Trên suốt chuyến đi khi ghé qua những nơi tôi muốn ghé, chẳng hạn như những ngôi chùa Miên, chùa Việt, nhà thờ Thiên chúa giáo, nhà Công tử Bạc Liêu... bác tài xế đều ghé vào thăm cùng tôi. Thỉnh thoảng khi đang lái xe hoặc lúc đang thăm một ngôi chùa, hay nhà thờ bác tài hay thắc mắc hỏi tôi một vài điều, chẳng hạn tại sao lại gọi là chùa, tự, hay tu viện, hoặc tịnh xá, già lam... Tại sao trong chùa Miên không thấy thờ nhiều tượng như chùa Việt, tại sao có khi chỉ gọi là nhà thờ nhưng cũng có khi là nhà thờ chánh tòa... Những thắc mắc của bác tài rất cụ thể. Cũng may nhờ có tìm hiểu qua sách vở, những thắc mắc này tôi có hiểu qua và nói được cho bác tài biết. Tôi ghi lại vài điều dưới đây:
Những nơi thờ phượng của Phật giáo:
- Chùa: như chúng ta thường thấy và gọi nôm na những nơi thờ tự, tu hành của Phật giáo là chùa, chùa Giác Lâm, chùa Viên Giác, chùa Pháp Hoa, chùa Thiếu Lâm... Nếu gọi theo từ Hán - Việt là Giác Lâm tự, Viên Giác tự, Pháp Hoa tự, hay Thiếu Lâm tự... Từ điển Phật học giải thích, chùa là nơi thờ Phật phổ biến ở các nước Đông Á và Đông Nam Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam... Cũng có từ điển Phật học cho là chùa có thể do tiếng Phạn (Sankrit là Stùpa, hay tiếng Pàli là Thùpa) mà ra. Stùpa hay Thùpa có nghĩa là Tháp. Tại Ấn Độ Tháp là nơi cấtt giữ Xá lị (Xá lợi) Phật, cũng còn là nơi chôn cất hay cất giữ tro, cốt các vị Đại sư.
Chùa Vĩnh Tràng (Vĩnh Tràng tự) Mỹ Tho - Tiền Giang.
- Tự ( 寺 ): chùa thờ Phật, cũng là nơi tăng tu hành, chữ Hán Việt gọi là tự, tên gọi có từ thời Hán, cũng có nghĩa là nhà ở của quan.
- Già Lam ( 伽藍 ): tiếng Hán Việt, phiên âm chữ Phạn (S-P) Sanghàràma, có nghĩa là nơi thờ Phật, nơi tăng ở.
- Tu viện: là những nơi chuyên tu tập của tăng, ni, thường là những ngôi chùa lớn, nơi có thể chứa được nhiều tăng ni đến tu tập.
Tu viện Tường Vân - Bình Chánh, TP. HCM..
- Thiền viện: cũng thường là những ngôi chùa lớn, chuyên tu theo thiền định. Ở Đà Lạt có Thiền viện Trúc Lâm là một Thiền viện lớn thuộc thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Hòa thượng Thích Thanh Từ thành lập năm 1994 (xây dựng từ năm 1993). Nơi đây cũng là một thắng cảnh của Đà Lạt thu hút nhiều du khách tham quan.
- Tổ đình: là những chùa Tổ, nơi bắt đầu của một pháp phái do một vị Tổ sư khai sáng. Ở Saigon có Tổ đình Giác Lâm, là Tổ đình của phái thiền Lâm Tế...
- Tòng lâm (Tùng lâm): Tiếng Phạn (S-P) là Vihàra, là nơi thờ Phật, chùa nói chung, nơi có tăng ni ở. Như tự, già lam...
- Tịnh xá: ở Việt Nam, các chùa của hệ phái Khất sĩ đều có tên là Tịnh xá, như Tịnh xá Ngọc Phương ở Gò Vấp TP. HCM. (nơi ni sư Thích nữ Huỳnh Liên cho xây dựng vào năm 1957, được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Tịnh xá Ngọc Diệp ở quận 3.
Tịnh xá Ngọc Phương Gò Vấp - TP. HCM.
Về miền Tây, vùng Sóc Trăng, Trà Vinh... nơi có nhiều người Việt gốc Khmer, có nhiều ngôi chùa Khmer. Vào một ngôi chùa Khmer nơi chánh điện chỉ thấy thờ có một tượng Phật Thích Ca, không có nhiều tượng như đa số chùa của người Việt. Do chùa Khmer theo phái Théravada, quen gọi là Phật giáo Tiểu thừa, hay Phật giáo nguyên thủy. Phái Tiểu thừa chỉ thờ một hình tượng là Phật Thích Ca, khác với phái Đại thừa thờ Phật dưới nhiều hình tướng khác nhau như Phật Thích Ca, Phât A Di Đà, Phật Dược Sư, Quán Thế Âm, Di Lặc... Phật giáo Tiểu thừa phổ biến ở các nước khu vực Đông Nam Á như Lào, Cambodia, Thailand, Myanmar... Trong khi Phật giáo Đại thừa phổ biến ở các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Hàn Quốc...
Chánh điện chùa Dơi Khmer (chùa Mahatup) ở Sóc Trăng. Chỉ thờ tượng Phật Thích Ca.
Những cơ sở thờ phượng của Thiên Chúa giáo:
Nhà thờ Tắc Sậy, huyện Giá Rai - Bạc Liêu, còn gọi là nhà thờ cha Diệp, nơi an táng Linh mục Trương Bửu Diệp.
- Nhà thờ: nói chung là những nơi thờ phượng đức Ki Tô, Đức Mẹ, và các Thánh của Thiên Chúa giáo, cũng là nơi cử hành thánh lễ cho các giáo dân đến tham dự, cầu nguyện.
- Nhà thờ chánh tòa: là ngôi nhà thờ chính của một giáo phận, là nơi đặt ngai tòa của vị Giám mục giáo phận.
Nhà thờ chánh tòa Sóc Trăng.
- Nhà thờ giáo xứ: bình thường thì một khu vực giáo dân gọi là họ đạo có một nhà thờ giáo xứ. Cũng có những giáo xứ lớn trong giáo xứ có những giáo họ, thì ngôi nhà thờ của một giáo họ gọi là nhà thờ giáo họ.
- Thánh đường: là nơi có một sự kiện, hoặc một biến cố tôn giáo quan trọng, được Tòa thánh La Mã (Vatican) phong tặng là Thánh đường , như Vương Cung Thánh đường Saigon (nhà thờ Đức Bà Saigon) được Tòa thánh Vatican sắc phong ngày 5-12-1959. Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang ở Quảng Trị được Giáo hoàng Gioan XXIII tôn phong là Vương cung Thánh đường bởi sắc phong Magnonos ngày 22-8-1961.
Vương cung Thánh đường Saigon - Nhà thờ Đức Bà Saigon.
Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang - Quảng Trị.
Vương cung Thánh đường Đức Mẹ La Vang - Quảng Trị.
- Nhà nguyện: thường chỉ trong một cộng đồng nhỏ, như trong một tu viện, bệnh viện, hay trong một khu phố (giáo họ), có quy mô nhỏ, nhà nguyện không có mặt thường xuyên của linh mục.
Trên đây là những cơ sở tôn giáo của hai tôn giáo lớn quen thuộc là Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Những thông tin trên cũng có thể giúp ích bạn nào muốn tìm hiều.
Tham khảo:
- Từ điển Phật học, Ban Biên dịch Đạo Uyển, NXB Thời Đại - 2011.
- Từ điển Phật học, Nguyên Hảo, Về nguồn xuất bản - 1999.
- Một số trang mạng.
Cám ơn bác Hiệp về sự khảo sát công phu và bổ ích!
Trả lờiXóaCám ơn bác Vũ Nho đã vào xem :-)))
XóaVề tên gọi Chùa hầu như đều thống nhất từ trước tới nay và ai cũng hiểu rõ đó là một tập hợp kiến trúc nhà làm nơi thờ Phật. Đó là tài sản chung của một cụm người cư trú trên địa bàn nhất định. (Phải chăng cũng vì thế mà trong ngôn ngữ của chúng ta xuất hiện những từ rất “Việt” là… chùa, để chỉ tài sản hay sức lực không của riêng ai cả, muốn tiêu pha thế nào không ai cấm, không ai tiếc, như: của chùa, công chùa, tiền chùa?...).
XóaĐồng ý với bác Bu "cửa chùa nào mà không rộng mở"... Hiện giờ những ngày rằm, mùng một lễ lớn ta có thể ghé chùa ăn bữa cơm chay, cho nên sau này cái gì xài miễn phí, thoải mái không phải trả tiền người ta gọi là "xài chùa", "tiền chùa..." :-)))
XóaAh ..bây giờ thì em mới hiểu rõ sự khác biệt giữa hai từ : " Chùa " và " Tịnh xá " , chẳng qua là khác biệt giữa các môn phái tu tập . Vậy mà từ nào đến giờ em cứ nghĩ sự khác biệt là về quy mô đó cơ ....giống như hai từ " Nhà thờ và Thánh Đường " cũng thế ... cảm ơn anh Hiệp nhiều nhé ...
Trả lờiXóaTrước đây tôi cũng nghĩ như NangTuyet, tưởng Tịnh xá thì quy mô nhỏ hơn Chùa, cũng như thay vì gọi nôm na là Nhà thờ thì văn vẻ là Thánh đường, nhưng ý nghĩa lại khác. Thường thức của cuộc sống mà không phải ai cũng rõ phải không NangTuyet, hì hì!
XóaDạ , mỗi ngày mà được học hỏi thêm những kiến thức thật bổ ích như thế quả giống như sống thêm một cuộc đời anh Hiệp nhỉ ?
XóaHihi, kiến thức luôn là cái tôi muốn quan tâm, mà càng tìm hiểu lại càng thấy mình... ngố đó NangTuyet :-)))
XóaCÁM ƠN ANH PHẠM , NHƠ BÀI CỦA ANH MÀ TÔI HIỂU RA ĐƯỢC NHIÊU ĐIỀU . MONG ĐƯỢC LÀM BẠN VỚI ANH. CHÚC ANH AN LÀNH.
Trả lờiXóaCám ơn bạn HL. Tôi luôn theo tinh thần Nam bộ Tứ hải giai huynh đệ, "Ra đi gặp vịt cũng lùa/ Gặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu", nên rất hân hạnh được làm bạn :-)) Chúc vui.
XóaĐối với nhà thờ , thấy phân loại có vẻ rõ ràng theo một hệ thống tổ chức từ trên xuống . Còn chùa thì nhiều tên gọi nhưng nói chung cũng là nơi thờ Phật bác nhỉ
Trả lờiXóaNhà thờ (Thiên chúa giáo) do mấy ông Tây phát triển nên hệ thống thờ phượng rõ ràng, không như bên Phật giáo có nhiều hệ phái nên tên gọi có vẻ "vô thường" :-)))
XóaỒ, hôm nay mới biết Vương cung thánh đường là do Tòa thánh La mã phong mới được, chứ không phải tự tôn vinh.
Trả lờiXóaNgoài Bắc chữ "Nhà thờ" còn có nghĩa là Từ đường gia tộc anh ạ. Ví dụ nói: Ông đến nhà thờ việc họ rồi.
Đúng Vương cung Thánh đường là do La Mã phong tặng chứ không phải muốn đặt là được.
XóaCòn chữ "Nhà thờ" nói chung thì nhiều nơi gọi, như Toro nói là là Từ đường gia tộc (hay gọi là nhà thờ họ), bên đạo Hồi cũng gọi nơi thờ phượng của họ là Nhà thờ.
Những từ "Giác" trong cụm từ "chùa Giác Lâm" hay "Thiền viện Giác Tâm" ở Cái Bầu QN mới dựng gần đây, có phải từ nghĩa Giác Ngộ. Chào bác.
Trả lờiXóaTừ Giác ( 覺 ) trong Giác Lâm (chùa) hayThiền viện Giác Tâm ở Cái Bầu QN như bác VanPham cho biết đúng là từ Giác trong Giác ngộ ( 覺悟 ), có nghĩa là "hiểu, biết rõ...".
XóaChúc bác VanPham khỏe.
Cảm ơn bạn. Mời các bạn ghé vào trang chuabenhdongian.com Hy vọng những thông tin trên trang web sẽ có ích cho bạn và gia đình
Trả lờiXóaCảm ơn bạn. Mời các bạn ghé vào trang chuabenhdongian.com Hy vọng những thông tin trên trang web sẽ có ích cho bạn và gia đình
Trả lờiXóa