Thứ Sáu, 26 tháng 7, 2013

Trời cứu.


Ăn là cái quan trọng bậc nhất của cuộc đời, đứng đầu trong bốn cái quan trọng của nhân loại, người ta có thể không cần nhà cửa, vợ hoặc chồng con, hay cả... người yêu lẫn tài sản, xe cộ... nhưng chẳng ai không cần ăn. Vài ngày mà không có gì vào bụng là thấy ngay... ông bà ông vải. Ăn gì để sống? Cái câu hỏi và cũng là tựa của một bài báo trên báo Tuổi Trẻ tôi đọc hôm nay (26-7-2013), tôi đã chụp lại và post phía trên, câu hỏi xem ra có vẻ... kỳ cục. Ăn để cảm thấy ngon, khoái khẩu mới là vấn đề, chứ ăn chỉ để sống thì có gì mà phải đặt thành câu hỏi đăng trên báo? Ăn để sống thì thiếu gì thứ cơ bản, người mình có thể không cần xơi cao lương mỹ vị, ăn ít thịt, cá, nhưng gạo, bún, bánh canh, mì sợi... là thứ thường thấy trên mâm cơm hoặc ngoài quán xá. Bình thường thì cơm ngày hai bữa, cuối tuần nghỉ rảnh rỗi, con cái ở nhà thì đi chợ hay siêu thị mua ký bún, ký bánh canh, mì sợi... nấu đổi món cho dễ ăn.

Như các bạn đã biết, công bố mới đây của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng VN, chăm phần chăm các mẫu bún, bánh canh, mì sợi... mà Hội đã kiểm tra tại chợ, kể cả siêu thị đều có những vi khuẩn và hóa chất độc hại, nghĩa là hàng ngày chúng ta đang "ăn bẩn, ăn độc". Ăn bẩn, ăn độc thì người dân cũng chẳng có gì lạ lẫm, mấy năm trước đây thiên hạ cũng ì xèo vụ bánh phở có phọoc môn, là chất để... ướp xác, cá thì ướp u rê là phân bón cây để tươi lâu, nội tạng gia súc thối được tẩy trắng bằng hóa chất. Với trái cây cũng chẳng khá gì hơn, những thông tin về trái cây bị xịt thuốc tăng trưởng, thuốc chín hàng loạt, thuốc trừ sâu... vẫn rộ lên đây đó. Gần đây khi có dịp về một vùng quê miền Tây Nam bộ chơi, chủ nhà quen khi mời ăn trái cây đã nói thật tình đấy là trái cây hái trong vườn nhà, không phun thuốc nên trông xấu nhưng an toàn, chính họ cũng không dám ăn những trái cây trái to, đều, chín vàng mọng nước do nhà vườn ở đây trồng bán cho thương lái, vì biết rõ trái cây ấy đã bị phun nhiều loại thuốc... vân vân... và... vân vân...

Chuyện như thế, la lối ì xèo nhưng mà dân đâu có nhịn ăn được, cho nên mọi chuyện rồi cũng qua, cũng nguôi ngoai. Nhưng mà khi Hội Tiêu chuẩn kia công bố như thế thì hẳn là chuyện hệ trọng. Mà không hệ trọng sao được, khi cũng trên báo Tuồi Trẻ hôm nay có một tin khác dưới đây.

.
Một công ty sản xuất có mấy trăm công nhân mà chỉ trong hai ngày đã xảy ra hai vụ ngộ độc từ bữa cơm tập thể, thì quả là hệ trọng. Đứa con nít cũng có thể biết chắc chắn là do thực phẩm trong bữa ăn, thế thì cái công bố của Hội kia hẳn là đáng cho ta quan tâm. Nhưng mà rồi trên tờ báo lại có cái tin này.




Ở tờ báo Phụ Nữ TP HCM thì đăng tin rõ hơn "Cơ quan quản lý phủ nhận kết quả bún chứa Tinopal", là chất tẩy trắnng huỳnh quang độc hại mà Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người Tiêu dùng đã phát hiện và công bố.


Sau khi thông tin bún độc hại từ kiểm nghiệm của Hội Tiêu chuẩn thì rất nhanh chóng các cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng lạ lùng thay, thay vì các cơ quan này họp báo công bố cách xử lý (hoặc ít ra cũng từ phát hiện này mà tiếp tục xem xét, điều tra tiếp), và hướng dẫn người dân trong vụ trong việc sử dụng thực phẩm sao cho an toàn, thì người ta tranh cãi ì xèo, đưa ra những lý lẽ về mặt thủ tục, pháp lý... để phủ nhận kết quả của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người Tiêu dùng đã công bố cảnh báo. Bên kế bài báo phủ nhận kết quả cũng có một bài khác hướng dẫn người dân tự làm bún tại nhà. Hihi, vậy là an toàn, chắc ăn nhất. Muốn ăn rau sạch ta cũng nên tự mua hạt về trồng lấy rau mà ăn, muốn ăn gà, heo cũng thế, nên tự nuôi thì sẽ không sợ gà, heo bị nuôi bằng chất siêu nạc, siêu trọng, muốn ăn bún, mì sợi, bánh canh, bánh phở, bánh ướt... cũng nên tự mình đi ngâm gạo xay bột mà làm lấy, chắc ăn như bắp...

Nhưng mà rồi lại có cái khó khác, nhà ở thành phố lại trên lầu hai chung cư, cái hiên nhà cũng chẳng có lấy đâu ra đất mà trồng sau sạch, chỗ đâu mà nuôi gà, heo, và chẳng lẽ nhà có vài ba người, mỗi khi muốn ăn tô bún riêu, bún thang, tô mì Quảng, lại phải loay hoay ngâm gạo, đi kiếm chỗ xay bột, rồi mới về nhà tỉ mẩn làm ra được ký bún, ký mì...? Thế là lại phải đành ra chợ mua mà ăn tiếp.

Và rồi tôi cũng phát hiện ra điều này, bao nhiêu năm trôi qua không thể trông chờ vào cơ quan quản lý, cũng không thể mong một sớm một chiều có tiền mua đất lập trang trại, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất thực phẩm... sạch để tự cứu mình. Thế thì ta hãy cứ hồn nhiên mà xơi, người ta hay nói, giày dép cũng còn có số, trời... kêu ai nấy dạ, cách tốt nhất là cứ phó mặc mọi chuyện cho trời, cho số phận. Hehehe! Khỉ thế!




12 nhận xét :

  1. Kiểu này không ăn tất chết
    Mà ăn có khi chết sớm hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đằng nào thì cũng tới chỗ đó phải không bác Bu? Hihi!

      Xóa
  2. Bác Hiệp theo dõi thời sự sát quá!
    Đúng là không biết làm sao. Nhịn ăn cũng chết. Ăn cũng chết. Mà như bác Bulukhin Nguyễn nói, có khi còn chết sớm hơn!
    Thôi thì cứ ăn, đã có số TRỜI định rồi.
    Cái nước Việt Nam mình nó thế
    Bỏ đi chẳng được, ở thì thương!
    Mọi việc phó cho Cụ Trời định
    Còn ta cứ phải CHÉN như thường!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chào bác VuNho ghé nhà, vâng thì xưa nay ông bà ta đã thế, có Cụ Trời tính cho mình rồi, cứ thế mà theo thôi :-))

      Xóa
  3. Không sao, bác Phạm. Tới bữa rồi, tuốt.... đũa thôi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sẵn sàng tuốt đũa dzô vói bác Nô một ly :-))

      Xóa
  4. Chuyện đau đầu đối với các bà nội chợ như em đây, cố gắng tìm nguồn mua rau sạch và các nông sản sạch, hạn chế đến mức tối đa ăn những thứ mà mình biết là nó có chất độc hại... tự mình phải cứu mình thôi chứ trời thì xa quá!

    Không phải là sợ đến ngày trời kêu ai nấy dạ bác ạ, mà chỉ sợ không tự bảo vệ mình đến cuối đời bệnh tật đầy mình, sống lay lắt với bệnh tật thì thật là khủng khiếp!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ui, nếu mà tự cứu được thì hay quá, bây giờ quả là khó khi đi tìm cái "sạch" trong cuộc sống.

      "Toi" thì ai cũng phải toi, nhưng nhắc đến bệnh tật từ những cái không sạch kia thì thật đáng sợ TT nhỉ?

      Xóa
    2. Khó thiệt, hay bác H thử nghiên cứu tu theo kiểu ông Đạo dừa , Đạo chuối, Đạo dưa hấu gì đó thử ((-:

      Xóa
    3. Đạo dừa, Đạo chuối hay Đạo dưa hấu thì hay lắm, nhưng cũng lần về quê mới đây, người dưới quê nói trái chuối, trái dưa hấu bây giờ người ta cũng phun thuốc cho trái to, mập mạp... dưa hấu tết đang chưng trên bàn thờ nổ cái bốp bởi "vô" thuốc kích thích tăng trưởng... Hùhù!

      Xóa
  5. Câu hỏi này cũng sẽ không bao giờ có câu trả lời, trừ khi..., điều dễ hiểu là những người có trách nhiệm trả lời, ngăn chận hoặc xử các vụ mua bán, sử dụng hóa chất độc hại trên thực phẩm, trái cây, rau xanh... vừa ĂN TIỀN (nhận hối lộ) CỦA NHÀ CUNG CẤP VỪA KHÔNG LO CHO BẢN THÂN VÀ GIA ĐÌNH, BÀ CON, HỌ HÀNG VÌ HỌ ĂN UỐNG SẢN PHẨM NHẬP KHẨU, MỘT SỐ THÌ CON CÁI VÀ NGƯỜI THÂN Ở NGOẠI QUỐC. Thôi thì đành chịu vậy bác NHP ơi, tránh ăn ở các hàng quán, hạn chế tối đa sản phẩm nghi ngờ chứ biết thế nào. Sao mà HN cứ nghe như chúng ta sống đồng thời với...anh giáo Thứ thế này!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Những điều bác HN nói bên trên là rất đúng, nhưng cũng "tại anh tại ả". Người trồng trọt, buôn bán bây giờ cũng hiếm thấy có lương tâm, và phổ biến cái lý sự "đâu có thấy ai ăn mà chết (ngay) đâu", cho nên cứ vô tư mà đầu độc nhau, còn những người có chức trách thì "sống chết mặc bay" cho nên mới ra nông nỗi.
      Một xã hội băng hoại từ gốc tới ngọn, huhu!

      Xóa

:) :( :)) :(( =))