Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

Hoa Cát đằng.


Lúc tôi còn đi làm, phòng làm việc trong cơ quan tôi nhìn ra một khoảng sân vườn khá đẹp, trong một thành phố chật chội, đông đúc như Saigon mà có được một nơi làm việc như thế thật may mắn, những khi đầu óc "tưng tưng" vì công việc chỉ cần bước ra ngoài ngắm khoảng xanh sân vườn là thấy "phẻ". Ngay trước phòng làm việc có một giàn hoa quanh năm rủ xuống những bông hoa màu tím tím, kéo theo lũ ong bướm chập chờn. Nghe gọi đấy là hoa Cát đằng. Cũng có một loài hoa nữa mang chữ Cát, đó là hoa Cát tường, hoa này có hình dáng trông tựa như hoa hồng nhưng cánh mỏng hơn.

Bây giờ có nhiều loại hoa, hoặc cây có cái tên gợi nhớ đến sự may mắn, chẳng hạn, Cát tường (trong câu cát tường như ý), Cát đằng (chữ cát hay được hiểu với nghĩa là tốt đẹp), hoa Đồng tiền, cây Phát tài, cây Kim phát tài...Có khi người ta đặt tên hoa cảnh như thế để dễ bán chăng? Hôm qua nhân xem quyển Điển cố Văn học (Đinh Gia Khánh chủ biên, NXB Khoa học Xã hội-2008), sách ghi về chữ Cát đằng như sau: Loài dây leo phải bám vào những cây to khác. Cát Đằng: được dùng trong văn học để chỉ người vợ lẽ, với câu Kiều của Nguyễn Du:: "Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân/ Tuyết sương che chở cho thân cát đằng". Lại thử dở từ điển truyện Kiều của GS Đào Duy Anh: Cát đằng, cát là cây sắn, đằng là cây mây, hai giống cây leo nhờ vào giống cây to mà mọc, tỷ dụ người thân phận nhỏ mọn, người vợ lẽ. "Tuyết sương che chở cho thân cát đằng" (câu Kiều 902).

Thì ra cây Cát đằng có hoa tím, lấy từ tên của hai loại dây leo nghĩa gốc cát là cây sắn và đằng là cây mây, nhờ vào giống cây to mà mọc, nghĩa bóng là "vợ lẽ" như GS Đào Duy Anh đã giải thích, không liên quan gì đến may mắn cả.


20 nhận xét :

  1. Hoa Cát đằng có màu tim tím khá đẹp , nhụy hoa chắc có nhiều mật ngọt nên thường thấy ong bướm lượn dập dìu quanh hoa .( mỗi lần chụp hình hoa Cát đằng thường được khuyến mãi thêm con ong bầu to tú hụ ) . Cho nên , ngoài việc hoa là loại dây leo , trong văn học lấy hoa Cát đằng để làm hình tượng người vợ lẽ cũng đúng.
    À , mà sao "vợ lẽ" , chữ "lẽ" dấu ngã bác nhỉ , tưởng phải dấu hỏi , giống tiền lẻ , lẻ tẻ chứ ((((((-:

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Aha, chữ "lẽ" và chữ "lẻ", người miền Nam không phân biệt hỏi ngã cho nên hay lẫn lộn. Bạn Marg. nói tôi mới nhớ câu chuyện vui lúc còn làm việc. Ở phòng tôi có mấy ông công chức ngoài Bắc vào, kể câu chuyện vui như sau: Có anh cán bộ miền Nam tập kết kia bị mang ra trước cơ quan kiểm điểm vì có vợ lẽ, anh ta gân cổ lý sự, mọi người nói tôi có vợ "lẻ" là không đúng, đây là "vợ hai" (vợ cả, vợ hai), "hai" là chẵn, bao giờ "ba" mới "lẻ". :-)))

      Xóa
    2. Thấy Chị Marguerite Bangtam thắc mắc 2 chữ "vợ lẽ" làm Mùa Thu Buồn cũng có chút thắc mắc muốn hỏi Bác Hiệp luôn thể.
      Sao người ta hay gọi VỢ NHỎ,mà khg gọi là VỢ NHÍ như gọi bồ là BỒ NHÍ mà khg phải là BỒ NHỎ ???

      Xóa
    3. Hihi, chữ "nhỏ" trong "vợ nhỏ" (còn gọi là "vợ bé") là để chỉ "thứ tự" trước, sau , chứ không phải chỉ hình dạng to, nhỏ. Còn chữ "nhí" có nghĩa là "trẻ", từ điển Đại nam quấc âm tự vị giải thích "nhí nhảnh" là "khoe trẻ".
      Như vậy đã rõ, người ta gọi "BỒ NHÍ" bởi mấy ông có "bồ" thì lựa trẻ chứ (có tâm thần mói chọn... bồ già), theo thế thì gọi "VỢ NHỎ" chứ không phải "VỢ NHÍ", bởi "vợ nhí" chỉ có nghĩa là "vợ trẻ", không nói lên được cái thứ tự trước, sau :-)))

      Xóa
    4. Quy định dấu hỏi dấu ngã trong tiếng Việt có nhiều luật.... trong đó có LUÂT BẰNG nói rằng:


      Dấu huyền và dấu nặng đi theo một danh từ lập láy thì được viết bằng dấu ngã (huyền nặng ngã).

      Thí dụ :

      Sẵn sàng : chữ sàng có dấu huyền thì chữ sẵn phải là dấu ngã.
      Ngỡ ngàng : chữ ngàng với dấu huyền thì chữ ngỡ phải để dấu ngã.
      Mạnh mẽ : chữ mạnh có dấu nặng, do đó chữ mẽ phải viết dấu ngã.
      Tương tự như các trường hợp lặng lẽ, vững vàng ..
      .VỢ LẼ: chữ VỢ có dấu nặng thì chữ LẼ phải có dấu ngã....
      Ghi chú: Lấp láy là chữ không có nghĩa

      Xóa
    5. Đính chính: Lập láy thay vì Lấp láy

      Xóa
    6. Tôi có quyển Chính tả tiếng Việt của Hoàng Phê (NXB Đà Nẵng - TT từ điển học-1999), đây là một quyển sách viết rất kỹ lưỡng về chính tả tiếng Việt, nêu ra tất cả những quy định về chính tả, như bác Bu đã viết bên trên về hỏi-ngã, và các trường hợp khác, một quyển sách rất hay. Thỉnh thoảng cần tra chữ gì thì tôi mở ra tra chữ đó chứ không đủ can đảm đọc như đọc các loại sách khác.
      Tuy nhiên từ trước năm 1975, khi đi học chung với phần lớn bạn bè miền Nam, tôi nhận thấy người gốc miền Bắc viết chính tả đỡ sai hơn người miền Nam (ở mọi trình độ, kể cả người đã tốt nghiệp đại học, thậm chí cao hơn). Trước đây gần như tôi không thấy người miền Bắc viết sai ở những chữ do lỗi phát âm, chẳng hạn họ vẫn viết "trắc trở" chứ không viết "chắc chở" khi nghe người miền Bắc phát âm thế, và họ cũng viết "lẫn lộn" chứ không phải "nẫn nộn", họ cũng viết "hoàn toàn" chứ không viết "goàng toàng" như khi nghe người miền Nam nói, còn chuyện dấu hỏi, dấu ngã, thì đặc biệt trước đây người miền Bắc viết chính tả rất đúng, còn người miền Nam (kể cả miền Trung) rất hay sai chính tả ở chữ có dấu hỏi ngã. Người miền Bắc viết đúng hơn có lẽ do một cái "khiếu" gì đó, chứ không phải là họ được học kỹ hơn về những nguyên tắc viết chính tả.
      Sau năm 1975 tôi làm việc với kỹ sư xây dựng miền Bắc vào, kinh khủng thay, có người viết là "nát lền", thay vì chữ đúng là "lát nền". Và bây giờ thì ôi thôi, viết sai chính tả, viết theo kiểu nói ngọng thì đầy, cả trong văn bản nhà nước, bảng hiệu, chưa kể đến văn phong lủng củng...
      .


      Xóa
  2. 1- Chủ nhà đã nói đủ và kỹ cát đằng và cát tường, bu tui dẫn ra tự dạng của hai từ đó để các bạn thấy sự khác nhau của hai chữ cát

    吉 祥: cát tường
    葛 藤: cát đằng

    2- Từ điển chính ta của Hoàng Phê giải thích chữ lẽ, lẻ
    - lẻ: Một đấu ba lẻ gạo, lẻ củi, số lẻ, ngày lẻ, phép chia lẻ, hai trăm lẻ năm, một nghìn có lẻ, lẻ đôi, chim lẻ bạn.......
    - lẽ: sống cho phải lẽ, vì nhiều lẽ, lấy lẽ, vợ lẽ, già đòn non lẽ, ........

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã giải thích từ vợ lẽ . Theo từ điển là vậy . Nhưng theo " cảm nghỉ" của một phụ nữ là M , thì "vợ lẽ" không thể giống "phải lẽ, lẽ sống " mà chỉ giống "tiền lẻ , lẻ tẻ" thôi ((((-:

      Xóa
    2. Chữ quốc ngữ nhiều khi thua chữ Hán trong những trường hợp đồng âm khác nghĩa, có nhiều chữ quốc ngữ như chữ Cát, đọc là Cát mà chữ Hán Việt có trên chục chữ Cát với nghĩa khác nhau. Cho nên những văn tự ngày xưa chép theo truyền khẩu nên rất thiếu chính xác, với chữ Hán chỉ cần viết sai một chữ, cả câu đã khác nghĩa.
      Còn về chữ "lẽ" và "lẻ", không hiểu chữ "lẽ" trong "vợ lẽ" gốc gác có ý nghĩa gì? Chứ nếu chữ "lẽ" như từ điển bây giờ giải thích và ta cũng hiểu thế (phải lẽ: phải lý, hợp lý), (nhiều lẽ: nhiều lý), thì "có lẽ" không thuyết phục như chữ "lẻ". Chữ "lẻ" như số lẻ, ngày lẻ, lẻ đôi, lẻ bạn..., người ta còn dùng chữ "lẻ" để chỉ thừa, dư ra, chẳng hạn khi còn nhỏ ta chơi trò gì đó phải chia phe, nhóm, thí dụ có 2 phe mỗi phe 3 đứa, lỡ có 7 đứa thì sẽ có một đứa thừa, đứa thừa ầy không được chơi gọi là đứa "lẻ ra", đứa "bị lẻ". Bạn Marg. nêu cũng có lý. :-)))
      Lẽ ra theo đúng "tinh thần chánh tả Nam bộ" bạn Marg. phải viết là "cãm nghỉ", hihi!

      Xóa
  3. cảm nghĩ , nghĩ dấu ngã , huhu, Blogs. không cho edit ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đừng buồn, bạn à. Ông TT viết sai chính tả. Bút tích “ghi trong sổ lưu niệm” sau khi thị sát Trung Ðoàn Không Quân 923, Thủ Tướng: chữ ‘bảo vệ’ viết thành ‘bão vệ’, chữ ‘của đảng’ thành ‘cũa đãng’, ‘thủ tướng’ thành ‘Thũ tướng’, ‘chính phủ’ thành ‘chính phũ’.
      [img]http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/articlefiles/162003-VN-TanDung-01_400.jpg[/img]

      Xóa
    2. Hihi, ông TT này là người miền Nam, ông ấy viết theo đúng "chánh tả Nam bộ mà". mà cũng khổ, nghe nói mới mười mấy tuổi ông ấy đã thoát ly vào bưng biền rồi...

      Xóa
    3. Hehehe...ông này không biết trên đời có dấu hỏi

      Xóa
    4. Cũng nên thông cảm cho ông ấy, mới mười ba mười bốn tuổi đã thoát ly, thì chắc chẳng được học gì mấy, rồi đến khi làm đến chức cao, cũng là do ông ấy chấp hành lệnh cấp trên (như có lần mới đây ông ấy nói) chứ có phải tham quyền chức gì đâu :-)))))

      Xóa
    5. Ông ta là con người của công chúng. Không thể mang cái phương ngữ ra để rằng: Quần chúng. Cái khác giữa nhà nước và cách mạng là vậy, Xưa có một nhân sĩ theo lãnh tụ về. Thấy ông ta nhẩy sòn đô sòn trên tầu thủy (đại loại như vậy), đã bỏ KC. Thôi. Các bạn, ta đã quá xa.

      Xóa
  4. Hoa tuyệt đẹp , nhụy điểm chút màu tím trông càng dễ thương hơn nữa ! Chẳng những thế mà cái tên của nó nghe có vẻ đài cát nữa đó chứ ...giống hoa này ở bên em cũng có , nhưng nó màu hồng hoặc màu vàng cam , nhìn cũng đẹp lắm ! Hôm nay rất vui vì em lại biết thêm tên của một loài hoa ..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoa này trông hơi giống như kiểu hoa lan. Bên Tây có màu hồng hoặc vàng cam hay nhỉ, ở VN chỉ có một màu tím này.

      Xóa
  5. Ở chỗ Nô, hoa này còn có tên Thiên Lan. Giờ thiên hạ sính tài sính lộc, nên thích cây cỏ cũng có những chữ đẹp đó. Khi là cây Mưng, chẳng ai đoái hoài, nhưng biến thành Lộc Vừng thì đua nhau trồng. Tết vừa rồi, ở chợ bán một loại hoa lạ, cành dài cắm bình cao rất đẹp, Nô gà cho cô hàng hoa đặt tên là Hoa Phát Lộc, thế là thiên hạ đua nhau mua ầm ầm. :-D

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Thiên Lan" (Lan Trời), nghe hay quá đấy, có lẽ như tôi thấy hoa trông hơi giống hoa lan. Có những cây đã có lâu ở Việt Nam thường có 2 tên, một tên dân dã (thường là tên Nôm, còn một tên chữ là tên Hán Việt, địa danh cũng thế). Haha, vậy mai mốt nếu có tên Hoa Phát Lộc trong từ điển, thì bác Nô hãnh diện là người đặt tên nhé :-))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))