Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Tín ngưỡng dân gian.

Ở entry trước tôi nói về đền Trần ở Saigon, bạn TT có vào comment với câu thành ngữ "Tháng tám giỗ Cha tháng ba giỗ Mẹ", và nói: Mẹ ở đây là Mẫu nghi thiên hạ-Chúa Liễu Hạnh và Cha là Vua cha Bắc Hải hay là Đức Thánh Trần?". Bây giờ đang là tháng tám âm lịch, với tôi đây là câu hỏi thật thú vị, và khá khó trả lời. Để có thể trả lời được (khó có thể trả lời cặn kẽ trong một cái comment liền sau câu hỏi), nên tôi nói với bạn TT sẽ thử viết tiếp một bài, lạm bàn về những gì bạn thắc mắc. Ngoài những hiểu biết ít ỏi có được trong cái "trí nhớ nhỏ nhoi" của mình (chữ của nhạc sĩ TCS trong một bài hát của ông), thì tôi lại phải "cầu viện" đến sách vở, cũng may, tôi có vài quyển sách nói về chuyện này.

Trước hết xin nói, câu thành ngữ "Tháng tám giỗ Cha tháng ba giỗ Mẹ" ghi trên theo tôi là một câu có lẽ đã xưa lắm, của Đạo Mẫu, một tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

"Tháng ba giỗ Mẹ", Mẹ ở đây là chúa Liễu Hạnh, một trong Tứ bất tử của Việt Nam (Bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, bao gồm Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương (Thánh Gióng), Chử Đồng tử, và Liễu Hạnh Công chúa). Trong hệ thống đạo Mẫu, thờ Tam phủ hoặc Tứ phủ, Tam phủ gồm có: Thiên phủ (miền trời), Nhạc phủ (miền rừng núi), Thoải (Thủy) phủ (miền sông nước), nếu thuộc hệ thống Tứ phủ, ngoài Tam phủ kể trên thêm một phủ nữa là Địa phủ (miền đất đai).

                                                   Tam Tòa Thánh Mẫu.

Tam Tòa Thánh Mẫu là tín ngưỡng thờ Mẫu để chỉ hệ thống sáng tạo ra vũ trụ, gồm 3 vị Thánh Mẫu cai quản 3 miền của vũ trụ. Mẫu Thượng thiên cai quản miền Trời là hóa thân của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, được xem là vị Thánh Mẫu cao nhất, mang tư cách như một vị Giáo chủ còn gọi là Mẫu Đệ Nhất. Cai quản miền núi là Mẫu Thượng Ngàn là Mẫu Đệ Nhị, Mẫu Thoải (Thủy) cai quản miền sông nước là Mẫu Đệ tam. Tam Tòa Thánh Mẫu được thờ chung hàng ngang, Mẫu Thượng Thiên choàng khăn đỏ ngồi giữa, Mẫu Thượng Ngàn choàng khăn xanh bên trái, Mẫu Thoải choàng khăn trắng bên phải. Tam Tòa Thánh Mẫu, có lẽ cũng tương tự như trong những tôn giáo khác có số 3 linh thiêng, Tam Thế Phật (Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai) của Phật giáo, Ba Ngôi (Cha, Con, và Thánh thần) của Thiên Chúa giáo, hoặc Thiên, Điạ, Nhân của triết học Đông phương...

Sự tích của Liễu Hạnh Công chúa - Mẫu Liễu Hạnh, khá dài nên tôi không chép lại ở đây, chỉ nhắc sơ qua, theo truyền thuyết, Mẫu Liễu Hạnh vốn là Đệ nhị tiên chủ Quỳnh Nương ở chốn Thiên cung, vì phạm lỗi đánh vỡ chén ngọc phải đày xuống trần gian, ở lần đầu thai thứ nhì Bà (truyền thuyết nói Bà có 3 lần đầu thai xuống trần) vào nhà họ Lê ở Phủ Giầy, Vụ Bản, Nam Định từ đời Thiên Hựu (1557), bố mẹ đặt tên là Giáng Tiên, năm 18 tuổi lấy chồng là Đào Lang, sinh được một con trai, mấy năm sau hết hạn xuống trần mất đột ngột trở về lại Thiên đình... Truyền thuyết có nói tới chuyện sau Bà nhớ chồng con lại xin Thượng đế cho xuống trần, chuyện bà gặp Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan ở Lạng Sơn, ở Hồ Tây, chuyện bà trừng phạt một hoàng tử lúc ấy, ở đèo Ngang vì dám ve vãn Bà... Sau Bà thường giúp quân triều đình dẹp giặc, giúp dân chúng tai qua nạn khỏi được nhân dân lập đền thờ, triều đình phong tặng là Chế thắng Hòa diệu Đại vương, người dân tôn Bà làm Thánh Mẫu. Lễ hội giỗ Mẫu Liễu Hạnh được người dân tổ chức vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch.

                                          



"Tháng tám giỗ Cha", Cha ở đây là Bát Hải Đại Vương (Bát Hải chứ không phải Bắc Hải), theo GS-TS Ngô Đức Thịnh, Bát Hải Đại Vương hóa thân thành một vị võ tướng của Hùng Vương, thuộc hệ thống thờ Thoải Phủ trong Đạo Mẫu, theo truyền thuyết Quan Tam Phủ là con của Bát Hải Đại Vương. Trong dân gian có người coi Đức Thánh Trần là Bát Hải Đại Vương, nhưng thực ra  không phải, trong Đạo Mẫu Đức Thánh Trần được quy về dòng Long Vương, Bát Hải Đại Vương thuộc Thoải Phủ. Cũng có nơi đã đặt Đức Thánh Trần riêng thành một Phủ - Phủ Nhân Thần, Phủ Trần Triều. Có khi ngài được đồng nhất sánh với Thánh Mẫu, với Bát Hải Đại Vương. Ngày giỗ và lễ hội của ngài cũng đồng nhất với ngày giỗ Bát Hải Đại Vương, ngày mất của Đức Thánh Trần là 20 tháng 8 âm lịch, ngày mất của Bát Hải Đại Vương là 28 tháng 8 âm lịch.

Dưới đây là một đoạn Văn chầu Trần triều hiển thánh:

Lòng thành đốt một nén hương
Trần triều thượng đẳng thánh vương thuở này
Xem trong quốc sử mới hay
Chép biên thánh tích khi nay tỏ tường...









Cũng theo GS-TS Ngô Đức Thịnh trong Đạo Mẫu tuy mỗi địa phương có những khác biệt trong việc thờ phượng, nhưng có thể đưa ra một hệ thống điện thần của Đạo Mẫu như sau:
- Phật Bà Quán Âm.
- Ngọc Hoàng.
- Tam vị Thánh Mẫu ( Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Địa Tiên Thánh Mẫu).
- Ngũ vị Quan Lớn (Từ Đệ Nhất đến Đệ Ngũ).
- Tứ vị Chầu Bà (hay Tứ vị Thánh Bà) là hóa thân trực tiếp của Tứ vị Thánh mẫu.
- Ngũ vị Hoàng Tử (từ Đệ Nhất đến Đệ Ngũ).
- Thập nhị Vương Cô (gọi theo thứ tự từ 1 đến 12).
- Thập nhị Vương Cậu (gọi theo thứ tự từ 1 đến 12).
-  Ngũ Hổ.
- Ông Lốt (rắn).

Nói tới Đạo Mẫu hay tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần mà không nói chuyện lên đồng thì thật thiếu sót (ở đền Đức Thánh Trần Saigon không có hình thức lên đồng, chỉ có tế lễ thánh qua lễ tế nam và lễ tế nữ). Lên đồng còn gọi là hầu đồng, hầu bóng... là một nghi thức trong tín ngưỡng dân gian, không chỉ là của Việt Nam, mà còn của nhiều dân tộc. Đây là một hình thức giao tiếp giữa thần linh và con người, thông qua những bà đồng, cô đồng, hay ông đồng. Tín ngưỡng dân gian trong lên đồng tin rằng các thần linh có thể nhập vào các bà đồng, ông đồng nhằm phán truyền, chữa bệnh, diệt trừ tà ma, cứu nạn cứu khổ, hay phát lộc, thường là oản, kẹo, bánh, có khi là tiền, mang lại sự may mắn cho tín đồ. Khi thần linh nhập vào họ thì các bà đồng, ông đồng không còn là họ, mà là hiện thân của thần linh.

                                         Tế nữ ở đền Đức Thánh Trần Saigon.




Có tất cả 38 vị thánh được thờ trong hệ thống điện thờ Tứ Phủ, tương ứng với 38 giá đồng. Lễ hầu đồng thường diễn ra ở các điện, phủ... trong một không khí rất đặc thù, kính cẩn, trang nghiêm, giữa không gian mờ ảo đèn nến, mùi nhang khói, những màu sắc mạnh của điện, phủ (điện, phủ thường được sơn phết bằng những màu rất chói như màu đỏ, vàng...), giữa những tiếng nhạc, đàn ca của những nhạc cụ bát âm, giữa những động tác, điệu múa, y phục, nét mặt... của đồng cô, đồng cậu khi thánh thần nhập... Trong một không gian như thế, con người dễ có cảm giác hòa nhập với thần linh, với những gì mình tin tưởng. Một buổi lễ lên đồng thường theo những bước sau đây:

- Mời thánh nhập (thánh giáng)
- Kể sự tích và công đức thánh.
- Xin thánh phù hộ.
 - Đưa tiễn (thánh thăng), khi thánh thăng, giá đồng thường chấm dứt với câu hát "xe loan thánh giá hồi cung" của cung văn.

Cũng không thể không nhắc tới cung văn trong một buổi lên đồng. Đó là giàn nhạc hầu bóng gồm những nhạc công sử dụng những nhạc khí cổ truyền. Thường có một đàn nguyệt, một đàn nhị, một trống con, một cảnh đôi, một phách. Trong những buổi lễ lên đồng lớn có thể có thêm trống lớn, chiêng, sáo, tiêu...




Người đứng hầu đồng thường gọi chung là thanh đồng, nam giới được gọi là cậu, nữ giới được gọi là cô hay bà đồng. Trong một buổi lên đồng có nhiều giá đồng, thanh đồng đang ở giá đồng nào thì những người phụ đồng phải thay mới bộ trang phục tương xứng với vị thần linh trong giá đồng đó. Thường có 2 hoặc 4 người phụ đồng trong một buổi lên đồng, gọi là nhị trụ hoặc tứ trụ, những phụ đồng này có nhiệm vụ chọn lựa y phục thích hợp với thần linh trong giá đồng, qua dấu hiệu của cô đồng, ông đồng khi thần linh đã nhập (giáng). Đối với vị thần giáng là thần thuộc Thiên Phủ y phục của cô đồng, ông đồng có màu đỏ, Nhạc Phủ thì màu xanh, Thoải Phủ mặc màu trắng, và Địa Phủ mặc màu vàng. Thần là võ tướng thì cô đồng, ông đồng sẽ cẩm kiếm, đao mà múa, nếu thần thuộc Thoải Phủ thì cầm bơi chèo, thần thuộc Nhạc Phủ (Phủ Thượng Ngàn, miền rừng núi) thì mặc quần áo của người dân tộc thiểu số...





Lên đồng có phải là mê tín? Nếu đã xem đây là một tín ngưỡng dân gian thực tế đã có từ bao đời nay, thuộc lãnh vực tâm linh của con người thì không thể nói là mê tín, bởi nói cho cùng tôn giáo nào chẳng có ít nhiều mê tín? Có điều mảnh đất đồng bóng, đồng cốt, xưa nay dễ phát sinh những chuyện không hay, lợi dụng niềm tin của người khác để làm điều xằng bậy, trục lợi (điều này không phải là tín ngưỡng), hoặc như bây giờ tôi nghe nói, đây đó người ta lên đồng, nhưng hình như đa phần chuyện lên đồng bị lợi dụng, nghe gọi là "đồng đua, đồng diễn"...


Tham khảo:

- Những kiêng kị dân gian Việt Nam, Ánh Hồng biên soạn, NXB Thanh Hóa xuất bản năm 2004.
- Hành trình vào thế giới Folklore Việt Nam, GS Vũ Ngọc Khánh, NXB Thanh Niên xuất bản năm 2005.
- Lên đồng - Hành trình của thần linh và thân phận, GS-TS Ngô Đức Thịnh, NXB Trẻ xuất bản năm 2008.
- Nghi lễ thờ Mẫu, Thuận Phước, NXB Thời Đại xuất bản năm 2011.

* Ảnh internet.


24 nhận xét :

  1. Bà xã đang sai vặt
    sẽ đọc lại hihihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đấy là cái "tối thượng" bác Bu à, tôi cũng thế, hìhì!

      Xóa
  2. HN xưa nay cứ nghe nói rồi nó nằm luôn trong đầu đến giờ câu "Tháng 7 thờ cha, tháng 3 thờ mẹ", câu này nghe được hồi đi học ở Huế khi mỗi năm ở thành phố có 2 lần bổn đạo Tiên thiên Thánh mẫu cúng cha cúng mẹ, tổ chức đoàn diễu hành có voi, có ngựa, có khỉ từ phố lên tận Điện Hàng Chén (còn gọi là Huệ Nam Điện/ Ngọc Trãn Điện) về phía thượng nguồn sông Hương. Sở dĩ nhớ lâu cũng vì năm tháng trùng với câu ca dao "Ếch tháng ba, ga tháng bảy" và còn một trùng hợp nữa trong y khoa sẽ nói vào dịp khác. Rất may, nhờ có anh TT rồi bác NHP nói để biết là mình sai, lỡ nói "bậy", người biết nghe được, cười "thúi đầu". Cám ơn anh TT và bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao... trong đó có ngày, tháng thì nhiều lắm bác HN, rồi cũng có những dị bản nữa, câu bác HN nằm lòng biết đâu lại là một dị bản để nói lên về một điều gì đó? Có thể là một câu truyền tụng nói lên điều gì đó của một địa phương không phổ biến rộng rãi?

      "Anh TT" là "chị TT" ở Hà Nội đó bác HN, hihi!

      Xóa
    2. điện "Hàng Chén" lúc ra Huế, M nghe gọi là "Hòn Chén" và có nghe giải thích tên đúng là điện "Hoàn Chén" do người Huế phát âm "Hoàn" nghe trại ra thành Hòn . Hoàn chén của nghĩa là trả lại chén ngọc cho vua theo một sự tích gì đó . Là nghe kể lại lõm bõm như vậy . điện Hòn chén là nơi diễn ra các hoạt động lên đồng và hát chầu văn ngoài nớ .

      Xóa
    3. Về tên Điện Hòn Chén ở Huế, theo Đại Nam Nhất Thống Chí ghi còn có tên nữa là Hương Uyển, do các núi ở phía Tây bắc trùng trùng điệp điệp, như rồng cuộn, như hổ chầu. Còn tên Điện Hòn Chén sách giải thích là "một trái núi tròn và ngay thẳng như cái chén, nên gọi là Ngọc Trản (Chén ngọc)".
      Trong sách Viêm Giao Trưng Cổ Ký (Ghi chép sưu tập di tích cổ nước Nam) của Cao Xuân Dục, chép: Núi Ngọc Trản (Núi Hòn Chén), núi ở huyện Hương Trà, mạch núi từ phía Tây Bắc trập trùng kéo về, hình như rồng cuộn hổ ngồi, quanh co đổ về hướng Nam, thẳng tới bờ sông Hương thì nổi lên một đỉnh tròn giống như hình cái chén, nên mang tên như thế".
      Còn tên "Hàng Chén", "Hoàn Chén", có lẽ là do âm gọi "Hòn Chén" của người Huế, bạn Marg. còn nhớ tên "Bánh khoái" chứ? Nhiều người nói là "Bánh khói" chứ không phải "Bánh khoái", khói ở đây là khói bếp (xưa đổ bánh bằng than, củi khói lên nhiều quá), khoái là do ân tiếng Huế đọc trại khói mà ra.
      Điện Hòn Chén cũng là nơi ngày xưa diễn ra lên đồng và các vua nhà Nguyễn hay đến đó lễ, cầu khấn.

      Xóa
  3. Quyển Đạo mẫu Việt Nam 850 trang của Ngô Đức Thịnh để yên trên giá sách thỉnh thoảng bu tui lôi ra đọc..... phụ lục hihihihi. Xem lại thấy PNH nói đúng sách rồi không bàn cãi chi nữa.
    Tín ngưỡng người Việt ta quá nhiều, quá ngóc ngách, tín ngưỡn đa thần mà. Thế hệ trước tin, thế hệ sau tin theo, không bàn cãi chi thêm. Nó Không có kinh luật luân như đạo Phật, không có một hệ thống thần quyền vĩ đại như đạo Thiên chúa.... nên không có gì mà đọc chỉ nghe các cụ truyền khẩu nhau rồi... quên liền. ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tín ngưỡng dân gian mình là thế, đúng như bác Bu nói, cứ thế mà tin, cha truyền con nối chẳng thắc mắc chi cho mệt. Đạo Thiên chúa còn đỡ bởi kinh sách của họ thống nhất, còn kinh sách Phật giáo thì... rối bời.

      Xóa
  4. Cám ơn Bác Hiệp về bài viết công phu nhưng bây giờ em mới nghe thấy là trong đạo Mẫu có thờ Phật Bà Quan Âm. Xưa nay đạo Mẫu là thờ các vị Thánh còn Phật Bà Quan âm là Phật chứ có phải là thánh đâu ạ? Theo em hiểu Thánh là những nhân vật lịch sử có thật trong cuộc đời, có công với nước với dân và khi mất được hiển thánh/phong thánh.
    Đa số những người ra hầu đồng thờ Thánh là những người có căn đồng nặng không trốn được hoặc những người còn ham buôn bán làm ăn, mong cầu tài lộc, công danh địa vị .... Khi họ buôn bán, đánh quả, tham nhũng, hối lộ... và kiếm được rất nhiều tiền nhưng lòng không yên nên phải ra hầu thánh, lên đồng để tán bớt lộc đi và cầu xin các vị Thánh che chở cho họ. Còn đạo Phật dạy chúng sinh rũ bỏ tham sân si, sống thanh tịnh an lạc nên những người cầu mong giầu có, lợi danh...theo Thánh nhiều hơn theo Phật.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đấy là tôi trích dẫn theo sách Đạo Mẫu của GS-TS Ngô Đức Thịnh, ông có nói tùy mỗi nơi thờ Mẫu có khác, nhưng nhìn chung thì cái hệ thống điện thờ của Đạo Mẫu thờ như thế, tôi thấy cũng có lý, bởi dân gian cũng có câu "Tiên Phật hậu thánh". Ở Đền Đức Thánh Trần Saigon thờ như thế, chánh điện thờ Phật, hậu cung mới thờ Đức Thánh Trần.
      Đúng là trong thờ Thánh thì người ta cầu xin những cái có lợi hơn là bên đạo Phật, dạy rũ bỏ tham, sân, si... Thiện tai!

      Xóa
  5. Cám ơn bác Hiệp về bài viết công phu, ảnh minh họa đẹp!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Vũ Nho đã ghé chơi, có các bác, các bạn đến nhà là vui rồi.

      Xóa
  6. Mùa Thu Buồn chỉ qua chào Bác Hiệp cái rồi dìa, để các Bác bàn luận, ví hông biết gì hết các Bác ạ.....Hihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Coi bộ người này rành về "xơi" hơn là "tâm linh", hihi!

      Xóa
  7. Trong cuốn Các nữ thần Việt Nan của Đỗ thị Hảo và Mai Ngọc Chúc (1984) có nói tới 75 nữ thần.
    Cái đích hướng tới của người Việt là sự phồn thực cho nên các mẫu không phải là các cô gái trẻ đẹp mà là các mẫu, tức các mẹ. Dân tốc nào mà chẳng do mẹ sinh ra nhưng với người Việt thì thờ mẹ thành một đạo hẳn hoi là đạo mẫu. Tổ quốc là mẹ hiền, nhà thơ cộng sản gộc Tố Hữu thiết tha: Huế ơi quê mẹ của ta ơi. Nhà thơ bị cộng sản riềng Phùng Quán viết lời mẹ dặn. Ngày nay nhà nước phong bà mẹ Việt Nam anh hùng. Quán thế âm đang đàn ông biến ra đàn bà. Bồ tât Địa tạng vốn là một phụ nữ....Từ đây bu tui tự hỏi tai sao các nước quanh ta không có vụ thờ mẫu "hăng say" đén như vậy...Trả lời kiểu chi thấy cũng chưa xong hihihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng như bác Bu nói, người Việt thờ Mẫu như là một Đạo, không chỉ có Tam Tòa Thánh Mẫu, Tam Phủ, Tứ Phủ, mà còn có Tứ Pháp (Pháp vân, Pháp vũ, Pháp lôi, Pháp điện), đại khái thờ các hiện tượng tự nhiên như mây, mưa, sấm, chớp. Nhưng ta cũng hay là tiêu biểu bằng hình ảnh phụ nữ. Ở ngoài bắc có chùa Bà Dâu (Pháp vân), chùa Bà Đậu (Pháp vũ), chùa Bà Tướng (Pháp Lôi), chùa Bà Dàn (Pháp điện). Chắc liên quan tới Mẫu hệ ở xứ ta (tín ngưỡng phồn thực).

      Không biết nước ngoài hay lấy tên phụ nữ đặt cho những cơn bão thì ra sao?

      Xóa
    2. Hihi, vụ tên bão bị Các Người Đẹp phản đối quá, nên từ năm 1979 có cả Ông lẫn Bà đề huề, bác Phạm à!

      Xóa
    3. Mấy cái người đẹp này rách việc, người nước ngoài (nhất là Tây phương) thì có coi trọng, quý mến, người ta mới lấy tên mà đặt. Đúng là sau này lấy đủ thứ tên đặt hết, từ năm 1979 lận hả bác Nô>

      Xóa
  8. Thú vị thật, đọc rồi vẫn ưa đọc lại, càng có thêm comment và reply, càng rõ thêm nhiều điều. Xin cám ơn chư liệt vị!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi cũng giống như bác HN, vào nhà bạn bè đọc, hay qua ý bạn bè mới vỡ ra nhiêu điều.

      Xóa
  9. Một thời mà người ta gọi là "ấu tả", miếu mạo ở quê Nô bị đập phá tan tành, nhiều tín ngưỡng bị liệt vào ... cái rọ mê tín dị đoan, Đạo Mẫu này cũng không thoát. Nhưng rồi dòng chảy đó vẫn âm ỉ chảy mãi, chảy mãi... chẳng có "ý muốn" nào tiêu diệt được!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái "ấu tả" này nó đi từ cực đoan này sang cực đoan kia, lúc cấm thì cấm tất, lúc buông thì nhắm mắt mà buông, chẳng biết cái gì tốt xấu. Nhưng những gì thật sự là chân lý thì sẽ còn mãi, khải không bác Nô?

      Xóa
  10. Đạo Mẫu là đạo của cuộc sống phồn thực, muốn gì cầu nấy, từ trúng đề đến tình duyên, từ phát tài đến phát quan... nên các vị Cha, Mẹ cũng "phải" đáp ứng các nhu cầu đó. Vì thế, mang sách ra thì khó tìm thấy chuẩn lắm các bác ạ, hay nói cách khác là nhiều chuẩn lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đạo Mẫu là "tín ngưỡng dân gian", cho nên nó có những "lý lẽ" riêng, đúng như Toro nói, khó mang sách vở, lý thuyết ra để luận.

      Xóa

:) :( :)) :(( =))