Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Phiên dịch tiếng Việt.

Cây đu đủ. Ảnh Internet.

Phiên dịch tiếng Việt ở đây là từ tiếng Việt ra... tiếng Việt. Tôi có mấy đứa cháu gọi bằng ông mới mấy tuổi nói ngọng líu lo, mỗi lần đến chơi nghe tụi nó nói là phải có bố mẹ tụi nó phải dịch lại mới có thể hiểu. Trẻ con nhiều đứa thế. Nhưng cũng có khi người lớn nói tiếng Việt chẳng đớt, chẳng ngọng mà người nghe cũng không hiểu.

Như hôm nọ tôi vào bệnh viện thăm người nhà được nghe một chuyện khá vui. Cô y tá vào phòng thăm bệnh, một bà cụ nằm trong phòng nói cô ấy điều gì đó mà cô ấy không hiểu được bà cụ nói gì. Bà cụ nói rất chuẩn, nói như từ ngữ hiện đại bây giờ là "chuẩn không cần chỉnh", chẳng qua bà cụ là người Huế, năm nay có lẽ đã ngoài tám mươi, chắc xưa nay cụ quen sống trong gia đình ít tiếp xúc ngoài xã hội nên còn nói rặc giọng Huế. Bà cụ nói một tràng nghe loáng thoáng như một câu hỏi. Cô y tá nói cụ nhắc lại vì không nghe kịp. Cụ nhắc lại, cô y tá vẫn lắc đầu, bà cụ kiên nhẫn lập lại lần nữa và lần này thì cô y tá chịu thua dù đã cố gắng lắng nghe. Cuối cùng cô y tá đành phải nói với cụ có cần gì nhờ người nhà nói lại sau.

Phải nói ngay là không những cô y tá không hiểu bà cụ người Huế muốn nói gì, mà cả phòng chẳng ai hiểu cụ định nói hay hỏi gì cô y tá. Mấy chục năm làm việc, tôi cũng đã tiếp xúc nghe nhiều người Huế nói chuyện, người gốc Huế sinh sống lâu năm ở Saigon có đặc điểm, khi nói với người địa phương khác họ thường nói như người miền Nam, nhưng khi gặp "đồng hương" thì họ sẽ dùng giọng Huế. Ngay cả khi ấy thường tôi vẫn nghe được, vậy mà nghe bà cụ Huế này nói tôi cũng phải chào thua, giọng cụ "nặng" Huế quá, tôi chỉ nghe được loáng thoáng mấy từ "răng, rứa".

Lát sau cô cháu gái từ ngoài đi vào, người trong phòng nói chuyện vừa xảy ra. Sau ít câu trao đổi giữa hai bà cháu. cô cháu gái nói lại cho người trong phòng nghe là bà ngoại cô muốn hỏi cô y tá là bà bị cao huyết áp, tiểu đường có ăn được trái đu đủ không? Nhưng bà nói trái đu đủ theo phương ngữ Huế là trái "thù đủ". Vậy mà khi nãy tôi cố ý lắng nghe, người Huế hay nói lẫn lộn giữa những thanh âm hỏi, ngã, nặng... nghe bà cụ nói hết cả hồn.

Nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe có người gọi trái đu đủ là "thù đủ", hồi trước thỉnh thoảng tôi cũng nghe có người nói "thu đủ" để chỉ trái đu đủ, nhưng chưa từng nghe ai gọi "thù đủ". Hôm qua tình cờ đọc một quyển sách (Chuyện Huế ít người biết, nhiều tác giả, NXB Trẻ-2004) có nói về phương ngữ Huế với hai câu đố:

Thù cha, thù mẹ, thù chồng,
Thù anh, thù chị, thù ông, thù bà.

Trời, thù gì mà thù dữ tợn, nhưng đây là một câu đố về cây trái, chứ không phải nói chuyện xã hội, và đáp án là trái "thù đủ". Tôi lại thử lật vài quyển từ điển tiếng Việt thông dụng, chẳng thấy quyển nào ghi nhận "đu đủ" là "thù đủ". Riêng mấy quyển sau đây, thứ nhất là Từ điển tiếng Huế của Bùi Minh Đức, viết đủ cả ba chữ "thù đủ, thu đủ, đu đủ", Từ điển Ngôn ngữ Văn hóa Du lịch Huế xưa của Trần Ngọc Bảo: thù đủ dt (thực vật), đu đủ, tên khoa học carica papaya. Từ điển Bách khoa Nông nghiệp viết: Đu đủ, tên khoa học carica papaya, tên khác là thù đủ.



Tham khảo:

- Những sách đã dẫn.






22 nhận xét :

  1. Ở quê Salam vẫn gọi quả Thù Đủ . Nói về tiếng Việt thì rất đa dạng . Mỗi vùng miền đều có những thổ ngữ khác nhau , cách gọi khác nhau khi chỉ một vật nào đó . Có nhiều nơi uống chung dòng nước một dòng sông , mà người hai bên bờ nói hai thứ tiếng khác nhau . Mấy đứa con Salam sinh ở Sài Gòn , mỗi lần về quê nghe mọi người nói chúng chả hiểu gì cả , phải giải thích thì chúng mới hiểu . Sãn đây mời bác Hiệp và cả nhà chến Đu Đủ đê

    CÂY ĐU ĐỦ

    Mọc thẳng vươn mình tán lá xanh
    Cây mềm rễ thích đất khô hanh
    Mưa vừa cỏ ít hoa mau nở
    Nước đủ phân nhiều quả lớn nhanh

    Chẳng đợi người kêu nên đến trước
    Không chờ kẻ gọi phải vây quanh
    Chẻ ra thơm ngát mùi đu đủ
    Xúm xít ngồi ăn " bổ , ngọt lành

    ( Bạch Dương )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quê bác Salam cũng gọi là quả "thù đủ", hồi mấy năm trước tôi có dịp đi Huế buổi tối lan man đi ngang qua mấy quán ăn người ta đứng mời nói cũng chẳng hiểu gì cả, hì hì!

      Cám ơn bác Salam đã cho chén trái thù đủ :-)))

      Xóa
  2. Lần đầu tiên mới nghe có trái thù đủ , hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng lần đầu tiên nghe nói, vậy người nhà bạn Marg. có lẽ không mua trái này về nhà bao giờ? :-)))

      Xóa
    2. haha , người nhà cũng không biết trái thù đủ mà chỉ biết trái đu đủ thôi

      Xóa
    3. Vậy chắc vào Saigon lâu quá rồi :-)

      Xóa
  3. Trường hợp "phiên dịch" như bác con gặp nhiều. Nhất là quãng thời gian con làm việc ở miền Trung. Đi uống cà phê, họ hỏi mình uống đá hay uống nóng mà nói: "chừ uống đoá hay uống náng", nói bằng giọng Quảng thì khỏi cần nghe bác à. Rồi thì "trái cam nói Trói côm", bất kể các túi, bịch đựng đều được gọi là "cái bao", phát âm thành "cớ bô", đi mua gạo mà họ nói "lấy cớ bô đựng gộ" ai không biết lại nghĩ là cái bô dành cho con nít đi vệ sinh.
    Tiếng Hà Tây quê con nghe cũng khó nghe, cũng khó phân biệt dấu với nhau. Nhiều người không biết khi nghe lại tưởng nguời ta đang nói bậy. Chúc bác vui, khoẻ. Lâu lắm rồi mới lại có dịp còm bên bác. Toàn vào đọc trộm và "hóng" các bác còm để học lỏm. :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái "bao" bây giờ nghe nhiều người gọi là cái "bọc", "đi lụm bọc". Trước năm 75 tôi co` dịp ở Phú Yên, Bình Định nghe gọi cái "thùng quẹt" để chỉ bật lửa, hộp quẹt, mới đầu cũng không hiểu.

      Bạn HT nên vào còm đều đều cho vui, toàn "người nhà" không mà :-))

      Xóa
    2. Dạ, casmown bác động viên, con cũng muốn vô "bàn ké" mấy câu nhưng toàn những vấn đề con biết sơ sơ nên không dám múa rìu qua mắt thợ. thôi thì đứng nghe lỏm để mai này có ở đâu nói tới thì còn có cái để ba hoa. hihi. Cái gì con biết thì con cũng sẽ nói nhiệt tình.

      Xóa
    3. Thì cứ bàn đại đi, "hát hay không bằng hay hát mà", có ai chê cười đâu HT.

      Xóa
  4. há há, trái thù đủ là trái đu đủ.
    mỗi lần qua nhà bác Hiệp là có thêm cái mới trong đầu mình :)
    cám ơn bác Hiệp nhiều nhiều

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chút ít kiến thức lặt vặt, đi đâu nghe nói đỡ bỡ ngỡ :-)

      Xóa
  5. Quê Giáo hồi xưa kêu rặt trái thù đủ mà! Bây giờ người trẻ nói là đu đủ, chứ người già vẫn là thù đủ thôi. Người Huế mà nói rặt Huế thì ko phải chỉ có giọng nói mà còn có những phương ngữ và giọng rất nặng, rất nhanh, người xứ khác ko tài nào hiểu được đâu bác Phạm à!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là có những địa phương gọi đu đủ là thù đủ chứ không phải chỉ có Huế.
      Đúng là không tài nào hiểu được đó Giáo.

      Xóa
  6. Người Việt dịch tiếng Việt cho người Việt nghe là chuyện có thiệt. Bu tui đã từng ở với một đơn vị TNXP người Minh Hóa Quảng Bình. Hàng ngày mình nói gì họ hiểu, nhưng họ nói lại thì phải có thông ngôn . Chia cơm xong cô cấp dưỡng hỏi “anh men men” (anh có cần lấy thêm không). “Mời oóng dác lóc” (mời uống nước nóng). “ti nô viên dau” (anh đi đâu về). Được cái các em Minh Hoá xinh đẹp lắm, đôi mắt các em nhìn thì khỏi cần phiên dịch, hiểu ngay …hehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu ngày xưa mấy em Thượng Tây nguyên mà được như mấy em Minh Hóa của bác Bu thì giờ nà tôi đang đeo cái gùi lội suối bắt cá rồi, hì hì!

      Xóa
  7. Dịch tiếng ta ra tiếng Việt. Nghe có vẻ lạ lùng. Nhưng đó là sự thật. Bởi vì tuy nói tiếng Việt, nhưng mỗi vùng lại nói với âm sắc riêng, chưa kể những từ vốn là phương ngữ thì người vùng khác...mù tịt. Có thi sĩ Đỗ Hoàng, hễ thấy thơ ai cầu kì, khó hiểu là sẵn sàng dịch ra...thơ Việt!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày trước tôi ở Tây nguyên trong một ngôi làng của người Quảng Bình di cư, không thể nghe được khi họ nói chuyện với nhau, cứ như... chim hót.

      Xóa
  8. Đúng là nghe bà con miền Trung nói với nhau và nói nhanh thì nghe như tiếng Lào. Không phiên dịch thì đúng là bó tay.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng đó Toro, người miền Trung nhiều nơi nói như tiếng Lào, không có phiên dịch là bó tay chấm cơm.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))