Sông nước miền Tây Nam bộ. Ảnh Internet.
Bà xã tôi nghe một bài hát dân ca Nam bộ do Phương Mỹ Chi, cô bé 11 tuổi vừa rồi đoạt á quân Giọng hát Việt nhí năm 2013 hát. Trong bài hát có câu:
Má ơi đừng gả con xa,
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu.
Sương khuya ướt đẫm giàn bầu,
Em về Miệt Thứ bỏ sầu cho ai.
Bà xã tôi hỏi "Miệt Thứ là ở đâu? Hồi nào tới giờ chỉ nghe nói Miệt vườn chứ không nghe Miệt Thứ". Một câu hỏi thật không dễ trả lời với một cư dân Bắc kỳ như tôi. Trước đây tôi cũng đã từng thắc mắc như thế, khi đọc sách báo thấy có nhắc đến tên Miệt Thứ. Tôi cũng đã hỏi mấy người bạn quen gốc gác Nam bộ, nhưng cũng chẳng ai biết Miệt Thứ ở đâu. Cái tên Miệt vườn chắc có nhiều người biết, Miệt vườn là tên gọi để chỉ chung vùng quê đồng bằng sông Cửu Long, nơi có hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu chảy qua. Nhà văn Sơn Nam có một quyển sách lấy tên là Đồng bằng sông Cửu Long hay là Văn minh miệt vườn, một quyển sách ghi chép về vùng quê hương miền Tây Nam bộ, quyển sách được in lần đầu năm 1970 ở Saigon bởi nhà An Tiêm. Miệt, hiểu nôm na là miền, vùng, nhà văn Sơn Nam cũng có dùng từ "miệt trên" để chỉ vùng đất Biên Hòa, Bà Rịa, Gia Định, Tân An, "miệt dưới" để chỉ vùng Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau, Châu Đốc. Lâu quá tôi không còn nhớ rõ, nhưng hình như nhà văn Sơn Nam cũng có nhắc đến Miệt Thứ trong sách.
- Trong quyển Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam bộ*, nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh cho biết:
Thứ: danh từ dùng riêng trong vùng Rạch Giá, Cà Mau để gọi 9 con rạch đổ ra vịnh Thái Lan bắt đầu từ chỗ gần sông Cái Lớn (Rạch Giá) xuống đến Khánh Lâm (Cà Mau). Ngọn rạch gần sông Cái Lớn nhất gọi là Thứ Nhứt, rồi đến Thứ Nhì, Thứ Ba... cho đến Thứ Chín.
Cũng cần phân biệt vùng có những con rạch đến thứ chín này là khu vực Thới Bình, Huyện Sử (tên một ngôi chợ) với khu vực gọi là "Miệt Thứ" thuộc quận Năm Căn ngày trước. Đây là vùng U Minh Hạ có 12 con kinh đưa vào rừng để lấy củi, ăn ong (lấy mật ong), được gọi theo thứ tự từ kinh 1 đến kinh 12.
(Hết trích)
Như vậy, theo nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh, Miệt Thứ là tên gọi vùng đất có 12 con kinh được đặt tên từ Thứ Nhứt đến Thứ Mười Hai ở U Minh Hạ (Năm Căn-Cà Mau)**. Cũng theo nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh cho biết bên trên, vùng Rạch Giá-Cà Mau (từ sông Cái Lớn-Rạch Giá đến Khánh Lân-Cà Mau) có 9 con rạch chảy ra vịnh Thái Lan cũng được đặt tên theo thứ tự từ Thứ Nhứt đến Thứ Chín, nhưng vùng đất có 9 con rạch ở Rạch Giá-Cà Mau này không được gọi là Miệt Thứ.
- Một quyển sách khác, quyển Từ điển Từ ngữ Nam bộ*** của TS. Huỳnh Công Tín giải thích:
Miệt thứ: danh từ, nơi có mười con rạch song song, cùng chảy ra biển, giáp rừng Cán Gáo (Kiên Giang), được người dân gọi theo "thứ", từ rạch thứ Nhứt tới rạch thứ Mười. Từ điển dẫn chứng thêm sách của nhà văn Sơn Nam: "Mười con sông nhỏ song song, Chảy về một biển mà không giao đầu... - Ông ở miệt thứ, thuộc xóm nào? Chú ruột tôi là ông hội đồng X, chắc ông biết".
(Hết trích)
So sánh hai trích dẫn bên trên ta thấy, sách Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam bộ của nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh viết về vùng đất có tên Miệt Thứ chi tiết hơn, vùng đất có tên Miệt Thứ này là từ tên 12 con kinh ở U Minh Hạ (Cà Mau). Trong khi sách Từ điển Từ ngữ Nam bộ của TS. Huỳnh Công Tín cho rằng tên gọi Miệt Thứ là để chỉ vùng đất có 10 con rạch ở Kiên Giang chảy ra biển, cũng được gọi theo thứ tự từ Thứ Nhứt đến Thứ Mười. Mười con rạch theo giải thích của TS. Huỳnh Công Tín, ta thấy tương đương với Chín con rạch theo như giải thích của nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh. Chỉ có sự khác biệt là theo TS. Bùi Công Tín vùng đất có 10 con rạch ở Kiên Giang này được gọi là Miệt Thứ, thì nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh chỉ cho biết tên theo thứ tự của 9 con rạch, chứ không gọi vùng đất có 9 con rạch là Miệt Thứ.
Để kết thúc entry đầu năm 2015 này, Thân Chúc Bạn Bè Xa Gần Một Năm Mới AN KHANG - THỊNH VƯỢNG.
Để kết thúc entry đầu năm 2015 này, Thân Chúc Bạn Bè Xa Gần Một Năm Mới AN KHANG - THỊNH VƯỢNG.
Ghi chú:
* Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam bộ, Bùi Đức Tịnh, NXB Văn Nghệ TP. HCM-1999.
Theo Cổng Thông tin điện tử-Ban liên lạc cộng đồng họ Bùi Việt Nam, nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh (1923-2008) quê ở huyện Ba Tri-Bến Tre, là nhà báo và nhà giáo. Ông đã dạy các trường tư thục ở Saigon như Kiến Thiết, Đức Trí, Huỳnh Khương Ninh, Jean-Jacques Rousseau, Marie Curie... Từ năm 1972 ông được mời thỉnh giàng về ngôn ngữ học tại Đại học Vạn Hạnh, Đại học Văn Khoa (Saigon), Đại học Huế, Đại học Sư phạm Cần Thơ. Sau khi mất ông được an táng tại quê nhà Ba Tri-Bến Tre.
** Trước năm 1975 Năm Căn là quận thuộc tỉnh An Xuyên (đổi tên từ tỉnh Cà Mau). Thời chính quyền VNCH tỉnh An Xuyên tồn tại từ năm 1956 đến 1975.
Theo Cổng Thông tin điện tử-Ban liên lạc cộng đồng họ Bùi Việt Nam, nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh (1923-2008) quê ở huyện Ba Tri-Bến Tre, là nhà báo và nhà giáo. Ông đã dạy các trường tư thục ở Saigon như Kiến Thiết, Đức Trí, Huỳnh Khương Ninh, Jean-Jacques Rousseau, Marie Curie... Từ năm 1972 ông được mời thỉnh giàng về ngôn ngữ học tại Đại học Vạn Hạnh, Đại học Văn Khoa (Saigon), Đại học Huế, Đại học Sư phạm Cần Thơ. Sau khi mất ông được an táng tại quê nhà Ba Tri-Bến Tre.
** Trước năm 1975 Năm Căn là quận thuộc tỉnh An Xuyên (đổi tên từ tỉnh Cà Mau). Thời chính quyền VNCH tỉnh An Xuyên tồn tại từ năm 1956 đến 1975.
*** Từ điển Từ ngữ Nam bộ, TS. Huỳnh Công Tín, NXB Chính Trị Quốc Gia-2009.
Em là dân Nam bộ chính gốc, không lai miếng nào luôn.
Trả lờiXóaEm không có đọc sách, nhưng dưới em hễ nghe nói miệt thứ là nghĩ ngay tới Cà mau thui, chả biết gốc tích vì sao mà có từ ấy nữa. Nay qua đọc bài anh viết, mới hiểu thêm chút ít nè. Hì hì
Năm mới chúc anh cùng gia đình thiệt nhiều may mắn anh nhé !
Đầu năm Tây chào mừng cư dân Nam bộ chánh hiệu Con nai vàng, hì hì! Người miền Bắc xưa thì nói chính cống Bà lang trọc.
XóaTheo tìm hiểu thêm thì thấy địa danh Miệt Thứ là ở Cà mau như bạn nghĩ. Cà Mau mới chính là vùng đất xa xôi của Nam bộ, người ta thường nhớ đến nó với câu ca dao "Dướii sông sấu lội/ Trên rừng cọp um (hoặc cọp đua)". Còn Kiên Giang (Rạch Giá-Hà Tiên) là đất xưa được xem là văn vật, văn minh hơn các vùng khác.
Cũng xin chúc bạn năm mới như ý :-)))
trước giờ cứ nghe miệt thứ thi cháu chỉ nghĩ đó là vùng Cà Mau, Kiên Giang mà thôi. Bgio thì đã rõ hơn rồi :)
Trả lờiXóaNăm mới cháu chúc bác Hiệp dồi dào sức khoẻ nhé :)
Hồi trước khi chưa đọc mấy bài giải thích địa danh Miệt Thứ (nhất là của nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh), tôi nghĩ chữ "thứ"trong Miệt Thứ có nghĩa là "sau, hạng sau, thứ cấp, như nguyên và thứ" và Miệt Thứ có nghĩa là chỉ chung những vùng, miền sâu, xa xôi. Đọc rồi mới biết "thứ" là để chỉ "số thứ tự 1, 2, 3, 4...", và Miệt Thứ là tên chỉ một địa danh ở Cà Mau.
XóaCon cũng có nghe bài hát có câu:" Bông xanh e hái cho chàng, mơ ước mộng vàng sương khói hợp tan. Bông trắng mặn nồng phu thê, chim sáo bay về miệt thứ tương tư". Con cứ nghĩ đơn giản miệt thứ và miệt vườn như nhau. Hôm nay đọc bài này mới biết là chỉ đích danh một khu vực địa lý. Cám ơn bác vì điều này.
Trả lờiXóaNam mới chúc bác Khoẻ- Vui - Hạnh phúc.
Bởi vậy mới cần phải đọc nhiều, hì hì!
XóaNăm mới vui vẻ :-)))
Năm mới thắng lợi mới và nhiều bình an nha anh Hiệp...Hihi
Trả lờiXóaThắng lợi mới, bình an dzui dzẻ, hihi!
XóaChúc Hai Bác năm mới An lành Mạnh khỏe.
Trả lờiXóaRất vui khi thấy bác VanPham đã thường ghé thăm.
Trả lờiXóaCám ơn, anh em mình đã có tuổi chỉ mong được khỏe mạnh, năm mới hai bác cũng thế nhé.
Hay hè, hóa ra em xuống Miệt Thứ nhiều lần rồi mà không có biết. Miệt thứ, nghe đã thấy xa lắc xa lơ rồi anh H nhỉ.
Trả lờiXóaNăm mới kính chúc anh An vui!!
Xuống vùng này là nhậu mệt nghỉ luôn. Bây giờ những tên như Miệt vườn, Miệt Thứ nghe đã cổ điển lắm rồi, đâu đâu cũng là thành phố.
XóaChúc Toro Năm mới nhiều niềm vui :-)
Cám ơn anh H. Ra HN chơi một chuyến đi anh ơi...
XóaCũng muốn ra HN, nhưng rồi nhiều cái nó cứ níu chân chưa đi được Toro ơi...
XóaThiệt khổ ? Từ ngữ ở mỗi vùng đa dạng quá . Thế nên nội học từ của địa phương để am hiểu hết cũng đủ mệt rùi . Mà hổng sao cứ chạy qua tủ sách ở nhà anh Hiệp đọc là khỏe re ....cảm ơn anh nhiều nhé .
Trả lờiXóaNangTuyet quê ở miền Nam có biết địa danh này không?
XóaBổn tiệm chuyên về món hàng chữ nghĩa cũng như bên NangTuyet là về thiên nhiên vậy, hì hì!