Thứ Năm, 10 tháng 4, 2014

Những ngày tháng 4.


Trời Saigon tháng tư nóng, cái nóng oi bức ngột ngạt của những ngày chuyển mùa. Saigon với hai mùa mưa nắng, đã chợt đến, chợt đi bao nhiêu lần trong một đời người. Mấy hôm trước có việc đi Bình Dương, buổi trưa ghé ngang ngôi chùa cổ Hội Khánh, lắng nghe tiếng ve kêu inh ỏi trên những tán cây sao trong sân chùa, đợi người nhà vào lễ Phật, tôi ngồi nơi bậc thềm của chùa đọc vài trang trong quyển sách tôi đã mang theo,

Đây là một quyển sách mấy hôm trước tôi đã mua lại được nơi đám sách "lạc xoong" vỉa hè, một quyển sách mà trước năm 1975, trong một lần về phép Saigon tôi đã mua, tôi rất thích quyển sách này vì câu truyện của nó, quyển sách tôi đã mang theo ba lô rồi bị mất vào tháng tư năm 1975, trong khi từ cao nguyên trở về. Đó là quyển Cây đàn Miến Điện, do Đỗ Khánh Hoan dịch (*), một quyển sách của nhà văn Nhật Bản Takeyama Michio viết năm 1946, khi chiến tranh thế giới lần thứ hai vừa chấm dứt. Nội dung quyển sách xoay quanh một đại đội lính Nhật Bản bị bắt làm tù binh ở Miến Điện trong chiến tranh thế giới lần thứ hai khi Nhật Bản bại trận, và nhân vật chính là một người lính Nhật, trung sĩ Mizushima.

Quyển Cây đàn Miến Điện bản dịch của Đỗ Khánh Hoan, Sáng Tạo xuất bản tại Saigon năm 1972. Ảnh Internet.

Quyển cây đàn Miến Điện do NXB Văn Nghệ tái bản - 1995.

Phim Cây đàn Miến Điện - 1956. Ảnh Internet.

Nhà văn Nhật Bản Takeyama Michio viết quyển Cây đàn Miến Điện, có lẽ không nổi tiếng bằng những nhà văn Nhật khác viết cùng thời với ông, như Yasunari Kawabata (giải Nobel văn chương năm 1968), hay nhà văn Kenzabura Oe (giải Nobel văn chương năm 1994)... Nhưng tôi thích quyển Cây đàn Miến Điện của ông vì tính nhân văn của cốt truyện, tôi tóm lược lại nội dung dưới đây:

Trên một chuyến tàu biển hồi hương của những người lính tù binh Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai, người ta thấy có những người lính luôn ca hát. Họ luôn ca hát, vui tươi, khác với những hình ảnh u sầu, vì bệnh tật, và vì việc họ là kẻ bại trận của những người lính khác. Đó là hình ảnh của một đại đội bộ binh Nhật Bản dưới sự chỉ huy của một viên đại úy đại đội trưởng, một nhạc sĩ trẻ tuổi đã tốt nghiệp trường âm nhạc. Trong suốt thời gian chiến tranh, rồi bị bắt làm tù binh ở Miến Điện, ông đã hướng dẫn cho đại đội của ông lòng yêu âm nhạc, lúc nào cũng ca hát khi có thể, kể cả khi đất nước Nhật Bản bại trận, và đại đội do ông chỉ huy đã bị quân Anh bắt làm tù binh...

Những người lính trong đại đội của ông đã tự chế đủ thử nhạc cụ để hòa âm với tiếng hát của họ, và một người là trung sĩ Mizushima đã chế ra cây đàn thụ cầm, bắt chước theo loại đàn của người Miến Điện, khi anh ta chơi âm thanh phát ra nửa giống như đàn dương cầm, nửa giống như đàn tỳ bà Nhật, và trung sĩ Mizushima chơi cây đàn Miến Điện này rất thành thạo, và trông anh ta chơi như thể một người đang lạc vào một thế giới nào khác... Trung sĩ trẻ Mizushima được tất cả đại đội yêu mến.

Cuộc sống của người lính trong chiến tranh, xa quê hương, lại ở một nơi rừng núi hoang vu như Miến Điện thật gian khổ, nhưng nhờ viên đại úy chỉ huy đại đội đã tốt nghiệp trường âm nhạc dạy ca hát, đại đội bộ binh ấy luôn giữ vững tinh thần, ngay cả khi họ đã trở thành tù binh... Sau khi họ bị bắt, trong rừng núi Miến Điện vẫn còn những toán quân Nhật Bản chống trả quyết liệt, biết quân Anh sắp sửa tấn công và tiêu diệt những người lính Nhật Bản như thế ở một đỉnh núi gần đó, viên đại úy đề nghị người Anh cho họ đi kêu gọi đồng đội buông súng, bởi ông nghĩ sự hy sinh lúc này thật vô ích, những người lính bại trận phải trở về Nhật để xây dựng lại đất nước, và ông cử viên trung sĩ Mizushima đến. Trung sĩ Mizushima nhận nhiệm vụ, ra đi với cây đàn Miến Điện khoác trên vai.

Tinh thần của những người lính Nhật thật dũng cảm, viên trung sĩ Mizushima đến gặp những đồng đội của mình, họ không những không nghe, còn miệt thị và suýt giết ông, họ quyết chiến đấu đến chết... Cuộc tấn công của quân Anh tiếp tục, và trung sĩ Mizushima ôm cây đàn Miến Điện chơi những bản nhạc giữa 2 làn đạn, ông bị thương, tiếng súng ngưng, thêm một số đồng đội của ông hy sinh, nhưng một số khác còn sống sót và bị bắt. Bản thân trung sĩ Mizushima được thổ dân người Miến Điện cứu sống, ông khoác áo nhà sư và vào sống trong những ngôi chùa Miến Điện. Có lần ông đến một nơi còn lại dấu tích của một đạo quân Nhật, thấy những xương cốt, vật dụng của họ còn vương vãi. Ông cầu nguyện cho họ và chôn cất những bộ xương ấy.

Trở thành một tu sĩ khất thực lang thang, ông gặp lại những đồng đội cũ nơi trại tập trung của họ, họ cũng nhận ra ông qua tiếng nhạc của cây đàn Miến Điện, nhưng ông lẩn tránh họ, cuối cùng những người lính bại trận Nhật Bản ở Miến Điện được hồi hương, đồng đội của ông tìm cách nhắn ông trở về Nhật. Ông nhờ người gởi cho họ một bức thư dài. Trên chuyến tàu biển trở về Nhật Bản, viên đại úy đọc cho đại đội của ông nghe lý do tại sao trung sĩ Mizushima không trở về Nhật cùng họ, bởi ông đã trở thành một tu sĩ Phật giáo, ông phát nguyện sẽ tìm kiếm những hài cốt của những đồng đội, và của cả lính Anh, những thường dân bỏ mình trong chiến tranh để chôn cất, và suốt đời ông nguyện sẽ ở lại Miến Điện cùng với những đồng đội đã nằm xuống...

Quyển truyện Cây đàn Miến Điện của nhà văn Nhật Bản Takeyama Michio, không đề cao lòng can đảm của những Thần phong (kamikaze) lao máy bay vào tàu địch trong chiến trận, hay sự hy sinh "harakiri" (tự sát kiểu Võ sĩ đạo bằng cách tự mổ bụng) khi Nhật Bản bại trận..., mà chúng ta thường thấy người Nhật đã làm trong hai cuộc thế chiến. Một câu truyện cảm động thấm đẫm tình người, của người Nhật, và của cả nhân loại...

Saigon, những ngày tháng 4 - 2014.



Ghi chú:

(*) Tác phẩm Cây đàn Miến Điện (Biruma no Tategoto) của nhà văn Nhật bản Takeyama Michio xuất bản vào năm 1946 tại Nhật, sau khi nước Nhật đầu hàng, đã đem lại cho nhà văn giải văn chương do cơ quan báo chí Mainichi trao tặng. Bản dịch đầu tiên quyển sách Cây đàn Miến Điện do Đỗ Khánh Hoan dịch theo bản tiếng Anh Harp of Burma, và nhà Sáng Tạo xuất bản tại Saigon vào năm 1972. Ông là một Giáo sư gảng dạy tại Đại học Văn Khoa Saigon trước năm 1975, chuyên nghiên cứu và giảng dạy môn Lịch sử Văn chương Anh - Mỹ. Ông cũng dịch nhiều thơ của nhà thơ Ấn Độ R. Tagore như Tâm tình hiến dâng, Lời dâng, Tặng vật...

Quyển Cây đàn Miến Điện tái bản vào năm 1995 là của NXB Văn Nghệ. Câu truyện trong sách đã được Nhật Bản quay thành phim đen trắng tại Miến Điện vào năm 1956 bởi đạo diễn Kon Ichikawa. Cuốn phim đen trắng tả lại câu truyện cảm động này đã được rất nhiều khán giả trên thế giới yêu thích.

Một vài nhận xét của học giả Tây phương đối với người Nhật:

"Tại Nhật Bản đương đại, người người hiện vẫn cố bảo tồn các truyền thống cổ, những trang sử xa xưa, những di tích lịch sử ngàn năm. Ai cũng cố gắng bảo tồn những chuẩn tắc ứng xử, những truyền thống văn háo bất di bất dịch, từng kế thừa từ các thế hệ đi trước. Nét tiêu biểu của người dân Nhật là trân trọng nếp sống đã hình thành với tư cách một di sản văn hóa, chú trọng chẳng những tới nội dung cách ứng xử, mà cả hình thức thể hiện ra ngoài, tới cốt cách tư phong, nhờ vậy nên hình thức ứng xử không hề bị mai một theo năm tháng. Cuộc sống hiện thời tại Nhật chứng tỏ các truyền thống vẫn còn đầy sức sống cả trong nếp tư duy chính trị, lẫn trong cách ứng xử ngoài đời. Tinh thần tôn trọng truyền thống đã ảnh hưởng rộng khắp đến sinh hoạt chính trị - xã hội của đất nước Nhật". (Trích "Người Nhật", V. Pronikov, I. Ladanov, NXB Tổng Hợp TP. HCM-2004).

Và chỉ hai thập niên sau ngày nước Nhật bại trận, từ một đất nước bên ngoài tan nát vì bị tàn phá bởi chiến tranh, bên trong thương tổn, người Nhật đã trở thành một cường quốc của thế giới... Máy thu thanh, thu hình, máy ảnh, máy nghe nhạc, xe hơi, xe gắn máy... của họ đã tràn ngập thị trường các nước đã từng đánh bại họ về quân sự. Nhưng vượt lên hơn hết, không phải là những sản phẩm phục vụ cho tiêu dùng mà người Nhật đã bán ra khắp thế giới, mà là tinh thần Nhật, một tinh thần coi trọng tất cả những gì trong cuộc sống. Tất cả với người Nhật là Đạo, từ cách cắm hoa, uống trà, thiền, võ thuật... Và Đạo với người Nhật không chỉ là Con đường đi tới sự hoàn thiện, mà là Cách họ ứng xử với mọi người, bất kể là anh em hay kẻ thù cũ, họ đều trân trọng. Họ biết tôn trọng mình, và cũng biết tôn trọng người...

Những người đã từng chiến thắng họ giờ đây đã phải ngả mũ chào...







18 nhận xét :

  1. Giáo có một người cháu họ đã du học ở Nhật 6 năm và viết một quyển sách về người Nhật, tựa đề "Người Nhật mặc áo trái". Giáo đọc thấy rất hay, hiểu thêm về họ và tôn trọng họ cũng như học được nhiều điều ở họ. Giờ đọc bài viết tóm tắt truyện của một nhà văn Nhật, Giáo càng thấy họ là một dân tộc hiếm có trên thế giới này. Ước chi ta cũng ráng mà học theo họ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người Nhật cũng có nhiều cái cực đoan, bảo thủ, nhưng về đại thể của cuộc sống thì họ đàng hoàng, sống đàng hoàng, đối xử đàng hoàng, không tham và ác, họ biết tôn trọng người khác, tôn trọng luật pháp... Đấy là những điều cơ bản để họ, đất nước họ vượt lên.

      Ước chi ta cũng đàng hoàng như họ.

      Xóa
  2. tính ra bác Hiệp cũng di chuyển liên tục ấy nhỉ :)

    Trả lờiXóa
  3. Những bài viết của bác NHP cũng thiệt là update nhiều chuyện: đề bài là tháng tư, chắc khi đặt đề có nghĩ đến 30/4? Rồi lại viết về bài người Nhật (với sự kính trọng vô vàn mà người Nhật dành cho người Việt qua vụ của tiếp viên Vietnam Airline) và vui nhất, bác giới thiệu hai bản dịch của 2 NXB hai thời điểm phát hành khác nhau, không biết bản dịch của 2 dịch giả có giống nhau không bác nhỉ vì HN đã từng gặp một tác phẩm của Somerset Maugham, một in trước, 1 in sau 1975, ba chương đầu khác nhau, các chương sau thì...nói sao bây giờ he?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Viết rồi nó cứ lan man thế đấy bác HN, chuyện nọ xọ chuyện kia, dấu hiệu của... người già bắt đầu lẩm cẩm.

      Hai bản này là của chỉ một dịch giả là GS. Đỗ Khánh Hoan, bản đầu in năm 1972, bản sau in năm 1995, thấy đề trong sách là tái bản. Cũng tựa như nhiều sách của Nguyễn Hiến Lê xuất bản trước và sau năm 1975. Chắc sách được in lại.

      Về người VN bên Nhật, tôi nghe nói cảnh sát Nhật bây giờ phải học tiếng Vệt, để "xử lý" nhiều vụ phạm pháp của người mình. Một số nước khác thì có những bảng "cảnh báo" bằng tiếng Việt. Thật xấu hổ!

      Xóa
  4. Chắc quyển sách cũng gợi lên ký ức một thời nên bác H mới thích đọc lại nhỉ
    Mặc dù đã từng gặp một người Nhật , đối tác kiểu khôn lõi , nhưng nhìn chung , nước Nhật vẫn là nơi đã đến rồi , vẫn mong sẽ được quay trở lại lần nữa ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Câu truyện và phim Cây đàn Miến Điện không nổi tiếng bằng Cầu sông Kwai hay Le jour le plus long, truyện có một vẻ Á Đông, nhẹ nhàng, sâu lắng...

      Ở đâu cũng có người khôn lỏi, nhưng có lẽ người Nhật vào làm ăn ở VN, tiếp xúc với người mình rồi "lây" cái tính này chăng? Như qua mấy vụ hối lộ quan chức để trúng thầu. Người mình nói "ở bầu thì tròn...", hay "đi với Bụt mặc áo cà sa...". Tựa như câu chuyện cây quýt trồng nơi này thì ngọt, mang sang nơi khác thì chua?

      Chúc bạn Marg. có dịp quay trở lại Nhật lần nữa :-)))

      Xóa

  5. Nhật Hoàng đầu hàng đồng minh nhưng những người lính Nhật cuồng tín vào Nhật Hoàng vẫn không chịu hạ vũ khí, đúng là bảo hoàng hơn vua. Đức tính võ sĩ sĩ đạo, lòng tự tôn dân tộc, sự trung thành tuyệt đối vào vua… làm nên tính cách Nhật, tuy nhiên cái gì thái quá, cũng không phải để chúng ta noi theo.
    Vũ khí giết người tinh vi có sau các nhạc cụ cho dù nó còn rất thô sơ. Tiếng nói của âm nhạc nâng tâm hồn con người lên, tiếng nói của vũ khi làm con người đổ xương máu. Trong quân đội Nhật thời bấy giờ dã có một chỉ huy mang tính nhân văn như viên đại đội trưởng tốt nghiệp trường nhạc, có một trung sĩ Mizushima cũng là nghệ sĩ chơi đàn thụ cầm kiểu Miến Điện.
    Chỉ hai nhân vật nhưng lại tiểu biểu cho khát vọng của con người nói chung. Tác giả không nói tới cây đàn Ý đàn Nhật mà là đàn Miến Điện. Âm thanh cây đàn cũng là tiếng nói của một dân tộc hiền hòa sùng tín Phật giáo chỉ muốn hòa bình không thích gây gổ, chiến tranh
    Bạn có một cuốn truyện thật hay

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là cái gì thái quá trở thành cực đoan cũng đều không tốt, nhưng "Tinh thần Nhật" nói chung, đã đưa nước Nhật trở thành một cường quốc chỉ sau một thời gian khá ngắn, và biến người Nhật thành một dân tộc tử tế thì rất tốt :-)))

      Một quyển sách chừng như không mấy người biết đến, nhưng đúng là một quyển sách hay bác Bu ạ.

      Xóa
  6. Bài viết thật hay cùng những lời comment của anh chị rất là bổ ích ! Em đã từng mơ ước được một lần đến thăm đất nước hoa anh đào xinh đẹp này !!! Hy vọng là em sẽ được toại nguyện ...nhưng hỏng biết bao giờ đây ..híc ...có điều em hơi ngạc nhiên vì dân Tây bên đây và thậm chí dân Sài Gòn mình và ngay cả người Nhật luôn ...họ cứ nghĩ em là người Nhật ?

    Có một lần đi nghỉ hè ở bên đây , trên đường dừng xe lại để ngắm cảnh , một đôi nam nữ người Pháp chợt thấy em đã bước đến và nói " một tràng tiếng Nhật " với em ...rồi khi về VN ăn ở nhà hàng ở Hà Nội và ngay ở Sài Gòn mình , mấy em chạy bàn cũng nói tiếng Anh với em ? Và em trả lời bằng tiếng Việt ? Thế là họ nói rằng họ nghĩ em là người Nhật ? Chưa hết đâu anh , còn chuyện rất buồn cười nữa nè ? Lần về VN vừa rồi , do chuyến bay quay về Pháp bị hủy vì trục trặc kỹ thuật , cả hành khách được tạm nghỉ ở khách sạn để chờ chuyến bay . Ở khách sạn đó đang có nhiều đoàn du khách người Nhật đến nghỉ ở đó . Có một lần khi vợ chồng em bước vào thang máy thì cũng có 4 phụ nữ người Nhật cũng bước vào , vừa nhìn thấy em cả 4 người nhìn em và đồng loạt nói bí bo bằng tiếng Nhật ...ôi chời , em chả hiểu gì hết và em phải nói với họ bằng tiếng Anh em là người VN ...thế là cả 4 vị cười nắc nẻ vậy đó ...

    Đã vậy còn chưa hết ....Đến khi ăn ở nhà hàng tại khách sạn đó , mấy em chạy bàn cũng nói tiếng Anh với em nữa ...và em trả lời bằng tiếng Việt ..thế là họ cũng bị hố ! Buồn cười thật ...em không biết em có giống phụ nữ Nhật hay không mà sao đa số lại hiểu nhầm như thế ? Vui nhất là ngay cả người Nhật cũng tưởng nhầm ...hihi ...làm em thỉnh thoảng cứ ngắm nghía gương mặt mình trong gương để tìm ra cái nét của người Nhật ...để rồi em tự hỏi : " Nét gì nhỉ ? " Cũng vui anh Hiệp nhỉ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ohayô NangTuyet san (Chào cô NangTuyet buổi sáng). Hihi, tiếng Nhật đó NangTuyet. Vậy NangTuyet phải đi học tiếng Nhật đi là vừa. Tôi cũng có vài quyển từ điển Nhật - Việt, Việt - Nhật, cùng mấy quyển sách học tiếng Nhật, để đó ngó chơi thôi.

      Cái gì khiến nhiều người lầm tưởng một người nước này với một người nước khác? Người Âu, Mỹ có thể khó phân biệt người châu Á thuộc nước nào, bởi hình dạng hao hao giống nhau, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật, Đại Hàn... với họ khó phân biệt, Cambodia, Laos, Thailand, Myanmar, Indonesia... cũng thế. Nhưng một người Châu Á để ý dễ nhận biết hơn, nhưng với một số người như NangTuyet tại sao ngay cả người Việt cũng nhầm? Người ta thường nói "con người là sản phẩm của môi trường" (ở bầu thì tròn, ở ống thì dài), những người Việt sống một thời gian lâu lâu ở nước ngoài thường nét mặt của họ "khác" với người trong nước, họ trông "ngố" hơn (hihi, đúng ra phải dùng từ khác, chẳng hạn như "hiền" hơn), bởi hằng ngày họ ít phải đụng chạm, suy nghĩ về những vấn đề "nhức đầu", hay làm cho đầu óc mỏi mệt vì những chuyện không đáng có (ở xứ mình thì đầy).

      Chắc nhìn NangTuyet có nhiều nét "đàng hoàng" giống người Nhật đó, hihi!

      Xóa
  7. Cám ơn bác Hiệp đã cho đọc ké tóm tắt nội dung cuốn sách hay!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào mừng bác VuNho đã ghé thăm, chúc bác ngày chủ nhật vui khỏe.

      Xóa
  8. Mùa Thu Buồn sang chào và chúc Bác Hiệp chủ nhật nhiều an vui bên gia đình nha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn MTB, chuyến quy cố hương vừa rồi hy vọng bạn khỏe và vui :-)))

      Xóa
  9. Những người đã từng chiến thắng họ giờ đây đã phải ngả mũ chào...
    Đúng là kính phục một cách chân thành anh Hiệp nhỉ. Nghĩ đến ta mà buồn, nỗi buồn không thể nói hết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phục họ chân thành, tôi đã thử tìm hiểu thì thấy họ có khá nhiều cái tương đồng với mình, chịu ảnh hưởng bởi Nho, Lão, Phật, cùng nền văn hóa Trung Hoa, nhưng họ lại không bị trói chân bởi cái tính ích kỷ chỉ biết có mình, coi mình là "cái nôi của văn minh nhân loại", nên họ vượt lên trên hết.

      Ngày xưa các cụ nhà mình đã có phong trào Đông du, định học hỏi theo họ để đưa đất nước và dân trí tiến lên, nhưng bất phùng thời nên đã thất bại...

      Xóa

:) :( :)) :(( =))