Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Tục thờ Thần Tài.

Một khám thờ Thần Tài.

Thần Tài (chữ Hán viết là Tài Thần ) là một gia thần được thờ phổ biến trong dân gian, chúng ta có thể thấy hình ảnh Thần Tài được thờ khắp nơi, trong đình, đền, miếu..., cho đến các hộ gia đình, nhất là những nơi kinh doanh buôn bán, cửa hàng cửa hiệu. Khám thờ Thần Tài ở những nơi này rất trang trọng đặt ngay gần cửa ra vào. Thần Tài như tên gọi, là vị Thần mang đến tài lộc, Thần Tài được thờ phổ biến như thế, nhưng lai lịch và diện mạo của vị Thần dân gian này lại không rõ ràng... Thần Tài không được đặt thờ trên cao như những vị Thần khác, chúng ta thường thấy khám thờ Thần Tài được đặt dưới đất, gần ngay cửa ra vào và quay mặt ra cửa. Trong khám thờ có dán một tấm giấy đỏ, hoặc một tấm tranh kiếng làm bài vị viết những hàng chữ chính như: Ngũ Phương Ngũ Thổ Long Thần/ Tiền Hậu Địa Chủ Tài Thần (  / 後  神). Hai bên bài vị thường có hai câu đối: Thổ Địa Sinh Bạch Ngọc/ Địa Khả Xuất Hoàng Kim (土  /    金). 

Thần Tài.

Thổ Địa.
 

Trong khám thờ Thần Tài phổ biến nơi người Việt và người Hoa vùng Sài Gòn, Chợ Lớn, người ta thường thấy đặt chung hai vị Thần là Thần Tài và Thổ Địa. Thứ nhất là Thần Tài, phổ biến là tượng một ông lão râu dài ngồi trên ghế mặc áo thụng, đầu đội mũ che tai, chân đi giày, tay phải vuốt chòm râu bạc, tay trái cầm một thỏi vàng, thì tượng Thổ Địa (còn gọi là Ông Địa), ngồi một chân xếp bằng, một chân chống cao, ăn mặc đơn giản, thoải mái, áo phanh ngực và bụng, tay phải của Thổ Địa cũng cầm một thỏi vàng (Thổ Địa là vị Thần cai quản trong khuôn viên đất của một gia đình, để phân biệt với Thổ Thần là vị Thần cai quản một vùng đất). Đó là hai vị thần được tin là sẽ mang lại tiền tài và đất đai được mùa cho gia chủ. Truyện kể dân gian ở Việt Nam về Thần Tài lại là hình ảnh một cô gái tên Như Nguyện (có sách viết là Như Nguyệt), truyện kể như sau:

Ngày xưa có một lái buôn tên là Âu Minh, khi ngang qua hồ Thanh Thảo được Thủy Thần cho một con hầu tên là Như Nguyện. Âu Minh đem Như Nguyện về nuôi thì việc làm ăn phát đạt, vài năm sau trở thành giàu có. Sau nhân một hôm ngày Tết Như Nguyện làm lỗi, Âu Minh đánh Như Nguyện, Như Nguyện sợ hãi chui vào đống rác biến mất. Từ đó Âu Minh ngày càng làm ăm sa sút, rồi khánh kiệt trở nên nghèo khó. 

Từ đó người dân có tục kiêng không đổ rác trong ba ngày Tết, vì sợ đổ mất Thần Tài trong đống rác. Đây là một câu chuyện dân gian mang tính cách truyền thuyết hơn là một Thần tích, vì như ta đã thấy trong dân gian thờ Thần Tài không có hình ảnh cô gái nào cả. Cũng khó để xác định Thần Tài đã được thờ trong hệ thống tín ngưỡng gia thần ở nước ta có vào thời điểm nào, qua một vài thư tịch người ta chỉ có thể áng chừng Thần tài đã được thờ trong gia đình Việt Nam vào khoảng đầu thế kỷ XX, ở miền Bắc tranh Đông Hồ vẽ trên giấy dó cũng có loại tranh vẽ Thần Tài, và chỉ khoảng một thế kỷ thì Thần Tài đã là vị Thần phổ biến, có lẽ bởi việc buôn bán phát triển, thương mại không còn bị đánh giá thấp như ở vào các thế kỷ trước.


Tăng phước Thần Tài - Tranh giấy dó Đông Hồ.

 Ở nước ta tục cúng Thần Tài nơi những người làm ăn buôn bán phổ biến vào hai ngày mùng 2 và 16 âm lịch, lễ cúng đơn giản thường chỉ là nải chuối hay đĩa trái cây, có khi thêm miếng thịt heo quay. Có ý kiến cho rằng ngày sóc và ngày vọng (1 và 15 âm lịch), là ngày cúng Phật, và ngày mùng 2 và 16 là ngày cúng cô hồn, người ta cúng vào ngày mùng 2 và 16 để cô hồn không quấy phá việc làm ăn của họ, việc không bị cô hồn quấy phá sẽ mang lại tài lộc, đồng nghĩa với làm ăn hanh thông, buôn may bán đắt... Lâu dần người ta coi đó là ngày cúng Thần Tài.

Việc cầu mong phát tài phát lộc, giàu có tiền của, vàng bạc đầy nhà của người Việt đã có từ xa xưa, nằm trong tín nguõng phồn thực (được mùa màng, ấm no, giàu có), như thường thấy nơi những câu chuyện cổ tích dân gian ăn khế trả vàng, chiếc chum vàng, hay chiếc thoi vàng (thoi dệt vải) của người Tày, nhưng tục thờ Thần Tài có lẽ bắt nguồn từ chuyện thờ Thần Tài của người Hoa, người Hoa giỏi buôn bán, cửa hàng, cửa hiệu, hoặc nơi sản xuất của họ cũng là nơi ăn ở thường nhật, cho nên việc thờ cúng các vị Thần, trong đó có Thần Tài của họ rất đa dạng.Thần Tài của người Hoa ở Chợ Lớn bao gồm Thần Tài võ, Thần Tài văn, và cả những Thần Tài không chính danh. Những Thần Tài võ như Triệu Công Minh, Quan Vũ. Thần Tài văn như Tỷ Can, Phạm Lãi, Tài Bạch Tinh Quân, Văn Xương Đế Quân, Phúc Lộc Thọ Tam tinh. Các Thần Tài được gọi là Thiên Tài Thần giúp con người kiếm tiền bằng những cách không chính đáng, như Ngũ Lộ Tài Thần, Hắc Bạch Vô Thường. Và các Thần linh khác như Lưu Hải, Hòa Hợp Nhị Tiên, Táo Quân, Thổ Địa... là các vị Thần kiêm nhiệm luôn cả việc ban phát tài lộc cho con người...

Chiêu Tài Miêu (Mannekineko) của người Nhật.

Nang Kwak Thần Tài Thái Lan  (Niêng Bật - Niêng Bột - Nàng Ngoắc).

Ganesha Ấn Độ.

 Ngoài các vị Thần Tài kể trên, hiện nay trong việc thờ cúng Thần Tài ta còn thấy Tì Hưu, Thiềm Thừ ngậm tiền của Trung Hoa, Chiêu Tài Miêu của người Nhật (Mannekineko), dưới dạng một chú mèo vẫy tay. Thần Tài của người Thái Lan Nang Kwak, người Căm Bốt gọi là Niêng Bật-Niêng Bột (Nàng ngoắc-Nàng vẫy), người Việt gọi là Bà ngoắc. Hình dạng của Chiêu Tài Miêu và Nang Kwak (Nàng ngoắc) giống nhau ở chỗ một tay cầm túi tiền, một tay đưa lên vẫy. Thần Tài này hay thấy được đặt nơi các cửa hiệu, cửa tiệm, trông như đang mời gọi khách hàng. Cũng còn một vị Thần Tài khác của Ấn Độ mình người đầu voi ít được thờ hơn, gọi là Ganesha, cách nay mấy năm đi du lịch ở Thái Lan tôi thấy Ganesha mình người đầu voi được thờ nhiều nơi các khách sạn, nhà hàng...


Tham khảo:

- Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam, Toan Ánh, NXB Tổng hợp Đồng Tháp - 1996.
- Tín ngưỡng phong tục & Những kiêng kỵ dân gian Việt Nam, Ánh Hồng biên soạn, NXB Thanh Hóa - 2004.
- Đặc khảo về tín ngưỡng thờ gia thần, Huỳnh Ngọc Trảng-Nguyễn Đại Phúc, NXB Văn hóa Văn Nghệ - 2013.



20 nhận xét :

  1. Thần Tài, ông Lộc, ông Địa, nhiều cửa cầu. Sao không quy về một cửa một dấu.
    Riêng ông Lộc, thoe em hiểu là:
    Ông Lộc.
    Tên ông là Đậu Từ Quân, sinh ở Giang Tây, đời Thục Hán, là Thừa tướng nhà Tấn. Nhưng là một quan tham. Tham lắm. Có biết bao nhiêu vàng bạc, châu báu, là của đút lót của những kẻ nịnh thần, mua quan, bán tước, chạy tội ..., dâng cho. Trong nhà Từ Quân, của nả chất cao như núi.
    Vì tham, ăn nhiều của đút, bợ đỡ, biếu xén quan trên nên khi tuổi đã cao mà ông ta vẫn chưa về hưu, vẫn cố giữ bằng được cái ghế của mình để ăn bổng, ăn lộc, ăn của đút, rồi lại mang đi hối lộ. Đậu Từ Quân là điển hình cho thói 'tham quyền cố vị' của quan chức mọi thời.
    Tới năm tám mươi tuổi mà vẫn chưa có đích tôn, quá lo nghĩ, buồn rầu, ông đã sinh bệnh, ốm liệt giường (chắc là tai biến mạch máu não!?). Ông nằm đến thối thịt, nát da, hôi khẳn đến mức con cái không dám đến gần. Đến khi chết, Đậu Tử Quân không nhắm được mắt, ngửa mặt mà than 'Lộc của ta để cho ai đây? Ai giữ ấm chân nhang cho tổ tiên, cho bản thân ta?'. Rồi người "đi".
    Người đời sau gọi Đậu Tử Quân là “Ông Lộc”. Tượng, tranh vẽ ông thường đội mũ quan. Ông thường mặc áo màu xanh lục vì trong tiếng Hoa, "lộc" phát âm gần với lục", tay cầm "cái như ý" hoặc thường có một con hươu đứng bên cạnh (hươu cũng được phát âm giống "lộc"). Ông là Thần Tài, người buôn bán hay thờ riêng ông này, nhưng trông bệ rạc lắm, thờ góc nhà, đủ đầy phẩm vật, lại được hút thuốc lá cắm vào que tăm khói lơ phơ. Hại cho sức khỏe lắm!
    .
    Lúc nào có điều kiện, bác Hiệp và các bác cho 3 ông đối thoại để dân tình đỡ hoang mang. Cảm ơn các Bác!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ tôi mới nghe bác VanPham nói về ông Lộc (không kể ông Lộc trong Phước-Lộc- Thọ), trong Saigon chỉ thờ chủ yếu 2 ông là Ông Địa và Thần Tài. ông Lộc Đậu Tử Quân thời xưa nghe bác kể, nay mà sống lại xứng đáng tham gia cái tập đoàn Vina gì đó :-))

      Xóa
  2. Ở quê Nô, Hội An, ông Thần Tài thích xài của độc cơ! Đây, các bác ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Aha, làm Thần Tài ở Hội An quê bác Nô có lý thiệt :-)))

      Xóa
  3. Hôm nay lại được học hỏi thêm về kiến thức văn hóa của đất nước mình , thật là hay đó anh Hiệp ạ . Bài viết cùng hình ảnh minh họa ....anh Hiệp phải mất nhiều công phu để sưu tầm . Em phục tài anh Hiệp luôn đó !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn NangTuyet đã vào xem, tôi cũng thế, biết thêm về văn hóa dân gian cũng hay đó NangTuyet :-))

      Xóa
  4. HN nghe nhưng chưa kiểm chứng được rằng ngày xưa ở bên Tàu có một tiệm ăn tương đối đông khách, một hôm có người vào xin ăn, chủ tiệm hoan hỉ mời ăn như khách, vì sợ phiền đến chủ và khách đang ăn, người ăn xin này tìm một góc mé ngoài cửa ngồi ăn. Ăn xong, cám ơn chủ tiệm và xưng danh mình là Thần Tài Lộc, cảm động về lòng tốt của chủ tiệm, hứa sẽ giúp đỡ và phù hộ để làm ăn phát đạt hơn. Và lời hứa này ứng nghiệm ngay sau đó! (Do vậy mới có việc sau này người ta thờ ông…dưới đất!).
    Lại nghe một người bạn bác sĩ có phòng mạch tư cũng thờ Thần Tài kể lại rằng, có lần cả tuần lễ phòng khám vắng khách, người vợ tới thắp nhang bàn thờ Thần Tài, vừa năn nỉ vừa hù dọa, nói với tượng trên khám thờ đại để là: “Ngài phù hộ cho chúng tôi, dắt khách về cho phòng khám thì tôi sẽ cúng hậu, không thì tôi sẽ tìm ông khác về thay”. Ngày hôm sau, khách đến phòng khám…tấp nập! Hihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dân... gian thì luôn có những truyền thuyết, nửa mơ nửa hồ, nửa thật nửa giả, ai tin thì cứ tin, và "có kiêng có lành", ai làm bậy mình cứ làm theo thôi, hihi!
      Bác HN có theo đường dẫn của cụ Nô vào xem Thần Tài ở Hội An quê bác Nô không? Làm Thần Tài ở quê cụ Nô hay quá :-))

      Xóa
  5. 1. Hình như bác Hiệp gõ nhầm thổ địa 土地 thành thổ khả 土坷 ?
    2. NANO chưa hiểu tại sao dân gian lại dùng chữ thần 神 để chỉ về Thần Tài 神財 ? Chữ Thần 神 chỉ được dùng cho cấp cao nhất như Ngọc Hoàng, Phật. Trong khi, theo NANO thì Thần Tài trong các sự tích dân gian chỉ là quan cấp dưới của Ngọc Hoàng, cũng giống như các bồ tát là cấp dưới Phật hoặc các đại thần trong Triều là cấp dưới của Vua . Với những trường hợp này thì chữ Thần Tài phải viết là 臣 財 mới đúng tôn ti trật tự để tránh bị phạm thượng (??). Nhờ bác Hiệp diễn giải thêm về thắc mắc này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là gõ nhầm đó bác Nano, tôi sẽ chỉnh lại, cám ơn bác Nano đã nhìn ra (ít nhất đôi mắt của bác Nano cũng tỏ hơn mắt tôi) :-))

      Về chữ Thần 神 theo thiển ý của tôi thì không dùng để chỉ những đấng tối cao như Phật, Ngọc Hoàng, Thượng đế, Trời... mà chỉ dùng để chỉ bậc dưới hơn các Ngài, ngay cả Bồ Tát cũng không thấy gọi là Thần (Bồ Tát theo nhà Phật thực ra cũng đã là Phật, nhưng do còn phát nguyện điều gì nên chưa chính thức thành Phật). Tương tự trong triều Thần là để chỉ những bậc bề tôi khi xưng hô với vua (Thiên Tử). Vua được quyền phong Thần cho những người được người dân tôn thờ (chẳng hạn Nguyễn Hữu Cảnh được sắc phong là Thượng Đẳng Thần). Trong dân gian thì những gì họ tôn thờ đều được gọi là Thần, thậm chí có Thần Ác nữa (Ông Ác, Ông Thiện) chúng ta hay thấy nơi các ngôi chùa.

      Xóa
  6. Hồi nãy tui thấy nhà bên Guest Book của Bác Hiệp có người " chôm đồ" khinh ra ngoài qúa trời kìa.....HIhi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, lâu rồi không để ý đến cái... nhà kho đó :-))

      Xóa
  7. Sao khám thờ có hai ông Thần Tài và hai ông Thổ địa giống nhau vậy bác. Tại có ông mới về thì vẫn giữ lại ông cũ hay sao ? Nhưng đã có ông cũ rồi thì sao phải thỉnh ông mới ? (-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, khám tờ "tại gia" này được thừa hưởng từ thế hệ trước, có sao để vậy, chỉ thêm một Ông Địa dân gian bằng gốm Biên Hòa hơi xưa (ông ngồi trước hai Ông Địa, tay trái cầm cây quạt, tay phải giơ một ngón cái "năm bờ oăn"). :-))

      Xóa
  8. Luận về chữ thần cũng hay
    1- Thần trong thần tài có tự dạng 神 bên trái là bộ kỳ…示.. thần đất, chỉ nghĩa của chữ , bên trái chữ thân…申..gợi âm đọc. Thần chỉ cái siêu nhiên mà con người không hiểu hết được như sơn thần 山神 thần núi, hải thần 海神 thần biển…
    2- Thần trong thần dân có tự dạng 臣 là con mắt một người đang nhìn xuống. Nghĩa gốc chỉ sự khuất phục , chịu đựng của kẻ tôi tớ, nô lệ,
    3- Vua có quyền phong thần. Vua Lê Huyền Tông phong công chúa Liễu Hạnh “Chế đẳng hòa đại vương thượng thượng đẳng tối linh thần công chúa” . Thần động Phong Nha được vua Minh Mạng phong “Diệu ứng chi thần”.
    4- Vua là thiên tử (con trời) còn phong thần, thì trời phải oách hơn vua nhiều nhiều, chứ trời không thể là thần …hihihi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, bác Bu phân tích chữ nghĩa là "bá cháy" rồi. Trời, Thượng Đế, Ngọc Hoàng... là những Đấng Tối Cao, cai quản những vị Thần dưới quyền, cũng như Vua là Thiên Tử (Con Trời) đối với quần thần, thần dân vậy.

      Xóa
  9. Bác Nano Bobi nêu thắc mắc về hai chữ Thần rất đích đáng. Bác Bu giải thích cũng rất hay. Theo thiển ý của tôi. Thần tài, thần sông, thần núi...đều là lực lượng siêu nhiên. Còn chữ thần thứ hai với nghĩa là bề dưới, chịu thần phục bề trên, là xưng hô của quan lại với VUA. Thần Tài không là bề dưới của ai, vậy viết thế là đúng rồi. Tiếc là bác Bu không dẫn ví dụ ra, nhưng khi Vua phong THẦN cho các vị kia, chắc phải là chữ Thần thứ nhất. Xin các bác chỉ giáo.

    Trả lờiXóa
  10. Đúng rồi bác Vũ Nho, Thần thuộc siêu nhiên (Thần linh) dùng chữ Thần = 神 như Sơn Thần 山神, Thiên Thần 天神. Thật ra khi chúng ta nói Thần linh nói chung, theo tôi thì Trời, Ngọc Hoàng, Thượng Đế cũng đều là những đấng Thần linh cả, nhưng tách riêng, thì Thần (神) lại để chỉ những bậc dưới Trời, Thượng Đế (có thể là "bậc dưới" chứ không phải dưới quyền như bác viết)... như Thần Tài, Thần Đất, Thần Sông... Chúng ta không thấy sách vở nói "Thần Trời", hay "Thần Thượng Đế" bao giờ.

    Còn chữ Thần (臣) với nghĩa là Bề tôi, hoặc là tiếng khiêm xưng như Thần Thiếp (臣妾) Công Thần (功臣) là để dành cho người. Trong chữ Hán riêng chữ Thần có đến trên 10 chữ.

    Vua phong Thần (神) như trong trường hợp Nguyễn Hữu Cảnh (Thượng Đẳng Thần = 上等 神), ở miền Nam có nhiều đình thờ làm Thành Hoàng, thì Thần này thuộc hệ thống Thần linh rồi.

    Trả lờiXóa
  11. Thờ Thần Tài góc nhà ở miền Bắc hầu như không có, nhưng sau 1975, vị này theo ra Bắc, rất thịnh hành ạ.

    Trả lờiXóa
  12. Ngày xưa miền Bắc "bài trừ mê tín" ráo riết, cộng thêm cái gì cũng "mậu dịch quốc doanh", nên Thần tài không có đất sống. Bây giờ "tự do tín ngững", thần thánh tha hồ hưởng lộc, hìhì!

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))