Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Một câu truyện Nhật.

Vào mùa xuân tháng 4 và tháng 5 là mùa hoa anh đào nở tại Nhật Bản, tôi có một người quen đang du lịch ở Nhật Bản để chụp hoa anh đào. Tôi có vào Facebook xem những hình ảnh hoa anh đào được đưa lên, tuyệt đẹp. Hoa anh đào mà người Nhật gọi là Sakura là quốc hoa của nước Nhật, mùa hoa anh đào nở cả nước Nhật chìm trong một màu hồng phấn, và người Nhật tổ chức những lễ hội chào đón hoa anh đào trên khắp đất nước. Truyền thuyết Nhật Bản cho rằng Sakura là từ tên của nữ thần Konohana Sakuya Hime, một vị thần được nhắc đến trong lịch sử Nhật Bản, theo truyền thuyết vị nữ thần này là người đã gieo hạt giống cây hoa anh đào trên núi Phú Sĩ. Hình ảnh của hoa anh đào đã được đúc trên đồng tiền xu 100 yên Nhật . Theo ngôn ngữ nhà Phật thì hoa anh đào là biểu tượng của sự vô thường.

Hoa anh đào Nhật Bản. Ảnh Internet.

Đồng tiền xu 100 yên của Nhật có hình hoa anh đào. Ảnh Internet.

Nước Nhật là một đất nước khá kỳ lạ, là môt nước có nền kinh tế hiện đại, hùng mạnh vào bậc nhất trên thế giới, họ sản xuất ra rất nhiều hàng hóa thiết yếu cho nền văn minh của con người, từ nồi cơm điện, máy xay trái cây, chảo không dính dùng trong nhà bếp, đến máy chụp ảnh, máy nghe nhạc bỏ túi khi đi du lịch, những thiết bị điện tử trang bị cho văn phòng, cho đến những chiếc xe hơi "de luxe"... Nhưng đồng thời họ vẫn giữ được những truyền thống cổ xưa. Theo thống kê, 60% người dân Nhật vẫn tôn trọng và gìn giữ những gì thuộc nếp sống cổ truyền... Người lãnh đạo của họ vẫn cúi rạp người xin lỗi công chúng hoặc từ chức, nếu có những sai sót trong ngành họ lãnh đạo.

Người ta thường nói tới Tính cách Nhật, hay Tinh thần Nhật. Có quá nhiều thứ tạo nên điều này. Theo Thần đạo - hệ thống tín ngưỡng của người Nhật, dân tộc Nhật là hậu duệ của nữ thần Mặt trời Amaterasu, người sinh ra vị Thiên Hoàng huyền thoại Zimmu, lên ngôi vào năm 660 trước CN. Chính vị hoàng đế này mở đầu cho các triều đại Thiên hoàng Nhật Bản, thay nhau trị vì xứ sở suốt từ đó cho tới bây giờ. Chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, những tôn giáo chính của họ xưa nay là Đạo giáo, Nho giáo, Phật giáo... hòa cùng với Thần đạo... tạo nên tính một tính cách rất riêng biệt, chi phối toàn bộ đời sống của người dân Nhật.

Đạo giáo của Lão Tử đưa họ trở về hòa với thiên nhiên, mùa xuân họ ngắm hoa anh đào, đến mùa thu, hay trong những đêm hè, người Nhật lắng nghe tiếng những con dế, tiếng côn trùng, ếch nhái..., hay tiếng ve kêu, họ đánh cờ hay đàm đạo bên ấm trà theo phong cách trà đạo bên khu vườn Nhật. Sang mùa đông họ lặng yên ngắm những bông tuyết rơi...

Đạo Khổng của Khổng Tử cho họ lòng trung thành, tôn sư trọng đạo, chữ tín luôn là điều được người Nhật Bản đặt lên hàng đầu, các thế hệ sau cũng luôn luôn tôn kính thế hệ đi trước, và họ sống có trách nhiệm với đất nước, với cộng đồng... Phật giáo của Đức Thích Ca lại cho họ tính kham nhẫn. Người Nhật giỏi chịu đựng, họ không hay than van, rất can trường nhưng không nổi loạn. Phật giáo theo đuổi mục đích đạt ngộ, không có mục tiêu nào khác của người Phật tử là đạt đến giác ngộ, hòa mình làm một với đức Phật, người Thày vĩ đại của họ hơn hai ngàn năm trước.

Nhưng người Nhật không chỉ "hòa làm một với đức Phật", mà như đã nói họ còn "hòa làm một với thiên nhiên". Zen (Thiền) của tiếng Nhật là từ tiếng Trung Hoa Chian, và từ Chian thì bắt nguồn từ Dhyàna tiếng Phạn Sanscrit có nghĩa là tĩnh lặng, chiêm nghiệm, đem hết tâm trí để phát giác những chân lý sâu xa... Ở vào thế kỷ XVII nhà thơ Matsuo Basho (1644-1694), cũng là một thiền sư với thể thơ cổ Haiku cô đọng Nhật Bản, đã dùng ngôn ngữ để vẽ nên bức tranh thiên nhiên, bàng bạc hơi thở của thiền:

Trên cành cây trụi lá
một con quạ đậu, cô liêu.
chiều thu.

Hay một bài thơ khác:

Vắng lặng bốn bề
tiếng ve khẽ ngân
thấm vào lòng đá.

Một đức tin, một tôn giáo cổ xưa của người Nhật là Thần đạo, với Thái Dương Thần Nữ, là trung tâm của Thần giáo. Thần đạo, con đường của những vị thần, cũng đã chi phối và làm nên tinh thần Nhật. Thần đạo không có những điều răn, cũng không có những điều luật buộc phải theo. Người theo Thần giáo không quan tâm đến khái niệm kiếp sau, cũng không cầu nguyện cho một hạnh phúc tương lai, những thứ có vẻ mơ hồ. Người Nhật đi đến những ngôi đền thờ Thần đạo để cầu nguyện cho những thứ rõ ràng trong cuộc sống, như thực phẩm, phúc lợi quốc gia, hay hạnh phúc của ngày hôm nay... Thần giáo không có những hình ảnh của những vị thần cụ thể như những tôn giáo khác, mà sử dụng biểu tượng của các vị thần. Trên kệ thờ thần là những bài vị, hay những mảnh giấy ghi tên những vị thần mà họ tôn kính...

Một đức tính nữa đã làm nên Tính cách Nhật, và Tinh thần Nhật, đó là tính kỷ luật. Mấy năm trước đây, khi nhiều nơi tại Nhật Bản bị sóng thần tàn phá. Thế mà họ vẫn giữ vững được tinh thần nhờ tính kỷ luật, không hề có cướp bóc, không hề có rối loạn... Thế chiến thứ hai chấm dứt, có một câu chuyện về một nhóm lính Nhật tại Phi Luật Tân đã nói lên tính kỷ luật cao độ của họ.

Giữa tháng 3-1974, gần 30 năm sau ngày thế chiến thứ hai chấm dứt, một đơn vị nhỏ quân Nhật đã tham chiến tại Phi Luật Tân từ trước năm 1945 mới chịu ra hàng tại đảo quốc này. Đơn vị chỉ còn sống sót có mỗi mình viên chỉ huy là thiếu úy Onoda. Sự việc được cả thế giới biết đến lúc bấy giờ, qua nhà báo Yuri Bandura, câu truyện đại để như sau:

Cuối năm 1944, chỉ huy trưởng các đơn vị đặc nhiệm Nhật ở Phi Luật Tân là thiếu tá Taniguchi, giao một nhiệm vụ cho thiếu úy Onoda:

- Anh phải đưa toàn đội đến ẩn náu trong các rặng núi hiểm trở trên đảo Lubang. Mục đích là tiến hành các hoạt động phá hoại và thu thập các tin tức của đối phương. Mai kia, khi quân ta trở lại Lubang, hoạt động của anh sẽ là hỗ trợ cho cuộc đổ bộ. Nhiệm vụ là tôi hạ lệnh, ngoài tôi ra không có bất cứ viên chỉ huy nào được bãi lệnh.

Thế là Onoda đã đem  đơn vị do anh chỉ huy đến hòn đảo Lubang đầy rừng rậm, nhóm biệt kích nhỏ của anh gồm có anh, thiếu úy Onoda, hạ sĩ Shimada và hai binh nhất Akatsu và Kotsuda. Tất cả nhóm quân nhân Nhật Bản bốn người ấy đã chiến đấu suốt nhiều năm sau đó, từ khi chiến tranh chấm dứt. Người đầu tiên bị loại là binh nhất Akatsu vào mùa xuân năm 1951, anh ta ra hàng. Ba năm sau, vào tháng 5-1954 trong một trận đụng độ với một đơn vị du kích Phi Luật Tân, hạ sĩ Shimada tử trận. Mười tám năm sau, năm 1972 binh nhất Kotsuda bỏ mạng sau một cuộc giao tranh với một toán tuần tiễu địa phương. Đơn vị chỉ còn mỗi một mình thiếu úy Onoda. Và chiến tranh chỉ thật sự chấm dứt với thiếu úy Onoda vào ngày 10-3-1974, tức 29 năm 3 tháng sau ngày anh nhận lệnh của thiếu tá Taniguchi.

Cuộc chiến đã chấm dứt với thiếu úy Onoda ra sao?

Tháng 3-1946. Một toán lính Mỹ đã dắt theo một quân nhân Nhật, họ mang theo loa phóng thanh đi lùng sục khắp rừng núi của đảo Lubang, loan tin Nhật Bản đã đầu hàng. Bốn mươi thủy quân lục chiến Nhật trốn tránh đã ra hàng. Nhưng nhóm của thiếu úy Onoda vẫn tiếp tục chiến đấu.

Sau khi binh nhất Akatsu ra hàng vào năm 1951, và hạ sĩ Shimada đã tử trận, tháng 5-6/1954 phía Nhật đã cho một đoàn đại biểu sang đảo Lubang để tìm cách cứu Onoda và Kotsuda. Họ đem theo cả thân nhân và đồng đội cũ của hai người. Suốt 3 tuần họ đi khắp rừng núi Lubang nhưng không có kết quả. Từ tháng 5 đến tháng 12/1956 thêm 3 nhóm tìm kiếm nữa, trong đó có cả em ruột thiếu úy Onoda, viên thiếu úy Onoda nghe được những lời kêu gọi của người em nhưng vẫn im lặng. Sau khi binh nhất Kotsuda tử trận năm 1972, từ rháng 11-1972 đến tháng 4-1973 bốn đoàn tìm kiếm nữa đã sang đảo Lubang. Lần này có cả thân sinh Onoda theo, ông đã già được cõng đi khắp rừng núi Lubang, vừa gọi con vừa ngâm một bài haiku cổ với hy vọng con mình sẽ động lòng:

Bao hoài niệm
Đã trỗi dậy trong lòng ta, xao xuyến
Ôi, những cành đào vườn cũ rộ hoa!

Nhưng một lần nữa thiếu úy Onoda, lúc ấy chỉ còn một mình vẫn im lặng.

Cuộc chiến đấu của người lính Onoda lúc ấy đã về già có lẽ sẽ tiếp tục cho đến khi ông mất, nếu như không tình cờ gặp một du khách Nhật trẻ tuổi. Trong cuộc trò chuyện ông tuyên bố ông sẽ còn tiếp tục chiến đấu để thi hành nhiệm vụ đã được giao phó gần 30 năm trước bởi thiếu tá Taniguchi, người chỉ huy và hạ lệnh cho ông. Người du khách trẻ Nhật Bản trở về nước. Lần này người ta phái một phái đoàn nữa, may mắn thay là trong đoàn có viên thiếu tá Taniguchi, người đã ra lệnh cho thiếu úy Onoda gần 30 năm trước.

Vào một buổi chiều tháng 3-1974, viên thiếu tá Taniguchi đã tìm được thiếu úy Onoda trên một cao điểm hiểm trở và bãi bỏ lệnh cũ. Lúc ấy viên thiếu úy Onoda mới buông khẩu súng trường cũ kỹ xuống đất. Ông chấp hành mệnh lệnh từ người chỉ huy cũ. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai tới giờ phút đó mới thực sự chấm dứt với ông.

Tính kỷ luật của người lính Thiên Hoàng năm xưa thật đáng nể phục... Đấy cũng là một yếu tố chính để làm nên một đất nước Nhật như chúng ta đã thấy ngày nay...


Tham khảo:

- Người Nhật, V. Pronikov, I. Ladanov, Đức Dương biên soạn, NXB Tổng Hợp TP. HCM - 2004.
- Những tôn giáo lớn trong đời sống nhân loại, TS. Floyd H. Ross & GS. Tynette Hills, dịch giả Thích Tâm Quang, NXB Tôn giáo - 2007.
- Nghệ thuật Zen, Stephen Addiss, người dịch Tư Tam Định, NXB Văn hóa Thông tin - 2001.









15 nhận xét :

  1. BOBI tôi có dịp qua Nhật hai lần, một lần ở TOKYO và một lần ở OSAKA, nhưng tiếc rằng chưa một lần được mục sở thị rừng hoa anh đào nở rộ. Phải nói là hoa anh đào đẹp với màu hồng gợi sự ấm cúng và hạnh phúc. Thay vì không được ngắm hoa anh đào, BoBi tôi lại được dự một buổi chiêu đãi thú vị. Vấn đề không phải vì các món ăn đều tươi sống (không qua đông lạnh), rất đắt, mà vì hình thức rất cổ truyền: Hai nàng duyên dáng mặc Kimono, trát đầy phấn trắng quỳ hai bên, một nàng chúc rượu sake liên tục, một nàng chuyên làm thức ăn theo yêu cầu. Hơn 2 tiếng quỳ cùng hai nàng mà đầu gối gần như mất cảm giác luôn. Chụp vài tấm ảnh về đưa vợ xem, vợ lác xệch mắt, lườm với nguýt, hihi. Khi chia tay được trân trọng một cái mũ của hiệp sĩ Samurai màu đen nặng khoảng 1 kg, nặng quá không thể đội được. Đấy là một trong những kỷ niệm ở Nhật

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác BoBi đi Nhật đến 2 lần thì sướng thật, lại còn được các nàng Nhật Bổn chính hiệu mặc kimono quỳ gối hầu rượu nữa thì đã quá. Tôi nghe nói dịch vụ Geisha (thứ thiệt) ở Nhật rất đắt, đây là một nghệ thuật chứ không phải ăn chơi. Ra về có ảnh chụp, thêm kỷ niệm cái mũ Samurai nặng 1 kg về cho vợ xem lác mắt, nhất bác đấy :-)))

      Xóa
    2. Geisha thứ thiệt là geisha tại gia đình. Chủ nhà (nhà giàu) mời đến phục vụ theo yêu cầu rồi trả tiền, vậy nên không thể biết được cái tổ con chuồn chuồn là gi ? hihi. Con BB tôi được phục vụ trong bữa chiêu đãi (đông người) nên nó cũng tương tự như "nhạc thính phòng". Bữa ăn không thể cảm thấy ngon, vì quỳ lâu e ẩm quá. Còn bà Xã lác mắt, lườm nguýt không phải do cái mũ mà là do "một chàng ở giữa hai nàng hai bên" Vậy đấy bác Hiệp ạ

      Xóa
    3. Hihi, người Nhật họ cầu kỳ thế, mình không quen (như việc quỳ gối mấy tiếng đồng hồ) để được tiếp đãi thì bác BoBi oải là phải.
      A ra thế, Cũng may là bác được chiêu đãi (đông người), chứ không thì về nhà chắc "bầm mình" vì ngắt nhéo rồi :-)))

      Xóa
  2. Hay quá hôm nay em lại được học hỏi thêm nhiều điều mới lạ về nền văn hóa đặc trưng của người Nhật ! Em cũng từng nghe nói tinh thần võ sĩ đạo của họ rất cao và bây giờ em lại biết thêm tính kỷ luật của họ cũng chẳng kém gì ...thật đáng khâm phục biết dường nào !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hìhì! Người Nhật thiệt giỏi, họ biết chắt lọc cái cổ truyền, tinh hoa du nhập (kể cả khoa học kỹ thuật mới mẻ), để sống "cho ra sống", thiên hạ nể phục (tuy bây giờ người Nhật, nước Nhật cũng vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng cuộc sống nào mà chả thế). Quá hay phải không bạn NangTuyet :-)))

      Xóa
  3. Một đất nước có nghề người đẹp trần truồng nằm ngữa để người ta sắp những lát cá hồi lên thân thể cho thực khách ngồi chung quanh thưởng thức
    . Có những anh phi công lên máy bay chiến đấu là người ngoài khóa chặt cửa, anh ta một đi không về, sẵn sàng lao vào tàu thủy, tàu bay đối phương.
    Trong khi Nhật Hoàng đầu hàng Đồng Minh thì một anh lính Nhật bên philipin trốn vào rừng tử thủ luôn 60 năm đến nỗi cái báng súng mục hết chỉ nòng súng rỉ đen
    Ông thủ tướng khom mình chào mọi người. Động tác khom ấy họ bảo là học tập cái bông lúa khiêm nhường mà đầy ắp năng lượng
    Nước Nhật đúng là xứ sở của những điều thần kì và lạ lùng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lạ lùng quá phải không bác Bu, Quá khứ và hiệt tại luôn sống động nơi họ. Hôm nào bác thử làm một chuyến đi Nhật "mục sở thị" xem sao? Hình như tìm hiểu về những ngôi đền Thần đạo của họ cũng hay lắm :-)))))

      Xóa
  4. Người Nhật mãi mãi vẫn là điều bí ẩn đối với người nước ngoài. Cháu họ của Giáo sau 6 năm du học và làm việc tại Nhật đã thốt lên, không thể hiểu nỗi họ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihihi người Nhật càng không hiểu nỗi người Việt Nam

      Xóa
    2. Người Nhật thật là bí ẩn với người nước ngoài (như cháu của bạn Giáo), còn theo bác Bu thì bí ẩn không thể hiểu được như người Nhật, mà họ còn không thể hiểu được người Việt mình, hehe, vậy thì người mình thuộc loại đại bí ẩn rồi :-)))

      Xóa
    3. Trong một cuộc họp về Luật đầu tư nước ngoài, một số đại diện Thương mại bộ Ngoại giao các nước phát biểu đại ý: Chúng tôi không thể hiểu được VN và người VN, vì luật luôn thay đổi và không nhất quán... Bà Ngô Bá Thành (khi đó là Chủ nhiệm UB Pháp Luật của Quốc hội" nói: Đến tôi còn không hiểu nổi huồng gì các ông, hihi

      Xóa
    4. Hihi, mình còn không hiểu mình cũng như leo lên lái chiếc xe mà không biết nó sẽ đi đến đâu... :-)))

      Xóa
  5. Nhật là một đất nước rất kỳ lạ, đáng kính trọng các bác nhỉ...

    Trả lờiXóa
  6. Phải ngả mũ chào họ :-)))))

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))