Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

Từ ngữ.




Đã lâu lật từ điển để tìm một chữ thì lại thấy một chữ khác. Hồi nào tới giờ đọc sách báo thỉnh thoảng thấy chữ "Truân chuyên", có nghĩa là khổ sở, vất vả, nhưng Đại Nam Quấc Âm Tự Vị in năm 1895-1896 lại không có chữ "Truân chuyên", mà chỉ có "Truân chiên" (), với nghĩa là "gian nan, khốn khổ", như "Gian truân". Tưởng cụ Hùinh Tịnh Paulus Của là người Nam bộ, đọc chữ "chuyên" thành ra "chiên", thử giở vài quyển từ điển khác, như Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức in năm 1931 tại Hà Nội, cũng thấy ghi "Truân chiên" () với nghĩa là "gian nan, vất vả", không có từ "Truân chuyên". Tiếp đến là Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị in tại Saigon 1951 cũng thế, chỉ có từ "Truân chiên" không có từ "Truân chuyên". Từ điển Việt Nam của nhà Khai Trí in tại Saigon 1971 cũng y hệt.

Tôi tìm thấy từ "Truân chuyên", đồng nghĩa với từ "Truân chiên" với nghĩa là "khó nhọc, vất vả" trong những quyển từ điển sau: Từ Điển Tiếng Việt do Văn Tân chủ biên, in tại Hà Nội năm 1967, Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên in năm 1997, Từ điển tiếng Việt của Minh Tân-Thanh Nghi-Xuân Lãm in năm 1998, Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học in năm 2007... Những quyển từ điển in thời gian về sau này đều có cả 2 mục từ "Truân chiên" và "Truân chuyên", còn những từ điển trước đây chỉ ghi nhận một từ "Truân chiên".

Tôi có dăm bảy quyển sách thuộc loại từ điển tầm nguyên, truy nguyên điển cố, điển tích, và vài quyển từ điển thành ngữ, điển cố Trung Quốc, nhưng đều không tìm thấy từ "Truân chiên". Ý nghĩa từ ngữ đã rõ, nhưng tôi muốn biết xem nguồn gốc của từ "Truân chiên" là từ đâu?

Mới đây thời may tôi có kiếm được quyển "Ngữ liệu văn học" của Đặng Đức Siêu do NXB Giáo Dục in từ năm 1999, sách không thấy giới thiệu gì về tác giả, nhưng có lẽ không phải là cụ Đặng Đức Siêu (1750-1810), làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ dưới thời các chúa Nguyễn và nhà Nguyễn. Sách được viết dưới dạng từ điển tầm nguyên. Trong mục từ "Truân chiên" có giải nghĩa: vất vả, khó khăn, gian nan nguy hiểm. Kinh Dịch quẻ Truân lời hào Lục nhị: "Truân như chiên như, thừa mã ban như" (vất vả khó khăn, như người cưỡi ngựa lòng vòng chẳng tiến lên được).

Gia đình xảy gặp truân chiên,
Ngậm sầu cố quốc, đeo phiền tha hương.
                                           (Phạm Thái)

Thủa trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chiên.
                              (Đoàn Thị Điểm)

Tra từ điển Hán - Việt của Nguyễn Tôn Nhan, thì thấy chữ Truân chiên (), bao gồm 2 từ:

- "Truân" (): khó khăn.

- "Chiên" (): trắc trở, khó khăn, không tiến lên được.

Như vậy "Truân chiên" () là một từ đẳng lập, có nguồn gốc từ Kinh Dịch, cả 2 chữ đều có nghĩa là khó khăn, trắc trở, và được hiểu là gian nan, vất vả, khốn khó...

Còn chữ "Truân chuyên" bây giờ thấy thường dùng, thì chữ "chuyên" có những nghĩa như "chuyên môn, chuyên biệt, chú tâm, cẩn trọng, tên nước xưa, gạch nung, cây xà gác trên mái...", xem ra chẳng liên quan gì đến chữ "Truân""khó khăn, trắc trở".

Trong cuộc sống đầy ắp những lo toan, đôi khi hiểu thêm dù chỉ một chữ cũng cảm thấy thích thú.






26 nhận xét :

  1. Ah , đọc bác mới nhớ , hồi xưa khi học Chinh phụ ngâm bản dịch của Đoàn Thị Điểm , hai câu thơ mở đầu M được học, trong đó ghi "Khách má hồng nhiểu nỗi truân chiên" . Giờ đọc lại thấy quen .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn Marg. có trí nhớ rất tốt, giỏi quá, chữ này hình như truyện Kiều không có :-)))

      Xóa
    2. Cái này lại vô nhầm từ địa chỉ của cu cậu con trai, hìhì!

      Xóa
  2. 1- Những gì bạn PNH nói ra là có chứng cứ
    Bu tui thêm vài dòng để các bạn tham khảo cho vui
    - Từ điển Hán Việt của Trần thị Thanh Liêm trang 662 ghi: Truân chuyên là gian truân, khó khăn, vất vả
    - Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh , trang 501 ghi: Truân chuyên là khó khăn không thuân lợi
    - Trong Chinh phụ ngâm bị khảo của La Sơn Yên Hồ Hoàng xuân Hãn (Tập 3) cho hay bản dịch của Đoàn thị Điểm (trang 351) và bản dịch của Phan Huy Ich (trang 293) đều ghi là Truân chuyên.
    Lúc nhỏ ở ngoài bắc bu học Chinh phụ ngâm thì nghe thầy ngâm ngợi "Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên". Đúng là lắm thầy rầy ma, thôi thì ai quen kiểu nào xài kiểu đó, chúng ta coi như đều đúng cả.
    2- Các cụ nói "Rứt cây động rừng", chiên hoặc chuyên dẫn đến một điều lớn lao hơn là bản Chinh phụ ngâm lâu nay ta cho là của Đoàn thị Điểm thì bác học Hoàng Xuân Hãn chứng minh của Phan Huy Ích.
    Cụ Hãn có hẳn quyển CHINH PHỤ NGÂM BỊ KHẢO dày gần 300 trang do nhà xuất bản MINH TÂN , PAIRIS 1953, ấn hành. Trong sách, cụ Hãn dẫn ra bản A của Phan Huy Ích và bản B của Đoàn thị Điểm...lí lẽ của cụ Hãn vô cùng chặt chẽ. Sau Này Hà Nội in lại
    Không hiểu sao Bộ giáo dục Việt Nam ta không có ý kiế ý cò gì về vấn đề này, hay là họ cho cụ Hãn ở bên Tây thành phần không cơ bản ...hihihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ thì tôi thấy sách báo dùng từ "truân chuyên" chứ không dùng "truân chiên", từ ngữ cũng như con đường, đi riết rừng cũng thành đường, ai quen dùng từ nào thì cứ dùng từ ấy.
      Quyển từ điển chính tả tiếng Việt của GS. Nguyễn Kim Thản, và quyển từ điển Hán Việt cũng của GS. NGuyễn Kim Thản chủ biên chỉ có mục từ "truân chiên". Còn từ điển chính tả tiếng Việt của Như Ý, Thanh Kim, Việt Hùng thì ghi cả 2 mục từ "truân chiên" và "truân chuyên" đồng nghĩa.
      Vụ cụ Hoàng Xuân Hãn chứng minh Chinh Phụ Ngâm là của Phan Huy ích tôi cũng có đọc, cũng không hiểu ra sao? Nhưng rõ là trong nước không thấy có ý kiến gì.

      Xóa
    2. Bác Bu ơi, tôi đọc lại quyển Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm (bản do Bộ Văn hóa Gíao dục, in lần thứ 9 năm 1964 tại miền Nam), thấy ghi: (tôi chép nguyên văn):

      Chinh phụ ngâm nguyên là của Đặng Trần Côn viết bằng chữ Nho vào khoảng tiền bán thế kỷ XVIII... Khúc này soạn xong, được nhiều bậc danh sĩ đương thời khen hay. Có nhiều nhà (như Phan Huy Ích, Đoàn Thị Điểm) đem dịch ra lời Nôm. Trong các bản dịch ấy, bản của bà Đoàn Thị Điểm hay hơn cả, nên còn truyền đến giờ...

      Theo GS. Dương Quảng Hàm thì bản của Đoàn Thị Điểm là bản được lưu hành phổ thông.

      Xóa
  3. Ah ...em thì từ nào đến giờ em cũng nghe nói đến " Truân chiên " ..chứ hổng nghe nói đến từ " Truân chuyên " ...xem ra từ ngữ của mình sao mà đa dạng quá chừng !! Nhưng mỗi ngày được học hỏi thêm một từ thì quả là bổ ích vô cùng !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ điển tiếng Việt trong miền Nam trước năm 1975 hình như chủ yếu ghi "truân chiên", bởi vậy học sinh học đều là "truân chiên", nhưng nếu theo từ ngữ, gốc gác có lẽ "truân chiên" đúng là từ gốc, còn "truân chuyên" là từ "phái sinh".

      Xóa
    2. Đọc bài viết, thấy thú vị thật đó bác chủ nhà ơi!
      Làm tôi có cảm giác cũng hơi hơi “hoang mang”, không hiểu khi xưa (trước 1975) mình học 2 câu đầu của Chinh Phụ Ngâm có cụm từ là…“Truân chiên” hay “Truân chuyên” nhỉ?
      Thử lục lọi tìm trong tủ sách gia đình, may thay, còn cuốn CỔ VĂN VIỆT NAM - CHINH PHỤ NGÂM KHÚC vàng ố cũ, của tác giả Văn Bình Tôn Thất Lương (Nguyên Giáo sư trường Trung Học Đồng Khánh và Khải Định – Huế, Dẫn giải và chú thích, viết xong ngày 1 tháng 8 năm 1950 ( 17 tháng 6 Canh Dần ). Do Nhà xuất bản Tân Việt, 235 Phan Thanh Giản – Saigon in.

      Thấy…2 câu đầu của Chinh Phụ Ngâm (trang 23) in là:

      - Thủa trời đất nổi cơn gió bụi, (1)
      Khách má hồng nhiều nỗi TRUÂN CHUYÊN (2)

      Với…chú thích (trang 24):

      - (1) Thủa: Theo cụ Trần Trọng Kim, thì Việt ngữ chỉ có vần “ua”, nên phải là “thủa” mới đúng, chứ không phải “thuở”.
      - (2) Truân chuyên: Đi dùng dằng, bước không tới, hay vất vả lao đao.

      Một chút ý lượm lặt từ sách cũ, còm góp chuyện cho vui vui entry nhân tình cờ ghé vào trang nhà của bác đọc bài. Cám ơn bác chủ nhà nhé!

      Xóa
    3. Cám ơn bạn Anh Nguyễn Tuấn đã vào xem và để lại cái comment dài, thú vị. Xem thế chỉ một chữ thôi thì sách vở nhiều nơi đã viết khác.

      Tôi cũng có một quyển sách của tác giả Vân Bình Tôn Thất Lương (Giáo sư trung học Đồng Khánh và Khải Định Huế), quyển Cung oán ngâm khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, sách cũng đã vàng ố, đề "in lần thứ tư/ sửa chữa cẩn thận", cũng của nhà Tân Việt xuất bản, nhưng cả quyển sách không thấy đề năm in, áng chừng cũng in trước năm 1954 tại Saigon vì phía sau sách thấy đề "Giấy phép xuất bản số 960/T.X.B. của bộ Thông Tin Nam Phần Việt Nam.

      Xóa
  4. tới bây giờ e mới biết từ "truân chiên", một khái niệm mới của từ ngữ tiếng Việt lại được hình thành trong đầu :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

      Xóa
    2. Có những từ mình dùng sai với gốc ban đầu, nhưng quen riết rồi cái sai thành đúng, cái đúng thành sai, đơn cử là từ "thỉ", với nghĩa là "ban đầu" (nguyên thỉ - Đại Nam quấc âm tư vị). Bây giờ thành "nguyên thủy".

      Xóa
  5. Vậy mà từ trước tới giờ mỗi lần đọc 2 từ TRUÂN CHUYÊN Mùa Thu Buồn phải " uốn lưỡi " đấy Bác Hiệp à, giờ thì phẻ òi, khỏi cần uốn....mõi......TRUÂN CHIÊN......Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha, từ "truân chiên" lại có chữ "chiên", tựa như "chiên xào", nữa đó MTB, trúng tủ, hí hí!

      Xóa
    2. Haha........Khg ngờ Bác hiệp cũng có tâm hồn ăn uống ha, tui đâu có nhắc đâu nè.....Hihi

      Xóa
    3. Hehe, có thực mới vực được... nhiều thứ chứ MTB, :-)))))

      Xóa
  6. Sợ không biết trong Chinh phụ ngâm "chuyên" hay "chiên" đúng thì mình đọc "Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân" thêm hai câu sau nữa "Thiên địa phong ngứa, hồng nhan đa cấu" Hihi. "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/ Khách má hồng gãi ngứa lung tung" (gió bụi vì không khí ô nhiễm ấy mà). Những gì bác NHP và bác Bu nêu ra với những từ điển kinh điển này chắc là yên tâm kết luận. Tuy vậy, nếu được, bác NHP xem thử ông An Chi (Chuyện Đông chuyện Tây) có đề cập đến từ này không bác nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hehe, bác HN nói đúng quá. Mấy hồi lô cốt mọc lên như nấm ở Saigon lại có thơ như vầy: "Thuở trời đất nổi cơn gió bụi/ Khắp phố phường đào bới lung tung..."

      Tôi đã vào xem khá nhiều từ ngữ do ông An Chi giải thích, trên mạng, trong ách, và vài người khác nữa, hình như không thấy chữ này.

      Xóa
  7. Em nghĩ do chữ Chuyên dễ phát âm hơn chữ Chiên nên dân gian thuận miệng, nói ngọng lâu được chấp nhận, khác biệt với nguyên gốc nhưng nghĩa vẫn như vậy. Sinh ngữ là thế, tất nhiên có cái biến đổi hay, có cái biến đổi không hay, và các nhà chuyên môn phải kịp thời uốn nắn khi nảy sinh sự sai lệch.
    Báo chí hiện nay dùng từ sai nhiều, vô tình quảng bá cho những cái sai đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xem ra người miền Bắc phát âm chữ "chuyên" tuy có uốn lưỡi chút đỉnh nhưng quen hơn người miền Nam, "truân chuyên", "nguyên thủy"... còn miền Nam lại có khuynh hướng "nuốt chữ" nên khi phát âm "chuyên môn" nghe thành "chiên môn"...

      Nhưng chữ "chiên" trong "truân chiên" là từ Hán - Việt (邅), nên phải là "chiên", còn chuyện đọc theo vùng, miền rồi chữ biến đổi cũng là thường, tiếng Việt của mình nhiều lắm.

      Báo chí bây giờ dùng từ sai nhiều, do... dốt, hihi. Hay thấy viết "hãng xe Toyota triệu hồi nửa triệu xe do bị lỗi túi khí...". Hihi, người ta chỉ "triệu hồi" người, như "triệu hồi đại sứ", chứ chẳng ai "triệu hồi" đồ vật cả, phải nói là "thâu hồi"...

      Xóa
  8. Cứ qua thăm bác là có quà mang về, thật là sướng!
    Tình hình nhà báo ta dụng văn thì nhiều chuyện "ngán ngẩm" lắm. Tôi cứ nghe là mấy ổng toàn tốt nghiệp Đại học Ngữ Văn, rứa mà...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy mà lâu nay cụ Nô "phiêu linh" nơi đâu mà ít thấy xuất hiện giang hồ, cũng không thấy viết gì mới.
      Cái xuống cấp của cả một hệ thống xã hội. Mới đây chắc cụ Nô có đọc đình chùa ở đâu đó được tuyên dương văn bia Lý, Trần..., chưa đến ngày nhận bằng tuyên dương thì ôi thôi, người ta đã "ngừa đẻ" (đè ngửa) những tấm bia ra lấy giáy nhám, bàn chải sắt, đá mài kỳ cọ nham nhở bia đá, chữ Nho bay mất...
      Cái kinh hoàng là họ kêu thợ xây dựng đến làm, chẳng có ai trông coi, ngăn cản... Một sự phá hoại văn hóa đến rợn người...

      Xóa
    2. À mà cụ Nô, tôi "nghi" hồi này cụ đi làm ông trùm, ông biện, lo việc đạo nhiều hơn việc đời, nên mới vắng mặt, "bỏ bê" bờ lốc thế. Hôm qua thứ sáu ngày Chúa chịu chết, mai chủ nhật phục sinh rồi đấy.

      Xóa
  9. Nhưng bi giờ mà mình viết chữ truân chiên thì người ta bắt lỗi mình sai chính tả đó anh à! hic...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, nhưng tôi nghĩ ai bắt lỗi sai chính tả thì họ sai vì chưa nắm được từ ngữ, bởi từ điển tiếng Việt, của các GS., TS. đã và đang hoạt động trong ngành Giáo dục, do NXB Giáo Dục, Khoa học - Xã hội, Viện Ngôn ngữ học in ấn bây giờ bao gồm cả 2 từ "truân chiên" và "truân chuyên", đồng nghĩa, thì ai viết chữ nào cũng đúng hết chứ? :-)))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))