Vừa qua tôi có nhận được Email của một bạn blog (bác HN) gởi cho một bài viết về tên gọi nước Trung Quốc, tình cờ lướt web tôi cũng đọc được một bài trên Người Lao Động Online (22-11-2014) của học giả An Chi về ý nghĩa, nguồn gốc của từ "Tàu" (để chỉ người Trung Hoa), bài báo viết: (xin ghi những ý chính).
Cớ sao gọi người Trung Quốc là “Tàu”!
Thứ Bảy, 22:33 22/11/2014
Một số người nghĩ đơn giản rằng sở dĩ ta gọi người Trung Quốc là “Tàu” bởi vì họ sang ta bằng “tàu”! Từ nguyên học đâu có dễ dàng và ngộ nghĩnh như thế.
....................
"Chúng tôi khẳng định rằng Tàu là âm cổ Hán Việt của từ ghi bằng chữ 曹 mà âm Hán Việt hiện đại là tào, có nghĩa rộng là “cơ quan triều đình”, hiểu rộng ra là “quan”. Trong thời Bắc thuộc, nói chung giới cai trị là người Trung Hoa cho nên dân chúng đã quan niệm rằng người Trung Hoa là “tàu”, nghĩa là “quan”.
Đấy là chữ "Tàu" để chỉ người Trung Hoa theo cách lý giải của học giả An Chi.
Tôi cũng có đọc được quyển "Những bước đầu của Báo chí - Truyện ngắn - Tiểu thuyết và Thơ mới (1865-1932)" của Bùi Đức Tịnh, đúng như tựa, sách nói về giai đoạn đầu của Báo chí- Truyện ngắn - Tiểu thuyết và Thơ mới ở Việt Nam giai đoạn 1865-1932). Tác giả có trích Gia Định Báo*, số 5 năm thứ sáu, 16-2-1870, viết về những từ mà người Việt Nam (ở miền Nam) để gọi người Trung Hoa, tôi chép lại dưới đây:
"Người bên Tàu thường gọi là Trung Quốc nghĩa là nước ở giữa vì thuở xưa bên ấy có 18 nước chư hầu: chỗ Kinh Thành Hoàng đế ở lại ở vô giữa các nước chư hầu nên gọi là Trung Quốc.
Người bên Tàu thường kêu mình là Đường Nhơn hay là Thanh Nhơn, nghĩa là người nhà Đường, nhà Thanh.
An Nam ta kêu là Tàu, người bên Tàu, là vì người khách thường đi Tàu qua đây buôn bán; nên kêu là Tàu, hàng Tàu, đồ Tàu, v.v...
Người Bắc thì kêu là Ngô, nghĩa là người nước Ngô, có kẻ lại cắt nghĩa rằng vì bởi nó hay xưng mình là Ngô nghĩa là tôi.
Kêu Các chú là bởi người Minh Hương mà ra; mẹ An Nam cha Khách, nên nhìn người Tàu là anh em, bằng không thì cũng là người đồng châu với mình, nên mới kêu là Các chú nghĩa là anh em cha mình. Sau lần lần người ta bắt chước mà kêu vậy theo làm vậy.
Còn kêu là Chệc là tại tiếng Triều Châu kêu tâng Chệc nghĩa là chú. Người bên Tàu hay giữ phép, cũng như An Nam ta, thấy người ta tuổi đáng cậu cô chú bác thì kêu là chú là cậu vân vân. Người An Nam ta nghe vậy vịn theo mà kêu các ảnh là Chệc...".
Tôi cũng thử tra trên vài quyển từ điển tiếng Việt xưa:
- Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của (Saigon-1895,1896) giải thích: Tàu: Thuyền lớn, thuyền đi biển, nước Trung Quốc; người An Nam thấy tàu khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi nước Tàu, người Tàu.
- Việt Nam tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức, (Hà Nội-1931) giải thích: Tàu: tên tục người Việt-nam gọi nước Trung-hoa, do người Trung-hoa sang nước Việt-nam thường đi bằng tàu: Người Tàu, Hàng Tàu.
Ngoài những tiếng để chỉ người Trung Hoa như bài báo trên Gia Định báo đã viết bên trên, ngày xưa khi còn nhỏ gia đình tôi ở trong khu vực Chợ Lớn tại Saigon, trong xóm có nhiều gia đình người Hoa, ngay bên kế nhà tôi cũng có một gia đình người Triều Châu (họ sống với chòm xóm rất tốt, chỉ có cái tội là ăn ở không mấy vệ sinh). Thỉnh thoảng tôi cũng thường nghe người Việt gọi họ là Ba Tàu, hoặc Tàu Khậu, cách gọi này nghe có vẻ xách mé chẳng hạn "mấy chú Ba Tàu Chợ Lớn hay khạc nhổ", hoặc "mấy ông Tàu Khậu hay gom hàng làm giá". Chữ "Khậu" theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị là tiếng Triều Châu (còn gọi là tiếng Tiều), có nghĩa là "kho hàng", có lẽ người Hoa giỏi buôn bán, trong vùng Chợ Lớn họ có rất nhiều kho chứa hàng nên gọi họ như vậy, sau này tôi cũng nghe một từ khác gọi họ là "Tàu khựa", chữ "khựa" không biết có phải do chữ "khậu" mà ra? Cũng có cả một câu nói gần như là thành ngữ để chỉ sự ngốc nghếch, khờ khạo: "Chú Tàu nghe kèn" hay "mặt nó cứ nghệt ra như ngố Tàu nghe kèn ấy ".
Ghi chú:
* Gia Định Báo: là tờ báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của cả nước (xuất bản ở Nam Kỳ), được cho là khởi điểm của nền quốc văn mới, xuất bản số 1 ngày 15 tháng 4 năm 1865, do Ernest Potteaux làm Chánh tổng tài (một chức vụ thời ấy tương tự như Chủ nhiệm kiêm Chủ bút sau này). Ý định của nhà cầm quyền thuộc địa khi xuất bản Gia Định Báo:
- Phổ biến các văn kiện chính thức của chính quyền lúc ấy đến dân chúng Việt Nam.
- Truyền bá thứ chữ viết dùng mẫu tự La Tinh để ghi âm tiếng Việt.
Học giả Trương Vĩnh Ký có thời gian từ 1869 đến 1872 được Thống soái Nam Kỳ G. Ohier cử làm Chánh tổng tài.
(Theo Những bước đầu của Báo chí - Truyện ngắn - Tiểu thuyết và Thơ mới (1865-1932), Bùi Đức Tịnh, NXB TP. HCM-2002).
Trong cuốn "Sài Gòn năm xưa", cụ Bương Hồng Sển cũng có đề cập tới chũ "Tầu khậu" để chỉ các nhà buôn lớn. Do danh từ. "Thổ khố - nhà trữ hàng hoá" phát âm theo giọng Triều Châu, Phước Kiến. Cũng có lúc họ xưng là Đại Khố, nghĩa cũng như rứa. Đôi lúc họ tâng bốc nhau là Tàu kê (Đại Gia). Bây giờ người ta hay gọi đại gia để giành cho người lắm tiền đó bác. Hihi. Tiếc là con không biết viết chữ Hán lên đây.
Trả lờiXóaCon đi làm, mỗi lần đi giao dịch với khách hàng bên Chợ Lớn là con cũng nói:" Đi làm việc với Ba Tàu". Hì. Tàu khựa là từ giới trẻ để nói về Trung Quốc bây giờ.
Những từ Hán-Việt bạn Huy Trường nói viết theo chữ Hán:
XóaThổ khố (土 庫), Đại khố (大 庫), Tàu kê, đại gia (大家).
Tôi nghĩ có lẽ chữ "Tàu khựa" giới trẻ nói bây giờ là từ chữ "Tàu khậu", như bạn HT nói là để chỉ các nhà buôn lớn, "khậu" (khố 庫)có nghĩa là "kho chứa hàng".
Đạ. Đúng là các chữ này đây bác à. Hihi. Bác luôn đưa ra những thông tin rất haỳva bổ ích. Con thích lắm. Cảm ơn bác! "Lụn vụn nhưng coi vậy mà xài được" hihi
XóaCám ơn anh bạn trẻ Huy Trường, tôi thích những kiến thức như thế này, nó làm cuộc sống thêm phong phú.
XóaBác NHP ơi, nói thế nào thì riêng HN vẫn gọi là Tàu để nhớ đến "một ngàn năm nô lệ..." (TCS) dầu chúng ta có trân trọng nền văn hóa của họ, cũng giống như trong ngôn ngữ giao tiếp, HN luôn nói tôi sống ở Sài Gòn hơn là...Mong bác hết sức thông cảm bác nhé!
Trả lờiXóaHì hì, riêng cái ông láng giềng mà ta chẳng đặng đừng phải ở gần, thì tên gọi nước của ông ấy (theo người Việt mình thôi) đã là quá xá chừng. Tàu là tiếng mà người Saigon hay gọi, chẳng hạn thỉnh thoảng rủ nhau đi "ăn mì Tàu", gần nhà tôi ở đường Kỳ Đồng có một tiệm mì Tàu trông khá xập xệ, ngồi vỉa hè vậy mà lúc nào cũng đông nghẹt khách. Hoặc mấy Hội quán của họ được gọi là chùa Tàu...
XóaTôi cũng hay gọi thế thội bác HN. Entry này là những thông tin như bình thường thôi, còn hiểu và suy nghĩ như thế nào là quyền của mỗi người mà :-)))
Hồi trước nhà Marg cũng ở gần mấy gia đình người Hoa. Mấy chị em khi nói chuyện với nhau mà gọi họ là Ba Tàu thì mẹ Marg nhắc gọi bằng người Hoa, chứ kêu họ bằng Ba Tàu , họ không ưa. Thế là chị em Marg gọi họ là " Trois bateaux" ((((-:
Trả lờiXóaÀ mà bác giải thích chữ Tàu thôi còn Ba Tàu là do từ đâu bác nhỉ
Nếu lý giải từ "Tàu" như ông An Chi thì chắc người Hoa sẽ khoái, đằng này nghe như từ này được người mình dùng với hàm ý miệt thị, cho nên mẹ bạn Marg. mới nhắc đừng gọi họ là " Ba Tàu", còn tại sao lại gọi họ la Ba Tàu? Chắc tại ngày xưa họ đến nước ta trên... ba chiếc tàu quá, hì hì!
XóaCó mấy điểm đáng lưu ý khi học giả An Chi giải thích chữ Tàu là do ngày xưa từ chữ "tào" có ý nghĩa là "quan" mà ra:
Xóa1- Quan lại người Tàu thì chỉ có thời Bắc thuộc, nghĩa là ở miền Bắc, nếu thế thì từ "tàu" (tào) đã có từ cả ngàn năm nay, nhưng hình như trong sách sử không thấy chép từ "tào" để chỉ người Hoa, như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, người Tàu được gọi là Ngô, lúa ngô là lúa của người Tàu.
2- Người miền Bắc không nói "tàu" thành "tào", đấy là cách nói của người miền Nam. Người Bắc phát âm là "tầu" như chè tầu, tầu bè...
3- Từ "tàu" để chỉ người Hoa lại được dùng phổ biến ở miền Nam, mà đất miền Nam do người Việt cai quản chỉ mới mấy trăm năm nay thôi, lúc ấy chẳng còn quan lại Tàu để người miền Nam nói "tào" thành "tàu".
Nhưng cũng coi như là một giả thuyết lý giải tại sao gọi người Hoa là "Tàu" của học giả An Chi, đọc biết chơi.
Em đồng ý với lí giải về nguồn gốc Nam Bộ của chữ "Tàu" hay "Tầu" theo quan sát của bác Hiệp. Vừa may, trước khi đọc còm này của bác, em đã đi entry sau (thật ra là đi lại entry cũ có chỉnh sửa mà thôi):
Xóahttp://giaovn.blogspot.jp/2014/11/chu-tau-xuat-hien-trong-tieng-viet-tu.html
Hihi, ở đầu bài viết của học giả An Chi có câu: "Một số người nghĩ đơn giản rằng sở dĩ ta gọi người Trung Quốc là “Tàu” bởi vì họ sang ta bằng “tàu”! Từ nguyên học đâu có dễ dàng và ngộ nghĩnh như thế". Câu này làm tôi nhớ đến một từ để chỉ những người vượt biên bằng thuyền, tàu bè một thời là "thuyền nhân". Thuyền nhân chẳng phải có ý nghĩa là "người đi, đến bằng thuyền (tàu bè)" hay sao? Nó cũng tương tự như ta gọi người Hoa đến nước ta bằng tàu bè là "người tàu" vậy.
XóaCách gọi kiểu này tôi thấy "đúng điệu dân gian" (thấy sao kêu vậy), chẳng có chi là ngộ nghĩnh cả.
Chính cách giải thích của cụ An Chi làm sáng ra cái ý của cụ ấy viết:
Xóa"Từ nguyên học đâu có dễ dàng và ngộ nghĩnh như thế"
Bàn từ nguyên học như cụ An Chi như vậy, mà sao nhiều năm nay, nhiều tờ báo cứ sử dụng ? Ngộ nghĩnh thật !
Phải nói ngay là từ trước đến giờ tôi vẫn thích cách giải thích của học giả An Chi trong nhiều từ ngữ. Tôi có một vài người bạn cũng thường hay chú ý đến vấn đề này, họ cũng thường xem trên báo hay mạng về chuyện giải thích của ông An Chi và cũng thích. Còn chuyện sai, đúng tôi nghĩ là bình thường. Nói mười chuyện mà đúng được bảy tám sai hai ba là giỏi lắm rồi. Cỡ như tôi thì sai đến bảy, tám ấy chứ, hì hì!
XóaRiêng tại sao lại gọi người Tàu là "ba Tàu". Tôi nghĩ đây cũng là cách gọi của người miền Nam, hay thêm "thứ" vào tên gọi, chẳng hạn "anh ba Hưng", "chú bảy Lọt"... Với người mới gặp chưa xác định được thứ mấy thì người ta thường dùng thứ "ba", như anh ba, chú ba, dượng ba, cho nên người miền Nam gọi chung là "chú ba Tàu, anh ba Tàu", rút gọn lại thành "chú ba, anh ba, ba Tàu" cũng là để chỉ người Tàu.?
XóaHihi ..chị Marg ơi , giống như người VN mình : Nếu có ai gọi mình là " Dân Nam kỳ " thì mình đâu có giận vì đó là điều dĩ nhiên rùi ...vậy chứ mình gọi người ở miền Bắc là " Dân Bắc kỳ " thì họ điên tiết lên đó ...
XóaHaha, đúng đó NangTuyet, từ Nam Kỳ xưa nay sử dụng rất bình thường ở miền Nam. Tôi còn nhớ ngày trước có từ "Nam Kỳ lục tỉnh" để chỉ miền Nam, gọi người miền Nam là dân Nam Kỳ chẳng bạn bè người Nam nào thấy... kỳ gì cả.
XóaNhưng gọi "dân Bắc Kỳ" thì có khác. Tôi nhớ ngày xưa còn nhỏ, tôi dân Bắc chơi với mấy bạn miền Nam, giận nhau bạn nói "đồ Bắc Kỳ", về sau này còn thêm chữ "vón" (hay "dón") là "Bắc Kỳ dón", hay nặng hơn bạn đọc câu... vè "Bắc Kỳ ăn cá rô cây, ăn nhằm... lựu đạn chết cha Bắc Kỳ", là có chuyện, hì hì.
Nghe NangTuyet nói, chợt nhớ tới những kỷ niệm ấu thời.
Bác Hiệp có biết nguyên nhân xâu xa của tên gọi "Bắc kỳ" làm cho dân Bắc khó chịu ko???
XóaChắc phải có lửa có khói gi đó chứ :)
Chắc chắn điều này có nguồn gốc của nó chứ. Khi ấy tôi còn nhỏ quá nhưng tôi còn nhớ các cụ nghĩa là cha mẹ tôi kể lại thế này. Khi di cư từ miền Bắc vào ở vùng Trường đua Phú Thọ (Chợ Lớn) năm 1954, thoạt đầu tiếp xúc (như khi đi chợ) với những người miền Nam thái độ họ khá kỳ thị, các cụ nói có lẽ do một số lượng lớn người miền Bắc vào làm cuộc sống đảo lộn, giá cả tăng. Người miền Bắc rời bỏ quê hương đa số khi vào chỉ còn hai bàn tay trắng (khi xuống tàu thủy hay lên tàu bay đã bị chính quyền VM khám xét giữ lại hết của cải, tiền bạc), cho nên khi vào chưa có công ăn việc ổn định làm phải sống rất tằn tiện (nên mới có câu "Bắc Kỳ ăn cá rô cây"). Thêm nữa người miền Bắc "chịu khó" hơn người miền Nam, dần dần dành công ăn chuyện làm, ngay cả việc học hành cũng thế, người miền Nam lúc ấy không quan trọng việc học của con cái. Lúc tôi còn nhỏ vài năm đầu học tiểu học trường phải chia làm 2 buổi, một buổi dạy học trò người Bắc với giáo viên người Bắc, một buổi dạy học trò Nam với giáo viên người Nam, tôi cũng còn nhớ ngay cả tập đọc chữ cũng khác. Trẻ con Bắc học đánh vần "tê ô tô i tôi", trong khi trẻ Nam đánh vần "ô i ôi, tờ ôi tôi".
XóaNhư Bố susu cũng biết, người miền Bắc thường ăn nói "văn hoa" hơn ngay cả trong việc "chửi" (có cái bài chửi mất gà thì biết), còn người miền Nam thì không "văn hoa" bằng, tức quá thì "Đ. mẹ, chó đẻ..." là hết, nên người Nam chỉ biết nói "đồ Bắc Kỳ" với hàm ý "có đủ mọi tính xấu" trong đó, dĩ nhiên là người miền Bắc biết điều đó, coi như một câu chửi, và... tức.
Hì hì, nói chuyện theo như các cụ kể lại để vui chơi. Khi tôi lớn bắt đầu lên trung học thì không còn những kỳ thị nữa, đã "Bắc Nam một nhà", tình cảm thắm thiết :-)))
Đề nghị bác Hiệp viết cái còm này thành entry (bổ sung thêm một chút nữa).
XóaEm thấy bác giải thích bằng kinh nghiệm của chính bản thân bác, rất thú vị. Cách đánh vấn trong Nam thì sau này hình như lan ra Bắc bác Hiệp à. Thời em học là thành ra vậy. Nhưng bây giờ thì không rõ như thế nào.
Em có ông bạn người Cần Thơ, cũng thi thoảng ổng gọi em là "mày đồ Bắc Kỳ". Mình biết lão nói theo thói quen, nên chỉ cười, không tức gì cả. Thản nhiên mà.
Hì hì, điều này tôi chỉ được nghe các cụ kể lại, rồi qua cuộc sống thì nhận thấy thế, nhân có anh bạn trẻ Bố susu hỏi thì nói lại chơi thôi chứ không định viết thành entry bác Giao.
XóaCòn câu này nữa nè bác Phạm, "Nhứt Bắc kỳ, nhì tóc quăn", nhưng ngụ ý khen chớ ko phải chê. Người ta khen người Bắc đa số khôn ngoan, khôn thứ nhì là những người có đầu tóc quăn. Hỏng biết bác Phạm tóc có quăn ko, nếu có thì mình bác rinh luôn 2 giải! hehe...
Trả lờiXóaNếu thế thì tôi chỉ được một cái "nhất chung" thôi, còn tóc thì lại thẳng đuỗn. À mà nếu nói thế thì người... Châu Phi, hoặc mấy ông Mỹ đen là khôn nhất thiên hạ đó Giáo, hì hì!
XóaBà con mình chỉ đúc kết trong nước mình thui bác Phạm ui! Vậy là bác được rinh giải nhứt. Xuống VT đi Giáo đãi bác với vợ chồng bác Bu ăn một bữa bún chả cành hông luôn! Dám làm 1 cuộc phiêu lưu nho nhỏ ko? hehe...
XóaThảo nào mà người Phi Châu và Mỹ da đen không mấy giàu có :-))
XóaNhiệm vụ bất khả thi đó Giáo. Giáo đãi vợ chồng bác Bu bún chả và cà phê vậy. Chúc các bạn bún chả vui vẻ.