Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Lan man.



Sốc: Từ điển Tiếng Việt giải thích ‘bồ bịch là... bạn bè thân thích’

Cộng đồng mạng xôn xao trước bức ảnh anh N.Đ.C đăng trên facebook về cuốn từ điển Tiếng Việt lý giải bồ bịch là bạn bè thân thích.

Cụ thế, việc giải thích từ bồ bịch là bạn bè thân thích gây nhiều tranh cãi. Một độc giả bình luận, đây là cách giải thích sai lệch quá nhiều về bản chất và không thể chấp nhận được.



(Hết trích)

Vào mạng, gõ sao nó lại ra những trang viết về cái sai của quyển từ điển Tiếng Việt của tác giả Vũ Chất, từng gây xôn xao vừa qua, vì những giải nghĩa sai sót của quyển từ điển này. Đây rõ ràng là một quyển từ điển tầm phào, nhưng xem lại mới thấy có những chỉ trích cũng không đúng, chẳng hạn về từ "bồ bịch" bên trên. Như trên hình chụp, từ điển Tiếng Việt dùng cho học sinh (xuất bản gần đây) đề tên tác giả Vũ Chất, trong mục từ "bồ bịch", đã giải thích: chỉ bạn bè thân thích.

Có lẽ bài báo trên đã căn cứ theo Từ điển Tiếng Việt của nhóm Hoàng Phê (NXB Đà Nẵng-TT Từ điển học-1997) để khẳng định cách giải thích "bồ bịch" là bạn bè thân thích là sai. quyển từ điển này giải thích từ Bồ bịch: d. (kng). Nhân tình, người yêu (nói khái quát).

Như đã biết, đây là một quyển từ điển có nguồn gốc xuất bản trước năm 1975 ở Saigon, sau năm 1975 được vài nhà xuất bản in lại dưới tiêu đề Từ điển Tiếng Việt dành cho học sinh. Về từ "bồ bịch" tôi không biết ở những địa phương khác trước giờ hiểu như thế nào? Nhưng nếu bạn nào trước năm 1975 đã đi học ở Saigon chắc sẽ hiểu rõ từ "bồ bịch". Thời đó tôi thường nghe từ "Bồ bịch" với hai cách hiểu: 

1- Cách hiểu thứ nhất: "bồ bịch" có nghĩa là hai người yêu nhau. Ta vẫn thường nghe nói về hai người yêu nhau như thế này: Tụi nó là bồ bịch, hoặc: Tụi nó bồ với nhau. Đấy là khi người ngoài cuộc nói về hai người yêu nhau.

2- Cách hiểu thứ nhì: "bồ bịch" có nghĩa là bạn bè thân thích. Chẳng hạn ta thường thấy hai người bạn thân thiết gặp nhau nói: Ê bồ, đi coi xi nê không? Cách nói này có thể xảy ra giữa hai người bạn trai, hai người bạn gái, hoặc một bạn trai một bạn gái thân thiết (nhưng chưa phải là người yêu).

Cụ thể quyển Từ điển Tiếng Việt của Ban Tu Thư Khai Trí xuất bản năm 1971 tại Saigon trong mục từ "bồ bịch" cũng giải thích: Bồ bịch: dt. Lóng: Bạn bè: chúng bồ bịch với nhau.

Cho nên đồi với riêng mục từ "bồ bịch" trong quyển Từ điển Tiếng Việt của Vũ Chất, có nguồn gốc xuất bản trước năm 1975 tại Saigon, vào thời điểm đó giải thích như trên cũng không phải là sai.

Như ta đã biết, từ "bồ bịch" trước đây để chỉ là người yêu, hay bạn bè chỉ là nghĩa phái sinh, mà ngày trước gọi là tiếng lóng. Thế nghĩa gốc của "bồ bịch" là gì?

"Bồ""bịch"  là hai từ ngữ Việt cổ mà ta còn tìm thấy trong những từ điển xưa sau đây:

- Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức (Hanoi-1931) giải thích: Bồ: Đồ dùng đan bằng tre hoặc bằng nứa để chứa đựng. Bịch: Một thứ bồ to đựng thóc.

- Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của (Saigon-1895): Bồ: với những nghĩa sau: Cỏ Bồ, Bao, Lá ví tròn mà đựng lúa, Bù thêm. Bồ lúa: đồ bao đứng lên mà ví lúa. Bịch: Đố đựng lúa gạo, đương bằng tre, cỏ.

- Từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (bản gốc xuất bản năm 1651, bản in lại và chú giải năm 1991 do NXB Khoa học Xã hội xuất bản năm 1991). Bồ, Cái bồ: cái thúng phần trên tròn, phần dưới vuông dùng để chứa gạo. Bịch, Cái bịch: cái sọt lớn.


Từ "Bồ""Bịch" trong từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (1651).


Bản dịch tiếng Việt của từ điển Việt-Bồ-La.

Chúng ta thấy từ "bồ bịch" là một từ đẳng lập, với hai từ có ý nghĩa như nhau, nhưng hiện nay chỉ còn thông dụng từ "bồ" trong bồ lúa, còn từ "bịch" với ý nghĩa cái sọt lớn, hay đồ đựng lúa gạo, không còn được sử dụng. Nhưng từ "bịch" không mất hẳn, nó vẫn còn được dùng trong ngôn ngữ hiện nay như ta thường thấy, cũng với ý nghĩa vật dụng dùng để đựng, như cái bịch giấy, bịch ny lông (bọc giấy, bọc ny lông).


Tham khảo:

- Các sách đã dẫn.






27 nhận xét :

  1. Nhờ có bác giải thích mà con thấy mình có lỗi sai quá. Trách nhầm nhiều người từ khi đọc mấy bài báo này năm trước. Đúng là Đươfng Tăng trách oan Ngộ Không. Giờ thì con chỉ trách mấy tay nhà báo viết bài ko tìm hiểu kỹ, vốn sống còn hạn chế mà đã lên mặt chê bai. Chính con cũng "a dua" theo mấy tay nhà báo "lởm" này. Thật là thất lễ với tiền nhân, với các nhà xuất bản.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ồ những "lỗi kỹ thuật" như thế này ai cũng có thể mắc phải, cho nên HT thấy tại sao tôi luôn tra cứu nhiều nguồn trước khi viết. Tra cứu nhiều (nhưng phải là những tư liệu mình biết có thể tin cậy), kết hợp với kinh nghiệm sống. Một khâu quan trọng để bớt sai sót (bớt thôi) là ta phải so sánh, phân tích các nguồn tư liệu sau khi tìm hiểu kỹ, rồi mới đưa ra những nhận định, kết luận. Hồi xưa tụi Mỹ nó dạy tôi thế, những điều này bây giờ tiếc thay người ta ít chịu làm. Thời buổi "mì ăn liền" cho nên hay nói theo đám đông.

      Xóa
    2. Dạ. Cám ơn bác đã chỉ cho con lại chuyện này. Không có bác thì làm sao con biết được. Cám ơn bác nhiều nhiều. :-). Con giờ cũng hay tra từ điển như bác mỗi khi tìm hiểu cái gì đó chứ không dám "nói láo, nói bừa". :)))

      Xóa
    3. Có lẽ bạn HT cũng hay vào mạng coi nhiều thứ, trên mạng nhiều người, nhiều trang mạng hay có thói quen đưa ra những nhận định về một số vấn đề mà không có căn cứ. Nếu có được sách thì nên tra trên sách, kết hợp với những thông tin trên những trang mạng ta thấy có thể tin cậy được. Bây giờ là thời của thông tin, càng có nhiều thông tin từ nhiều nguồn ta càng đến được gần cái đúng. Đừng sợ chuyện "Đa thư loạn tâm". Chẳng hạn khi tìm hiểu về lịch sử thời nhà Nguyễn, ta đọc những sách sử viết dưới triều ấy không đủ, tìm đọc cả dã sử, những bức thư của các Giáo sỹ Thừa sai, rồi sách vở xưa nay trong Nam ngoài Bắc viết về thời đó. Ghi nhận, so sánh, phân tích, dần dần ta sẽ nhận ra được nhiều thứ. Đọc sách để hiểu những gì sách viết là rất tốt, nhưng cũng nên qua đó mà tìm ra những gì sách không viết.
      Tôi không bận lắm, thỉnh thoảng vẫn lên mạng được, nhưng lại không bỏ đi cà phê được. Chừng nào rảnh hơn sẽ rủ cà phê chơi :-)

      Xóa
    4. Chẳng hạn về chữ "Bồ bịch" cũng có nghĩa là bạn bè thân thiết còn tìm thấy trong quyển Từ điểnTiếng Huế của BS Bùi Minh Đức (NXB Văn Học-TT Nghiên Cứu Quốc Học-2009, "bồ bịch": cái bồ và cái bịch nói chung dùng để chứa gạo. Nghĩa rộng là bạn thân trai gái (Hai đứa bồ bịch nhau từ hồi tú tài).
      Chữ "Bồ" (rút gọn của từ bồ bịch), trong quyển Từ điển Từ ngữ Nam bộ của TS. Huỳnh Công Tín cũng ghi nhận 2 nghĩa, nghĩa thứ nhất "cách gọi bạn thân mật". Nghĩa thứ nhì là "người yêu, tình nhân".

      HT thấy đó, qua nhiều nguồn tư liệu ta đã thấy rõ nghĩa của từ này qua từng thời kỳ.

      Xóa
    5. Dạ. Cám ơn bác. Nhờ bác mà con lại học thêm được nột cách "đọc sách" mới. Cái này là cần kinh bghiệm, nay bác chỉ rồi thì coi như con " đốt cháy giai đoạn". Hihi. Học mà ko tốn học phí thês này thì con chấp nhận học cả đời.
      Con chờ khi nào bác rủ cafe là con đi liền. :)))

      Xóa
    6. Dạ. Cám ơn bác. Nhờ bác mà con lại học thêm được nột cách "đọc sách" mới. Cái này là cần kinh bghiệm, nay bác chỉ rồi thì coi như con " đốt cháy giai đoạn". Hihi. Học mà ko tốn học phí thês này thì con chấp nhận học cả đời.
      Con chờ khi nào bác rủ cafe là con đi liền. :)))

      Xóa
    7. Đức Đạt Lai lạt Ma thứ 14 hiện nay viết trong tự truyện của Ngài nhận xét về người Tây phương họ "có óc hoài nghi rất cao. Đây cũng là một điều tốt". Bởi họ không dễ chấp nhận những giải thích không có căn cứ, dễ dãi như người phương Đông... Có lẽ nhờ điều này mà phương Tây tiến hơn phương Đông về nhiều mặt, nhất là về khoa học kỹ thuật.

      Xóa
  2. Em thì về chữ nghĩa không thành thạo nên em không dám bình luận gì thế nhưng từ nào đến giờ em chỉ nghe từ " Bồ bịch " dùng để chỉ hai người yêu thương nhau mà thôi chứ không phải là có ý nghĩa là bạn bè thân thích . Đây là lần đầu tiên em mới nghe việc giảng nghĩa của từ này thật là kỳ lạ ? Nếu có ý nghĩa đó chăng chắc chẳng qua tùy thuộc vào cách" xưng hô" giữa các mối quan hệ với nhau mà thôi anh Hiệp nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một biến thể khác có lẽ NangTuyet đã nghe, đó là từ "bồ tèo", hai người là bạn thân người ta gọi là bồ tèo. Thời tôi học trung học khoảng giữa sang nửa cuối thập niên 60 thế kỷ trước vẫn dùng từ bồ bịch để chỉ bạn bè thân thích, chẳng hạn như người ta nói về một đám bạn chơi thân: đám đó bồ bịch với nhau.

      Xóa
  3. Tôi thấy xung quanh nơi tôi ở , người ta cũng dùng từ Bồ Bịch để chỉ hai người yêu nhau . Cũng nhiều lúc tụi nhỏ bè bạn với nhau cũng gọi nhau bằng Bồ , hay Bồ tèo nghe cũng quen tai . Không biết từ khi nào mà người Việt dùng chữ Bồ Bịch để chỉ những đôi lứa yêu nhau ? Hai chữ này theo như bác Hiệp giải thích thì chẳng liên quan gì đến yêu đương cả . Hay là hồi xưa mấy người yêu nhau hay chơi " Trốn tìm" trong bồ thóc rồ từ đó thành nên nghĩa như bây giờ
    Tối zui zẻ nghen bác Hiệp

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Như tôi đã viết trong bài, nghĩa gốc của từ "bồ bịch" là "cái bồ" và "cái bịch", là 2 vật dụng đan lát, hoặc quây lại bằng tre, nứa dùng để đựng thóc lúa của nhà nông. Nghĩa phái sinh là bạn bè thân thiết hay tình nhân.
      Còn từ khi nào người Việt dùng từ "bồ bịch" để chỉ đôi lứa yêu nhau như bạn Salam đặt câu hỏi? Cũng qua những quyển từ điển tôi thấy nghĩa này chủ yếu ở miền Nam. Từ điển Tiếng Việt của Thanh Nghị xuất bản ở Saigon vào năm 1954 đã ghi nhận chữ "bồ" là người thân, bạn thiết. Sau này vẫn tiếp tục ghi nhận nghĩa như thế qua những quyển từ điển mà tôi đã trích dẫn.
      Còn từ điển Tiếng Việt xuất bản ở miền Bắc như Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức-1931 không có nghĩa của bồ bịch là bạn bè hay tình nhân. Quyển Từ điển Tiếng Việt của nhóm Văn Tân xuất bản năm 1967 ở Hà Nội cũng đã ghi nhận giải nghĩa chữ Bồ là cặp bồ. Người cùng phe với mình trong một cuộc chơi hay một đám bạc.
      Cũng chúc bác Salam tối đầu tuần vui vẻ.

      Xóa
  4. đọc bài viết của bác hiệp xong cháu mới giật mình, lúc còn nhỏ cháu nghe bạn bè xưng "bồ" với nhau nhiều lắm, đúng là bạn bè thân thiết mới mới chữ này. Chắc lâu quá ko sử dụng nên quên đi mất :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ có lẽ tụi nhỏ ít dùng từ bồ để xưng hô rồi ha Bố susu. Bồ và bịch là một cặp đồ dùng để chứa lúa gạo, sau đó nghĩa được chuyển sang là bạn bè thân thiết, tình nhân :-)

      Xóa
  5. Không hiểu trước đây ở cac trường có nam và nữ ( hỉnh như ngày xưa còn gọi là nam sanh và nữ sanh phải không bác ) học chung thì ra sao , chứ M học ở trường nữ trung học có đa số là học sinh người miên nam , thì bạn thân thật là thân thường mày, tao với nhau . Bạn thân vừa thì gọi bằng bồ khi trò chuyện , mà có khi không thân nhưng không biết tên thìcũng gọi bằng bồ , như gọi một bạn học ở lớp khác chẳng hạn . Còn khi nói bồ bịch thì đích thị là để chỉ hai người nam nữ , chưa thấy nói hai bạn gái là bồ bịch với nhau ( thuở đó hình như chưa bao giờ biết đến khái niệm đồng tính , hihi , giờ nhớ lại , nếu có hai bạn nào thân thiết khoác vai , ôm eo nhau đi trong sân trường là bị bà giám thị tách ra liền , hihi ) .
    Nhờ entry này của bác mới biết nghĩa gốc của từ '' bich '' . Cám ơn bác

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. A, hồi đó tôi học trung học đệ nhị cấp ở trường tư (Hưng Đạo), trai gái học chung một lớp khi chơi với nhau (bạn) cũng có khi gọi nhau bằng bồ, còn từ bồ bịch là người ngoài cuộc nhìn vào nói. Nói chung là từ bồ bịch ngày trước có 2 nghĩa, nghĩa chính là tình nhân, nghĩa thứ nhì là bạn bè thân, như một số từ điển đã giải thích.
      Tôi đọc có sách nói về từ bồ bịch, chỉ có chữ bồ là còn được sử dụng (bồ lúa), còn ý nghĩa của chữ bịch nay đã mất dấu không còn xài. Người viết quên mất chữ bịch vẫn còn được dùng với nghĩa là vật để đựng, tuy không còn nghĩa gốc ban đầu, chẳng hạn bịch gạo, bịch đồ... Hình như gọi bọc là tiếng của người miền Trung, mấy người lượm ve chai tôi thấy gọi là "đi lượm (hay lụm) bọc".

      Mấy bà giám thị trường nữ trung học công lập ở Saigon hồi đó khó giàn trời :-)

      Xóa
  6. Từ điển Tiếng Việt của VKHVN và VNNVN giải thích:
    1- Bồ bịch: Bồ bịch và những đồ đựng thóc gạo tương tự, đan bằng tre nứa (nói khái quát)
    (có lẽ là chớ không phải và)
    2- Bồ bịch d (kng). Nhân tình, người yêu (nói khái quát)
    Bu tui vẫn thường nghe bạn trai hoặc bạn gái gọi nhau là bồ
    Vậy Từ điển Tiếng Việt này nói chưa hết ý chăng ???

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác Bu nói đúng:
      Ở cách giải thích số 1- của TĐTV (VKHVN&VNNVN) nếu viết: Bồ bịch: Bồ bịch và những đồ đựng thóc gạo tương tự, đan bằng tre nứa (nói khái quát). thì tối nghĩa quá, "những đồ đựng thóc gạo tương tự" là những đồ gì? Lẽ ra nên viết: bồ và bịch (2 dụng cụ có tên khác nhau chứ không phải một tên là "bồ bịch"), là những đồ đựng thóc gạo, đan bằng tre nứa, hoặc bồ và bịch là những vật dụng đan bằng tre nứa dùng để chứa thóc gạo.
      Ở nghĩa thứ 2- chỉ giải thích Bồ bịch là nhân tình người yêu cũng chưa hết ý, tương tự như có những từ điển khác chỉ giải thích nghĩa là bạn bè.
      Qua thực tế cuộc sống, tôi thấy nghĩa bóng của từ bồ bịch giải thích là bạn bè, người yêu nhau là hợp lý nhất.

      Xóa
  7. Kính bác Phạm, Nô tui trộm nghĩ từ "bồ" với ý nghĩa bạn thân, người yêu có từ nguyên khác với "cái bồ lúa". Còn bồ bịch là dạng tiếng lóng phái sinh bằng cách chơi chữ đồng âm dị nghĩa, biến "bồ" (bạn) thành cái "bồ" lúa và thêm một từ cùng loại là "bịch".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, và thêm một chút, dạo ni cái gì mà liên quan đến đồng chí mang tên "Công-Đồng-Mạng" là tui rất dè chừng, đồng chí này rất "nhạy cổm", đụng cái chi cũng xôn xao, sốc, khiếp đảm, hãi hùng... dễ làm ngộp tim thiên hạ!

      Xóa
    2. Nô tui có đọc một tài liệu nói từ bồ (bạn thân người yêu) là trại âm từ "bầu" cũng có nghĩa là bạn (bầu bạn năm châu).

      Xóa
    3. Cũng là một cách suy nghĩ khác của cụ Nô (nếu cụ nô cho những dẫn chứng cụ thể thì hay quá).

      Xóa
    4. "Đồng chí cộng đồng mạng" thì khiếp rồi!

      Xóa
    5. "bồ" là trại âm của "bầu" trong "bầu bạn" nghe cũng có lý lắm cụ Nô, nhưng nó chỉ có nghĩa là bạn thân, người yêu khi đi đôi với nhau, còn từ "bầu" đứng một mình tôi xem trong nhiều quyển TĐTV xưa nay thì không có nghĩa này.
      Trong VN tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức có giải thích từ "bầu bạn" là hai người hoặc nhiều người đi lại chơi bời với nhau, còn chữ "bậu" thì giải thích là tiếng trong Nam, cũng như tiếng "em" hay "mày" có ý thân thiết.
      Đại Nam Quấc Âm Tự Vị thì không có chữ "bầu bạn" mà chỉ có "bậu" với nghĩa em, mầy, và "bậu bạn" giải nghĩa là bạn hữu, chung cùng, đi theo nhau, hôm sớm có nhau.

      Xóa
    6. Trong mục Hỏi đáp Đông-Tây của Bách Khoa Tri Thức do ông An Chi phụ trách có nói về 2 từ "bồ bịch", căn cứ trên quyển VN Tự điển của Lê Văn Đức (Saigon-1970), đây là một quyển tự điển tiếng Việt rất hay xuất bản tại Saigon trước năm 1975 mà đáng tiếc tôi không có.
      Bồ. Bè bạn thân (...). bồ bịch. Bồ rất thân với mình, như tay mặt, tay trái (...).
      Không thấy ông AC ghi nhận từ điển trên có giải thích nguồn gốc của từ bồ bịch bắt nguồn từ đâu.

      Xóa
  8. Chỉ sau 30-4-75 từ Bồ, Bồ bịch mới từ trong Nam ra Bắc cùng với từ Hết xảy. Trước đó ngoài Bắc không có từ này bác ạ. Dù cái bồ, cái bịch đựng thóc vốn từ ngoài Bắc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Qua nhiều quyển từ điển mà tôi đã xem và dẫn bên trên, cũng có thể thấy từ "bồ bịch" là phát xuất từ miền Nam, Toro cũng nhận thấy chỉ sau 30-4-75 từ này mới xuất hiện ở miền Bắc, về từ "hết xảy" (hết sẩy) cũng là từ của miền Nam, bù lại sau 30-4-75 tôi học được một từ miền Bắc tương đương là "hết ý".

      Xóa

:) :( :)) :(( =))