Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

Phương tiện về chầu Trời của Ông Táo miền Nam.


Hôm này là 23 tháng Chạp, ngày đưa Ông Táo về chầu Trời. Trong tục cúng đưa Ông Táo trước đây phổ biến ở miền Bắc, ta thường thấy phương tiện dùng để đưa tiễn Ông Táo về Trời là cá chép. Trong lễ cúng người ta thường kèm theo một vài con cá chép còn sống, sau khi cúng tiễn Ông Táo xong mang ra hồ ao, sông rạch thả. Cá chép là loài cá theo truyền thuyết đã vượt qua ba kỳ thi sát hạch vượt Vũ môn để hóa thành rồng.

Còn theo sách Đặc khảo về Tín ngưỡng thờ Gia thần*, trong miền Nam, phổ biến là vùng Nam bộ, tục đưa Ông Táo có hơi khác, thay vì cúng cá chép để đưa Ông Táo, thì người dân dùng bộ giấy "cò bay ngựa chạy", theo ý nghĩa ngựa chở Ông Táo đi đường bộ rồi cò chở Ông Táo bay về Trời. Tục dùng ngựa và cò làm vật cưỡi trong miền Nam bắt nguồn từ nghi thức "xá mã, xá hạc", tục này theo nghi thức của Đạo giáo và của Phật giáo. Đây là nghi thức được tiến hành sau cùng trong các buổi cúng tế. Người ta gom tất cả các tờ sớ nhét vào ngựa giấy và hạc giấy đã để sẵn trong lễ cúng, rồi đem đốt với ý nghĩa nhờ ngựa và hạc mang sớ đến những nơi cầu cúng trong Tam giới.

Trong bộ giấy tiền vàng bạc cúng Ông Táo trưa nay ở nhà tôi, quả nhiên tôi có thấy tờ giấy bản "cò bay ngựa chạy" mà tôi chụp lại dưới đây.

Giấy cò bay ngựa chạy trong bộ giấy tiền vàng bạc cúng Ông Táo.
Thì ra Ông Táo ở miền Nam dùng phương tiện chuyên chở có khác với Ông Táo ở miền Bắc, Ông Táo miền Nam đi đủ cả, đường bộ, đường hàng không, cuối năm chắc phải vào mạng "i meo" đặt vé trước, để cận ngày quá kiếm vé xe khách, máy bay chắc mệt...

Cúng tiễn đưa Ông Táo ngày 23 tháng Chạp trong bếp ngày nay.

Trong lễ cúng Ông Táo ở nhà, trong mâm cúng ngoài một ít thức ăn, năm nào tôi cũng thấy bà xã tôi cúng chè trôi nước. A, cái món chè trôi nước này chắc cũng có ý nghĩa của nó đây. Ông Táo về chầu Trời phải tâu lại chuyện trong nhà gia chủ trong suốt một năm, tất tần tật không chừa chuyện gì, mà trong một năm thì làm gì mà nhà nào lại không có những chuyện lộn xộn. Ngày xưa cũng có nhà "đối phó" bằng cách bịt miệng Ông Táo, không để ông nói năng, bằng cách trong lễ tiễn đưa cúng nguyên cho Ông Táo một lon kẹo mạch nha, làm quà đi đường, Ông Táo hảo ngọt xơi vào là ngắc ngứ, mồm miệng dính chặt lên Thiên đình  khó lòng mà nói năng.

Chè trôi nước làm bằng bột nếp dẻo cũng thế, chè viên cục nhỏ chỉ toàn bột không nhân, cục to thì trong có nhân đậu xanh nhuyễn, nhưng vẫn chủ yếu là lớp vỏ bột nếp dẻo bao bên ngoài, thứ này mà ăn hơi tham một chút không những dính mồm miệng, có khi còn mắc nghẹn như chơi.

Hì hì! Dân gian ta xưa nay quả cũng... gian thật.



* Đặc khảo về Tín ngưỡng thờ Gia thần, Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Đại Phúc, NXB Văn hóa Văn nghệ - 2013.



20 nhận xét :

  1. Bác Hiệp đưa chi tiết hay, trước mới chỉ đọc thấy, nay thấy luôn cái Giấy Cò Bay đó rồi ! Bác bổ sung thêm một chút ảnh, để thấy khung cảnh khung quanh nữa thì tuyệt nhất.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi bổ sung thêm tấm hình cúng Ông Táo trong bếp nhà, và thêm ít dòng nữa bác Giao.

      Xóa
    2. Vâng, em thấy rồi ! Bác bổ sung đoạn dưới cũng thú vị đó ! Nào là mạch nha, rồi thì bánh dẻo dính chặt miệng, làm cho Táo Nhà Ta không mở được miệng. Dân quả là ... gian thật !

      Xóa
    3. hì hì, viết thêm chút cho vui bác Giao.

      Xóa
  2. vậy mà trước giờ cháu chỉ nghe nói đến cá chép thôi, CÒ BAY NGỰA CHẠY hay như vậy mà chẳng thấy ai nói tới
    chắc ông táo dzìa trời bằng phương tiện gì cũng được định hướng hết rồi :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cò bay ngựa chạy thì đỡ phải đi mua cá, rồi lại phải ra bờ kênh Nhiêu Lộc thả phiền phức.
      Người ta cho Ông Táo đi bằng gì là có toan tính hết trơn rồi :-)

      Xóa
  3. Cá chép hóa rồng sau khi vượt vũ môn thăng thiên đảm bảo tốc độ cao và an toàn. Ngựa đi đường bộ gặp phải đường xấu thì rất mệt, có bay liệu có hơn rồng bay không. Nhưng được cái đốt giấy cò bay ngựa chạy nhanh hơn thả cá. Hóa ra thả cá cũng phiền hà lắm, 4 lần thả cá ở VT ông con rể lái xe chở bố vợ đi 4- 5 chỗ mới tìm được nước ngọt. Nơi có nước thì người thả cá ném bừa bãi túi ni lông nguy hại cho môi trường lắm. Năm sau có lẽ làm theo bài người Nam thôi. Nhưng bản vẽ ngựa cò ấy có bán ở các chợ VT không nhỉ. Cùng lắm thì tự vẽ ra cũng được chớ sao. hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, chuyện đi kiếm chỗ thả cá nhiều nơi không phải dễ, mấy năm trước có lần bà xã tôi mua mấy con cá chép chưa kịp cúng thì Ông đã thăng rồi, sau bỏ luôn.
      Ra chợ mua giấy tiền vàng bạc ngày cúng ông Táo là có cái tờ cò bay ngựa chạy kèm trong đó bác Bu, còn không thì mình vẽ chắc được chớ :-)))

      Xóa
  4. Hihi ...ở bên em chắc Ông Táo về chầu Trời bằng máy bay quá hè !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, chắc bên NangTuyet Ông Táo đi bằng Air France :-)

      Xóa
    2. Hihi ....đó là Ông Táo nhà giàu mới đi bằng Air France và Vietnam AirLine ( chuyến bay trực tiếp ) đó anh Hiệp ui ...chứ Táo nhà em ...chắc là đi bằng tàu giấy quá hè ...huhu ..nghĩ mà thương Táo quá ...

      Xóa
    3. Đi bằng tàu bay giấy cũng được, đừng đi bằng Air Malaysia là được rùi :-)

      Xóa
    4. Còn bên tui Ông Táo đi bằng xe Bus Nhị Vị ạ.........haha

      Xóa
    5. Chắc loại xe Bus có giường nằm như ở Việt Nam, hihi!

      Xóa
  5. Anh Hiệp chuẩn bị phong lì xì, mùng một Mùa Thu Buồn ghé qua chúc Tết và lụm phong lì xì nha...Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sẵn sàng, mùng một MTB ghé qua là có lì xì liền :-))

      Xóa
  6. Hôm nay đọc bài này của bác con mới để ý ra điều này. Con hôm bữa cũng tìm thấy tờ "cò bay, ngựa chạy" mà ko hỉeu ý nghĩa và dùng nó làm gì. Cám ơn bác nhiều. :-). Bữa nào bác cháu mình "tất niên" cái bác ha!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, cuối năm bận rộn quá, để Tân niên đi :-)

      Xóa
    2. Dạ. Vậy cũng đc bác. Tân niên cho mới. :-)

      Xóa
    3. Ok, năm mới cũng nên có gì mới mới :-)

      Xóa

:) :( :)) :(( =))