Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014
Học làm người.
Tôi đang đọc lại những quyển sách trong tủ sách "Học làm người", loại sách này được xuất bản trước năm 1975 ở Saigon. Những quyển sách tôi đang đọc được tái bản sau năm 1975, của những học giả Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt... Đây là ba tác giả quen thuộc của miền Nam viết về những đề tài có tính cách giáo dục, hướng dẫn những kỹ năng sống của thời ấy, những bài viết chủ yếu dành cho sinh viên, học sinh, những người trẻ tuổi trong xã hội. Những quyển sách như Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống, Sống đẹp, Luyện lý trí, Rèn nghị lực, Kim chỉ nam của học sinh, Tổ chức công việc theo khoa học, Tương lai trong tay ta, Gương danh nhân, Gương chiến đầu, Gương hy sinh... (Nguyễn Hiến Lê), Thuật tư tưởng, Cái dũng của thánh nhân, Lão Tử Đạo Đức kinh... (Nguyễn Duy Cần), Người bản lĩnh, Thuật hùng biện, Thuật đọc sách báo, Thinh lặng cũng là hùng biện, Làm sao đời lên hương... (Hoàng Xuân Việt).
Tôi vẫn thường đọc đi đọc lại những quyển sách trong tủ sách "Học làm người" của ba tác giả quen thuộc đó. Có lẽ với đại đa số người đọc sách ở miền Nam trước đây như tôi, không ai lại không biết đến sách của ba vị, cùng với những học giả khác như Vương Hồng Sển ông viết về thú chơi cổ ngoạn, thú sưu tầm sách, viết về miền Nam... cũng như sách của nhà văn Sơn Nam, sách của các ông luôn được viết rất nghiêm túc, nhưng bình dị, gần gũi, dễ đọc, cho ta rất nhiều kiến thức bổ ích.
Có một điều rất hay là cả ba học giả Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt, tuy sống cùng thời, cùng viết về những đề tài giống nhau, tham khảo, trích dẫn có khi từ cùng một nguồn, nhưng đọc sách của các ông ta thấy luôn khác, khác về cách hành văn, cách suy nghĩ của mỗi người khi viết sách, cách đưa nội dung của quyển sách đến bạn đọc... không bao giờ tôi có thể tìm thấy những lỗi "sao chép" nào dù là nhỏ nhặt giữa những quyển sách của họ, hay có thể nói khác đi, ở nơi họ không hề có cái mà bây giờ ta thường thấy nơi xã hội, được gọi là "đạo văn". Có lẽ những người như những học giả kể trên luôn là những người sống có nhân cách, đúng như những gì họ đã viết trong sách.
Trong tủ sách Học làm người của ba học giả quen thuộc tôi vừa kể trên, có lẽ sách của học giả Nguyễn Hiến Lê được nhiều người đọc nhất, ông cũng là người viết về đề tài này nhiều hơn các học giả khác. Ông viết từ thập niên 1950 cho đến lúc mất (đầu thập niên 1980) với trên 100 quyển sách đã được xuất bản. Cho đến tận bây giờ sách của ông vẫn còn được tái bản và vẫn được nhiều bậc phụ huynh tìm mua cho con cái đọc (nhưng tuổi trẻ bây giờ có còn thích thú đọc loại sách này như những thế hệ trước hay không?). Sách của hai học giả Nguyễn Duy Cần và Hoàng Xuân Việt cũng thế. Tôi nghĩ các thế hệ thanh niên sinh trưởng trước năm 1975 ở miền Nam, không ít người đã "nên người", theo cái nghĩa cơ bản nhất, tức là đã nên người tử tế, biết lẽ phải, trái, cũng là nhờ đã thường xuyên đọc sách của các ông...
Bây giờ ta có thể tìm đọc loại sách Hạt giống tâm hồn của nhà Firt News - Trí Việt, tủ sách viết về những mẫu chuyện nho nhỏ nói về những gương hy sinh, ý chí vươn lên trước nghịch cảnh, những câu chuyện cảm động trong cuộc sống, nhưng với loại sách trong tủ sách Học làm người của các học giả kể trên, sách còn hướng dẫn cho ta cách đọc sách, phương pháp học tập, cách xử thế, cách tư duy, lý luận, kể cả cách nghỉ ngơi, giữ gìn sức khỏe... những điều chúng ta tưởng là đương nhiên, ai cũng biết, ai cũng rành rẽ...
Mới mấy ngày trước, một câu chuyện nhỏ, có lẽ là rất nhỏ tôi đã gặp trước cổng một bệnh viện đã làm cho tôi suy nghĩ. Một anh chàng còn trẻ tuổi, cỡ chừng hai mươi bảy, hai mươi tám tuổi đậu xe gắn máy giữa đường đi chắn lối ra vào trước bệnh viện, anh ta thản nhiên đứng nói điện thoại mặc cho lúc ấy có chiếc tắc xi chở người bệnh đến bấm còi xin tránh sang một bên để đưa người bệnh vào. Khi những người bán hàng rong chạy ra nhắc thì anh ta quay lại sửng cồ với họ, anh ta nói đây là đường đi thì anh ta có quyền đứng như thế. Qua cách ăn mặc bảnh bao, xe cộ, tôi thấy anh ta chắc phải là người được đến trường lớp, đã có công ăn chuyện làm đàng hoàng, chứ không phải như đám ngày xưa ông bà ta hay gọi là "đá cá lăn dưa" nơi mấy ngôi chợ đầu mối. Vậy mà tại sao anh chàng này lại hành xử như thế nơi chốn công cộng? Như một kẻ vô lại? Chỉ biết đến chính bản thân, chứ không cần biết đến việc mình làm ảnh hưởng đến sự an nguy của kẻ khác?
Tôi nghĩ mãi. Hay là anh ta đã được học chữ nhưng lại không được học hay tự học những nguyên tắc cơ bản để làm người?
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
1- Bu tui cũng là người kính phục và ngưỡng mộ cụ Nguyễn Hiến Lê. Cụ nêu một tấm gương tự học sáng vô bờ bến để hậu thế noi theo. Nghề cụ vốn là hỏa xa nhưng lại rất xuất sắc trong nghiên cứu văn hóa phương đông. Trong số những sách viết về kinh dịch thì bu tui cho là quyển " Kinh dịch đạo của người quân tử" của cụ là dễ hiểu hơn cả. Trong quyển Lão tử cụ khẳng định Lão tử sau khổng tử trước Mạnh, Trang, với lập luận rất thuyết phục. Trong khi đó Tư Mã thiên cho là Lão tử trước Không tử... hihi.
Trả lờiXóa2- Một thời ngoài bắc rất hiếm sách dạy làm người mà chỉ dạy làm chủ tập thể, làm anh hùng, đến nỗi có câu "ra ngõ gặp anh hùng". Trẻ con thì dạy yêu đồng bào, yêu tổ quốc chớ không nhắc đến yêu bố mẹ, làng xóm. Sự phiến diện đó tạo ra những mẫu người như bạn PNH vừa dẫn chứng trong bài viết.
Cụ Nguyễn Hiến Lê là một gương đáng kính phục về tự học, xuất thân từ một gia đình Nho gia, gặp thời ly loạn chủ yếu cụ tự học để đọc và dịch được các tác phẩm viết bằng Hán văn, Pháp văn, Anh văn. Cụ xuất thân công chánh (cùng nghề với bác Bu), nhưng lại có thời gian đi dạy học, dịch sách, viết văn, làm nhà xuất bản, trong lãnh vực nào cụ cũng làm tốt công việc của mình.
XóaĐọc Hồi ký của cụ và quyền Nguyễn Hiến Lê Cuộc đời & Tác phẩm của nhà văn Châu Hải Ký (một người bạn viết về cụ), tôi mới nhận ra rằng chỗ ở của tôi bây giờ ở Q3 (bác Bu có ghé) là hàng xóm, có địa chỉ đối diện với nhà cụ NHL, nhưng cụ NHL mất năm 1984 thì đến năm 1996 tôi mới về ở. Tôi có hỏi thăm mấy người hàng xóm kỳ cựu ở đó thì họ nói đúng rồi hồi xưa có ông nhà văn ở đó mà không biết tên gì. Qua hình ảnh thì tôi còn nhận ra căn nhà ngày xưa cụ NHL đã ở.
Cái hình ảnh ích kỷ chỉ biết có mình mà tôi gặp trước cổng bệnh viện làm tôi cảm thấy ghê sợ. Xe chở người bệnh mà họ cũng không nhường, trong khi chỉ cần dắt xe tránh sang một bên thì họ sẵn sàng cãi cọ. Cái xã hội đang đi đến sự tệ hại toàn diện bác Bu à, chắc là hậu quả của một nền giáo dục "anh hùng" như thế.
Huhu xuống cấp và suy thoái toàn diện triệt để mà PNH
XóaTrong 3 tác giả trên, con đều có đọc qua mấy tác phẩm. 3 cái tên bác Hiệp nêu trên đều là "hàng hiệu" trong mảng sách học làm người. Ý kiến chủ quan của con thì con thích ông Nguyễn Hiến Lê hơn. Con ko lý giảu đc vì sao nhưng có lẽ là con thấy dễ đọc hơn 2 tên tuổi kia.
Trả lờiXóaCòn bác Bulukhin có đề cập tới cuốn "Kinh dịch- Đạo của người quân tử" làm con mới nhớ ra hồi con bắt đầu học trung học con có đọc sơ qua mấy trang rồi con bỏ, hồi đó con mê truyện tranh hơn cả. Bố con hay đọc cuốn đó. Bây giờ muốn kiếm lại một cuốn mà chưa gặp được. Cám ơn bác Bu nhiều nhiều. :-)
Bạn Huy Trường nhận xét đúng, sách của cụ NHL viết dễ đọc, dễ hiểu hơn hai người kia, tuy cùng một đề tài. Đơn giản là vì cách hành văn, nêu vấn đề của cụ NHL dễ hiểu hơn, cũng có thể vì cụ Lê gốc miền Bắc, viết súc tích hơn, hai nhà văn kia người Nam bộ, viết mộc mạc hơn, cũng như sách của hai cụ Vương Hồng Sển, Sơn Nam, người không quen nói khó đọc.
XóaVề Kinh dịch thì các cụ Ngô Tất Tố, Phan Bội Châu dịch sát bản chữ Hán quá, thành ra nặng nề và rườm rà, người mới nhập môn đọc vào ù ù cạc cạc. Cụ Hiến Lê lược bớt chỗ không cần thiết, xem mình là người đọc mới vào cuộc nên đọc dễ hiểu hơn.
XóaCám ơn bác về thông tin mới mẻ này. Con chỉ biết cụ NTT nhà văn và bhà báo. Hôm nay mới biết cụ "Tắt đèn" còn có nhiều "ngón" khác. hì
XóaCám ơn bác. Nhưng con lại thích cáh hành văn của cụ Vương Hồng Sển và Sơn Nam. Viết văn mà như kể chuyện miệng. Có j đó vừa là chất văn tản mạn, vừa có kiểu cách, nói như người Nam gọi là "tào lao bí đao " đó bác. Dễ nhớ. Hihi.
Trả lờiXóaCái này là tùy từng người đọc đó, người quen đọc thấy hay, người không quen lại chê dài dòng, tôi cũng rất thích đọc văn của các cụ Vương Hồng Sển và Sơn Nam, tôi cũng có một số sách của hai cụ.
Trả lờiXóaNếu nói dài dòng thì tiêu biểu nhất là cụ Vương Hồng Sển trong cuốn "phong lưu cũ mới", phần viết về thú đá gà. Cụ đang nói về cáp độ gà nó lợi, hại ra sao? Cụ chỉ nhắc nó thú không khác gì đọc truyện Thuyết đường và chơi bài "Thín cẩu". Vậy là cụ làm luôn một lèo 3 trang giấy chỉ để giới thiệu và nói luật chơi thứ bài này.
Trả lờiXóaVà có đoạn cụ cũng "đe" người đọc luôn: Ai mà chê tôi viết dài dòng thì gấp sách luôn đi!. Như vậy cũng đủ nói lên cái "chất" của người Nam. Thẳng như ruột ngựa. Không sợ mếch lòng. ;-)
Hehe có lẽ bu tui phải viết một bài nói về lời giới thiệu của cụ Phan Bội Châu trong quyển Không Học Đăng, ông đồ Nghệ này thẳng thừng như dân Nam bộ, thậm chí còn hơn
XóaĐ/c: Khổng học Đăng
XóaHoan hô. Chờ ngày bài biết của bác Bu ra đời.
XóaNgười miền Trung và người miền Nam thường "thẳng thừng" hơn người miền Bắc đó bác Bu, hihi!
XóaTôi cũng hoan hô, bác Bu "im hơi lặng tiếng" hơi lâu, nay "tái xuất" có đề tài viết cho anh em đọc chơi.
Nói thiệt PNH bu tui định bỏ cuộc blogspot để láng cháng bên phây búc với thiên hạ cho đỡ sầu đời. Nhưng trình độ phây còn tù mù nên viết ở xì pót rồi rót sang phây nhanh hơn. May mà sáng nay cùng bà xã đi chén bún chả cá ở chỗ Giaolang, Nàng hứa sang nhà bu bổ túc cho về thủ thuật phây búc để hành nghề. Từ nay có lẽ bu tui còn duyện nợ dài dài với xì pót thôi...hihi
XóaHihi, cái gì cũng thế, cứ để cho cái duyên nó dẫn dắt, nếu còn duyên nợ thì bác Bu cứ ở bên Blogspot mà vui chơi, chừng nào hết duyên tự nó sẽ chấm dứt. Tôi bây giờ nghĩ thế, một duyên, hai nợ, ba sinh... :-)))
XóaThê hệ tôi cũng lớn lên nhờ tủ sách "Học Làm Người" này. Nhưng thú thật, bây giờ tôi lại thích những sách dạng "Súp Gà Cho Tâm Hồn" hơn. Những cuốn sách này ghi lại những câu chuyện ngắn, sinh động, đầy ý nghĩa giáo dục nhân cách, phù hợp với suy nghĩ, tâm lý và sở thích giới trẻ bây giờ! Đọc lại những cuốn sách cũ, tuy vẫn hay và bổ ích, nhưng tôi lại cảm giác hơi nặng nề!
Trả lờiXóaCuộc sống trôi đi cũng như dòng sông, mỗi lúc mỗi khác cụ Nô. Tôi cũng vẫn thường đọc "Súp gà cho tâm hồn" như cụ Nô nói (loại sách Hạt giống tâm hồn tôi có viết trong entry), nhưng thỉnh thoảng vẫn mang sách cũ ra nghiền ngẫm. Dần dà thì mình hiểu mỗi loại sách của mỗi thời nó có cái hay riêng, miễn là mình biết tìm và thấy.
XóaGiáo cũng đã đọc nhiều sách của cụ NHL và một vài cuốn của cụ SN, cụ VHS... Nhưng có lẽ bác Nô nói đúng, người trẻ bây giờ ưa thích Chicken Soup hơn, ko chỉ giới trẻ VN... Ngay cả Giáo, dù ko còn trẻ nữa nhưng vẫn nghiêng về Súp Gà, một phần do có phần Tiếng Anh, và phần dịch ra Tiếng Việt cũng rất hay!
Trả lờiXóaTôi hoàn toàn đồng ý với cụ Nô cũng như Giáo, bây giờ nếu có đọc đa phần sẽ chọn loại sách Chicken Soup hơn là sách của các học giả kia, vì nó "nhẹ nhàng" hơn. Nếu đọc Chicken Soup, hoặc loại sách Học làm người mà sống tốt được thì hay lắm, chỉ sợ ngày nay đến cả Chicken Soup giới trẻ cũng không chịu đọc.
XóaGiáo vẫn tin rằng có giới trẻ chịu đọc đó bác Phạm à! Bằng chứng là anh bạn trẻ là fan hâm mộ bác Phạm đó. Anh ấy đâu có già, nhưng sức đọc và kiến thức thì cũng đáng nể lắm!
XóaHihi, anh bạn trẻ HT mà Giáo nói là một người trẻ khá đặc biệt vì chịu đọc sách hơn đa số bạn trẻ khác, lại còn khoái nhạc Phạm Duy nữa chứ.
XóaNhân trường hợp anh chàng bô bô nói điện thoại giữa đường, tôi nghĩ : Người có văn hóa, biết làm người không nhất thiết phải được đến trường và được học cao. Cho nên cái gọi là trình độ văn hóa không thể và không nên đo bằng hết lớp 9, lớp 12 hay Đại học. Đấy chỉ là chỉ cái mức học thôi chứ không bao gồm văn hóa. Cái anh chàng bác Hiệp nhắc thì văn hóa kém, thậm chí là vô văn hóa, dù có bằng nọ bằng kia, có xe máy và có gì gì...cũng thế thôi!
Trả lờiXóaBác Vũ Nho nói rất đúng, cái học vấn ở trường lớp nó không phản ánh cái gọi là "văn hóa ứng xử" của xã hội, ngày xưa cũng thế, một người có thể có bằng cấp cao nhưng cách đối xử với chòm xóm rất dở, rất vụng về. Ngay cả cái vẻ bề ngoài sang trọng cũng thế, nhiều người giàu có nhiều khi ra nơi công cộng lại ứng xử khá thiếu văn hóa.
XóaCho nên đúng như những học giả đã viết sách Học làm người, họ mong muốn viết ra để hướng dẫn cho xã hội sống cho "có văn hóa".
Học văn hóa không dễ , nhưng học làm người thì lại càng khó hơn anh Hiệp nhỉ ? Xem ra ở những người ăn mặc bảnh bao chưa chắc là có được một sự giáo dục tốt , còn những người ăn mặc bình thường thì lại có nền giáo dục thấp . Em nghĩ chẳng qua là do cách sống và sự suy nghĩ ở mỗi người nên đã góp phần tác động vào nhân cách của họ ....
Trả lờiXóa"do cách sống và sự suy nghĩ ở mỗi người nên đã góp phần tác động vào nhân cách của họ ....". Điều này rất đúng đó NangTuyet, cách sống và suy nghĩ của mỗi người quyết định nhân cách của người đó, thật sự là như thế.
Xóa1. Đọc bài viết của bác NHP, HN nhớ lại loại sách Học làm người ngày xưa bác nhắc, nhớ hình như phần lớn của nxb Phạm Văn Tươi có cái logo là người nông dân cầm xẻng, một chân đạp lên để xúc và câu slogan bên dưới là : “Nỗ lực rồi cậy trông” phải không bác?
Trả lờiXóa2. Bác và độc giả cmt trong bài viết của bác nhắc đến cụ Vương Hồng Sển, HN xin trích đăng một đoạn trong bài viết của tác giả Đoàn Dự để mọi người tham khảo cho vui như sau: “Trong cuốn Hơn nửa đời hư, học giả Vương Hồng Sển (1902-1996) – một người rất nổi tiếng, đã viết tới hơn 20 cuốn sách nghiên cứu rất có giá trị – kể rằng quê ông ở Sóc Trăng, gia đình thuộc loại khá giả. Khi sinh ra ông, cha ông mừng lắm nên đặt tên ông, nếu đọc theo tiếng Việt là Vương Hồng Thịnh. Nhưng do cha ông không biết viết tiếng Việt nên viết theo chữ Hán. Đem miếng giấy ra xã làm giấy khai sinh, người thư ký cho biết ông xã trưởng đang mắc đánh bài ở nhà. Đáng lẽ cứ gửi miếng giấy ở đấy rồi dặn người thư ký là xong, nhưng cha ông lại cẩn thận đem đến nhà, định dặn ông xã trưởng tên đứa nhỏ là Vương Hồng Thịnh. Lúc cha ông đến, ông xã trưởng đang thua nặng gần hết tiền nên nói: “Mầy cho tao 3 đồng đặng tao gỡ rồi mơi tao mần cho”. Ba đồng lúc ấy rất lớn, trong khi làm giấy khai sinh không phải tốn tiền, nên cha ông chỉ cho có 1 đồng. Ông xã trưởng giận, bèn trả thù bằng cách nhân cha ông viết miếng giấy theo chữ Hán nên cứ thế khai sinh cho ông đọc theo tiếng Tiều (Triều Châu) là Vương Hồng Sển. Lớn lên, đi học, ông rất mắc cở với bạn bè vì cái tên kỳ cục này. Cho đến khi ông sắp đi thi tú tài, cha ông hỏi nếu muốn đổi tên thì cha ông sẽ bỏ tiền ra lo cho, chứ nếu thi xong, may ra mà đậu, tên tuổi, bằng cấp được gởi qua Pháp thì sẽ không đổi được nữa. Lúc ấy má ông mới mất, ông thương má lắm nên nói thôi, nếu đổi tên, những lúc cúng cấp má không biết con là ai cả, thà giữ cái tên xấu mà má nhận ra còn hơn, bởi vậy ông phải mang cái tên… không giống ai hết đó suốt đời.”
3.Đồng ý với nhận định của bác Vũ Nho, HN nghĩ rằng bác NHP nói người này chừng 29 -30 tuổi gì đó thì đúng là ngày xưa là “cháu ngoan bác Hồ” và đã qua giai đoạn làm “thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh”, chuyện chẳng lạ gì! Hihi.
4. Không lạ gì chuyện ngày xưa các tác giả không đạo văn của nhau như bác nói vì họ đâu được soi sáng bởi "chủ nghĩa Mác Lê nin bách chiến bách thắng" và họ cũng còn một bất hạnh khác là không được học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh! Hihi.
1- Đúng rồi bác HN, sách của nhà xuất bản Phạm Văn Tươi do ông Phạm Cao Tùng là chủ, ông cũng là người viết loại sách Học làm người, nhưng không nổi tiếng bằng 3 học giả trên, logo sách của NXB này đúng như bác HN nói. Ông Hoàng Xuân Việt là tác giả cuối cùng trong 3 ông đã mất tại Saigon vào tháng 7-2014 thọ 84 tuổi (ông sinh năm 1930).
Trả lờiXóa2- Về cái tên Sển nghe có vẻ kỳ cục tôi cũng có đọc trong Hơn nửa đời hư của ông (tôi cũng có cuốn này và một số cuốn khác nữa). Nhưng cái tên này lại rất đặc biệt, nó nói lên cái nguồn gốc nửa Tàu nửa Ta của cụ, và tên coi thế mà dễ nhớ.
3- Hihi, mục này thì thời thế nó thành ra thế.
4- Các cụ này ngày xưa đều giỏi chữ Nho, theo Nho học rồi theo Tây học và cả Mỹ học, nghĩa là toàn những nền học vấn lỗi thời hoặc đáng bỏ đi, thế mà nhân cách thật đáng để ta học hỏi.