Thứ Tư, 8 tháng 4, 2015

Sự biến đổi của từ ngữ.


Hình ảnh hải tặc. Ảnh Internet.

Biến đổi ở đây là biến đổi về ý nghĩa của từ ngữ, bài viết vừa rồi nói chơi về chuyện ma, không ngờ các bạn vào bàn tán sôi nổi, kể lại những kinh nghiệm bản thân về chuyện ma cỏ, những điều khó có thể lý giải được trong cuộc sống, nghe rợn tóc gáy. Ở entry này tôi muốn bàn phiếm chơi về chuyện từ ngữ, cũng là từ chữ ma le

Như trong bài viết trước đã viết, trong hầu hết những từ điển tiếng Việt tôi có đều chỉ nói đến từ ma lanh, có nghĩa là ranh mãnh, tinh ma, láu cá... từ tiếng Pháp malin mà ra, còn từ ma le, cũng với ý nghĩa ấy, chẳng qua do cách phát âm của người miền Nam và người miền Bắc. Nhưng trong 2 quyển từ điển tiếng Huế, một là quyển Ngôn ngữ Văn hóa Du lịch Huế xưa của tác giả Trần Ngọc Bảo (NXB Thuận Hóa-2005), và quyển Từ điển tiếng Huế của BS. Bùi Minh Đức (NXB Văn Học-2009), đều giải thích ma le là con ma lè lưỡi. BS. Bùi Minh Đức còn viết rõ: "người Huế tin là những người chết do bị thắt cổ như tự tử hay bóp cổ thường bị lưỡi thè ra ngoài, do đó ma la là ma thắt cổ". Tôi không rành chút nào về ngôn ngữ Huế, không rõ thế nào, nên thấy giải thích thế nào thì biết vậy.

Bạn Marguerite vào comment nói, có người nhà là dân Huế nói làm gì có chuyện con ma lè lưỡi như thế, hì hì, nghĩa là chỉ có chuyện ma le là để chỉ đứa láu cá, ranh ma thôi... Như vậy đây có vẻ là một "biến thể" (nghĩa phái sinh) của cách hiểu, có thể là của một bộ phận người dân Huế, hay của riêng người làm từ điển chăng? Nhân đây tôi cũng xin nói thêm về trường hợp biến thể (phái sinh) như thế của một vài từ ngữ bây giờ ta hay gặp.

Trước hết xin nói về hai từ "hải tặc", hải tặc ( ) thì chắc trong chúng ta ai cũng biết, trong những câu chuyện, phim ảnh ngày xưa, ta thường thấy hình ảnh của bọn hải tặc, với tên chúa đảng đeo cái băng đen che một bên mắt, chỉ còn một cánh tay, cánh tay kia là chiếc móc sắt, nhưng đánh kiếm bá cháy, chỉ huy một chiếc thuyền buồm với lá cờ đen có hình chiếc đầu lâu với 2 thanh gươm bắt chéo phía dưới. Hải tặc tấn công không chừa một ai, tàu buôn, tàu hàng, tàu khách..., miễn là có cái cho chúng cướp bóc, có khi cả tàu chiến của quân chính phủ chúng cũng chẳng ngán. Hải () thì ai cũng biết có nghĩa là biển, đại dương, còn tặc () có nghĩa là quân cướp bóc, đạo tặc... Hải tặc ( ) có nghĩa là quân cướp ở biển. Từ điển Annamite-Francais của tác giả người Pháp Jean Bonet viết từ năm 1899 đã có giải thích từ hải tặc: pirates, corsaires. (quân cướp biển, hải khấu, tàu cướp biển). Trong rất nhiều từ điển Hán-Việt, cũng như từ điển tiếng Việt xưa nay lại không có từ hải tặc.

Từ "Hải Tặc" trong Từ điển Annamite-Francais của Jean Bonet (1899).

Một từ khác là "lâm tặc" ( ). Bây giờ người ta hiểu và dùng từ "lâm tặc" với nghĩa là những kẻ phá rừng bất hợp pháp (đành là phải thêm vào mấy từ bất hợp pháp, bởi hình như vẫn còn những kẻ phá rừng hợp pháp). Thậm chí vừa qua ở Hà Nội, người dân ví von những người chủ trương chặt cây xanh ồ ạt là "lâm tặc". Thực ra từ lâm tặc cũng có ý nghĩa như từ hải tặc, nếu hải tặc là quân cướp ở biển, thì lâm tặc là quân cướp ở rừng. Hình ảnh lâm tặc mà chúng ta có thể thấy là trong những phim ngày xưa của Tàu, với bọn cướp rừng bịt mặt cầm đao kiếm phục kích, chặn những đoàn xe ngựa, xe kéo chở hàng hóa của những thương nhân phải đi đường rừng núi để cướp bóc., và thường có những cuộc chiến xảy ra giữa bọn lâm tặc và đám bảo tiêu đi theo bảo vệ hàng hóa. Tặc (), là cướp ta đã biết, còn lâm () là rừng, do 2 chữ mộc (chỉ số nhiều) có nghĩa là cây hợp lại.

Ý nghĩa ban đầu của từ ngữ là thế, nhưng rồi qua thời gian (gần đây), thì từ ngữ đã bị biến đổi ý nghĩa, chẳng hạn lâm tặc thay vì được hiểu là những kẻ cướp hàng hóa, tiền bạc của con người ở nơi rừng núi, lại được diễn giải và hiểu là những kẻ phá rừng, lấy gỗ bất hợp pháp. Việc hiểu như thế thường có 2 nguyên nhân chính, nguyên nhân đầu là người ta cố tình dùng một chữ có sẵn này, để diễn tả một trường hợp khác như trong trường hợp chặt cây, phá rừng (thường trong trường hợp này từ "lâm tặc" được sử dụng nơi những người hiểu biết, và phải được dùng trong ngoặc kép). Nguyên nhân thứ nhì là người sử dụng hiểu sai ý nghĩa ban đầu, có khi người ta nghĩ đơn giản, lâm là rừng, tặc là cướp, lâm tặc là  cướp rừng, mà ở rừng ngoài cây gỗ thì còn có gì khác để cướp?

Vậy mà có quyển từ điển từ Hán-Việt chỉ giải thích từ lâm tặc với chỉ một ý nghĩa như trên, lâm tặc ( ): kẻ cướp phá rừng trái phép (Từ điển Từ Hán-Việt, Lại Cao Nguyên chủ biên, NXB Khoa học xã hội-2007). Lẽ ra từ điển phải giải thích nghĩa gốc (đúng) ban đầu, rồi sau đó giải thích thêm nghĩa phái sinh.

Một từ khác cũng trong "hệ thống tặc" là từ cẩu tặc, bây giờ từ cẩu tặc được dùng trên báo chí với ý nghĩa là bọn trộm chó. Đã có nhiều trường hợp đau lòng xảy ra trong xã hội về chuyện này. Hoàn toàn ban đầu từ cẩu tặc có nghĩa khác, ta có thể thấy trong truyện ngày xưa, người quân tử trung hậu hay chỉ mặt kẻ tiểu nhân mắng "quân cẩu tặc". Đây là tiếng có ý nghĩa nhục mạ, người bị mắng chửi bị coi như đồ chó má, tức là người xấu. Từ điển Hán-Việt trích dẫn (trên mạng) giải thích, cẩu tặc (狗 賊): tiếng nhục mạ người khác bất trung bất nghĩa.

Theo thời gian, những "tặc" hiện đại khác lần lượt ra đời, chẳng hạn như "đinh tặc" là kẻ rải đinh ngoài đường cho xe cán phải, để bắt chẹt người khác phải vá xe, thay ruột với giá cắt cổ. Một tặc khác là "sa tặc", gọi nôm na là cát tặc, là bọn chuyên môn khai thác cát bất hợp pháp trên những con sông... Rồi có khi những chuyện như lấn sông thiếu luận chứng kỹ thuật, có thể làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người mai mốt đây sẽ được gọi là... giang tặc chăng?

Một từ khác mà bây giờ người ta cũng hay dùng sai với ý nghĩa ban đầu là từ bao biện (包 辦) có nghĩa là làm thay, làm cả những phần việc không phải của mình. Bao () có nghĩa là đảm đương. biện () có nghĩa là đầy đủ. Hán-Việt Từ điển trích dẫn giải thích: "phụ trách làm hết các việc, một mình làm cả". Nhưng bây giờ người ta cũng thường dùng trên báo chí, trên các phương tiện truyền thông với ý nghĩa bao biệnbao che và biện hộ cho điều lầm lỗi của mình hay của ai đó.

Đây không phải là những trường hợp đầu tiên từ ngữ bị dùng sai so với ý nghĩa ban đầu, nhiều từ ngữ trong tiếng Việt theo thời gian cũng bị chuyển đổi ý nghĩa, rồi dùng riết thành quen, cái đúng thành cái sai, cái sai thành cái đúng. Nhưng có điều đáng nói, cái sai thành cái đúng bây giờ thường là do vì ít hiểu biết, do cái cẩu thả, cái thiển cận của con người. Trong từ ngữ, ngôn ngữ, sai - đúng như thế hình như cũng không để lại những điều nghiêm trọng, nhưng trong nhiều vấn đề khác thì không được như thế.









29 nhận xét :

  1. Tặc là một từ tiếng Hán đơn tiết, được xếp vào loại " Tiếng nửa tự do " là loại tiếng mà bản thân không thể độc lập làm từ đơn " Theo Lê đình Khẩn , từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt "
    Một con đường không phải tự nhiên mà có , bởi do nhiều người đi lại mà có . Trong dân gian đụng đến vấn đề bị cướp bóc , cưỡng bức , bị chiếm đoạt người ta hay gắn thêm từ " TẶC " ví dụ Kim tặc ,Ngư tặc , Tôm tặc , Nghêu tặc , Trâu bò tặc , Gà tặc , Cà phê tặc , Vàng tặc , Không tặc , Tin tặc v.v.v. Gọi riết thành quen , nhưng có một vấn đề về tên gọi " Đinh tặc " thì không được đúng cho lắm . Theo bác Hiệp "Đinh tặc là chỉ những người bất lương rải đinh để xe máy cán phải để thu lợi bất chính . Thế những người tốt bụng đi thu lượm đinh có thể gọi họ là "đinh tặc " không ?
    Mọi tên gọi ở trên chỉ có thể nói vui trong những lúc trà dư tửu hậu . Nhưng dùng trong văn bản thi không thể chấp nhận được . Nhất là những nhà ngôn ngữ học , và những người hành nghề chữ nghĩa . Các Bác nghĩ sao về một tít bài báo của tờ " VIỆT BÁO " ngày 25--5--2005 . " MÔNG TẶC " tái xuất ở Long An " có bó tay không các Bác , đúng là hài vãi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói chung là từ "tặc" có nhiều nghĩa xấu, chẳng hạn như từ điển Annamite-Francais giải nghĩa bên trên. "Tặc" có nghĩa là chiên tranh, trộm, cướp, giặc, kẻ vô lại... Nếu hải tặc, lâm tặc là đám cướp tiền của ở biển, ở rừng, thì không tặc lại là kẻ cướp máy bay chứ không phải cướp tiền bạc của hành khách đi máy bay...

      Thời hiện đại bây giờ đủ thứ "tặc", như từ "tin tặc" chỉ có từ khi xuất hiện đám quậy phá lung tung trên mạng Internet. Ngoài xã hội người dân có thể "ăn nói linh tinh" như dùng chữ "mông tặc' (có lẽ để chỉ kẻ càn quấy xâm phạm đến mông của phụ nữ), nhưng theo tôi trên những phương tiện thông tin như báo chí (cả báo giấy lẫn báo mạng), truyền hình... không nên dùng những chữ như thế này...

      Xóa
  2. Lâu lắm rồi bu tui có một bài dài dăng tạp chí Nhật Lệ và báo Văn hóa trong đó có đề nghị xem lại danh hiệu Khu phố văn hóa, làng văn hóa...Trong có đề cập đến lâm tặc như lập luận của PNH. Không tặc là giặc trời, vậy lâm tắc là giặc rừng mới phải, đằng này lâm tặc là người ở đồng bằng lên phá rừng. Còn đinh tặc lại càng lạ
    Tóm lại người ta không làm trong sáng tiếng Việt là làm tù mù thêm
    Có một từ rất sai là "giảm thiểu"...Giảm thiểu tai nạn, giảm thiểu thiệt hại do bão....Ông Lại Văn Sâm nhiều lần nói vậy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thỉnh thoảng tôi ngồi nói chuyện với những người hiểu biết, ai cũng biết là đất nước chúng ta thiếu mất một Viện Hàn lâm về ngôn ngữ, nơi tập hợp được những vị giỏi nhất và giỏi thực sự về ngôn ngữ (không phải những GS. như Vũ Khiêu hay Nguyễn Lân). Nơi ấy phải có đủ trí tuệ và thẩm quyền để xuất bản ra những quyển sách, những từ điển thực sự chính xác và có chất lượng, làm kim chỉ nam cho việc sử dụng ngôn ngữ, từ ngữ trong cuôc sống.

      Việc sử dụng, "sáng chế" một cách bừa bãi từ ngữ, rồi giải thích theo kiểu lý sự cùn bây giơ khá phổ biến trong xã hội, và một xã hội hời hợt, dễ dãi, tù mù... lại càng tăng thêm cái sai, như đinh tặc là kẻ đi rải đinh hại người khác, cẩu tặc là kẻ trộm chó... Cũng như bác Bu nói "giảm thiểu tai nạn", thay vì chỉ cần nói giảm tai nạn, giảm thiểu nếu phân tích chữ nghĩa lại là tăng... Người ta hay biện minh miễn nói sao hiểu được... Thay vì trong sáng lại thành ra... tối mò, hichic!

      Xóa
  3. Chính đám nhà báo dốt nát (truyền hình, truyền thanh, báo giấy, báo mạng) phổ biến cái sai này ra toàn xã hội! Mà thật lạ là họ đều học hành từ Đại học Báo chí, Ngữ văn cả đấy chứ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng đó cụ Nô. Tôi có mấy quyển sách viết cho đại học báo chí chuyên ngành trong việc dùng từ ngữ sao cho đúng, thì thấy có nói tới nhiều từ, cách viết, đặt câu cú sao cho dễ hiểu, chính xác, mà tôi nghĩ một học sinh TH phổ thông khá là đã phải nắm được. dạy là một chuyện, họ tiếp thu được bao nhiêu lại là chuyện khác.
      Cho nên bây giờ cái dở ở cùng khắp mọi hang cùng ngõ hẻm của cuộc sống chứ không chỉ riêng nơi nào.

      Xóa

  4. Ôi nói về từ ngữ thì chao ôi có muôn ngàn về nghĩa anh Hiệp nhỉ ? Cũng một từ được ghép với một từ khác thì lại mang nghĩa khác nhau . Rồi lại nói về từ địa phương thì lại có nghĩa khác nữa ? Chẳng hạn có một từ " màu đen " hay " màu trắng " thôi vậy chứ áp dụng để gọi cho con vật thì hoàn toàn khác nhau xa ....nhức đầu thiệt ! Người Việt mình còn phải nhức nhối huống hồ gì là người nước ngoài : ai mà nói giỏi và rành tiếng Việt thì em đây xin bái phục !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Với người giỏi tiếng Việt tôi cũng bái phục luôn đó, cái thứ tiếng gì mà rối như tơ vò :-)

      Xóa
    2. CT kính chào bác Ngọc Hiệp Phạm! (Xin phép cho CT được gọi như thế này ạ)! CT sang ngắm nhà đẹp của bác đã nhiều và cũng đã nhiều lần được đọc những lời còm uyên thâm của bác bên nhà bác Bu :), CT rất ngưỡng mộ ạ. Tuy nhiên vì như vậy đôi lúc CT cứ có cảm giác là mình đã "xem chùa" ạ. CT xin bác cho biết CT nghĩ vậy và dùng từ như vậy có chấp nhận được không ạ! :))

      Xóa
    3. Chào bạn CT, cám ơn bạn đã quá khen. Không có gì, cửa nhà rộng mở đón bạn bè, tôi cũng thường hay đi lan man ghé xem những nơi khác mà đâu có bao giờ còm. Đã ghé, xin mời bạn cứ tự nhiên. Tôi quen thân đã lâu bên bác Bu, bạn cứ coi như chỗ giao hảo.
      Thân.

      Xóa
  5. Nói vui trong blog hay facebook: Thôi = thui. yêu = iu., luôn = lun thì còn được, nhưng đám trẻ con nhiễm phải rồi đưa vào văn chương thì nguy lắm. Lo cho cái tiếng Việt mình quá

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đây chính là những "đường đi" của ngôn ngữ, từ ngữ, biết đâu mai mốt vài chục năm nữa Từ điển VN sẽ chỉ còn giải thích những từ này. Hihi!

      Xóa
  6. Thui, iu,lun,mún có những sắc thái vô cùng đáng yêu, ngộ nghĩnh gần gũi mà các từ thôi,yêu, muốn, luôn không thể nào có được bác Bu nhỉ. Nhưng chúng chỉ dễ thương khi được dùng trong đời thường hay được nhà văn sử dụng làm chất liệu xây dựng kiểu nhân vật dễ thương trong tác phẩm của mình chứ nếu dùng trong những văn bản mang tính pháp quy hay trong những cuộc đối thoại có tính công vụ thì thậm nguy bác Bu nhỉ. Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thời nào cũng thế, người ta phân biệt rất rõ, văn nói (ngôn ngữ giao tiếp), văn viết (văn chương), rồi lại phân chia tiếp, văn nói bình dân, đại chúng (tùy từng lứa tuổi, vị trí xã hội), văn nói bác học (của trí thức), văn nói của giới giang hồ bất hảo (tiếng lóng, chửi thề). Văn viết cũng thế, văn viết hành chánh, nghiên cứu, triết học, tư tưởng, văn viết bình dân... Những thứ ấy nó luôn song hành, có sức sống... Nhưng bây giờ có hiện tượng người ta sử dụng lộn tùng phèo, như đám xà bần... chẳng còn giới hạn, không biết đâu mà lường...

      Xóa
    2. Quả đất tròn lại gặp Cầu Tre đây
      Nếu như Cầu tre mà: thui, lun. mún, iu... thì nghe dễ thương lắm và ưng đọc hoài . Còn bu tui mà viết rứa thì bị coi là cưa sừng làm nghé. "bùn" lắm thôi huhu

      Xóa
    3. Bác Bu chắc ở nhà vẫn nghe "thỏ thẻ" "khun" (khôn, tiếng Huế), mà, hì hì!
      Có khi người Huế xưa cũng bởi nói như thế mà thành ra vậy chăng? bác thử 'điều tra" lại xem, hì hì!

      Xóa
    4. Từ Huế trở ra đến Nghệ An khôn nói thành khun
      còn buồn không nói thành bùn, luôn không nói thành lun thôi không nói thành thui...những thứ này là văn hóa thời a còng @ sinh ra

      Xóa
    5. "Văn hóa thời @, nghe hiểu được... chết liền, hì hì!

      Xóa
    6. Mấy chữ viết kiểu biến âm thế này ra đời gắn với sự ra đời của chiếc điện thoại đấy ạ.. Đấy là kiểu viết tắt khi mà đt chưa đc cải tiến, mmỗi bàn phím phải chung mấy kí tự..Lúc đầu lối viêtnaỳ ra đời để tiết kiệm thời gian ấn phím.. Sau này, khi bàn phím đt đã khắc phục đc nhược điểm đó nhưng ng ta vẫn giữ lại những chữ đáng yêu ngộ nghĩnh đó vì nhận ra chúng thật sự có một sắc thái riêng mà những chữ viết đúng chuẩn không thể có đc... CT vẫn nhận đc Tin nhắn như thế khá nhiều, kể cả của những người lớn tuổi, tất nhiên là quan hệ gần gũi rồi:). Vậy thì chúng là của tất cả người Việt rồi, chúng đã có đời sống riêng dù có thể còn nhiều người chưa thừa nhận. Bác Bu cũng cứ dùng thôi:))

      Xóa
    7. Ngôn ngữ nói chung chịu ảnh hưởng bởi nhiều thứ, sự giao lưu văn hóa giữa các dân tôc, chẳng hạn bây giờ xuất hiện kiểu viết "có 1 0 2" (có một không hai), "gato" (ghen ăn tức ở", có lẽ ảnh hưởng lối viết tắt nhanh gọn của người Mỹ.
      Tôi nghĩ chúng ta cũng đừng "hãi" quá, "thời thế phải thế" thôi. :-)

      Xóa
  7. Bàn đến từ ngữ trongTiếng Việt đôi khi như đi trong một khu rừng rậm vậy. Người ko rành rẽ dễ lạc như chơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái dễ dãi, hời hợt bây giờ làm biến dạng ngôn ngự, từ ngữ theo chiều hướng xấu...

      Xóa
  8. Úi chu choa mẹ nội ui ! Tối cuối tuần vui quà , nói các bạc nghe chơi . Vừa rồi ông Cún con hư điện thoại (ông học lớp 12 ) mượn điện thoại của Ba , mới có 6 ngày Ổng trả điện thoại cho Ba ,sáng nay mở mục tin nhắn nói các Bác nghe ( Hiểu chết liền ) không thể hình dung nổi từ ngữ bọn trẻ dùng bây giờ đã qua tầm kiểm soát của người lớn. Đồng cảm với nhận định của bác Hiệp ( vài chục năm sau sẽ có một bộ phận dịch tiếng Việt thời @ này
    Chúc bác Hiệp một tối cuối tuần vui vẻ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vừa rồi thấy báo Tuổi Trẻ nói về hiện tượng lớp trẻ mê sách và thần tượng "ngôn tình" TQ, Biết sao được, mỗi thời có cái suy nghĩ khác.
      Cuối tuần chúc bạn an nhiên.

      Xóa
  9. Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Vn, lâu nay người ta nói thế. Có lẽ khó do sự lỏng lẻo của tiếng Việt chăng...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tiếng Việt của mình bây giờ rõ ràng là chịu ảnh hưởng của chữ Hán, rồi đến chữ Tây phương của các cố đạo, cộng thêm với cái "bất nguyên tắc" xưa nay của người mình, nên bây giờ nó thế...

      Xóa
  10. Bác NHP dùng chữ "sự biến đổi..." cho đầu đề entry này là rất hợp lý nhưng HN đồng tình với bác Bu và bạn Nô, chúng nó thường bẻm mép, người đời tưởng là hay, dùng riết thành bậy ví dụ "sân chơi", chỗ nào cũng sân chơi hết trọi. Chưa thấy bác nói chuyện "tin tặc". Thiệt ra nếu hiểu cho đúng thì không thể dịch "hacker" thành tin tặc được. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ là vì lo đánh Mỹ, lo ĐƯA CẢ NƯỚC TIẾN NHANH TIẾN MẠNH LÊN (cả nước xuống hố, sorry!) CNXH nên không có được một hàn lâm viện ngôn ngữ, VNCH mà tồn tại đến bây giờ thì chắc sẽ không có chuyện ruồi bu này!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đường đi không còn thích hợp, ngừi cầm lái dở là nguyên nhân của mọi nguyên nhân phải không bác HN, hì hì! Cười mà rầu.
      Hồi này tôi bận quá, ít lên mạng.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))