Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Khai bút đầu năm.


Quyển sách được ký tên và ghi mấy chữ khai bút vào những ngày đầu năm.

Không rõ tục khai bút vào dịp đầu năm có từ bao giờ. Tôi nhớ ngay từ khi còn bé, vào những ngày đầu năm sau kỳ nghỉ tết, trước khi đi học lại bố mẹ tôi thường chọn một ngày nào đó nói là ngày tốt, kêu chị em chúng tôi ngồi vào bàn học, lấy sách vở ra viết bài, hoặc có khi chỉ là nắn nót viết mấy chữ, gọi là khai bút đầu năm. Có những người khai bút vào dịp đầu năm bằng chữ Tâm, chữ Tài, chữ Đức, hay câu Cung ChúcTân Xuân... Cũng có người viết mấy câu thơ mình yêu thích, hay câu danh ngôn, lời hay ý đẹp... Riêng tôi khi đã lớn, vào dịp đầu năm tôi thường chuẩn bị sẵn một quyển sách, ký tên và viết mấy chữ vào trang đầu của quyển sách, thường chỉ là ngày, tháng của đầu năm ấy. Nhưng viết gì thì viết, khi khai bút đầu năm, mọi người đều tập trung và viết bằng chính nét chữ của mình, dù cho có viết xấu hay đẹp.

Tục khai bút đầu năm cũng giống như tục xuất hành, hay chọn ngày khai trương của người buôn bán, hoặc tục khai ấn của nhà quan khi xưa. Ngày xưa vào dịp đầu năm mới người ta chọn ngày, giờ, và cả hướng đi để xuất hành. Đối với những người buôn bán thì ngày khai trương buôn bán lại sau những ngày Tết cũng rất quan trọng, cũng phải chọn ngày, giờ tốt, hạp với tuổi của mình, sửa soạn một mâm cúng kính cáo với thần linh phù hộ cho việc khai trương trở lại trong năm mới, có những nơi họ mời cả đội lân đến múa để cầu mong năm mới được đại cát.

Riêng với các nha, phủ, huyện, tổng, xã... những nơi giữ ấn của triều đình, cuối năm vào ngày nghỉ phải làm lễ lau chùi ấn sạch sẽ cất đi, sang đầu năm phải chọn ngày lành, giờ tốt để khai ấn. Trước khi khai ấn quan lại cũng phải sửa lễ kính cáo lên vị thần giữ ấn, cầu xin cho được một năm mới hanh thông. Người xưa tin rằng bản văn đầu tiên được đóng dấu ấn là bản văn tốt lành. Ngày nay thì người ta đóng ấn và phát tràn lan đến cả ngàn, cả vạn bản, còn đâu chuyện thiêng liêng của ấn bản đầu tiên nữa. Trước đây phát ấn đền Trần, năm nay đọc báo có cả phát ấn đền Quang Trung, dĩ nhiên việc phát ấn tràn lan, về phía nơi phát ấn đã mang một mục đích khác (Báo Tuổi Trẻ ngày 26-2-2015 có bài viết trích lời của GS Ngô Đức Thịnh, với tựa "Phần lớn lễ hội mang tính vụ lợi").

Trở lại chuyện khai bút đầu năm, đọc trên Vietnam net thấy có tin sáng 23-2-2015 (bài viết có tựa "Tại sao lãnh đạo khai bút theo nét chữ đã chuẩn bị?"), TP. Hà Nội tổ chức lễ Khai bút đầu xuân tại đình thờ nhà giáo Chu Văn An, tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì - Hà Nội. Trong buổi lễ, những nhà lãnh đạo TP. Hà Nội và Bộ GD-ĐT đã cùng nhau viết chữ Đức - Trí - Học - Thành - Nhân bằng bút lông theo kiểu thư pháp chữ Việt (mỗi vị viết một chữ). Điều này rất hay, nhưng qua bài báo và hình ảnh được chụp trên báo, mới thấy các vị lãnh đạo sở tại đã viết các chữ Đức - Trí - Học - Thành - Nhân theo cách cầm bút lông... đồ lên những chữ đã được viết mờ sẵn.

Thiển nghĩ một buổi lễ có ý nghĩa về nội dung như thế là một hoạt động văn hóa rất hay, chỉ cần trong buổi lễ, các lãnh đạo địa phương, ban ngành, viết những câu khai bút đầu xuân vào một quyển sổ lưu niệm, thực tâm chúc người dân địa phương mình, hay cán bộ công chức của ngành mình quản lý, những lời chúc tốt đẹp trong năm mới, thế là đã trang trọng và đầy đủ ý nghĩa, hơn là đi đồ lên những chữ đã được viết sẵn như thế.




8 nhận xét :

  1. Chả biết đồng chí nào quân sư dở như thế mà lãnh đạo cũng nghe... Mình từ lâu đã bỏ bút lông rồi khi bắt đầu cả nước dùng chữ quốc ngữ. Vậy mà đi dùng bút lông, "tô" lại chữ người ta viết trước thì rõ là...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ý tưởng hay mà quân sư dở, thực hành dở thì hỏng bét phải không bác Vũ Nho? Ngay cả việc cầm cái bút lông, khổ, chắc là lần đầu các vị cầm nó...

      Xóa
  2. Sự giả dối đã đến mức trắng trợn và vô liêm sĩ. Buồn!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái này không phải buồn cười, mà là cười buồn bác Bu. Không còn trông mong gì được nữa rồi :-(((

      Xóa
  3. " Điều này rất hay, nhưng qua bài báo và hình ảnh được chụp trên báo, mới thấy các vị lãnh đạo sở tại đã viết các chữ Đức - Trí - Học - Thành - Nhân theo cách cầm bút lông... đồ lên những chữ đã được viết mờ sẵn " ...Ôi ....không thể tin nỗi !!!!

    Trả lờiXóa
  4. Ngày xưa còn bé học mẫu giáo khi chưa biết chữ thì mình đã được dạy cho viết chữ bằng cách tập đồ lên chữ viết sẵn như thế, hì hì!

    Trả lờiXóa
  5. Không hiểu sao các bác nhà ta dạo nạy chuộng thư pháp thế không biết. Bác 4 viết chữ Trí tặng Đại học Tp HCM đọc ra thành Trĩ, mấy anh chị bé hơn ở HN thì tô chữ... Đây là điềm gì vậy bác Hiệp?!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi! Không biết điềm gì Toro? nhưng cái kiểu... thư pháp... đồ tập thể này thì có một không hai, duy nhất chỉ có ở VN thật :-(

      Xóa

:) :( :)) :(( =))