Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Tên gọi của những nơi thờ tự theo tín ngưỡng dân gian.



Trong hệ thống tín ngưỡng dân gian Việt Nam ta thường thấy có những tên gọi như đình, đền, miếu (miễu), điện, phủ, dinh, am, đạo quán, hội quán... Tôi thử tìm hiểu tên gọi của những nơi này.

- Đình (Hán-Nôm  ): ngôi nhà chung của thôn làng, có kiến trúc cổ truyền Việt Nam, là nơi thờ thần, Thành Hoàng và hội họp việc làng. Trong hệ thống làng xã Việt Nam, từ ngàn xưa ngôi đình đã có một vị trí quan trọng. Buổi đầu đình làng là trung tâm hành chính, văn hóa, là nơi thực hành các nghi lễ tín ngưỡng dân gian truyền thống, và sinh hoạt cộng đồng của cư dân một địa phương. Cho nên đình luôn được xây dựng tại vị trí thuận tiện trong làng, gắn liền với yếu tố phong thủy. Một hình ảnh đã đi vào tâm thức của người Việt là đình làng, cây đa, bến nước... Tại TP. HCM bây giờ còn khoảng 300 ngôi đình ở khắp các quận, huyện... Như đình Nam Chơn, Hòa Mỹ... (quận 1), đình Xuân Hòa, Ông Súng... (quận 3), đình Tân Kiểng... (quận 5), đình Bình Tiên... (quận 6), đình Phong Phú (quận 9), đình Chí Hòa... (quận 10), đình Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), đình Bình Hòa... (quận Bình Thạnh).

Đình Chí Hòa - Quận 10, Saigon.

Đình làng Nam bộ thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng (Thành là thành lũy, Hoàng là hào lũy), có 30 ngôi đình được sắc phong của triều đình, 26 sắc phong vào thời vua Tự Đức, 2 thời vua Minh Mạng, 1 thời vua Duy Tân và 1 vào thời vua Bảo Đại. Ở miền Nam chúng ta thường thấy đình thờ Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh với sắc phong Thượng đẳng thần. Ngoài ra đình còn thờ những thần thánh khác như Thần Nông, Ngũ Hành Nương Nương, Sơn Quân (thần Hổ), thần Xã Tắc, Thổ Công, Thổ Địa, Táo Quân... Đình Nam bộ cũng thờ những người có công với đất nước như Nguyễn Trung Trực, Trương Định...

Đình Thông Tây Hội Gò Vấp - Saigon.

Ngôi đình cổ nhất ở TP. HCM là đình Thông Tây Hội (quận Gò Vấp), được xây dựng vào khoảng năm 1679. Cúng lễ ở đình thường diễn ra vào những dịp lễ, như ngày vía của Thần, tết truyền thống, như tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch), rằm Tháng 7, tết Trung thu...
- Đền (chữ Hán không có chữ đền, chữ Nôm  ): theo học giả Toan Ánh, đền là nơi thờ một anh quân, một vị anh hùng, hoặc hoặc một vị thần có công với đất nước. Như đền Đức Thánh Trần thờ Hưng Đạo Đại Vương, đền Hùng thờ các đời vua Hùng...

Tại TP. HCM có đền thờ Đức Thánh Trần, đền Hùng (quận 1 và nhiều quận khác)... Đền Cô Bơ (quận 2)... Đền Tranh Giang Vọng Từ thờ Quan lớn Tuần Tranh, Đền Sòng Sơn Vọng Từ thờ bà Chúa Liễu Hanh (quận 3)... Đền Vân Chàng thờ ông tổ nghề rèn (quận 10)... Đền Hai Bà Trưng thờ Hai Bà Trưng, Tam tòa Thánh Mẫu (quận Bình Thạnh)... Đền tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ trong 2 cuộc chiến chống Pháp và Mỹ (huyện Củ Chi)...

Đền thờ Đức Thánh Trần - Saigon.

- Miếu (Hán-Nôm  ): miếu thường thờ thần, quỷ thần, ở miền Bắc còn gọi là nghè, ở Nam bộ còn gọi là miễu, miếu thường có quy mô nhỏ hơn đền. Ở miền Bắc nếu đình luôn được xây dựng nơi trung tâm làng xã, thì miếu thường được xây dựng ở vị trí hẻo lánh, yên tĩnh. Miếu Sơn Thần thờ thần núi, miếu Hà Bá thờ thần sông... Tại TP. HCM Lăng Ông Bà Chiểu thờ tả quân Lê Văn Duyệt có tên là Thượng Công Miếu, Ngũ Hành miếu thờ Ngũ Hành Nương Nương có tại rất nhiều nơi, miếu thờ Cửu Thiên Huyền Nữ (Phật Mẫu ở tầng trời thứ chín trong chín tầng trời), miếu Bà Thiên Hậu với tên gọi Hội quán (Hội quán Hà Chương ở quận 5 thờ Bà Thiên Hậu, người dân thường gọi là chùa Bà, chùa Tàu...), Nhị phủ miếu thờ ông Bổn (Phước Đức Chánh Thần (quận 5)...

Tam quan lăng Ông thờ Tả quân Lê Văn Duyệt tại Saigon với tên gọi Thượng Công Miếu.

Ở miền Nam có ngôi miếu thờ Bà nổi tiếng thờ Bà Chúa Xứ - Châu Đốc... Và khắp miền Nam, hay ngay tại Saigon, trên đường phố nơi góc ngã ba, ngã tư đông đúc cũng hay thấy những tran thờ rất nhỏ để sát mặt đất cũng được gọi là miếu, thờ những cô hồn uổng tử dọc đường...

Tại TP. HCM có khoảng trên 500 ngôi đền miếu ở khắp các quận huyện.

- Điện (Hán-Nôm 殿 ): nơi thờ thần thánh. Điệnphủ thường để chỉ những nơi thờ của Đạo Mẫu. Ở Huế có điện Hòn Chén trên sông Hương thờ Thiên Y A NA thuộc hệ thống đạo Mẫu. TP. HCM có điện Ngọc Hoàng tại quận 1, là nơi thờ của người Hoa theo Minh sư có nguồn gốc từ Trung Hoa , là một tông phái của Phật giáo chủ trương "Tam giáo đồng nguyên" Phật - Nho - Lão.

Điện Ngọc Hoàng - Quận 1, Saigon.

- Phủ (Hán-Nôm  ): trong đạo Mẫu thường thấy các thánh mẫu, ông hoàng... được thờ ở phủ, như phủ Dầy (Giầy, Giày) ở Nam Định thờ bà Chúa Liễu Hạnh, phủ Tây Hồ ở Hà Nội cũng thờ Liễu Hạnh Công chúa...


Phủ Tây Hồ - Hà Nội.

- Am (Hán-Nôm  ): có kiến trúc và quy mô nhỏ thờ thần, Phật.

Một am thờ Thần ở Huế.

- Dinh (Hán-Nôm  ): có lẽ từ dinh để chỉ môt nơi thờ phượng theo tín ngưỡng dân gian phổ biến ở phía Nam hơn các nơi khác, như dinh Thày Thím ở La Gi - Bình Thuận, dinh Cô ở Long Hải - Bà Rịa Vũng Tàu, dinh Cậu ở Phú Quốc thờ Cậu Tài, Cậu Quý, Chúa Ngọc Nương Nương (Thiên Y A NA). Theo truyền thuyết Cậu Tài, Cậu Quý là Nhị vị Công tử con trai của bà Chúa Ngọc, là những vị thần bảo hộ ngư dân...

Dinh Thày Thím - Bình Thuận.

- Hội quán: Những ngôi miếu thờ thần thánh của người Hoa tại TP. HCM được gọi là Hội quán (ngày xưa từ Đạo quán để chỉ những nơi thờ phượng của Đạo giáo). Người Việt thường gọi những Hội quán này là chùa Tàu, chùa Bà (thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu), hoặc chùa Ông (thờ Quan Công, Ông Bổn). Chức năng xưa kia của Hội quán vừa là trụ sở của một bang (bang Phúc Kiến, Quảng Đông, Hải Nam...), vừa là nơi tín ngưỡng. Ở Saigon khu vực quận 5 có nhiều Hội quán như Hội quán Hà Chương của người Hoa gốc Phúc Kiến thờ bà Thiên Hậu, Hội quán Nghĩa An của người Triều Châu (còn gọi là người Tiều) thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Công)...

Lễ cúng Bà Thiên Hậu nơi một Hội quán của người Hoa ở quận 5 - Saigon.




Tham khảo:

- Đại Nam Quấc âm Tự vị, Hùinh Tịnh Paulus Của, Tome I - Saigon 1895.
- Việt Nam Tự điển, Hội Khai Trí Tiến Đức - Hanoi 1931.
- Từ điển Tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, TT Từ điển học - 1997.
- Làng xóm Việt Nam, Toan Ánh, NXB TP. HCM - 1999.
- Một số cơ sở Tín ngưỡng Dân gian tại TP. HCM, nhiều tác giả, Sở văn hóa & Thông tin - 2002.
- Đình miếu & Lễ hội dân gian miền Nam, Sơn Nam, NXBTrẻ - 2004.
- Hình ảnh được sử dụng từ Internet.



11 nhận xét :

  1. Chỗ của Giáo cũng có Hội quán người Hoa và nhiều đình miếu như anh mô tả. Hồi đó G ko biết phân biệt, nhưng giờ đọc bài này thì biết đâu là đình chùa miếu mạo rùi. Cảm ơn anh Phạm nhiều!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng như bạn Giáo nhờ mấy bài này mới biết phân biệt, hìhì!

      Xóa
  2. Trong kiến trúc Phật giáo, Tháp là nơi đựng tro di hài của Phật hay của sư tổ trụ trì chùa, bắt nguồn và biến thể từ kiến trúc stupa ở Ấn Độ.
    Ở ta có nhiều tháp của người Chăm được thờ phụng rất linh thiêng như tháp Nhạn (Phú Yên), tháp Pô na gar (Nha trang) quần thể táp Pô sah inưi (Bình Thuận)....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những tháp của người Chăm suốt dọc miền Trung rất đẹp ha bác Bu. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, dân gian nói vậy. Đình, chùa, đền, tháp... Hình như nơi thờ phượng nào càng lâu đời lại càng linh thiêngđó bác Bu. Những tháng Chăm có lịch sử cả ngàn năm chứ ít gì.

      Xóa
  3. Em cũng nghĩ thế, những nơi thờ cúng nào càng lâu đời càng linh thiêng chứ có những nơi người ta tôn tạo lại rồi sơn xanh sơn đỏ, lát đá hoa Trung Quốc vào trông lòe loẹt.. những nơi ấy chẳng biết các đấng thần linh có ngự vào không bác nhỉ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng đó TT, cho nên người ta mới nói "Thần cây đa, ma cây gạo", đọc Liêu trai Chí dị đến mấy con chồn con cáo sống lâu năm cũng thành tinh nữa :-)))

      Tôi xem trên mạng bây giờ thấy người ta sửa sang đình chùa, đắp đỗi sơn phết vẽ vời chẳng ra làm sao cả, ở đó chắc bị con ma... tiền nó ám :-)))

      Xóa
  4. Hôm nay em lại biết thêm một số kiến thức về các tên gọi những nơi thờ tự theo tín ngưỡng dân gian ...thật là hay nhất là các từ về ngôi đình , cái miếu , nhất là cái am ...trước đây em cứ nghĩ trong cái am chắc là chỉ thờ các vị Thần , vị Thánh , chứ hỏng có thờ Phật ..giờ em mới hiểu chỉ khác là về quy mô thôi ...

    Riêng về Đình ở tp của mình , em có đến một vài nơi ..nhưng hình như Đình trong miền Nam của mình có vẻ mang chút gì hiện đại hơn về cách trang trí nơi thờ phượng ( đó là theo cách nhìn của riêng em đó nha ) , còn một số ngôi Đình mà em có dịp ghé qua thôi ở miền Bắc , chẳng hạn như ở tp Nam Định ..rõ ràng còn mang tính dân gian và giản dị vô cùng anh ạ ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, thôi gọi cái blog này là blog "Kiến thức phổ thông" vậy nha NangTuyet, chuyên phổ biến những gì tầm tầm "hẻm" có cao siêu...

      So sánh và nhận xét về đình giữa miền Nam và miền Bắc của NangTuyet là đình miền Nam có vẻ hiện đại hơn về cách trang trí và thờ phượng chắc hoàn toàn chính xác. Nhưng tại sao lại như thế? Tôi nghĩ bởi chuyện thờ cúng nơi đình ở miền Nam luôn được tiếp tục xưa nay (có thể do thời thế lễ bái ở đình không còn được như xưa), còn ở miền Bắc một thời gian dài đình, chùa, nhà thờ gần như bị bỏ phế, có khi bị chuyển thành nơi sản xuất. Ít năm trở lại đây thời kỳ đổi mới, những cơ sở tín ngưỡng mới được phục hồi, những cụ thủ từ chuyên coi đình, đền không còn nữa, ngay cả nhà sư hoặc cha cố cũng thiếu... Làm sao mà đình, đền "xôm tụ" được...
      Nhưng cũng có những nơi lại phát triển "quá mức cần thiết", theo con đường... kinh doanh...

      Xóa
  5. "Thành Hoàng Bổn Cảnh" và "Bổn Cảnh Thành Hoàng" chỉ là câu chữ thôi, phải không bác?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chẳng có gì khác Bố susu. Nếu nói đúng theo "văn phạm tiếng Hán" thì phải là "Bổn Cảnh Thành Hoàng", cũng như phải gọi "Ngọc Hoàng điện" hay "Thượng Công miếu". Nhưng mình hay nói theo "kiểu tiếng Việt" là "Thành Hoàng Bổn Cảnh", "miếu Thượng Công", hay "điện Ngọc Hoàng".

      Xóa
  6. Ngày nay với sự phát triển làm ăn sinh sống của con người, sự tín ngưỡng thờ phụng của được chú trọng rất nhiều, nhiều nơi hẻo lánh, nơi thường xảy ra tan nạn, ... được người dân dựng lên những am thờ, miếu với mục đích cầu mong sự bình an che chở của các thần linh am thờ

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))