Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

Xẻo hay Xẽo trong địa danh Xẻo Quýt, Xẻo Đắng...?


                                         Ảnh: Internet.

Xem trên kênh HTV7 giải thích về từ nguyên, nói tiếng Việt có khoảng 90 từ có dấu hỏi, và 190 từ có dấu ngã, và người dân Nam bộ hay phát âm và viết lẫn lộn giữa dấu hỏi và dấu ngã. Rồi lại lang thang trên mạng đọc một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư trên trang Viet-Studies của GS Trần Hữu Dũng, truyện có tựa đề Đường về Xẻo Đắng, Xẻo Đắng hẳn là tên một địa danh ở miền Tây Nam bộ, như Xẻo Quýt (Đồng Tháp), Xẻo Vông, Xẻo Môn... (Cần Thơ). Trong truyện ngắn có đoạn viết ...Xẻo Đắng đã đón về nhiều dâu rễ mới... Đúng là nhà văn nữ của miền Tây Nam bộ, đã viết rể thành rễ. Tôi lại tự hỏi, thế chữ Xẻo nghĩa là gì? Và Xẻo viết với dấu hỏi có đúng không?

Muốn kiểm tra chẳng có cách nào khác hơn là lại phải xem nơi từ điển, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của nơi mục từ Xẽo (dấu ngã) ghi nhận: Đàng nước vằn vằn, ngọn rạch nhỏ, như cái cựa gà. Rạch xẽo. Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức ghi Xẽo: ngọn lạch nhỏ. A ha, như vậy hai quyển từ điển tiếng Việt xưa nhất trong Nam ngoài Bắc đều ghi là Xẽo (dấu ngã) là ngọn rạch (lạch) nhỏ, còn từ Xẻo (dấu hỏi) với nghĩa thông dụng là cắt ra từng miếng xem ra chẳng có liên quan gì đến tên địa danh. Tiếp tục với Việt Nam Tân Từ Điển của Thanh Nghị (Saigon-1952) và Tự Điển Việt Nam của Ban Tu Thư Khai Trí (Saigon-1971), đều ghi Xẽo: ngọn lạch nhỏ. Từ Điển Tiếng Việt, Văn Tân chủ biên (bản in lần thứ hai Hà Nội-1994) ghi Xẽo: lạch con. Từ Điển Tiếng Việt - Viện Ngôn Ngữ-2007, ghi Xẽo: mương nhỏ cong queo trở từ rạch vào ruộng.

Đại Tự Điển Chữ Nôm của Vũ Văn Kính (2010), ghi nhận Xẽo: âm Hán Việt là Chiểu (chữ theo phép Giả tá, dùng nguyên chữ Hán để diễn tả một chữ Nôm), Xẽo mương, Xẽo rẫy, Xẽo ruộng.



Tuy nhiên Từ Điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (Viện Ngôn Ngữ Học-1997), và Từ Điển Việt Nam (NXB Thanh Hóa-1998) đều ghi nhận cả hai từ XẻoXẽo: lạch con ở Nam bộ. Đến Từ Điển Từ Ngữ Nam Bộ (Huỳnh Công Tín-2009) thì chỉ còn một từ Xẻo có nghĩa là lạch nhỏ, địa hình lõm tự nhiên có dòng chảy, nhỏ hơn lạch.

Như chúng ta đã biết, miền đất Nam bộ là nơi có rất nhiều sông rạch, có những địa danh có kèm theo một từ chỉ sông nước, chẳng hạn như Vàm (Vàm Láng, Vàm Cống, Vàm Nao..., Vàm là nơi ngã ba sông rạch, nơi rạch chảy ra sông hoặc sông con chảy ra sông lớn). Cái (Cái Tàu, Cái Mơn, Cái Tắc..., viết đúng phải là Cái Tắt, có nghĩa là con kênh, con sông đi đường tắt. Cái là từ để chỉ sông, rạch nói chung). Hóc (Hóc Môn, Hóc Huơu, Hóc Bà Tó..., Hóc là từ để chỉ dòng nước nhỏ). Bàu (Bàu Cát, Bàu Sen, Bàu Sấu..., Bàu là từ để chỉ chỗ trũng quanh năm có nước đọng ở giữa đồng hoặc giữa rừng). Xẽo cũng là từ để chỉ sông nước (con lạch nhỏ), và cũng như các từ chỉ sông nước khác, Xẽo đã có mặt trong một từ ghép để chỉ địa danh.

Không chỉ người Kinh (Việt) mới ghép những từ chỉ sông, rạch, suối... vào địa danh, mà những tộc người Thiểu số trên cao nguyên như nguòi Ê Đê, Ba Na, Gia Rai, Kơ Ho, Mơ Nông, Ka Tu..., hay người Chăm cũng thế. Chẳng hạn Êa, Ia, Ya, Gia (nước, sông, suối, hồ của dân tộc Ê Đê, Gia Rai, Chăm): Êa Bar, Êa Kao, Ia Dom, Ia Grai, Ya Yeng, Ya Yun, Gia Kon... Đa, Đà, Đạ (nước, sông, suối, hồ - Kơ Ho): Đa Nhim, Đà Lạt, Đạ Hoai... Dak, Đak, Đăk, Đắc... (nước, sông, suối, hồ - Ba Na, Mơ Nông, Ka Tu): Dak Lak, Đak Bla, Đăk Mil, Đắc Ơ...

Trong phát âm và cả cách viết của người Nam bộ thì từ Xẽo đã trở thành Xẻo, như trong các địa danh ta thường thấy, Xẻo Quýt, Xẻo Vông, Xẻo Môn... và nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã viết trong truyện ngắn Đường về Xẻo Đắng. Việc viết sai rồi trở thành quen và... đúng, không phải chỉ có ở miền Nam hay ở Việt Nam, GS. TS Nguyễn Đức Dân đã viết trong sách "Từ câu sai đến câu hay" (NXB Trẻ-2013), "nhà ngôn ngữ học người Pháp gốc Thụy Sỹ Charles Bally viết: Ngôn ngữ ngày mai được chuẩn bị trong một loạt những cái sai của ngôn ngữ ngày hôm nay". Ngay từ đầu những chữ viết sai không được chú ý và sửa chữa lại cho đúng, dần dần được nhiều người dùng theo. Kết cục cái sai đó được xã hội chấp nhận.



12 nhận xét :

  1. Bài viết thú vị. Cám ơn bác Hiệp. Tôi cứ nghĩ rẳng "xẻo" là miếng, vạt đất nhỏ.
    Những người thích đùa thường dùng xéo nghĩa là CẮT trong...Xẻo Bướm, Xẻo Chim...Có lần họ còn chụp cả ảnh đưa lên, không biết ảnh thật hay ảnh ghép!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Xẻo" với nghĩa ta thường dùng là "cắt ra từng mảnh nhỏ", như bác Vũ Nho nghĩ là miếng, vạt đất nhỏ, cũng còn gọi là "rẻo" (rẻo đất).
      Hihi, Xẻo Bướm, Xẻo Chim.. không biết ở miền Nam có những địa danh này không?

      Xóa
    2. Xẻo Chim thì không biết chứ Rạch Chim thì có, qua đây sợ quá trời luôn
      Còn Xẻo Bướm thì có đấy! Mấy chị em cẩn thận khi đi qua chổ này nhé! :D

      Xóa
    3. Hihi, chào và cám ơn bạn đã ghé qua.

      Xóa
  2. Mùa Thu Buồn chỉ sang chào Bác hiệp thôi rồi về, vì mấy bài như vầy tui hông có biết vả lại là nghiêm túc nên hông dám phá. Bác Hiệp khỏe nghe....Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ok, Thank you, thank you... Hihi! Lâu lâu sang thăm thế là quý rồi, hôm nào muốn giữ chân chắc phải làm món gì đó :-))))

      Xóa
  3. Mỗi ngày mỗi điều mới. Cái phương ngữ Nam Bộ này mạnh thật, thay đổi cả từ nguyên, bác Phạm nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui", hihi, ngôn ngữ cũng như đường đi, mới đầu là rừng, rồi thành đường mòn, thành đường nhựa, rồi đại lộ... Nó biến đổi cũng như... tâm tính con người vậy :-))

      Xóa
  4. Từ điển tiếng Việt bộ cũ ghi
    xẽo d.(cũ) Xẻo
    Từ điển tiếng Việt bộ mới ghi
    xẽo dt. Xẻo

    Hai từ điển này nói rằng xẽo (dấu ngã, khi chỉ một danh từ) là cách gọi cũ. Cách gọi mới thì danh từ xéo là dấu hỏi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên (1997) chẳng hạn đều ghi cả 2 từ là Xẽo và Xẻo là con lạch nhỏ, còn từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ xuất bản năm 2007, chỉ ghi mỗi một từ Xẽo (dấu ngã) là mương nhỏ cong queo trở từ lạch vào ruộng.

      Xóa
  5. Cảm ơn anh về ghi chép Thúy vị này.

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))