Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Thần linh và phong tục ngày Tết xưa (2).

Tranh đám rước ngày xưa.

B- Phong tục lễ hội ngày Tết xưa:

Tết là những ngày rất quan trọng của người Việt. Trong nhà mọi người sửa soạn làm lễ cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn tết với con cháu, cũng là dịp để cúng tạ các vị thần phù trợ cho nhà cửa như Thổ công, Thổ địa, ông Táo... trong suốt một năm. Ngoài xã hội thường dịp tết làng xã tổ chức những lễ hội, kính cáo lên thần linh mà làng đã thờ. Đó là những phong tục của người dân Việt xưa nay. Lễ hội trong dân gian xưa thường được tổ chức nơi đình làng. Như tên gọi, lễ hội gồm 2 phần là phần lễ và phần hội. Phần lễ là dành cho các bậc bô lão, quan viên trong làng trực tiếp tiến hành với phong tục tế và rước, còn có phần hội, là những cuộc vui do làng bày ra cho tất cả người dân trong làng cùng tham gia, những cuộc vui này cũng thường liên quan đến vị thần làng lúc sinh thời.

I- Phần lễ: Những buổi lễ thần linh vào dịp tết của làng đều diễn ra tại đình làng, lễ thường có tế và rước.

- Tế: tế thần linh (Thành Hoàng) là nghi lễ được tổ chức nơi đình làng, do các bô lão, quan viên trong làng đảm trách dưới sự chứng kiến của dân làng. Qua tế lễ dân làng tỏ lòng thành kính, ghi ơn công đức đối với thần linh.

- Rước: trong lễ hội xưa kia thường có rước, rước là di chuyển từ nơi này đến nơi khác, hoặc diễu hành tại địa phương với một nghi thức trọng thể. Trong đám rước có kiệu, hương án, cờ quạt, chiêng trống, phường bát âm. Đám rước thần ngày xưa nơi những làng sung túc có cả miếu và đình thường từ miếu tới đình, người dân quê gọi cung kính là "Phụng nghênh hồi đình". Những làng chỉ có đình đám rước thường đi quanh làng. Trong đám rước có kiệu thường do trai tráng khiêng, cờ xí, chiêng trống, phường bát âm. Trong các đám rước ngày xưa thường có 2 người con trai ăn mặc giả gái đeo trống cơm, được gọi là "con đĩ đánh bồng". Lúc đi đường đám rước rất trật tự, với sự tham gia của người dân cùng đi, và đứng xem chật hai bên đường.

Trong phần lễ ngày xưa tại nhiều ngôi làng, có một nghi tiết đặc biệt gọi là hèm. Thể hiện nghi tiết này, người dân thường có những tục lệ để nhớ lại tính tình, sự nghiệp của thần linh mà làng đã thờ. Chẳng hạn như tục diễn lại trận đánh giặc Ân ở làng Phù Đổng, thờ Đức Thánh Gióng, hay tục diễn lại tích Cờ lau tập trân ở làng Trường Yên, tỉnh Ninh Bình thờ vua Đinh Tiên Hoàng.

Tại hội Lim được tổ chức trên đồi Lim, là một ngọn đồi thuộc địa phận của 3 xã Duệ Đông, Lũng Sơn, Lũng Giang huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Tại hội Lim có tục hát quan họ để tưởng nhớ đến công ơn của ngài Hiếu Trung Hầu. Tương truyền rằng hát quan họ là một lối hát do Hiếu Trung Hầu đặt ra để mua vui lúc tuổi già, vì ngài xuất thân là hoạn quan không có con nối dõi. Tại địa phương nơi có lăng thờ ngài, dân chúng quen gọi là lăng quan Trần.

Hát quan họ. Ảnh Internet.

Trong những ngôi làng tại miền Bắc xưa kia thờ những tà thần thì nghi tiết hèm có khác. Trong sách Hội hè đình đám Việt Nam của Toan Ánh viết thôn Thượng, xã Duyên Tục, phủ Tiên Hưng, tỉnh Thái Bình có tục đấm nhau trong lúc cử hành lễ. Làng thờ Thần đấm xưa là một chú chích, bị người ta bắt được đánh chết gặp giờ linh thành thần. Ăn trộm thì thường đi đêm, và cũng có khi bị chủ nhà phát giác chống trả. Để cử hành hèm này đêm hôm giã hội (rã đám), tức là đêm cuối cùng của ngày hội, dân làng già trẻ , trai gái tụ tập ở đình. tế xong đèn đuốc tắt hết, mọi người xông vào đấm nhau. Nhà văn Toan Ánh viết "Trai gái vừa đấm nhau theo nghĩa đen, có khi lại đấm nhau theo nghĩa bóng".

Nơi làng Xuân Ái, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (Hà Bắc) khi xưa có tục cướp bị gậy, bởi sinh thời Thành Hoàng của làng làm nghề hành khất. Đêm hôm giã hội có tục cướp bị gậy để nhắc lại thần tích của làng. Tế xong một hồi trống nổi lên. Ông chủ tế hạ bị gậy từ bàn thờ xuống ném ra sân đình. Lập tức cả làng xô nhau xông vào cướp, mạnh ai nấy chen cố làm sao cướp cho được bị gậy. Người dân tin rằng ai cướp được sẽ được may mắn suốt năm. Làng Tích Sơn, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh yên (Vĩnh Phúc) có tục chém lợn. sau buổi tế con lợn được chém đứt đôi tại sân đình. Tục mang nét bạo lực bởi thần là sinh thời là một tên cướp.

Làng Cổ Nhuế tỉnh Hà Đông (Hà Nội) thờ thần gắp phân, có nghi thức khi cúng thần dân làng làm những cục kẹo lạc, nấu bằng mật đen nhìn giống như những cục phân.

Tục tắt đèn ở làng La Khê Nam, tục gọi là làng La, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Theo nhà văn Toan Ánh thì xưa làng thờ một thần đạo chích lại dâm bôn. Sau lễ tế vào đêm rã đám thì tất cả đèn đuốc trong làng được tắt hết. Đèn tắt trong khoảng một giờ, tất cả dân làng, già trẻ lớn bé tha hồ sờ soạng trong bóng tối, thần làng sinh thời làm nghề ăn trộm lại dâm bôn mà. Dân làng cứ tha hồ ăn trộm lẫn nhau, cho đến khi đèn đuốc được thắp sáng trở lại như không có chuyện gì xảy ra. Lệ làng như thế cho nên ca dao có câu:

Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy,
Vui thì vui vậy, chẳng tày rã đám làng La.

Trong sách Đến với Lịch sử Văn hóa Việt Nam của GS. Hà Văn Tấn viết, trong hội làng ở xã Dị Nậu (huyện Tam Thanh, Phú Thọ) có tục "cướp kén". Có 36 bộ kén (cũng còn được gọi là nõ nường), tức 36 cặp sinh thực khí nam và nữ, sinh thực khí nam làm bằng gỗ, sinh thực khí nữ làm bằng mo cau. Sau khi tế lễ xong những sinh thực khí này để cho dân làng cướp. Người ta tin rằng ai cướp được "kén" năm đó sẽ được may mắn, sinh con đẻ cái, được mùa.

Sách của tác giả Hà Văn Tấn chép, trong đám rước thần Lý Phục Man có động tác bắt chước giao hợp trong các nghi lễ có ý nghĩa phồn thực.

Động tác bắt chước giao hợp trong nghi lễ có ý nghĩa phồn thực. Ảnh Internet.


Về ý nghĩa của tín ngưỡng phồn thực của người Việt xưa, tác giả Hà Văn Tấn viết: Một trong những tín ngưỡng nguyên thủy còn tàn dư rõ nét ở người Việt là tín ngưỡng phồn thực. Các bộ phận sinh dục nam nữ ở một đôi nơi cũng được thờ làm thần, tất nhiên dưới hình thức kín đáo, vì dưới mắt của nhà nho, đó là các "dâm thần".

Trên đây là những hèm, là những nghi tiết, phong tục, diễn ra trong phần lễ của lễ hội tại một số nơi ở miền Bắc khi xưa. Ở miền Nam lễ thần nơi các ngôi đình thường chỉ có lễ cầu an, lễ thượng điền, hạ điền cầu cho mùa màng tươi tốt, nhiều nơi đình làng còn có lễ cầu bông (cầu cho bông lúa tốt), trong lễ cúng thường có rước, gần như không có nghi thức hèm như ở miền Bắc.

II- Phần hội:

Ngoài phần lễ trong lễ hội còn có phần hội, phần hội bao gồm những trò chơi được tổ chức cho dân làng, những trò chơi thường mang tính chất giải trí, khéo léo như đánh đu, đánh phết, cướp cầu, rèn luyện sức khỏe như kéo co, đấu vật, đua thuyền, đánh cờ người... rèn luyện kỹ năng nội trợ như thi thổi cơm, làm bánh trái, cỗ bàn... cho thanh niên nam nữ, nhưng cũng có những trò chơi liên quan đến sự tích của thần làng ngày xưa.

Trong miền Nam, phần hội nơi buổi lễ hội cũng không phong phú như miền Bắc xưa kia, sau phần lễ đình làng thường tổ chức hát bội cho dân chúng đến xem

Trò chơi đánh đu và bắt chạch trong chum trên tranh dân gian. 

Trò chơi bịt mắt bắt dê. Tranh dân gian

Thi thổi cơm. Tranh dân gian.

Thi kéo co. Tranh dân gian.

Đấu vật. Tranh dân gian.

III- Thử nhìn lại tín ngưỡng thờ thần xưa:

Như ta đã biết, đình là nơi thờ thần của dân làng, thần còn được gọi là Thành Hoàng. Thần được chia làm 2 loại: Phúc thần gồm thiên thần nhân thần.

- Thiên thần: được thờ rất nhiều ở Việt Nam có nhiều trong truyền thuyết. Sơn thần (thần núi) và Thủy thần (thần sông, đầm lầy, thần biển) được thờ nhiều hơn cả. Trong số Sơn thần thì thần núi Tản Viên có địa vị cao nhất.

Trong vùng đồng bằng Bắc bộ, và ở những vùng trũng, vùng ven biển... có tục thờ Thủy thần. Thủy thần được thờ phổ biến là Long Vương (Vua Rồng), như Đông Hải Long Vương, Nam Hải Đại Vương, Sát Hải Đại Vương. Một nữ Thủy thần cũng được thờ là Ngọc Thủy Tinh công chúa, liên quan đến Thủy thần là các thần cá, thần rắn. Thành Hoàng của xã Phù Sa (Hưng Yên) được phong với tên nôm na khá dài "Đương Cảnh Thành Hoàng Đức Vua Rí Cửa Cống" vốn là một con cá chép. Thần rắn cũng là thần quan trọng của người Việt khi xưa được thờ ở nhiều nơi. Thần rắn nổi tiếng nhất là Linh Lang, được thờ ở đền Voi Phục (Hà Nội) và nhiều ngôi làng khác ở Hà Tây, Nam Định... Nhiều ngôi đình làng ven biển miền Trung, miền Nam có tục thờ cá voi mà người dân kính cẩn gọi bằng cá Ông, dưới tên gọi Đông Hải Đại Vương...

- Nhân thần: là những nhân vật lịch sử như Lý Bôn, Đinh Tiên Hoàng... Những người có công với đất nước trong việc chống giặc ngoại xâm như hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trung Trực, Trương Công Định... Hoặc là những người có công mở mang các vùng đất mới như Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Cư Trinh, Đông Chính Vương, Dực Thánh Vương là 2 ông hoàng con vua Lý Thái Tổ... Nơi một số làng nghề thủ công thì thần có thể là Tổ nghề, có công dạy nghề cho dân chúng.

Ngoài phúc thần là thiên thần và nhân thần, người dân khi xưa cũng còn thờ những hiện tượng tự nhiên thường gây tai họa cho con người khiến họ sợ hãi, như Mây, Mưa, Sấm, Chớp, với hình thức nữ thần. Chùa Dâu thờ Pháp Vân (Mây) nên gọi là Bà Dâu. Chùa Đậu thờ Pháp Vũ (Mưa) nên gọi là Bà Đậu. Chùa Tướng thờ Pháp Lôi (Sấm) nên gọi là Bà Tướng. Chùa Dàn thờ Pháp Điện (Chớp) nên gọi là Bà Dàn.

Thần đá cũng được nhiều nơi thờ, như thần Bạch Thạch (Đá Trắng) thờ ở Phù Ninh (Phú Thọ), Nghi Lộc (Nghệ An). Thần Thạch Khanh (Ông Đá) thờ Bạch Hạc và nhiều nơi khác...

Thần cây cũng có nơi thờ, như ở thôn Cẩm La, xã La Chàng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Có nhiều nơi thờ thần hổ mà người dân gọi là Ông Cọp, Ông Ba Mươi...

Những thần không phải là phúc thần vừa kể bên trên, cùng với tín ngưỡng phồn thực thờ sinh thực khí (nõ nường, chày cối) là những tín ngưỡng nguyên thủy rất rõ nét còn sót lại trong dân gian.

- Tà thần, yêu thần: ngày xưa trong dân gian còn thờ tà thần hay yêu thần, gồm những thần như thần ăn trộm, ăn cướp, thần ăn mày, thần gắp phân, thần dâm bôn... Những thần này thường không rõ tên tuổi, chỉ thấy sách vở ghi chép có khi đi ăn trộm, ăn cướp bị dân làng đánh chết, khi chết gặp giờ linh nên được dân làng thờ... Tại sao người dân khi xưa lại thờ những vị thần không chính danh như vừa kể?

Như chúng ta đã thấy trong sách Đến với Lịch sử Văn hóa Việt Nam của GS. Hà Văn Tấn viết: Một trong những tín ngưỡng nguyên thủy còn tàn dư rõ nét ở người Việt là tín ngưỡng phồn thực. Các bộ phận sinh dục nam nữ ở một đôi nơi cũng được thờ làm thần, tất nhiên dưới hình thức kín đáo, vì dưới mắt của nhà nho, đó là các "dâm thần". Theo như GS. Hà Văn Tấn ta có thể đặt câu hỏi, phải chăng "dâm thần" trong dân gian chính là vị thần có nguồn gốc từ tín ngưỡng phồn thực cổ xưa ấy? Tức là tục thờ sinh thực khí và những tục có ý nghĩa phồn thực khác như bắt chạch trong chum, tắt đèn... có trước, rồi về sau dân gian "thần hóa" thành "thần" mà người đời gọi là "dâm thần". Người Chăm theo đạo Bà La Môn ở Việt Nam xưa nay còn thờ Linga và Yoni là sinh thực khí nam và nữ nơi các tháp Chăm, là nơi thờ thần thánh của họ.

Những tà thần khác chẳng hạn như thần ăn trộm, ăn cướp phải chăng là nỗi sợ hãi của người dân trước những bạo lực mà họ gặp phải trong cuộc sống, cho nên dù có buộc phải chống trả, có khi đánh chết tên trộm, tên cướp, nhưng sau đó người dân vẫn thờ, để mong mỏi bạo lực không còn đến với họ? Cũng tựa như người dân khi xưa đã thờ Tứ pháp mây, mưa , sấm, chớp, những hiện tượng thiên nhiên đã mang tai họa đến cho họ, để cầu được mưa thuận gió hòa. Cũng như ngày xưa khi đương đầu với thú dữ như hổ, người dân vẫn phải giết hổ, nhưng vẫn cứ phải thờ và kính cẩn gọi hổ bằng Ông.

Còn tà thần gắp phân? Nước ta xưa nay là nước nông nghiệp. "Nhất giống, nhì phân", phân là thứ rất cần thiết của nhà nông, ngày xưa chỉ có phân xanh, phân chuồng, tức là phân gia súc (và cả phân của người), là nguồn dinh dưỡng chủ yếu cho ruộng vườn. Chuyện đi gắp phân ngoài đường làng là chuyện rất bình thường, có khi nó như một "cái nghề" nuôi sống nhiều người, hay cả một làng. Như thế ngày xưa tuyên dương việc gắp phân thành "thần", như "tổ nghề" có lẽ cũng không phải là việc quá đáng, cũng như có nhiều ngôi đình làng thờ tổ nghề làm kim hoàn, đúc đồng, nghề mộc, nghề dệt lụa...

Còn chuyện thờ thần cây, thần đá cũng dễ hiểu, dân gian có câu "Thần cây đa, ma cây gạo", Những cổ thụ sum suê cả trăm năm tuổi, hay những hòn đá có hình thù kỳ dị cũng làm cho dân làng cảm thấy sợ hãi, và khi trong lòng đã sợ hãi, bất an thì cách tốt nhất là thờ nó, như người ta đã thờ sấm, chớp, mây, mưa, thờ tên ăn cướp, ăn trộm...

Như vậy việc thờ tà thần (thần ăn trộm, ăn cướp, dâm thần...), hay thờ thú dữ, cây, đá... khi xưa cũng không có gì đáng xấu với thời bấy giờ (và ngay cả với thời nay), nó là tiến trình tất yếu của cuộc sống con người. Có những tục lệ liên quan đến việc thờ những tà thần, thời nay không còn thích hợp thì nên bỏ (như tục chém lợn). Nhưng những thần tích, tục lệ, và việc thờ phụng những tà thần ấy, tôi nghĩ vẫn nên ghi chép lại trong sách vở, trong thần tích của làng, vì nó chính là lịch sử một thời của cha ông...



Sách tham khảo:

- Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính, NXB Văn hóa Thông tin - 2005.
- Việt Nam Văn hóa sử cương, Đào Duy Anh, NXB Văn hóa Thông tin - 2003.
- Hội hè đình đám Việt Nam, Toan Ánh, NXB TP. HCM - 1999.
- Đình miếu & Lễ hội Dân gian miền Nam, Sơn Nam, NXB Trẻ - 2004.
- Một số cơ sở Tín ngưỡng dân gian - Di tích lịch sử văn hóa TP. HCM, nhiều tác giả, Sở Văn hóa và Thông tin - Ban Quản lý Di tích Lịch sử văn hóa và Danh lam thắng cảnh ấn hành năm 2001.
- Đến với Lịch sử văn hóa Việt Nam, Hà Văn Tấn, NXB Hội nhà văn - 2005.
- Cơ sở văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm, NXB Giáo Dục - 1998.








6 nhận xét :

  1. Cái kết luận của bác, chỉ xin góp ý một chút thôi, là dùng chữ "điều chỉnh" hay cho "bỏ". Ý là chỉ nên khuyến cáo "điều chỉnh" thôi.

    Kết luận của bác:
    Như vậy việc thờ tà thần (thần ăn trộm, ăn cướp, dâm thần...), hay thờ thú dữ, cây, đá... khi xưa cũng không có gì đáng xấu với thời bấy giờ (và ngay cả với thời nay), nó là tiến trình tất yếu của cuộc sống con người. Có những tục lệ liên quan đến việc thờ những tà thần, thời nay không còn thích hợp thì nên bỏ (như tục chém lợn). Nhưng những thần tích, tục lệ, và việc thờ phụng những tà thần ấy, tôi nghĩ vẫn nên ghi chép lại trong sách vở, trong thần tích của làng, vì nó chính là lịch sử một thời của cha ông...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý với bác Giao là nên "điều chỉnh" chứ không phải là "bỏ" tục chém lợn (ý của tôi là bỏ cái lệ chém đứt đôi con lợn giữa chốn ba quân thôi), còn nguyên lễ hội ấy của làng thì vẫn giữ lại. Vừa qua thấy có đề nghị không "chém" giữa đông người, nhưng vẫn giữ tục rước lợn ra đình, cũng là một cách điều chỉnh bớt đi phần bạo lực.

      Xóa
  2. Tỉnh Bắc Ninh đã thay tục chém lợn bằng rước lợn rồi các bác ơi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là được rồi bác Bu, ta lấy cái ý nghĩa khuyến khích chăn nuôi cho nó lành, chứ cái cảnh chém đứt đôi con lợn, máu me tung tóe, rồi người dân ùa vào lấy tiền quệt máu lợn thấy "phản cảm" quá. Đọc báo thấy ông PGĐ sở Văn hóa tỉnh Bắc Ninh nói, máu lợn phun ra khi chém mang hình ảnh của "tia chớp", tượng trưng cho "ấm no hạnh phúc" (?). Tôi đọc sách chưa bao giờ thấy viết như thế. (!)

      Xóa
  3. "Trong các đám rước ngày xưa thường có 2 người con trai ăn mặc giả gái đeo trống cơm, được gọi là "con đĩ đánh bồng". bác PNH đã nhâm cứu tục này chưa?? Cũng hay đây!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng đã thử tra trên mạng, thấy nói tục này có từ thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đánh thắng giặc Đường, khi đóng quân nghỉ ngơi, để mua vui khích lệ tinh thần binh lính, cho lính giả gái múa. Tôi cũng có xem một cái clip trên Youtube về điệu múa này.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))