Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2013

Vài loại xe cộ xưa và xe bình bịch, xe gắn máy ở Saigon.

Bên nhà bạn DungNobita có bài viết về chuyện bán dạo ngày xưa, trong comments bạn DungNobita và bạn HN có nói tới vụ con nít xưa khoái hít mùi khói xăng. Hihi! có thể thuở nhỏ tôi không ở cùng nơi chốn với hai ông bạn này, nhưng cái vụ khoái hít mùi khói xăng thì trẻ con ở đâu cũng thế. Nói tới chuyện này tôi lại nhớ tớ hồi còn là chú nhóc, nhưng trước khi nói chuyện khoái hít khói xăng tôi muốn nhắc qua về vài loại xe cộ xưa thời tôi còn nhỏ ở Saigon.

Vào khoảng nửa cuối của thập niên 50 thế kỷ trước, khi các cụ tôi mới từ miền Bắc vào Saigon được vài năm, lúc đó tôi chỉ mới dăm bảy tuổi, nơi tôi ở còn là ngoại ô của khu trung tâm Saigon. Những năm xưa ấy đường xá Saigon còn nhỏ hẹp, khu ngoại ô thì lèo tèo nhà cửa, xe cộ, đúng như những bài hát về những khu xóm ngoại ô sau này, ngõ nhỏ, nhà thấp, đèn đường vàng vọt hiu hắt. Ngoài đường phổ biến là loại xe do bò ngựa kéo, xe ngựa mà trong miền Nam gọi là xe thổ mộ còn chạy đầy, vó ngựa lóc cóc trên đường, bên hông chợ Tân Định quận 1 còn con đường nhỏ mang tên Mã Lộ, (trong sách của cụ Vương Hồng Sển nói gọi là xe thổ mộ tại cái mui của nó cong cong lùm lùm trông như cái mả đất). Xe ngựa hay xe thổ mộ và cả xe bò kéo lỉnh kỉnh chở người và hàng hóa, xe ngựa thường chở khách, người buôn thúng bán bưng, đa số là chở hoa, rau củ ở vùng Hóc Môn, Gò Vấp gọi chung là hàng thanh bông... vào cung cấp cho thành phố mỗi ngày. Người thì ngồi trong lòng xe, còn gánh, thúng thì buộc trên mui hoặc hai bên hông xe.

                                       Xe thổ mộ xưa giữa trung tâm Saigon.

 Xe ngựa chạy tốc độ cỡ bằng người đạp xe đạp nhanh, chạy như thế cách nay năm, sáu mươi năm đã là khá, cuộc sống khi ấy còn chậm chứ không gấp gáp như bây giờ. Còn xe bò thì như người đi bộ, xe bò thường chở những cây tre, tầm vông dài thậm thượt quét đất, khi đi bánh xe bằng gỗ phát ra những tiếng lộc cộc, lộc cộc. Khi ấy thỉnh thoảng mới thấy một chiếc xe hơi, hay xe gắn máy hai bánh, phổ biến hơn là xe đạp, mà đám con nít miền Nam gọi là xe máy. Hình ảnh trên đây tiêu biểu cho chiếc xe thổ mộ ở Saigon vào những năm năm mươi mấy, sáu mươi, với bác xà ích (sais, tiếng Mã Lai) người miệt Hóc Môn mười tám thôn vườn trầu (vùng này xưa nuôi nhiều ngựa đua và ngựa kéo xe), bác ta đội chiếc mũ nỉ ngồi vắt vẻo ở càng xe, miệng thường "bập" điếu thuốc rê Gò Vấp, bên trong thùng xe trải chiếu cho khách ngồi xẹp xuống sàn, gánh hàng thì cột trên mui và hai bên hông xe. Xe thổ mộ chở được chừng dăm người khách cùng hàng hóa, người ngồi sát vào nhau kiểu cá mòi, sau này có xe lam thay thế, cũng là loại xe chuyên chở rẻ tiền của đa số dân nghèo buôn gánh bán bưng. Đặc điểm của xe thổ mộ là không có thắng, muốn dừng, hay quẹo trái quẹo phải là ở bác xà ích điều khiển con ngựa.

                                                           Xe lam.



Bắt đầu khoảng thập niên 60 có một loại xe nhỏ gọn chuyên chở công cộng thay cho xe thổ mộ, đó là xe lam ba bánh. Xe do hãng Lambretta của Ý sản xuất nên người dân gọi luôn là xe lam. Xe ngựa chạy nghe lóc cóc cùng tiếng lục lạc buộc ở cổ ngựa leng keng vui tai, xe lam cũng có tiếng máy nổ phành phạch đặc trưng, xe càng cũ thì tiếng máy càng kêu to, và mức độ ô nhiễm về khói do xe thải ra là vô địch, xe lam cũng thuộc loại vua chạy ẩu, muốn lấy ra là ra muốn tắp vô là vô, người đi đường phải biết ý mà tránh.

Sau năm 75 cuộc sống ở miền Nam nói chung và Saigon nói riêng bắt đầu khó khăn, xăng chạy xe lúc ấy là món hàng chiến lược không bán ở thị trường, giới chạy xe chở khách đường xa gọi là xe đò lúc ấy có "sáng kiến" chuyển từ chạy xăng sang chạy bằng than. Ông cụ tôi nói việc đó không phải là mới mẻ gì, ở ngoài Bắc vào khoảng thập niên 40, do khó khăn xe cũng được chuyển chạy bằng than như thế. Chiếc xe chạy bằng than được gắn thêm một cái lò hơi nước phía sau trông thô kệch và khá buồn cười, ai mà ngồi gần cái lò này thì phải biết, nóng chảy mỡ.

                                       Xe đò chạy bằng than sau năm 75.


Tôi vừa nhắc đến vài loại xe chuyên chở công cộng quen thuộc thời trước đây ở Saigon, có cả xe buýt và xe tắc xi nữa. Còn về loại xe cá nhân thì chiếc xe đầu tiên hai bánh có gắn máy trong xóm lúc tôi còn nhỏ chính là một chiếc mô tô mà tụi nhóc như tôi gọi theo cách của gọi người lớn là xe bình bịch. Đấy là chiếc xe của ông bác hàng xóm ngay cạnh nhà tôi, hình dáng chiếc xe trông na ná  như chiếc xe hình bên dưới. Lúc ấy còn nhỏ quá tôi chẳng biết nó hiệu gì, của nước nào sản xuất, lớn lên thì biết hình như là xe hiệu BMW của Đức, mà hồi đó gọi là Tây Đức, một dòng xe nổi tiếng cho đến tận ngày nay. Tôi vẫn còn rất nhớ ngày ông bác ấy mang chiếc xe bình bịch về dựng trước cửa, cả xóm kéo tới xem, trầm trồ chiêm ngưỡng. Mà tại sao lại gọi là xe bình bịch nhỉ? chứ không kêu là mô tô như về sau này?  Bình bịch, chính là gọi theo tiếng máy của xe, khi nổ máy xe kêu bình bịch, bình bịch, khi rú ga (rồ ga) thì tiếng bình bịch nhanh, gấp gáp, liên hồi, nghe giòn giã, và như tôi đã nói, gọi như thế là theo người lớn không phải do con nít đặt.

                                                             Xe bình bịch.

Về tên gọi xe bình bịch. Tôi thử tra trong vài quyển từ điển thì thấy chỉ có những quyển từ điển do các học giả miền Bắc biên soạn, có lẽ khoảng từ năm 1950 trở về sau này mới có từ bình bịch, xe bình bịch, khi loại xe này xuất hiện tại Việt Nam. Chẳng hạn như quyển Từ điển Tiếng Việt, nhiều tác giả, Văn Tân chủ biên, nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản năm 1967. Từ điển Tiếng Việt, nhiều tác giả, Hoàng Phê chủ biên, nhà xuất bản Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học in lần thứ 5 năm 1997. Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân, nhà xuất bản TP HCM xuất bản năm 2000. Còn từ điển thuộc các tác giả miền Nam viết xưa nay in tại Saigon không thấy có từ xe bình bịch. Sau này ở Saigon không còn gọi là xe bình bịch nữa, mà gọi là xe mô tô, chắc là do tiếng Pháp Motocycle, hoặc tiếng Anh Motor. Người ta dùng từ mô tô là để chỉ những loại xe phân khối lớn, khoảng từ 125cc trở lên, trông cồng kềnh. Còn loại xe 50cc nhỏ gọn thì gọi chung là xe gắn máy. Riêng loại xe phân khối máy lên tới 150cc, hoặc 175cc hiệu Vespa hay Lambretta nhập từ nước Ý thì không gọi là mô tô, mà dùng từ Xì cút tơ, tiếng Anh Scooter, tiếng Pháp cũng viết là Scooter, loại xe này đường kính bánh xe nhỏ hơn mô tô, xe gắn máy.

 
                                                             Xe Vespa.

Buổi sáng ông bác hàng xóm xách xe đi làm, thoạt tiên ông bác này dắt chiếc xe bình bịch ra trước sân, ngồi lên xe và... làm dấu thánh nhắm mắt lẩm nhẩm cầu nguyện, chẳng là xóm tôi ở là dân di cư, đa số theo đạo Thiên chúa giáo. Vài phút cầu nguyện xong ông bác hàng xóm mới đeo đôi găng tay da màu đen, kính râm, rồi đạp máy. Xe bình bịch vào thời ấy chưa tiện nghi nổ máy đề bằng điện như xe mô tô, gắn máy bây giờ, khi máy xe đã nổ giòn thải ra một đám khói trắng rồi lao vút đi, là lúc mấy đứa nhóc tì tụi tôi chơi quanh đó xúm lại hít lấy hít để cái đám khói trắng ấy. Quái lạ nhỉ, bây giờ ra đường phải đeo khẩu trang y tế, sợ khói bụi muốn chết, vậy mà thời nhỏ ấy đám nhóc lại mê hít cái đám khói xăng độc hại ấy, hình như nó có mùi thơm của xăng nên hấp dẫn đám con nít.

Vài năm sau khi đã lớn lên chút ít, đi học tiểu học, xe gắn máy (50cc) đã bắt đầu chạy trên đường thì đám nhóc tụi tôi mới thôi cái trò hít khói xe. Nói về xe gắn máy, tôi nhớ ông cụ tôi là người thứ nhì sắm xe trong xóm, thời ấy là chiếc xe Mobylette 3 sườn màu vàng kem của Pháp, ngày ông cụ tôi mang chiếc xe về cũng thế, cũng cả xóm kéo đến trầm trồ, và khi được ông cụ cho leo lên ngồi phìa sau chở đi một vòng thì khỏi phải nói, sướng mê tơi.

                                                     Xe Mobylette 3 khung. 

Kỷ niệm về chiếc xe này thì trước đây tôi đã viết bên Yahoo 360, có lần ông cụ tôi chở tôi đi, không biết ngồi sau ngủ gật sao đó mà tôi rơi xuống đường lúc nào mà ông cụ tôi không biết, một hồi không thấy động tĩnh phía sau lưng ông cụ tôi mới quay xe lại tìm, thấy tôi đang đứng ở lề đường chân tay trầy xát, vậy mà tôi tỉnh bơ chẳng kêu ca gì cả, kể ra hồi nhỏ tôi cũng thuộc loại lì lợm.

Vài năm sau ông cụ tôi đổi chiếc xe khác, đó là chiếc xe máy Sach của Đức, thời đó cũng mới nhập vào miền Nam, nổi tiếng với dòng xe hiệu Gobel, ông cụ tôi đi chiếc xe có hình dáng tương tự như chiếc xe bên dưới.

                                                            Xe máy Sach. 

Về sau, đâu như khoảng giữa thập niên 60, tôi thấy ông cụ tôi đi một chiếc xe khác nữa, đó là chiếc xe hiệu Puch của Áo (Austria) màu đỏ, lúc đó được gọi là Puch 3 đèn, cũng thuộc loại xe thời thượng ở Saigon bấy giờ, trước khi những dòng xe gắn máy như Mobylette, Vélo Solex, Sach, Puch của Châu Âu bị loại xe của Nhật hạ bệ. Nói về chuyện xe cộ lúc đó, tôi nhớ có nghe ông cụ tôi kể chuyện, có một nhà tư sản tên là Đặng Đình Đáng ở Saigon, chuyên về các dòng xe gắn máy nhập từ Châu Âu, bao nhiêu vốn liếng ông ta đổ hết vào đấy, lập cả nhà máy lắp ráp, đến khi dòng xe của Nhật tràn sang đánh bại các loại xe gắn máy cũ, ông ta phá sản và buồn phiền đến nỗi phải tự tử. Khi xe gắn máy của Nhật sản xuất đã lấn át xe gắn máy Châu Âu, thì nhiều người gỡ máy xe gắn vào xe ba gác đạp để biến thành xe ba gác máy, chở được khá nhiều hàng hóa, như một xe tải nhỏ.

                                                               Xe Puch

Khoảng từ năm 1967 về sau thì ông cụ tôi cũng chuyển sang đi xe gắn máy của Nhật Bản sản xuất, đó là chiếc xe cũng nổi tiếng một thời, gọi là xe 67 vì ra đời vào năm 1967, (xe Nhật gồm các thương hiệu Honda, Yamaha, Suzuki, Kawasaki, được chuộng xưa nay là hiệu Honda), các loại xe gắn máy của Châu Âu như tôi kể bên trên không còn sản xuất nữa, dần trở thành đồ cổ...

                                                       Xe Honda 67.


Nhân đây tôi cũng xin nhắc qua chuyện đi xe gắn máy ở Saigon khi xưa. Xe hai bánh gắn máy của Nhật nhập vào miền Nam chỉ có loại xe 50cc, không được nhập loại trên 50cc vì lý do an ninh. Thoạt đầu người ngồi sau xe tùy nam hay nữ mà ngồi để chân hai bên hay một bên, nam thì để chân hai bên còn nữ thì ngồi nghiêng để hai chân sang một bên, kể cả khi mặc áo dài, váy, hay quần tây, nhưng sau cũng vì lý do an ninh chính quyền ra lệnh nam ngồi sau xe gắn máy cũng phải để hai chân về một bên như nữ, mới đầu ngồi hơi ngượng và trông kỳ cục nhưng sau quen. Sau năm 75 thì lệnh này không còn, và thói quen này người dân cũng bỏ. Bây giờ như chúng ta thấy nữ mà ngồi sau xe mô tô, gắn máy ngoại trừ mặc áo dài hay mặc váy mới phải ngồi nghiêng một bên, còn mặc quần tây thì thoải mái ngồi hai bên như nam...


* Ảnh trong entry được lấy trên mạng.


27 nhận xét :

  1. Lâu lắm mới nghe lại từ Xe Bình Bịch :)

    Trả lờiXóa
  2. Đọc và xem những hình ảnh này lại nhớ ngày xưa. Hồi bé tý em thấy ông hàng xóm ở phố có chiếc xe máy cổ kêu phành phạch mà mỗi lần ông ấy đi là mọi người lại nhìn theo đầy ngưỡng mộ, hehe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày xưa tụi tôi nhìn ông bác đi xe máy này với "tất cả ngưỡng mộ" luôn, chỉ mơ lớn lên mình cũng có cái xe như thế :-))

      Xóa
  3. Anh Hiệp trí nhớ còn tốt qúa. Tôi nhớ đi xe ngựa, có guốc hay dép thì cởi ra xỏ vào hai cái cọc bên thành cuối xe, rồi ngồi vào trong, đến khi tới nơi xuống thì gỡ guốc hay dép ra mang vào chân. Sài Gòn xưa còn được đi thuê xe đạp để đi đâu đó trả tiền theo giờ nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, trí nhớ của anh Minh còn tốt hơn tôi nữa, ở cái chi tiết đi xe ngựa hành khách phải cởi guốc dép xỏ vào bên thành cuối xe, xuống xe mới lấy xỏ đi lại, cái này tôi quên mất. Đúng rồi, xe đạp thời mới vào Nam đâu dễ gì có, phải thuê theo giờ mà đi.

      Xóa
  4. Đang được đọc lịch sử Sài Gòn qua lịch sử những chiếc xe hai bánh. Hay lắm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhà cửa, xe cộ cũng có thể kể chuyện về lịch sử được phải không bác Bu? Ở Saigon nhìn các kiểu nhà, vật liệu xây dựng, cũng có thể biết được nhà ấy xây thời gian nào.

      Xóa
  5. Chiếc xe Mobylette vàng là đời đầu tiên phải không bác H . Sau này có Mobylette màu xanh da trời , màu xám , hình dáng trông cứng cáp hơn . Hồi M đậu vào đệ thất, ngày khai trường được chị chở đi học bằng chiếc Mobylette xám , ngang qua vườn Tao Đàn lại liên tưởng tới cậu bé đi ngang qua vườn Luxembourg trong Ngày khai trường của Anatole France

    Hồi đó còn có xe Cady , xe PC thích hợp cho giới nữ đi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chiếc Mobylette vàng trên hình thuộc đời đầu của dòng xe Mobylette sang Việt Nam, nó chỉ "khá" hơn xe đạp ở bộ máy, cặp nhún phía trước (phía sau không có ống nhún), còn cái khung xe trông giống giống chiếc xe đạp. Sau đến đời Mobylette xám (xe sơn màu xám), rồi đến Mobylette xanh (sơn màu xanh), loại này bình xăng ở khung xe như xe máy Sach chứ không nằm dưới yên xe nữa. Dĩ nhiên càng về sau xe càng cứng cáp tiện nghi hơn. Chà, truyện của Anatole France hay hết sẩy luôn.

      Xe Cady của Pháp, xe PC thuộc loại xe Honda của Nhật thời trước năm 75 là loại xe thích hợp cho thiếu nữ, thiếu niên, học sinh trung học. Khoảng năm 68 tôi được sắm cho chiếc PC đi học, quá sướng.

      Xóa
  6. Chiếc Velo Solex, Cady bác Phạm chỉ nhắc sơ qua! Uổng quá, vì không thể không nhớ những dáng kiều thơm trên hai loại xe này!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi vẫn nghĩ, thổ mộ liên quan đến chữ "độc mã", hơn là cụm từ "mộ đất"!

      Xóa
    2. Chiếc Vélo Solex đúng là nổi tiếng một thời với dáng xe cao cao và tà áo dài phất phới bay trong gió của một thời miền Nam, còn chiếc Cady dáng xe lại thấp thấp, hiền thục hơn chiếc Vélo, bác Nô nói đúng là hơi uổng vì không lựa hình đưa lên. "Dáng Kiều thơm", hihi, một từ rất "đắt" để gọi những thiếu nữ duyên dáng khi xưa. Cám ơn bác Nô đã nhắc :-))

      Xóa
    3. "độc mã", cũng là một cách giải thích rất hay về xe "thổ mộ".

      Xóa
    4. Vélo Solex sang Việt Nam cũng có tới hai đời lận, kiểu cũ đèn tròn và kiểu sau đèn vuông phải không bác Hiệp?

      Xóa
    5. Đúng đó anh Minh, đèn tròn là xe đời trước, đèn vuông là xe đời sau khoảng cuối 60 đầu 70. Xe Velo Solex có máy phía trước đầu xe nên hơi khó đi đối với phụ nữ.

      Xóa
  7. Những chiếc xe cổ nhìn hay quá ! Nhất là những chiếc xe lam , xe đò chạy bằng than ....Cảm ơn anh Hiệp về bài viết này vì vào những thập niên đó em mới vừa được sinh ra ...nên chẳng biết gì về chúng cả . Đến khi em lớn lên thì có thấy hình của ba em với chiếc Mobylette 3 khung ...lúc đó ba em còn trẻ măng hè ! Bây giờ được biết thêm những phương tiện giao thông cổ xưa ở đất nước mình ...hay quá anh ạ ....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chiếc Mobylette 3 khung xuất hiện vào khoảng nửa cuối thập niên 50 ở miền Nam, sang đến đầu những năm 60, chắc lúc đó "Ông Tía" của NangTuyet mới chừng mười mấy tuổi.
      Chiếc xe tắc xi hồi đó hiệu Citroen của Pháp nhỏ xíu giờ nhìn lại cũng thấy ngộ.

      Xóa
  8. Ông già anh H ăn chơi quá...NGoài Bắc xưa cũng gọi là xe bình bình. Trước 75 thì chỉ có xe của mấy nước Đông Âu, sau 75 mới có xe cũ từ miền Nam chuyển ra. Nhà ai có xe máy cũng là loại khá giả, giàu có rồi. Một cái Honda 50cc mang từ SG ra HN những năm 75-80 giá đến 3 cây vàng, đủ để mua căn nhà mặt phố nhỏ.

    Trước nữa, những năm 60-70 thì ở ngoài Bắc có xe đạp cũng đã là sự kiện tương tự anh H nói về nhà có xe máy ở trong đó.Cả xóm có đôi bà nhà có xe thôi. Người ta không nói là đi mua xe đạp mà "tạu" "tậu" xe. Nhà có xe đạp khi đó có khi oai hơn có ô tô bây giờ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói ông cụ "ăn chơi" thì có lẽ quá, nhưng cụ là dân học kỹ thuật xưa ở miền Bắc (dân học trường Bách Nghệ Hà Nội), cho nên cụ thích những gì mới liên quan đến kỹ thuật như xe cộ.

      Một thời khó khăn nhớ lại nhiều khi thấy buồn cười Toro nhỉ?

      Xóa
  9. THời đó àm cụ học Bách nghệ thì thật sự là một trí thức, không những kiến thức vững vàng mà tư cách trí thức cũng ghê lắm anh H nhỉ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông cụ tôi kể chuyện như thế này, lúc cụ còn là thiếu niên học trường Bách nghệ Hà Nội thì cụ ở Nam Định, học nội trú, nhưng buổi chiều thứ sáu thứ bảy gì đấy thì được về nhà. Ông cụ có cái xe đạp "cuộc" sườn bằng "đuya ra" của Tây, chiều cuối tuần là cụ đạp một mạch từ Hà Nội về Nam Định, trời chưa sáng thứ hai là cụ đã lại đạp xe trở lại Hà Nội để kịp giờ học sáng đầu tuần.
      Về cái xe đạp cuộc ấy vào khoảng năm bốn mươi mấy chỉ có "công tử" con nhà giàu mới có, phải đặt nhập từ Pháp. Cụ còn kể có thời gian đang học thì Việt Minh tiếp quản Hà Nội, học sinh chỉ chuyên vào việc sửa chữa súng ống.
      Đúng đó Toro, các cụ ngày xưa học trường Tây thì trí thức và tư cách là vào bậc nhất.

      Xóa
  10. Chiếc xe đạp ngày xưa quý lắm, nhiều người kỹ lưỡng không dám leo lên đạp ngay, mà một chân bỏ lên bàn đạp một chân đẩy cho xe chạy có trớn rồi mới dám leo lên đạp. Đi về còn làm hai cái móc treo chiếc xe lên cho bánh xe đỡ bị hư bánh. Giờ nghe lại cứ như nghe chuyện cổ tích.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Haha anh Minh nhớ giỏi lắm, xưa thời tôi nhỏ vẫn còn thấy nhiều người lớn đi xe đạp ở Saigon đi như thế, trước khi đi và trước khi xuống xe đều vậy. Cái xe đạp hồi ấy là cả một gia tài chứ chẳng chơi, mà hình như có tiền nhiều mà ở nhà quê cũng chẳng mua được, như ông cụ của tôi xưa, con nhà "đại gia có thần thế" mới sắm được, hìhì!

      Xóa
  11. Bác Hiệp viết lại những chuyện này dẫn người đọc tuổi hàng 6 ngơ ngẩn nhớ một thời! Nobita rất nhạy, tiếc là bác không post và không nhắc xe Vélo Solex dành cho phụ nữ! Riêng dòng xe dành cho nam giới, đồng thời hoặc sau xe Puch còn xe của hãng Sachs (Tây Đức), đời đầu là Ischia và đời sau là Goebel cũng không thấy, tiếc quá bác ơi..
    Chuyện xe lam dành cho người thu nhập thấp, HN nhớ cách đây vài tháng, cả nhà đến khu du lịch Dream World, cách Bangkok chừng 50km, thấy một chiếc xe (loại Toyota pick up bên mình cơi nới, lợp trần, hàn thêm band cho khách ngồi) như xe lam nhưng chở nhiều khách hơn dừng trả khách ở bãi đậu xe để khách vào mua vé tham quan nhưng không hiểu sao xuống xe xong khách lại xếp hàng bên cạnh xe và hướng về phía cabin. Nhìn kỹ thì ra họ xếp hàng để... trả tiền vì loại xe nhà nghèo, không tuyển thêm phụ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, xe Vélo Solex của Pháp thời đó mấy cô nữ sinh trung học mặc áo dài trắng phóng là phải biết, xe Goebel thời đó "bá cháy" luôn, tôi nhớ thoạt đầu ở Saigon tổ chức đua xe gắn máy ở sân Cộng Hòa và sân vận động Quân đội, thoạt đầu xe Goebel là bá chủ, sau xe Honda qua thì loại 67 lên ngôi.
      Xe lam hồi đó chạy chúa ẩu, cũng ít khi nào có "lơ" vì còn dành chỗ cho khách, giờ cao điểm có khi 2 bên bác tài còn nhét thêm 2 người :-)

      Xóa
  12. Tôi nhớ mãi khi chiếc Velo solex đèn vuông mới ra đời, nữ diễn viên nổi tiếng của Pháp Brigitte Anne-Marie Bardot (BB) chạy chiếc xe này trong phim. Chắc là họ PR cho chiếc xe này

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))