Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Cóc ba chân.


Thiềm thừ ngậm tiền, trên lưng có 7 hạt đá tượng trưng cho chòm sao Bắc Đẩu, hai chân trước và một cái chân sau đuôi.

Có người bạn nói với tôi có biết con cóc ngậm tiền bây giờ người ta hay đặt ở bà thờ Ông Địa (còn gọi là Ông Thiềm thừ) có mấy chân không? A ha, nhà tôi cũng có một con cóc như thế ở bàn thờ Ông Địa, Thần Tài, cả một Ông Tỳ hưu nữa, những thứ này là do mấy năm trước bà xã tôi đi du lịch Trung Quốc mang về, nhưng thật là từ hồi nào tới giờ tôi cũng không chú ý lắm về những vật nghe gọi bằng "Ông" này. Nay bạn hỏi chẳng biết nói sao, tôi nghĩ những vật đặt nơi bàn thờ Ông Địa, Thần Tài là để cầu mong tài lộc, Tỳ hưu thì không có chỗ để bài tiết chất thải (ý nói không muốn ra của), vậy thì có lẽ Thiềm thừ phải có năm sáu chân cho có số nhiều chăng (nhiều của)? Bạn nói không phải, chỉ có ba chân thôi, và cũng không biết tại sao? Trong khi con cóc bình thường thì ai cũng biết là có bốn chân.

Thiềm thừ, từ Hán Việt có nghĩa là con cóc, và tôi coi lại con cóc nơi bàn thờ Ông Địa ở nhà thì quả nhiên chỉ có ba chân (bắt đầu từ đây tôi gọi là cóc, cụ cóc, con cóc cho tiện việc nhà nước), hai chân trước và một chân sau nằm dưới cái đuôi. Ở nhà tôi có vài quyển sách nói về phong thủy, những linh vật người ta thờ, đại khái thấy nói Thiềm thừ là một trong những linh vật của người Trung Hoa, đứng hàng thứ nhì sau Tỳ hưu. Cụ cóc này đem lại may mắn, tài lộc cho con người, trên lưng cụ có đính 7 hạt đá trắng, cổ đeo xâu tiền, và miệng cũng ngậm đồng tiền xưa. Có lần tôi nghe mấy bà nói, buổi sáng thì đặt Thiềm thừ quay mặt ra cửa, và buổi tối thì đặt quay mặt vào trong nhà, ý nói buổi sáng con cóc đi ra khỏi nhà và buổi tối quay trở lại mang tiền về, chẳng biết sao chứ thoạt đầu lúc mới mang về bà xã tôi cũng nói thế, nhưng nhớ ra để sáng quay con cóc ra  và tối quay vào cũng hết hơi.

Quan sát nơi Thiềm thừ tôi thấy có những đặc điểm: thứ nhất dễ nhận thấy nhất là những đồng tiền, trên cái tượng nhỏ bằng nắm tay mà đâu cũng thấy tiền, tiền dưới chân cóc, ngậm nơi miệng, xâu thành chuỗi đeo ở cổ, tượng trưng cho Tiền tài, đây là cái mà người ta chú ý đến và "khoái"  nhất khi đặt cụ cóc vào chỗ thờ phượng. Thứ nhì là 7 hạt đá trắng đính trên lưng con cóc, tượng trưng cho chòm sao Bắc Đẩu. Theo tôi đây mới là cái ý nghĩa đáng chú ý nhất nơi cụ cóc này. Như chúng ta đã biết chòm sao Bắc Đẩu là chòm sao quan trọng trên bầu trời đêm, ngày xưa còn nhỏ bạn nào có đi hướng đạo đã được dạy cho nhận biết chòm sao Bắc Đẩu trong việc định hướng mưu sinh thoát hiểm, người Pháp còn có Bắc Đẩu bội tinh là một huân chương cao quý của họ. Theo triết học Đông phương 7 ngôi sao của chòm sao Bắc Đẩu, 2 ngôi sao tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng (âm, dương) và 5 ngôi sao tượng trưng cho Ngũ hành (Thủy - Hỏa - Mộc - Kim - Thổ), tất cả tượng trưng cho sự hòa hợp.

                                                Chòm sao Bắc Đẩu.

Nhân nói về âm dương, ngũ hành tôi cũng xin "tán" thêm, phương Bắc thuộc hành Thủy, phương Nam thuộc hành Hỏa, phương Đông thuộc hành Mộc, phương Tây thuộc hành Kim, Trung ương thuộc hành Thổ. Rồi Thủy sinh Mộc, Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy. Đấy là quan hệ tương sinh của ngũ hành. Có tương sinh ắt sẽ có tương khắc. Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy. Rồi lại có vật biểu cho mỗi phương, chẳng hạn vật biểu cho phương chính Nam là Chim, cho phương Đông là Rồng, cho phương Tây là Hổ, cho phương Bắc là Rùa, cho Trung ương là Người. Có vật biểu thì lại có màu biểu, Thủy-Hỏa tương khắc màu biểu là đen, đỏ (hai phương Bắc-Nam), ứng với hai hành Mộc-Kim là xanh, trắng. Màu vàng ứng với hành Thổ ở Trung ương.


                                                             Ngũ hành.


Đối với người Á Đông như Việt Nam, phương Nam và phương Đông là hai phương của nền văn hóa gốc nông nghiệp nên được coi trọng hơn phương Bắc và phương Tây, hai phương của nền văn hóa gốc du mục. Theo truyền thuyết Nam Tào-Bắc Đẩu, thì thần Nam Tào giữ sổ sinh (coi về sự sống) ở phương Nam, bên trái của Ngọc Hoàng, còn vị thần Bắc Đẩu giữ sổ tử (coi về sự chết), ở phương Bắc, bên phải Ngọc Hoàng. Màu đỏ phương Nam là màu của may mắn, của niềm vui, màu xanh của phương Đông là màu của sự sống, sinh sôi, thì màu trắng của phương Tây, và màu đen của phương Bắc tượng trưng cho chết chóc...

                                                Bát tiên quá hải.


Còn một điều đáng lưu ý nữa nơi cụ cóc là cụ chỉ có 3 chân, hai chân trước, và một chân sau nằm dưới cái đuôi, chứ không phải 4 chân như những con cóc bình thường. Chẳng biết người Trung Hoa có truyền thuyết gì về chuyện này không? Chứ sách chỉ viết, đại khái Thiềm thừ ngày xưa là một con yêu tinh, chuyên đi quậy phá thiên hạ, điều này làm tôi nhớ lại chuyện Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh, hay chuyện Tam Tạng thỉnh kinh, con gì cũng là yêu quái được cả, chồn, cáo, cua, cá... đám này tu hành lâu năm thành tinh có phép thuật, chuyên đi quấy phá người... Sau con yêu tinh Thiềm thừ gặp Đạo sĩ Lưu Hải là đệ tử của Tiên ông Lã (Lữ) Động Tân thu nhận (một trong Bát tiên gồm: Hán Chung Ly, Lã Động Tân, Tào Quốc Cưu, Trương Quả Lão Lam Thể Hòa, Lý Thiết Quài, Hàn Chung Tử, Hà Tiên Cô), khi gặp Đạo sĩ Lưu Hải thì con cóc đi quậy phá ở đâu đó bị chúng đánh cho tơi tả,  thương tích đầy mình, rụng mất một chân chỉ còn có 3 chân...

                                      Tranh dân gian Đông Hồ đứa bé ôm con cóc.
                                                


Ấy là theo sách vở chép như thế. Trong truyện cổ tích Việt Nam cũng có nhiều truyện viết về con cóc, dân tộc Kinh, dân tộc Mường, hay dân tộc thiểu số ở Tây nguyên, dân tộc nào cũng đều có, nhưng không liên quan gì đến Thiềm thừ của người Hoa. Riêng ca dao, tục ngữ Việt Nam có câu "Con cóc là cậu ông trời/ Ai mà đánh nó thì trời đánh cho". Nước mình xưa nay trọng về nghề nông, mỗi khi nắng hạn nghe cóc kêu thì trời mưa, cóc lại ở đồng ruộng ăn sâu bọ hại lúa, là vật có ích, mang lại lợi lộc cho nông dân nên được coi trọng như cậu của ông trời. Con cóc cậu ông trời Việt Nam mang lại lợi ích cho người dân như thế, có nét tương đồng với Thiềm thừ đem đến tiền tài của người Hoa chăng?

Nhưng về ý nghĩa, tính nhân văn thì tôi nghĩ con cóc cậu ông trời của Việt Nam hơn hẳn ông Thiềm thừ của người Trung Hoa.

                                  






13 nhận xét :

  1. ủa bác H ơi , bác tra sách thấy nói ông Thiềm thừ bị chúng đánh cho rụng mất một chân ha? M thì nghe ai đó kể ông ta đi quậy phá rồi hình như gặp nạn chi đó và được cứu, sau đó ông tỉnh ngộ và tự chặt đi một cái chân để nguyện sẽ làm việc thiện cứu nhân độ thế, có lẻ vì vậy mà ông mang trên người quá nhiều đồng tiền để cứu người chăng ((-:
    Với lại con cóc làm gì có đuôi , nòng nọc rụng mất đuôi mới thành cóc chứ , hihi ...Tượng ông thiềm thừ do các nghệ nhân tạo cái chân còn lại bẻ ngoặt ra sau, khiến tượng nhìn cân đối và do đó mà ít ai để ý đến cái khiếm khuyết của ông Thiềm thừ
    Còn chuyên xoay cóc mỗi ngày có người còn nói coi chừng không đúng đâu , xoay lung tung tài lộc không vào mà bay tứ tán đó , hihihi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mấy cái sách phong thủy, coi ngày giờ... đọc không đáng tin chút nào hết, tôi cũng thấy việc cóc còn 3 chân ắt phải có lý do nào đó. Một là cụ đi quậy phá bị chúng dần cho mất cả chân, rồi được Đạo sĩ cứu chữa, sau cụ ấy hồi tâm phát nguyện cứu người (bằng cách đi phát tiền). Hai là như bạn Marg. nói, do bị nạn được cứu giúp rồi tự chặt chân phát nguyện mang tiền đi cứu đời.

      Hihi, đúng, nhìn ba chớp ba nháng cái tua của xâu tiền trên cái chân thứ 3 mà lại tưởng là cái đuôi chớ, cóc thì rụng đuôi mất rồi. Chuyện cái chân còn dễ phát hiện, chứ 7 ngôi sao Bắc Đẩu trên lưng thì chưa nghe nói, có nơi còn nói là sao Đại Hùng Tinh, nhưng rõ là hình dạng của chòm sao Bắc Đẩu.

      Chuyện xoay cóc là nghe mấy bà nói, nhớ để sáng xoay ra chiều xoay vào đủ mệt :-))

      Xóa
    2. Chòm Đại hùng tinh (Gấu lớn) và Tiểu hùng tinh (Gấu nhỏ)
      [img]http://vnthuquan.net/truyen/anhminhhoa/sinhton16_6.jpg[/img]

      Để nhận ra sao Bắc đẩu thì từ 2 ngôi sao đầu của gáo, ước lượng 1 khoảng = 5 lần khoảng cách 2 ngôi sao đó và kéo dài ra! Đó chính là sao Bắc đẩu (đuôi của Tiểu hùng tinh)
      Thường thì Đại hùng tinh dễ nhận thấy hơn Tiểu hùng tinh (Tiểu hùng tinh có thể đc quan sát cả 4 mùa ở Bắc bán cầu nhưng do ko sáng = Đại hùng tinh nên khó quan sát từ TP, những đêm trăng sáng) ! Đht quan sát dễ dàng nhất là sau hoàng hôn mùa xuân và mùa hè!

      Xóa
    3. Cám ơn bác VanPham đã vào đưa thêm kiến thức.

      Xóa
  2. Người TQ giỏi việc tạo truyền thuyết và hình tượng cho truyền thuyết. Ai đi du lịch TQ, khó mà từ chối những người bán hàng cực giỏi tâm lý khách hàng: nào tỳ hưu, thiềm thừ, ngọc thạch, ngọc trai, trà ô long, thuốc trị bá bịnh, thuốc chữa bỏng...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đi du lịch Thái Lan cũng thế bác Nô, người ta dắt vào đủ thứ nơi, nơi nào cũng dụ du khách tới bến. Mấy năm trước tôi đi cùng cơ quan, vào mấy chỗ bán thuốc nghe quảng cáo có người bùi tai bỏ bạc triệu vác về mấy thứ kiểu "thực phẩm chức năng", về sực tỉnh mới thấy tiếc tiền.
      Còn Trung quốc thì "bá cháy" luôn, chuyến đi ấy bà xã tôi cũng vác về lỉnh kỉnh, Tỳ hưu, Thiềm thừ, ấm trà... Vả lại hình như du khách (nhất là quý bà, nói xấu quý bà chút xíu, hìhì), bản thân thích mua sắm, thêm nữa dễ "lây", thấy người khác mua cũng mua, nghe nói "ngọt" quá cũng dễ móc hầu bao :-)))

      Xóa
  3. Xét về biểu tượng văn hóa thì cóc là kết quả của nhiều cách nhìn khác nhau bởi những dân tộc khác nhau..
    - Người Việt xem coc là cậu ông trời
    - Người Tàu xem cóc là thần trăng. Vợ Hậu Nghệ sau khi đánh cắp thuốc trường sinh của Tây vương mẫu cho chàng phải chạy trốn lên cung trăng, ở luôn đó và hóa thành cóc...
    - Đối với người Maya Quiché cũng như ở Viễn đông thì cóc là thần mưa
    -Ở phương Tây, cóc đã từng là biểu tượng của đế vương và mặt trời. Với tư cách nó đã có trên cờ hiệu của các vua thuộc dòng họ Clovis
    - Ở Hy Lạp cóc là tên một cô gái giang hồ nổi tiếng....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy xét ra con cóc xem xấu xí tầm thường thế mà được đề cao trên toàn cầu. Xứ ta xem cóc là cậu ông trời, nhưng lai rai có người xơi và trúng độc, thịt cóc rất bổ dưỡng, nhưng làm không khéo ăn toi như chơi.

      Xóa
  4. Con cóc được thờ chứ không phải chó mèo, ếch nhái vì cóc có hình hài rất đáng sợ, da nó có nọc độc, không ai dám xơi ( bây giờ thì chén hai cái đùi)... Sợ nên thờ thành thần thôi. Thế đúng không các bác nhỉ?!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dân gian thấy cái gì sợ thì hay thờ, hổ, rồng (giải thích là hình ảnh của cá sấu), rắn (ông Lốt)..., hay sắm, chớp... Có khi con cóc cũng thế đấy.

      Xóa
  5. Neu ai do gặp dc cóc 3 chân(thiềm thừ).thi co diem bao j ko nhỉ

    Trả lờiXóa
  6. Neu ai do gặp dc cóc 3 chân(thiềm thừ).thi co diem bao j ko nhỉ

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))