Có lẽ một "đề tài" tôi sẽ nhắc đến mãi đó là "sách cũ", hì hì, đúng là như thế, những quyển sách cũ. Một quyển sách thế nào là cũ và xuất bản bao nhiêu năm mới được gọi là cũ? Sách cũ hẳn là sách đã được viết và xuất bản đã lâu, có thể là năm, bảy năm, mười năm trở lên, cũng có thể là sách cũ nhưng mới được tái bản, và thường được bày bán nơi những hiệu bán sách cũ (tuy trong tiệm bán sách cũ cũng có những quyển sách mới viết).
Tôi vẫn thường hay lan man nơi vài tiệm bán sách cũ quen thuộc, và thỉnh thoảng chớp được một quyển sách ưng ý với giá rẻ (ngoại trừ những quyển sách cũ thuộc loại quý, hiếm, chủ tiệm biết giá trị bán giá rất cao, khó lòng rớ tới). Hôm trước tết ghé một tiệm quen lựa được vài quyển, để tết ở nhà lai rai đọc chơi (tuy sách mua rồi chưa đọc tới vẫn còn nhiều), 2 quyển sách của GS. TS. Trần Văn Khê, một quyển tiểu luận mỏng khoảng 160 trang có tựa là "Văn hoá với âm nhạc dân tộc", do NXB Thanh Niên ấn hành năm 2000, và quyển nữa có tựa "Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam" dày hơn, khoảng gần 500 trang sách, do NXB Trẻ ấn hành năm 2004. Kể đến nay 2 quyển sách này đã được mười năm có lẻ, cũng xứng đáng được xếp vào loại sách cũ "xập ký nình" (thập kỷ niên).
Giáo sư Trần Văn Khê mà thuyết giảng (tôi đã được nghe vài lần ngoài đời hay trên tivi) hoặc viết về âm nhạc truyền thống là "đúng tủ", không thể chê vào đâu được, cho nên khi nhìn thấy trên kệ của tiệm sách cũ quen là tôi chấm liền, lật xem thử mục lục, đọc tiếp vài trang là mê ngay, hỏi bà chủ tiệm giở sổ xem giá nói, tính anh rẻ thôi, quyển sách mỏng giá mười lăm ngàn, còn quyển sách dày giá bốn chục, vị chi năm mươi lăm ngàn hai quyển. Tôi móc túi trả tiền liền sợ bà đổi ý, may quá chỉ bằng một tô phở ngày tết.
Quyển "Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam" quá hay, GS. Trần Văn Khê tuy tóm tắt nhưng rất đầy đủ, dễ hiểu tất cả các làn điệu của âm nhạc tuyền thống Việt Nam, từ Hát ru, Đồng dao, các điệu hò, lý, Quan họ, Ca Trù, Hát chèo, Hát bài chòi, Hát sắc bùa, Hát xẩm, Hát bội, Đờn ca tài tử, Cải lương... Nhạc lễ Phật giáo (tán, tụng), Nhạc lễ Cao đài, Thiên chúa giáo, Chầu văn, Hầu văn, Bóng rỗi, Nhạc cung đình, Nhạc thính phòng... Kể cả Hò lô tô... Một quyển sách rất cần cho những ai muốn tìm hiểu về nhạc dân tộc Việt Nam. Để viết ra được quyển sách này GS. Trần Văn Khê đã tham khảo đến 109 (một trăm lẻ chín) quyển sách chuyên khảo cứu về âm nhạc dân tộc xưa nay của các tác giả ở cả 2 miền Nam, Bắc, cả sách của các tác giả ngoại quốc tiếng Anh, tiếng Pháp... Chọn lọc từ 109 quyển sách viết về âm nhạc dân tộc mà GS đã tham khảo, cộng thêm sở học mênh mông của một người như GS. TS. Trần Văn Khê thì còn gì bằng... Một vị xứng danh Giáo sư Tiến sĩ.
Nhắc đến Hò lô tô chắc ai trong chúng ta cũng biết đến chơi lô tô? Tết tôi thấy trong xóm có những đám chơi lô tô như thế, đa số người chơi là quý bà, quý cô, chơi lô tô thường ăn thua nhỏ, cốt vui... Nhưng chơi lô tô bây giờ chẳng còn ai hơi đâu mà hò nữa, cũng không còn ai rành về vè để hò. Thời tôi còn nhỏ thỉnh thoảng cũng còn thấy có chỗ hò lô tô, nhưng quanh đi quẩn lại cũng có mấy câu. Người chơi bỏ tiền ra mua những tấm giấy bằng bìa cứng trên đó có những hàng số theo chiều ngang, mỗi hàng có năm ô số có những con số không theo thứ tự (mỗi tấm là một số tiền theo quy định của đám chơi, mua nhiều hay ít tấm tuỳ thích).
Ảnh internet.
Một người thuộc nhiều câu vè có vần có điệu, giữ nhiệm vụ hô lô tô (thường là đàn ông). Anh ta cầm chiếc túi vải đựng những quân cờ bằng gỗ tròn trên khắc những con số, mở đầu bằng một câu chào:
Lô tô! Này lô tô
Quí thày quí cô
Giải trí lô tô
Đừng bận tâm suy nghĩ
Hãy nghe cho kỹ nè...
Bắt đầu cuộc chơi anh ta thọc tay vào cái túi vải đựng quân cờ lô tô, lấy ra một quân. Thay vì nói ngay con số anh ta hô giọng nhịp nhàng:
Giỏi lái (là) tại mình
(Chớ) đừng nói tôi kêu lộn
Bây giờ bà con ơi
Lẳng lặng mà nghe (này)
Tôi móc con cờ ra
Cờ ra là con mấy
Con mấy gì đây...
Mọi người lắng nghe. Anh ta vẫn thong thả ngâm:
Nước chảy bon bom
Con vượn bồng con
Lên non hái trái
(Chớ) anh cảm thương nàng
Phận gái (mà) mồ côi
Là con số một ôi
Ai có số một thì lấy một viên sỏi, hột me, hay đồng xu đặt vào con số một trên bảng lô tô của mình.
Xong anh ta lại hô tiếp:
Con gì ra đây
Cờ ra (là) con mấy
Con mấy gì đây
Là con năm.. con năm gì ra...
Mọi người cứ tưởng cờ ra tiếp con số năm, nhưng anh ta lại hô tiếp:
Na Tra lóc thịt
Trả hiếu cho cha
Nhờ thày hoá ra
Bông sen (mà) hoá cốt
Năm là năm mươi mốt
Năm mươi mốt!
Anh ta cứ thế mà hô, mà hò, cho đến khi có người có đủ 5 con số ở hàng ngang thì vui mừng hô "Kinh", hay "Tới", và người này được ôm trọn số tiền mọi người đã bỏ mua tờ số. Nếu có hai người cùng "Kinh" một lúc thì số tiền được chia đôi... Tiếp đến ván khác...
Ở chương viết về Hát bội, thì GS. Trần Văn Khê viết Hát bội còn gọi là Hát bộ, Hát tuồng. Chữ Hát tuồng mới được gọi vài chục năm trở lại đây. Riêng về chữ "Hát bộ" hay "Hát bội" thì có 2 ý kiến của những nhà nghiên cứu:
Những người gọi là Hát bộ giải thích rằng chữ "bộ" là chỉ cách đi đứng, cử chỉ, điệu bộ khi hát. Cụ Đào Tấn (từng làm Tổng đốc Nghệ-Tĩnh và Thượng thơ Bộ Công triều đình Huế), đã lập ra một nơi dạy hát đặt là "Học bộ đình". Còn những người giải thích là "Hát bội" thì lập luận trong dân gian có câu "Trong chay ngoài bội" (trong nhà có đám làm chay, phía ngoài có Hát bội. Trong thì làm lễ nghiêm chỉnh, bên ngoài là diễn xướng vui chơi), không ai nói là "Trong chay ngoài bộ" hay "Trong chay ngoài tuồng". Chữ bội được nhắc đến trong "Vũ Trung Tuỳ bút" của Phạm Đình Hổ từ thế kỷ XVIII, trong đó ông đề cập đến một thể loại hát sau đời Cảnh Hưng nhà Lê và viết: "Kỳ thanh ai tư văn chi tâm động tục vi phường trạo bội" (Tiếng hát bi ai làm cho lòng người xúc động có tên gọi là phường chèo bội).
Miền Nam có câu hát ru em: Má ơi đừng đánh con đau/ Để con hát bội làm đào má coi.
Hay: Trồng trầu để lộn dây tiêu/ Con theo hát bội mẹ liều con hư.
Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Hùinh Tịnh Paulus Của cũng ghi là Hát bội: con hát, kẻ làm nghê ca hát. Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức cũng viết là Hát bội: cuộc diễn trò, cuộc diễn tuồng. GS. Trần Văn Khê viết người miền Bắc và miền Trung thường dùng chữ Hát bộ theo suy luận, còn GS sinh trưởng tại miền Nam nên dùng chữ Hát bội theo thói quen.
Trong quyển Hồi ký Hơn nửa đời hư, học giả Vương Hồng Sển cũng có bàn về Hát bội hay Hát bộ? Ông cũng cho là Hát bội, ông viết, trong miền Nam gọi là Hát bội, cũng như thợ làm nữ trang gọi là Thợ bạc. Bởi ngán chữ "bội" và "bạc" (bội bạc) nên người ta mới nói trại là Hát bộ để tránh chữ "bội", và "Thợ kim hoàn" thay chữ "Thợ bạc" để tránh chữ "bạc", chứ hát tuồng nào lại "không ra bộ?". Cũng là một cách lý giải. Chữ "bộ" trong hát "Hát bộ" được hiểu là "điệu bộ", nhưng đến chữ "bội" thì tôi không thấy có sách nào diễn giải nghĩa là gì?
Về nguồn gốc của Hát bội cũng có hai nguồn giải thích của những nhà nghiên cứu. Thứ nhất như Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Hãn... Học giả Pháp như G. Cordier, kể cả Lê Quý Đôn trong Kiến Văn Tiểu Lục, hay Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung Tuỳ bút, căn cứ vào Đại Việt Sử ký Toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, ghi chép là trong trận đại thắng quân Nguyên Mông năm 1285 tại Bạch Đằng, có một kép hát tên Lý Nguyên Cát trong hàng ngũ Nguyên Mông bị bắt, sau đó được nhà Trần trọng dụng cho dạy múa hát trong cung. Do đó kết luận nghệ thuật Hát bội bắt đầu hình thành từ đó.
Tuy nhiên những nhà nghiên cứu như Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Mịch Quang, Hoàng Châu Ký, Vũ Ngọc Liễn, Võ Sĩ Thừa... viết những bài xác định Hát bội đã có từ xa xưa, từ đời Lý hay đời Trần, cũng có nhà nghiên cứu cho là từ đời Lê...
Entry này viết chưa kịp post thì mới biết được tin Đờn ca tài tử Nam bộ đã được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể của nhân loại, ở Sài Gòn đã có những hoạt động chào đón tin vui này. Trước đây tôi cũng đã viết lan man đôi chút về loại hình nghệ thuật này, nay trong sách của GS. Trần Văn Khê cũng có một chương viết về Đờn ca tài tử, đọc kỹ bài viết, thấy hay. Nhân cơ hội này tôi sẽ viết thêm vài dòng.
Theo GS. Trần Văn Khê thì Đờn ca tài tử là một trong ba loại Nhạc thính phòng của Việt Nam, là Ca trù của miền Bắc (còn gọi là hát Nhà tơ, hát Ả Đào, Ả Đào có nghĩa là cô gái họ Đào), Ca Huế của miền Trung, và Đờn ca tài tử của miền Nam. Các loại Nhạc thính phòng dân gian này chỉ nhằm tiêu khiển, giải trí, không có mục đích mưu sinh. Đờn ca tài tử miền Nam sinh sau đẻ muộn, bắt nguồn từ những lưu dân vùng ngũ Quảng đến từ thời các Chúa Nguyễn và triều Nguyễn (trong số ấy có những Nhạc quan người rất am hiểu về Nhạc cung đình, Nhạc lễ...), Đờn ca tài tử hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chữ "tài tử" có nghĩa là "người tài giỏi", cũng có nghĩa nữa là "không chuyên nghiệp". Xin lưu ý "không chuyên nghiệp" ở đây là không lấy chuyện ca hát làm kế sanh nhai, chừng gặp bè bạn, tri kỷ, ưng thì cùng nhau ngồi đàn, hát, vui là chính.
Nhạc khí trong Đờn ca tài tử thường có cây đờn kìm (đờn nguyệt) và đờn tranh, có thêm cây đờn cò càng hay, có thể thêm đờn độc huyền, tỳ bà, đờn sến, ống sáo, tiêu... Đặc biệt không thể thiếu song lang (có người gọi song loan), trong sách thấy viết song lang (nhắc nhiều lần), cũng thấy sách khác viết song lan, là 2 thanh tre già gõ vào nhau khi câu nhạc đến nhịp quan trọng.
Bài bản trong Đờn ca tài tử có rất nhiều, nhưng những bài tổ thì gồm 20 bài: 6 Bắc, 3 Nam, 4 Oán, 7 bài lớn (ở đây tôi không chép lại chi tiết vì quá dài), và một bài rất nổi tiếng của soạn giả Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) là bản Dạ cổ hoài lang.
Đọc lại sách cũ, chẳng hạn như Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê (ông là người sinh trưởng, học hành ở miền Bắc, nhưng được bổ vào miền Nam làm việc đi khắp vùng Đồng Tháp Mười từ những năm 30 của thế kỷ trước, viết về miền Nam rất hay, chẳng hạn quyển bút ký "7 ngày trong Đồng Tháp Mười", quyển sách in đầu tiên của Ông từ năm 1954, tôi mới tìm được sách tái bản), Hồi ký của Vương Hồng Sển, Trần Văn Khê..., hay của tướng Đỗ Mậu vị tướng một thời trong chánh quyền Sài Gòn, những quyển sách viết đã cũ của họ đã cho tôi biết thêm được nhiều về miền Nam, nơi chốn tuy không sinh ra, nhưng tôi đã lớn lên ở đấy...
Saigon, rằm tháng giêng 2014.
Ảnh Internet.
Theo GS. Trần Văn Khê thì Đờn ca tài tử là một trong ba loại Nhạc thính phòng của Việt Nam, là Ca trù của miền Bắc (còn gọi là hát Nhà tơ, hát Ả Đào, Ả Đào có nghĩa là cô gái họ Đào), Ca Huế của miền Trung, và Đờn ca tài tử của miền Nam. Các loại Nhạc thính phòng dân gian này chỉ nhằm tiêu khiển, giải trí, không có mục đích mưu sinh. Đờn ca tài tử miền Nam sinh sau đẻ muộn, bắt nguồn từ những lưu dân vùng ngũ Quảng đến từ thời các Chúa Nguyễn và triều Nguyễn (trong số ấy có những Nhạc quan người rất am hiểu về Nhạc cung đình, Nhạc lễ...), Đờn ca tài tử hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chữ "tài tử" có nghĩa là "người tài giỏi", cũng có nghĩa nữa là "không chuyên nghiệp". Xin lưu ý "không chuyên nghiệp" ở đây là không lấy chuyện ca hát làm kế sanh nhai, chừng gặp bè bạn, tri kỷ, ưng thì cùng nhau ngồi đàn, hát, vui là chính.
Nhạc khí trong Đờn ca tài tử thường có cây đờn kìm (đờn nguyệt) và đờn tranh, có thêm cây đờn cò càng hay, có thể thêm đờn độc huyền, tỳ bà, đờn sến, ống sáo, tiêu... Đặc biệt không thể thiếu song lang (có người gọi song loan), trong sách thấy viết song lang (nhắc nhiều lần), cũng thấy sách khác viết song lan, là 2 thanh tre già gõ vào nhau khi câu nhạc đến nhịp quan trọng.
Bài bản trong Đờn ca tài tử có rất nhiều, nhưng những bài tổ thì gồm 20 bài: 6 Bắc, 3 Nam, 4 Oán, 7 bài lớn (ở đây tôi không chép lại chi tiết vì quá dài), và một bài rất nổi tiếng của soạn giả Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) là bản Dạ cổ hoài lang.
Đọc lại sách cũ, chẳng hạn như Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê (ông là người sinh trưởng, học hành ở miền Bắc, nhưng được bổ vào miền Nam làm việc đi khắp vùng Đồng Tháp Mười từ những năm 30 của thế kỷ trước, viết về miền Nam rất hay, chẳng hạn quyển bút ký "7 ngày trong Đồng Tháp Mười", quyển sách in đầu tiên của Ông từ năm 1954, tôi mới tìm được sách tái bản), Hồi ký của Vương Hồng Sển, Trần Văn Khê..., hay của tướng Đỗ Mậu vị tướng một thời trong chánh quyền Sài Gòn, những quyển sách viết đã cũ của họ đã cho tôi biết thêm được nhiều về miền Nam, nơi chốn tuy không sinh ra, nhưng tôi đã lớn lên ở đấy...
Saigon, rằm tháng giêng 2014.
Nhắc đến hai chữ " Hát Bội " em mới nhớ lại lúc còn bé em thấy ông bà ngoại của em hay xem lắm ..mà em thì hổng thích gì hết ..bởi lẽ nhìn thấy họ vẽ mặt vẽ mày trông dữ tợn quá , hơn nữa họ nói xong một tràng ..rồi ..." Hự ..hự ..hự .." ..rồi lại múa tay , múa chân ...ngộ ghê anh Hiệp hén ? Hình như bây giờ loại hát tuồng này đã hết rồi phải không anh Hiệp nhỉ ?
Trả lờiXóaĐúng rồi NangTuyet, hát bội còn khó xem hơn cải lương nữa, bởi phải biết và hiểu tích xưa mới xem được, các cụ ta ngày trước vốn rành điển tích nên rất thích. Trước năm 1975 ở Saigon hát bội vẫn có đất sống, có hẳn rạp chuyên về hát bội, đào kép sống khoẻ.
XóaHát bội tuỳ theo cách vẽ mặt, cử chỉ, đi đứng mà biết gian thần hay trung quân... Bây giờ đến cải lương cũng không còn mấy người coi.
Đúng rồi Nang Tuyet à ! Ngày xưa tui có xem hát bội trên Tivi.............ôi trời đất ơi.....Nghe mà phát mệt luôn ah.........haha
XóaTôi có xem hát cải lương ngoài rạp, tàm tạm được, nhưng chưa bao giờ dám xem hát bội, hehe!
XóaNgày xưa em cũng mê coi cải lương lắm ...em mê cô Út Bạch Lan ghê đi ...cứ gọi là má Út không hè ..giờ nghĩ lại ..em thấy mình hơi hơi " bị khùng " đó ...em nghĩ lúc đó nếu có ai rủ đi hát ..chắc em đi theo luôn hé ..đi theo để đóng vai " tì nữ " ..cũng vui ....hihi ...
XóaCải lương coi ở rạp hay hơn trên tivi nhiều, nó sống động hơn. Út Bạch Lan, Thành Được, cả Bạch Tuyết, Lệ Thủy... Trước nữa thì những Năm Châu, Út Trà Ôn, Phùng Há, Năm Phỉ, Bà Năm Sa Đéc... đều... bá cháy hết đó NangTuyet.
XóaNgày xưa có những người mê cải lương trốn nhà đi theo gánh hát, siêu thiệt. Biết đâu bây giờ NangTuyet đã nổi danh trong vai... tì nữ :-)))
Đúng là bác kiếm được cuốn sách quý, tự làm quà NGuyên tiêu cho mình. GS TVK là một chuyên gia về âm nhạc dân tộc thượng thặng, lại rất tâm huyết, nên cuốn sách cho ta những kiến thức đúng đắn, đáng tin cậy... Tình trạng loạn sách hiện nay, có được cuốn đó thật vui, phải không bác.
Trả lờiXóaMột quyển sách này bằng rất nhiều quyển sách khác, nội cái tên GS. TVK thôi cũng đủ bảo đảm phải không Toro? Ông đã ngoài 90, mai mốt đây có chuyện gì nước ta mất đi một viên ngọc quý trong làng âm nhạc cổ truyền.
XóaTình trạng loạn sách bây giờ đáng ngán, một trăm đầu sách xuất bản không thấy được 5, 10% sách hay. Sách lại quá đắt, những quyển về khảo cứu có giá trị in vài trăm, một ngàn bản bán không được, người cần sách muốn đọc cũng đắn đo.
Tôi là người sưu tầm sách mấy chục năm nay, khi có đồng tiền ít ỏi là như Ngọc Hiệp: "Tôi vẫn thường hay lan man nơi vài tiệm bán sách cũ quen thuộc, và thỉnh thoảng chớp được một quyển sách ưng ý với giá rẻ (ngoại trừ những quyển sách cũ thuộc loại quý, hiếm, chủ tiệm biết giá trị bán giá rất cao, khó lòng rớ tới)". Chúc Ngọc Hiệp được tọa nguyện nỗi đam mê sách!
Trả lờiXóaVậy là tôi đã được gặp "đồng chí". Tôi thường ghé nhà sách cũ hay sách báo bán vỉa hè. Ở đó có khi tìm được những quyển sách theo ý mình mà giá rẻ. Cũng chúc bạn có được một tủ sách hay :-)))
Xóathấy tấm hình trò lô tô. Đã lâu e vẫn chưa chơi lại trò này mà nghe hát lô tô thì lại càng lâu hơn thế nữa :)
Trả lờiXóaMuốn hò lô tô điều đầu tiên là phãi thuộc ca dao, mà bây giờ người ta không còn chú ý đến nên chẳng còn ai hò nữa. Cái vui của trò lô tô ở chỗ hò, cũng như Bài chòi miền Trung vậy, người hò hay, có duyên làm cho cuộc chơi thêm thú vị, hồi hộp. Bởi thế một ván lô tô thường chơi khá lâu, không có ý sát phạt như bài ba lá.
XóaGS Trần văn Khê là người tài , viết cũng hay mà nói càng hay .
Trả lờiXóaĐúng là bác H , trong các khoản sắm sửa Tết cũng không thể thiếu khoản sách . Mấy ngày tết bác H có tiền lì xì nhiều không ? Hôm nào lại đi mua sách nữa hén , hihi ...
Bạn Marg. được tiếp xúc với GS. TVK rồi nên biết GS. nói chuyện rất hấp đẫn.
XóaKể ra năm nay cũng có chút tiền lì xì do... cháu cho nên mới mua được mấy quyển sách, hì hì!