1975 thì có những quyển từ điển tiếng Việt khác như Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê hoặc do Nguyễn Như Ý chủ biên,... Chưa kể đến một quyển từ điển tiếng Việt khác là Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, mà thời gian sau này độc giả đã phát hiện ra khá nhiều sai sót trong cách giải thích từ ngữ...

Trên đây chỉ là một số từ điển giải thích tiếng Việt phổ thông qua các thời kỳ, chưa kể đến những quyển từ điển tiếng Việt chuyên dụng khác như Từ điển Truyện Kiều, Từ điển Lục Vân Tiên, Từ điển Địa danh, Từ điển Thuật ngữ văn học, Thuật ngữ Ngôn ngữ học, Thuật ngữ Toán, Lý, Hóa, Sinh, hay Thuật ngữ Kinh tế, Y học... Tôn giáo... Tôi cũng có được khá đầy đủ. Nhờ thế thỉnh thoảng cần tra cứu, tôi có thể dễ dàng tìm hiểu, so sánh, đối chiếu giữa những quyển từ điển được in ấn khác nhau qua các thời kỳ, ở những địa phương khác...

Bàn viết của cu cậu con trai.

Nói chuyện lan man về sách vở, có một điều tôi cũng phải... thú thật là những sách vở kể trên của tôi từ trước đến nay ít được mua trong những nhà sách lớn (trước năm 1975 đến nay), trừ những quyển mới in mà hay. Phần lớn là được mua từ những tiệm bán sách cũ ở Saigon, hoặc có rất nhiều quyển rất hay tôi "lụm" ở những chiếu sách vỉa hè bán "lạc xoong", hoặc ở những gánh ve chai tình cờ gặp khi đi đường. Cái ưu điểm của mua sách ở những tiệm sách cũ là dễ tìm được những quyển sách mình cần, nhất là những quyển xuất bản đã lâu, không còn trong những nhà sách lớn, giá cả phải chăng. Chủ tiệm bán sách cũ thường là những người rất rành về sách, họ có những mối quan hệ với nhau, tôi dễ dàng tìm được những quyển sách hay, hiếm mà ta không còn tìm được nơi những nhà sách lớn. Quen biết thân với họ (vì hay ghé mua, và nhất là nói chuyện hợp "gu"), họ sẵn sàng tìm cho ta những quyển sách như thế, Tôi có những chủ tiệm quen biết như thế, lâu ngày coi như bạn bè vậy.

Đi mua sách cũ đôi khi ta phải kiên nhẫn, có những quyển sách một bộ mấy quyển có khi chỉ gặp được một, hai quyển chứ không đủ bộ, như quyển từ điển Viêt-Khmer kể trên, thường sách như thế giá rẻ hơn đủ bộ, nhất là sách hiếm. Quyển Từ điển Bách Khoa Việt Nam gồm 4 tập, tôi đã phải mua đến 3 lần, mỗi lần một quyển, hai quyển ở tiệm sách cũ, được cái giá cả chỉ còn bằng 1/3 so với giá gốc. Và khi đã quen thân, biết tôi thích loại sách nào, khi có những quyển hay, hiếm, phù hợp, họ thường để dành cho tôi, khi tôi không lấy họ mới bán cho người khác...

Bây giờ tôi có được một kệ sách khá khá để tra cứu, tham khảo, dĩ nhiên tôi không thể bỏ qua những kiến thức có trên internet (nhiều khi rất hỗn tạp), cái không thể thiếu của xã hội ngày nay. Biết kết hợp, đối chiếu sách vở với những thông tin trên mạng, ta sẽ có tri thức, đỡ sai sót trong nhận thức, và hiểu được những điều rất lý thú trong cuộc sống...






12 nhận xét :

  1. Hì hì bác Hiệp đam mê sưu tầm sách , cuối tuần Salam làm ông Mai se duyên cho Bác một Cô , nếu không ưng thì có thể " Bán " lại cho Huy Trường hoặc Bố Su Su nghen

    CÔ HÀNG. SÁCH

    Mắt sáng tròn to , đón khách hàng
    Nụ cười e ấp , giọng thanh thanh
    Chuyên san , tạp chủng , duyên duyên luận
    Tiểu thuyêt đa môn , khéo khéo bàn
    Chữ nghĩa , Xóc " Kho " nan kẻ đọ
    Văn chương so " Vốn " dễ ai bằng
    Vài lần ghé lại chân đâm .. Nhớ
    Lục lạo thơ văn ... Tận giúp nàng

    P / s. : Bác Hiệp thích chưa , chồng già vợ trẻ lo giữ sức khoẻ nghen ... Hì hì hì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, cô hàng sách này khác với cô hàng sách của Trần Tế Xương "Cô hàng bán sách lim dim ngủ", ế hàng quá.

      Sáng nay chủ nhật, hy vọng anh bạn trẻ HT "hội kiến" ông nhạc tương lai, làm một vài ve...

      Xóa
  2. Bài thơ trên sáng tác của. " Vũ Quang Huy "
    Cuối tuần chúc Bác Hiệp zui zẻ nghen

    Trả lờiXóa
  3. Mấy lần đi với PNH mà không mua được gì ngoài sách ông sư Lê Mạnh Thát.
    Hôm nào phải ở lại lâu lâu mới được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mua sách nó có "cái duyên" đó bác Bu, quyển sách đó "duyên" với ta thì sẽ về tay ta. Có khi tôi đi gặp nhiều sách hay, có khi đi hoài mà chẳng mua được quyển nào.
      Hôm nào bác về Saigon anh em mình lại rảo rảo sách cũ một bữa.

      Xóa
  4. Đọc bài này của bác , lão thấy tâm đắc quá. Vì hồi xưa lão cũng hay mày mò ở tiệm sách cũ như một cái thú của nhà...thám hiểm. Sách cũ giá rẻ và tự do lựa chọn. Tiếc rằng lão không tốt phước nên số sách đó được người khác đem ra bán giá giấy cũ. Muốn khóc mà hổng khóc được , ho hụhụ thui !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đi rảo tiệm sách cũ khoái hơn tiệm sách mới, nhất là tiệm sách quốc doanh. Ở đó họ rất rành về sách, còn nơi nhà sách quốc doanh, to thế, nhiều người thế mà ít người bết sách, họ chỉ đứng để "canh chừng" sách thôi.
      Không sao, chẳng có gì là muộn cả, bác có thể tìm lại thú mua và đọc sách ngay từ hôm nay. Chúc bác sẽ được như ý.

      Xóa
  5. Tâm đắc câu : "Chịu khó nghiên cứu từ ngữ trong từ điển qua các thời kỳ, phần nào ta hiểu được xã hội vào thời ấy." Quả vậy, đọc từ điển cũng thú vị như đọc tiểu thuyết, không phải khô khan như người ta tưởng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì! Tôi vẫn đọc từ điển như tiểu thuyết, còn thỉnh thoảng đọc tiểu thuyết như... từ điển. Mỗi một quyển từ điển có cái "e" riêng, kể cả những từ điển như của Vũ Chất (in ở Saigon trước 1975, loại này tôi nghe một chủ tiệm sách cũ nói hồi đó Chợ Lớn in cho dân Ba Tàu học chữ Việt). Ngoài Bắc có từ điển của Nguyễn Lân, nó phản ánh cái "mông muội" của xã hội...

      Xóa
  6. Bác như người sưu tập đồ cổ, nhiều khi kiếm được của quí mà giá bình dân.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sưu tập sách kiểu cụ Vương Hồng Sển sưu tập đồ cổ, gặp được quyển đã "kết" thì ráng mua, đừng bỏ lỡ. Kệ sách của tôi đủ để đọc lai rai đến... hết đời đó Toro, hì hì!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))