Thứ Tư, 3 tháng 12, 2014
Học làm người (2).
Học giả Nguyễn Hiến Lê mất đến nay đã được đúng 30 năm, ông mất ngày 22-12-1984, sắp kỷ niệm 30 năm ngày mất của ông. Ông sinh năm 1912 tại Sơn Tây - Bắc Việt, mất năm 1984 thọ 72 tuổi.
Một lần đọc quyển Hồi ký* của ông, trong sách có hình chụp ông và phu nhân đứng trước nhà vào năm 1983, và một quyển bạn văn viết về ông** tôi mới hay chỗ tôi đang ở hiện nay là hàng xóm với ông khi ông còn sống, ông đã ở đây một thời gian khá dài từ trước năm 1975 cho tới khi ông mất vào tháng 12 năm 1984, đến năm 1995 thì tôi về ở trong khu nhà đối diện với khu nhà nơi ông đã từng ở. Đây cũng là nơi đặt nhà xuất bản do ông sáng lập mang tên ông tại số 12/3C Kỳ Đồng, Q3, TP HCM. Căn nhà đó nay vẫn còn giữ nguyên kiến trúc như thế, nhưng không rõ do ai đang ở.
Mấy tháng trước tôi có đọc được một bài trên báo mạng có tin học giả Hoàng Xuân Việt đã từ trần (tháng 7-2014). Vậy là cả ba người trước năm 1975 viết trong Tủ sách Học làm người (tiếng Pháp Culture humaine) nay đã không còn nữa. Học giả Nguyễn Hiến Lê mất năm 1984, Nguyễn Duy Cần mất năm 1998, và Hoàng Xuân Việt mất tháng 7 năm 2014. Trong ba học giả trên thì Hoàng Xuân Việt viết nhiều nhất, theo trang mạng Wikipedia ông viết đến 373 đầu sách trong nhiều lĩnh vực. Sách của học giả Hoàng Xuân Việt bao gồm loại sách học làm người, lịch sử, triết học, văn hóa - xã hội - tôn giáo, khoa học, từ điển, và cả thơ... Kế đến là học giả Nguyễn Hiến Lê viết khoảng trên 100 đầu sách (theo quyển Nguyễn Hiến Lê - Cuộc đời & Tác phẩm của nhà văn Châu Hải Kỳ thì ông Nguyễn Hiến Lê viết trên 120 nhan đề với trên 160 cuốn sách). Tôi có được khoảng 1/3 số sách của ông (khoảng 50 quyển, trong đó tôi còn giữ được quyển Chiến Quốc Sách mua từ trước năm 1975, cùng với quyển Sử ký Tư Mã Thiên, nhưng quyển sau đã mất). Đối với học giả Nguyễn Duy Cần có 30 đầu sách viết về đủ thể loại (theo thống kê chưa đầy đủ trên trang Wikipedia).
Nhưng có một điều khá đặc biệt, cũng theo nhà văn Châu Hải Kỳ trong sách viết về học giả Nguyễn Hiến Lê, ông cho biết ông Nguyễn Hiến Lê viết nhiều sách về Khổng, Lão, về tư tưởng triết học phương Đông nhưng ông không hề viết một quyển sách nào về đạo Phật hay về Đức Phật Thích Ca. Nhà văn Châu Hải Kỳ trích dẫn ông Lê Ngộ Châu (người trông coi tờ Bách Khoa Thời Đại từ năm 1962 cho đến năm 1975, một tạp chí đứng đắn ở miền Nam), và là một người bạn thân thiết với ông Nguyễn Hiến Lê. Ông Lê Ngộ Châu đã nhiều lần gợi ý cho ông Nguyễn Hiến Lê viết một cuốn sách về đạo Phật "nhưng ông Lê tránh né". Ông Châu có lưu ý một điều nữa là "thường thường sách nào ai tặng, ông Lê đều đọc qua và có ghi bút chì nhận xét của ông ở trang đầu hay trang cuối. Chỉ có cuốn Phật học tinh hoa của ông Nguyễn Duy Cần là không thấy có bút tích của ông, có thể là ông không đọc". Cả việc tang ma của ông, ông cũng dặn dò người nhà đừng mời nhà sư đến tụng niệm. Một học giả uyên bác, viết rất nhiều như ông mà không viết về đạo Phật thì thật lạ.
Đọc Hồi ký của học giả Nguyễn Hiến Lê, tôi thấy đa số những nhà văn, học giả nổi tiếng ở miền Nam trước năm 1975 đều là bạn bè thân thiết với ông, như thi sĩ Đông Hồ, các ông Giản Chi, Võ Phiến, Nguyễn Hữu Ngư (Nguyễn Ngu Í), Hư Chu, Quách Tấn, nữ sĩ Tương Phố, Vi Huyển Đắc (chuyên về kịch), Châu Hải Kỳ, Lê Ngọc Trụ (người đã viết bộ Việt ngữ chánh tả tự vị và Tự vị ngữ nguyên Việt Nam rất có giá trị mà bây giờ không sao kiếm lại được, cũng không thấy tái bản), Vương Hồng Sển (ông có viết quyển Tự vị tiếng nói miền Nam, nhưng khi in năm 1994 thì thành ra Tự vị tiếng Việt miền Nam, khiến ông kêu trời), Bình Nguyên Lộc người viết quyển Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt, Nguyễn Đức Sơn, nhà thơ lập dị, thơ ông có câu "Nếu không có quỷ ma/ Khó bề thấy được Phật", sau năm 1975 ông đã lên Bảo Lộc trồng rừng, sống cuộc sống thiên nhiên nơi trang trại của nhà Lá Bối, nhà văn Toan Ánh, người có đam mê ghi chép phong tục Việt Nam, đã xuất bản nhiều sách về đề tài này...
Sau khi đất nước thống nhất vào tháng 4 năm 1975, học giả Nguyễn Hiến Lê viết trong Hồi ký tháng 6 năm ấy GS. Nguyễn Kim Thản khi ấy là Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Hà Nội có ghé thăm ông. Cuối năm 1975 thì nhà văn Nguyễn Đổng Chi cũng đến tìm, cùng thời gian ấy có GS. Đào Duy Anh tìm đến nhà ông và có lẽ đối với các nhà văn, học giả miền Bắc lúc bấy giờ, ông tri kỷ nhất với học giả Đào Duy Anh. Lần đầu gặp chính ông nhưng ông Đào Duy Anh không giới thiệu, thấy người lạ ông nói ông Nguyễn Hiến Lê không có nhà, lần thứ nhì GS. Đào Duy Anh đến xưng danh và ông Nguyễn Hiến Lê đã tiếp ngay. GS. Đào Duy Anh tặng ông Nguyễn Hiến Lê quyển Từ điển truyện Kiều, quyển từ điển này mới được xuất bản năm 1974, ông Nguyễn Hiến Lê tặng lại cho GS. ít quyển sách của ông viết. Về quyển Từ điển truyện Kiều học giả Nguyễn Hiến Lê nhận thấy sách được soạn rất công phu, và ông cho biết thêm sách của GS. Đào Duy Anh lúc ấy phải nhờ đến thủ tướng Phạm Văn Đồng can thiệp mới được in, và chỉ trong thời gian ngắn mấy tháng đã bán hết. Một lần khác vào năm 1978 GS. Đào Duy Anh có vào Saigon lần nữa gặp ông, học giả Nguyễn Hiến Lê viết trong hồi ký: "Ông (GS. Đào Duy Anh) ngại rằng hai ba chục năm nữa, kinh tế vẫn chưa tiến được, và xã hội chủ nghĩa vài trăm năm nữa cũng chưa xây dựng xong, mình sẽ bị phương Tây bỏ lùi lại sau rất xa nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ". Câu này cho thấy GS. Đào Duy Anh không những giỏi về lịch sử, văn chương, mà còn là một người nhìn xa trông rộng về thời cuộc.
Trong Hồi ký, học giả Nguyễn Hiến Lê viết GS. Hoàng Phê có ghé thăm ông, khi ấy GS. Hoàng Phê là người chủ biên tập A-C bộ Từ điển tiếng Việt phổ thông của Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam (Hà Nội-1975). Học giả Nguyễn Hiến Lê đã trao đổi những lỗi vô lý trong tập đầu của quyển từ điển này, như ông viết trong Hồi ký, "Có những lỗi rất nặng như từ cọng, biến thể ngữ âm của cộng, mà Ban biên tập gọi là "tiếng địa phương" thì sai lầm quá. Cọng chỉ là một cách phát âm sai của người Nam, cũng như cây cau, họ phát âm là cây cao, như con tôi họ phát âm là coong tui v.v... không thể gọi là tiếng địa phương được.
Học giả Nguyễn Hiến Lê là một người rất độc lập trong cuộc sống cũng như trong sáng tác văn học. Khi sinh thời để không bị phụ thuộc vào người khác trong việc xuất bản sách, ông đã lập một nhà xuất bản mang tên ông, và ông chỉ chuyên xuất bản sách của mình. Năm 1973 ông đã được chính quyền miền Nam lúc bấy giờ tặng giải thưởng văn học***, giải thưởng trị giá một triệu đồng thời ấy là rất lớn (vàng khi ấy có bốn mươi ngàn đồng một lượng), nhưng ông đã từ chối. Ông từ chối giải thưởng không phải vì lý do chính trị, mà chỉ vì muốn giữ cái độc lập của mình.
Sau năm 1975, ông viết trong Hồi ký chính quyền lúc bấy giờ coi ông như nhân sĩ, đề nghị trợ cấp cho ông mỗi tháng 60 đồng, tương đương với mức lương cán bộ khá khá, và giới thiệu cho ông được điều trị bệnh ở bệnh viện Thống Nhất, ông đã từ chối. Học giả Đào Duy Anh biết chuyện có hỏi, ông trả lời: "Tôi có công gì với cách mạng đâu mà vô đó nằm? Hưởng một ân huệ mình không đáng hưởng, tôi cho không phải phúc. Vô đó người ta gọi tôi là đồng chí tôi sẽ mắc cỡ chịu sao nổi? Tôi chỉ mong được sống yên ổn, không ai nhắc tới tôi, không ai nhớ tên tôi nữa".
Không phải chỉ những gì đã viết trong sách, nhân cách của học giả Nguyễn Hiến Lê xứng đáng là một quyển sách học làm người để lại cho hậu thế. Khi ông mất học giả Vương Hồng Sển có đến viếng và viết: "Trong buổi đến nhà điếu tang, thấy ghi mấy chữ "miễn lạy", đó theo tôi tưởng, có lẽ là lòng trong sạch của người quá vãng muốn vậy, chớ theo tôi hiểu, lễ lạy là một cách tỏ lòng với nhau, người Nhựt vẫn giữ lạy và hai lạy của tôi là một cách tỏ lòng, và xin nhắc từ ngày song thân quá cố, tôi chưa lạy ai khác".
Như đã biết, ông mất ngày 22- 12-1984 tại Saigon, sau khi hỏa thiêu, di cốt của ông được đặt tại Long Xuyên, nơi khuôn viên nhà, quê quán người vợ thứ hai của ông (bà Nguyễn Thị Liệp). Năm 1999 bà Liệp mất, được an táng nơi chùa Phước Ân, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Tro cốt của ông cũng được di dời về đặt bên cạnh bà.
Ghi chú:
* Hồi ký của học giả Nguyễn Hiến Lê được tái bản nhiều lần, nhà xuất bản Văn Học xuất bản lần đầu vào năm 1992, tái bản các năm 1993, 1994, 1997, 2006, 2008, 2009, 2011. Nhà xuất bản Văn Nghệ TP HCM xuất bản vào năm 2001.
** Quyển "Nguyễn Hiến Lê - Cuộc đời & Tác phẩm", sách của nhà văn Châu Hải Kỳ, NXB Văn Học - 2007".
*** Giải thưởng văn học lúc bấy giờ mang tên Giải Tuyên dương sự nghiệp Văn học, Nghệ thuật (năm 1973) do Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc trách Văn Hóa tổ chức. Sau khi học giả Nguyễn Hiến Lê từ chối, giải thưởng về mảng học thuật được trao cho học giả Nguyễn Duy Cần.
Tham khảo:
- Sách nơi ghi chú.
- Trang mạng Wikipedia.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Đọc xong thấy thương nhà văn Nguyễn Hiến Lê quá ! Quả ông là một người có lòng tự trọng và nhân cách rất đáng quý ....với dòng văn chương của ông cũng là một ngòi bút cách mạng ....vậy mà ông vẫn khiêm tốn mãi đến ngày ông mất mà cũng vẫn giữ một lòng ngay thẳng không muốn ai phải " lạy " trước linh cữu của mình ....chỉ mong sao hậu thế mãi nhớ đến ông và noi theo gương ông mà học " Cách làm người ! "
Trả lờiXóaĐây là một người thông tuệ nhưng khiêm tốn, nhất là ông ấy biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm, xứng đáng là một tấm gương Học làm người NangTuyet nhỉ?
XóaTôi nghĩ Nang Tuyet viết "ngòi bút cách mạng" hàm ý khác chứ hỏng phải là Nguyễn Hiến Lê là "nhà văn cách mạng"?
XóaTôi cũng nghĩ như thế cụ Nô, cách mạng với nghĩa gốc của từ ngữ.
XóaHihi ...vậy thì em rất vui khi được học hỏi thêm về ngữ nghĩa của hai cụm từ " Ngòi bút cách mạng " và " Nhà văn cách mạng " : chúng khác nhau ở điểm nào cơ ? Em cảm ơn anh Hiệp và bác Nô trước nhé !
XóaTôi biết cụ Nô viết "Nhà văn cách mạng" là hiều với ý "Nhà văn phục vụ cho cách mạng", "cách mạng" ở đây là để chỉ những người theo Communisme. Còn "Ngòi bút cách mạng" thì "cách mạng" ở đây là "mở ra một hướng đi mới, khác với những suy nghĩ cũ". Tôi nghĩ NangTuyet đã dùng từ ngữ với ý sau. Hì hì!
XóaTôi bổ sung:
XóaCó một từ khác cũng tương tự, là từ "cải lương". Bây giờ ta dùng chữ "cải lương" để chỉ cho bộ môn Cải lương, hoặc với nghĩa chê bai là "quê mùa", như "nó ăn mặc trông cải lương, quê quá". Nhưng nghĩa gốc của từ "cải lương" là "thay đổi, cải tiến theo chiều hướng tốt hơn".
Từ "cách mạng" cũng rơi vào trường hợp này.
Cảm ơn anh Hiệp đã hiểu ý của em muốn nói cũng như anh đã giải thích thêm về ý nghĩa của từ " Cách mạng " anh Hiệp nhé .
XóaTôi nghĩ mãi mới hiểu được ý NangTuyet đấy, hihi!
XóaKhông biết bác Phạm có đọc những chương bị "cắt" trong Hồi Ký NHL chưa. Những chương này có tính lịch sử rất cao khi mô tả đời sống xã hội và con người miền Nam sau 1975!
Trả lờiXóaTôi đọc trên sách giấy nên không được đọc những trang bị cắt như cụ Nô nói. Cụ NHL là người ăn nói khá thẳng thắn cho nên những gì cụ ấy viết sau năm 1975 về miền Nam chắc chắn sẽ không được đăng. Có lẽ trên mạng có đầy đủ?
XóaTrên mạng có bản Hồi Kỳ NHL đầy đủ đó bác Phạm.
XóaNhân đây, Nô cũng còm thêm một ý: tuy cụ NHL là người Bắc nhưng văn phong cụ lại hoàn toàn miền Nam, một văn phong miền Nam đậm chất bác học, không quá nhiều phương ngữ như Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Bình Nguyên Lộc...
Tôi sẽ tìm đọc bản Hồi ký đầy đủ của NHL.
XóaVăn phong của cụ NHL là một kết hợp giữa văn phong của hai miền Nam-Bắc đó cụ Nô. Đậm chất giản dị, thẳng thắn của miền Nam, nhưng cũng vẫn giữ được cái "tài hoa" của đất "ngàn năm văn vật". Điều này có lẽ bởi ông sinh trưởng, lớn lên, đã học hành ở miền Bắc, lại trong một gia đình Nho giáo, nhưng mới ngoài 20 tuổi (năm 1935) ông đã vào miền Nam và chủ yếu sống nơi vùng Đồng Tháp, tiếp xúc với người dân Nam bộ. Còn những nhà văn, học giả khác như Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt... nhất là 2 ông cùng viết về đề tài Học làm người cùng thời với ông là Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt, văn phong của 2 học giả này đậm chất Nam bộ, nhiều khi hơi rườm rà (vướng vào lối viết theo văn nói), nên nhiều người đọc thấy khó hiểu, khó nhớ.
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóa1- Trong các học giả miền nam không hiểu sao bu xếp cụ Nguyễn Hiến Lê lên hàng đầu. Có thể do các lí do sau
Trả lờiXóa• Tinh thần tự học của cụ đạt kết quả cao, làm nên sự nghiệp và tên tuổi
• Cách diễn đạt của cụ rành mạch rõ ràng, đặt trường hợp mình là người đọc để viết sao cho họ hiểu, thấy rõ nhất là quyển Kinh dịch đạo của người quân tử
• Cụ độc lập suy nghĩ, đưa ra chính kiến riêng không nói theo, dịch theo người khác. Tư Mã Thiên nói ra điều gì nhiều người cho là chân lí. Đến như cụ Phân Bội Châu cũng nghe theo khi nói rằng Khổng tử đã từng gặp Lão tử xin chỉ giáo. Riêng cụ Hiến Lê sau khi suy xét kĩ càng khẳng định rằng Lão tử sau Khổng tử, trước Mạnh, Trang.
• Trong những ngày khó khăn sau giải phóng, đến giấy không đủ mà viết, lương thực không đủ mà ăn cụ vẫn say mê trước tác. Có khi vừa viết vừa ôm bụng vì đau bao tử. Bu tui rất mê cuốn SỐNG ĐẸP cụ dịch của Lâm Ngữ Đường. Mê vì sách quá hay còn mê vì cụ về quê vợ trị bệnh mang Lâm Ngữ Đường theo đọc cho đỡ buồn nhưng thấy sách hay quá bèn bò ra dịch cho mọi người cùng thưỡng thức cái sự hay.
• Về nhân cách thì cụ là người quá mẫu mực
2- Cụ Hiến Lê là một mẫu người thực sự là con người. Còn thứ người do thể chế nặn ra theo một chủ thuyết ngoại bang xa lạ với đạo đức và truyền thống dân tộc là một thứ người biến hình, méo mó, bệnh hoạn, không thể chấp nhận được
Tôi cũng cho là cụ NHL xứng đáng ở ngôi đầu bảng đối với các học giả miền nam trước năm 1975. Tinh thần tự học của ông thật tuyệt vời, làm việc thấu đáo, suy nghĩ độc lập, nghiêm túc, đối xứ với bạn bè rất tốt, yêu thích triết học phương Đông và viết nhiều tác phẩm về đề tài này, nhưng không hiểu sao ông lại có vẻ "né tránh" Phật giáo?
XóaTôi cũng rất thích quyển Sống đẹp ông dịch của Lâm Ngữ Đường, bản dịch của ông sinh động nhất.
Sau năm 1975 ông viết trong Hồi ký, có lần chính quyền lúc bấy giờ mời 5 người viết văn trước năm 1975 ở miền nam dự một hội nghị về văn học, trong đó có 4 người nằm vùng, chỉ có mình ông là không.
Ông ít giao du, nhưng sau năm 1975 có lẽ qua sách của ông, nhiều học giả miền Bắc có tiếng lúc bấy giờ đều vào Nam kiếm gặp ông, và ông có vẻ thân thiết với cụ Đào Duy Anh nhất. Trong Hồi ký ông cũng nói cụ Đào nói với ông rất thích cái không khí văn học của miền Nam trước năm 1975, có lẽ cụ Đào Duy Anh là người thấu hiểu và chịu nhiều nỗi khổ tâm nhất đối với cuộc sống văn học khi cụ sinh thời.
Nhân nói về sách "Học làm người" của cụ NHL , bác PNH và bác Bu có những nhận xét về con người chung , riêng đúng là thật hay ...
Trả lờiXóaCám ơn bạn Marg., chắc những người lớn lên ở miền Nam như thế hệ của tôi và bạn không ai là không đọc cụ NHL, sách của ông viết giản dị, nhẹ nhàng, nhưng cũng rất sâu sắc chứ không hời hợt. Ông sinh năm 1912 tại Sơn Tây Bắc Việt, nhưng năm 1935 học xong trường Công chánh ông đã vào Nam lặn lội làm việc nhiều năm nơi vùng Đồng Tháp Mười (thời kỳ này ông có viết quyển Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười rất hay), cái tính thẳng thắn có lẽ ông đã "học" được nơi người dân Nam bộ chăng?
XóaVấn đề PNH đặt ra là tại sao cụ Nguyễn Hiến Lê không động tới đạo phật là hấp dẫn. Trả lời câu hỏi này phải là những người bạn thân ông, học trò ông, người thân ông...Có lẽ ông chỉ có ông Châu Hải kỳ là người hiểu ông kỹ. Theo Hồi kí nguyễn Hiến Lê thì ông kì đã viết sách về ông. PNH đọc kỹ quyển "Nguyễn Hiến Lê - Cuộc đời & Tác phẩm", xem có thông tin gì không. Bu tỉ mẩn dò số bạn của ông trong hồi kí thì không thấy ai đã từng viết về đạo Phật như Đoàn Trung Còn, Nguyễn Duy cần. Nếu còn sống thì ông kì cũng 92 tuổi rồi....
Trả lờiXóaBác Bu nói rất đúng, về chuyện cụ NHL không viết về Phật giáo hay Đức Phật có lẽ chỉ những người thân cận với cụ NHL mới có thể biết. Nhưng tiếc thay ngay cả những người thân thiết với NHL một thời như ông Lê Ngộ Châu, rồi sau này là ông Châu Hải Kỳ, người đã viết quyển sách về cụ NHL. Tôi đã đọc kỹ thì trong sách ông Châu Hải Kỳ có nói rõ là ông ấy cũng thắc mắc về chuyện này, nhưng cũng không có dịp để hỏi cụ NHL là nguyên nhân vì sao không viết về đạo Phật.
XóaTrong số bạn của ông mà Hồi ký có nhắc đến, cũng không có các ông Đoàn Trung Còn, Nguyễn Duy Cần đã từng viết về đạo Phật. Tôi cũng tra trên mạng thì thấy ông Châu Hải Kỳ mất năm 1993.
Cũng cần phải nói thêm, cụ NHL cũng không viết sách về Đức Jesus hay đạo Thiên chúa, cụ cũng chẳng viết về triết học Tây phương thời ấy đang ăn khách, mà chủ yếu ngoài loại sách Học làm người, ông chỉ viết về Nho, Lão, lịch sử, tư tưởng triết học Trung Hoa.
Có lẽ là ông xuất thân trong gia đình Nho học, rất coi trọng "đạo Nho", tư tưởng, cách sống, cách xử thế của ông có thể cho ta biết điều đó.
Cái đề tài này hay lắm PNH à
XóaCon cháu cụ ở Sài Gòn còn nhiều không PNH ơi. Còn anh con trai một lần vợ Tây rồi li dị chắc định cư bên Tây luôn. Anh này tiếng Tây giỏi lắm...
Đề tài này hay thiệt đó bác Bu. Tôi đọc trong quyển sách của ông Châu Hải Kỳ viết về cụ NHL thì thấy ông có 2 vợ, bà đầu người miền Bắc và bà sau người miền Nam, nhưng về con cái thì chỉ thấy viết có một anh con trai với bà vợ đầu, anh con trai này học hành giỏi giang, đi du học Pháp làm kỹ sư và ở luôn bên ấy, còn bà sau không thấy nói đến con cái.
XóaCăn nhà mà cụ NHL ở đối diện với chỗ tôi ở bây giờ đã do người khác ở, hình như ngay cả bản quyền sách của ông cũng thấy đã ủy quyền cho người ngoài chứ không phải con cháu.
Chuyện nhân cách, tài năng và cống hiến của Nguyễn Hiến Lê là việc không cần phải bàn nữa rồi nhưng bác NHP đặt vấn đề vì sao NHL không viết sách về Phật giáo HN bỗng nhớ cách đây 4-5 năm, khi đọc hồi ký NHL, HN cũng có vài điều không đồng tình nếu không nói là không thích ông ta, bây giờ lại nghĩ rằng không chừng cái mình không đồng tình đó lại giải thích cho cách bác NHP đã nêu ra. Cám ơn bác.
Trả lờiXóaVậy bác HN viết ra cái không đồng tình mà bác nghĩ là giải thích cho cái không viết về Phật giáo (hoặc hơn nữa là không viết về Thiên chúa giáo hay triết học Tây phương) của cụ NHL cho tôi và các bạn xem nhé, hay bác viết một entry về chuyện này đi, xem chừng hay đấy.
XóaBác H bảo cụ NHL người Sơn Tây vô Đồng Tháp Mười, có lẽ cụ học được tính thẳng thắn của người nam Bộ, nói thế hóa ra dân ST nhà em không thẳng thắn hay sao... Hi hi.
Trả lờiXóaHihi, ấy là cái tính "nói thẳng ruột ngựa" đôi khi mất lòng, còn "sĩ phu Bắc Hà" thường khéo nói hơn.
Xóa