Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Sách mới.



Hôm nay tôi lại muốn viết về sách mới chứ không phải sách cũ, một quyển sách cũng của GS. TS. Trần Văn Khê, nhưng không chủ yếu viết về âm nhạc dân tộc, mà viết về một người bạn vong niên, cũng là một đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam, đó là nhạc sỹ Phạm Duy (đã mất năm 2013). Quyển sách có tựa đề Tính dân tộc trong âm nhạc Phạm Duy & Tình bạn Duy - Khuê (Cty TNHH Sách Phương Nam & NXB Thời Đại-2013).

Các bạn ở miền Nam trước năm 1975 chắc hẳn không thể quên được nhạc sỹ Phạm Duy, nhất là khi ấy các bạn đã ở vào lứa tuổi học trò trung học, hay sinh viên, vào khoảng nửa cuối thập niên 60 và khoảng nửa đầu thập niên 70 của thế kỷ trước ở Saigon. Có lẽ ít ai quên được những bản nhạc thịnh hành thời ấy của ông, Nghìn trùng xa cách, Con đường tình ta đi, Tóc mai sợi vắn sợi dài, Phượng yêu, Ngày xưa Hoàng Thị, Còn chút gì để nhớ, Đưa em tìm động hoa vàng, Trả lại em yêu, Tình khúc trên chiến trường tồi tệ, mười bài Đạo ca (sau này là mười bài Thiền ca)... và cả những bản nhạc xưa hơn, Tình ca, Bà mẹ Gio Linh, Con đường cái quan, Mùa đông chiến sỹ...

GS. TS. Trần Văn Khê (GS. TVK) sinh cùng năm 1921 (Tân Dậu) với Nhạc sỹ Phạm Duy (NS. PD), một người tại Tiền Giang (Mỹ Tho) Nam bộ, còn một người tại Hà Nội (Bắc Việt), cùng trong một gia đình có nhiều văn nghệ sỹ. Phía GS. TS. Trần Văn Khê có ông cố nội là Trần Quang Thọ khi xưa trong ban nhạc Cung đình Huế, và hai bên gia đình nội ngoại có truyền thống về âm nhạc dân tộc. Phía bên NS. Phạm Duy có cha là Phạm Duy Tốn, một nhà văn chuyên viết về hiện thực phê phán, người anh họ là Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, tác giả của "Tục ngữ phong dao", "Cổ học tinh hoa", "Truyện cổ nước Nam"..., và những người bạn năng lui tới với cụ thân sinh của NS. khi ấy là Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Vĩnh...

GS. TVK và NS PD. là hai người cùng hoạt động trong phong trào thanh niên thời kháng chiến chống Pháp. Tuy chủ yếu một người nơi vùng bưng biền miền Nam và một người nơi chiến khu Việt Bắc, nhưng hai người đã có những lúc gặp nhau. Trong sách GS. TVK đã kể lại câu truyện chính nhờ một quyển sách viết về âm nhạc mà NS. PD đã cho ông mượn, đã cứu mạng của GS. Câu chuyện cũng đã được GS. TVK thuật lại trong quyển Hồi ký Trần Văn Khê (tập 1, NXB Trẻ-2001). Trong một lần đến Saigon lúc còn hoạt động trong phong trào thanh niên yêu nước chống Pháp, NS. PD đã gặp GS. TVK và có cho GS. mượn một quyển sách tiếng Pháp viết về âm nhạc, tác giả tên Lavignac là một người Pháp, quyển sách có tựa "La Musique et les musiciens" (Âm nhạc & Nhạc sỹ). Quyển sách này NS. PD rất quý, khi trao sách cho GS. TVK NS. PD có nói "Khê nhớ giữ cho kỹ, bởi vì Duy xem quyển sách này như mẹ của mình". Chính quyển sách này đã cứu mạng GS. TVK khi ít lâu sau đó ông đi trên một chiếc ghe cùng gia đình và bị một toán lính Pháp xét bắt.

Trước hôm đó trong vùng có một trận phục kích của Việt Minh giết hết 10 lính Pháp, nên người Pháp xét bắt lại 10 Việt Minh giết trả thù, một người lính Việt gian nhận ra GS. TVK nên chỉ điểm cho lính Pháp bắt, GS. là người bị bắt thứ 8. Khi tiếp xúc biết GS. TVK là người đọc sách âm nhạc Pháp, nói chuyện tiếng Pháp lưu loát với mình thì viên trung úy sĩ quan Pháp tuy biết GS. TVK hoạt động cách mạng nhưng vẫn có cảm tình và thả cho GS. TVK đi, viên sĩ quan Pháp này còn giả vờ xuống ghe lục soát và canh chừng cho ghe của GS. TVK đi thoát khỏi đám lính Pháp. Câu chuyện do chính GS. TVK thuật lại cho thấy cái "duyên tiền định" giữa GS. với NS. PD, và cũng nói lên điều người sỹ quan Pháp đã thả GS. TVK mà không để cho đám lính dưới quyền dẫn đi hạ sát thật là người có lòng nhân hậu. Ở đâu và thời nào cũng thế, cũng vẫn còn có những Con Người Tử Tế.

GS. TVK và NS. PD còn nhiều lần tao ngộ, sau này ở Pháp khi GS. đã sang Pháp từ năm 1949 để học về âm nhạc, và NS. PD cũng thế. GS. TVK chuyên về âm nhạc dân tộc, trong khi NS. PD chuyên về tân nhạc, nhưng theo như GS. nhạc của NS. PD luôn mang âm hưởng những làn điệu dân ca Việt Nam.

Về NS. PD thì đã lâu, trong một lần tình cờ được tiếp xúc nói chuyện với NS. Nguyễn Văn Tý (cũng là bạn ngày xưa của NS. PD trong kháng chiến), tác giả bản Dư âm nổi tiếng. Ông nhận xét NS. PD là một bậc thày về viết tình ca ở Việt Nam, không ai qua được ông về chuyện này. Quả đúng như thế, NS. PD còn có biệt tài về thơ phổ nhạc. Từ những bài thơ thời tiền chiến của Xuân Diệu, Hữu Loan, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính... cho đến thơ của những nhà thơ thời trước năm 1975 ở Saigon, như của Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định, Ngô Đình Vận, Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng... Hình như thơ của họ "hay hơn" qua tài phổ nhạc của NS. PD.

Thời chiến tranh trước năm 1975, một lần đóng quân nơi một đồn biên giới heo hút, đêm khuya tôi nghe bản Tình khúc trên chiến trường tồi tệ (bản nhạc này bị lưỡi kéo kiểm duyệt khi ấy bỏ mất 2 chữ "tồi tệ"), ông phổ thơ bài thơ cùng tên của Ngô Đình Vận nghe bằng cái radio bán dẫn bỏ túi, qua giọng ca Sỹ Phú. Bài nhạc phổ thơ có những câu: "Gởi tới em một hạt mưa lẻ loi, một hạt mưa trong đếm tối mưa bay dài, gởi tới em một đốm lửa lạc loài, điếu thuốc trên môi lập lòe trong giông bão... Gởi tới em một giọt mưa, hạt nước mắt hiếm hoi trong đời này... Hạnh phúc nào không tả tơi, không đắng cay...". Giữa đêm tối mịt mù, chỉ có tiếng côn trùng than van và nỗi nhớ nhà, nỗi sợ hãi, nghe "chết được".

Hoặc một bài nhạc phổ thơ khác cũng của NS. PD, bài "Còn chút gì để nhớ", phổ thơ của nhà thơ Vũ Hữu Định, cũng dân lính chiến như nhà thơ Ngô Đình Vận. Năm 1972 chân ước chân ráo tôi từ Saigon chuyển lên Pleiku, xứ sở của sương mù. Chiến tranh lúc ấy đang khốc liệt, cao nguyên Trung phần vẫn còn dư âm của một Mùa hè đỏ lửa (tên một bút ký về cuộc chiến tranh mùa hè năm 1972 của Phan Nhật Nam). Lơ ngơ đi lên đi xuống trên phố núi, và phất phơ quán xá cà phê với những câu của bài hát "Em Pleiku má đỏ môi hồng, ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông... Anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em đời còn dễ thương... Mai xa lắc trên đồn biên giới, còn một chút gì để nhớ để quên...".

Đôi khi trong một chuyến về phép ngắn ngày ở Saigon, buổi chiều sau giờ tan học tôi ghé qua trường Luật hay Văn Khoa, rủ một vài bạn xưa đi dạo loanh quanh phố xá, ghé vỉa hè Lê Lợi mua một vài quyển sách xong, ra ngồi ăn kem Công trường Con Rùa, nghe Thái Thanh hát "Trả lại em yêu khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát, buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát, bước chân trên đường vẫn chưa phai nhạt...", hay "Anh sẽ ra đi về miền nắng ấm, nơi có quê hương mịt mù thuốc súng, anh sẽ ra đi về miền mênh mông, cơn gió cao nguyên từng đêm lạnh lùng..." (lời trong bài hát Trả lại em yêu). Một thời tuổi trẻ của tôi luôn có dấu ấn những bài hát của NS. Phạm Duy.

Đọc quyển sách đầu năm của GS. TS. Trần Văn Khê viết về Nhạc sỹ Phạm Duy, và tình bạn hơn nửa thế kỷ của hai người,  đã lại cho tôi trở về một vùng ký ức của mình như thế...


Saigon, những ngày đầu năm 2014.





9 nhận xét :

  1. Ngoài những bài hát đầy chất trữ tình thơ mộng của Ph. Duy , M rất thích bản Tình ca : " Tôi yêu tiếng nước tôi . Từ khi mới ra đời , người ơi ... " Một bài hát nặng tình quê hương dân tộc
    Nhớ một buổi trò chuyện cùng GS Trần văn Khê , ông kể Phạm Duy có lần nói : " Ông Trần văn Khê chuyên nghiên cứu về âm nhạc , còn tôi, Phạm Duy chuyên nghiên cứu về âm ... " . Được biết Phạm Duy còn sáng tác những bài hát gọi là Tục ca ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, NS. Phạm Duy thì khỏi nói, nhưng ông này ăn nói có duyên không kém GS. TVK tuy là nói theo kiều Nam bộ "bụm miệng không kịp".
      Ph. Duy sáng tác đủ hết, Tục ca chẳng hạn "sức mấy mà buồn, buồn ơi bỏ đi Tám, sức mấy mà buồn chịu chơi ở với buồn", Tâm ca, Đạo ca, Vỉa hè ca, Thiền ca... và cả phổ lời Việt những bản nhạc ngoại quốc bất hủ, lạ thay lời nào ông viết cũng hay hết, đúng là bậc thày về âm nhạc và cuộc sống.

      Xóa
  2. Rất tiếc vào những thập niên của GS. TS. Trần Văn Khê (GS. TVK) và nhạc sỹ Phạm Duy (NS. PD) em vừa mới được sinh ra nên không biết gì về hai nhạc sĩ này hết ...đến khi lớn lên ...thì em có nghe một vài ca khúc và tên tuổi của hai ông , nhưng có lẽ lúc đó còn quá nhỏ ...nghe thì biết là hay về âm điệu ...chứ nói là thưởng thức và hiểu thì em chưa có đủ trình độ để am hiểu về những dòng nhạc của hai ông ...giờ nghe anh Hiệp giới thiệu em mới được học hỏi thêm ...cảm ơn anh rất nhiều anh Hiệp nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nghe Ph. Duy thì phải qua tiếng hát Thái Thanh, cũng như nghe Trịnh Công Sơn là Khánh Ly. Nhiều người nhất là người trẻ trẻ về sau không thích loại nhạc này, cũng dễ hiểu, (phần nào nhạc Ph. Duy nói lên cái "thời cuộc, thời thế" lúc ấy (thập niên 50, 60, 70 ở miền Nam).
      Có thời giờ NangTuyet vào mạng tìm nghe thử.

      Xóa
    2. Hihi .....chắc có lẽ anh Hiệp nói đúng ...hình như không hợp với thời của tụi em .... em cũng hổng thích nghe giọng ca của mấy cô ca sĩ Thái Thanh hay Khánh Ly nghe làm sao ấy ...lời nhạc thì hay mà ca sĩ ca nghe the thé ...phát đứng tim anh ạ ...vả lại em cũng không biết gì về các ca sĩ này đâu ...

      Xóa
    3. Những loại hình nghệ thuật như Đờn ca tài tử thích hợp với cảnh lúc nhà rỗi sau một ngày làm việc vất vả, sau bữa cơm chiều rảnh việc vài người rủ nhau ngồi trên ghe, hay trước hiên nhà đàn ca, Vọng cổ, Cải lương thích hợp đại chúng vì dễ nghe, dễ hiều, hợp tâm trạng mọi người... Hát bội lại cần phải hiểu điển tích xưa điều này các cụ mới rành... Tân nhạc cũng có năm bảy loại, giới trí thức xưa nghe Sĩ Phú, Thái Thanh, Khánh Ly với nhạc tiền chiến, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, TCS... Giới tầm tầm nghe Phương Dung, Phương Hồng Quế, Nhật Trường... Giới bình dân nghe Chế linh, Duy Khánh, Mai Lệ Huyền...
      Nói chung là như thế, ai thích hợp với gì thì nghe đấy... Ăn thua mình nghe mà "cảm được" bài hát, giọng của ca sỹ. Điều quan trọng nữa là âm nhạc nói chung luôn dẫn ta trở về ký ức... Phải thế không NangTuyet: :-)))

      Xóa
  3. Bác NHP viết bài này thật dễ thương, ngoài chuyện cho những thông tin về quan hệ giữa hai nhạc sĩ lớn của nền nhạc Việt, bác đã dắt người đọc đã lớn lên ở miền Nam trước 75 trở lại một thời đã qua với nhiều kỷ niệm qua từng bản nhạc của Phạm Duy. Cám ơn bác nhiều nhiều.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác HN, có lẽ ai ở miền Nam trước năm 75 cũng ít nhiều thấy lại những ký ức, kỷ niệm của mình khi nghe nhạc Ph. Duy.
      Hồi này ít thấy bác HN lên mạng? Có dịp ghé qua Saigon bác "hú" tôi cái.

      Xóa
    2. Bác HN có nhắc đến Đà Nẵng là TP đáng sống bây giờ bên nhà bác. Tôi mới đọc trên Thanh Niên Online viết ngày 15-2 vừa qua tại Đà Nẵng, Hội Nhà văn TP Đà Nẵng cùng gia đình, bạn bè nhà thơ Vũ Hữu Định (tác giả bài Còn chút gì để nhớ tôi đã nhắc bên trên), đã tổ chức lễ tưởng niệm 33 năm ngày mất của nhà thơ (1942-1981). Rất hay khi Hội Nhà văn TP Đà Nẵng tổ chức lễ kỷ niệm như thế. Đúng là một nơi đáng sống thật bác HN.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))