Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Thảo Mai.



Hầu đồng Cô Bơ (Cô Ba) Thoải Phủ. Ảnh Internet.

Đã khá lâu, trong một entry tôi có nói tới hai chữ Thảo Mai, chả là ngày xưa còn nhỏ trong nhà tôi có nghe bà cụ tôi nói đến hai chữ này, khi có đứa nào nói điều gì vu oan cho đứa khác, mà hai chữ Thảo Mai tôi chỉ được nghe trong nhà, chơi với chúng bạn chòm xóm, hay nghe người lớn, không khi nào thấy có ai ví von như thế. Lớn lên đi học đọc trong sách vở thấy có nhiều nhân vật trong văn chương  đã "chết tên", chẳng hạn như những nhân vật trong truyện Kiều của Nguyễn Du, như Từ Hải, Đạm Tiên, Hoạn Thư... hoặc những nhân vật khác như Thị Mầu, Thị Kính... Chí Phèo, Thị Nở... Xuân Tóc Đỏ... những cái tên khác trong văn chương nước ngoài như AQ, Don Quichote... Nhưng "nhân vật" Thảo Mai này vẫn biền biệt bóng chim tăm cá, không thấy có trong các tác phẩm văn chương...

Bẵng đi đến có hơn nửa thế kỷ thì tôi lại được nghe lại từ Thảo Mai, lần này thì trong một chương trình truyền hình thi tài ca hát, tôi được nghe hai vị giám khảo nữ là Hồng Nhung và Mỹ Linh đối đáp, đại khái: "Này này đừng có mà Thảo Mai", ý là đừng có "nói điêu" cho người khác, dĩ nhiên hai vị giám khảo này chỉ nói đùa chơi.

Khi viết entry về hai chữ Thảo Mai, tôi đã thử tra trên Google, không thấy thông tin gì sáng sủa, bạn bè quen biết vào comments cũng chẳng biết gì hơn, kể cả ông bạn rất uyên bác là Bulukhin cũng bó tay. Tình cờ đọc trong một quyển sách tôi mới mua được, tông tích của nhân vật Thảo Mai đã được sáng tỏ. Đó là quyển Hát chầu văn (*) của hai tác giả Bùi Đình Thảo - Nguyễn Quang Hải.

Nhân vật Thảo Mai này hiện diện trong bài văn chầu Đệ Tam Thoải Phủ. Sách ghi bài văn chầu này được phóng tác theo một tích truyện xưa của Trung Quốc, một hình thức giao lưu văn hóa. Sách viết, có lẽ đây là một giá văn về sự ngang trái, nỗi oan khiên của người xưa qua âm hưởng ít nhiều bi ai, song lại là sự đồng cảm sâu sắc của người đời. Tôi chép trích đoạn bài văn chầu dưới đây: (Đây là một trong mấy bài chầu văn về Cô Bơ (Cô Ba) Thoải Phủ.

Chốn thoải quan có nhà lệnh tộc,
Vốn con rồng, danh ốc Kinh Xuyên.
Từ dòng vây cánh nhà chiền,
Thảo Mai nàng ấy tạm quyền tiểu tinh.
Chí bình sinh phù đời giúp nước,
Ơn cửu trùng phó thác bến Giang.
Mảng danh Công chúa phi phương,
Hạnh nhờ lá thắm dây vương khôn nài.
Ước trăm năm duyên hài phối thất,
Đạo cương thường nhằm nhặt tóc tơ.
Rằng non kể mấy nắng mưa,
Hay đâu ra phận thiên cơ bởi giời.
Trách Thảo Mai ra người giáo giở,
Giả đồ thư làm cớ gieo oan.
Kinh Xuyên chàng không xét ngay gian,
Vàng mười nỡ để lầm than sao đành.

Trong sách ghi chú về tích này như sau:

Bà Đệ Tam Thoải Phủ thờ ở Hàn Sơn (Thanh Hóa) là con vua Thoải Cung, nhưng sống ở dương thế. Có chí phù đời giúp nước, có tấm lòng nhân hậu. Nàng kết duyên với chàng Kinh Xuyên nhà giàu. Nhưng sau Kinh Xuyên có vợ lẽ tên là Thảo Mai. Một hôm, Thảo Mai gieo oan cho nàng là có tư tình với một người tên là Liễu Nghị. Kinh Xuyên chẳng xét gian ngay, đuổi nàng lên rừng ở. Sau này Liễu Nghị đi săn gặp nàng, nàng trao cho Liễu Nghị một chiếc kim thoa và dặn đem chiếc kim thoa ấy cắm vào cây ngô đồng ở cửa biển. Liễu Nghị làm theo lời. Một đôi bạch xà lớn đã hiện lên rẽ nước đưa Liễu Nghị xuống Thủy cung. Sau đó nàng được vua cha đón về Thoải Phủ.

Một bài văn khác về Cô Ba Hàn Sơn cũng được chép trong sách: trích đoạn.

Lược đồi mồi, nhẫn luồn tay.
Gương soi phấn điểm nào tày,
Cổ đeo chàng mạng, đôi tai hoán vàng.
Cô sai thập nhị tiên nàng,
Quần là áo lượt, dịu dàng bước ra.
Chiếc thoi cô đỗ bến Cô Tô,
Nửa đêm, cô Bơ nghe thấy tiếng chuông chùa Hàn Sơn.

Hàn Sơn này là ở Thanh Hóa, nhưng trong bài văn đã đưa vào cả bến Cô Tô, tiếng chuông chùa nửa đêm Hàn Sơn... bên Tàu.

Như vậy nhân vật Thảo Mai là tên một cô gái, khi nói lên dân gian ví von với việc vu oan cho người khác có nguồn gốc từ điển tích Trung Hoa, và đã được đưa vào bài hát văn hầu đồng Cô Ba Thoải Phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam.

Tôi cũng copy lại dưới đây đoạn hầu đồng về Cô Bơ Thoải Cung trên Youtube:


Tham khảo:

(*) Hát chầu văn, Bùi Đình Thảo - Nguyễn Quang Hải, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, NXB Hội Nhà Văn - 2012.













18 nhận xét :

  1. Hehe thế mà trước đây các cụ bảo xướng ca vô loại.
    Hai em Hồng Nhung và Mỹ Linh quá giỏi , xứng đáng là thầy bui tui
    Ngẫm lại "Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên" là quá đúng vậy

    Trả lờiXóa
  2. Cái từ " Thảo Mai " này Salam đã biết từ nhỏ . Để chỉ một con người hay xúc xiểm , xúi dục người khác làm việc trái với đạo lý
    Hồi nhở ở quê hay theo mẹ đi xem hầu đồng ở các đền , nên biết điều này . Hồi xưa còn cấm đoán , mỗi lần đi hầu đều phải lén lút như đi buôn lậu . Có một điều rất hay là những Bà , những Mệ bình thường lam lũ khắc khổ , nhưng khi những Giá Đồng về thì khác hẳn .rất có hồn , rất sống động . Giá nào ra giá nấy . Đoạn băng trên Salam thấy phần diễn nhiều hơn . Không phải cung văn hát mời Giá nào thì Giá đó về , có khi lại là Giá khác . Ví dụ đang mời Mẫu thượng ngàn thì Cô Chín đền Sòng về . Hoặc mời ông Hoàng Bảy thì ông Hoàng Mười lại về vvv . Có lần Salam chứng kiến về rất đông mà Đồng chỉ có một người đang ngồi hầu . Thế là các Giá nhập vào các con Đồng đang ngồi bên cạnh , mọi người cứ múa hát , nhảy nhót loạn cả lên , không ai phụ được ai cả . Mọi người được một phen vừa cười vừa kinh sợ , Salam cũng chẳng biết tại sao lại thế ?
    Còn ở quê các bà đi hầu gọi là cô Bơ Thoải , cùng vai với mấy Cô khác , chứ không phải cùng hàng Mẫu . Người nào mà căn mạng của Cô Bơ thì cuộc sống rất khó khăn , cũng như người nào căn mạng của ông Hoàng Bảy cũng vậy , vì ông nghiện thuốc phiện và mê đánh bạc . Mỗi khi Giá Ông Hoàng Bảy về rất vui vì Ông hay rủ đánh bài tứ sắc , người nào được Ông thương Ông cho rất nhiều lộc
    Có vài lời với các Bác trong nhà này như vậy !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Salam rành về hầu đồng quá. Hồi nhỏ nhà tôi gần kế bên một cái "điện" của một cô đồng, nhà tư nhân thôi nhưng sơn phết màu sắc rất chói, bên trong nhà bàn thờ, nhang khói âm u tụi nhóc rất sợ, nhưng vẫn thích mỗi khi có lên đồng là lân la tới xem, vì tò mò, cũng vì được cho bánh kẹo là lộc thánh.

      Xóa
  3. 1- Bây giờ PNH nhắc lại mới loáng thoáng nhớ đã lâu lắm bạn có nói đến hai chữ Thảo Mai. Vì nó không nằm trong chương mục tìm hiểu nên bu tui quên liền. Bu đã có lần bỏ ra 10 năm để truy lùng hai chữ "Cổ Vưu", tên một làng cổ ở Quảng Trị. Trong lời giới thiệu quyển "Về văn hóa tín ngưỡng người Việt của Linh mục Léopolđ Cadière có một câu thế này: "Từ 1904 đến 1910 ông lại được điều về CỔ VƯU rồi huyện lỵ Dinh Cát...". Nếu không có những đợt la cà Sài Gòn thì bu tui bó tay. Nói vậy để tthấy cái lợi thế vô song của dân SG như PNH.
    2- Một dạo bu tui đến thăm đền thờ Thánh Trần ở Vũng Tàu, Thánh Trần được để vào một góc sâu, còn thấý toàn là tượng các thứ Mẫu...kể cả tượng cụ Hồ !! Ông Trụ trì đền trên 70 không hay biết một tý gì về các vị thờ trong đó. Bu tui phải ngâm cứu quyển Đạo Mẫu Việt Nam của GS Ngô Đức Thịnh để bổ túc cho ông ta. Bu vẫn đọc bài VĂN MẪU THOẢI - bản văn này nói về mẫu đệ tam. Được dùng để hát thờ vào những dịp tiệc đàn, để hát văn và hát khi hầu giá Mẫu Đệ tam. VĂN MẪU THOẢI dài 3,5 trang, ở trang 626 có một đoạn thế này
    Chốn thủy cung có nhà lệnh tộc
    Vốn con nhà danh ốc Kính Xuyên
    Xưa nay thế phiệt gia truyền
    Thảo Mai nàng ấy tạm quyền tiểu tinh
    Chí bình sinh phù đời giup nước
    Ân cửu trùng phó thác biên cương
    Giá danh công chúa phi phương
    May nhờ lá thắm xe duyên chỉ hồng
    trên phụ vương có lòng lân mẫn
    (Xem ra bản bu và bản của PNH có chỗ khác nhau)
    Đọc hai chữ Thảo Mai mà tuyệt nhiên không nhớ đã có lần bạn đề cập đến.
    Đúng là lão lại tài tận lắm rồi rồi huhu

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng có quyển sách này của GS Ngô Đức Thịnh, đã đọc mà cũng đâu có để ý bài văn này. Saigon dù sao cũng là một "trung tâm văn hóa" như người ta thường nói, ở Saigon ta có thể hưởng được nhiều dịch vụ tốt hơn các nơi khác, kể cả về tìm hiểu văn hóa.

      Xóa
  4. Sẵn có bác Bu sang chơi Salam kể câu chuyện của mình tại sao lại rành những Giá Đồng như thế
    Số là Salam hay tháp tùng Mẹ đi hầu , bỗng một hôm ông trụ trì đền ông Hoàng Mười ở Đền Củi ( Hà tĩnh ) có nói " Con có căn mạng , con ra Đồng đi rồi bề trên sẽ cho con nhiều lộc . Mẹ Salam nghe lời Ổng cũng sắm sửa lễ vật cho Salam " Trình Trầu " . Cái lễ này như cái lễ dạm ngõ của người Việt mình . Sau " Trình Trầu " nếu Bề Trên chấp nhận thì mới đến " Lễ Mở Phủ " . Sau khi mở Phủ xong thì mình sẽ trở thành " Con Đồng " sẽ đi hầu bất cứ Đền nào mình thích
    Kể các Bác nghe , khi Salam đội khăn đỏ và đội khay trầu , cung văn và ông thày Pháp đọc lời mời các Giá về ngự ( Trước đó Salam nghe mấy người dặn " Khi các Giá về , nếu có cảm giác như có một người ngồi trên đầu mình thì cứ đảo đầu cho nó nhẹ " đó cũng là lý do khi hầu Đồng mọi người hay đảo đầu như vậy ) Salam ngồi 30 phút chả có thấy gì cả . Bà chủ đền Bả chửi " Tổ cha mi đồ Đồng đá , răng mi rắn mặt rứa , nỏ có thánh thần mô mà giáng vô mi cả " . He he thế là thoát nạn , không phải ra Đồng . Nếu nói về chuyện này Salam còn nhiều chuyện để kể lắm à nghen

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Aha, may mà bác Salam không trở thành "Cô Ba, Cậu Mười", nên giờ mới vô đây tám, nhưng bây giờ nghe nói ngoài Bắc người ta mở điện hầu đồng sống "phẻ".

      Xóa
    2. Hồi đang công tác đi qua Đền Củi bu thường ghé thắp nhang, các ngài bộ trưởng thứ trưởng vào đây đông lắm. Nghe bảo đền thiêng vô cùng.

      Xóa
    3. Đền Củi ở Hà Tĩnh thờ ông Hoàng Mười phải không bác Bu?

      Xóa
  5. Từ Thảo Mai dẫn sang chuyện đồng bóng, lan man nhưng hay các bác ạ.

    Đồng cốt là một hoạt động rất phức tạp, nhưng nó đáp ứng như cầu bình dị trần tục của con người, cầu danh, cầu lợi, cầu thắng bạc, trúng đề đều vô tư. Không bị gò ép tu thân như các đạo khác. Do đó người ta khoái các bác ạ.

    Hai nữa, hầu đồng là hình thức tự kỷ ám thị thoát khỏi thân phận thật của mình. Thoắt cái đã thành ông hoàng bà chúa, được phán truyền, được ban phát tài lộc, được tung hô, ca ngợi... Trống phách ầm ĩ... Những giờ phút đó thật huy hoàng. Được hóa thân như thế sướng quá, nên tốn kém mà vẫn làm. Chỉ đến khi nghèo, xơ xác mới hết hầu đồng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chơi blog mà bàn nghiêm túc (trong nghiêm túc chấp nhận cái giỡn chơi, vui vẻ), chuyện nọ xọ chuyện kia nó thành ra thế đó Toro, nhưng đúng như Toro nói thế mà hay.
      Hầu đồng thì đúng là một kiểu tự kỷ ám thị (bởi chỉ gói gọn trong những giá đồng định sẵn) của người xưa. Thoắt một cái từ những lầm than trong cuộc sống thực tế, người thì thành tiên, thánh, con nhang đệ tử thì được sống trong khung cảnh mờ ảo, thần tiên... tạm quên đi phần nào đời thực...

      Xóa
    2. Đó quả là thú chơi tốn kém bác ạ. Bây giờ nhiều người mê hầu đồng, vợ quan chức, rồi văn nghệ sĩ cũng theo .

      Xóa
    3. Trước tôi có người bạn, mẹ bạn ấy mê hầu đồng, con cái làm ăn khá giả biếu cụ đồng nào cụ "nướng" vào "hầu" hết. Khi cụ mất bạn tôi nói gia tài của cụ để lại là một rương quần áo để hầu đồng.
      bây giờ hình như người ta "hầu" như một cái mốt ấy Toro?

      Xóa
  6. Đền " Củi " ở Hà Tĩnh thờ Ông Hoàng Mười đó Bác Hiệp ạ
    Thường những người kinh doanh buôn bán có điều kiện thì mới đi hầu . Còn công nhân viên chức thì ít người theo . Họ đi hầu cũng cốt để xin lộc thánh mà thôi . Vì mỗi lần hầu rất tốn kém , vừ rồi về quê có vào Đền Củi thắp hương , hỏi mấy bà bây giờ ra đồng hết bao nhiêu ? Họ trả lời khoảng 50 triệu . Với số tiền như vậy thì những người không thể ra Đồng được . Bây giờ họ kinh doanh cả những việc như vậy . Hồi xưa râtt đơn giản , chỉ cần may một chiếc áo dài đỏ , lễ vật cũng không nhiều lắm đâu , tuỳ hoàn cảnh của mình vẫn ra đồng được . Quần áo tư trang thì có thể mượn nhau . Không phải ai ra Đồng cũng đều làm ăn thuận lợi , nhiều người cũng khánh kiệt hoặc phá sản . Đó là do người chủ điện có mát tay hay không . Người nào mà mát tay rất được nhiều người tìm đến để nhờ mở Phủ cho . Hồi đó dù còn nghèo khổ , cấm đoán nhưng mọi người đến với đền chùa rất thành tâm , chứ không phải như bây người ta kinh doanh cả thần thánh .
    Cũng vì một thời gian dài bị cấm đoán , những người rành rẽ về những tập tục dần mai một , vì thế tính kế thừa bị đứt gãy , không có tính kế thừa nên mới xảy ra những việc làm bát nháo trong các lễ hội ở miền Bắc trong thời gian vừa qua .
    Đến với Phật Thánh là bằng cả cái tâm của lòng mọi người , phong tục Hầu Đồng là có từ dân gian , muốn hay không muốn thì nó vẫn như dòng chảy ngầm âm ỉ .mọi người hầu ở Đền trong không gian yên tĩnh trang nghiêm vào buổi đêm . Bây giừo người ta tổ chức những cuộc thi Hầu Đồng hay đưa lên sân khấu biểu diễn trông hài vãi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Salam nói rất đúng, cái "tâm" trong tín ngưỡng bây giờ là của hiếm. Hầu đồng phải có cái không gian của nó, tức là ở những đình, đền (nhất là không gian của đình, đền ngày xưa). Bây giờ tôi đọc thấy người ta hầu đồng, đưa cả ánh sáng... lazer vào tạo hiệu ứng. Hầu đồng mà đưa lên sân khấu, thi hầu đồng thì đúng là... mạt vận.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))