Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

Duyên.


Những quyển sách của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.

Sách Đối THOẠI với GIÁO HOÀNG GIOAN-PHAO-LỒ II.

Duyên ở đây không phải là tên người, mà là có duyên, và duyên với sách. Hôm nọ đi trên đường, cũng đang gấp chứ không rảnh, nhưng nhìn thấy một chị đẩy cái xe đẩy đi mua ve chai bên lề đang ngồi lựa ra mấy quyển sách trong đống giấy báo ve chai. Tôi dừng lại xem thử, chỉ nhìn và lật qua vài trang tôi hỏi ngay chị đi mua ve chai có bán không, nếu bán thì bao nhiêu? Chị ấy nói có chứ, và ngập ngừng đưa ra giá của mỗi quyển sách là 10.000 đồng (mười ngàn đồng thời điểm hiện nay). Một cái giá quá rẻ đối với sách, nhưng tôi biết chị đi mua ve chai này vẫn sợ tôi chê đắt không lấy, bởi những người đi mua ve chai sách báo như thế này, khi mua được vài quyển sách cũ (thường là sách không có giá trị), với cái giá của giấy vụn là vài ngàn một ký lô, họ không biết giá trị của nội dung sách, và nếu họ có mang tới mấy tiệm mua bán sách cũ cũng chỉ được mua lại với giá cân ký rẻ mạt.

Bốn quyển sách vị chi là bốn mươi ngàn đồng. Tôi móc túi đưa cho chị ấy tờ giấy năm mươi ngàn, cám ơn và nói chị ấy khỏi thối lại, chị mua bán ve chai cám ơn lại rối rít. 

Trong bốn quyển sách tôi mua được có ba quyển của Đức Lạt Lai Lạt Ma Tây Tạng thứ 14 (*), hiện đang sống lưu vong. Một quyển là Tự truyện có tựa là TỰ DO TRONG LƯU ĐÀY, một quyển là Hồi ký với tựa NƯỚC TÔI và DÂN TÔI, và một quyển là trích những bài giảng của Ngài ở khắp nơi với tựa NGHỆ THUẬT SỐNG AN VUI. Quyển sách còn lại cũng là một quyển sách bàn về những vần đề tôn giáo có tựa là Đối thoại với Giáo Hoàng Gioan-Phao-Lồ II Nhân đọc cuốn BƯỚC QUA NGƯỠNG CỬA HY VỌNG (**) của Ngài. Cả bốn quyển sách này được dịch ra tiếng Việt và được xuất bản tại Hoa Kỳ. Tôi biết đây là những quyển sách hay, rất nên đọc.

Tôi đang đọc quyển Tự truyện của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhiều sách của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam, nhưng những trang sách Ngài viết về nỗi thống khổ của nhân dân Tây Tạng dưới ách thống trị của người Tàu thì sách ở Việt Nam không thấy dịch. Quả thật Ngài là một nhân cách lớn của Thế giới, Ngài không chỉ là nhà lãnh đạo tinh thần và là người bạn thân thiết của người dân Tây Tạng, mà còn là Người Bạn, Người Thày của Nhân loại. Tôi rất thích tấm hình chụp ở quyển sách thứ nhất (từ trái qua), một cái nhìn pha chút hóm hỉnh, chứ không phải là gương mặt trang nghiêm của một nhà lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng thế giới. Đức Lạt Lai Lạt Ma xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình vào năm 1989.

Thỉnh thoảng tình cờ tôi vẫn có được những quyển sách hay như thế, Đúng là tôi khá có duyên với sách.


Ghi chú:

(*) Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng tên thật là TENZIN GYASTO, sinh ngày 6 tháng 7 năm 1935, là nhà lãnh đạo Giáo quyền và Thế quyền của nhân dân Tây Tạng. Ông đào thoát khỏi Tây Tạng vào miền Bắc xứ Ấn Độ sau khi vượt qua dãy Hy Mã Lạp Sơn bằng đường bộ vào năm 1959, sau khi người Tàu xâm chiếm Tây Tạng, áp đặt một chính sách cai trị hà khắc. năm 1989 ông được giải Nobel Hòa bình của Ủy ban Hòa bình Na Uy trao tặng, dĩ nhiên là người Tàu phản đối khi ông được trao giải Nobel Hòa bình,
Trong buổi lễ trao giải Đức Đạt Lai Lạt Ma phát biểu: "Giải thưởng đã tái xác nhận một lần nữa lòng quyết tâm của chúng tôi rằng chân lý, lòng dũng cảm và quyết tâm của chúng tôi như là những vũ khí, Tây Tạng sẽ được tự do. Cuộc đấu tranh của chúng tôi vẫn phải theo đuổi đường hướng bất bạo động và loại bỏ hận thù".
Theo công trình nghiên cứu cá nhân của giáo sư Eric Sharp thuộc Đại học Sydney (Úc), thì Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 là một trong ba Thánh nhân người Châu Á của thế kỷ XX, đó là thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore (1861-1941), Mahatma Gandhi (1869-1948), cũng là người Ấn Độ, và Đức Đạt Lai Lat Ma.

(Trích trang mạng Wikipedia)

(**) Giáo Hoàng Gioan Phaolô II hay còn gọi là Gioan Phaolô đệ nhị tên là KAROL JOSEF WOJTILA  (18-5-1920 - 2-4-2005), là vị Giáo Hoàng thứ 264 của Giáo hội Công giáo Roma kể từ 16-10-1978. Triều đại của ông kéo dài hơn 26 năm, và là triều đại Giáo Hoàng dài thứ nhì sau triều đại 32 năm của Giáo Hoàng Pio IX. Ông là vị Giáo Hoàng người Ba Lan duy nhất, và là vị Giáo Hoàng đầu tiên không phải là Giáo Hoàng người Ý trong gần 500 năm qua.
Ông cũng là Giáo Hoàng đầu tiên của Hội thánh La Mã công khai xin lỗi về những lỗi lầm của Giáo hội trong quá khứ (điều này đã xóa đi quan niệm xưa nay của Hội thánh La Mã là Giáo Hoàng và Giáo hội luôn đúng). Giáo Hoàng Gioan Phaolo II là người đứng ra hòa giải với Chính thống giáo Đông phương, Do Thái giáo và Anh giáo. Ông cũng tổ chức gặp gỡ các lãnh đạo của các tôn giáo khác, kể cả Hồi giáo. Trong Tự truyện của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, cũng có nhắc đến lần Ngài gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II với những thiện ý.
Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã bị một người đàn ông Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ bắn trọng thương vào ngày 13-5-1981, tại Quảng trường Thánh Phêrô. May mắn Giáo Hoàng được cứu kịp. Sau khi hồi phục Giáo Hoàng đã nói: "Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi, người tôi đã chân thành tha thứ". Ngài quả là một người quảng đại.
Giáo Hoàng Gioan Phalo II là người đã mở Hội nghị Công giáo toàn thế giới vào ngày 11-10-1962 (Công đồng Vatican 2). Sau Công đồng Vatican 2 các giáo dân Thiên chúa giáo Châu Á đã được cho phép đốt nhang và cúng vái tổ tiên.

(Trích trang mạng Wikipedia).




16 nhận xét :

  1. Để đạt đến cái duyên với sách như ông, nội công phải đạt đến đẳng thượng thừa. Đành rằng thời buổi văn minh, có thể mua sách mọi nơi bằng nhiều cách, nhưng sở hữu 4 cuốn sách Việt ngữ có giá trị, xuất bản tại Hoa Kỳ, và được mua với giá ve chai tại vỉa hè Sài Gòn, thì còn gì hơn?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bạn Đinh rỉ ghé thăm, coi vậy chứ đúng là may và có duyên mới mua được những quyển sách như thế. Ở Saigon có những người mê sách họ hay lắm, chuyên tìm tòi kiếm sách ở những vựa ve chai, những quyển sách như thế này khó lọt khỏi tay họ, vào nhà sách cũ có thể bán năm bảy chục một quyển như chơi, tùy "bộ dạng" của người mua.

      Xóa
  2. Bác quả là có duyên tiền định. Con cũng nhìeu lần làm như bác nhưng kết quả chẳng có gi. Chỉ được vài cuốn truyện tranh, về đọc xong thì đem làm quà cho tụi nhóc. Chắc con là Chúa Vô Duyên.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thỉnh thoảng tôi vẫn có duyên kiếm được những quyển sách hay như thế, nhưng cũng nhờ vẫn còn nhanh tay lẹ mắt, đi đường vậy chứ thấy quyển sách lề đừng nào hay là chộp liền :-)

      Xóa
  3. Hihi, cái duyên ni dai dẳng suốt đời đó bác Phạm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng đó cụ Nô, thời còn học Trung học tôi đã ưa lê la mấy quày sách bán xôn ở vỉa hè Lê Lợi-Saigon, lớn lên vào đời tới tỉnh nào cũng để ý trước hết mấy cái nhà sách, hihi!

      Xóa
  4. Như vậy là anh Hiệp lại có duyên với Phật rồi đó anh Hiệp ơi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lần tôi vào tiệm cơm chay, họ để vài tờ báo Giác Ngộ, vài quyển kinh sách Phật giáo cho khách ngồi chờ đọc. Tôi cầm một quyển kinh mỏng cũ lắm, giấy ố vàng, viết bằng âm Hán-Việt, quyển kinh xuất bản đâu tận những năm năm mấy của thế kỷ trước, cái hay là những trang đầu còn ghi ngày tháng đó, và đóng dấu son (tròn và vuông) của một ngôi chùa ni hiện nay vẫn còn ở Saigon. Khi ăn xong tôi hỏi quán có bán quyển kinh này không, thì lại được nhiệt tình biếu tặng.
      Quyển kinh bằng tiếng Hán-Việt đọc không hiểu, nhưng tôi thích ở cái cũ, và những dấu son đỏ của ngôi chùa ni.

      Xóa
  5. Duyên này là duyên lành bác Hiệp hén . Mấy cuốn sách của đức Đạt Lai Lạt Ma hay quá !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những cuốn sách của Đức Đạt Lai Lạt Ma hay thật, ông viết nhiều về nỗi thống khổ của người dân Tây Tạng sau khi bị xâm chiếm.
      Cuốn Đối thoại với Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolo II cũng hay tuy xuất bản đã 20 năm nay, loại sách này khó có được ở VN, tuy chỉ nói về tôn giáo chứ không về chính trị.
      Với sách thì đúng là duyên lành :-)

      Xóa
  6. Sự ưa thích, say mê sách, tạo ra cái duyên gặp sách hay từ nhà sách cho đến người bán đồng nát. Người không say mê sách thì thấy sách như thấy gỗ đá. Bu tui cũng mê sách nhưng chỉ có duyên vào nhà sách thôi. Hồi đang làm việc vào nhà sách Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Nay thì nhà sách Vũng Tàu. Cái thành phố biển này hiếm sách hay, phải gửi bạn bè mua từ nơi khác.
    PNH có duyên và cô đồng nát cũng có duyên. Đôi khi trả 4 quyên 35 ngàn chắc cô ấy cũng bán, đằng này bán 40 ngàn còn được thưởng thêm 10 ngàn nữa. Ông Đạt Lai Lạt Ma cũng có duyên tên tuổi ông vào xe đồng nát nay lại được đặt trang trọng trong giá sách của người yêu sách và yêu ông ...Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những người dậy sớm gặp nhau đầu ngày trên mạng, hì hì!
      Người ta hay nói Saigon là một "TT Văn Hóa của cả nước", cái này thì người ta cũng "vống" lên cho oai thôi, nhưng có lẽ với món sách vở thì dễ kiếm được sách hay hơn Vũng Tàu quê hương mới của bác Bu.
      Có duyên với Đạt Lai Lạt Ma và cả cô đồng nát nữa thì hay quá, nếu như gặp nhà thơ Bùi Giáng chắc ông ta sẽ làm vài bài thơ về cô đồng nát này, với tựa chẳng hạn như "Mẫu thân đồng nát", hí hí :-)))

      Xóa
  7. Quý vật tặng quý nhân. Cũng là hạnh ngộ của bác với chị ve chai, nếu không mấy cuốn sách quý hiếm có lẽ bị nghiền hay gói xôi rồi.

    Trả lờiXóa
  8. Đúng là có duyên. Mà lại có duyên lớn nên một lúc gặp những 4 cuốn sách quý! Nể bác Hiệp quá!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì! có duyên với sách, tủ sách của tôi có nhiều quyển sách có giá trị như thế, nó mang lại kiến thức.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))