Chợ Búng ở Bình Dương. Ảnh Internet.
Bình Dương là một thành phố láng giềng với Saigon, chỉ cách vài chục cây số, như Biên Hòa. Một năm tôi có dịp ghé Bình Dương vài ba lần đi về trong ngày. Buổi trưa xong việc trở về tôi thường ghé ăn trưa tại một quán bánh bèo bì gần chợ Búng. Chắc các bạn nào ở Saigon thỉnh thoảng đi Bình Dương cũng biết ngôi chợ và quán bánh bèo này. Quán có từ xưa, trước năm 1975, so với Saigon thì giá cả ở Bình Dương khá rẻ, vào quán ăn một dĩa bánh bèo bì tú hụ thời điểm hiện nay chỉ hai mươi lăm ngàn đồng. Tuy nhiên điều tôi muốn nói ở đây không phải bánh bèo bì mà là cái tên chợ Búng.
Theo như năm ghi trên chợ thì chợ Búng được xây dựng vào đầu thế kỷ 20 (1903). Cái tên Búng nghe có vẻ ngồ ngộ, có lần ghé ăn bánh bèo bì tôi hỏi người trong quán tại sao lại có tên chợ Búng, được nghe giải thích Búng là "sợi bún" ta hay ăn. Nghe thì biết vậy, cũng có thể lắm, có thể chợ ngày xưa chuyên bán bún, và bởi người miền Nam thường phát âm "bún" thành "búng".
Cách nay ít lâu, một lần xem tivi thấy trong một chương trình giải thích từ ngữ giải thích từ Búng có khác, tivi nói "Búng" có nghĩa là đầm nước, cũng như từ "Bưng", gọi là chợ Búng vì ngày xưa được xây dựng tại nơi có đầm nước, nghe cũng có vẻ có lý. Tôi thử tra trên mạng thấy vài thông tin cũng nói như thế. Búng có thể là một từ tiếng Việt cổ được sử dụng tại Nam bộ. Tôi thử tra tiếp Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của, thấy ghi như sau:
- Búng: chỗ nước sâu làm ra một vùng. Đây là nghĩa đầu tiên của chữ Búng, còn một vài nghĩa khác không liên quan nên tôi không chép ra đây.
Tuy nhiên trong quyển Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam bộ của nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh (một nhà nghiên cứu người Nam bộ đã viết nhiều sách biên khảo về vùng đất Nam bộ), cho biết "chợ Búng trong tỉnh Sông Bé* đáng lý phải viết Bún, viết sai chính tả do phát âm không đúng của người Nam bộ, vì đã một thời nổi tiếng về sản xuất và bán bún".
Như vậy ta thấy, có hai cách giải thích nguồn gốc từ Búng trong chợ Búng:
- Một là cách giải thích Búng là một vùng nước sâu như đầm nước, bưng. Chợ Búng là ngôi chợ được xây dựng tại một vùng nước như thế, điều giải thích này xem ra hợp lý, vì như ta thấy Nam bộ xưa là một vùng nhiều sông nước, đầm lầy, bưng biền. Có nhiều ngôi chợ được xây dựng gần nơi đầm lầy, bưng biền, lấy địa thế nơi xây dựng chợ để đặt tên, chẳng hạn chợ Đầm ở Nha Trang, chợ Bưng ở Đồng Tháp Mười, chợ Bàu Sen ở Saigon... Những cái tên này đã tồn tại từ khá lâu, sau vùng đất có ngôi chợ phát triển, những đầm lầy, bàu bị san lấp không còn nữa, nhưng tên gọi của chợ vẫn còn đến ngày nay. Ở Saigon ta thấy cũng có những địa danh như Vườn Mít (quận 1), Vườn Chuối, Vườn Xoài (quận 3), Vườn Lài (quận 10)... bây giờ chẳng thế nào kiếm ra được ở những nơi đó những loại cây đã tạo nên tên gọi.
- Cách giải thích thứ nhì, từ Búng trong chợ Búng có nghĩa là Bún (bún ăn), như cách giải thích của người bán hàng trong quán bánh bèo bì gần chợ Búng, và như nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh trong quyển Lược khảo nguồn gốc địa danh Nam bộ đã nói ở trên (có nói rõ "viết sai chính tả do phát âm, và đã một thời nổi tiếng về sản xuất và bán bún"), cũng không phải là không có lý. Như chúng ta đã biết, ngoài cách đặt tên chợ theo đặc tính địa hình sông, nước, thì cách đặt tên chợ theo đặc tính món hàng buôn bán cũng rất phổ biến trước đây. Chẳng hạn như chợ Đũi ở Saigon (quận 3, nay đã không còn), chuyên buôn bán đũi là một loại vải lụa dệt bằng tơ sợi lớn. Chợ Đệm ở tỉnh Chợ Lớn cũ, chuyên buôn bán đệm là môt vật dụng đan bằng sợi lác (lát) thô để trải dưới đất phơi lúa hay các thứ khác. Chợ Gạo ở tỉnh Tiền Giang chuyên buôn bán gạo... và cách phát âm cũng như viết chính tả của người miền Nam thì thường không phân biệt dấu hỏi, ngã, chữ "g" ở cuối từ. Tân Kiểng thành Tân Kiển, có người viết "hoàn toàn" thành "hoàng toàn"...
Vậy là có hai cách giải thích về nguồn gốc từ Búng trong chợ Búng ở Bình Dương như đã nói. Hai cách giải thích này theo tôi là "50/50", cách nào cũng hợp lý về mặt từ ngữ, và trên thực tế về nguyên tắc đặt tên. Một địa danh xưa có nhiều cách giải thích cũng là lẽ thường tình. Ngay địa danh Sài Gòn theo những nhà nghiên cứu cũng có đến mấy cách giải thích, có thể có cách giải thích được nhiều người ủng hộ hơn, nhưng khi chưa có một ai xác định được rõ cách đặt tên gọi trên những tư liệu đáng tin cậy, thì cũng khó có thể nói cách giải thích nào là đúng, cách giải thích nào là sai.
Ghi chú:
* Tỉnh Sông Bé: là một tỉnh ở miền Đông Nam bộ, bao gồm địa giới của 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước hiện nay. Tỉnh Sông Bé được thành lập từ năm 1976 trên cơ sở sáp nhập 3 tỉnh lúc bấy giờ là Bình Dương, Bình Long, Phước Long. Từ 1-1-1997 tỉnh Sông Bé tách làm 2 tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Tỉnh Bình Dương vẫn giữ địa giới như cũ, còn tỉnh Bình Phước bao gồm 2 tỉnh Bình Long và Phước Long cũ. (theo Wikipedia).
Có lẽ nhà nghiên cứu Bùi Đức Tịnh đã viết sách Lược khảo nguồn gốc đĩa danh Nam bộ, (NXB văn Nghệ TP. HCM-1999) trong thời gian Bình Dương còn thuộc tỉnh Sông Bé.
Hihi ...nếu nói về ngữ nghĩa thì hai từ " Búng " và " Bún "đều mang nghĩa khác nhau anh nhỉ ? Còn nói về cách phát âm của hai từ này thì " chịu thua " thôi . Em nghĩ nếu là người Bắc Bộ họ phát âm hai từ này chuẩn hơn nên có thể phân biệt được nghĩa . Vậy khi dùng hai ngón tay : cái và trỏ " để tạo âm thanh nghe chành chạch thì có phải dùng là " Bún tay " hay " Búng tay " anh Hiệp há ?
Trả lờiXóaLà Búng Tay (có chữ G) cô NangTuyet ơi. Thường người Bắc họ chỉ không phát âm chuẩn R, D, S, X thôi cô. Có một số vùng thì thêm lỗi L, N.
Xóa"Búng" và "bún" thì ngữ nghĩa khác nhau xa rồi. Đối với 2 từ này thì người miền Bắc phát âm chuẩn hơn, nhưng lại phát âm không chuẩn ở những từ khác. Nói chung là không có người miền nào phát âm chuẩn hoàn toàn. Cái quan trọng không phải ráng phát âm chuẩn (người miền Bắc mà ráng uốn lưỡi trong từ có "tr", như "trắc trở" nghe rât buồn cười).
XóaQuan trọng là khi sử dụng từ ta phải biết đang nói và viết (nhất là viết) cái gì. Chẳng hạn như từ NangTuyet đề cập, bật hai ngón tay vào nhau cho thành tiếng "tách, tách" thì gọi là "búng tay", còn ăn thì phải nói là "ăn tô bún bò".
Nhưng cũng có khi phải tùy trường hợp mà viết, chẳng hạn "đứa bé ngậm búng trong miệng", có nghĩa là đứa bé ăn không chịu nuốt, cứ ngậm trong miệng. Còn nói, "đứa bé ăn ngậm bún trong miệng", có nghĩa là đứa bé ăn ngậm trong miệng đến nỗi mềm nhão cả đồ ăn, "bún" ở đây có nghĩa là "mềm như bún", hihi! Tiếng Việt thật phức tạp.
Nhìn hình chụp mới biết chợ mang tên "Búng" thật , hihi . Trước giờ cứ tưởng chợ tên "Bún" . Cứ tưởng tượng mình đang nói giọng nam mà phát âm chữ "bún" đúng thì chắc nghe ... không vô .
Trả lờiXóaTuy vậy M phát âm chữ V đúng V , chứ không thành D đâu đó nhá , hihi
Cho dù nguồn gốc có ý nghĩa là gì đi nữa thì cái tên chợ Búng nghe rất Nam bộ, nếu viết là chợ Bún thấy còn ngộ hơn.
XóaM. là người Nam bộ mà phát âm đúng chữ V chứ không thành D thì có lẽ ở Saigon lâu rồi, chứ không phải là người Miệt Thứ, hihi!
Em nghiêng về Bún thành Búng.
Trả lờiXóaỞ gần Sơn Tây cũng có tổng Bún tức là huyện Phúc Thọ bác ạ.
Tôi cũng nghiêng về Bún thành Búng hơn, một trăm năm trước ban đầu có lẽ chỉ là một cái chợ quê nhỏ chủ yếu bán bún được sản xuất tại địa phương, và ít thứ nông thổ sản khác, nên dân đặt như thế, quy mô chợ khi ấy khó lớn để lấy vùng đất bưng biền (búng) để đặt tên.
Xóa