Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Về một vài địa danh.


Ảnh Internet.

Trong entry trước, khi tôi thử tìm kiếm thông tin về ý nghĩa của tên gọi động Sơn Đoòng ở Phong Nha, Quảng Bình, anh bạn trẻ Nguyễn Huy Trường đã vào comment hỏi về ý nghĩa của những địa danh ở quê nhà nơi miền Bắc của bạn. Quê của anh bạn trẻ khi xưa là tỉnh Sơn Tây, nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Đó là những xã có tên gọi: Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải.

Thật tình mà nói đây là lần đầu tiên tôi được nghe những địa danh này, đây không phải là những nơi đã xảy ra những biến cố lịch sử, hoặc là những địa điểm về cổ tích hay thắng cảnh du lịch thường được nhắc tới, nhưng tôi cũng thử tìm tòi, lục trong đám sách vở mình có, xem có những thông tin gì không? Thời may tôi cũng tìm được một số trang sách liên quan đến những địa danh quê nhà nơi anh bạn trẻ hỏi.

Trước hết tôi muốn nói đến nguồn gốc của những địa danh trên:

- Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải xưa là ba xã thuộc tổng Hương Ngải, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây. Đến năm 1965 tỉnh Sơn Tây được đổi thành Hà Tây, năm 1975 là Hà Sơn Bình, và từ năm 1979 đến nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Xã Canh Nậu gồm 4 thôn, là Canh Nậu 1, 2, 3, 4. Xã Dị Nậu có 2 thôn là Bến thôn và Dị Nậu. Xã Hương Ngải có 4 thôn là Hương Ngải 1, 2, 3, 4. Hai xã Canh Nậu và Dị Nậu ngày xưa có tên Nôm là làng Núc (Kẻ Núc). Xã Hương Ngải có tên Nôm là làng Ngái. Vùng Sơn Tây ngày trước được gọi là "Xứ Đoài" (Đoài là tên một quẻ trong Kinh Dịch chỉ về phương Tây, hướng Tây).

Về nghề nghiệp xưa thì xã Canh Nậu có tiếng về nghề dệt vải (xưa gọi là dệt lượt, dệt the), xã Dị Nậu chuyên sản xuất nâu dùng trong nhuộm vải (củ nâu), củ nâu có hai loại là củ nâu rắn và củ nâu mềm, củ nâu mềm tốt hơn củ nâu rắn. Như vậy ngày xưa hai xã Canh Nậu chuyên dệt vải, Dị Nậu chuyên sản xuất củ nâu nhuộm vải, cùng ở chung trong một tổng, chắc chắn hai làng có liên quan mật thiết với nhau trong ngành nghề.

Về nghề dệt vải, sách vở cũng có chép ông Tổ của nghề này là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528-1613), quê của ông ở làng Phùng Xá huyện Thạch Thất, (phía nam làng Dị Nậu, quê của anh bạn trẻ Huy Trường giáp với làng Phùng Xá, tức là làng Phùng Xá là láng giềng của làng Dị Nậu). Sách vở chép là trong một lần đi sứ Trung Hoa, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan đã học được nghề dệt vải, đem về nước dạy cho dân (gọi là "lượt Bùng"). Ông cũng được dân thờ làm Thành Hoàng. Cũng có giai thoại ông có dấu được 3 hạt ngô (bắp) vào chỗ kín mang về nước (người nước ngoài học nghề và mang sản vật ra khỏi nước là điều ngày xưa người Trung Hoa cấm kỵ). Ngoài chuyện là ông Tổ của nghề dệt vải, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cũng được cho là ông Tổ của nghề trồng ngô, khi ông mang mấy hạt ngô về gieo trồng thành công và sau dạy cho dân trồng (ngày xưa hạt ngô mang về được gọi là "lúa ngô", lúa của người Ngô). Trong một entry trước nói về tại sao lại gọi là "Xôi lúa" chứ không phải "Xôi ngô", bạn trẻ Huy Trường có vào nói ở quê bạn người ta vẫn gọi ngô là lúa. Như vậy chắc chính xác, vì quê của bạn là làng Dị Nậu giáp với quê của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan ngày xưa là làng Phùng Xá).

Còn làng Hương Ngải ngày trước có một một nghề truyền thống khác là làm gạch ngói chứ không làm nghề liên quan đến dệt, nhuộm vải như hai làng Canh Nậu và Dị Nậu.

Về danh nhân thì ngoài Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, sách vở còn chép ở huyện Thạch Thất có núi Không Lộ. Trên núi ngày xưa có chùa Lạc Lâm là nơi Thiền sư Không Lộ thoát xác. Sách vở cũng có chép giai thoại sư Không Lộ là người giỏi phép thuật, y lý. Một lần ông lưu lạc tận Trung Hoa chữa bệnh cho Thái Tử nước này. Vua Tàu ban cho ông nhiều vàng bạc nhưng ông từ chối, chỉ xin đầy một cái túi 3 gang ông mang theo một kim loại khác là đồng. Vua Tàu đồng ý, ông lấy đồng trong mười cái kho cho vào túi vẫn không đầy. Số đồng quá nặng không ghe thuyền nào chở nổi. Ông lấy cái nón đang đội lật ngửa thả xuống biển, cái nón biến thành chiếc thuyền và ông ung dung ôm chiếc túi đồng xuống thuyền vượt biển trở về nước.

Về nước sư Không Lộ mang số đồng này đúc chuông. Tương truyền ông đã góp phần tạo nên "Tứ đại khí" của nước ta là tượng khổng lồ ở chùa Quỳnh Lâm, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) cáo 20 mét. Tháp Báo Thiên dựng ở chùa Sùng Khánh (Thăng Long), gồm 12 tầng cao 70 mét. Chuông Quy Điền ở chùa Thiên Hựu (chùa Một Cột) cao đến 3 sải, đường kính mấy người ôm không xuể. Do quá to nên chuông đánh không kêu người ta khiêng bỏ ngoài ruộng gần chùa, rùa bò vào là ổ nên được gọi là ruộng rùa (Quy Điền). Sau cùng là vạc chùa Phổ Minh (Nam Hà), vạc sâu 4 thước, rộng 10 thước, nặng 6.150 cân (thước ta, cân ta). Tứ đại khí về sau bị giặc Minh phá hủy. Sư Không Lộ cũng được vinh danh là ông Tổ của nghề đúc đồng.

- Còn về ý nghĩa của tên gọi những làng Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải như bạn trẻ Huy Trường đã hỏi thì thật hóc búa. Đây là tên chữ theo âm Hán-Việt của 3 làng. Như đã viết bên trên, ngày xưa 2 làng Canh Nậu và Dị Nậu tên Nôm xưa gọi là làng Núc, Kẻ Núc, còn làng Hương Ngải tên Nôm xưa là làng Ngái. Nếu không biết được tên viết theo chữ Hán của Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải thì ta cũng khó có thể viết đúng theo chữ Hán được, bởi mỗi âm Hán Việt có nhiều cách viết bằng chữ Hán, và ý nghĩa của mỗi chữ cũng khác nhau. Còn tên Nôm xưa của làng Núc thì chữ Núc cũng khó biết rõ nghĩa là gì. Tôi thử tra mấy quyển từ điển chữ Nôm hoặc tiếng Việt, thì thấy chữ Núc có mấy nghĩa thông thường là "hòn đồ rau để bắc nồi; vặn chặt, ép chặt; béo". Chữ Núc cũng còn đọc là "nác", là âm xưa của "nước". Tên Nôm xưa của làng Hương Ngải là làng Ngái cũng khó xác định ý nghĩa. Ngái được dùng trong "ngái ngủ" (trạng thái chưa tỉnh khỏi cơn buồn ngủ), hoặc ngái có nghĩa là "xa" trong "xa ngái".

May ra về ý nghĩa của những làng Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải ở quê của bạn trẻ Huy Trường, về tên chữ cũng như tên Nôm thì chỉ những bậc trưởng lão ở quê của bạn, hoặc những nhà chuyên nghiên cứu về địa danh mới có thể giải thích ngọn ngành được, còn tôi thì... chịu.

Hy vọng là anh bạn trẻ Huy Trường sẽ hài lòng về những thông tin khác nơi quê nhà của bạn!


Tham khảo:

- Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn, Tổng tài Cao Xuân Dục, Toản tu Lưu Đức Xứng, Trần Xán, bản dịch Hoàng Văn Lâu, (NXB Lao Động - Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây-2012).
- Các vị Tổ Ngành nghề Việt Nam, Lê Minh Quốc, (NXB Trẻ-1999).
- Từ điển Địa danh-Làng xã ngoại thành Thăng Long-Hà Nội, Bùi Thiết, (NXB Thanh Niên-2010).
- Tự điển chữ Nôm, Nguyễn Quang Xỹ-Vũ Văn Kính, (Bộ Giáo Dục-Trung Tâm Học Liệu - Saigon 1971).
- Bảng tra Chữ Nôm, Viện Ngôn ngữ học, (NXB Khoa học Xã hội - Hà Nội 1976).
- Đại Tự điển Chữ Nôm, Vũ Văn Kính, (NXB Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh-Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học-2010).
- Việt Nam Tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức, (Mặc Lâm - Saigon 1967).
- Từ điển Văn Học, Từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX, Lại Nguyên Ân, (NXB Đại Học Quốc Gia Hà Nội-2005).








14 nhận xét :

  1. Ôi! Con cám ơn bác. Thật sự là bác nói ra cho con thêm mấy điều mà bây giờ con mới biết. hihi. Hôm nào con mời bác đi uống cafe để "trả công" bác nha! Chân thành cảm ơn bác về những thông tin này, Tết này về quê con nhất định phải "điều tra" ngọn ngành. Chúc bác vui khoẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gì chứ cà phê thì được liền, để hôm nào thu xếp rảnh sẽ "nhận".
      Chừng Tết bạn HT về quê thử hỏi mấy cụ ở quê xem các cụ nói ra sao về tên chữ và tên Nôm của làng quê bạn.

      Xóa
  2. BÁC có thể nghiên cứu và nói cho em rõ thêm về chuông canh điền không ạ-sống ở đất này mà bây giờ mới nghe thấy điều này lên muốn biết thêm -cảm ơn bác nhiều
    Chúc bác ngày mới vui khỏe nhé -

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Về "Chuông Quy Điền" (ở trên bạn Trần Minh Lê viết là "chuông canh điền"), một bảo vật quốc gia thời xưa nằm trong "Tứ đại khí" như tôi có nhắc đến bên trên, trong sách vở cũng như những thông tin trên mạng đa phần nói là truyền thuyết, giai thoại. Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Quyển III - Bản Kỷ - Kỷ Nhà Lý, mục Nhân Tông Hoàng Đế có chép:

      "Canh Thân, năm thứ 5 (1080) (Tống Nguyên Phong năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, đúc chuông lớn cho chùa Diên Hựu. Chuông đúc xong đánh không kêu; cho là đã thành khí không nên tiêu hủy, mới đem để ở ruộng rùa (qui điền). Ruộng ấy thấp ướt, sản nhiều rùa. Người bấy giờ gọi là chuông Quy Điền". (NXB Thông Tin-2004).
      Trong ĐVSKTT không thấy chép tên người đúc chuông.

      Còn những thông tin khác trong một số sách, hoặc trên mạng tôi tra được viết không thống nhất, có sách viết sư Dương Không Lộ góp phần làm ra chuông này, nơi khác chép là do sư Nguyễn Minh Không (2 nhà sư khác nhau nhưng cùng hiệu là Không Lộ sống dưới thời nhà Lý, sách vở nói cả 2 vị đều được xem là Tổ của nghề đúc đồng VN).

      Tứ đại khí của VN sách chép bị quân Minh phá lấy đồng đúc súng đạn chống lại Lê Lợi.

      Chúc bạn ngày mới tốt lành.

      Xóa
  3. Qua thăm bác Phạm lúc nào cũng có thêm một kiến thức mới mà ko ngán vì bị bắt phải nuốt quá nhiều. Giáo rất thích. Cảm ơn bác nhe!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Giáo đã "thích", hihi, những kiến thức mang tính phổ thông, không có gì cao siêu hết, cũng như những "món ăn nhẹ" không làm cho ta đầy bụng.

      Xóa
  4. Sơn Tây , M đã có lần đến thăm thành cổ Sơn Tây và làng Đường Lâm . Cảnh vật làng quê Sơn Tây hay lắm , đến một lần rồi về vẫn còn đọng lại trong tâm trí ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Làng quê miền Bắc phong cảnh có vẻ "hữu tình" hơn miền Nam, vì có đủ cả sông suối, núi non, lũy tre xanh, cây đa bến nước, cổng làng, đình làng... Vùng Sơn Tây có những ngôi làng cổ còn giữ được ít nhiều nét xưa, Đường Lâm là làng cổ có tiếng, nhưng qua sách vở thấy cũng mất đi ít nhiều hương đồng gió nội.
      Bạn Marg. được đi nhiều, đông, tây thích thật...

      Xóa
    2. Có phải chuyến đi mà về MB viết bài, có up hình anh nông phu vác cày theo trâu ra đồng không MB?

      Xóa
    3. Đúng rồi anh HN , tấm hình đó M chụp gần đền thờ Phùng Hưng . Anh HN nhớ hay thiệt (-:

      Xóa
  5. Đúng là đọc những bài viết loại này thật thú vị vì không phải ai cũng đầy đủ sách vở để tra cứu thế này! Bác NHP kể chuyện trạng dấu mấy hạt ngô đem bên Tàu về làm HN liên tường đến trái chuối hạt ở VN (chuối này khi chưa chín gọi là chuối chát thường ăn cùng với khế và các loại rau khác khi ăn thịt vịt) nghe kể rằng có ông quan đi sứ, ăn cắp hạt chuối này về trồng, phải giấu trong hậu môn khi qua ải nên người Việt không bao giờ cúng và nó còn tên là ...chuối sứ. Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước hết phải chào mừng bác HN đã trở lại với bạn bè sau một thời gian "biệt tích giang hồ". Tôi may có được một tủ sách nho nhỏ sau nửa thế kỷ đọc sách. Có được một tủ sách, đọc nó, nhưng tham khảo để có thể sử dụng hiệu quả kiến thức từ sách cũng là một vấn đề đó bác HN. Những gì trong sách nhiều khi cũng như những gì được đưa lên trên mạng, nó lan man, hỗn độn, thực giả khó lường...

      Những loại thông tin như bác HN kể trên, hoặc như trong entry tôi viết đa phần mang tính giai thoại, kiểu truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn... Đọc để nghe cười hì hì chơi!

      Xóa
  6. Ôi ! Lại được học hỏi thêm một kiến thức bổ ích nữa rồi ! Rõ kiến thức thật bao la ...biết dường nào mới gọi là đủ ? Cảm ơn anh đã chia sẻ bài viết thật hay và đầy ý nghĩa này anh Hiệp nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sang bên NangTuyet hay bạn Marg. thì được xem hoa lá, chim thú, du lịch các nơi, bên tôi thì chủ yếu là kiến thức sách vở, hihi, bổ túc cho nhau vậy.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))