Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

Sách.

Đọc báo Tuổi Trẻ (5/7/2013) thấy cái tựa "Chảy máu" tủ sách Huy Cận, nội dung bài viết nói về những quyển sách trong tủ sách của nhà thơ Huy Cận đã "ra đến chợ". Chợ ở đây không phải là chợ trời sách cũ, mà là "chợ" của giới mua đi bán lại các sách quý hiếm và các loại thủ bút, chữ ký.



Bài viết cho biết rất nhiều sách của những người nổi tiếng tặng ông, kèm theo đó là những lời đề tặng, những lời nhắn thể hiện tình cảm bạn bè của ông... Một cái tin làm tôi cảm thấy nao nao, bâng khuâng. Nhà thơ Huy Cận mất đã lâu, người con trai của ông đang vướng vào vòng lao lý... Cuộc sống của những người thân trong gia đình của ông chắc gặp nhiều khó khăn, cũng không rõ là ông có nhiều người con không? Những quyển sách của ông do những ai cất giữ? Nhưng có một điều chắc chắn là việc những quyển sách đã đi ra khỏi tủ sách của ông hẳn là phải do người thân  trong gia đình của ông thực hiện. Chẳng lẽ họ khó khăn đến nỗi phải bán đi những quyển sách ấy? Tôi không nghĩ đến phải như thế.



Cách nay ít lâu, có một khảo sát viết về việc đọc sách của người Việt bây giờ, bình quân người Việt đọc chưa đến một quyển sách trong một năm, tôi xin nhắc lại chưa đến một quyển sách/một năm. Có rất nhiều người đang làm việc trong xã hội, kể cả những người có quyền hành trong nhiều lãnh vực không hề đọc một quyển sách nào. Ở những vùng xa xôi hẻo lánh thì khỏi phải nói, lo cái ăn còn chưa xuể nói chi đến chuyện đọc sách...
 

Tôi phải thú nhận mình là một người hay đọc và mua sách. Trên giá sách của tôi vẫn còn những quyển sách giấy đã úa vàng, có chữ ký của tôi cùng ngày tháng năm tôi đã mua quyển sách ấy, tính đến nay đã ngót nửa thế kỷ. Những quyển từ điển Việt Nam, Hán Việt, Chữ Nôm, Truyện Kiều, Anh Việt, Việt Anh, Pháp Việt, Việt Pháp, Danh nhân thế giới... Tôi đã mua từ khoảng nửa cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, có quyển sách tuổi còn lớn hơn tôi, tôi đã mua lúc còn là một học sinh Trung học ở Saigon, chưa kể rất nhiều sách văn học dịch từ sách nước ngoài, và kể cả sách viết về Phật giáo sau năm 75 đã bị cuộc "cách mạng văn hóa" lúc bấy giờ đến nhà vét sạch. May mắn là những quyển từ điển họ coi là sách học chứ không phải văn hóa đồi trụy nên được tha không bị tịch thu. Sau năm 75 đến nay tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm, đọc và mua những quyển sách mà mình yêu thích, và tôi cũng có cái thói quen tra cứu những gì mình muốn tìm hiểu, không phải chỉ tra cứu trong một vài quyển sách. Tôi thường tra cứu trong nhiều sách vở, từ điển, chẳng hạn về một từ ngữ nào đó. Thật là thú vị một khi mình hiểu được ngọn ngành của một vấn đề, cho dù là nhỏ nhặt...
 

Sách in mới bây giờ giá khá đắt, một quyển sách mới tầm tầm cũng phải bạc trăm trở lên, mà bây giờ hình như lại ít sách hay, vào nhà sách có cả ngàn đầu sách đủ loại, thế mà kiếm cho mình một quyển sách ưng ý thật khó, và một trong cái thú vui của tôi bấy lâu nay là thỉnh thoảng rảo qua mấy nơi bán sách cũ. Ở Saigon có rất nhiều phố bán sách cũ như thế, thượng vàng hạ cám. Có những tiệm bán sách cũ có những quyển sách thuộc loại sách quý hiếm, chẳng hạn có thủ bút của nhà văn Sơn Nam hay Vương Hồng Sển, có những quyển sách xưa xuất bản đã sáu bảy chục năm,  nhiều khi cũ mèm, có khi mất cả bìa họ nói bạc triệu như chơi... Những quyển sách này chắc hẳn là để dành cho những tay sưu tầm sách, như sách của nhà thơ Huy Cận được sưu tầm bên trên.



Ở Saigon,  chuyên rảo bước ngắm nghía ở những vỉa hè bán sách "xon" từ trước năm 75 đến nay, tôi thường mua được những quyển sách mình ưa thích với giá rẻ mạt, chưa bằng một tô phở bình dân, hay thậm chí bằng ổ bánh mì. Có những quyển sách bày bán ở vỉa hè đóng dấu của thư viện trường trung học, trường đại học, của tủ sách gia đình, hay có những dòng đề tặng của ai cho ai đó, không hiểu sao cũng có mặt tại vỉa hè bán sách cũ. Tôi mua được một quyển tự điển dày đến gần hai tấc của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam với chữ ký của người mua và một câu thơ "Phong trần mài một lưỡi gươm/ Những phường giá áo túi cơm sá gì". Với người này sách là thứ quý, nhưng có thể với người khác, sách chẳng là gì cả, chúng chỉ là những tờ giấy bám bụi không hơn không kém, để chật cả nhà, cách tốt nhất là tống khứ chúng đi, để dành chỗ cho những thứ khác...



Mới đây tôi cũng đọc được tin căn nhà ở Saigon mà học giả Vương Hồng Sển đã hiến tặng đang xuống cấp trầm trọng. Nhà lưu niệm của cụ Vương cũng chưa hình thành theo như ý nguyện của cụ, và cũng chẳng biết bao giờ mới có thể mở cửa cho công chúng thưởng ngoạn những gì mà khi sinh thời cụ Vương đã mất biết bao công sức sưu tập, nâng niu. Chẳng biết bây giờ những cổ vật vô giá, trong đó có rất nhiều sách cổ có giá trị cụ đã sưu tầm có còn đầy đủ không? Hay lại cũng như tủ sách của nhà thơ Huy Cận như bài báo đã nêu, đang tứ tán vào tay kẻ khác...


17 nhận xét :

  1. Trả lời
    1. Tủ sách của nhà Huy Cận xứng đáng có mặt trong bảo tàng văn học.

      Xóa
  2. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  3. Các nhà chính khách Việt Nam khi nào nói cũng như sách nhưng lại đọc sách ít nhất thế giới thế mới tài... hihihi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một nghịch lý như trăm ngàn nghịch lý ở xứ sở này :-)))

      Xóa
  4. Sách cũng long đong như người thôi, bác Phạm ơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Long đong phận sách, long đong phận người... có phải không bác Nô?

      Xóa
  5. Xem lại những chữ ký của mình trên sách lại nhớ lại bối cảnh, hoàn cảnh xưa... Như gặp lại bạn cũ anh H nhỉ. Em cũng nghi ai đó đã tán phát sách của Nhà thơ HC.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là xem lại sách cũ có chữ ký của mình sẽ nhớ lại thời gian mình có quyển sách ấy. Sách cũ cũng như bạn xưa vậy.

      Xóa
  6. Có an cư thì mới giữ được tủ sách , bộ sưu tập ...Phải di chuyển rồi cất lại nhà cửa là những lúc tan tác các bộ sưu tập . :(

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ba lần chuyển nhà thì bằng một lần cháy nhà, hihi, nay đây mai đó thì khó giữ được cái gì...

      Xóa
  7. Nghe bác Hiệp nhắc đến sách, biết đến tủ sách bác Bu qua giới thiệu, rồi ngẫm qua chuyện sách của nhà thơ "khai quốc công thần" Huy Cận, lại nghĩ về một số sách khó kiếm của mình đã không còn vì chiến tranh, hỏa hoạn, vì bao cuộc càn "quét sạch văn hóa phẩm phản động đồi trụy" thấy buồn. Lại nghĩ, phận người cũng chẳng là gì, CHHV tuyệt thực thêm vài ngày nữa cũng đi toong thì hãy coi sách và tài sản cũng chỉ là thứ "ngoại bì phu" để nhẹ lòng. Mừng cho bác NHP và anh Bu đến giờ này cũng còn đủ...đồ chơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi chắc hẳn bác HN cũng rất nặng lòng với sách vở, chữ nghĩa. May mắn là từ sau năm 1975 thì tôi đã chỉ ở Saigon, chỗ ở cũng tương đối ổn định, tuy số sách vở tích lũy được không nhiều lắm, nhưng có chọn lọc, nên khi cần vẫn có thể dùng tra cứu nhiều điều.
      Ông CHHV ở trong tù mà biết được tin tủ sách của gia đình đang tứ tán chắc là rầu lắm.

      Xóa
  8. Đọc và nghiên cứu sách cũng như các tài liệu , quả là một phương cách để tích lũy được nhiều kiến thức ! Thế nên em bái phục anh Hiệp vô cùng !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hìhì! Nếu được đi nhiều nơi như NangTuyet mà đọc thêm sách để biết thêm về nơi mình đến là hay lắm đấy :-))

      Xóa
  9. Em đọc được hơn 1 quyển sách 1 năm, thế là cũng hơn mức bình quân rồi, hì hì!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hơn một quyển, có khi là 5o, 100... thế là giỏi quá rồi, hìhì!
      Đọc sách về Phật pháp cũng hay lắm đó TT :-))

      Xóa

:) :( :)) :(( =))