Y phục của phụ nữ miền Bắc xưa. Ảnh Internet.
Ít hôm nay bận việc nhà không có thời giờ vào mạng, hôm nọ gặp bạn hỏi về câu thành ngữ "Ăn Bắc mặc Kinh" thì "Bắc" và "Kinh" ở đây là chỉ nơi nào? Bạn đã thử vào mạng tra thì thấy mỗi nơi giải thích một khác, ngay cả những trang của những giáo sư, tiến sĩ... khá nổi tiếng về chữ nghĩa cũng không có câu giải đáp khiến bạn hài lòng, người thì nói Bắc là vùng Kinh Bắc, tức là Bắc Ninh, còn Kinh là Kinh thành, Kinh đô Thăng Long còn gọi là Kẻ Chợ, họ giải thích, người vùng Kinh Bắc (Bắc) ăn uống ngon, còn người ở Kinh đô (Thăng Long, Kẻ Chợ) thì mặc đẹp.
Bạn nói có người giải thích Bắc đây là miền Bắc, còn Kinh là Kinh đô nhưng là Kinh đô xứ Huế, và đại khái cũng giải thích là người miền Bắc nấu nướng ăn uống thường ngon, còn người ở Kinh đô Huế thì thường mặc đẹp... Đại khái là như thế.
Nghe bạn nói tôi... toát mồ hôi hột. Trang của những người có tiếng giải thích mà bạn chưa hài lòng thì lấy chi tôi có thể lý giải được hơn. Tôi đành hẹn để về xem lại sách vở đã, coi tôi có tìm ra được cách giải thích nào có thể khiến bạn hài lòng hơn chăng? Quả thật tôi đã thử tra trên những trang mạng, và cả vài quyển sách, từ điển về thành ngữ, tục ngữ mình có thì cũng như bạn nói bên trên, chẳng thấy một trang nào giải thích câu thành ngữ này rõ ràng.
Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của nhóm Vũ Dung - Vũ Thùy Anh - Vũ Quang Hào giải thích câu trên như sau: Ăn Bắc mặc Kinh: [Ăn xứ Bắc mặc xứ Kinh] (Bắc: phía Bắc kinh đô Thăng Long, tức xứ Kinh Bắc, nay là Hà bắc; Kinh: Kinh Kì, tức kinh đô Thăng Long, nay là Hà Nội). Những nơi có truyền thống nấu ăn ngon, mặc đẹp.
Từ điển Thành ngữ và Tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân giải thích: ăn Bắc, mặc Kinh: Xưa kia người ta cho rằng người miền Bắc có những món ăn ngon, còn người Huế thì ăn mặc đẹp. (Cũng có người cho Bắc là Bắc Ninh, còn Kinh là Kinh đô Hà Nội cũ).
Những câu giải thích kể cả 2 quyển từ điển như trên rất chung chung, không nêu được lên cái nổi bật của ý nghĩa "ăn" và "mặc", "ăn Bắc" có phải là ăn ngon như người Kinh Bắc (Bắc Ninh), hay người miền Bắc nói chung. Còn "mặc Kinh", có phải là mặc đẹp như người ở Kinh đô Thăng Long (Kẻ Chợ - Hà Nội), hay như người Kinh đô Huế hay không? Người Kinh Bắc (Bắc Ninh) (*), quê hương quan họ chỉ có ăn ngon mà không mặc đẹp hay sao? Cụ thể là qua những bộ quần áo của họ khi hát quan họ?
Cũng như thế người Kinh đô (như Thằng Long - Hà Nội), hay Huế chẳng lẽ chỉ có mặc đẹp mà không ăn ngon? Người Thăng Long - Hà Nội xưa nay ngoài chuyện thanh lịch về mặc đã có tiếng về chuyện ăn ngon (**). Xứ Huế cũng nổi tiếng với những món ăn cầu kỳ của vua chúa ngày xưa, mà người dân Huế cũng rất sành điệu trong cái ăn, chỉ riêng món muối, mắm... của người Huế thôi cũng đã rất phong phú (***)... Ở xứ sở nào và thời nào cũng thế, người dân ở Kinh đô, Thủ đô (là những nơi có điều kiện), nên chắc chắn là những người rất sành về cả chuyện ăn lẫn chuyện mặc hơn các nơi khác.
Cũng như thế người Kinh đô (như Thằng Long - Hà Nội), hay Huế chẳng lẽ chỉ có mặc đẹp mà không ăn ngon? Người Thăng Long - Hà Nội xưa nay ngoài chuyện thanh lịch về mặc đã có tiếng về chuyện ăn ngon (**). Xứ Huế cũng nổi tiếng với những món ăn cầu kỳ của vua chúa ngày xưa, mà người dân Huế cũng rất sành điệu trong cái ăn, chỉ riêng món muối, mắm... của người Huế thôi cũng đã rất phong phú (***)... Ở xứ sở nào và thời nào cũng thế, người dân ở Kinh đô, Thủ đô (là những nơi có điều kiện), nên chắc chắn là những người rất sành về cả chuyện ăn lẫn chuyện mặc hơn các nơi khác.
Tuc ngữ và thành ngữ của Việt Nam thường rất cô đọng trong ngữ nghĩa, một câu thường có nhiều cách hiểu, Trong câu "Ăn Bắc mặc Kinh", nêu trên nếu "ăn" không phải là "ăn ngon" và "mặc" không phải là "mặc đẹp", thì "ăn" và "mặc" ở đây có ý nghĩa gì khác? Đang phân vân đặt câu hỏi và không biết trả lời sao, thì tình cờ tôi đọc được một bài viết ngắn dưới dạng hỏi đáp trong quyển Hỏi đáp về Triều Nguyễn và Huế xưa, của tác giả Nguyễn Đắc Xuân, một người dân Huế và cũng là một nhà nghiên cứu về Huế.
Trong câu hỏi "Y phục thời Nguyễn thay đổi vào những thời kỳ nào?". Tác giả cho biết, ban đầu người dân của xứ Đàng Trong thời các chúa Nguyễn mặc theo như người Chăm hay người miền Bắc (là nơi chúa Nguyễn đã ra đi). Đến đầu triều chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Hoạt (Khoát) khoảng năm 1743-1744, có câu sấm "Bát đời thời hoàn Trung đô". Người ta cho rằng: Tám đời thì sự nghiệp của chúa Nguyễn ở Đàng Trong sẽ trở lại Thăng Long. Đời thứ tám ứng vào chúa Nguyễn Phúc Khoát. Để hóa giải câu sấm, chúa Võ Vương bèn cho "đổi y phục, thay phong tục cùng dân đổi mới". Chúa châm chước áo quần của người Trung Hoa và người Chăm, chế ra chiếc áo dài và quần hai ống cho dân xứ Đàng Trong. Nhưng người dân từ Quảng Bình trở ra vẫn mặc theo như lối cũ.
Mãi đến tận đời vua Minh Mạng lối mặc của người miền Bắc vẫn thế, phụ nữ mặc áo vạt khép và váy, đàn ông con trai thường đóng khố, chứ không mặc quần hai ống như Đàng Trong. Đời Minh Mạng thứ 18 nhà vua xuống dụ quở trách, hạn trong năm phải thay đổi cách mặc, nếu năm sau còn có người mặc như cũ thì trị tội. Y phục là một tập quán không dễ gì thay đổi trong một sớm một chiều, bởi thế trong dân chúng miền Bắc có nhiều người tỏ thái độ không đồng tình với chủ trương "mặc quần có đáy" của vua Minh Mạng bằng mấy câu ca dao:
Tháng tám có chiếu vua ra,
Mặc quần có đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang?
Có quần ra đứng ngoài đường,
Không quần ta đứng đầu giường xem quan.
Có quần ra đứng ngoài đường,
Không quần ta đứng đầu giường xem quan.
Vì thế từ cuối triều Minh Mạng cho đến về sau, ở người phụ nữ miền Bắc vẫn có hai kiểu y phục, Y phục truyền thống (mặc váy), và y phục quần hai ống của Kinh kỳ (Huế).
Như vậy câu "Ăn Bắc mặc Kinh" ở đây có thể hiểu theo một nghĩa nữa là: "về chuyện ăn thì theo kiểu cách của người miền Bắc" (ăn Bắc), nhưng còn "về chuyện mặc thì theo kiểu cách của người Kinh đô Huế" (mặc Kinh). Nguyên câu này nói về chuyện chiếu của vua Minh Mạng bắt người dân Đàng Ngoài mặc theo kiểu quy định của nhà vua, cũng là kiểu mặc của người Kinh đô xứ Huế (Đàng trong), chứ "ăn" ở đây không có nghĩa là "ăn ngon", và "mặc" ở đây không có nghĩa là "mặc đẹp". Bản thân tôi nghiêng về cách giải thích này.
Ghi chú:
(*) Ngày xưa xứ Đông Kinh (Tonkin - Đàng Ngoài), được chia thành 11 tỉnh gọi là "xứ", gồm có: 1. Sơn Nam xứ, còn gọi là xứ Nam. 2. Hải Dương xứ, còn gọi là xứ Đông. 3. Kinh Bắc xứ, còn gọi là xứ Bắc. 4. Sơn Tây xứ, tức xứ Đoài. 5. Yên Quang xứ, tức xứ Yên Quang. 6. Lạng Bắc xứ, tức xứ Lạng. 7. Thái Nguyên xứ, tức xứ Thái. 8. Tuyên Quang xứ, tức xứ Tuyên. 9. Hưng Hóa xứ, tức xứ Hưng. 10. Thanh Hóa xứ, tức xứ Thanh. 11. Nghệ An xứ, tức xứ Nghệ.
Riêng Kinh thành (Kinh đô), là nơi nhà vua đóng đô , tục gọi là Kẻ Chợ, có tên là Thăng Long thì không thuộc xứ nào trong 11 xứ kể trên mà được xem là trung tâm, với bốn xứ là xứ Nam, xứ Bắc, xứ Đông và xứ Đoài. Bốn xứ trung tâm này được gọi là Tứ trấn. Mười một xứ kia được gọi là Phiên trấn. Theo những tên gọi các xứ vừa kể thì ta thấy có 2 xứ được gọi trùng tên xứ Nam và xứ Bắc, là Sơn Nam xứ thuộc Phiên trấn và xứ Nam thuộc Tứ trấn đều được gọi là xứ Nam, và Kinh Bắc xứ thuộc Phiên trấn và xứ Bắc thuộc Tứ trấn đều được gọi là xứ Bắc.
(**) Có nhiều sách của nhiều tách giả nói về món ăn ngon Hà Nội, chẳng hạn quyển Miếng ngon Hà Nội của nhà văn Vũ Bằng. Hay quyển Văn hóa ẩm thực Việt Nam - Các món ăn miền Bắc, trong sách viết về rất nhiều món ăn ngon ở Hà Nội.
(***) Trong sách Văn hóa ẩm thực Huế, tác giả là một bác sĩ gốc người Huế sống tại Hoa Kỳ cho biết chỉ riêng về món mắm, và muối, người Huế đã chế biến ra rất nhiều món mắm và món muối. Chẳng hạn mắm gạch cua, mắm tôm chua, mắm cà pháo, mắm cá ngừ, mắm ruột, mắm thính, mắm cá chuồn, mắm mòi, mắm nêm cá nục... về món chế biến từ muối có, muối sống, muối rang, muối tiêu, muối hầm, muối ớt, muối sả, muối ruốc, muối thịt, muối riềng, muối gừng...
Tham khảo:
- Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam, Vũ Dung - Vũ Thùy Anh - Vũ Quang Hào, NXB Văn Hóa - Thông Tin - 1998.
- Từ điển Thành ngữ Tục ngữ Việt Nam, Nguyễn Lân, NXB Văn Học - 2010.
- Hỏi đáp về Triều Nguyễn và Huế xưa, Nguyễn Đắc Xuân, NXB Trẻ - 2001.
- Văn hóa ẩm thực Huế, Bùi Minh Đức, NXB Văn Hóa - Văn Nghệ - 2011.
- Thư của các Giáo sĩ Thừa sai, Nguyễn Minh Hoàng dịch, NXB Văn Học - 2013.
chào mừng bác Hiệp đã trở lại và cả nhà đã có thêm một ít kiến thức mới :)
Trả lờiXóaCám ơn Bố susu, vắng nhà ít lâu coi như "nhập thất", hì hì!
XóaMừng bác H trở lại . Bây giờ mơi nghe nói câu thành ngữ này . Có sách vở trong tay giúp lý giải nhiều điều bác nhỉ
Trả lờiXóaCó sách vở, đọc, và cũng phải biết "thắc mắc", đặt câu hỏi, hì hì :-)
XóaNgóng bác lắm! Thực ra hôm nay con mới nghe câu "Ăn Bắc mặc Kinh". Trước giờ con chỉ nghe "Ăn Bắc mặc Nam". Nói về ẩm thực của người Bắc thì con nghĩ chủ quan Hà Nội, Thăng Long - Kẻ Chợ mới là số 1. Ẩm thực HN đa dạng, phong phú và đặc trưng vùng miền, khí hậu, thời tiết thì chỉ có ở Hà Nọi là phản ánh đúng. Ở HN vẫn lưu truyền câu hát về mâm cỗ "chuẩn". Con tìm hiểu rồi mà chưa hiểu được ý nghĩa. Nay viết ra cho bác và mọi người cùng đọc.:
Trả lờiXóa"Sơn Tây đập đá nung vôi
Bắc Ninh thì phải thổi xôi nấu chè
Nam Định hầu điếu hầu se
Lỗ Khê Hà Nội cho nghe ca trù".
Còn về "mâm cỗ chuẩn" của người Hà Nội cũng cầu kỳ lắm, chẳng hạn riêng món canh phải có đến mấy bát, một bát canh miến, một bát canh bóng, một bát canh giò heo hầm măng... thêm món nem rán, nộm, gà luộc... đấy là những món cơ bản không thể thiếu trong mâm cỗ, và nhiều món khác nữa, chẳng hạn như lòng, dồi, xôi, chè... nói chung người Hà Nội khá giả ngày xưa khá cầu kỳ trong ẩm thực...
XóaCon nghĩ Nung vôi là để ăn trầu, mâm cỗ phải có món xôi, món chè làm "la xét" chăng?? Ăn xong thì phải có điếu để hút thuốc. Xong thì nghe ca trù. Như vậy là để thoả mãn phần ăn, phần nghe, phần nhìn chăng??? Mong bác góp ý kiến hay hơn.
Trả lờiXóaÍt hôm nay tôi bận việc quá, hôm qua nay mới lại có thời giờ lên mạng nhưng cũng không thể đi đâu lâu cà phê cà pháo được.
XóaVề bốn câu trên mà bạn HT đưa ra, tôi nghĩ là những câu để chỉ cái "đặc trưng" của vài vùng, miền ngoái Bắc, thí dụ như Sơn Tây có nung vôi (bốn câu này nói về chuyện "ăn chơi", nên có lẽ nung vôi là để ăn trầu như bạn HT nghĩ). Bắc Ninh thì có thổi xôi nấu chè, Nam Định có se điếu thuốc lào, Lỗ Khê hà Nội thì có ca trù... Tôi nghĩ đây là những "đặc sản" của bốn địa phương chứ không phải của riêng Hà Nội.
Còn nói riêng về ẩm thực thì Hà Nội có tiếng xưa nay rồi.
Chào bác Hiệp
Trả lờiXóaLâu không thấy Bác , trộm nghĩ chắc bị bịnh ( Tuổi già mà ) sáng gặp Bác ở bên nhà bác Giao.rất mừng . Bác nói đúng ( Ăn Bắc ) là ở ngoài Bắc , còn mặc Kinh là ở kinh thành Huế . Chứ vùng Kinh Bắc ( Bắc Ninh ) và vùng Kẻ Chợ ( Hà Nội ) rất gần nhau , vì thế chuyên ăn , măc có nhiều điểm tương đồng không khác nhau là mấy . Nói về mặc thì có thể khác nhau , nhưng nói về sự tinh tế , cầu kỳ trong các món ăn thì tôi thấy người Huế có phần nổi trội hơn
Hồi nhỏ vẫn thấy các Bà các Mẹ mặc váy , vùa rộng vưaf dài trông giông cái Nơm cá , thắt một cái bao tượng ngang thắt lưng , và để hai dải lòng thòng đằng trước . Còn các ông thì mặc quần may kiểu ( Đũng chân què ) nhuộm bằng củ Nâu còn ngâm bùn . Những cái quần vừa dày vừa cứng khi phơi khô có thể dựng đứng được . Hồi mới tập bơi ở sông hay mượn quần của mấy bà đi giặt , túm lại làm phao thì bá cháy luôn . Thế hệ tôi biết lội cũng nhờ mấy cái quần đó , không bao giờ quên được . Còn mỗi khi có cỗ thì thôi rồi , một mâm phải ba tầng bát dĩa , đồ ăn thì ít chỉ khổ mấy người đi giúp đám , rửa mệt nghỉ luôn
Nghỉ lễ zui zẻ nghen bác Hiệp
Tôi bận việc nhà ít bữa thôi, diễn giải cho có lý một câu thành ngữ, tục ngữ đôi khi không phải là việc dễ dàng, vì chữ nghĩa tiếng Việt nó cô đọng, muốn hiểu sao cũng được...
XóaChúc mừng bác Salam trong chuyện tập bơi, bác cũng nghỉ lễ zdui zdẻ.
Em vẫn nhớ câu đó là : Cấm quần không đáy người ta hãi hùng bác ạ.
Trả lờiXóaCái quần không đáy có lẽ tiện cho các bà trong nhiều chuyện :-)
XóaTôi xem thì thấy có nhiều dị bản, có bản như Toro nói "Cấm quần không đáy người ta hãi hùng". Câu này nghe vần hơn.
XóaNhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaMãi đến tận đời vua Minh Mạng lối mặc của người miền Bắc vẫn thế, phụ nữ mặc áo vạt khép và váy, đàn ông con trai thường đóng khố, chứ không mặc quần hai ống như Đàng Trong. Đời Minh Mạng thứ 18 nhà vua xuống dụ quở trách, hạn trong năm phải thay đổi cách mặc, nếu năm sau còn có người mặc như cũ thì trị tội.
Trả lờiXóaTôi muốn nghi ngờ kiến thức lịch sử của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trong đoạn văn trên.
Trở lại bài ca dao:
Tháng Tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang
Thấy ngay sự thiếu chính xác của ông Nguyễn Đắc Xuân. Khi đó đàn ông ngoài Bắc đã mặc quần 2 ống rồi chứ đâu có mặc khố. Cái KHỐ với cái QUẦN là hai cái rất khác nhau. Nếu khi ấy đàn ông xứ Bắc mặc KHỐ, thì bài ca phải viết Đi thì phải mượn KHỐ chồng. Vì khái niệm "quần" hai ống chỉ có ở miền Trong. Muốn giễu, nên dân Bắc mới gọi VÁY là "quần không đáy". Tôi không rõ lắm Lịch sử y phục, nhưng đảm bảo là điều ông Xuân viết rất đáng NGỜ.
Cách giải thích của bác Vũ Nho rất đáng chú ý.
XóaCó nhiều nguồn tham khảo mọi việc sẽ sáng tỏ hơn, Cám ơn bác Vũ Nho.
Vì nói chuyện nghi ngờ người đàn ông xứ Bắc thế kỉ XVIII vẫn mặc KHỐ, nên tôi chưa góp bàn về câu tục ngữ : Ăn Bắc mặc Nam hay Ăn Bắc mặc Kinh.
Trả lờiXóaTrước hết không thể có sự đối lập giữa một miền ( vùng) nói chung với một đơn vị hành chính cụ thể là KINH , với nghĩa KINH đô ( Kinh đô Thăng Long hay kinh đô Huế). Khó mà có sự so sánh khập khiễng, thiếu cân đối giữa một vùng xứ Bắc Thăng Long gồm Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn với kinh đô Thăng Long. Cũng như vậy, thật là khập khiếng khi so cả miền Bắc đàng ngoài với Kinh ( kinh đô Huế). Mặt khác xét trong thực tế, ở Kinh thành là nơi vua chúa, các con cái vua quan ở, người kinh thành sao lại ăn mặc không sang, không đẹp bằng nhà quê? Cũng vậy, các đầu bếp giỏi nhất đều tập trung ở Kinh thành để phục vụ bộ máy hành chính và những người nhà giàu. Sao có thể ở Kinh thành ăn kém ngon, kém sành sỏi so với tứ xứ? Vì vậy dù thế nào thì cũng khó mà tổng kết ĂN BẮC MẶC KINH được. Nghĩa là dù cả hai vế thuận ( ăn ngon, mặc đẹp) hoặc ( ăn không ngon, mặc không đẹp); hoặc một về tốt, một vế xấu ( Ăn sành- ngon; mặc xuềnh xoàng; ăn không ngon nhưng mặc đẹp. lịch sự). Tóm lại không thể có ĂN BẮC MẶC KINH, đó là sự chép nhầm, hiểu cạn! ( còn tiếp)
Cám ơn bác Vũ Nho đã đi sâu vào việc phân tích câu mang "nhiều lấn cấn" bên trên. Trong những chuyện "chữ nghĩa" này thì càng có nhiều những nhận xét, phân tích như thế, càng giúp cho mọi người hiểu được vấn đề hơn.
XóaChào bác Hiệp và mọi người. Vì bận nên tôi không nói hết ý về câu tục ngữ. Nay xin nói tiếp.
Trả lờiXóaDo sự thiếu cân đối về đơn vị hành chính ( miền chung chung với Kinh đô cụ thể) và không phù hợp, không chính xác về nội dung ( Kinh thành không thể kém ăn, kém mặc so với tứ xứ vì Kinh thành là nơi tụ hội tinh hoa của quốc gia), bởi vậy mà câu ĂN BẮC MẶC KINH chỉ là một biến thể không hoàn hảo của câu gốc : ĂN BẮC MẶC NAM. Nhưng ĂN BẮC MẶC NAM có ý nghĩa khái quát thế nào?
Giả như câu tuc ngữ này bắt nguồn từ Lạng Sơn. Vậy Bắc có nghĩa là phương Bắc ( chỉ Trung Quốc) còn Nam là chỉ chúng ta, phương Nam, Việt Nam.
Nếu câu này xuất hiện ở Việt Nam, miền Trung chẳng hạn, thì Bắc là miền Bắc, còn Nam là miền Nam.
Như đã phân tích, tục ngữ là đúc kết kinh nghiệm khái quát về hai chuyện ĂN và MẶC. Ở đây có thể có các trường hợp sau:
A. Phương Bắc, miền Bắc ăn NGON, ăn sành. Phương Nam, miền Nam mặc ĐẸP, mặc sành.
B. Phương Bắc, miền Bắc ăn ít, ăn tiết kiệm, dè sẻn. Phương Nam, miền Nam mặc xuềnh xoàng, đơn giản, phóng khoáng.
C. Bắc ăn KHÔNG NGON. Nam mặc ĐẸP
D. Bắc ăn NGON. Nam mặc XẤU. Bắc ăn uống cầu kì. Nam mặc đơn giản
Vì quá cô đọng và vắn tắt, nên không hiểu là ý nghĩa gốc của tục ngữ này là gì. Không biết các cụ tổng kết theo phương án nào? Cả 4 phương án A,B,C,D đều có những điểm khả thủ.
Vấn đề là thời điểm người ta tổng kết hay sự ra đời của câu tục ngữ.
Lần đầu tiên đi công tác miền Nam, tôi ăn cơm ở Cần Thơ. Nhà hàng đưa mỗi khách ăn 5 cái chén con nước chấm…khác nhau. Sao dám bảo miền Nam ăn uống không cầu kì như miền Bắc?
Cũng tương tự câu : Gái thương chồng đang đông buổi chợ. Giai thương vợ nắng quái chiều hôm. Giải thích kiểu gì cũng HỢP lí, mặc dù nghĩa ban đầu chỉ là một.
Cám ơn bác Vũ Nho đã phân tích rất kỹ lưỡng câu bên trên, thật là những điều bổ ích, cần thiết cho tri thức.
Xóa