Thứ Tư, 3 tháng 7, 2013

Đá dế.

Mùa hè, mấy hôm nay các sĩ tử khăn gói đi thi đại học. Ra đường dễ dàng bắt gặp những ông bố, bà mẹ ở xa đến thành phố này, cùng với những thanh niên, thiếu nữ con em của họ ngơ ngác trên phố. Tuổi nhỏ, tuổi trẻ bây giờ khác quá xa tuổi nhỏ, tuổi trẻ của mấy mươi năm về trước, Chưa đến hai mươi thời tôi đã một mình xa nhà, đối diện với những hiểm nguy, bất trắc... Còn tuổi nhỏ bây giờ đi chưa vững, nói chưa sõi đã bấm trò chơi trên máy tính bảng, có đứa suốt ngày trong phòng lạnh. Cái thời tuổi nhỏ xưa còn khác xa nữa, mùa hè chẳng có học thêm học nếm gì cả, tha hồ với nắng mưa gió bụi, lăn lóc bờ bụi cùng với lũ nhóc tì hàng xóm, câu cá, bắt dế, đá dế, đá cá lia thia, chơi khăng, chơi u, chơi cù, đánh đáo, hay chơi tạt lon... Một gia đình thời ấy năm bảy đứa con, làm sao lo cho xuể, cho nên trẻ con cứ lớn lên như cây cỏ...

Một trong những trò chơi hấp dẫn của tuổi nhỏ tôi khi hè về, và cũng rất hấp dẫn với đám con nít cùng thời, là đi bắt những con dế, và đá dế. vào nửa cuối thập niên 50, đầu 60 của thế kỷ trước, khi người Mỹ chưa ồ ạt đổ vào miền Nam, thì Saigon còn hoang sơ lắm, bố mẹ tôi từ Bắc vào định cư ở vùng Trường đua Phú Thọ, cách trung tâm Saigon khoảng bảy tám cây số mà đã như nhà quê, ao chuôm mương cỏ, cả rừng cao su ngút ngàn. Thời nhóc tì tôi người ta cũng đã đi bán những con dế cho đám trẻ ranh, đám học trò phá phách làm trò chơi, thời đó những con dế được đựng trong những chiếc lồng đan bằng tre giống như giỏ câu cá, chứ không phải là những chiếc thùng đóng bằng luói như sau này. Họ không chỉ bán những con dế than, dế lửa, mà có khi còn bán cả  những con bọ dừa, cánh cam, cánh quýt nhiều màu sắc cho lũ trẻ.



Những người đi bán dế ấy thường bán vào buổi sáng, họ hay ngồi trước những ngôi trường tiểu học bán cho lũ nhóc. Bán dế thì khỏi phải rao gì hết, bởi những con dế trong giỏ cứ gáy ri ri, ở cách xa lũ nhỏ đã nghe thấy tiếng gáy. Tuy nhiên lũ nhóc bụi đời chúng tôi ít khi phải bỏ năm cắc, một đồng ra mua những con dế về chơi, đến mùa nghỉ hè trời mưa là tụi tôi rủ nhau đi bắt dế. Đám dế thường sống trong những bãi cỏ hoang, chúng làm tổ dưới hang, bắt chúng không khó, khi phát hiện ra hang của chúng có thể lấy đồ đào, hang thường nông chừng vài ba tấc đất, hoặc chỗ nào có nước thì lấy nước đổ vào hang, một lát ngộp thở là chúng phải chui lên. Có khi một buổi đi bắt như thế hai ba đứa được cả trên chục con dế, về nhà chia nhau. Mà chỉ có dế trống là con dế trên cánh của chúng có gân mới gáy và đá được, còn dế mái thì chán lắm, thường là thả đi, hoặc nhà đứa nào có nuôi gà vịt thì mang về cho chúng ăn. Cũng có khi vào buổi tối những con dế bị ánh đèn trong nhà hấp dẫn, chúng thường bay vào nhà và bị lũ nhóc chúng tôi tóm gọn.





Có được những con dế thì phải kiếm đồ đựng chúng, thường là chúng được đựng trong những chiếc hộp bánh bích qui  bằng thiếc hình chữ nhật xin của người lớn, mỗi hộp chỉ nuôi được hai ba con bằng cách lấy bìa ngăn chúng ra, nếu không chúng sẽ cắn nhau chí tử. Trong hộp bỏ một ít cỏ, đất, và tụi nhóc cho chúng ăn giá, rau xà lách xin từ nhà bếp. Khi đá phải xách ria mép của chúng quay cho chúng say rồi thả vào hộp, hoặc bờ tường cho chúng đụng đầu nhau. Gặp nhau là chúng nhe răng, giương cánh xông vào cắn chết bỏ, có khi rụng cả càng, có những con chiến đấu rất hăng, đá đâu thắng đó, tụi nhóc "thần thánh" lên gọi là "dế hang rắn". Thời nhỏ của tôi tụi nhóc chỉ đá chơi với nhau thôi, cùng lắm là "đá bắt xác", con dế đá thua bị người thắng lấy mất.





Những tấm hình bên trên là hai con dế lửa và dế than tôi đã làm bằng những sợi giấy, bây giờ già rồi, ngồi làm những con dế để nhớ lại những kỷ niệm của một thời xa xưa...


24 nhận xét :

  1. Anh H đúng là nghệ nhân, xem hình minh họa tuyệt quá... Bây giờ không biết trẻ con có đá rế nữa không. Nhà em có cái bát đá dế, nghe nói từ thời Minh, nhưng không có chữ nghĩa gì. Chắc cái đó dành cho các công tử.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ra cổng đình ngồi làm mấy con này cho con nít chơi, giống như mấy nghệ nhân nặn con tò he ấy Toro :-))

      Xóa
  2. Mấy con dế robot thật ngầu , chắc là bất bại :)

    Trả lờiXóa
  3. Bạn có tâm hồn nghệ sỹ và bàn tay của thợ bậc cao. Giá hồi xưa đi học nghề y thì trong mổ xẻ bạn sẽ là đại thiện xạ.
    Bọn cháu ngoại cháu nội của bu nửa thế kỷ sau hỏi dế là gì chắc chúng phải tra tự điển. Chúng nó tách khỏi thiên nhiên và sống với máy móc, riết rồi chúng cũng thành máy luôn chăng !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hihi, bọn con nít khoái mấy con này, thỉnh thoảng có nơi mời hướng dẫn cho đám trẻ con (và cả người lớn làm). Tôi làm mấy con này phải dùng mấy cái dụng cụ mổ xẻ trong y khoa :-)

      Loại nhà chung cư cao cấp bây giờ biến trẻ con thành... đồ hộp giữa 4 bức tường kín mít. Có những nơi tôi biết suốt ngày đóng kín phải dùng máy lạnh, trẻ con, người lớn chẳng còn biết trời đất là gì!

      Xóa
  4. hix, bây giờ trên thành phố trẻ con chơi đá dế biết còn bao nhiêu đứa.
    tay nghề của bác Hiệp thiệt là quá cao siêu :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hôm nào ra cửa đền Đức Thánh Trần ngồi làm, hihi!

      Xóa
  5. Bây giờ cái trường đua Phú Thọ ấy đã trở thành cao lầu rồi anh Hiệp ơi! Tìm đâu ra dế mà chơi nữa, tuy nhiên nếu về khu nhà của bà già ở thì vẫn còn đầy rắn, ốc bươu, bướm, dế, ếch ễnh ương và cỏ dại đó nhé! Hôm rồi còn thêm một tổ ong ruồi nữa chứ! Hihi.. vẫn còn có tí hương đồng cỏ nội quẩn quanh sân nhà.. :) khekhe..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế là một ký ức của Saigon đã bị xóa sổ. Khu nhà của Chị già thiên nhiên quá nhỉ? Hay lắm đấy :-))

      Xóa
  6. Nó giống quá nên nhìn thấy ... sờ sợ . Dế , gián gì cũng sợ khiếp đừng nói tới chuyện bắt dế , hihi ...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thoáng nhìn tưởng là con dế thiệt, hìhì! Người này dám xơi chuột đồng mà lại sợ con gián con dế :-))

      Xóa
    2. Đừng nhìn thấy con chuột đồng, chỉ nhìn thấy miếng thịt nướng thơm ngon trên than hoặc rơm thì ngon lắm đấy anh Hiệp ạ! nhưng đó là ăn cách đây gần 40 năm cơ, bi giờ thì có cho vàng cũng sợ.. hẻm dám nữa.. hihiiiiii

      Xóa
    3. Hihi, nói giống thiền sư quá, dân Nam bộ mà không biết xơi thịt chuột, rắn, rùa thì không phải người miến Nam, nhưng bây giờ có nhiều người Bắc cũng chẳng dám đụng đến mắm tôm.

      Sáng nay Tiểu tôi có đi cùng Trưởng lão ghé qua mấy hàng sách cũ... Chị M. ở đâu thế?

      Xóa
    4. Hehe, ăn thịt chuột đồng cũng là một văn hóa ẩm thực đấy thôi , từ hồi bé xíu đã được cho ăn và chỉ biết là con vật này ăn lúa , ăn đọt dừa nên xơi nó như một món ăn truyền thống dzậy , hihi ...
      Còn bây giờ với con mắt nhìn đâu cũng thấy đáng nghi ngờ thì đúng như chị TTM nói thật ((-:

      Xóa
    5. Thiên nhiên Nam bộ rất ưu đãi con người, mấy trăm năm trước người dân di cư từ miền Trung, Đàng ngoài, đã tìm thấy nơi đây nguồn thực phẩm dồi dào, cá, cua, rùa, rắn, chuột..., ngay cả lúa cũng có loại chẳng phải gieo trồng, lúa trời lên theo mùa nước nổi, khi chín cứ bơi xuồng mà gặt... Loại chuột dừa chuyên sống trên cây dừa ăn đọt dừa non, nghe nói rô ti, nướng, nhậu bá cháy.

      Chuột ở chợ miền Tây nhốt trong lồng chắc là chuột đồng thiệt, chứ ở thành phố cũng đáng ngờ lắm, hìhì!

      Xóa
    6. Sáng nay mới đọc trên báo cái tin rất hay, là sẽ cho đặt tên đường phố bằng tên các loài hoa lá, đặc sản... Như vậy rồi đây sẽ có những tên đường, đại loại (nhất là ở miền Tây), Bông Súng, Khế Chát, Rau Đắng, Đọt Xoài Non vân vân..., và những tên đường đặc sản như Chuột Đồng Khìa Nước Dừa, Cua Đinh Hấp Xả, Rắn Xào Xả Ớt, Rùa rang Muối... Hay quá.

      Xóa
  7. Bác Hiệp khéo tay làm cái gì cũng giỏi, ngưỡng mộ quá!

    Trả lờiXóa
  8. Chuyện dế của bác gợi nhớ cả một thời tuổi nhỏ và những con dế giấy tuyệt đẹp!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dân ngoại ô trước năm 75 ở những TP lớn miền Nam đều có tuổi thơ "đất cát" như thế :-))

      Cũng giống như bác vẽ ký họa thôi mà :-))

      Xóa
  9. Hồi xưa dưới Nguyễn Huệ còn bán dế, bán sâu cho chim, không biết bây giờ có còn. Bác Hiệp làm mấy con dế thiệt đẹp, ngưỡng mộ quá. Còn chuyện đặt tên đường bằng tên hoa, lá là chuyện buồn chứ sao vui? Dễ chừng chúng nó bỏ tên các anh hùng dân tộc đổi thành hoa lá cành thì tiền đổi tên đó là tiền thuế, chúng nó lại tiếp tục xơi!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bây giờ Nguyễn Huệ hết bán rồi, dời về đường Lê Hồng Phong chỗ bến xe Ngã Bảy hồi xưa, chuyên bán sâu, cào cào, dế cho chim ăn.
      Chắc không đến nỗi bỏ tên đường các anh hùng dân tộc, bây giờ khu dân cư mới mọc lên nhiều quá, anh hùng cũng hết đành phải lấy tên hoa lá mà đặt thôi, hihi! Đặt tên đường hoa lá cành còn có lý chứ lấy tên đặc sản mà đặt thì không hiểu gì mấy :-)) Chẳng lẽ lại đặt là đường Kẹo Chuối hay đường Kẹo Dừa...?

      Xóa
  10. tôi chơi hai con dế lữa mà từ sáng đến trưa vẫn chưa con nào chạy

    Trả lờiXóa

:) :( :)) :(( =))