Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Khó và dễ.

 Vụ từ điển “rác”: Nhà xuất bản Trẻ nhận sai sót

Nguyễn Vinh
Thứ Năm,  23/10/2014, 18:31 (GMT+7)
(TBKTSG Online) - Sáng nay, 23-10-2014, trong cuộc gặp gỡ một số nhà báo, vị lãnh đạo Nhà xuất bản (NXB) Trẻ xác nhận đã có sai sót trong việc năm 2001, đơn vị này cho xuất bản cuốn Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất.

Những dòng trên là copy lại trên TBKTSG Online.

Xem ra cái vụ "rác chữ nghĩa" này còn tiếp dài dài, hôm nọ đọc báo nghe vị lãnh đạo Nhà xuất Bản (NXB) Trẻ nói đã kiểm tra thấy NXB này không xuất bản quyển từ điển học sinh rác đang gây xôn xao dư luận, mà quyển này lại được lưu trữ ở Thư viện Quốc gia. Thoạt đầu bà giám đốc Thư viện Quốc gia nói từ điển rác có mặt trong thư viện là do NXB gởi tới, thư viện không tự ý đi mua, và thư viện không có trách nhiệm phải kiểm tra nội dung từ điển, vậy ra là bà giám đốc thư viện này nói không đúng sự thât về việc từ điển rác có mặt nơi thư viện? Bây giờ thì lãnh đạo NXB Trẻ xác nhận là quyển từ điển do NXB ấn hành, như vậy là thoạt đầu NXB nói sai và Thư viện Quốc gia phát biểu đúng, thiệt là rắc rối.

Từ điển Pháp-Việt, Từ điển Truyện Kiều, và Hán-Việt từ điển của Đào Duy Anh.

Tôi có một vài quyển từ điển tiếng Việt xuất bản trước năm 1975 và sau năm 1975, nhưng lại không có cả 2 quyển từ điển được xuất bản trước và sau năm 1975 này để xem cụ thể ra sao? Lan man trên mạng thấy thiên hạ nói đây là loại sách "viết chơi để chọc" của thời trước (nhại theo chương trình "đố vui để học" trước đây), chẳng rõ thực hư ra sao? Nhưng mà thôi, cũng chẳng cần tìm hiểu chi cho mệt đầu, chỉ biết rằng một quyển từ điển như thế đã được bàn tay "nhám" nào đó phù phép trở thành từ điển dùng cho học sinh, và có đến bốn nhà xuất bản lớn xuất bản, tồn tại suốt mười mấy năm, có lẽ đã có biết bao nhiêu học sinh "tra khảo" trước khi bị phát hiện, thật là tai hại.

Chắc chắn trên "thị trường chữ nghĩa" bây giờ không chỉ có một quyển sách dỏm như loại từ điển kể trên, bản thân tôi cũng đã mua phải một số sách thuộc loại "xào xáo" như thế này. Chẳng hạn sách của Lâm Ngữ Đường, Toan Ánh... kể cả sách về triết học Phật giáo bản gốc được in trước năm 1975. Những loại sách xào xáo này có thể được bê nguyên xi (cũng còn đỡ khổ), hoặc "biên tập" lại, đọc vài trang là biết ngay không phải "giọng văn" của các tác giả đó. Loại sách xào xáo này có thể được in lậu, cũng có thể xuất bản theo con đường chính thức kể trên, sách in lậu thì không nói rồi, nhưng sách được xuất bản chính thức thì lạ quá, không hề có ai kiểm tra nội dung hay sao? Và in một quyển sách hình như bây giờ rất dễ dàng, chỉ cần có tiền (in) là được?

Nói như thế bởi mấy hôm nay bận bịu dọn dẹp nhà cửa, tôi tình cờ thấy lại một quyển tạp chí "Xưa nay" cách nay đúng 10 năm (số 213, tháng 6 - 2004), có những bài viết kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố GS. Đào Duy Anh. Có một bài viết với tựa "Số phận long đong của một cuốn từ điển", nói về quyển Từ điển truyện Kiều của GS.  Đọc bài viết mới thấy một quyển từ điển có giá trị như thế mà muốn xuất bản vào thời cách nay khoảng nửa thế kỷ sao khó thế? Quyền Từ điển truyện Kiều được GS. soạn xong vào năm 1965, nhưng phải đến gần 10 năm sau, nghĩa là vào năm 1974 mới được xuất bản lần đầu tiên bởi NXB Khoa học Xã hội (vào năm 1976, sau khi đất nước thống nhất tôi có may mắn mua được quyển từ điền này ở Saigon và vẫn còn giữ được đến nay).

Trong bài viết tác giả Trần Thị Minh Châu nói quyển Từ điển truyện Kiều đã được gởi cho NXB Khoa học Xã hội nhưng họ cứ giữ mãi bản thảo không dám in, cuối cùng phải lập ra cả một Hội đồng khoa học để bàn bạc, những người trong Hội đồng xem bản thảo đều thấy từ điển có giá trị nhưng "Người ta vẫn sợ một thế lực nào đó, tuy vô hình mà không ai dám nói ra". Lúc ấy bà Trần Thị Minh Châu với chức vụ là Cục trưởng Cục Xuất bản (ngoài đời là em dâu của cụ Đào Duy Anh), là thành viên trong Hội đồng xét duyệt biểu quyết đồng ý cho in, có người cùng trong Hội đồng nói: "Chị không sợ chị là em dâu ông Đào Duy Anh à?" bà Minh Châu bình tĩnh trả lời: "Tôi biết tôi là ai. Nhưng tôi chỉ làm theo nhu cầu của đại đa số các em học sinh, của các bà mẹ Việt Nam, kể cả các bà mẹ ở nông thôn, là những người rất thuộc Kiều. Người ta ru em, hát hò ngoài đồng ruộng khi cấy khi gặt, khi nói chuyện, thậm chí khi dạy con cũng vận truyện Kiều ra để nói. Tác phẩm của Nguyễn Du thì ai cũng biết, nhưng để hiểu được tác phẩm đó thì không phải ai cũng hiểu được đầy đủ. Nay ta in cuốn Từ điển Truyện Kiều, không những sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu văn học, mà còn có tác dụng đối với đông đảo các em học sinh sinh viên. Chắc sẽ được hoan nghênh. Tôi vì lợi ích của mọi người mà biểu quyết đồng ý. Mong các đồng chí thông cảm và cũng cho tôi được quyền quyết định cuối cùng với tư cách là cục trưởng".

Và quyển Từ điển Truyện Kiều của cụ Đào Duy Anh đã được "phát hành trót lọt" (chữ của bài báo), in xong vào ngày 21 - 12 - 1974 với lần xuất bản đầu tiên là 30.200 quyển. Đến nay đã được tái bản nhiều lần. Về từ điển thì cụ Đào Duy Anh soạn tất cả 3 quyển, thứ nhất là Hán-Việt từ điển (1932), Pháp-Việt từ điển (1936), Từ điển truyện Kiều (viết xong năm 1965, xuất bản nắm 1974), quyển từ điển nào cũng có chất lượng tốt, đến nay vẫn còn được nhiều người dùng để tra cứu. Tôi cũng có được cả 3 quyển từ điển này của ông, quyển Từ điển Hán-Việt tôi mua thời còn đi học khoảng cuối thập niên 1960 ở Saigon (sách do NXB Trường Thi phát hành, in tại Saigon 1957), Từ điển Pháp-Việt mua năm 1992 (NXB Ngoại Văn-1991), và Từ điển truyện Kiều mua năm 1976 (NXB Khoa học Xã Hội-1974).

Việc xuất bản sách ở xứ mình đã rất khó mà cũng đã rất dễ như thế.









22 nhận xét :

  1. Hình như bây giờ cái khâu biên tập khó tìm ra người giỏi nghề thì phải! Bác Bu mí bác Phạm nộp đơn làm biên tập viên tự nguyện đi, Giáo làm... trợ lý cho 2 bác, có thế mới bớt được khâu xuất bản sách ẩu như hiện này! hehe...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Biên tập của NXB là phải giỏi chữ nghĩa lắm, cỡ bác Bu thì OK, còn tôi thì chịu, bác Bu làm biên tập cho tôi xin chân "thày cò" (xưa là người sửa lỗi chính tả nơi nhà in, chính tả thì tôi còn tàm tạm, còn Giáo nhắm khâu nào phụ được thì chọn), hì hì!

      Xóa
    2. Bác Bu làm biên tập, bác Phạm làm thầy cò, còn Giáo thì chạy qua chạy lại, nghĩa là ôm 1 chồng sách chạy từ chỗ bác Bu tới bác Phạm và ngược lại, kiêm luôn chưn pha cafe, mua bánh mì thịt... hehe...

      Xóa
    3. Cái dzụ cà phê này được nha :-)))

      Xóa
  2. 1- Năm 1956 cụ Đào Duy Anh có bài trả lời phỏng vấn về vấn đề tự do dân chủ trên Bán nguyệt san Nhân văn (số 5 - 20/ 11/ 1956) nên người ta không cho cụ dạy đại học, bị theo dõi, không xuất bản một số công trình nghiên cứu... Quyển Từ điển truyện Kiều bị om gần 10 là do vậy.
    2- Khi hệ thống đã lỗi thì mọi sự cố đều có thể xẩy ra: lảnh thổ bị lâm lăng, văn hóa giáo dục xuống cấp, đạo đức băng hoại, phong hóa suy đồi....
    3- Hihi có Giao lang trợ lí thì bu tui nộp đơn liền. (sa mạc là thiên đường nếu có em mà )

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1- Thì ra là cụ Đào cũng có "dính líu" đến vụ Nhân văn Giai phẩm, thảo nào mà một người hiền hoà, nhân ái và giỏi như cụ cũng phải lận đận, long đong.
      2- Hệ thống đã lỗi như thế thì chỉ còn có nước "delete" và mời chuyên gia cài đặt lại, ấy là nói chuyện "phần mềm", còn nếu "phần cứng" cũng đã lỗi thời thì phải thay luôn thôi, hù hù!
      3- Aaa, tôi "phái" cái câu nằm trong ngoặc đơn của bác Bu, :-)))

      Xóa
    2. Zị là Giáo được duyệt 1 chưn rùi nhe! hehe...

      Xóa
  3. Khó vì cái tên. Dễ vì hám lợi. Cái khốn khổ chung của nền văn hóa nghệ thuật học thuật của chế độ này là thế.
    Như cụ Vũ Chất "đùa bỡn" với từ ngữ thì có thể hiểu được. Còn có đại giáo sư như cụ Nguyễn Lân mà làm tự điển tào lao thì thật hết thuốc chữa!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái suy nghĩ bảo thủ và cực đoan nó thế đó cụ Nô, đi từ thái cực này sang thái cực khác, và ở thái cực nào thì cũng toàn gây ra tai hoạ.
      Tôi không nhìn thấy được "lời nói đầu" của từ điển tiếng Việt Vũ Chất xuất bản trước năm 1975 nên chưa rõ quyển này ra sao? Nếu đây thực là quyển từ điển "nói chơi để chọc" thi chắc chắn ở đầu sách sẽ có "đôi lời phi lộ" của tác giả, ta sẽ biết ngay.
      Còn riêng từ điển tiếng Việt của Nguyễn Lân thì đúng là cụ này giải nghĩa lôi thôi quá, chẳng hạn từ "Chín muồi" được giải nghĩa "nói sự việc đã đầy đủ sự kiện lắm rồi", thực ra từ "chín muồi" nghĩa chính là để chỉ trái cây đã rất chín, nghĩa thứ nhì nói về sự việc là "đã đạt đến mức để có thể chuyển sang giai đoạn khác". Một từ khác là "Đạn đạo" được giải nghĩa là "kỹ thuật nghiên cứu đường bắn đạn", tại sao lại có "kỹ thuật nghiên cứu" trong đó, thực ra nó chỉ có nghĩa là "đường đi của viên đạn" thôi. Một từ khác là "nghiêm nghị" được giải thích là "riết ráo và quả quyết", trong khi từ "riết ráo, riết róng" có nghĩa là "khắt khe", người nghiêm nghị đâu phải "khắt khe"... Còn nhiều từ giải nghĩa lôi thôi nữa. Đúng là hết thuốc chữa.

      Xóa
    2. Còn tui có nghe một từ khác, cái này hỏng phải cụ NL, mà là của 1 GV đàng hoàng khoảng năm 80, "biên phòng là... phòng để ngồi biên chép"!!! huhu...

      Xóa
    3. Cái kiểu giải nghĩa từ ngữ như thế này vẫn thấy lai rai, có lẽ bị ảnh hưởng bởi từ điển học sinh luộc của Vũ Chất chăng? Cụ Đào Duy Anh soạn từ điển khi còn trẻ (năm 1932 đã xuất bản từ điển Hán-Việt, 1936 Pháp-Việt...), thời ấy không có nhiều tài liệu tham khảo. Còn cụ Nguyễn Lân khi đã về hưu mới soạn từ điển, từ điển tiếng Việt, từ ngữ Hán-Việt... mới xuất bản trước khi cụ mất ở tuổi 97 đây (đã sang thế kỷ XXI), nghĩa là cụ có thời giờ nghiên cứu, và có rất nhiều từ điển để tham khảo, thêm nữa cụ có nhiều con có bằng cấp cao mà sao không xem cho cụ trước khi xuất bản?
      Một chữ khác là "Quốc sử" được cụ giải thích là "lịch sử của nước nhà", giải thích vậy là không đúng, Quốc sử Hoa Kỳ hay nước Pháp đâu phải "lịch sử nước nhà", nó chỉ có nghĩa là "lịch sử của một nước". Từ "Thánh mẫu" được giải thích 2 nghĩa: 1, là mẹ vua, 2. Bà thánh Maria trong đạo Kitô. Trong khi cái nghĩa rõ nhất trong đạo Mẫu ở Việt Nam là để gọi Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
      Người ta làm từ điển thế đó Giáo :-(((

      Xóa
    4. Còn chữ Hiệp là... hành hiệp giang hồ, là nghĩa hiệp, là hiệp lực, là hiệp sĩ, là... cái gì nữa bác Phạm? hehe...

      Xóa
    5. Đọc báo thấy có đại biểu QH nói phải đặt tên "thuần Việt". Tui đang lo cho cái tên của mình có yếu tố Hán-Việt không biết mai mốt có còn được sử dụng không? Hichic!

      Xóa
    6. Mấy nay cũng nghe lao xao cái vụ tên "thuần Việt" này . Hình như tên cha sanh , mẹ đẻ của M cũng có yếu tố Hán Việt , mà M thì không rành chữ Hán Việt , nên có gì nhờ bác H dịch hộ ra tên thuần Việt để sẵn , nếu cần thì mình nấu xôi chè sửa tên để còn tiện giao dịch, mần ăn (((-:

      Xóa
    7. Gần như là tất cả tên của người Việt đều "có yếu tố" Hán-Việt, ngoại trừ mấy cái tên "thuần Việt" như "Hĩm, Đĩ, Cu, Cò, Lụm (lượm), Đực, Gái, Thêm, Bớt, Út, Ít...". Mà bà đại biểu QH nói phải đặt tên "thuần Việt" thấy cũng... nguy quá.
      Còn tên BangTam của bạn Marg. dịch ra "thuần Việt" thì dài dòng quá, lại vướng vào đề nghị của bà ấy là không được đặt tên dài dòng, hù hù...!

      Xóa
    8. Hihi , cũng may là chưa có quy định chọn nick thuần Việt khi chơi blog . Chứ nếu có , thì cái nick của M bị phạm quy là chắc chắn . Nick này được chị TTM Gốc Mai ghi cho khi chị tạo trang blogspot cho M đó , hehe ...

      Xóa
    9. NgocHiep, BangTam... toàn là những tên có yếu tố Hán-Việt, Blogspot mà nghe theo lời của bà đại biểu là mình nghỉ chơi blog luôn. Phải tri ân chị TTM mới được, chị ấy làm "cầu nối" cho nhiều người, hì hì!

      Xóa
  4. Trời đất á ! Đọc bài viết này của anh xong em thấy kinh quá đi ...sao lại có lối làm việc đầy tiêu cực thế nhỉ ? Pó tay luôn !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy mà lối làm việc này bây giờ lại phổ biến nữa chứ... huhu!

      Xóa
  5. Xem trang của bác Phạm Ngọc Hiệp thật bổ ích. Những "lời bàn" của các "mặc khách" bên trang của Bác cũng rất đáng xem. Bác Hiệp cũng có rất nhiều sách quý. Nhiều cuốn HTC không có.
    Cảm ơn bác Hiệp đã chia sẻ thông tin.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Hoàng Tuấn Công đã ghé xem, tôi cũng hay chú ý đến chuyện chữ nghĩa nên thường mua sách mấy chục năm nay. Tôi có 1, 2 quyển tạp chí đã lâu có in bài viết hoặc nhắc đến thân phụ bác. Tôi cũng .thường sang bên bác xem bàn về chữ, rất đáng xem.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))