Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

"Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh".


Ai có chiếc xe gắn máy, giang hồ Saigon trước đây kêu là "xế nổ", để phân biệt với "xế điếc" là xe đạp, và "xế hộp" là xe hơi (miền Bắc gọi là ô tô). Khi mua làm thủ tục lấy bảng số xe, thường bỏ thêm ra chút đỉnh tiền để có được số đẹp. Trước đây biển số xe có 4 số (bây giờ là 5 số), ngoại trừ những số quá đặc biệt như 8888, hoặc 9999, hay 6868 (lục bát lục bát, người ta nói trại là lộc phát lộc phát) khó kiếm được, thì người ta thường chọn 4 số cộng lại thành 8 hay 9 nút. Đó là cách chơi bài cào ba lá ở miền Nam xưa, 8, 9 nút là những số dễ ăn tiền khi chơi, được cho là số hên, đem lại may mắn.

Rồi ít năm trở lại đây có người ta lại thích 4 số xe cộng lại thành 7 nút chứ không phải 8 hoặc 9 nút như xưa nữa, thậm chí còn chê con số 9. Lý giải điều này người ta đưa ra câu: "Ba chìm bảy nổi", hoặc: "Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh". Thì ra thế.

"Ba chìm bảy nổi", hoặc "Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh" là một thành ngữ thỉnh thoảng ta hay nghe nói, để chỉ những người có số phận lúc thăng, lúc trầm, không mấy hanh thông, suôn sẻ trong cuộc sống. Từ điển Thành ngữ Việt Nam của Viện Ngôn Ngữ Học do Nguyễn Như Ý, Nguyễn Văn Khang, Phan Xuân Thành (NXB Văn Hóa - Thông Tin-1994), giải thích:

- Ba chìm bảy nổi: sống long đong, lận đận, gian truân, vất vả, bao phen khổ sở. Và Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh thì như Ba chìm bảy nổi.

Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Vũ Dung - Vũ Thùy Anh - Vũ Quang Hào biên soạn (NXB Văn Hóa - Thông Tin-1998), giải thích:

Ba chìm bảy nổi: (Ba chìm bảy nổi chín lênh đênh): Số phận, cuộc sống long đong gặp nhiều gian truân vất vả.

Trong quyển Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ (Khai Trí xuất bản-Saigon 1970), trong phần phụ lục Thành ngữ, Tục ngữ, giải thích "Ba chìm bảy nổi", và "Ba chìm bảy nổi chín linh đinh" như sau:

- Ba chìm bảy nổi: 3 phần chìm dưới mặt nước, 7 phần nổi trên mặt nước, viên bánh trôi - nước nấu đến như thế là chín, vừa ăn. Lúc giàu lúc nghèo nhiều lần như thế.

Ba chìm bảy nổi chín linh đinh: Phân đậu nếp để làm tương; theo cách làm tương ở Quảng Bình, để cơm nếp đóng mốc, ủ 3 ngày rồi rang đậu để vô, ngâm được 3 lần chìm 3 lần nổi rồi cứ 9 phần tương 1 phần muối thì tương được ngọt hơn. Chìm nổi linh đinh, không nơi nương tựa.

Giải thích trong Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ, khá thú vị, liên quan đến cách nấu món bánh trôi nước, và đặc biệt là cách làm tương ở Quảng Bình, không biết bác Bulukhin có biết cách làm tương này không?.





12 nhận xét :

  1. Xem ra Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức - Lê Ngọc Trụ (Khai Trí xuất bản-Saigon 1970), ly kỳ và có vẻ có xuất xứ hơn bác H nhỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây là quyển từ điển tiếng Việt hay nhất tại miền Nam từ trước đến nay (và có lẽ cả nước bây giờ), sinh thời cụ Vương Hồng Sển rất ca ngợi. Quyển này đã tuyệt bản.

      Xóa
  2. Thành ngữ 3 chìm 7 nổi 9 lênh đênh để chỉ số phận long đong của một con người lúc lên lúc xuống , long đong vất vả
    Được cấu tạo bằng tổ hợp từ 3 - 7 - 9 . Chìm , Nổi , Lênh đênh là ba động từ trái nghĩa khác nhau . Chìm - chuyển từ mặt nước xuống dưới sâu
    Nổi. - chuyển từ mặt nước sâu lên mặt nước
    Lênh đênh - trôi dạt vô định
    3, 7 , 9 là số đếm khi kết hợp với nhau nó biểu tượng cho số nhiều , cũng có thể tách ra từng nghĩa. ví dụ. : 3 lo , 7 liệu , 9 chờ mong . Đó là đúc kết của dân gian về thiên nhiên , số phận của con người

    Ngẫm thân thế 3 chìm 7 nổi
    Lại phen này lạc lối vô đây
    Một đêm cảnh vật đổi thay
    Rồi ra sao nữa sau này trăm năm

    ( Nguyễn Du )

    P/ s : Bữa mô rảnh rỗi Salam cùng bác Hiệp ra sông Sài Gòn rồi chúng ta cùng " Ba chìm , bảy nổi , chín lênh đênh " nghen .. He he he

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 3, 7, 9 là những con số rất hay được nhắc đến trong tiếng Việt, chẳng hạn 3 hồn 7 vía, chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3... 9 đợi 10 chờ... Những con số này thường mang một ý nghĩa đặc biệt.

      Hì hì! Ra sông Saigon mà 3 chìm 7 nổi thì có mà đi thăm... hà bá :-)))



      Xóa
  3. Hôm qua con đang còm thì ở nhà bị mất mạng. Thế là đi tong cái còm. Hôm nay còm lại. :))
    Con đang định nói về ông Lê Ngọc Trụ, sinh thời được cụ VHS rất là khâm phục. Hai cụ cũng là bạn thân với nhau. Rất nhiều cuốn sách cỷa cụ VHS được ông Lê Ngọc Trụ và cụ Nguyễn Hiến Lê hiệu đính.
    Về làm tương này thì con rành nè bác! Ngoài Bắc cũng làm tương y chang cách giải thích ở trên. Nổi tiếng nhất là tương Bần và tương Cự Đà. Trong Nam vẫn nói là tương Bắc. Ban đầu thì đem hạo nếp đồ lên làm như xôi. Ủ và phơi trong chỗ mát để nó lên mốc. Mốc này người ta gọi Mốc Hoa Cau, hoàn toàn ko độc hại như nấm mốc thực phẩm ta vẫn gặp. Rang đậu tương (nành) lên, vỡ hạt thành hạt cỡ hạt tấm (1 -1,5 mm). Rồi đem bỏ vô cái lu sành có chứa nước mưa sạch, đậu và mốc pha theo tỷ lệ nhất định. Mấy ngày đó vừa hớt bỏ váng vừa gia thêm muối và mang ra chà cho mịn tương. Tới khi nước tương lên màu như ý thì thôi. Để ngoài trời cho dầm mưa nắng là xài được.
    Trong quá trình sử dụng, khi múc tương tuyệt đối để dính hạt nước mưa nào vô lu vì như vậy tương dễ bị chua và đóng váng. Tương này kho cá, nấu canh cua, luộc thịt ba rọi lên chấm tương ăn cùng rau muống thì bá cháy. Hì hì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cụ VHS và ông Lê Ngọc Trụ sinh thời là bạn thân thiết, cụ Vương hay nhắc đến. Ông nguyên là nhà giáo chuyên về ngữ văn, rất giỏi, trước năm 1975 viết khá nhiều về đề tài này.

      Bạn HT có vẻ rành và "hảo" món tương Bắc quá :-)))

      Xóa
  4. Ở quê Salam làm tương thì Đậu Nành không xay nhuễn như ngoài Bắc , chì cà cho vỡ sau đó bỏ vỏ . Có một nguyên tắc khi ủ Nếp làm " Mốc " là phải ủ bằng lá Nhãn . Nước làm tương phải là nước mưa . Phải phơi ngoài nắng , mưa , khi nào Mốc nổi lên chìm xuống 3 lần khi ấy là tương đã chín . Tương Bắc thì có vị hơi ngọt , còn tương Miền Trung thì mặn thôi rồi
    Nói các Bác nghe : ở quê Salam " Thành phố Vinh" khi đóng nắp áo quan , ông thầy cúng hô 3 lần , nếu như người chết là đàn ông thì hô " Hu 3 hồn 7 vía ông A về mà nhập xác . Nếu như người chết là đàn bà thì hô " Hu 3 hồn 9 vía bà B về mà nhập xác " hô 3 lần như vậy thì mới đóng nắp áo quan . Bởi vì có quan niệm cho rằng đàn ông thì 7 vía , đàn bà thì 9 vía
    P / s. : Nếu không tin thì bữa mô bác Hiệp thử hô ". Hu 3 hồn 7 vía ông Salam về đây mà ..uống cà phê với tui .. Thì Salam có mặt liền ... He he he

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Làm tương mỗi nơi mỗi khác ha bạn Salam. Chuyện hú 3 hồn 7 vía nghe ớn ớn.
      Còn hú cà phê thì tôi muốn lắm, các bạn vào trang này tôi cũng đã cà phê cả rồi. Nhưng bây giờ tôi bận không đi đâu được, thỉnh thoảng chỉ lên mạng đỡ ghiền thôi. bao giờ có thể sẽ hú cà mấy anh em mình cà phê :-)

      Xóa
  5. Xin góp cùng quí bác một ý : "ba chìm bảy nổi chín lênh đênh" có thể bắt nguồn từ quan niệm dân gian về hồn vía. Nam : 3 hồn 7 vía; Nữ: 3 hồn 9 vía.
    Hồn tồn tại mãi nên được coi là phần chắc chắn "chìm" xuống dưới. Vía là phần mất đi sau khi chết, nên được coi là phần rỗng nhẹ, "nổi" và "lênh đênh" trên bề mặt, nay còn mai mất.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một góp ý thú vị của cụ Nô. Xin cám ơn :-)

      Xóa
    2. Nhưng tại sao lại có con số 3, 7 cho nam và 3, 9 cho nữ ...hihi vụ này cũng lôi thôi lắm

      Xóa
    3. Tôi nghe nói con số 7 cho nam và số 9 cho nữ, là nam có 7 lỗ, nữ có 9 lỗ gì đó, nhiều hơn nam 2, hì hì!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))