Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Chuyện Táo quân.

Tranh dân gian Táo quân gồm hai ông một bà.

Ngày mai là hăm ba tháng Chạp, đưa Ông Táo về trời, để báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng Đế chuyện năm vừa qua trong nhà của gia chủ, tục lệ cha ông là như thế từ bao nhiêu đời nay. Ông Táo, với chức danh "Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân", là Thần bếp, cũng còn được gọi là "Nhất gia chi chủ", nghĩa là ông chủ đứng đầu trong những gia thần, nhưng thực ra là một bộ ba, gồm đến hai ông mà chỉ có một bà. Ông Táo xứ Ta về truyền thuyết cũng có khác Ông Táo xứ Tàu. Theo truyền thuyết Ông Táo xứ Ta là một bộ ba gồm Thị Nhi, Trọng Cao, và Phạm Lang, đây là một chuyện tình éo le (tôi không chép ra đây vì có lẽ ai cũng đã rõ), kiểu như sự tích Trầu cau vậy.

Bộ ba, số 3, theo như người mình là con số "thiêng", một con số cơ bản, dân gian hay nói những câu có số 3 trong đó, chẳng hạn "quá tam ba bận", "ba chìm bảy nổi", "ba chân bốn cẳng", "ba cọc ba đồng", "ba đầu sáu tay", "ba mặt một lời", "ba que xỏ lá", "ba sinh hương lửa"... Sự tích Ông Táo gồm hai ông một bà này không rõ có liên quan gì đến con số 3, và đến ba ông đầu rau trong bếp của người dân ngày xưa không?

Ba ông đầu rau để kê nồi niêu đun bếp ngày xưa. Ảnh Internet.

Như chúng ta đã biết, ngày xưa chưa có bếp gas, bếp đện, hay bếp hồng ngoại, bếp từ... người ta còn nấu nướng bằng than, củi, rơm, rạ... Việc nấu nướng của con người rất đơn giản, chỉ việc kê ba hòn đá lên, thế là bắc lên cái nồi đồng, nồi đất mà nấu. Ba hòn đá này được gọi là ba ông đầu rau, sau này có cái kiềng ba chân bằng sắt để nồi niêu lên, sau nữa là đến ông táo, cà ràng được làm từ đất sét.

Nấu bếp bằng cái kiềng sắt 3 chân. Ảnh Internet.

Tại sao ông đầu rau chỉ có ba điểm tựa chứ không phải bốn, hay năm? Một vật như cái nồi, cái ấm nấu trên bếp, thì ba điểm tựa là vững vàng nhất, cũng như cái "thế chân vạc" vậy, cái vạc đồng cũng chỉ có ba chân. Trong một đất nước văn minh ta thấy có "tam quyền phân lập" điều hành đất nước, Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp, thế là đủ. Trong Thiên Chúa giáo chúng ta thấy có Ba ngôi (Cha - Con - Thánh Thần). Trong đạo Phật ta có Tam Thế Phật gồm Phật của ba thời (Quá khứ, Hiện tại, Vị lai). Đạo Bà La Môn cũng thờ ba vị thần chính là Brahma (thần Sáng Tạo), Vishnu (thần Bảo Hộ), Shiva (thần Hủy Diệt).., thêm nữa chắc rối.

Cà ràng bằng đất để nấu nướng được sử dụng ở miền Tây sông nước Nam bộ, chổ để kê chiếc nồi đất cũng chỉ có ba điểm tựa.

Trong tục cúng tiễn đưa Ông Táo ta thấy không thể thiếu được Cá chép, là phương tiện di chuyển của Ông Táo khi về chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế. Tại sao lại là Cá chép chứ không phải là một con vật  nào khác? Bởi lẽ Cá chép là con vật đã qua được ba kỳ thi vượt Vũ môn hóa thành rồng của nhà trời năm xưa, cho nên chỉ có Cá chép mới có thể đưa được Ông Táo bay về trời.

Tranh vẽ cá chép vượt Vũ môn.

Trên đây là câu chuyện Ông Táo và Cá chép trong ngày hăm ba tháng Chạp, nhắc chuyện Ông Táo là nhắc đến chuyện bếp lửa. Từ ngàn xưa, khi con người tìm ra cách nấu chín thức ăn bằng lửa, cũng là lúc bếp lửa ra đời. Ở bất cứ một dân tộc nào thì bếp lửa cũng là nơi quan trọng nhất của một gia đình, bếp lửa luôn tượng trưng cho gia đình. Trong một ngôi nhà mà bếp lửa lúc nào cũng lạnh tanh, thì ngôi nhà đó không phải là một gia đình. Tôi đã có những ngày tháng năm xưa ở trong một buôn Thượng trên cao nguyên, bếp lửa là trung tâm gia đình của họ. Gian bếp trong ngôi nhà sàn của họ tuy rất đơn giản, nhưng luôn đỏ lửa suốt cả ngày lẫn đêm, bếp lửa luôn mang đến cho con người sự tin tưởng, no đủ và ấm áp.

Bếp lửa trong một ngôi nhà sàn Tây nguyên. Ảnh Internet.

Người ta cũng thường hay nói đến một từ khác là bếp núc. bếp lửa thì dễ hiểu nhưng tại sao lại là bếp núc? Chữ "núc" ở đây có nghĩa không? Tôi thử tra những quyển từ điển xưa như Đại Nam Quấc âm Tự vị của Hùinh Tịnh Paulus Của thấy giải nghĩa: 

Núc: Đồ đắp bằng đất thường làm ra ba hòn, có thể mà bắc nồi nấu ăn

Một quyển từ điển khác là Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức giải thích: 

Núc: Hòn đồ rau để bắc nồi.

Như vậy thì chữ núc trong bếp núc để chỉ ba hòn đầu rau (Việt Nam Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức gọi là đồ rau), chính là cái bếp lửa ngày xưa.

Trong một entry cũ, anh bạn trẻ Huy Trường có nói ngôi làng quê quán của bạn ấy là làng Dị Nậu,  xưa thuộc huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội, tên Nôm của làng này là làng Núc (Kẻ Núc). Không biết chữ Núc này có liên quan gì đến ba ông đầu rau không?








8 nhận xét :

  1. Ba điểm mới xác định được một mặt phẳng, cho nên nhất thiết bếp núc phải có ba ông đầu rau mới bắc nồi niêu soong chảo lên được. Đã là bộ ba thì phải có âm có dương cho nó thuận, cho nên mới sinh ra hai ông một bà. Còn nếu hai bà một ông thì âm thịnh dương suy, thà rằng dương thịnh…Có người làm thơ:

    “Chuyện khó tin mà có thật” nha:
    Hai ông mà úm có một bà!
    Lưng khum chỉ muốn êm lòng chão,
    Thân lọ nề chi rát mảng da!
    Nghìn phấn vẫn còn đen mặt cụ,
    Trăm trầu đâu dễ đỏ môi bà!
    Sở, Tần nào dễ vui cùng lúc,
    Hay kẻ ăn cay, kẻ hít hà?

    Lên Ngọc Hoàng ông bà oai phong Lẫm liệt thế nhưng ở trần gian ông bà đâu có dám ngững đầu, cũng không dám kêu ca đòi… tự do… dân chủ …hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hai Ông một Bà, thế dân gian mới có câu:

      Tưởng là Bà Táo thật thà
      Ai dè Bà Táo một Bà hai Ông.

      Hihi, oai phong thế mà lại "đội mão đi hia chẳng mặc quần". Kêu ca đòi tự do dân chủ Ngọc Hoàng khép vào điều 258 gì đó thì... ốm.

      Xóa
  2. Hihi, bác Phạm quên đề cập đến chức năng "mách lẻo" của ông Táo rồi. Tại ổng mà đôi khi, chuyện trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã hay! :D
    Còn về số (3), Đông phương miềng "lẻo lự" lắm bác. Nhất nhị tam tứ ... cửu thập đều có ý nghĩa hết, chẳng chưa số nào!
    Tứ thì có tứ quí, tứ linh, tứ bảo..., ngũ thì có ngũ long, ngũ quả...vv...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bởi cái chức năng "thèo lẻo" của Ông Táo cho nên dân gian mới cúng lon kẹo mạch nha ch hết đường mở miệng :-)
      Đông phương số gì cũng "chơi" được hết, ba, bốn, năm, bảy, chín, chục, trăm, nghìn... Vua tin nhảm là y thị.

      Xóa
  3. Thật là thú vị khi sắp đến ngày ông Công ông Táo đọc bài viết của bác Hiệp. Không rõ núc vì sao đi liền với bếp thành bếp núc. Nhưng bếp quê tôi, ngoài ba ông đầu rau ( đồ rau) để kê nồi, còn có ông đồ ( đầu) NÚC. ĐÓ là viên đất giống hình chóp cụt. Bên trên có chỗ lõm để dễ cầm. Sau khi thôi nấu nướng, chủ nhà cho trấu cùng than lửa và vùi tro kín. Lấy ông Đồ núc chận lên cho chặt để than bén vào trấu từ từ. Đến lần sau nấu nướng, mở ông đồ núc ra, cời than trấu để nhen lửa. Thời ấy chưa có diêm, chưa có bật lửa. Nhà quê giữ lửa như thế. Có câu về trăng : mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa...mười chín đụn dịn, hai mươi giấc tốt. Đụn dịn được giải thích là trấu bén than dưới đồ núc dịn ( xẹp) xuống..Núc do vậy chỉ để chỉ một hòn...đồ núc mà thôi.

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật thú vị khi được học hỏi thêm những từ cổ như đụn dịn, núc dịn, và giải thích của bác Vũ Nho về từ ngữ ở làng quê của bác. Cách giữ lửa ngày xưa ở quê bác cũng rất hay.

      Hồi tôi ở trên cao nguyên thì người Thượng trên ấy có cách giữ lửa đơn giản, họ cũng không có quẹt hay diêm. Bếp của họ khi không nấu nướng chỉ có một cành cây khô ngún cháy âm ỉ, khi cần lửa có ngọn họ chỉ lấy ít bùi nhùi rong rêu, vỏ cây khô ghé miệng thổi thế là ngọn lửa bùng lên. Đi ra rẫy họ cũng cầm theo khúc cây khô ngún cháy như thế.

      Xóa
  5. Bác Vũ Nho xa quê lâu thế mà hiểu quê hương từ ngọn đến ngành, phục bác thiệt

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))