Chợ Bình Tây xưa (còn gọi là Chợ Lớn Mới). Ảnh Inhternet.
Những con đường thuộc quận 5:
Đặng Thái Thân: nằm trên địa bàn phường 11, bắt đầu từ đường Nguyễn Trãi đến Hồng Bàng bên hông trường Đại học Y - Dược TP, dài khoảng 0km150. Qua ngã 3 Phạm Bân, lưu thông 2 chiều.
Đường nhỏ nhưng thuộc loại xưa nhất vùng Chợ Lớn, thời Pháp mang tên Paul Bert. Ngày 23-1-1943 đổi thành Doane, sau năm 1945 đổi thành Bà Lài. Ngày 19-10-1955 Chánh quyền Sài Gòn đổi là Đặng Thái Thân đến nay.
Địa chỉ ghi nhớ, như đã nói đường nằm bên hông Đại học Y - Dược.
Tân Hưng: nằm trên địa bàn phường 12, bắt đầu từ đường Lương Như Hộc đến Đỗ Ngọc Thạnh, dài khoảng 0km310. Qua các ngã 4 Thuận Kiều và Phó Cơ Điều. Lưu thông 2 chiều.
Cũng là đường xưa vùng Chợ Lớn, từ thời Pháp đã mang tên Tân Hưng đến nay.
Không có địa chỉ văn hóa đáng nhớ trên đường.
Tống Duy Tân: thuộc địa bàn phường 13, bắt đầu từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến Trần Hưng Đạo, đường nhỏ rất ngắn chỉ dài khoảng 0km060 như một con hẻm, lưu thông 2 chiều nhưng hiện nay là một cái chợ buôn bán phụ kiện, phụ liệu may vá suốt ngày.
Đường có từ xưa, thời Pháp gọi là hẻm Phước Kiến. Ngày 6-10-1955 Chánh quyền Sài Gòn đổi thành Tống Duy Tân đến nay.
Không có địa chỉ văn hóa ghi nhớ.
Trần Bình Trọng: thuộc địa bàn các phường 1, 2, 3, 4 quận 5, và phường 1 quận 10. Bắt đầu từ Bến Hàm Tử đến đường Lý Thái Tổ, dài khoảng 1km130, qua các ngã 4 Cao Đạt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, An Dương Vương, Trần Phú và Hùng Vương, lưu thông 2 chiều.
Đường có vào khoảng năm 1910 thời Pháp mang tên Église. Từ 4-5-1954 đổi thành Paulus Của, 22-3-1955 Chánh quyền sài Gòn đổi thành Trần Bình Trọng đến nay.
Địa chỉ đáng ghi nhớ: Nhà thờ Thiên chúa giáo dòng Kitô Đan viện Phước Sơn, Tu viện dòng Mến Thánh giá, Nhà thờ Chợ Quán, Từ Đức Tịnh Xá, Trường thực nghiệm Sư phạm TP.
Trần Văn Kiểu: bến Trần Văn Kiểu thuộc địa bàn các phường 10, 13 quận 5 và 1, 3, 7 quận 6. bắt đầu từ cầu Chà Và nối với Bến Hàm Tử đến Bến Lò Gốm, nằm bên bờ Bắc rạch Bến Nghé, dài khoảng 2km220. Qua các ngã 3 Mạc Cửu, Nuyễn Thi, Nguyễn An Khương, Phùng Hưng, Vạn Tượng (tên Hán Việt Vientiane, thủ đô của Lào), Cầu Quới Đước, Kim Biên (tên Hán Việt Phnom Penh, thủ đô của Cambodia), Gò Công, Ngô Nhân Tịnh, Chu Văn An, Vĩnh Hưng, Bình Tây, Cao Văn Lầu, Mai Xuân thưởng, Phạm Phú Thứ, Bình Tiên, Bà Lài. Lưu thông 2 chiều.
Bến đã có từ thời Pháp mang tên Quai de Mỹ Tho. Từ 28-11-1952 Chánh quyền Bảo Đại đổi thành Bến Lê Quang Liêm, 4-4-1985 UBND TP đổi thành Bến Trần văn Kiểu đến nay.
Phía bên quận 5 không có địa chỉ văn hóa đáng nhớ.
Trần Xuân Hòa: thuộc địa bàn phường 7. Bắt đầu từ đường Trần Hưng Đạo đến đường Nguyễn Trãi, dài khoảng 0km100, lưu thông một chiều từ huiớng Trần Hưng Đạo đến Nguyễn Trãi.
Đường mở từ năm 1948 trên đất tư nhân được trưng dụng vào Khối công sản đô thành, ngày 30-1-1950 đặt tên là Châu Văn Tiếp. Ngày 4-4-1985 UBND TP đổi là Trần Xuân Hòa đến nay.
Không có địa chỉ văn hóa đáng ghi nhớ.
Triệu Quang Phục: thuộc các phường 10, 11, 12, bắt đầu từ bến Trần Văn Kiểu đến đường Bà Triệu, dài khoảng 0km600. Qua các ngã 3 Trần Tương Công, Phan Huy Chú, các ngã 4 Hải Thượng Lãn Ông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trần Quý, Hồng Bàng, Hùng Vương, Phạm Hữu Chí, lưu thông một chiều theo hướng Bà Triệu đến Bến Trần Văn Kiểu.
Đường thuộc loại xưa của Chợ Lớn, thời Pháp mang tên Canton chạy đến đường Hòa Hảo. Vào thập niên 1950 xây bệnh viện Chợ Rẫy, cắt đường Canton thành 2 đường. Ngày 19-10-1955 Chánh quyền Sài Gòn đổi đoạn đầu thành đường Triệu Quang Phục đến nay.
Các địa chỉ đáng ghi nhớ: trước đây có Rạp hát Vàm Cỏ, chùa Tam Sơn của người Hoa.
Vạn Kiếp: đường Vạn Kiếp có ở quận 5 và quận Bình Thạnh. Ở quận 5 thuộc địa bàn phường 10 và 13. Bắt đầu từ cầu Chà Và đến đường Hải Thượng Lãn Ông, dài khoảng 0km110. Qua các ngã 3 Lê Quang Định, Đỗ Văn Sửu, lưu thông 2 chiều.
Thời Pháp thuộc gọi là đường Rodiers. Ngày 22-3-1955 Chánh quyền Sài Gòn đổi thành Vạn Kiếp đến nay.
Không có địa chỉ văn hóa ghi nhớ.
Những con đường thuộc quận 10:
Hồ Bá Kiện: đường mới mở những năm gần đây, bắt đầu từ Tô Hiến Thành đến đường Trường Sơn, giáp Công viên Lê Thị Riêng (trước là Nghĩa trang Chí Hòa, còn gọi là Nghĩa địa Đô Thành).
Trước đây là hẻm của đường Tô Hiến Thành.
Hồ Thị Kỷ: đường nhỏ mới mở gần đây bắt đầu từ đường Hùng Vương, trong khu dân cư.
Có chợ hoa Hồ Thị Kỷ chuyên bán sỉ các loại hoa cho thương lái.
Nhật Tảo: thuộc các phường 6, 7, 8, 9 quận 10, và phường 7 quận 11. Bắt đầu từ đường Nguyễn Duy Dương đến Lý Nam Đế, dài khoảng 0km850. Qua các ngã 4 Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Tiểu La, Ngô Quyền, ngã 3 Nguyễn lâm, ngã 4 Nguyễn Kim, Lý Thường Kiệt, lưu thông 2 chiều.
Thời Pháp thuộc chưa có, chỉ có một đoạn của đường Bà Hạt. Sau năm 1954 dân hồi cư tới đông đúc mới được quy hoạch, lúc đầu mang tên đường Da Bà Bầu. năm 1959 Chánh quyền Sài Gòn đổi thành Nhật Tảo đến nay.
Không có địa chỉ văn hóa ghi nhớ. Trước đây khu vực này có ngôi chợ mang tên chợ Da Bà Bầu. Tên Nhật Tảo hiện nay là khu vực buôn bán hàng điện máy đủ loại.
Trần Minh Quyền: nằm trên địa bàn các phường 10, 11, bắt đầu từ đường Điện Biên Phủ đế 3 Tháng 2, dài khoảng 0km160.
Thời Pháp chỉ là con hẻm. Năm 1966 Tòa Đô chánh Sài Gòn đặt tên là Kiều Công Hai. Ngày 10-1-1972 đổi thành Trần Văn Văn. Ngày 4-4-1985 UBND TP đổi thành Trần Minh Quyền đến nay.
Địa chỉ văn hóa: Chùa Long Hoa.
Trường Sơn: có ở quận 10 và Tân Bình.Đường Trường Sơn quận 10 bắt đầu từ đường CMT8 đến Hồng Hà, dài khoảng 0km660. Qua các ngã 4 Hương Giang, Cửu Long, lưu thông 2 chiều.
Được đặt tên Trường Sơn từ năm 1969 (phần nằm trong Cư xá Bắc Hải, Cư xá Sĩ quan Chí Hòa cũ). Năm 1989 sau khi giải tỏa Nghĩa trang Chí Hòa thành Công viên Lê Thị Riêng, làm thêm đoạn từ CMT8 chạy bên hông Công viên đến đường Hương Giang và gọi chung là Trường Sơn.
Không có địa chỉ văn hóa ghi nhớ, nhưng khu vực có rất nhiều quán cà phê.
Vĩnh Viễn: thuộc địa bàn các phường 2, 4, 5, 8, bắt đầu từ đường Lê Hồng Phong đến Ngô Quyền, dài khoảng 0km770. Qua các ngã 4 Trần Nhân Tôn, Sư Vạn Hạnh, Nguyễn Duy Dương, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Tiểu La, lưu thông 2 chiều.
Thời Pháp chưa có, năm 1950 mới mở đăt tên là đường Vĩnh Viễn tới nay.
Địa chỉ ghi nhớ: Rạp hát Vườn Lài, Mỹ Đô, Niệm Phật đường Huệ Quang.
Trên đây là một số con đường của vùng Sài Gòn - Chợ Lớn xưa nay, viết theo sách "Đường phố nội thành TP. HCM, Nguyễn Đình Tư, Chi Cục Bản Đồ & Khảo Sát Xây Dựng - NXB TP HCM - 1994", để giúp cho bạn trẻ Cao Hang có tài liệu tham khảo trong công việc. Cũng là một cách nhìn lại những ký ức của bản thân, và của thành phố tôi đã gắn bó hơn nửa thế kỷ nay...
Nhắc đến tên đường Trần Bình Trọng đã cho em nhiều kỷ niệm vì đó là nơi mà ba mẹ em đã mua căn nhà đầu tiên ở Sài Gòn và nhất là cả một thời sinh viên của em đã trải qua trên con đường này ....
Trả lờiXóaĐường Trần Bình Trọng có lẽ NangTuyet còn nhớ nhà thờ Chợ Quán, một ngôi nhà thờ rất đẹp xây từ thời Pháp, trông giống một ngôi nhà thờ mà có lần NangTuyet đã chụp khi đi chơi bên Pháp đưa lên blog. Ở gần đó góc đường Trần Hưng Đạo có khu lăng mộ của ông Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký).
XóaDạ , em nhớ ngôi nhà thờ này rồi ...tiếc là lúc đó em chưa có một khái niệm nào về tôn giáo cả , chỉ biết là vào những ngày chủ nhật có rất đông giáo dân đã đến cầu nguyện và tiếng chuông của nhà thờ đã đổ ...giờ nhắc lại có rất nhiều kỷ niệm ...ngay cả đến Lăng Mộ của ông Trương Vĩnh Ký ....
XóaVậy là lúc NangTuyet ở đường Trần Bình Trọng chắc còn nhỏ? Đường này trước năm 1975 cũng có Trung tâm Học liệu Sài Gòn thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục, kế đó có một sân banh gọi là sân Lam Sơn dành cho sinh viên, học sinh.
XóaTôi cũng còn nhớ được vài ký ức về Sài Gòn.
cảm ơn bác về bài viết :))
Trả lờiXóaHy vọng bạn sẽ có chút thông tin trong công việc, :-))
XóaBác Hiệp ơi, Bác tìm hiểu giúp con đường Hồ Văn Huê được không ạ? Con cám ơn Bác ạ.
XóaTheo Đường phố nội thành TP. HCM (Nguyễn Đình Tư-Chi cục Bản đồ & Khảo sát Xây dựng và NXB TP. HCM-1994):
XóaĐường Hồ Văn Huê thuộc địa bàn P 9, quận Phú Nhuận. Bắt đầu từ đường Phan Đăng Lưu đền Nguyễn Kiệm, dài khoảng 500m, lưu thông 2 chiều.
Trước năm 1975 nằm trong khu quân sự của Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Saigon. Sau tháng 4 năm 75 do quân đội chính quyền giải phóng quản lý. Từ năm 1989 giải tỏa bớt khu quân sự đường mới được mở, tên do UBND Q. Phú Nhuận đặt.
con cám ơn Bác
Xóa:-)))
XóaBác ơi, cho con xin thêm thông tin về các con đường ở quận 10 đi bác. Con cám ơn ạ
Trả lờiXóa"Những con đường ở quận 10" thì mênh mông quá, Bạn có thể nói tên một vài con đường cần biết để tôi tra thử xem có không?
Trả lờiXóa