Truyền thuyết, theo sách vở có nhiều định nghĩa na ná như nhau, đại khái truyền thuyết là: "Chuyện cổ do dân gian truyền lại cho nhau, thường có tô điểm thêm và có khi thêm cả màu sắc thần thoại" (Từ điển Việt Nam, Văn Tân chủ biên, NXB Khoa học Xã hội - 1994) . Đúng là chuyện Thiềm thừ của người Hoa là một truyền thuyết, và người Trung Hoa cũng là vua tạo ra truyền thuyết, việc này người Việt Nam mình cũng chẳng hề thua kém, chẳng hạn chuyện Thánh Gióng, Sơn Tinh Thủy Tinh, cây đa Chú Cuội, chuyện Từ Thức, Chử Đồng Tử...
Như các bạn đã biết truyền thuyết về con cóc là cậu ông trời của Việt Nam trong câu chuyện Cóc đi kiện trời, mấy năm thấy trời mãi không chịu mưa làm vạn vật khô héo khổ sở trăm bề, cóc ta bèn rủ thêm các chiến hữu như cọp, gấu, gà, cua... kéo nhau lên trời hỏi cho ra nguyên cớ. Đến trời các chiến hữu của cóc đều e sợ oai Trời, chỉ mình có cóc là "cóc" sợ (truyền thống của họ nhà cóc là cóc sợ gì cả), Cụ Trời sai binh hùng tướng mạnh ra trị tội đều bị các chiến hữu dưới sự chỉ huy của cóc đánh cho tơi tả, đến nỗi trời phải chịu thua gọi cóc bằng "cậu cóc" xin giảng hòa, và ra lệnh cho thần gió thần mưa làm mưa ngay lập tức, Cụ Trời còn hứa với cậu cóc, hễ ở trần gian lúc nào nắng hạn chỉ cần cậu cóc nghiến răng, trời nghe thấy sẽ làm mưa ngay. Truyền thuyết Con cóc là cậu ông trời có từ đó, và loài người còn gọi những ai có tính gan dạ hoặc điếc không sợ súng là có gan cóc tía.
Cóc tập hợp chiến hữu đi kiện trời.
Nói về truyền thuyết thì ngoài người Á Đông, người Hi Lạp, La Mã cũng là những dân tộc có quá xá chừng truyền thuyết, họ có rất nhiều vị thần, có thể chép thành một quyển sách dày, chẳng hạn như thần Zeus (Jupiter), vị thần tối cao cai quản vũ trụ, tựa như Ngọc hoàng Thượng đế của Á Đông, hay thần Apollon (Apollo), một vị thần quan trọng khác, con trai của thần Zeus có tài bắn cung tuyệt cú, bá phát bá trúng. Cai quản cõi âm phủ như Diêm Vương có thần Plouton (Pluto, Hades), và chắc chúng ta cũng không thể quên thần Hercules (Heracles) nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp, và trong phim ảnh một thời...
Tượng thần Zeus.
Thần Apollo.
Thần Pluton và chó ngao 3 đầu.
Phù điêu miêu tả12 kỳ công của Hercules.
Trở lại chuyện con cóc ba chân Thiềm thừ mang lại tài lộc của người Trung Hoa. Có lẽ như bạn Marg. nghe kể, là cụ cóc Thiềm thừ đã tự chặt đi một chân của mình để phát nguyện cứu nhân độ thế. Đấy hẳn là truyền thuyết về Thiềm thừ, truyền thuyết này làm tôi nhớ đến một câu chuyện cũng mang tính huyền thoại khác, nhưng nói về một con người, đó là nhà sư Huệ Khả, tổ thứ nhì của Thiền tông Trung Hoa sau Bồ Đề Đạt Ma. Tắc (bài viết) thứ 41 trong Vô Môn Quan chép như sau:
Sơ Tổ Đạt Ma ngồi ngó vách. Nhị Tổ đứng giữa tuyết, tự chặt tay mà thưa:
- Tâm đệ tử không an, xin Ngài an cho.
Sơ Tổ dạy:
- Đưa tâm đây ta an cho.
Nhị Tổ thưa:
- Đệ tử tìm tâm mãi không được.
Sơ Tổ nói:
- Ta an tâm cho ông rồi đó.
(Vô Môn Quan, Thiền sư Vô Môn, bản dịch Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1995).
Huệ Khả cầu Đạo.
Câu chuyện về Nhị Tổ Huệ Khả tự chặt tay để cầu Đạo của Thiền tông Trung Hoa, và Thiềm thừ tự chặt một chân để phát nguyện cứu nhân độ thế như chúng ta thấy, là truyền thuyết có cùng một motif.
Truyền thuyết thường mang tính thần thoại, thần tiên, hoang đường, hoặc nửa hư nửa thực, phản ánh cái ước vọng no ấm, hạnh phúc, chống lại cái ác đề cao cái thiện của người xưa, hoặc để phục vụ cho một mục đích nào đó của con người. Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có thờ những vị thần như Tam Bành, hay Quan Lớn Tuần Tranh. Đại văn hào Nguyễn Du của Việt Nam cũng đã đưa tên ông thần Tam Bành này vào truyện Kiều bất hủ: "Bấy giờ mới nổi tam bành mụ lên" (câu Kiều 962). Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh giải thích chữ tam bành: "Đạo gia cho rằng trong con người ta có ba vị thần gọi là Tam Bành, tức là Bành Kiêu, Bành Cứ, Bành Chất, ba vị thần ấy xui người ta làm điều ác rồi lên tâu với Ngọc Hoàng Thượng Đế".
Trong quyển sách Cơ sở Văn hóa Việt Nam của PGS-TS Trần Ngọc Thêm (NXB Giáo Dục-1998), giải nghĩa có khác, theo truyền thuyết dân gian Tam Bành tương truyền vốn là ba bọc sừng-sỏ-sắt do một bà mẹ quê ở Vụ Bản (Nam Định) sinh ra vào thời vua Lê Thánh Tông. Bà mẹ sợ quá đem chôn. Rồi sừng-sỏ-sắt hóa thành tinh, rất linh thiêng và có công đánh giặc nên được vua phong là Tam Danh đại tướng âm binh. Các pháp sư thờ hình người có ba đầu, gọi là Tam Danh, dần dần đọc chệch thành Tam Bành. Trong ba chữ sừng-sỏ-sắt, thì hai chữ sừng-sắt chúng ta thấy quen thuộc, còn chữ sỏ bây giờ ít thấy, đây là từ cổ để chỉ cái đầu, còn được dùng trong sỏ lợn, sỏ bò...
Còn Quan Lớn Tuần Tranh, cũng theo PGS-TS Trần Ngọc Thêm, truyền thuyết nói đó là một cặp rắn thần, do hai ông bà ở Tứ Kì (Hải Dương) nhặt được từ nhỏ. Lớn lên cặp rắn quấn quýt hai người nhưng lại hay ăn gà. Sợ hàng xóm biết họ phải mang chúng ném xuống sông Tranh, nơi đó nước trở nên xoáy mạnh và rất linh thiêng. Quan Lớn Tuần Tranh được thờ trong điện Mẫu dưới dạng hai con rắn bằng giấy là Thanh Xà và Bạch Xà.
Nói không ngoa thì Việt Nam là xứ sở của truyền thuyết. Người Việt Nam mình còn rất nhiều truyền thuyết khác, dưới dạng truyện cổ tích, hay tín ngưỡng dân gian. Đấy là chuyện của ngày xưa, bây giờ có thêm nhiều chuyện thời hiện đại, chuyện thật mà cứ như truyền thuyết hoang đường, khối, có kể mãi cũng không hết...
* Ãnh: Internet.
1- Nhất trí với PNH về định nghĩa truyền thuyết và một số truyền thuyết ở VN mà ta thường nghe.
Trả lờiXóaBu cũng rất khâm phục GS Trần Ngọc Thêm với "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam".
Cái bu muốn nói đến là hậu thế xứ lý thế nào với truyền thuyết, vì không khéo thì can tội xuyên tác lịch sử, chân giả lẫn lộn....
2- Trong ba thuyết nói về nguồn gốc dân tộc Việt thì thuyết cho rằng dân tộc ta khởi nguyên từ môt trong Bách Việt ở phía nam sông Dương tử bị người Sở dồn đuổi về phương nam. Bởi vậy có sự nhập nhằng lẫn lộn một số truyền thuyết giữa Tàu (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam) và Việt Nam ta.. Một dẫn chứng: Người Choang Quảng Tây có truyền thuyết Thần cung bảo kiếm nói về An Dương Vương..rất là lâm ly thống thiết..
2- Kinh Dương Vương là ông nội vua Hùng, trong khi đó sử ta, sử Tàu, đều nói ông ấy là nhân vật tiểu thuyết chớ không có thật... mà có thật thì ông ấy cũng đặc Tàu. Thế nhưng ở Bắc Ninh, người ta bỏ ra 500 tỷ làm đền thờ Kinh Dương vương vô cùng hoành tráng. Từ đó suy ra 18 vị vua Hùng cũng là truyền thuyết !!! Biến truyền thuyết thành chính sử thế mà người xứ ta cứ than phiền học trò dốt sử quá...Cụ Hô thì bảo dân ta phải học sử ta...Huhuhu.
Hihi mấy vấn đề bác Bu nêu trong mục 2 và 2 (3) bên trên xưa nay đã có biết bao nhiêu sách và bài viết của những bậc trí giả nói tới, mà vẫn không sao tìm ra được lời giải đáp. Giữa Ta và Tàu thì nói gì thì nói có quá nhiều liên quan, về nguồn gốc, lịch sử, văn hóa, cả nhân chủng học. Tàu họ hơn ta ở cái họ có truyền thống viết lách, ghi chép, còn lưu lại được rất nhiều trang sách cổ nói về nguồn gốc của họ, dĩ nhiên xưa kia những trang sách ấy chứa đựng không ít truyền thuyết, sự hoang đường, và dù muốn dù không Ta cũng phải đi tìm nguồn gốc của mình "ké" theo những trang sách đó, cho đến khi ta có sử sách, mà than ôi, sử của ta ngày xưa, như Đại Việt sử ký toàn thư, Dư Địa Chí (Nguyễn Trãi), An Nam chí lược (Lê Tắc)... viết về cái xa xưa của mình lại cũng phải căn cứ nơi sử sách của Tàu.
XóaCho nên tôi nghĩ một khi mình không thể tìm đâu ra được những tài liệu chứng minh "thực sự" cha ông ta thời thượng cổ là ai? Thì trong lịch sử của mình phải nói rõ, cái gì là truyền thuyết và cái gì là thật, nếu Kinh Dương Vương, Hùng Vương... xét chỉ là truyền thuyết, thì nói đó là truyền thuyết, là người Tàu (hoặc thời đó chưa có nước Trung Hoa thì nói rõ là một trong Bách Việt gì đó), điều này có gì là xấu? Chẳng hạn tôi nghe bà cụ tôi lúc còn sống nói, ông ngoại tôi (là cha của cụ) lai Tàu làm nghề "lang" (thuốc Bắc), nói tiếng Việt không rành, ông cố ngoại là người Tàu. Ông ngoại lai Tàu, ông cố ngoại là người Tàu, gia đình tôi vẫn thờ ông ngoại (người Tàu lai) chắc chẳng có gì phải xấu hổ? Chẳng lẽ ông ngoại lai Tàu, hay ông cố là Tàu mà không thờ?
Cái cần nhất của người làm Lịch sử là chép lại sự thật, và chỉ sự thật, đừng vì bất kỳ lý gì đó mà cố tình chép sai, nói sai (như một thời đã xảy ra), truyền thuyết thì phải nói rõ là truyền thuyết.
Còn chuyện bây giờ bỏ ra 500 tỷ để xây đền thờ Kinh Dương Vương, tôi thấy nó không nên ở chỗ 500 tỷ là một số tiền rất lớn, chúng ta không nên phung phí để xây một cái đền như thế, có quá nhiều việc cần kíp khác cho người sống bây giờ, chứ khi chúng ta đã giàu, của ăn của để thì xây một cái đền như thế để thờ Kinh Dương Vương cũng chẳng sao, dù truyền thuyết hay thật sự ông ấy là người Tàu, như đền thờ vua Hùng đó (xét nhiều cái vô lý, cũng chỉ là truyền thuyết).
Còn chuyện
Post lên mới thấy cuối cùng dư ra 2 chữ "còn chuyện". Hihi!
Xóa"Người Trung Quốc giỏi việc tạo truyền thuyết và hình tượng cho truyền thuyết". Rồi rất giỏi cái vụ bán những "hình tượng truyền thuyết nữa"!
Trả lờiXóaNói chung người Trung Quốc là vua trong buôn bán đó bác Nô.
XóaThường nghe người ta hay nói " nổi cơn tam bành lục tặc" . "Tam bành" thì bác H nhắc tới rồi , còn "lục tặc " thì sao , bác tìm hiểu xem ((-:
Trả lờiXóaLục tặc, là người ta y cứ vào giáo lý nhà Phật mà nói. Lục là sáu, tặc là giặc. Sáu giặc gồm có: “sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp”. Sắc là chỉ chung cho các thứ sắc đẹp người và vật. Thinh là những thứ âm thanh có năng lực quyến rũ hấp dẫn kích động lòng người. Hương, nói chung là các loại mùi thơm. Vị là mùi vị của các loại phẩm vật. Xúc là sự tiếp xúc giao nhau giữa căn và trần. Pháp là pháp trần là những hạt giống gieo vào trong tâm thức do sự tiếp xúc giữa căn và trần mà có. Thế nhưng tại sao gọi sáu thứ nầy là giặc? Vì sáu thứ nầy làm cho người tu hành không được an ổn. Nó có một ma lực hấp dẫn lôi cuốn làm cho sáu căn (6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý ), của người tu hành luôn luôn bị dao động xáo trộn bất an. Chính vì 6 căn đắm nhiễm ở nơi 6 trần nên gây ra cho người tu một chướng ngại rất lớn trên bước đường tu hành giải thoát. Do cớ đó, nên nhà Phật gọi nó là sáu thứ giặc.
XóaTam bành lục tặc, hihi, Hoạn Thư mà nổi cái này là tan hoang nhà cửa :-))
XóaLục tặc đúng như bác Bu giải thích, người tu hành Phật giáo không mắt xem sắc đẹp, tai không nhe âm thanh du dương, mũi không ngửi mùi thơm, miệng không ăn của ngon, tay không chạm đến da thịt mềm mại, tâm không nghĩ điều xằng bậy. Ấy là tu ngày xưa...
Chỉ mong người Việt đừng quá sùng bái truyền thuyết của mình để mụ mị tạo ra kỷ lục. Đừng quá mù quáng mà tạo thành ảo tưởng của vài thế hệ.
Trả lờiXóaCảm ơn bác và các bạn đã cho những thông tin bổ ích.
Cái bệnh háo danh, háo thành tích, ham kỷ lục của người mình nó ăn vào máu, vào gien rồi bác VanPham, thời bây giờ còn ham bạo nữa, chùa chiền cũng xây to ngất ngưỡng để được công nhận kỷ lục, mà nơi công nhận lại là thứ dỏm nữa mới chết, như mới đây chùa Bái Đính mới thì phải, thật tệ!
XóaUi sang đây em mới biết nghĩa của tam bành lục tặc, hay thật. Cám ơn bác Hiệp và bác Bu
Trả lờiXóaCòn một ông nữa là ông... Bành Tổ không biết TT biết nghĩa chưa? :-)))
Trả lờiXóa