Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2015

Nhảm bàn cuối tuần: Nguyên do vì đâu lễ hội bị "soi"?.



28/02/2015 09:17 GMT+7
TT - Trong tín ngưỡng mà trục lợi thì không còn là tín ngưỡng. Nhưng đó là thực trạng của nhiều lễ hội năm nay.
Người dân giẫm đạp lên nhau để mua ấn đền Trần năm 2013 - Ảnh: Nguyễn Khánh 
Năm nào cũng vậy, vào mùa lễ hội dịp đầu xuân là nảy sinh biết bao hiện tượng tiêu cực, từ bạo lực đến nhét tiền lẻ vào tay tượng Phật, đánh nhau hỗn loạn để tranh cướp ấn cướp lộc... Một trong những nguyên nhân của thực trạng nhiễu loạn ấy là do lễ hội hiện nay đang nhuốm màu trục lợi.
Có năm, lãnh đạo TP Nam Định cho biết riêng lễ hội đền Trần đã thu được 14 tỉ đồng. Sau đó, số tiền ấy được sử dụng như thế nào tôi không biết, nhưng nó biến lễ hội đó thành một lễ hội trục lợi.





























Hình ảnh và trích đoạn của bài viết có nhan đề "Bi kịch tín ngưỡng của người Việt" trên báo Tuổi Trẻ ngày hôm nay (28-2-2015) của GS Ngô Đức Thịnh (Nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian VN) bên trên, đã nói lên nhiều điều về một số lễ hội ở Việt Nam bây giờ*. GS viết tiếp (đại ý), một lễ hội khác ở đền Sòng (Thanh Hóa) có năm sau khi trừ đi tất cả mọi khoản chi phí cho lễ hội, nhà đền còn nộp cho ngân sách của huyện 12 tỉ đồng. Cũng phải lưu ý rằng Thanh Hóa không phải là một tỉnh lớn giàu có như Hà Nội, hoặc TP. HCM, mà sau một mùa lễ hội, một huyện còn nộp ngân sách được như thế.

GS nói bản thân ông là một người Nam Định, và ông rất xấu hổ vì chuyện "mua - bán ấn"**, cho dù nếu được hỏi thì không một ai cầm được cái ấn đền Trần phát ngày tết lại nói là mua - bán, nhưng chắc chắn không một ai cầm được cái ấn đền Trần ấy mà không phải trả một số tiền nhất định. GS cũng cho biết thêm, ông không biết số tiền tỉ thu được ấy được dùng vào việc gì? Nhưng điều này lý giải cho việc tại sao người ta không muốn từ bỏ lễ hội phát ấn này, cho dù nó không đúng với truyền thống (phát ấn tràn lan và thu tiền). Ở người nhận được ấn  thì mong được "thăng quan tiến chức", còn ở người phát ấn thì nhận được tiền, và "không ai dễ từ bỏ một mối lợi hàng chục tỉ đồng như vậy". Ông nói việc này là "Đút lót thần linh", giống y như ở ngoài xã hội người ta có thói quen "đút lót cho cán bộ, công chức". GS cũng đề cập đến chuyện không gian lễ hội đã không còn "tính thiêng" nữa mà "tính bạo lực" đã gia tăng, điển hình là việc các thanh niên đã cầm gậy đánh nhau tại hội Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) đầu năm nay...

Theo như GS Ngô Đức Thịnh nguyên nhân của những hỗn loạn trên là do lịch sử để lại, "đó là có một thời kỳ dài chúng ta không thừa nhận tín ngưỡng, đã xóa sạch mọi lề lối trong đời sống tín ngưỡng xưa kia mà ông cha để lại. Sự đứt gãy trong lịch sử tín ngưỡng người Việt đã để lại hậu quả đến tận bây giờ, là người VN rất thiếu kiến thức về tín ngưỡng, nên mới gây ra sự hỗn loạn và xung đột trong lễ hội. Không chỉ người dân mà ngay cả một số quan chức văn hóa hiện nay cũng không có kiến thức về tín ngưỡng".

Theo ý kiến của GS Ngô Đức Thịnh "Để giải quyết bài toán khó này, Bộ VH-TT&DL phải có một chiến lược lâu dài, có thể 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn để tuyên truyền, giáo dục, đưa lại cho người dân những hiểu biết về tín ngưỡng. Khi người dân có kiến thức về tín ngưỡng thì học sẽ tự điều chỉnh hành vi cho phù hợp với lề lối".

Trên đây là những nhận định và kiến nghị của một vị GS đã từng giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian VN, về tình trạng hỗn loạn và cách giải quyết trong lễ hội của VN hiện nay. Tôi hoàn toàn đồng ý và ủng hộ bài viết của GS.

Nhét tiền lẻ vào miệng rồng. Ảnh Internet.

Nếu chúng ta có thời giờ theo dõi trên mạng, chắc sẽ thấy những hình ảnh, những video clip khác về tình trạng của lễ hội hiện nay và những ý kiến ngao ngán của người dân. Một cảnh khai đao đầu năm (không phải khai bút) máu me giữa sân đình sau đó người dân lấy tiền lẻ quết vào máu lợn cầu may, cảnh khác là cướp giựt đồ lễ, đánh đấm nhau như xã hội đen ở hội Gióng, cảnh khác là một video quay lại chiếc kiệu thánh đang rước giữa đường, nhiều lần nhào tông thẳng vào sau một chiếc xe du lịch đang đậu ven đường, dưới sự điểu khiển đánh trống của một bô lão mặc áo gấm, cho đến khi chiếc kính sau xe bể nát, và người phụ nữ được cho là chủ xe quỳ lạy xin tha. Cảnh nữa là đến hẹn lại lên, hàng ngàn người chen chúc giẫm đạp nhau xin ấn đền Trần, khi chiếc kiệu rước đi ngang thì cơn mưa những đồng tiền lẻ được vo tròn của những người dự lễ ném vào chiếc kiệu... Còn những hình ảnh đốt nhang, đốt giấy tiền vàng mã nghi ngút, nhét tiền lẻ vào miệng rồng, vào tay Phật... hay thần thánh thì rất nhiều... Một hình ảnh khác văn hóa hơn là các vị lãnh đạo khai bút đầu xuân ở đền Chu Văn An, nhưng tiếc thay lại đi đồ lên những chữ đã được viết sẵn...

Nói cho ngay tại sao bây giờ những lễ hội lại bị "soi" kỹ và người dân ngao ngán như vậy? Theo tôi nguyên do đầu tiên chính là ở "ông"... công nghệ thông tin, hì hì.  Đúng thế, hãy nghe những người biện minh cho lễ hội chém lợn, đấy là truyền thống, là lệ làng, người ta đã chém như thế cả trăm năm, cả ngàn năm nay rồi có ai nói gì đâu, bây giờ bày đặt có ý kiến ý cò, mà cơ khổ, không chỉ người trong nước bày tỏ, đến cái tổ chức quốc tế ở tận đâu đó, có khi chẳng biết cái làng Ném (Ném Thượng) ở đâu trên bản đồ Việt Nam, cũng bày đặt xía vào. Trước đây hội làng thì chỉ có người làng, cùng lắm là người trong tổng, trong huyện biết, đến xem xong ra về hỉ hả rồi thôi, đến cái máy chụp phim cà cộ đen trắng cũng chẳng có, đố ai có được một tấm ảnh chụp chém lợn bảy tám chục năm trước, bây giờ mỗi người một cái Xì mác phôn, là một cái đài thu phát hình ảnh, chỉ tích tắc sau hình ảnh đã tràn lan ra khắp thế giới, chuyện máu me, đánh đấm, cướp giựt, bạo động... không sót một thứ gì, thế mới thành ra chuyện...

Vậy thì để có thể giải quyết được trước mắt chuyện "soi" lễ hội, chờ giải pháp giáo dục căn cơ 10, 20 năm hay hơn nữa của GS Ngô Đức Thịnh, đề nghị tuyệt đối những ai tham dự lễ hội, kể cả phóng viên báo đài đều không được mang theo mọi loại máy ghi được hình ảnh, kể cả âm thanh, chẳng hạn như máy quay video, máy chụp ảnh, các loại điện thoại di động... tuyệt đối không được ghi hình ảnh gì hết, mọi chuyện sẽ tuyệt mật như đang ở trong lò chế bom nguyên tử vậy. Nghĩa là sẽ chẳng có được một hình ảnh, một mẩu video nào về lễ hội được đưa lên mạng, bảo đảm cái số người chỉ biết "soi" rồi phê phán qua hình ảnh trên mạng, sẽ giảm được đến chín mươi chín phẩy mấy phần trăm, và sau một mùa lễ hội các nơi sẽ hoan hỉ tổng kết, lễ hội của nhà đền chúng em diễn ra rất văn hóa, văn minh, tuyệt đối an toàn...

Thật đấy!



Ghi chú:

* Thống kê năm 2009 trên trang mạng Wikipedia cho biết trong một năm, VN có 7.966 lễ hội trên cả nước. Đa số tập tập trung ở miền Bắc, những địa phương có nhiều lễ hội là Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Phú Thọ.

** Chữ trong ngoặc kép là nguyên văn trong bài viết trên báo TT.





8 nhận xét :

  1. Vậy là bác "gãi" đúng chỗ ngứa rồi đó bác. Vụ này là do mấy "chú" nhà báo làm ăn theo kiểu câu khách nên mới tìm những tin vậy mà đưa. Chứa còn dân thường không rảnh rỗi mà đi làm những chuyện vậy. Rồi đưa lên báo đài, người này người kia nhận xét. Rồi người kjác a dua theo "tâm lý bầy đàn" mới sinh ra như vậy.
    Con đọc trên mạng xong là phải coi ngay phần "bình nọan" của độc giả. Đa phần là giới trẻ như tụi con. Đưa ra những nhận xét kiểu trên mây. Muốn thể hiện ta "nhân đạo, hiện đại, hội nhạap quốc tế". Chứ còn lễ hội kiểu "man rợ" này trên thêa giới còn nhiều lắm bác. Dân người ta vẫn tham gia ầm ầm. Chẳng ai lên tiếng hết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy thì nhà đền phải ra một cái "Thông cáo báo chí" trước khi làm lễ hội... cấm người đi lễ tuyệt đối không được mang theo mọi sản phẩm ghi được hình ảnh, bất tuân sẽ bị tịch thu ráng chịu, hì hì!

      Xóa
    2. Cũng như khi bác đi thăm lăng Bác. Có một đội ngũ sẽ thu máy hình, camera ở cửa. Khi ra đầu kia sẽ đc rrả lại. Hihi. Ở quê con có hội chùa Thầy cũng hay lắm. Múa rối nước, đấu vật. Lên núi thì đc coi xương người trong hang động. Con coi từ khi nhỏ xíu, vậy mà chẳng thấy ai đề cập gì cả. Cái hay họ bỏ, chỉ "canh" cái xấu lòi ra là "đập". Khổ vậy đó. :-)))

      Xóa
    3. Rồi khắp nơi nơi sẽ học tập phương án... tối ưu này, nhà hàng, khách sạn, trường học... kể cả khu vui chơi sẽ cắt cử người thu giữ ở đầu vào tất cả mọi phương tiện nghe nhìn, và trả lại ở đầu ra. Cuối cùng thì mọi người sẽ không còn thấy cần những thiết bị... nhiễu sự này nữa, và cái dự án 10, 20 năm hay hơn nữa để nâng cao nhận thức lễ hội cho người dân của vị GS kia sẽ phá sản, hù hù!

      Nói chơi vui cho hợp với tiêu đề "Nhảm bàn cuối tuần" vậy mà :-)))

      Xóa
  2. Híc ...càng đọc càng thương cho nền văn hóa của nước nhà đang ngày một " thoái hóa " ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói theo ngôn ngữ ngày trước là "Xuống dốc không phanh" đó NangTuyet :-(

      Xóa
  3. Bu tui lại vô cùng ũng hộ các nhà báo phanh phui cái tệ hại của lễ hội hiện nay. Cuộc sống có phần đi lên thì đạo đức xã hội đang đi xuống theo kiểu tụt dốc không phanh. Người ta xông vào lễ hội để cướp lộc, cướp hoa, bê cả hòm công đức chạy xuống sông, đánh nhau vở đầu u trán phải vào viện cấp cứu thì đấy là kẻ cướp làm loạn chứ không còn là văn hóa lễ hội nữa. Tại sao như vậy, nói ra thì không cùng. Hồi CCRĐ đã có cảnh con đấu cha, lên pháp trường vặt râu bố hỏi mày biết tao là ai không. Dấu hiệu của sự sa đọa đạo đức, đảo lộn thuần phong mỹ tục manh nha cách nay hơn nữa thế kỉ rồi, bây giờ là lúc gặt hái hậu họa. Chính quyền địa phương bất lực, vô trách nhiệm, ăn xôi chùa ngọng miệng mất rồi. Chưa nói đám dân đen trong lễ hội, hãy nhìn vào cựu TBT ngồi trên ngai vàng còn vua hơn cả vua thời phong kiến. Ông Giáo sư được xem là quốc sư dốt đặc câu đối viết tào lao và ăn cắp thơ Lý Bạch. Gìa 100 tuổi còn bày đặt ôm hôn người đẹp 19 tuổi theo kiểu hôn của anh lực điền. Nhà dột tức nóc cha ông nói cấm sai…

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoàn toàn nhất trí với bác Bu, sống ở thời nào cũng phải trang bị cho mình kiến thức hành xử của thời đó, và cách hành xử cũng phải theo vị thế của mình, của xã hội mình đang sống (chẳng hạn nhà giáo, nhà tu hành... không thể có hành vi và ăn nói xuồng xã cho dù lúc không hành lễ, hay đang đứng trên bục giảng). Vua phải ra vua, quan phải ra quan, dân phải ra dân... Những lời nói, những chủ trương "có cánh" phải đi đôi với việc làm.

      Chẳng hạn như chuyện "Ngai rồng" của cựu TBT, nếu hình ảnh này là nhà của tôi hay của bác Bu chắc chẳng ai thèm đếm xỉa, người ta có thấy cùng lắm chỉ chép miệng, cái thói hợm hĩnh trưởng giả học làm sang, tôi nghĩ cho dù báo chí không lỡ đưa hình ảnh thì bản thân những quan chức từng hô hào đạo đức, công bằng xã hội không nên sống xa hoa quá đỗi như thế, trong khi người dân của mình vẫn còn nhiều lam lũ.

      Một hình ảnh khác vừa rồi cũng bị ném đá mà bác Bu vừa nhắc đến, là hình ảnh vị GS được coi như Quốc sư mi hoa hậu trên mạng. Có người nói đây là chuyện "riêng tư" trong nhà người ta mắc gì mà phê bình? Nhưng cũng đừng quên tôi với bác Bu mà có đưa hình ảnh mình mi gái trẻ đến méo mặt lên mạng, cũng chẳng ai thèm nói, hoặc cũng chỉ nói "đồ già dịch" là hết. Ông GS này đã được tung hô như Quốc sư, như Quốc phụ thì lại phải ứng xử khác, cần cẩn trọng hơn... Người có chức quyền, nổi tiếng nhiều khi khổ thế. Nhưng cũng không nằm ngoài cái luật "bù trừ" của tạo hóa (sướng lắm ắt khổ nhiều).

      Điều cuối tôi muốn nói là người ta luôn phải học, học đủ thứ trong cuộc sống, như người xưa thường nói "học ăn, học nói, học gói, học mở". Ngày xưa cách nay vài mươi năm có thể chém lợn thoải mái, vì mọi chuyện chỉ nằm sau lũy tre làng, truyền thông chưa phát triển như bây giờ, còn hiện nay thoắt một cái cả thế giới đều biết, thì mọi người, mọi việc cần phải học, học cách đưa những vấn đề xã hội (phân biệt cái gì thuộc hiện tượng xã hội cần phê phán, và cái gì thuộc về lĩnh vực cá nhân cần tôn trọng), cách điều chỉnh hành vi để phù hợp với xã hội ta đang sống, không thể nói "anh không thích chém lợn thì đừng đến xem"...

      Xóa

:) :( :)) :(( =))